NGƯỜI
VIỆT KHÔNG BIẾT YÊU
Thái Hạo -Thái Hạo03-01-2021
(Viết về những giấc mơ trong lịch sử tâm hồn Việt và căn tính dân tộc)
[Mỗi khi nghĩ về sự trì trệ, tù đọng và bao nhiêu niềm vui hời hợt ngu ngốc đang diễn giữa sự đe dọa và sa đọa hàng ngày trên đất nước này, tôi lại cố đi tìm nguyên nhân trong tính tình của nòi giống. Định viết một cái gì đó để thôi thúc, nhưng lại gặp lại cái điều mình đã nghĩ ở năm trước...]
------------
1. Người
Việt đã từng mơ
gì
Giấc mơ rõ ràng nhất, lớn nhất của người Việt có lẽ là độc lập. Nhưng là cái độc lập về cương vực mà thôi. Đó là cái “định phận tại thiên thư”, là cái “núi sông bờ cõi đã chia”. Và vì giấc mơ ấy mà người Việt đã đổ máu cả ngàn năm để giữ nước trước kẻ láng giềng to lớn và nhiều dã tâm. Giấc mơ ấy đã khiến bậc anh hùng “đêm ngày cuồn cuộn nước triều đông”, “tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa”; giấc mơ ấy đã vút lên lời nguyền “dẫu cho trăm thân này phơi ngoài nội cỏ, nghìn xác này gói trong da ngựa, ta cũng cam lòng”; vì giấc mơ ấy mà quyết “Đánh cho Nam quốc sử tri anh hùng chi hữu chủ”. Đó là một giấc mơ lớn đáng giữ gìn và ngợi ca cho công nghiệp ngàn năm của tiền nhân.
Nhưng dường như người Việt giỏi chống hơn xây. Người Việt thường ứng phó khá lanh lẹ trước những biến cố, thường đối phó khá hiệu quả trước tai ương. Chúng ta đánh giặc giỏi, phá giặc hay, đến quân Nguyên Mông mà còn đại bại, “nhục quân thù khôn rửa nổi”. Dường như những “tinh hoa” của người Việt đã dồn cả vào cái việc “đối phó” này, cho nên sau mỗi chiến thắng, khi các triều đại mới được dựng lên thì đất nước thường rơi vào khủng hoảng. Và luẩn quẩn một hồi lại sang triều cống phương Bắc. Lại vẫn mô hình nhà nước phương Bắc, lại vẫn chữ phương Bắc, lại vẫn dạy trẻ nhỏ ê a “Tử viết...”, lại vẫn tứ thư ngũ kinh. Người Việt dường như không biết “xây” (?), nếu chỉ tính từ 1975, thì cũng đã 45 năm, với bao nhiêu “tầm nhìn” và những cái đích sáng lòa, nhưng dường như VN chưa bao giờ chạm tới chúng. Tất cả đều đã “lỡ thì”. “Thiên đường” vẫn chỉ là 2 chữ được viết trên giấy để tương phản với một thực tế nhàu nát đến chói gắt. Dường như suốt các thế kỉ trung đại cho tới bây giờ, VN chưa bao giờ thoát khỏi áp lực cả về chính trị lẫn văn hóa của Trung Quốc. Đó là một thất bại lớn. Nói nói cách khác là người Việt không có giấc mơ tự cường, giấc mơ kiến tạo. Mộng thì có thể có, nhưng “mơ” như là một lý tưởng thì dường như không phải! Đến bây giờ, khi những xung đột với Bắc Kinh càng lớn và “ra mặt” thì nhiều người Việt lại mơ về Mỹ như mơ về một sự bảo kê. Đó chỉ nên là một giải pháp tình thế, nếu không tự cường thì chỉ mãi là một nô lệ. Đài Loan bé nhỏ, và yếu cả về mặt pháp lý, nhưng Đài Loan khác VN ở chỗ họ tìm chỗ dựa trong mình trước nhất, và sẽ luôn là như thế. Một dân tộc dựa dẫm là một dân tộc trẻ con.
Điều ấy rất gần với 1 giấc mơ xuyên suốt lịch sử, giấc mơ “thái bình”. Đó là cái sự “xứ xứ tức đao binh”, là “dân giàu đủ khắp đòi phương”, là “khắp thôn cùng xóm vắng không còn 1 tiếng hờn giận oán sầu”. Nó có nội hàm là sự “yên ổn”, là “thịnh trị”, là “đời thái bình cửa thường bỏ ngỏ”. Nó hướng đến một đời sống phẳng lặng, cơm no áo ấm. Ông Khổng Tử nói “nuôi được cha mẹ chưa phải là hiếu, vì đến chó ngựa cũng nuôi được, nếu không có Kính thì giữa nuôi chó ngựa với nuôi cha mẹ có khác gì nhau”. Cái mơ ước “no đủ, yên ổn” kia, e ra chưa đạt tới chỗ cần đạt để xứng đáng với sự làm người thiêng liêng và cao cả. Giấc mơ ấy phải chăng chưa xứng với địa vị làm người?
Người Việt (trí thức) còn có 1 giấc mơ nữa, rất điển hình cho nhà
Nho –
giấc mơ công danh. Người Việt trọng danh (tiếng), nhưng thường là gắn với “chức” nhiều hơn với “công”.
Cái sự theo đuổi này đã suốt từ thời phong kiến tới giờ, vẫn chưa nguôi. Công danh thì ít mà chức danh thì nhiều;
công nghiệp thì ít, tư nghiệp thì nhiều;
chính danh thì ít ngụy danh thì
nhiều; thực danh thì ít hư danh thì nhiều... Cái sự theo
đuổi danh vọng này
dường như ngày nay càng nổ
rộ, tính háo danh phô bày khắp nơi. Ở VN, dễ nhất là danh nhà văn,
nhà thơ, rồi đến nhà nghiên cứu
– phê bình... Người ta ham mê
danh tới độ một cái chức trưởng thôn cũng phải dùng
mánh khóe và tiền bạc để dành cho bằng được. Ở VN bây giờ,
người ta rất mê những cái “trưởng”...cho
đến những cái “đốc”.
Nhiều chức, nhiều danh như thế nhưng đời sống chính trị và học thuật thì vô cùng ảm đạm. Các cuộc tranh luận học thuật nghiêm túc dường như vắng bóng, khoa học dường như chỉ còn là một món trang sức để người ta làm đẹp cho cái tên của mình. Người ta sẽ viết bài khen lẫn nhau, tôn nhau lên để được...tôn lại. Khoa học ảm đạm từ Viện nghiên cứu đến các trường đại học – nơi được tôn xưng là “thánh đường của tri thức”. Sự rẻ rúng đối với tri thức đã tới mức dường như người ta không buồn tranh luận về tính chân xác của nó nữa. Qua loa đại khái, “chậc, kệ!”, đó là tinh thần của cái danh Khoa học ở VN bây giờ.
Ở phương diện cá nhân, giấc mơ ám ảnh nhất của người Việt là giàu có (không phải giàu sang). Những câu chuyện cổ tích trong kho tàng truyện kể dân gian của VN đã chứng minh một phần cho điều ấy. Các nhân vật chính (Tấm, anh Khoai, Sọ dừa…) đều là những con người nghèo khổ, côi cút, lấm láp trong một số phận bất hạnh. Và họ mơ về một hoàng tử, một công chúa, một tiểu thư (con gái phú ông), phải chăng đó là cách đổi đời nhanh nhất? Tuyệt nhiên không có tình yêu; nếu có cái gì gần gần với nó thì thường là ân nghĩa. Truyện cổ tích phương Tây cũng có nhiều motif tương tự nhưng bản chất rất khác. Trong Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn, nàng được cứu sống bởi “nụ hôn” của một chàng hoàng tử - người đàn ông đã bao đêm “mơ” thấy nàng. Văn học dân gian (và cả văn học viết trung đại) VN chưa bao giờ có 1 cái hôn! Hai truyện Tấm Cám và Cô bé lọ lem là cùng một motif nhưng có những điểm khác nhau rất đáng chú ý: Tấm lấy NHÀ VUA, cô bé lọ lem lấy HOÀNG TỬ; nhà vua của VN chỉ vì trông thấy 1 chiếc giày mà đã “quyết định” lấy người con gái chưa từng gặp mặt nếu nàng mang vừa chiếc giày ấy, còn hoàng tử của họ thì “gặp”, khiêu vũ” say mê cô gái xinh đẹp dễ thương, rồi nhung nhớ và quyết tìm lại nàng để xây đắp hạnh phúc. Rõ ràng, tình tiết giống nhau nhưng đó là 2 giấc mơ về 2 miền xa thẳm.
Trong thơ ca
dân gian VN thì tình cảm “có vị” hơn. Có tỏ tình,
có nhớ nhung (bóng gió), nhưng tiêu chuẩn thì vẫn thường là cái tốt, cái có ích, “lấy
vợ xem tông lấy chồng xem giống”.
Tình yêu chưa bao giờ trở thành lý do quan trọng
nhất cho hôn nhân. “Xa xôi chi đó mà lầm / gần ngay cửa ngõ nói thầm cũng nghe” – lấy vợ lấy chồng thì phải “chắc ăn”, không thể phiêu lưu theo đôi cánh mù lòa của tình yêu được! Cũng chính
vì thế mà người Việt đã sống và lấy nhau bằng mai
mối cả ngàn năm, chỉ cần “tông” và “giống”
tốt là được. Ở Người Việt, “lấy nhau vì tình” thường đau khổ
nhiều hơn. Vì người Việt
không biết yêu.
Suốt 1 ngàn
năm của văn học viết Trung đại, nếu xét cho thật kĩ, thì chỉ duy nhất 1 lần người Việt yêu. Đó
là mối tình Kim Trọng – Thúy Kiều. Một tình yêu hiếm
hoi đã đưa Nguyễn Du trở thành vĩ đại trong lịch sử văn học dân tộc. Trong mối
tình đầu tiên ấy của dân tộc, thật đáng kinh ngạc,
khi người con gái lại là người chủ động! Nhưng cũng con người ấy lại đã chọn “mùi thiền”
cho những năm tháng còn lại của đời mình. Một vòng khép kín để
quay về với những giấc mơ bên ngoài cuộc đời. Đó phải chăng
là một cuộc vượt thoát vĩ
đại, nhưng bất thành?
Phải nói về tình yêu vì tình yêu chính là nơi gần nhất, mạnh nhất, “người” nhất trong hồn một giống nòi. Để thấy, ngay cả cái điều “bản năng” đó người Việt cũng không có. Người Việt chỉ thích sự yên ổn. Lấy một người hiền lành, chăm chỉ, khỏe mạnh để làm ăn và đẻ những đứa con. Đó dường như là mối quan hệ chính của đàn ông và đàn bà Việt. Tất nhiên, có sự ảnh hưởng, chi phối của các yếu tố văn hóa mà mạnh nhất và rõ nhất là “tôn giáo”. Nhưng điều ấy không thể biện minh cho tất cả. Lý giải làm sao trường hợp của một vị Lạt Ma như Thương Ương Gia thố (Tsangyang Gyatso) - người đã viết những câu thơ này:
"Nàng gặp, hay không gặp ta
Ta vẫn ở đây, không mừng, không luỵ
Nàng nhớ, hay không nhớ ta
Yêu vẫn ở đây, không thêm, không bớt
Nàng theo, hay không theo ta
Tay ta vẫn nơi nàng, không lơi, không siết
Hãy ngả vào lòng ta, hoặc là dành cho ta một chỗ trong trái tim nàng
Bình lặng yêu nhau
Âm thầm thương tưởng"
Ông là người lãnh đạo tối cao của Phật giáo Tây Tạng, một người đã giằng xé viết những câu thơ “Đời này cách nào trọn vẹn cả / Không phụ Như Lai, chẳng phụ nàng?”. Làm sao giải thích được những cuộc tình ám ảnh của các vị cha xứ, linh mục như của Đức cha Ralph đối với Meggie?
Có một thời, trong vài những thập niên đầu của thế kỉ XX, trái tim người Việt đã đập những nhịp thổn thức. Con người cá nhân thức tỉnh, và chúng ta nghe thấy bao nhiêu tiếng nói đi cùng những ước mơ. Nhưng rồi, cách mạng về, trái tim đã “dành riêng cho đảng phần nhiều”. Những nhà thơ (đã cùng với cả dân tộc) đi theo đảng để làm cách mạng. Giấc mơ bỏ lại và họ trở thành những “quan lớn” chỉ để cuối đời viết “di cảo” hoặc vài “ba phút sự thật”. Đã có một giấc mơ đứt quãng như thế.
Và đến bây giờ,
người Việt vẫn
mơ những giấc
mơ như đã
từng của mấy
trăm năm trước
- giấc mơ từ
bụng trở xuống.
2. Người
Việt thiếu 1 giấc mơ
Đó là giấc mơ TỰ DO. Đây là giấc mơ từ ngực lên tới...trời!
Dường như người Việt chưa bao giờ mơ giấc mơ này. Ngoại trừ một lần duy nhất, lại cũng là Thúy Kiều, từng mơ bằng một hành xử rất tân thời. Thúy Kiều đã vượt rào để đến với tình yêu, đó là một lựa chọn của ý thức chứ không phải một sự dắt mũi của bản năng dục tính. Nếu là chỉ vì tình dục thì Kiều đã không “từ chối” Kim Trọng. Phải đặt mối tình ấy trong bối cảnh văn hóa mới thấy hết tầm vóc và tính hiện đại mang chất Hiện sinh rất đáng kinh ngạc của nó. Nhưng như đã nói, cuộc tình ấy, đã không đi hết một hành trình để sống trọn vẹn với cuộc đời như 1 cái “án tự do” – Sartre.
Chúng ta mải đánh giặc, mải kiếm cơm, kiếm tiền, kiếm danh và quên đi giấc mơ làm người tự do. Hai chữ TỰ DO đối với người Việt là một xa lạ, nói như Phan Châu Trinh thì nhắc tới “chỉ làm trò cười cho kẻ thức giả đấy thôi”. Người Việt không có cảm thức về tự do, và cũng không thật sự có nhu cầu về tự do. Người Việt chỉ theo đuổi sự vinh thân phì gia, theo đuổi một căn nhà to, một chiếc xe đẹp, một cái tên có nhiều (chức) danh. Người Việt chưa bao giờ chiến đấu cho tự do và vì tự do. Có đôi khi người ta nhầm tưởng chỉ vì nó (hai chữ “tự do”) nằm lẫn lộn với những chữ khác mà thôi. Người Việt không có nhu cầu tự do, từ tự do ngôn luận đến tự do tư tưởng. Người ta hay chửi theo hiệu ứng đám đông nhiều hơn là 1 sự hệ trọng thật sự trong nhu cầu của họ về tự do. Vì họ sẽ sẵn sàng im lặng mà không thấy có vấn đề gì nếu bị ép phải im lặng. Người Việt vì thế sẽ không hi sinh cho tự do. Vì sao, vì thật lòng là họ không thấy việc ấy có giá trị gì cả. Miễn là vườn đất của mình không bị cướp, còn chuyện có được mở mồm hay không chỉ là chuyện ngoài da.
Người Việt đã sống quá lâu trong thân phận nô lệ, suốt 10 thế kỉ trung đại, trải tới bây giờ, nên cái tâm lý nô lệ đã ăn sâu, cái vô thức “thần dân” như muối nhiễm mặn vào đất. Những giá trị thuần túy tinh thần, có tính cứu rỗi cho địa vị làm người đã trở nên xa lạ. Những quyền “không ai có thể xâm phạm được” chính là do “tạo hóa” ban cho; và những quyền ấy là sự định danh con người. Không có nó tức không được làm người. Và ở các dân tộc “sâu sắc”, tất nhiên họ sẽ không bao giờ chấp nhận bị tước đi các quyền ấy, vì họ thức nhận sâu xa rằng, khi đó họ đang sống kiếp con vật. Và tất nhiên, họ không chấp nhận làm con vật. Họ sẽ tranh đấu, kể cả phải hi sinh, để dành lại quyền làm người. Cũng chính vì thế mà ở những giống dân trưởng thành không một chế độ độc tài nào có thể trường thọ. Chúng sẽ bị giật đổ, xô sập.
Và cũng vì thế, chính tâm lý nô lệ của các giống dân “trẻ con” (chữ của Tản Đà) là nguồn dưỡng chất mầu mỡ đã nuôi dưỡng mãi các chế độ độc tài. Nếu không phải vì các “quyền con người” mà tranh đấu thì cho dù xã hội có xoay vần ra sao đi nữa thì rồi nó cũng sẽ quay về với mô hình chuyên chế. Việc quan trọng bậc nhất, sâu xa nhất để đảm bảo cho một đất nước sẽ phát triển văn minh là khai dân trí. Người dân phải thấu hiểu về giá trị làm người được hiện thực trong các quyền làm người, phải thức nhận sâu xa về bản tính thiêng liêng của mình, phải thấy được cội nguồn thần thánh trong hình hài này.
Những bức xúc về những tiêc cực trong xã hội là hoàn toàn chính đáng. Nhưng nó không nên và không thể chỉ dừng lại ở đó. Vì đó mới chỉ là những đòi hỏi về LỢI. Khi lợi được nhượng bộ thì dân mình lại hát bài “thái bình” và bằng lòng sống đời chăn dắt. Rồi lâu lâu, khi lợi bị xâm phạm quá sâu trở lại, người Việt lại tranh đấu... Cứ như thế trăm ngàn năm không đổi sắc.
Người Việt cần mơ giấc mơ tự do, và phải mơ giấc mơ tự do. Cái TỰ DO hiểu
theo cả hai nghĩa
– tự do xã hội và tự
do triết học
(tâm linh). Đó
chính là giấc mơ tìm lại “cái tôi đã mất”. Nó là nền tảng quan trọng nhất để một xã hội phát triển; nó
cũng chính là lý tưởng thiêng liêng nhất cho một kiếp sống. Từ con đường
của nhân loại cho đến hành trình của
cá nhân, xét đến
cùng cũng chỉ là sự theo đuổi lý tưởng tự
do ấy mà thôi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét