( trích Leszek Kolakowsi, Trần Quốc Việt dịch)
… “Tuy nhiên, tất cả các tiên đoán quan trọng của Marx hoá ra đều không đúng.
Đầu tiên, ông tiên đoán sự phân cực giai cấp ngày càng tăng và sự biến mất của giai cấp trung lưu trong các xã hội dựa trên nền kinh tế thị trường. Karl Kautsky nhấn mạnh đúng rằng nếu sự tiên đoán này sai, toàn bộ lý thuyết của Marx sẽ sụp đổ tan tành. Rõ ràng điều tiên đoán này chứng tỏ là sai, hay ngược lại thì đúng hơn. Giai cấp trung lưu ngày càng phát triển, trái lại giai cấp lao động theo nghĩa Marx muốn nói đã co dần lại trong các xã hội tư bản đang ở giữa thời tiến bộ về kỹ thuật.
Thứ hai, ông tiên đoán sự bần cùng không chỉ tương đối mà còn tuyệt đối của giai cấp lao động. Điều tiên đoán này đã sai ngay chính trong đời ông. Thật ra, ta nên lưu ý rằng tác giả của bộ Tư bản đã cập nhật trong lần tái bản lần thứ hai những số liệu và thống kê, nhưng không phải những số liệu và thống kê liên quan đến tiền lương của công nhân; giá mà được cập nhật, những số liệu đó sẽ mâu thuẫn với lý thuyết của ông. Ngay cả những người theo chủ nghĩa Marx giáo điều nhất trong những thập niên gần đây cũng không cố gắng bấu víu vào điều tiên đoán rõ ràng là sai này.
Thứ ba, và quan trọng nhất, lý thuyết của Marx tiên đoán sự tất yếu của cách mạng vô sản. Một cuộc cách mạng như thế chưa từng bao giờ diễn ra ở bất kỳ đâu. Cuộc cách mạng Bolshevik ở Nga chẳng liên quan gì đến những lời tiên đoán của Marx. Động lực của cuộc cách mạng ấy không phải là sự xung đột giữa giai cấp lao động công nghiệp và tư bản, mà đúng hơn là được tiến hành theo những khẩu hiệu không có nội dung xã hội chủ nghĩa, chứ đừng nói đến nội dung chủ nghĩa Marx: Hoà bình và ruộng đất cho nông dân. Thiết tưởng không cần nhắc rằng những khẩu hiệu này về sau đã bị đảo ngược lại. Trong thế kỷ hai mươi, biến động được xem là gần giống nhất cuộc cách mạng của giai cấp lao động là những sự kiện diễn ra ở Ba Lan từ năm 1980 đến 1981: phong trào cách mạng của những công nhân công nghiệp (vốn được giới trí thức ủng hộ rất mạnh) chống lại những kẻ bóc lột, tức là nhà nước. Hơn nữa trường hợp duy nhất này của cuộc cách mạng của giai cấp lao động (thậm chí nếu ta xem đây là cuộc cách mạng) là nhằm chống lại nhà nước xã hội chủ nghĩa, và được tiến hành dưới dấu thánh giá, kèm theo sự ban phúc của Đức Giáo hoàng.
Thứ tư, ta phải nhắc đến điều tiên đoán của Marx về sự suy giảm tất yếu của tỷ suất lợi nhuận, một quá trình được xem là cuối cùng sẽ dẫn đến sự sụp đổ của nền kinh tế tư bản. Không khác với những tiên đoán khác, tiên đoán này cũng hoàn toàn sai lầm. Ngay cả theo lý thuyết của Marx, đây không thể nào là một tỷ suất cố định bình thường hoạt động tất yếu, vì chính sự phát triển kỹ thuật làm giảm đi một phần tư bản khả biến trong chi phí sản xuất cũng làm giảm đi giá trị của tư bản bất biến. Vì thế tỷ suất lợi nhuận có thể vẫn không thay đổi hay thậm chí còn tăng lên, nếu điều mà Marx gọi là “lao động sống” cho một sản phẩm giảm. Và ngay cho dù “quy luật” này có đúng chăng nữa, cơ chế mà qua đó sự hoạt động của nó sẽ gây ra sự suy yếu và tàn lụi của chủ nghĩa tư bản cũng không thể nào khả thi được, vì sự sụp đổ tỷ suất lợi nhuận có thể xảy ra một cách hợp lý trong những điều kiện mà số lượng tuyệt đối của lợi nhuận đang tăng lên. Tuy có thể không có giá trị, song điều này đã được Rosa Luxemburg lưu ý đến, và bà đã nghĩ ra một lý thuyết của riêng mình về sự sụp đổ không thể nào tránh được của chủ nghĩa tư bản, nhưng rồi lý thuyết ấy cũng chứng tỏ sai không kém.
Khía cạnh thứ năm của chủ nghĩa Marx đã chứng tỏ sai lầm là điều tiên đoán rằng thị trường sẽ cản trở sự tiến bộ về kỹ thuật. Rõ ràng hoàn toàn ngược lại mới đúng. Các nền kinh tế thị trường đã chứng tỏ cực kỳ hữu hiệu trong việc kích thích sự tiến bộ về kỹ thuật, trái lại “chủ nghĩa xã hội hiện thực” hoá ra trì trệ về kỹ thuật. Do không thể nào phủ nhận được rằng thị trường đã tạo ra sự dư thừa của cải lớn nhất chưa từng được biết đến trong lịch sử nhân loại, một số người Tân Mác-xít đã buộc lòng thay đổi cách nhìn của họ. Một thời, chủ nghĩa tư bản tưởng chừng đáng ghê sợ vì nó tạo ra cảnh bần hàn khốn khổ; về sau, nó cũng lại đáng ghê sợ vì nó tạo ra cảnh dư thừa đến mức giết chết bản sắc văn hoá”.
FB Vũ Thư Hiên
__________________________________________________
Leszek Kolakowsi (1927-2009) - triết gia Ba Lan nổi
tiếng, có ảnh hưởng rất lớn đến phong trào phản kháng ở Đông Âu, đặc biệt tại
Ba Lan. Ông bị khai trừ khỏi Đảng Cộng sản Ba Lan năm 1966 và bị cấm dạy tại Đại
học Warsaw năm 1968, sau khi ông phê phán chủ nghĩa Stalin qua các bài viết
được lưu hành bí mật. Từ đó ông bắt đầu cuộc đời lưu vong, và lần luợt giảng
dạy tại các đại học như Berkeley, Yale, Chicago, và cuối cùng Oxford. Trong năm
thập niên, ông viết hơn 30 cuốn sách, chủ yếu về triết học, nổi bật nhất và có
tầm ảnh hưởng lớn nhất là bộ sách 3 tập, Main Currents of Marxism: Its Rise,
Growth and Dissolution (1976). Tác phẩm này là “giấy khai tử” về trí thức của
tư tưởng Mác-xít viết ra 13 năm trước khi chủ nghĩa cộng sản ở Đông Âu đi vào
nghĩa trang lịch sử năm 1989.
Ảnh: sưu tầm trên mạng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét