ĐẠI LỘ KINH HOÀNG
( theo FB Phan Trí Đỉnh )
Một câu chuyện được
che khuất về trận nã pháo của trung đoàn pháo binh Bông lau trong mùa hè đỏ lửa
ở Quảng trị tạo thành ĐẠI LỘ KINH HOÀNG.
Đại Lộ Kinh Hoàng
là tên mà nhà báo Ngy Thanh (Đặc phái viên của báo Sóng Thần trong thời điểm
đó) đặt cho đoạn đường dài độ 9 km trên quốc lộ 1 từ cầu Bến Đá tới cầu Trường
Phước trong quận Hải Lăng tỉnh Quảng Trị. Đây là đoạn đường mà dân chúng (cùng
binh lính) miền Nam VNCH rút chạy về hướng Nam trong những ngày cuối tháng 4
năm 1972 khi chiến sự xẩy ra trong làn đạn pháo của quân đội Cộng Sản Bắc Việt.
Đoạn đường này nằm giữa các đụn cát trắng, không nhà cửa, cây cao và chỉ là các
lùm cỏ bụi do vậy dễ dàng nằm trong tầm ngắm của các tiền sát viên pháo binh
Bắc Việt khi gọi pháo 122 ly, 130 ly, cối 160 ly… từ hướng rừng Trường Sơn nã
vào dòng người di tản. Ước tính có gần 2000 người bị chết (chỉ thu gom được
1841 xác người gần như còn lành lặn) và hơn 500 xe cộ các loại (của dân chúng
và quân đội) bị phá hủy trong trận pháo thảm sát trên đoạn đường này.
Mùa hè năm 72 đó,
anh phóng viên trẻ tuổi bút hiệu Ngy Thanh cũng ra chiến trường Quảng Trị. Anh
đã bỏ ra cả 1 ngày dài trên đoạn đường oan nghiệt. Chụp hình các xe cháy, các
xác chết và có được 1 bộ hình hết sức đặc biệt. Khi về lại Saigon viết loạt bài
phóng sự, anh có đặt tên là Ðại lộ Kinh Hoàng. Câu chuyện làm xúc động độc giả
tại thủ đô. Chủ nhiệm là chị Trùng Dương bèn cùng anh chị em quyên góp tiền bạc
ra Trung tổ chức nhặt xác và chôn cất. Câu chuyên ngày đó có lẽ ai cũng biết, nhưng
ngày nay ai cũng quên hết cả rồi. Hành động của báo chí và đồng bào tự nguyện
đứng lên lo việc chung sự cho nạn nhân của đại lộ kinh hoàng là 1 câu chuyện ý
nghĩa nhất trong phần nhân bản của trận Quảng Trị mùa hè 72.
Sau đây là phần
trích lại bài phóng sự đăng báo Sóng Thần năm 1972 của Ngy Thanh.
“Khoảng 10 giờ
sáng, đầu cầu Bến Đá vắng lặng, không có lính trấn thủ khi chúng
tôi đến. Những mũi dùi tấn công của Nhảy Dù và TQLC đã được trực
thăng vận vượt sông đánh lên quá sông Trường Phước. Bến Đá bấy giờ
có hai cầu. Cầu xe hơi trên QL1 bị phá. Chiếc cầu sắt xe lửa nằm ở
phía núi gảy gục, đoạn giữa cắm xuống sông thành hình chữ V. Khu
đất dầu cầu do QLVNCH trấn giữ trườc đó đã được đặt nhiều mìn
chống chiến xa. Thấy yên lặng và không có người, cả ta lẩn địch, hai
chúng tôi bò theo khung cầu sắt gảy qua bên bờ bắc. Lại lách giữa
đám mìn chống chiến xa, để quay trở lại QL1. Trước mắt chúng tôi,
ngay trên bề mặt Quốc Lộ là xác xe. Chiếc ngược chiếc ngang, phần
lớn giở mui không biết vì lý do gì. Nhiều xe cứu thương đã bị bắn
cháy nhưng còn đọc được phù hiệu Hồng Thập Tự hai bên hông. Chúng tôi
nhìn vào cánh cửa xe hé mở và thấy xác thương binh chết nằm, chết
ngồi trong đó. Mùi tử khí đã dịu thành mùi thối, thay vì mùi nồng
của xác người như khi mới chết ít hơn 2 tuần. Chúng tôi tiếp tục lội
xuống bãi cát hai bên đường, bãi phía biển có nhiều xác chết hơn
bãi phía núi, có lẽ vì khi bị tàn sát, người ta có khuynh hướng
chạy ra phía đông là khu vực có thể có người tiếp cứu trong khi phía
núi chỉ là vùng hoang vu, không có ai sinh sống. Trên bãi cát nầy chúng
tôi thấy xác người lớn và xác trẻ em, xác quân nhân và xác thường
dân, cảnh sát. Nhiều xác úp mặt chồng lên nhau, có lẽ bị bắn chết
khi đáng chạy tới để thoát hiểm.” (Ngy Thanh)
Trong tác phẩm “
Mùa hè cháy “xuất bản năm 2005 của đại tá Nguyễn Việt Hải chỉ huy trung đoàn
pháo Bông Lau của quân đội nhân dân - tác giả đã viết thật rõ ràng là đơn vị
của ông khai hỏa tập trung pháo 122 pháo 130, pháo 155 mà ông gọi là trận địa
pháo cường tập trên quốc lộ số 1 vào đám ngụy quân trên đường bỏ chạy.
Ông đại tá pháo
binh tác giả của tác phẩm “Mùa hè cháy” đã đích thân quan sát trong vai trò
tiền sát viên để trực tiếp chỉ huy bắn.
Khoảng thời gian
sau khi Hiệp định Paris có hiệu lực (ngày 27/01/1973) đến ngày thành phố Huế
thất thủ (26/03/1975), hành khách từ Huế đi ra Bắc, khi vừa qua khỏi cầu Bến Đá
ở vị trí cách Hà Nội 784 km, bên tay trái Quốc Lộ 1 thấy tấm bảng lớn độ 2 mét
x 5 mét, sơn màu vàng, kẻ bốn chữ “Đại Lộ Kinh Hoàng” đỏ tươi màu máu.
Hiện nay tại đoạn
đường kinh hoàng đó có hai vị trí ở phía bắc thị trấn Hải lăng được lập nên để
thắp hương tưởng nhớ những người đã bỏ mình ngày ấy. Phía Bắc là Miếu Oan hồn
do những người vô danh có long lập nên và phía nam là đài “ Tưởng niệm chư
hương hồn chiến trận” do Hội Phật giáo Quảng trị thực hiện.
Trong Miếu Oan hồn
có câu đối – trong ảnh: Nhà báo Năng Lực HNM đã dịch giúp như sau:
"Khởi mãnh
Thiên Thu viễn Công đức vạn thế trường"
Dịch nghĩa: "Sức mạnh ngàn thu vang vọng. Công Đức muôn đời dài lâu".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét