Việt
Nam, ‘tiền đồ tăm tối’ bởi những nhà giáo dục “dởm”
Thứ ba, 04/09/2018,
16:02 (GMT+7)
(Giáo dục) - Cổ nhân có câu “lương sư hưng quốc”. Nhưng bất hạnh thay là nước Việt Nam hôm nay, “lương sư” đang ngày ngày càng hiếm; trong khi những nhà sư phạm “nửa mùa”, thích lôi người người học ra làm chuột bạch thí nghiệm với các sáng kiến lạ đời, thì lại nhiều nhan nhản.
·
Giữa bầu không khí phấn khởi của cả nước vì một số thành tựu
kinh tế xã hội nổi bật trong thời gian qua, thì những vết sạn của cả nền giáo
dục lại khiến công chúng không thể không bức xúc. Gần đây nhất, đó chính là
những tranh cãi xoay quanh “công nghệ giáo dục” trong việc giảng dạy tiếng Việt
ở bậc tiểu học của ông Giáo sư Hồ Ngọc Đại (con rể cố Tổng bí thư Lê Duẩn).
Trên thực tế, ông Đại chỉ là dân ngoại đạo về ngữ văn và ngôn
ngữ học, hoàn toàn không có thành tựu nào nổi bật (ở đây chỉ các công trình
nghiên cứu khoa học nghiêm túc, được công nhận là có giá trị học thuật lẫn khả
năng ứng dụng trong thực tiễn). Thời chiến tranh khốc liệt, ông được nhà nước
cử sang Liên Xô học ngành tâm lý học, rồi trở về nước làm luận án tiến sĩ, song
lại liên quan đến chủ đề tâm lý trong việc giảng dạy toán học ở bậc phổ thông.
Từng nhận là có đọc một cuốn sách ghi chép những kiến thức tổng hợp về lịch sử
hình thành và phát triển của tiếng Việt suốt hơn 300 năm, ông đã lấy đó để làm
động lực cho những sáng kiến cải cách ngôn ngữ về sau này. Thử hỏi như vậy, ông
Đại lấy tư cách gì hay dựa trên cơ sở học thuật nền tảng nào để đòi cải biến
tiếng Việt?
Bằng công nghệ giáo dục “độc đáo” của mình, ông Đại đề nghị giản
lược hóa cách phát âm, chỉ sử dụng âm vị “cờ” cho cả 3 mặt chữ C,Q,K. Cách làm
này, theo nhiều thầy cô giáo có kinh nghiệm đứng lớp, rất dễ gây nhầm lẫn (ngay
với người lớn, đừng nói trẻ nhỏ), khiến các bậc phụ huynh không khỏi lo lắng.
Nhiều học giả, như nhà nghiên cứu độc lập Cao Tự Thanh, đã chỉ ra âm vị của C,K
có thể giống nhau, nhưng nếu áp đặt cho Q thì chắc chắn là sai và không thể
thay thế một cách tùy tiện như trên được. Và mặc dù không thể phản biện lại,
nhưng ông Đại vẫn luôn khăng khăng, rằng chỉ có phương pháp của mình mới là
đúng và sẽ hữu ích đối với hoạt động dạy học hiện đại, giúp cả thầy cô giáo lẫn
học sinh thuân tiện hơn trong việc đánh vần. Chưa hết, sáng kiến của ông Đại
còn được một người bạn lâu năm của ông là PGS. TS Bùi Hiền – từng gây hoang
mang dư luận bởi đề án đòi thay đổi lối viết tiếng Việt (mà ngay đến chính ông
Bùi Hiền cũng còn chưa quen) – cổ vũ hết mình.
Là người Việt Nam, chúng ta cần hiểu rõ nguồn gốc và trân trọng
ngôn ngữ của mình, bao gồm tiếng nói và chữ viết. Nếu chữ Quốc ngữ – thành quả
vĩ đại, kết tinh ảnh hưởng của nhiều nền văn hóa như mang thanh âm của người
Việt, nghĩa Hán tự, nhưng được biểu thị bằng các ký tự La tinh – mới có lịch sử
khoảng 400 năm nay và chỉ thực sự trở nên phổ biến, thành chữ viết chính thức
của cả dân tộc trong độ 100 năm trở lại; thì các thanh điệu trong tiếng Việt
(cụ thể là 6 dấu thanh) đã phải mất gần 2000 năm để hình thành và phát triển
đến độ ổn định như ngày nay. Ấy vậy mà hai ông giáo sư tiến sỹ đương đại, vốn
chẳng được đào tạo bài bản về ngôn ngữ học như các giáo sĩ, thừa sai truyền đạo
phương Tây khia xưa (có công phát minh và hoàn thiện lối viết Quốc ngữ khi nghe
tiếng nói của người An Nam rồi ghi lại bằng các ký tự La tin, ban đầu chỉ là để
phục vụ mục đích rao giảng Tin mừng), đã đòi cải biến cả cách phát âm lẫn lối
viết của tiếng dân tộc, chỉ vì cái tôi và sự ngạo mạn của bản thân (hoặc giả
cũng có thể nắm được một chút lợi ích nào đó).
Nhưng nguy hiểm hơn, thay vì lấy ý kiến rộng rãi để bổ túc và
hoàn thiện, nhất là cần chứng minh tính đúng đắn và khả năng ứng dụng đại trà
của phương pháp mới (nếu đúng là nó có giá trị) dựa trên tinh thần bao dung của
khoa học, thì một người được gọi là trí thức, đạo mạo, đức cao vọng trọng như
ông Đại lại tìm cách “lách luật”, đi đường “tiểu ngạch” cùng một số vị quan
chức, lãnh đạo giáo dục (như nguyên Bộ trưởng Phạm Vũ Luận và Thứ trưởng Nguyễn
Vinh Hiển) thực hiện chiến lược đánh “du kích”, ban đầu cho in, thí điểm và chỉ
đạo địa phương mua sách (thông qua công ty xuất bản độc quyền với giá bán cao
gấp 2 – 3 lần bình thường), ban đầu từ Lào Cai – một tỉnh miền núi, để rồi sau
đó nhân rộng ra. Một số nguồn tin cho biết, nhiều phụ huynh đã phải chạy đôn
chạy đáo để tìm mua những cuốn sách giáo khoa tiếng Việt có chất lượng rất thấp
(do ông Đại làm chủ biên), và ước tính cả xã hội đã tiêu tốn tới 400 – 500 tỷ
đồng cho mô hình thí điểm này.
Cuối cùng, theo GSTS Trần Đình Sử, mọi nghiên cứu khoa học cần
thiết phải vì mục đích nhân văn và mang lại lợi ích kinh tế xã hội. Đất nước này
đang rất thiếu những sáng tạo và ý tưởng đột phá (nhất là về khoa học công
nghệ) để đẩy mạnh năng suất lao động, nhằm thu hẹp khoảng cách với các quốc gia
phát triển, chứ chúng ta không cần những đề xuất “tào lao”, gây lãng phí tốn
kém, thậm chí chỉ nhằm mục đích bòn rút ngân sách công. Những đề xuất và việc
làm, theo kiểu của GS. Hồ Ngọc Đại hay PGS.TS Bùi Hiền, vì rất thiếu nền tảng
căn bản, bên cạnh trình độ nhận thức lẫn hiểu biết về kinh tế – văn hóa – xã
hội quá thấp, tất yếu sẽ gây nên hậu quả tai hại cho đất nước, thậm chí còn
mang tính “hủy diệt văn hóa” … Thế mới biết, sở hữu nhiều bằng cấp, học hàm,
học vị thì chưa hẳn đã là trí thức, … và ngay trong giới “trí thức”, cũng có
không ít trường hợp điển hình của việc “giả” hay bằng “dỏm”. Vì vậy, dư luận
không nên ủng hộ hay thậm chí là tiếp tay cho những suy nghĩ và hành vi “hại
dân hại nước” như vậy.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét