Nguyễn
Đình Cống
Năm 1945 Việt Nam có 2 bản Tuyên ngôn độc lập.
Bản thứ nhất được Vua Bảo Đại công bố vào ngày 11 tháng 3 tại Huế. Nội dung như sau :
“Cứ tình hình chung trong thiên hạ, tình thế riêng cõi Đông Á, Chính phủ Việt Nam tuyên bố từ ngày này điều ước bảo hộ với nước Pháp bãi bỏ và nước Nam khôi phục quyền độc lập.
Nước Việt Nam sẽ gắng sức tự tiến triển cho xứng đáng một quốc gia độc lập và theo như lời tuyên ngôn chung
của Đại Đông Á, đem tài lực giúp cho cuộc thịnh vượng chung.
Vậy Chính Phủ Việt Nam một lòng tin cậy lòng thành ở Nhật Bản đế quốc, quyết chí hợp tác với nước Nhật, đem hết tài sản trong nước để cho đạt được mục đích như trên”.
Bản tuyên ngôn được nhà vua và 6 thượng thư cùng ký tên, nó khá ngắn gọn, nhưng đã nêu lên được các điểm chính sau :1- Bãi bỏ điều ước bảo hộ của Pháp (chứ không tuyệt giao với Pháp, không lên án chế độ cai trị của Pháp). 2- Nước Nam khôi phục quyền độc lập và cố xứng đáng quốc gia độc lập. 3- Nước Việt Nam tin cậy và hợp tác với Nhật (tin cậy và hợp tác chứ không nhận sự đô hộ hoặc bảo hộ như đối với Pháp trước đây).
Khi thảo luận về Tuyên ngôn độc lập, Bảo Đại phát biểu trước Triều đình:
“Trước kia nước Pháp
giữ quyền bảo hộ nước ta, nay đã không giữ được nước cho ta, để quân Nhật đánh đổ, vậy những điều trong Hiệp ước năm 1884
không có hiệu quả nữa, nên Bộ Thượng thư đã tuyên hủy hiệp ước ấy. Trẫm phải đứng vai chủ trương việc nước và lập Chính phủ để đối phó mọi việc”.
Bản Tuyên ngôn độc lập thứ hai do Chủ tịch Hồ Chí Minh công bố tại Hà Nội ngày 2 tháng 9. Nhiều người biết, thuộc lòng từng đoạn hoặc toàn bộ, được xem là một trong những áng Thiên cổ hùng văn, có thể sánh ngang
Bình Ngô đại cáo. Nó đã là nguồn sức mạnh tinh thần của khá đông người Việt trong nhiều năm. Tuy vậy ít ai để ý đến một số chi tiết sau:
1- Mở đầu là lời kêu gọi : “ Hỡi đồng bào cả nước”, kết thúc là tuyên bố với thế giới: “Vì những lẽ trên, chúng tôi, Chính phủ lâm thời của nước Việt-nam dân chủ cộng hòa, trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng: Nước Việt-nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập…”
2- Về việc giành chính quyền, Tuyên ngôn viết: “Sự thật là từ đầu mùa thu năm 1940, nước ta đã thành thuộc địa của Nhật, chứ không phải là thuộc địa của Pháp nữa. Khi Nhật hàng Đồng minh
thì nhân dân cả nước ta đã nổi dậy giành chính quyền lập nên nước Việt-nam dân chủ cộng hòa. Sự thật thì dân ta đã lấy lại nước Việt Nam từ tay Nhật, chứ không phải từ tay Pháp”.
Cái sự thật nêu ở đây chỉ mới là một phần. Phần quan trọng hơn đã được giấu kín. Đó là việc cướp chính quyền từ Chính phủ Trần Trọng Kim chứ không phải giành từ tay Nhật (vì Nhật đã đầu hàng rồi), là nước Việt Nam đã tuyên bố độc lập từ tháng 3/1945. Câu “dân ta đã lấy lại nước Việt Nam từ tay Nhật” là không đúng với sự thật.
3- Về giành độc lập, Tuyên ngôn có câu sau: ”Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị. Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần một trăm năm nay để gây dựng nên nước Việt-nam độc lập…”
Câu vừa trích là cốt lõi nhất của Tuyên ngôn, nhưng lại chứa mâu thuẩn. Xiềng xích cần đánh đổ là do Pháp, Nhật tạo ra và duy trì. Nay Pháp chạy, Nhật hàng thì xiềng xích ấy đã tan rã theo chúng. Sau khi Pháp chạy thì Bảo Đại đã tuyên bố Việt Nam độc lập nhưng còn tin cậy và hợp tác với Nhật. Sau khi Nhật hàng thì xiềng xích do Nhật tạo ra cũng không còn. Thế thì dân ta không cần, không thể đánh đổ cái không còn tồn tại, mà chỉ là khắc phục hậu quả của cái xiềng xích trong
quá khứ. Có lẽ vì thế mà Tuyên ngôn không viết Giành Độc lập cho nước mà viết Gây dựng nước độc lập.
Phần lớn nội dung Tuyên ngôn lên án tội ác của Pháp, Nhật và kể công của Việt Minh. Cách lên án như vậy là đặc trưng của cách mạng vô sản, có tác dụng gây lòng căm thù đồng thời tạo nên tâm lý và hành động tàn bạo, độc ác để trả thù. Đã tuyên bố “xóa bỏ hết những hiệp ước mà Pháp đã ký về nước Việt-nam, xóa bỏ hết mọi đặc quyền của Pháp trên đất nước Việt-nam” để rồi thật xót xa khi sau đó không lâu lại đón quân Pháp vào thay
quân Tưởng và ký các hiệp định nhượng bộ với Pháp, mà rồi nhượng bộ cũng không xong.
Về chính quyền. Việt Minh hết sức tuyên truyền rằng nhân dân giành chính quyền về tay mình. Đó là chính quyền của dân, do dân, vì dân. Nhưng thực chất trong hơn 70 năm qua chính quyền là của Đảng, dân chỉ làm việc hy sinh xương máu và tài sản để giúp Đảng giành chính quyền, chỉ làm bung xung khi đi bầu cử mà thôi.
Về nhân quyền. Mở đầu, vì trích Tuyên ngôn của Mỹ và Pháp nên có nói đến hạnh phúc và nhân quyền. Nhưng rồi kết thúc chỉ còn là tự do và độc lập cho đất nước. Có người nhận xét là Bản Tuyên ngôn không có nhân quyền.
Về độc lập. Trong thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, khẩu hiệu “Vì Độc lập” đã là một sức mạnh rất lớn về ý chí, tình cảm, lôi cuốn nhiều triệu khối óc, trái tim. Nhưng rồi nhiều người đã nhầm tưởng rằng độc lập là mục đích cuối cùng. Thực ra độc lập chỉ là mục tiêu trước mắt. Mục đich cuối cùng, quan
trọng nhất là Tự do, Hạnh phúc của toàn dân, là Nhân quyền, Dân quyền. Cuối cùng độc lập chỉ còn là một phương tiện. Hồ Chí Minh từng nói “Nước độc lập mà dân không được tự do và hạnh phúc thì độc lập chẳng để làm gì”. Thế mà ĐCS VN đã lợi dụng danh nghĩa giành độc lập để kiến tạo nền độc tài đảng trị.
Hiện nay ĐCS VN đề cao việc học tập tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh. Tư tưởng này tập trung rõ nhất trong Bản Tuyên ngôn độc lập và trong Di chúc. Trong 2 tài liệu đó không hề thấy Hồ Chí Minh bàn đến việc xây dựng Chủ nghĩa Xã hội, không thấy Hồ Chí Minh đề cập đến yêu nước phải gắn với yêu CNXH. Thế mà điều này được ĐCS đặt lên hàng đầu. Thế có oái oăm không.
Gần đây có phong trào chống lật lại lịch sử (chống lật sử). Nghĩ rằng khi lịch sử đã được trình bày đúng sự thật thì chống lật sử là cần. Nhưng nếu có phần nào của lịch sử đã bị bỏ quên hoặc trình bày sai thì cần phải bổ sung và điều chỉnh. Đó là việc rất nên làm, không thể vu vạ là lật sử. Phải chăng chống lật sử hiện nay thực chất là cố che giấu những sự thật bất lợi cho độc quyền đảng trị và tô vẽ cho sự độc quyền đó.
N.Đ.C.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét