Nguyễn Thanh Phong
Nguyên tắc chính của ngữ âm là một âm ứng với một ký tự, nhưng
cách đánh vần của GS Hồ Ngọc Đại vi phạm hoàn toàn.
Mấy ngày nay tôi nghe các phản biện về cách học Tiếng Việt theo
chương trình sách công nghệ. Với tư cách phụ huynh có con sắp bước vào năm học
đầu tiên bậc tiểu học, tôi cũng không muốn con học theo chương trình này, bởi
các lý do.
Thứ nhất, tôi muốn nói về cách dùng hình vuông, tròn, tam
giác... Mục đích thứ nhất là đếm tiếng trong câu. Điều này là không cần thiết
với Tiếng Việt. Trong Tiếng Anh có rất nhiều tiếng đa âm. Ví dụ
"computer" bao gồm ba âm. Ngoài ra họ còn âm gió, âm câm... Vì một từ
có thể đa âm nên họ nói rất nhanh trong giao tiếp dẫn đến khó nghe, nghe nhầm.
Chưa kể cách đọc các âm còn phụ thuộc vào trọng âm (trọng âm rất quan trọng
trong tiếng Anh). Vì vậy, cách phân tách các từ thành từng âm rất phù hợp để
người học không bỏ sót âm trong từ và dễ dàng trong việc xác định trọng âm.
Nhưng với Tiếng Việt thì không có bất cứ từ đa âm nào. Các từ
ghép cũng là ghép từ từ đơn âm và cách nhau rõ ràng bằng khoảng trắng. Như vậy
bản thân cách viết Tiếng Việt là rõ ràng, không thể nhầm từ, bớt hay bỏ qua âm
được. Sinh ra các hình tượng trưng làm lãng phí chi phí in ấn, bắt học sinh nhớ
thêm khái niệm "vật thật", "vật ảo" trừu tượng mà không
dùng để làm gì trong thực tế.
Kể từ khi trẻ biết nói, rồi 2-3 năm mẫu giáo, việc đọc tiếng đã
không còn là vấn đề với trẻ. Chưa nói hiện nay rất nhiều trẻ đã qua giai đoạn
nghe tiếng (các bé có thể học thuộc rất nhiều bài hát, thơ, truyện) và còn học
chữ ngay từ mẫu giáo nên giáo dục tiểu học nên bắt đầu ngay với việc học chữ,
chứ không nên quá chú trọng vào kỹ năng nghe, đọc vẹt nữa.
Mục đích thứ hai khi dùng các hình vuông, tam giác, tròn... để
tách các vần trong từ (tách nguyên âm và phụ âm) cũng là không cần thiết vì kể
cả học theo cách cũ thì học sinh cũng học từ chữ cái trước rồi đến ghép vần.
Trong đó chỉ rõ phần nguyên âm và phụ âm, sau đó đánh vần từng phần để ghép
thành từ. Các cháu hoàn toàn có thể phân biệt được đâu là nguyên âm hay phụ âm
và các phần của từng từ.
Thứ hai, với cách đánh vần c, k, q đều đọc là "cờ" và
gi, d, r đều đọc là "dờ", tôi thấy làm mất đi sự phong phú của Tiếng
Việt và vô lý. Nguyên tắc chính của ngữ âm là một âm ứng với một ký tự. Cách
của GS Hồ Ngọc Đại vi phạm hoàn toàn nguyên tắc cơ bản này khi một âm được thể
hiện bằng ba ký tự khác nhau. Việc đồng âm gây nhiều khó khăn cho việc học viết
(ta cứ vào vùng ngọng l, n mà xem, họ không những không phân biệt nổi l, n khi
nghe người khác nói mà còn đa số sẽ viết sai hai vần này. Trong thực tế tại nơi
tôi ở học sinh bắt đầu phải hỏi lại khi nghe để viết rằng dùng cờ hay cờ ca, cờ
quy).
Nếu đều đồng âm là "cờ" thì khi đọc các từ c, k, q và
khi viết cùng nhau ta sẽ đọc như thế nào? Qua nhiều thế hệ ta sẽ không có cách
nào đọc nổi khi không còn khái niệm đọc thứ hai là "ca",
"quy" nữa. Nếu không đọc theo âm mà đọc theo tên chữ thì tạo rắc rối cho
học sinh lúc đọc âm, lúc đọc tên chữ.
Hơn nữa, Tiếng Việt cũng có một quy tắc đơn giản nhất là đọc sao
viết vậy. Tiếng Việt vì vậy còn không cần phân biệt tên chữ với âm đọc. Cái hay
nhất của việc này là không cần kiến thức chuyên ngành ngôn ngữ, cách đọc và
viết cùng thống nhất. Đọc xong là viết được ngay không cần thêm quy tắc gì đi
kèm. Cách của GS Hồ Ngọc Đại đã bỏ quy tắc phổ quát nhất này để sáng tạo ra các
quy tắc viết khác rườm rà hơn như tôi sẽ nói dưới đây.
Có quy tắc để khi nào dùng c, k hay q, nhưng như vậy là tư duy
ngược làm chậm quá trình viết. Khi nghe đọc, học sinh phải hình dung ngay ra
cấu tạo của từ đó để biết chữ đứng sau đó là chữ gì rồi mới nhớ lại quy tắc sử
dụng c, k, q. Như vậy là tư duy ngược, đi ngược lại hoàn toàn quy tắc viết của
Tiếng Việt là đọc sao ghi vậy.
Đã thế nó cũng không thể giải quyết nổi các từ bất quy tắc, ví
dụ "quốc", "cuốc", "khước", "cước",
"khe", "que"... Với các từ này thì các em buộc phải ghi nhớ
hoặc hỏi lại và khi hỏi lại thì thật đau đầu vì không có cách nào nói cho các
em biết được dùng c, k hay q (sẽ có câu hỏi là dùng cờ hay cờ ca, cờ quy như
tôi đã nói bên trên ấy. Điều này thực tế đã xảy ra với địa phương tôi đang ở).
Cách đọc gi, d, r đều đọc là "dờ" còn vi phạm nguyên
tắc ngữ âm nghiêm trọng hơn nhiều, nhưng lại được "hợp lý hóa" bằng
cách cho rằng dựa vào cách phát âm của "người Hà Nội"! Cái này thật
vô lý.
Thứ ba là các vần ghép. Với các vần iê, yê, ia, ya đều được đánh
vần là /ia/ vừa vô lý vì không giải thích được cho trẻ tại sao viết khác nhau
lại đọc giống nhau mà còn có vấn đề về ghép vần. Vần trong Tiếng Việt vừa có
thể đứng một mình để phát âm thành tiếng, vừa có thể thêm phụ âm để tạo thành
từ khác. Nói cách khác, nếu đã đánh vần được vần đó thì sẽ có thể thêm phụ âm
để tạo thành một từ khác.
Nếu theo cách cũ sẽ không tồn tại vần iê, yê, ya (vì không đánh
vần được), do vậy cũng không thể ghép một phụ âm nào với các vần đó được. Học
sinh sẽ hiểu là không tồn tại từ (cách viết) đó trong Tiếng Việt. Nếu giờ theo
cách mới nó có thể đánh vần được là /ia/ thì ta cũng có thể có chữ là
"kya, kiê, kyê" đều đọc là "kia". Thật vô lý!
Học sinh theo chương trình mới sẽ không biết được từ đó có tồn
tại hay không trong khi đó nếu học chương trình cũ thì sẽ biết ngay rằng không
thể có cách viết đó được vì không đánh vần được. Cái này hữu ích cho người nước
ngoài vô cùng khi học Tiếng Việt. Ngoài ra còn một số vần ghép nữa cũng được
đồng âm mà lẽ ra là không thể có.
Thứ tư, tôi muốn đề cập về cách đánh vần mới. Tựu trung lại sẽ
có hai quy tắc đánh vần. Thứ nhất là đánh vần tiếng có thanh ngang trước (đánh
vần ghép nguyên âm cùng phụ âm). Thứ hai là với tiếng có thanh thì sẽ đánh vần
tiếng đó với thanh ngang rồi thêm thanh sau. Học sinh phải nhớ đến hai cách
đánh vần (trong đầu sẽ tự động phân thành hai giai đoạn: đánh vần thanh ngang
rồi ghi nhớ tiếng thanh ngang sau đó đánh vần với thanh (dấu) đi kèm). Rõ ràng
là phải nhìn tổng thể rồi nhớ lại quy tắc để lựa chọn đánh vần theo cách nào,
như thế làm chậm đi quá trình đánh vần.
Trong khi đó theo cách cũ ta chỉ cần nhớ một quy tắc đánh vần
duy nhất: Đánh vần nguyên âm ghép với phụ âm rồi thêm thanh (dấu), không cần
phân biệt tiếng đó là tiếng thanh bằng hay có thanh đều dùng chung một quy tắc.
Rõ ràng là tính thống nhất trong cách đánh vần cũ bao quát hơn và đơn giản. Hơn
nữa, cách đánh vần theo kiểu mới chỉ để đánh vần cho giai đoạn đầu học chữ chứ
không có ích gì. Trong khi đó theo cách cũ ta có lợi ích rất lớn.
Tôi lấy ví dụ một người không biết viết chữ "khách"
như thế nào. Nếu theo cách mới đánh vần là "khach - sắc - khách",
chẳng để làm gì cả. Theo cách cũ đánh vần "khờ - a - chờ - ách - sắc-
khách" hoặc "a - chờ - ách - khờ - ách - khach - sắc - khách",
hoặc "khờ - a- chờ - ách - khờ - ách - khach - sắc - khách" ta sẽ
viết được tiếng đó ngay. Cái này vô cùng có ích với người nước ngoài học Tiếng
Việt hoặc người chưa biết hình dạng chữ đó như thế nào. Đánh vần bình thường
thì dài dòng hơn, nhưng lại phù hợp với tốc độ viết khi chưa biết viết như thế
nào.
Thứ năm, tôi muốn đề cập nội dung khác trong sách công nghệ. Đã
có nhiều người chỉ ra những bất cập trong cách dùng từ, trích đoạn bài viết,
các câu chuyện trong sách tôi sẽ không đề cập sâu vào đó vì đó hoàn toàn có thể
thay đổi trong các lần tái bản. Tuy nhiên, tôi chỉ nói rằng, các từ ít phổ
thông, từ khó thì bản thân nó đã được ít sử dụng trong cuộc sống nên cũng không
cần phổ biến làm gì. Việc đó sẽ tiếp tục được trau dồi trong suốt 12 năm học và
suốt phần đời sau này.
Ở giới hạn học sinh "vỡ lòng" chỉ nên dạy những cái
phổ biến và những cái mang tính đơn giản, rõ ràng, không đưa nội dung đa chiều
vào bài học gây ra tranh cãi không cần thiết. Đến như Toán học hay Vật lý ta
cũng chấp nhận các tiên đề, mệnh đề mà không cần phải chứng minh tính đúng đắn
thì tại sao lại nói dạy trẻ những cái có sẵn là áp đặt, không cho trẻ phản
biện.
Tôi nghĩ ở giai đoạn đầu này là lúc để kinh nghiệm và các đúc
kết giáo dục cũ thể hiện được tinh hoa, tính nhân văn của mình chứ không phải
để tư tưởng giáo dục mới phủ định và bài trừ hoàn toàn.
(Nguyễn Thanh Phong)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét