Thứ Sáu, 8 tháng 1, 2021

LÀNG TÔI NGÀY ẤY ( Tản văn của Trần Quý Lộc ) : kỲ V


( Kỳ V, Từ trang 88 đến trang  116 )

 Xem kỳ IV :   http://thpttohieusonla.blogspot.com/2021/01/lang-toi-ngay-ay-tan-van-cua-tran-quy_6.html

 

 


Phần bốn - GIẢI NGHĨA TỤC NGỮ

 

1.Đồng sàng dị mộng

Nghĩa đen:

Trong hạt giống có hai phần: “Phôi” và “lá mầm”. “Phôi” còn gọi là “mộng”. “Mộng” là phần chính của hạt giống, “lá mầm” cung cấp dinh dưỡng cho “mộng” phát triển thành cây.

Trên một chiếc sàng, nếu có nhiều “mộng” cùng giống sẽ cho nhiều cây cùng giống, nếu có nhiều “mộng” khác giống sẽ cho nhiều cây khác giống. Đó là “đồng sàng dị mộng”.

Có người cho rằng “đồng sàng” là nhiều người cùng ngủ chung trên một chiếc giường. Không phải.

Khi “sàng” được ghép với từ “long” thành “long sàng”, nghĩa là cái giường riêng của nhà vua. Khi “sàng” được ghép với từ “lâm” thành “lâm sàng”, là cái giường riêng của người bệnh nhân. Từ “sàng” đứng riêng không có nghĩa là cái giường, chỉ có nghĩa là cái sàng.

Nghĩa bóng: Một người có một kiểu tư duy khác nhau.

2. Con ông cháu cha

Nghĩa đen:

Quan là người có quyền lực trong xã hội, được gọi là “ông lớn”, con “ông lớn” được gọi là “con ông”.

Bên Thiên chúa giáo cha cố không lấy vợ, không có con, nhưng có cháu ruột. Cha cố cũng là cũng là người có quyền lực trong xã hội, cháu của cha cố là “cháu cha”.

Có người cho rằng, bố chồng ngủ với con dâu đẻ ra “con ông”, con trai ngủ với mẹ kế đẻ ra “cháu cha”. Những “con ông” “cháu cha” kiểu này có thể có thật nhưng không được xã hội công nhận, coi như không có.

Nghĩa bóng: Hạng con cháu của những người có thế lực

.3. Nụ cà hoa mướp

Nghĩa đen:

Từ khi nụ cà chưa nở hoa, hàng ngày ong bướm đã bay đến thăm.Đến ngày nụ cà nở thành hoa, cùng với hoa mướp, hai loại hoa này vừa có màu sắc đẹp vừa có nhiều phấn hoa, ong bướm lũ lượt thay nhau bay đến vừa lấy phấn hoa vừa thưởng thức hoa.

Hoa mướp đơn tính cần ong bướm đến thụ phấn đã đành, hoa cà là hoa lưỡng tính tự thụ phấn được vẫn thích được những con ong con bướm bay đến cọ cái chân cái râu của chúng vào mình.

Hoa cà và hoa mướp nở hoa vào mùa xuân, đại diện cho thời xuân sắc. Khi hoa cà và hoa mướp héo tàn, ong bướm không bay đến thăm nữa, là lúc hết thời của “nụ cà hoa mướp”. Có người bị chê lẳng lơ, đã thanh minh: “Tôi không còn là nụ cà hoa mướp”.

Nghĩa bóng: Tượng trưng cho thời xuân sắc của phái đẹp

4. Mỏng mày hay hạt

Nghĩa đen:

Hạt lạc, hạt ngô... được bọc một lớp vỏ mỏng gọi là vỏ “mày”. Vỏ“mày” càng mỏng, phôi hạt càng lớn, hạt càng mẩy và có sức sống cao.

Nghĩa bóng: Người con gái có khuôn mặt nhẹ nhàng xinh đẹp, ngoài ưa nhìn còn tốt tính.

5. Lời ong, tiếng ve

Nghĩa đen:

Tiếng của con ve râm ran, dai dẳng, làm người nghe khó chịu.

Ong không có tiếng, chưa có ai nghe được lời ong, nên “lời ong”là lời không nghe được. “Lời ong” tượng trưng cho những lời đàm tiếu sau sau lưng, những người cần nghe không nghe được.

Cả tiếng kêu của con ve và những tiếng đàm tiếu sau lưng đều làm cho con người khó chịu.

Nghĩa bóng: Những tiếng xì xào sau lưng.

6. Chờ đến mùa quít

Nghĩa đen:

Ngày xưa, cuộc sống của người dân thiếu thốn đủ thứ. Những mongmuốn rất nhỏ, như được ăn một bữa cơm thịt, được mặc một bộ quần áo mới... tất cả, đều phải chờ đến tết. Người dân nỗ lực làm việc quanh năm, chỉ để phục vụ cho mấy ngày tết được ăn uống vui vẻ.

Khi mọi đồng tiền và vật lực, đều được tập trung cả cho những ngày tết, mọi dự định hay những việc cần chi tiêu cho tháng trước tết, đều không thể thực hiện. Hầu như chẳng có việc gì cần dùng đến tiền và thời gian, được thực hiện vào tháng trước tết, là tháng mùa quít chín.

Nghĩa bóng: “Mùa quít” là thời gian không thể giải quyết được việc gì, có mong chờ cũng vô ích.

7. Ngày rộng tháng dài

Nghĩa đen:

Một ngày được bắt đầu từ khi mặt trời mọc đến khi mặt trời lặn, những nơi có ánh sáng mặt trời là ngày. Bề rộng của một ngày chiếm một nữa bề rộng của trái đất, là “ngày rộng”.

Một tháng được kéo dài từ ngày đầu tháng đến ngày cuối tháng, tháng thiếu là 28 ngày, tháng thừa là 31 ngày. Với người lao động, khi chờ đến cuối tháng nhận lương hay chờ đến ngày thu hoạch hoa màu, họ cảm thấy thời gian rất dài, là “tháng dài”.

Nghĩa bóng: Không cần phải vội vã.

8. Năm cùng tháng tận

Nghĩa đen:

Ngày xưa dân ta tính thời gian theo âm lịch, “năm cùng tháng tận”là những ngày cuối tháng 12 âm lịch. Thời gian này, người dân phải tập trung mọi sức lực và vật lực lo cho cái tết Nguyên đán đầu năm mới, họ bận rộn đầu tắt mặt tối.

Nghĩa bóng: Thời gian bận rộn vất vả.

9. Năm hết tết đến

Nghĩa đen:

Những ngày cuối cùng của tháng 12 âm lịch, là trước ngưỡng nămmới, mọi người đều cố kiếm bát cơm, miếng thịt, trước là cúng gia tiên, sau cho con cháu ăn đón mừng năm mới.

Với những người cực nghèo là chuyện không dễ, họ chẳng có gì bán lấy tiền lo cho mấy bữa tết, cũng chẳng thể vay mượn được ai, “đói ăn vụng, túng làm liều”, một số người trong họ đành phải đi ăn cắp ăn trộm. Năm hết tết đến là thời gian có nhiều trộm cắp, ngoài ra còn là thời gian các chủ nợ đi đòi tiền các con nợ, họ sợ sang năm mới sẽ không gặp may.

Nghĩa bóng: Thời gian có nhiều trộm cắp và người đòi nợ.

10. Ngu như con bò me tế

Nghĩa đen:

Người miền Trung gọi con bê lớn, sắp chuyển sang tuổi bò, là con“bò me”. Hàng năm, khi cúng tế thần, dân làng dùng rơm thui chín con “bò me”, đem cúng tế thần.

Con “bò me” sau khi đã được thui chín, đặt nằm trên bệ thờ thần, đầu ngoảnh ra ngoài, nhe bộ răng trắng hớn như đang cười. Bị đem mổ thịt tế thần mà còn “cười” được là quá ngu, “ngu như con bò me tế”.

Nghĩa bóng: Không còn ai ngu hơn.

11. Mặt nạc đóm dày

Nghĩa đen:

“Mặt nạc” là mặt người nhiều thịt, thô, thường là mặt của nhữngngười tham lam chậm hiểu. Khi nhìn vào bộ mặt này, người nhìn có cảm giác nặng nề, khó chịu.

“Đóm” là vật dùng để thắp lửa, hút thuốc lào. Người miền Trung thường lấy ruột cây nứa, ngâm một thời gian, phơi khô, chẻ mỏng cất vào ống đựng đóm, dùng dần.

“Đóm dày” thường không phải là đóm đã được chuẩn bị sẵn, không đạt tiêu chuẩn đóm, khó cháy, ngọn lửa nhỏ, dễ bị tắt trong khi hút thuốc. Người hút thuốc lào cảm thấy rất khó chịu, khi đang hút thuốc mà đóm bị tắt lửa giữa chừng.

Nghĩa bóng: Những thứ làm cho con người khó chịu.

12. Tổ con chuồn chuồn

Nghĩa đen:

Chuồn chuồn sống trên cạn, đẻ trứng trực tiếp vào nước. Trứng chuồn chuồn tự nở trong môi trường nước, thành ấu trùng. Ấu trùng chuồn chuồn tự sống trong môi trường nước. Đến tuổi trưởng thành, ấu trùng chuồn tự lột xác thành chuồn chuồn.

Chuồn chuồn không có tổ, không thể nhìn thấy “tổ con chuồn chuồn”.

Nghĩa bóng: Cái không có thực.

13. Vắt cổ chày ra nước

Nghĩa đen:

Ngày xưa, người nông dân thường giã gạo giã bột bằng chiếc chàytay. Chiếc chày tay có hai đầu to, phần giữa thắt nhỏ, vừa đủ cho hai bàn tay của người giã cầm chắc chiếc chày.

Khi giã, người giã đã sản sinh ra một lực lớn để đưa chiếc chày lên cao, hạ chiếc chày xuống thấp. Động tác đó làm người giã mỏi mệt, mồ hôi toát ra cả cơ thể và đôi bàn tay, làm ướt cổ chày.

Người giã, hai tay cầm chặt chiếc cổ chày, chuyên tâm vào việc giã, khi thấy chiếc cổ chày chảy nước, không nghĩ đó là mồ hôi của mình đổ ra, mà cho là, mình đã “vắt cổ chày ra nước”.

Nghĩa bóng: Chỉ hành vi của người bủn xỉn.

14. Tan đàn, sẻ nghé

Nghĩa đen:

Đàn trâu trong một gia đình rất quan tâm lẫn nhau, dù đàn trâu đócó cùng huyết thống hay không cùng nguồn huyết thống. Chưa ai nhìn thấy đàn trâu trong một gia đình tranh giành hay chiếm đoạt thức ăn của nhau hay húc nhau.

Trong trường hợp, có con trâu nào đó trong đàn trâu, bị chủ nhà đem bán đi xa. Con trâu bị bán nhớ đàn, đàn trâu có con bị bán nhớ bạn, chúng kêu gọi nhau mấy ngày liền. Chúng thường nhìn vào nơi hư không cất lên những tiếng kêu “Ọ..ọ...” kéo dài, chúng gọi nhau như thế đến mấy ngày liền. Tiếng gọi của chúng nghe rất thống thiết. Đó là cảnh “tan đàn”

Khi người ta bắt con nghé con đem bán, nghé con nhớ mẹ, liên tục kêu gọi trâu mẹ “nghẹ..ẹ...”, tiếng “nghẹ..ẹ...” non nớt kéo dài làm người nghe xót xa. Trâu mẹ nhớ con mình, cũng liên tục gọi ghé con “ọ..ọ...” suốt mấy ngày liền. Tiếng kêu “ọ..ọ...” kéo dài, vang lên ở âm cuối, nghe rất thống thiết, đó là cảnh “sẻ nghé”.

Nghĩa bóng: Nỗi buồn khi người thân bị chia ly.

15. Ai chửi, nấy nghe

Nghĩa đen:

Quê tôi ngày xưa, dăm bửa nửa nữa tháng, dân làng lại bị nghe chửi một lần. Người chửi đi từ đầu làng đến cuối làng, vừa đi vừa chửi. Người chửi là những người bị mất trộm con gà, bị cắt trộm bó chè xanh, bị bọn trẻ chăn trâu nhổ trộm khóm sắn hay mấy bụi lạc...Họ chửi để giải tỏa bức xúc, cho bớt tiếc của.

Chỉ những người chua ngoa trong làng mới chửi đổng ngoài đường như thế. Mỗi người trong họ có một bài chửi riêng, có âm điệu riêng, có giọng ngoa ngoắt riêng... Tôi nhớ một bài chửi: “Tổ cụ cái đứa đẻ ra cha mẹ bọn mi. Cả nhà mi là đồ siêng ăn nhác làm, ngày hôm qua đã bắt trộm của bà con gà mái đang đẻ trứng. Con lớn nhà mi ăn con gà của nhà bà, con lớn nhà mi chết. Con nhỏ nhà mi ăn, con nhỏ nhà mi chết. Cả nhà mi ăn cả cả nhà mi chết. Tổ cha mả mẹ chúng mày. Bà chửi cho cả nhà cả họ chúng mày biết, bỏ cái thói ăn sẵn đi.”

Lúc đầu dân làng còn lắng nghe để biết trong làng đã xẩy ra chuyện gì, ai đang chửi, lời ngoa ngoắt của bài chửi..., lâu rồi thành quen, chẳng còn ai quan tâm ..., rồi ai chửi người ấy nghe. Nghĩa bóng: Không quan tâm chuyện của người khác.

16. Lo bò trắng răng

Nghĩa đen:

Trước khi nói đến răng của bò, cần nói qua về những chiếc răng củangười. Ngày xưa, chưa có bác sĩ nha khoa, con người phải tự bảo vệ bộ răng của mình. Để có được những bộ răng khỏe đẹp, họ đã nhuộm răng đen. Nhờ được nhuộm đen, thuốc nhuộm bảo vệ răng, men răng không bị hỏng, chân răng không bị vỡ, răng không bị ố vàng. Bộ răng được nhuộm đen, chắc khỏe đến già.

Người cần nhuộm răng, bò không cần phải nhuộm răng. Có đến ba lý do không cần nhuộm răng cho bò:

Răng bò đều, luôn sáng trắng, đẹp tự nhiên, nếu nhuộm đen răng cho bò chỉ làm răng bò xấu đi.

Răng của bò rất khỏe, men răng rất tốt, chưa thấy bò hỏng men răng, vỡ chân răng, răng bị ố vàng. Việc nhuộm đen cho những chiếc răng của bò là không cần thiết.

Đồng tiền kiếm được không dễ, con người không dám nghĩ đến nhuộm răng đen cho bò.

Không cần phải “lo bò trắng răng”.

Nghĩa bóng: Không nên lo lắng về những việc làm không cần thiết.

17. Chưa thoát khỏi lũy tre làng

Nghĩa đen:

Cần phân biệt “ra khỏi lũy tre làng” và “thoát khỏi lũy tre làng” là khác nhau.

Chỉ có hai trường hợp được gọi là “thoát khỏi lũy tre làng”:

Thứ nhất, những người đã đi đến làng khác, bị cây cối và nhà cửa của làng đó che khuất tầm nhìn, họ không còn nhìn thấy lũy tre của làng mình. Trong trường hợp “thoát khỏi lũy tre làng” này, họ biết được cuộc sống mới ở nơi làng khác.

Thứ hai, những người đã đi xa ngôi làng của mình trên 10km theo đường chim bay, họ không thể nhìn thấy lũy tre của làng mình nữa, là đã “thoát khỏi lũy tre làng”. Những người đã “thoát khỏi lũy tre làng” này đã đi được quảng đường đủ xa, để nhìn thấy nhiều ngôi làng khác, nhiều cảnh khác lạ không liên quan đến ngôi làng của mình. Họ được mở rộng tầm nhìn, hiểu biết thêm về cuộc sống.

Nghĩa bóng: Chỉ khi đi xa mới biết được xã hội bên ngoài.

18. Được đằng chân, lân đằng đầu

Nghĩa đen:

Có hai người bạn đường, một người có chăn, một người không có chăn. Đêm xuống, trời lạnh, người bạn đường không có chăn, xin người có chăn cho đắp nhờ. Người có chăn đồng ý.

 Chăn đơn, chỉ đủ đắp cho một người, họ đành xoay ngang chăn, đắp chung phần chân và phần bụng cho cả hai người. Ngủ được một lúc, người được đắp nhờ chăn thấy phần trên của mình bị lạnh, bèn kéo chiếm hết cả cái chăn, đắp riêng cho mình từ đầu đến chân.

Người có chăn không còn được đắp tý chăn nào, cảm thấy rét, tỉnh dậy, nhìn thấy chiếc chăn của mình đã trở thành chiếc chăn riêng của người bạn đường. Người bạn đường đã “được đằng chân lân đàng đầu”.

Nghĩa bóng: Hành vi của người không biết điều.

19. Dở ông dở thằng

Nghĩa đen:

Những vị quan thanh liêm được người dân tôn trọng, gọi họ là“ông”. Bọn trộm cướp bị người dân căm ghét, gọi chúng là “thằng”.

Có loại người khi ở trên công đường, vừa ngồi ghế quan thanh liêm vừa thẳng tay cướp ngày. Loại người vừa làm quan vừa ăn cướp này là “dở ông dở thằng”.

Nghĩa bóng: Loại người đáng coi thường.

20. Nói trên mào con gà

Nghĩa đen.

Mào con gà là vật không vững vàng, luôn lay động. Mào con gàđặt trên đầu con gà, đầu con gà đặt trên cổ con gà, cổ con gà luôn vận động mổ tìm thức ăn. Cổ con gà chịu sự vận động của đôi chân con gà, đôi chân con gà luôn bới đất tìm mồi và chạy đuổi nhau...làm cổ con gà luôn bị vận động theo.

Trên mào con gà cùng lúc chịu sự vận động của mào con gà, của cổ con gà, của đôi chân con gà nên đó là nơi không chắc chắn. “Nói trên mào con gà” là lời nói không có cơ sở chắc chắn.

Nghĩa bóng: Lời nói không không đáng tin.

21. Quan xa nha gần

Nghĩa đen:

Xã hội Phong kiến ngày xưa là của vua quan. Những người giúpviệc cho “quan” là “nha”. Chẳng có “quan” nào không ăn hối lộ, chỉ khác nhau giữa họ là ăn hối lộ tàn bạo hay không tàn bạo, nên quan nào cũng giàu.

Quan cần giữ “danh” cho mình, đã phối hợp với nha cùng làm tiền của dân. Những ai cần làm việc với quan đều phải làm việc trước với nha. Quan cho “nha” gây khó khăn với người cần gặp quan. Chỉ khi những người cần làm việc với quan thực hiện xong khoản “đầu tiên” (tiền đâu), nha mới cho người cần gặp quan được gặp quan. “Quan xa, nha gần”.

Nghĩa bóng: Gặp được quan không dễ.

22. Ngậm bồ hòn làm ngọt

Nghĩa đen:

Nhiều người cùng nhìn thấy một quả lạ, vỏ màu nâu đỏ, nhăn nheo, thịt mềm, trông rất giống quả táo tàu nhưng to hơn quả táo tàu.

Trước mặt bạn bè, có một chàng luôn chứng tỏ mình hiểu rộng biết nhiều, đã khẳng định với mọi người như đinh đóng cột, đó là quả táo tàu. Để khẳng định lời nói của mình là đúng, chàng đã cho quả lạ đó vào miệng, cắn và nhận ra, quả đó không có vị ngọt thơm của quả táo tàu mà có vị đắng ngắt của một quả lạ.

Biết mình bị nhầm, nhưng không chịu nhận sai, chàng không nhả quả đắng đó ra, cũng không dám nuốt, đành ngậm quả đắng trong mồm. Sau đó, có người xác nhận, quả đắng đó là quả bồ hòn, nên có câu “ngậm bồ hòn làm ngọt”.

 Nghĩa bóng: Không chịu chấp nhận sự thực.

23. Nước sông không phạm nước giếng

Nghĩa đen:

Nguồn nước cung cấp cho sông và cho giếng khác nhau. Nước sông được cung cấp từ những nguồn nước đầu nguồn, như nước suối, nước khe. Nước giếng được cung cấp từ những mạch nước chảy ngầm trong lòng đất.

Nước sông bị đất bờ và nền đáy sông giữ không cho nước sông ngấm chảy ra ngoài, nên nước sông không thể chảy được vào giếng, còn nước giếng không thể chảy ra sông, nên “nước sông không phạm nước giếng”

.Nghĩa bóng: Tôn trọng chủ quyền của nhau

24. Của thiên trả địa

Nghĩa đen:

Từ thời khởi thủy, nước mưa có nguồn gốc của trời, khi đó quảđất chỉ là một khối nham thạch khổng lồ, nóng bỏng, không có nước. Thông qua quá trình hoạt động của vụ trũ, nước mưa từ trên trời rơi xuống quả đất.

Nước ngày nay phủ khắp trái đất, nước bay hơi tạo thành mưa, vẫn là nước trước đây của trời. Hiện tượng trời mưa là “của thiên trả địa”.

Nghĩa bóng: Của bất nghĩa không sớm thì muộn sẽ bị mất.

25. Giương đông kích tây

Nghĩa đen:

Khi bắn cung hay bắn nỏ, muốn bắn mũi tên về hướng tây, gọi là“kích tây”, người bắn phải kéo căng dây cung hay dây nỏ về phía ngược lại, là hướng đông, gọi là “dương đông”.

Nghĩa bóng: Nghi binh, đánh lạc hướng.

26. Dùi đục chấm nước cáy

Ngày xưa người nông dân phải xay thóc bằng cối xay. Khi đóng cối xay mới hay sửa cối xay cũ, người nông dân thường mời thợ về làm ngay tại nhà mình.

Thợ đóng cối thường có hai bố con, đi từ vùng này sang vùng khác tìm người cần đóng cối xay hay sửa cối xay. Họ phải tự nấu ăn trên đường đi. Họ thường đưa theo gạo và nồi, tiện đâu nấu đó, còn nước chấm thì xin, tốt nhất là xin các gia chủ đóng cối xay hay sửa cối xay.

Nhiều vùng nông dân, người dân chỉ ăn nước cáy tự chế biến. Thợ đóng cối xay hay sửa cối xay, nói xin nước cáy để ăn cơm thì ngại, bèn bịa lý do xin nước cáy để lau dùi đục.

Các gia chủ biết sự thực, vẫn cho mấy ông thợ đóng cối xay và sửa cối xay nước cáy để “lau dùi lau đục”, chỉ ngầm gọi họ là dân “dùi đục chấm nước cáy”.

Nghĩa bóng: Chỉ loại người giỏi làm, vụng nói.

27. Đòn xóc hai đầu

Nghĩa đen:

Đòn xóc được làm bằng tre, giống như chiếc đòn gánh để thẳng, hai đầu vót nhọn giống như nhau.

Người nông dân gặt lúa, để 3 tay lúa thành một gồi, xếp 3 gồi lúa thành một lượm, xếp 3 lượm thành một bó, lấy dây tre non bó chặt bó lúa, một bó lúa nặng khoảng 20 - 25kg.

Khi gặt đủ hai bó lúa, người nông dân dùng 2 đầu nhọn của chiếc đòn xóc, xóc vào hai bó lúa, gánh lúa một mạch từ ruộng lúa về nhà.

Vì đòn xóc có hai đầu nhọn giống nhau, nên dùng đầu nào của chiếc đòn xóc, xóc bó lúa đầu tiên đều được.

Nghĩa bóng: Con người nham hiểm, sống hai mặt.

28. Nhác tai cày, hay tai họ

Nghĩa đen:

Ngày xưa, người nông dân nuôi trâu chủ yếu để dùng vào việc càybừa. Con trâu được giao lưu với người bằng 3 tiếng: “Đi nào” là bước đi, “vắt” là quay trái, “họ” là dừng lại.

Khi kéo cày hay kéo bừa, con trâu liên tục bị người nhắc “đi nào” hay “vắt”. Kéo cày mệt nhọc, đi chậm bước nào khỏe bước ấy, tuy con trâu nghe rõ các tiếng “đi nào” và “vắt” nhưng vẫn lờ đi, coi như không nghe thấy, là “nhác tai cày”.

Khi người cày bừa nói “họ” là báo cho con trâu dừng lại giải lao hay đã hết buổi cày bừa. Con trâu chỉ ngóng tai chờ tiếng “họ”, là “sáng tai họ”.

Nghĩa bóng: Chỉ những người lười biếng.

29. Giàu hai con mắt, khó đôi bàn tay

Nghĩa đen:

Hai con mắt dùng để học, nhờ được học, con người có trí thức đểlàm giàu, là “giàu hai con mắt”.

Đôi bàn tay dùng để lao động, giỏi lắm cũng chỉ kiếm đủ ăn, là “khó đôi bàn tay”.

Nghĩa bóng: Những vật quí báu của con người.

30. Trâu ta ăn cỏ đồng ta

Nghĩa đen.

Ngày xưa mỗi làng thường có 2 người “nậu” bảo vệ những cánh đồng và bãi cỏ của làng. Nậu không cho người làng khác đem trâu bò đến chăn thả trên những bãi cỏ hay đồng đất của làng mình.

Nậu thuộc dạng “ác ôn”, thực thi nhiệm vụ bằng chiếc roi cày, không phải bằng lời nói. Nếu không muốn bị nậu làng khác đánh hay phạt, tốt nhất là cho “trâu ta ăn cỏ đồng ta”.

Nghĩa bóng: Trai làng nào lấy gái làng ấy.

31. Trâu già thích gặm cỏ non

Nghĩa đen:

Trâu chỉ mọc răng một lần, sau khi răng trâu đạt độ trưởng thành, cũng là lúc trâu bắt đầu bước vào tuổi già, răng bị mòn dần theo tuổi già của trâu.

Trâu già, răng bị mòn và yếu nên trâu già chỉ thích gặm cỏ non.

Nghĩa bóng: Ông già còn thích gái trẻ.

32. Đâm bị thóc, chọc bị gạo

Nghĩa đen:

Ngày xưa, người dân thường đựng vật dụng bằng những chiếc bị cói. Vật dụng ít được đựng trong những chiếc bị cói, đáy có hai góc. Vật dùng nhiều được đựng trong những chiếc bị cói to, đáy có bốn góc. Thóc gạo thường được đựng trong những chiếc bị cói to, đáy có bốn góc.

Người nông dân thường xuyên bị mất mùa do thiên tai, rất thiếu lương thực. Những năm mất mùa, chính quyền địa phương cấm mọi người vận chuyển thóc gạo ra khỏi địa phương nơi mình quản lý. Những người quản lý thường đâm vật nhọn vào những chiếc bị to, để phát hiện thóc gạo lậu. Hành động đâm bị thóc, chọc bị gạo này bị dân ghét.

Nghĩa bóng: Chỉ hành vi xúc xiểm.

33. Kẻ tám lạng, người nửa cân

Nghĩa đen:

Ngày xa xưa, người dân chỉ dùng cân “thập lục”. Một cân có 16khấc, một khấc là một lạng. Nửa cân là tám lạng, tám lạng bằng nửa cân.

Nghĩa bóng: Cũng chỉ là một.

34. Ăn cỗ đi trước, lội nước theo sau

Nghĩa đen:

Nông thôn ngày xưa khan hiếm thức ăn, khi dọn cỗ, những mónăn thừa của mâm trước, thường được sử dụng lại cho những mâm sau, thậm chí đi ăn sau còn bị hết cỗ. Nếu không muốn ăn thức ăn thừa, hay bị hết cỗ, tốt nhất, cần phải đi ăn trước, là “ăn cỗ đi trước”.

Khi lội nước, nếu gặp chổ nước quá sâu là rất nguy hiểm cho những người không biết bơi. Ở chổ nước không quá sâu, cũng có thể làm cho người lội nước bị ướt quần ướt áo, cũng là không nên. Tốt nhất là đi sau, cho những người đi trước dò đường giúp, là “lội nước theo sau”.

Nghĩa bóng: Chỉ loại người khôn vặt.

35. Rút dây động rừng

Nghĩa đen:

Trong rừng nguyên sinh có nhiều loại cây cùng sinh sống. Cây gỗcao to mọc tầng trên, cây ưa bóng râm mọc tầng dưới, cây thân dây ưa ánh sáng vươn tìm ánh sáng.

Việc bò tìm ánh sáng của cây thân dây khá kỳ công. Có cây thân dây phải trèo qua dăm mười cây thân gỗ tầng thấp, mới leo lên đến tầng trên của cây thân gỗ tầng cao. Có cây thân dây bò xa đến cả trăm mét.

Trong cuộc sống, con người cần nhiều loại cây thân dây của rừng, họ đi rừng khai thác cây thân dây. Sau khi chặt xong cây thân dây, họ phải kéo rút cây thân dây. Quá trình kéo rút cây thân dây, làm lay động đến nhiều cây rừng, còn tạo ra tiếng “rào... rào...” là “rút dây động rừng”.

Nghĩa bóng: Mọi vật đều có ràng buộc lẫn nhau.

36. Thuốc đắng giã tật

Nghĩa đen:

Dân làng ngày xưa dùng thuốc bắc, có hai loại thang thuốc: Thang thuốc bổ thường có nhiều vị thơm ngọt như táo tàu, kỳ tử, thục địa... khi sắc thành thuốc nước, có vị ngọt, dễ uống.

Thang thuốc chữa bệnh chỉ có các vị thuốc đắng, khi sắc thành thuốc nước có vị đắng rất khó uống.

Nghĩa bóng: Lấy độc trị độc.

37. Cưa sừng làm nghé

Nghĩa đen:

Khi vừa mới được đẻ ra, con nghé chưa có sừng, đến khoảng mươi tháng tuổi, nghé mới bắt đầu nhú sừng. Sau đó chiếc sừng được lớn dần theo tuổi con trâu.

Con nghé không có sừng, thân nhỏ gọn, da mỏng, lông mịn, nét mặt ngây thơ, hồn nhiên, dáng đi nhanh nhẹn, tiếng kêu “nghẹ”.

Con trâu có sừng, thân to nặng nề, da dày, lông thô, nét mặt lầm lì, đi đứng chậm chạp, tiếng kêu “ọ”.

Con trâu sau khi bị cưa sừng vẫn là con trâu không sừng. Không thể “cưa sừng làm nghé”.

Nghĩa bóng: Người già không thể lấy lại tuổi trẻ.

38. Tr ong nhà chưa tỏ, ngoài ngõ đã thông

Nghĩa đen:

Nông thôn ngày xưa sống theo “đại gia đình”. Trong một gia đìnhthường chung sống nhiều thế hệ có cả ông bà, cha me, con cái, anh em ruột, chị em dâu...

Mâu thuẩn giữa mọi người xẩy ra hàng ngày, khi những người trong gia đình có nhiều “phe phái”, họ chẳng thể tin tưởng vào ai để giải tỏa bức xúc, đành đem những bức xúc của mình giải tỏa với người ngoài. “Trong nhà chưa tỏ, ngoài ngõ đã thông”.

Nghĩa bóng: Khó giữ được bí mật nội bộ.

39. Cây nhà lá vườn

Nghĩa đen:

Ngày xưa, người dân ở vùng nông thôn sống tự túc, mỗi gia đìnhđều có một mảnh vườn nhỏ, trồng nhiều loại cây cần thiết cho cuộc sống gia đình, như cây dùng làm thực phẩm, cây dùng làm dược liệu, cây ăn quả..., đều là “cây nhà lá vườn”.

Nghĩa bóng: Những thứ không phải mất tiền mua.

40. Vụng chèo khéo chống

Nghĩa đen:

Điều khiển conthuyền đi lại được trên sông nước, có thể chèothuyền bằng chèo hay chống thuyền đi mé gần bờ sông bằng cây gậy chống thuyền.

Nếu vụng chèo nhưng khéo chống, người điều khiển thuyền vẫn làm tốt việc điều khiển thuyền, đi lại trên sông nước. Người “vụng chèo” nhưng “khéo chống” vẫn là người được việc.

Nghĩa bóng: Người giỏi bao biện.

41. Buông dầm, cầm chèo

Cái dầm và cái chèo có hình dáng giống nhau, cái dầm ngắn hơn vànhỏ hơn nhiều lần cái chèo.

Cái chèo được gắn vào cái cột chèo của con thuyền lớn, người chèo thuyền đứng trên thuyền, dùng hay tay cầm chèo, chèo thuyền đi.

Cái dầm độc lập với con thuyền. Với con thuyền nhỏ, người điều khiển ngồi xuống thuyền, dùng hai tay cầm dầm bơi nước, điều khiển thuyền đi.

Nghĩa bóng: Hết làm việc lớn là làm luôn việc nhỏ.

42. Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược

Dù bất cứ trống gì, trống đại hay trống ếch... người đánh trống đềuvung cao dùi, khua dùi xuống, tạo sức mạnh cho dùi đập vào mặt tống, tạo ra tiếng kêu, là “trống đánh xuôi”.

Ngày xưa thường dùng hai loại kèn, là kèn đồng loại nhỏ và kèn đám ma. Dù là loại kèn gì, khi thổi kèn, người thổi kèn phải ngửng cổ lấy hơi, buộc phải nâng chiếc loa kèn lên, là “kèn thổi ngược”.

Nghĩa bóng: Chỉ huy kém.

43. Ăn to nói lớn

Nghĩa đen:

Những người lao động trên sông hay trên biển như quăng chài,chèo thuyền, chống thuyền... phải đổ nhiều công sức trong khi lao động. Họ cần ăn nhiều để bù đắp phần năng lượng đã mất trong quá trình lao động, là “ăn to”.

Những người này thường xuyên phải tiếp xúc với khoảng không gian mênh mông, gió luôn thổi ù ù bên tai, họ phải nói to để người khác nghe được tiếng nói của mình, là “nói lớn”.

Nghĩa bóng: Những người sống đàng hoàng.

44. Xôi hỏng bỏng không

Nghĩa đen:

Thóc nếp, có thể rang bỏng hay đem giã thành gạo nếp, thổi xôi.

Nếu rang bỏng, người ta để nguyên hạt thóc nếp đem rang. Khirang, hạt thóc nếp gặp nóng già, dưới sức nén của vỏ trấu, phần gạo trong vỏ trấu nở tung thành bỏng.

 Nếu không rang bỏng, lấy thóc nếp giã thành gạo, đem gạo nếp đồ xôi. Khi đồ xôi không đúng kỹ thuật, gạo nếp không chín thành xôi, phải vứt đi, là “xôi hỏng bỏng không”.

 Nghĩa bóng: Quyết định sai, hay thi công sai là hỏng toàn tập.

45. Lòng vả như lòng sung

Nghĩa đen:

Cây vả thân gỗ, cành vươn ngang, lá to như cái quạt mo, quả ra sátgốc to như quả cà bát. Cây sung thân gỗ mọc thẳng, lá nhỏ dài, ra quả trên cao, quả nhỏ như quả cà pháo. Cây vả và cây sung tuy có dáng cây khác nhau, nhưng cấu tạo quả của chúng giống nhau.

Quả vả và quả sung đều được hình thành từ những chiếc đế hoa, phía trong những chiếc đế hoa đó là tập đoàn hoa sung và hoa vả. Hoa của chúng có cấu tạo giống nhau. Khi các hoa vả và hoa sung còn non, chúng có màu trắng trong, khi hoa già chúng có màu đỏ sim. Có hai loại cây sung, một loại ra quả trên cao, ruột quả không có mật. Một loại khác, ra quả sát gốc, gọi là sung đất. Quả sung đất cho mật ngọt như mật của quả vả. “Lòng vả như lòng sung”.

Nghĩa bóng: Là con người, ai cũng có sở thích hưởng thụ giống nhau.

46. Xanh vỏ đỏ lòng

Nghiã đen:

Theo qui luật chung, quả cây khi chín, vỏ quả từ màu xanh chuyểndần sang các màu khác, như các màu: Đỏ, trắng, vàng, tím, đen... Nhờ vậy, khi nhìn vào vỏ quả, người hay động vật biết được độ chín của quả.

Có loại quả khi chín, tuy ruột chuyển từ màu trắng bệch sang màu đỏ tươi, nhưng vỏ quả vẫn giữ nguyên màu xanh, đó là quả dưa hấu “xanh vỏ đỏ lòng”.

Nghĩa bóng: Không nên nhìn hình thức ngoài, đánh giá nội dung bên trong.

47. Tép mại đi đầu nước

Nghĩa đen:

Cá tép mại nhỏ bé, vảy màu trắng, con to nhất chỉ dài 8cm, rộng1cm, bụng to, nhiều ruột, không ngon, rẻ tiền. Cá tép mại thường sống ở tầng mặt nước nơi đồng ruộng, ao hồ.

Mỗi khi có biển đổi nhỏ về nguồn nước, cá tép mại là loại cá đầu tiên, bơi ngược dòng nước đi nơi khác. Khi nước trong ruộng bị chớm nóng, cá tép mại lại là những con cá đầu tiên bơi đi tìm nơi có nước mát hơn.

Nghĩa bóng: Chỉ loại người lăng xăng, kém cỏi.

48. Cá chuối đắm đuối vì con

Nghĩa đen:

Cá chuối con sống theo bầy, chúng bơi kiếm ăn ở phía mặt nước.Cá chuối mẹ luôn nằm phía dưới mặt đất, theo dõi đàn con bơi lội kiếm ăn ở phía trên và bảo vệ chúng.

 Lợi dụng đặc điểm này, sau khi phát hiện được đàn cá chuối con, người câu cá chuối thả con vịt mồi xuống nước. Con vịt mồi bơi một vài vòng đuổi bắt cá chuối con, cá chuối mẹ lao lên đớp chân vịt bảo vệ con mình, con vịt mồi sợ cá chuối mẹ vội nhảy lên bờ.

Đúng lúc ấy, người câu cá chuối thả con mồi là miệng con ốc nhồi, có màu vàng như cái chân vịt. Trong làn nước bị con vịt khuấy đục nhờ nhờ, cá chuối mẹ nhìn thấy miệng con ốc có màu như chiếc chân vịt, tưởng là chiếc chân vịt, lao lên đớp tiếp rồi bị mắc câu. Chỉ vì quan tâm bảo vệ đàn con, cá chuối mẹ mới bị mắc câu. “Cá chuối đắm đuối vì con”.

Nghĩa bóng: Ca ngợi đức tính hy sinh của người mẹ.

49. Chia năm sẻ bảy

Nghĩa đen:

Trong những cuộc làm ăn chung giữa hai người, thành quả lao độngthường được chia theo hai cách:

Nếu hai người cùng nhau thực thi một phi vụ nào đó từ đầu đến cuối, thành quả lao động 10 phần được chia đôi, mỗi thành viên được 5 phần là “chia 5”.

Nếu một người vừa thiết kế vừa thi công, người khác chỉ tham gia thi công cùng, thành quả lao động 10 phần được chia thành 2 phần, một phần 7 và một phần 3. Bên tham gia thi công được nhận phần 3, bên vừa thiết kế vừa thi công được nhận phần 7, là “sẻ bảy”.

Nghĩa bóng: Không còn nguyên vẹn.

50. Của đồng chia ba, của nhà chia đôi

Nghĩa đen:

Ngày xưa, những người có ruộng cho những người không có ruộng cày rẽ, sản phẩm thu được chia làm ba phần, người có ruộng được nhận một phần, người cày rẽ được nhận hai phần, là “của đồng chia ba”.

Những việc cùng nhau làm ăn không liên quan đến ruộng đất, như nuôi chung con bò, góp vốn cùng đi buôn..., lợi nhuận thu được chia đôi, mỗi thành viên được nhận một nửa, là “của nhà chia đôi”.

Nghĩa bóng: Công thức ăn chia công bằng.

51. Ông nói gà bà nói vịt

Nghĩa đen:

Gà và vịt là hai giống gia cầm khác nhau hoàn toàn, cả về hình dáng bên ngoài, tiếng kêu và môi trường sống. Không thể có sự nhầm lẫn giữa gà và vịt.

 Ấy thế, tại một gia đình nọ, người vợ thường xuyên đi chợ, hiểu biết hơn chồng, mua con vịt, khoe với chồng: “Tui mua con vịt, ta đánh tiết canh”. Ông chồng chưa rời khỏi lũy tre làng, chưa hề nhìn thấy con vịt, nhưng tỏ vẻ là người hiểu biết, đã cãi lại vợ: “Con này cũng là con gà”. “Ông nói gà bà nói vịt”.

Nghĩa bóng: Quan điểm bất đồng.

52. Đo bò làm chuồng

Nghĩa đen:

Nông dân ngày xưa rất nghèo, làm việc gì họ cũng phải tính toán chi li, tránh lãng phí từ đồng tiền đến bát gạo. Trong trường hợp tính toán quá chi li, có khi gặp hiệu quả ngược lại.

Tại một gia đình nông dân nọ, người chủ nhà đã làm chiếc chuồng bò theo kích thước của con bò. Mọi việc suôn sẻ cho đến khi người chủ nhà đó không muốn nuôi bò, chuyển sang nuôi trâu.

 Khi đó, chiếc chuồng bò quá chật không thể nhốt được trâu, người chủ nhà đó buộc phải phá chiếc chuồng bò, làm mới chiếc chuồng trâu. Vì tính toán thiển cận, người chủ nhà đó đã phải làm mới chiếc chuồng trâu.

Nghĩa bóng: Cách nhìn thiển cận, tiết kiệm không phải lối.

53. Lạc đường nắm đuôi chó, lạc ngõ nắm đuôi trâu

Nghĩa đen:

Mỗi khi đi xa, con chó đều đái một ít vào vệ đường, đánh dấuđường đi. Khi trở về, con chó lần theo mùi nước đái của mình tìm đường về, nên con chó không bao giờ bị lạc đường.

Có người thợ săn nọ, dẫn con chó cùng đi săn, hôm đó mải đuổi theo con mồi, người thợ săn bị lạc đường trong rừng sâu. Người thợ săn biết con chó có khả năng tự tìm đường về, anh ta yên tâm đi theo con chó rồi về đến nhà. “Lạc đường nắm đuôi chó”.

Con trâu vốn hiền lành, sống đơn giản. Trâu thường đi một mạch từ nhà ra đồng, rồi từ đồng về nhà. Ngoài ngõ nhà mình, trâu chẳng biết đến ngõ nhà ai. Chỉ cần lùa con trâu về đến đầu làng, là con trâu của nhà ai, khắc biết đi về chuồng của nhà ấy. “Lạc ngõ nắm đuôi trâu”.

Nghĩa bóng: Đặc điểm của loài vật.

54. Công dã tràng

Nghĩa đen:

Khi nước thủy triều lên, trên mặt cát của phần bãi biển bị ngập nước biển, có những con dã tràng sinh sống. Con dã tràng có hình dáng giống con cua, nhưng bé tí tẹo.

 Bãi cát bị ngập nước biển khi nước thủy triều lên, khi nước thủy triều xuống, bãi cát đó bị nổi cạn, những con dã tràng bị phơi cạn. Để tránh ánh nắng mặt trời, những con dã tràng đã đào hang tránh nắng. Trong quá trình đào hang trong bãi cát, chúng đã đẩy ra khỏi hang những hòn cát được xe tròn.

Đến khi nước thủy triều lên, sóng biển phá tan những viên cát tròn của những con dã tràng đã xe. Sự việc như thế được xẩy ra hàng ngày. Người ta nhìn những viên cát xe tròn của con dã tràng bị sóng biển đánh tan, cho là con dã tràng đã xe cát vô ích, là “công dã tràng”

.“Dã tràng xe cát biển đông

Nhọc mình mà chẳng nên công cán gì”.

Nghĩa bóng: Chỉ lao động không hiệu quả.

55. Công cốc

Nghĩa đen:

Người dân thuyền chài lợi dụng tài bắt cá của chim cốc, họ nuôi chim cốc từ khi còn bé, tập cho chúng quen sống với người. Khi chim cốc lớn lên, người chủ luyện cho chim cốc bắt cá.

Người chủ tròng vào cổ con chim cốc một chiếc vòng dây ngay sát miệng con chim. Khi chim cốc lặn xuống nước, bắt được cá, cổ vướng chiếc vòng dây, không nuốt được cá, bèn đưa cá về thuyền cho chủ.

Chim cốc đói, ra sức bắt cá. Cuối buổi săn bắt cá, người chủ tháo chiếc vòng dây ở cổ chim cốc, cho chim cốc ăn những con cá bé, đem những con cá to bán lấy tiền mua gạo.

Chim cốc nhỏ bằng một nữa con vịt trời, lông màu đen.

Nghĩa bóng: Làm nhiều, được hưởng ít.

56. Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh

Nghĩa đen:

“Tông” là cùng huyết thống, nên có từ “tổ tông”. Do cùng huyếtthống, có cùng mật mã di truyền (AND), nên những người trong các gia đình, các dòng tộc, các dân tộc... đều có nhiều nét giống nhau về tính cách, hình dáng, màu da, tư duy... “Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”.

Nghĩa bóng: Có sự giống nhau của những người cùng huyết thống.

57. Liệu cơm gắp mắm

Nghĩa đen:

Gắp mắm là gắp con cá mắm.

Con cá nục tươi, vừa đánh bắt xong, được người dân biển đem ướpmuối. Lượng muối nhiều đến mức, muối hút hết nước ở trong con cá nục, làm cho con cá nục như khô cứng và rất mặn. Cá mắm được ướp từ giữa vụ đánh cá, đến hết vụ đánh cá là chớm đông, lúc cá biển hiếm, mới đem bán.

Con cá mắm trông bề ngoài vẫn như còn tươi, nhưng thịt cá rất mặn, mặn đến nỗi để con cá mắm hàng tháng ngoài trời vẫn không bị hỏng.

Người dân thường đem cá mắm nướng lên, hay đem kho với mỡ và đường cho thêm chút nước lã. Cá mắm rất mặn, nên cần thận trọng khi gắp cá mắm ăn cơm, “liệu cơm gắp mắm”.

Nghĩa bóng: Cần tính toán cân đối những việc cần làm.

58. Nhanh như kẻ cắp chợ Thượng

Nghĩa đen:

Chợ Thượng họp tại bờ nam sông La, gần thị trấn Đức Thọ - Hà Tĩnh, là chợ đầu mối của cả nước, 10 ngày họp chợ một lần. Trước năm 1945, tuyến đường sắt Nam - Bắc thông thương tạo điều kiện cho kẻ cắp nhiều nơi tìm đến chợ Thượng hành nghề.

Nhiều nhóm kẻ cắp chuyên nghiệp hoạt động trên tuyến đường sắt Bắc - Nam, nhân phiên chợ Thượng, cũng về chợ Thượng ăn cắp tiền bạc của những người nông dân lơ ngơ đi chợ.

Kẻ cắp chợ Thượng thuộc đẳng cấp quốc gia rất giỏi, chỉ thấy người dân kêu mình bị mất cắp, chưa thấy ai bắt được kẻ cắp, nên có câu “nhanh như kẻ cắp chợ Thượng”.

Nghĩa bóng: Chỉ hành vi nhanh nhẹn.

59. No cơm ấm cật

Nghĩa đen:

Giường của người nông ngày xưa được lát bằng những thanh tre, gọi là những thanh cật. Người nông dân có cuộc sống đơn giản, khi đói họ lo lao động kiếm tiền. Khi đã ăn no, họ đi ngủ. Khi nằm ngủ, hơi ấm từ người làm ấm những chiếc cật giường. “No cơm ấm cật”.

“Khi chưa ăn cha rìu con rạ

Khi ăn rồi cha ngã con nghiêng”

Nghĩa bóng: Khi có cuộc sống đầy đủ, con người thích hưởng thụ.

60. Chắc như đinh đóng cột

Nghĩa đen:

Ngày xưa, nông dân thường mắc móc võng vào khoảng trống giữa hai cái cột nhà. Họ thường dùng những chiếc đinh to và chắc, chuyên dùng mắc võng, đóng vào chiếc cột nhà làm chỗ mắc võng. “Chắc như đinh đóng cột”.

 Nghĩa bóng: Chỉ việc làm chắc chắn.

61. Đục nước béo cò

Nghĩa đen:

Thức ăn của con cò chủ yếu là cá, cua và tôm trên đồng ruộng.Những đồng ruộng có nhiều cá, cua và tôm đều có nước đục, do chúng rúc vào lớp bùn trên bề mặt của đồng ruộng tìm kiếm thức ăn, làm lớp bùn non bị khuấy lên gây đục nước. Ruộng càng đục nước càng có nhiều cá, cua và tôm.

Ở ruộng nước đục, con cò đoán biết được nơi ẩn náu của cá - tôm và cua, còn cá - tôm và cua không nhìn thấy con cò để trốn chạy, cò thoải mái tìm bắt chúng ăn thịt. “Đục nước béo cò”.

Nghĩa bóng: Ở xã hội bất minh, bọn quan tham mới kiếm được nhiều tiền.

62. Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời

Nghĩa đen:

Con người sinh ra được mang các đặc tính di truyền tính của cả chalẫn mẹ. Ở các đời sau, con cháu của họ còn chịu sự phân ly tính trạng theo qui luật di truyền từ ông bà. Vì thế, về hình dáng, tư chất và tính cách của những con người giữa các đời là khác nhau.

Người con khác bố mẹ, người cháu khác ông bà, sự khác biệt này còn chịu sự tác động thăng trầm của xã hội. Sự khác biệt này có cả hai hướng, hướng đi xuống sẽ “không ai giàu ba họ”, hướng đi lên sẽ “không ai khó ba đời”.

Nghĩa bóng:Cuộc sống của con người luôn vận động, cần nhìn sự vật ở thì tương lai.

63. Đời cua cua máy, đời cáy cáy đào

Nghĩa đen:

Con cua đồng và con cáy đều cùng một họ, có hình giáng giống nhau: “Tám cẳng, hai càng, một mai, hai mắt”. Con cua đồng thường sống trong nước, ít khi sống trong hang, thường đi xa hang kiếm ăn. Lúc con cua đồng lên cạn, thường đùn nước ở miệng thành đám bọt, thỉnh thoảng đưa hai càng quyệt ngang. Người dân gọi hiện tượng này là con cua đồng máy. “Đời cua cua máy”

Con cáy thường sống trên phần đất cạn, gần bờ sông, bờ đầm nơi vùng nước lợ. Cáy sống gần hang, khi gặp người đến gần, cáy chui vào hang. Con cáy đào nhiều hang, là “đời cáy cáy đào”

Nghĩa bóng: Hãy tin tưởng vào con cháu, mạnh dạn để chúng sống tự lập.

64. Trăm bó đuốc thế nào cũng bắt được một con ếch ộp

Nghĩa đen:

Ngày xưa chưa có đèn pin hay ác qui, người dân thắp sáng vào đêm bằng đèn dầu hay đuốc.

Vào những đêm mùa hè, sau những cơn mưa rào, người nông dân thường đốt đuốc đi bắt ếch ở những khu ruộng cạn hay ở bãi tha ma.

Ngọn lửa của đuốc chiếu sáng được cả một khoảng đất rộng, người ở xa con ếch khoảng 4m vẫn nhìn thấy con ếch. Người thấy ếch, nhưng con ếch không thấy người, nên việc bắt ếch vào ban đêm bằng đuốc là dễ dàng. Thường chỉ bắt trong khoảng 1 giờ, ít nhất cũng bắt được vài ba con.

Nghĩa bóng: Có quyết tâm thực hiện sẽ thành công.

( còn nữa )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét