Bài của Dương Danh Dy
Tháng 9 năm 1977, tôi được lãnh đạo Bộ Ngoại giao Việt Nam cử
sang làm Bí thư thứ nhất tại Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh, chuyên làm công
tác nghiên cứu.
Quan hệ hai nước Việt Trung, từ lúc tôi ở trong nước đã xấu, lúc
này càng xấu đi từng ngày.
Dòng “nạn kiều” dưới sự kích động của nhà đương cục Trung Quốc
vẫn lũ lượt kéo nhau rời khỏi Việt Nam, một phần về Trung Quốc một phần đi sang
các nước khác.
Lấy lý do cần có tiền để “nuôi nạn kiều”, ngày 13/5/1978 lần đầu
tiên nhà cầm quyền Trung Quốc tuyên bố cắt một phần viện trợ không hoàn lại đã
ký cho Việt Nam và rút một bộ phận chuyên gia về nước.
Không lâu sau đó, ngày 3/7/1978 chính phủ Trung Quốc tuyên bố
cắt hết viện trợ và rút hết chuyên gia đang làm việc tại Việt Nam về nước.
Xung đột biên giới trên đất liền, nhất là tại điểm nối ray trên
đường sắt liên vận Hà Nội-Bằng Tường ngày càng tăng (có lúc có nơi đã xảy ra đổ
máu).
Chuẩn bị tình huống xấu
Tháng 7 năm 1978 chúng tôi được phổ biến Nghị Quyết TW 4, tinh
thần là phải thấu suốt quan điểm nắm vững cả hai nhiệm vụ vừa xây dựng kinh tế
vừa tăng cường lực lượng quốc phòng, chuẩn bị tốt và sẵn sàng chiến đấu.
Tháng 11 năm 1978 Việt Nam ký “hiệp ước hữu nghị và hợp tác”
với Liên Xô.
Đến tháng 12 năm 1978 mọi việc chuẩn bị cho tình huống xấu nhất
trong đại sứ quán đã làm xong. Sứ quán nhận được máy phát điện chạy xăng (và đã
cho chạy thử), gạo nước, thực phẩm khô đã được tích trữ đầy đủ, đại sứ quán mấy
nước anh em thân thiết cũng nhận được các đề nghị cụ thể khi bất trắc xẩy ra…
Tôi được đồng chí đại sứ phân công đọc và lựa chọn các tài liệu
lưu trữ quan trọng, cái phải gửi về nhà, cái có thể hủy.
.
Tháng 12 năm 1978 trong chuyến thăm mấy nước Đông Nam Á, trong một cuộc trả lời phỏng vấn, Đặng Tiểu Bình vừa hùng hổ vừa tức tối nói một câu không xứng đáng với tư cách của một người lãnh đạo một nước được coi là văn minh: “Việt Nam là côn đồ, phải dạy cho Việt Nam bài học”.
.
Tôi không bao giờ có thể quên vẻ mặt lỗ mãng và lời nói “bạo đồ” đầy giọng tức tối của ông ta qua truyền hình trực tiếp và tiếng người phiên dịch sang tiếng Anh là “hooligan” - tức du côn, côn đồ.
Rồi ngày 22 tháng 12 năm 1978, Trung Quốc đơn phương ngừng vận
chuyển hành khách xe lửa liên vận tới Việt Nam, rất nhiều cán bộ, sinh viên
Việt Nam từ Liên Xô Đông Âu trở về bị đọng lại trong nhà khách sứ quán chờ
đường hàng không và cuối cùng đến đầu tháng 1 năm 1979 đường bay Bắc Kinh Hà
Nội cũng bị cắt.
Đầu tháng 1 năm 1979 quân đội Việt Nam bất ngờ phản công trên
toàn tuyến biên giới Tây Nam, chỉ trong thời gian ngắn đã đập tan sức chống cự
của bè lũ Polpot, tiến vào giải phóng Phom Penh. Đây cũng là điều mà Đặng Tiểu
Bình không ngờ.
Lại một quả đắng khó nuốt nữa đối với nhà lãnh đạo Trung Quốc
này.
'Không đánh nhau không xong'
Cuối tháng 1 năm 1979 Đặng Tiểu Bình thăm Mỹ, được Tổng thống
Carter đón tiếp với nghi lễ rất cao, hai nước quyết định thiết lập quan hệ
ngoại giao, và không biết còn bàn bạc gì nữa? Trên đường về nước Đặng Tiểu Bình
ghé qua Nhật Bản.
Trước những tình hình trên, một số anh em nghiên cứu chúng tôi
đã khẳng định khá sớm: hai nước anh em thân thiết như răng với môi này không
đánh nhau một trận không xong!
Lý trí mách bảo như vậy, thậm chí còn mách bảo hơn nữa: Trung
quốc đã từng gây cuộc chiến tranh biên giới với Ấn Độ và nhất là với Liên Xô và
cả hai lần họ đều bất ngờ ra tay trước.
Thế nhưng về mặt tình cảm (bây giờ nhìn lại thì còn có cả sự
ngây thơ, cả tin nữa) vẫn hy vọng dù chỉ là chút ít thôi: quan hệ Việt Trung đã
từng gắn bó, sâu nặng như vậy, họ không thể một sớm một chiều trở mặt được.
Không nói tới những khoản viện trợ to lớn có hiệu quả, những
tình cảm thân thiết như anh em trước đây, mà ngay trong những giờ phút căng
thẳng này, tôi vẫn không thể quên được những việc làm tốt hay tỏ ra biết điều
của một số cán bộ Trung Quốc:
Năm 1977, Nhà máy dệt Vĩnh Phúc do Trung Quốc viện trợ cho ta,
sau một hồi chạy thử vẫn không hiện đúng màu nhuộm cần thiết, một kỹ sư Trung
Quốc đã bí mật cung cấp cho ta bí quyết. Khi các chuyên gia Trung Quốc khác
thấy kết quả đó, không biết do ai chỉ đạo, họ đã “xử lý” một cách tàn bạo, anh
bị đánh tới chết.
Khi đoàn chuyên gia Trung Quốc thi công cầu Thăng Long bị cấp
trên của họ điều về nước, một số đồng chí đã để lại khá nhiều bản vẽ, tài liệu
kỹ thuật về chiếc cầu này cho ta. Tôi biết chiếc cầu Chương Dương do ta tự
thiết kế thi công sau này đã dùng một số sắt thép do phía Trung Quốc đưa sang
để dựng cầu Thăng Long.
Mặc dù khi truyền hình trực tiếp , Trung Quốc không thể cắt được
câu nói lỗ mãng của Đặng Tiểu Bình: Việt Nam là côn đồ, nhưng báo chí chính
thức ngày hôm sau của Trung Quốc đã cắt bỏ câu này khi đưa tin ( chỉ còn đăng
câu “phải dạy cho Việt Nam bài học” , nghĩa là đỡ tệ hơn).
Chúng tôi đã làm gì?
Trong bối cảnh trên, cuộc chiến tranh biên giới đẫm máu ngày
17/2/1979 do nhà cầm quyền Trung Quốc - mà người chủ xướng là Đặng Tiểu Bình,
phát động, về tổng thể không bất ngờ đối với chúng tôi, nhưng về thời gian cụ
thể và nhất là về qui mô binh lực mà Trung Quốc sử dụng thì quả là không tính
tới.
Sau này những day dứt về dự báo không chính xác trên đã có phần
giảm bớt, khi được biết có một số cán bộ trung cấp và một số đơn vị quân đội
Trung Quốc chỉ sau khi đã tiến vào lãnh thổ nước ta rồi họ mới biết là phải đi
đánh Việt Nam.
10 giờ tối ngày 17/2/79( tức 9 giờ tối Việt Nam) tôi bật đài
nghe tin của đài tiếng nói Việt Nam, không thấy có tin quan trọng nào liên quan
đến hai nước, tôi chuyển đài khác nghe tin.
Khoảng 10 giờ 30 phút đồng chí Trần Trung, tham tán đại biện lâm
thời( thời gian này đại sứ Nguyễn Trọng Vĩnh về Việt Nam họp) đến đập mạnh vào
cửa phòng tôi: Dy, lên phòng hạnh phúc họp ngay, Trung Quốc đánh ta rồi!
Ít phút sau, một số đồng chí có trách nhiệm đã có mặt đông đủ.
Đồng chí Trần Trung phổ biến tình hình nhà vừa thông báo: sáng sớm ngày 17/2,
bọn bành trướng Trung Quốc đã tấn công trên toàn tuyến biên giới trên đất liền
( 6 tỉnh của Việt Nam lúc đó) với qui mô 20 sư đoàn bộ binh.
Hai sư đoàn chủ lực của ta cùng với bộ đội địa phương và anh chị
em dân quân du kích đang anh dũng chống trả.
"Nhiệm vụ của chúng ta bây giờ là dịch ngay bản Tuyên Bố
của chính phủ ta ra 3 tiếng Trung, Anh, Pháp để phục vụ cho cuộc họp báo quốc
tế sẽ phải tổ chức và để thông bào càng rộng càng tốt cho một số nhân dân Trung
Quốc biết rõ sự thực."
Bộ phận dịch tiếng Trung, dưới sự chỉ huy của anh Thái Hoàng-Bí
thư thứ nhất, gồm hai đồng chí Hoàng Như Lý, bí thư thứ ba và Chu Công Phùng
cán bộ phòng chính trị, đã dịch văn bản một cách “ngon lành”; đồng chí Lê Công
Phụng, bí thư thứ ba phụ trách phần dịch tiếng Anh cũng không vất vả gì; riêng
phần tiếng Pháp, đồng chí Minh, phiên dịch tiếng Pháp do mới ra trường không
lâu, nên có đôi lúc tỏ ra luống cuống.
Guồng máy dịch, in roneo, soát, sửa lại bản in nhanh chóng chạy
đều, mọi người làm việc không biết mệt với lòng căm giận bọn bành trướng.
Thi thoảng mấy câu chửi bọn chúng như kìm nén không nổi lại khe
khẽ bật ra từ vài đồng chí. Không căm tức uất hận sao được?
Khi chúng tôi hoàn thành công việc thì trời đã hửng sáng (đài
BBC sau đó đã đưa tin, tối ngày 17/2/1979 toàn Đại sứ quán Việt Nam để sáng
đèn).
Những người ngoài 40, 50 chúng tôi sau một đêm vất vả không ngủ
vẫn tỏ ra bình thường nhưng riêng hai đồng chí Phùng và Minh đang tuổi ăn tuổi
ngủ, tuy được đồng chí Đặng Hữu-Bí thư thứ nhất, tiếp sâm, nhưng vẻ mặt sau một
đêm căng thẳng đã lộ nét mệt mỏi. Thương cảm vô cùng.
Tuy vậy, chúng tôi đã nhanh chóng bước vào ngày làm việc mới với
tất cả sức mạnh tinh thần và lòng căm thù bọn bành trướng bá quyền, nước lớn.
Quá khứ 30 năm
Cuộc chiến tranh do nhà cầm quyền Bắc Kinh mà người chủ xướng là
Đặng Tiểu Bình gây ra, kết thúc đã 30 năm.
Sau khi bình thường hóa, quan hệ hai nước nhìn chung phát triển
khá tốt.
Tuy nhiên cần nhấn mạnh một điều, vì nghĩa lớn, chúng ta đã thực
hiện đúng lời cam kết: không nhắc lại chuyện cũ. Nhưng ở phía bên kia, một số
kẻ không biết điều, vẫn thường xuyên, xuyên tạc sự thật lịch sử, rêu rao, tự
cho là đã “giành thắng lợi”, là “chính nghĩa”, là “Việt Nam bài Hoa, Việt Nam chống
Hoa, Việt Nam “xua đuổi nạn kiều”, Việt Nam xâm lược Cămpuchia” v.v..
Cho đến hôm nay, một số cuốn sách lịch sử, sách nghiên cứu,
không ít bài thơ, truyện, ký…vẫn nhai lại những luận điệu trên dù hai nước đã
bình thường hóa quan hệ được gần hai chục năm.
.
Tôi nghỉ hưu đã được hơn mười năm nhưng do vẫn tiếp tục nghiên cứu về Trung Quốc, nên thỉnh thoảng vẫn có dịp gặp các bạn cũ công tác tại Bộ Ngoại Giao Trung Quốc trước đây cũng như nhiều học giả Trung Quốc.
.
Tôi nghỉ hưu đã được hơn mười năm nhưng do vẫn tiếp tục nghiên cứu về Trung Quốc, nên thỉnh thoảng vẫn có dịp gặp các bạn cũ công tác tại Bộ Ngoại Giao Trung Quốc trước đây cũng như nhiều học giả Trung Quốc.
Không dưới một lần tôi đã thân tình và nghiêm túc nhắc họ: nếu
các bạn chỉ nhận phần đúng trong những việc xảy ra trong thời gian trước đây,
đổ hết lỗi cho cho người khác thì quan hệ Việt Trung dù ai đó có dùng những chữ
vàng để tô vẽ cũng không thể nào xóa bỏ được những vết hằn lịch sử do người
lãnh đạo của các bạn gây ra, quan hệ hai nước không thể nào thực sự phát triển
tốt đẹp được, vì những hoài nghi lớn của nhân dân hai bên chưa được giải tỏa?
Mong rằng một số nhà lãnh đạo Trung Quốc hiện nay nên nhớ chuyện
sau: nếu không biết lời dặn của Chủ tịch Mao với đoàn cố vấn Trung Quốc khi
sang giúp Việt nam thời kỳ chống Pháp: ‘Tổ tiên chúng ta trước đây đã làm một
số việc không phải với nhân dân Việt Nam, các anh sang giúp nước bạn lần này là
để trả nợ cho cha ông’; và nếu không thấy trong chuyến thăm Việt Nam lần đầu
tiên sau khi hòa bình lập lại ở miền Bắc, Thủ tướng Chu đã tới dâng hương tại
đền thờ Hai Bà, thì chắc chắn những người Việt Nam thời đó không dễ quên được
chuyện cũ để nhanh chóng hòa hiếu với Trung Quốc như sau đó đâu?
Vết thương chung phải do cả hai bên cùng đồng tâm, thành ý chữa
trị thì mới có thể lành hẳn.
Chúng ta không nói lại chuyện cũ là vì nghĩa lớn, chứ không phải
vì chúng ta không có lý, không phải vì người Việt Nam sợ hãi hay chóng quên.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét