Bài của Nguyễn Phan Khiêm
Hôm qua nói các thầy cúng, tiện thể hôm nay nói thêm các thầy đồ
mới. Xin dẫn chứng bằng mấy tấm hình anh em yêu Hán Nôm thu gom để dễ bàn.
Mở đầu các bài văn tế ngày xưa
thường có câu: "Vật bản hồ Thiên, Nhân bản hồ Tổ", nghĩa là mọi vật
do Trời sinh ra, mọi người hình thành do Tổ. Trong đó Hồ là giới từ, trong câu
này có thể dịch là “do”, “ở” … nhưng Thầy chắc tra Google ẩu đã thay chữ hồ đó
bằng chữ Hổ, con hổ. Vì vậy bức hoành đáng lẽ viết “BẢN HỒ TỔ” thành ra “BẢN HỔ
TỔ”.
Bản Hổ Tổ, nghĩa là Gốc ở
con/loài hổ. ( ảnh 1)
Ở bức hoành chắc treo ở đình, đền
có bốn chữ “SẮC PHONG THƯỢNG ĐẲNG” nghĩa là Thần ở đây đã được Vua ban sắc
phong là Thượng đẳng thần. Tiếc là chữ Sắc, chỉ loại văn bản hành chính của
vua, bị viết nhầm thành Sắc đẹp, sắc màu… (ảnh 2)
Một bức khác ở chùa có hoành phi
đề bốn chữ quen thuộc “ĐẠI HÙNG BẢO ĐIỆN” nghĩa là Điện quý thờ Phật, "Đại
Hùng" là cách gọi tôn quý Phật tổ Thích Ca Mâu Ni, ý nói Cụ có sức mạnh
hàng phục tứ ma. Trong kinh Pháp Hoa có lời tán tụng như sau: "Thiện tai,
thiện tai Đại Hùng Thế Tôn (tốt lành thay, tốt lành thay, đức Thế tôn Đại
Hùng). Nhưng ở đây thay vì chữ HÙNG là hùng mạnh thì Thầy cho chữ HÙNG là con
Gấu. Do đó, bốn chữ này có nghĩa là Điện quý thờ gấu to. (ảnh 3)…
Còn nhiều nữa nhưng xin dẫn ba ví
dụ thôi. Ở nhà thì vái lạy tổ tiên con Hổ, ra đình làng thì vái lạy Sắc đẹp,
sang chùa thì lạy con Gấu… Tâm linh người Việt đang ở giai đoạn nào kỳ vậy?!
Các cụ vốn khiêm tốn, không phải
ai cũng dám cho chữ, nhất là làm hoành phi câu đối, khắc bia… nhưng nay thì các
Thầy mọc lên như nấm, cứ Google mà chơi, dễ dàng quá. Xã hội bây giờ cũng lắm
tiền, làm hoành phi câu đối dễ quá nên họ cũng chả coi trọng nội dung, miễn là
có để trang trí, để “thể hiện” vậy thôi. Và thế là rác lên bàn thờ…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét