( Xem kỳ I : http://thpttohieusonla.blogspot.com/2020/12/lang-toi-ngay-ay-tan-van-cua-tran-quy.html)
LÀNG TÔI NGÀY ẤY - TẢN VĂN CỦA TRÀN QUÝ LỘC ( II )
( Tiếp theo “ Từ trang 24 đến trang 46 )
11. Rú rậm
Rú rậm nằm mé ngoài và độc lập với núi Thiên Nhẫn, có hình con rùa đang bò ra sông La. Rú Rậm dài khoảng 300m, rộng khoảng 100m, cao khoảng 30m, nơi vị trí mắt rùa là điện Kim qui.
Rú Rậm gồm toàn cây gỗ tái sinh, có nhiều loại cây, nhiều nhất là cây trai và cây bai bái... Những cây tái sinh này tạo tán lá che gần hết phần trống mặt đất. Dưới tán lá có nhiều loại cây thân bò và thân bụi cho quả như sim, mua, móc, rạng, vú bò, bông trang, khu đăn, khu lồ, khu gióng, lộng cộng, chua ngút, ngấy ngoài Bắc gọi là cây mâm xôi...
Bọn trẻ chúng tôi gặp bất cứ loại quả của các cây nào nói trên là hái ăn, kể cả những loại quả không hề có một chút hương vị như quả lộng cộng, có vị chát đắng như quả mua hoặc có mùi hăng hắc như quả bai bái.
Đúng ra, chúng tôi phải loại quả bai bái ra khỏi thực đơn, ngoài phần có mùi hắc hắc, nếu ăn nhiều có cảm nhận hoa mắt và chảy nước miếng trong, như thế là quả bai bái có chất độc. Với bọn trẻ chúng tôi, chỉ khi ăn vào bị lăn quay đơ như gà toi, may ra mới có đứa sợ.
Mé bìa rừng là những bãi cỏ, có nhiều bụi duối mọc rãi rác, cứ có cành duối nào mọc được là bọn bò thè lưới xơi tái luôn. Ngoài cái thân duối to đùng ở phía trong, phía ngoài chỉ là những cành dăm, hết năm này sang năm khác chúng chỉ vẫn là những bụi duối.
Có nhiều loại quả gắn liền với tuổi thơ, tôi không bao giờ quên.
Quả khu gióng.
Khu gióng thuộc dạng thân dây, dẻo và cứng. Thân cây khu gióng được người dân cuộn thành nhiều vòng làm khu gióng, khu gióng là trôn đít của chiếc quang. Khu gióng ra quả quanh năm, cứ vài ba mắt lá có một chùm quả, một chùm có trên 15 quả nhỏ bằng đầu đũa, màu xanh. Khi quả chưa già, phần ruột của quả ăn như cơm nếp.
Quả vú bò.
Cây vú bò thân gỗ leo, quả như những chiếc vú bò màu tím đen, một chùm chỉ có vài ba quả, ăn như nho Mỹ. Có thể vú bò là một loại nho rừng.
Quả duối.
Vào mùa hè, duối nở hoa và cho quả. Quả duối chín có lớp thịt mọng nước màu vàng, bao bọc quanh một chiếc hạt duối. Quả duối chín hàng ngày, nếu không có người hái, chỉ sau 3 ngày sẽ có cả một cây duối vàng rực quả chín. Quả duối giống hạt ngô, chỉ ăn phần thịt bỏ hạt, có cảm giác ngọt thơm và mát. Chim chào mào rất thích ăn quả duối.
Quả ngấy.
Dân quê tôi gọi là cây ngấy, dân miền Bắc gọi là cây mâm xôi. Cây ngấy bò trên lá của những bụi dứa gai, biến cây dứa gai làm giàn leo cho cây ngấy. Cây ngấy ra hoa quanh năm, trên một chùm quả ngấy luôn có cả hoa và quả, có những quả mới hình thành và những quả đang chín đỏ mọng.
Quả ngấy, quê tôi gọi là nụ ngấy. Nụ ngấy có hình dáng giống quả dâu tây, nhưng nhỏ hơn, ngắn hơn, các khe gữa các tép quả rộng hơn. Có cây ngấy mấy ngày không có người hái, có thể hái được một vốc to quả chín. Quả ngấy chín có vị ngọt đậm, dôn dốt chua, ngon hơn dâu tây.
Xung quanh rú rậm có nhiều cây găng, bọn trẻ chúng tôi chỉ biết dùng nhớt quả găng, giặt quần áo thay xà phòng. Sau này tiếp xúc với dân miền Bắc, ăn món thạch xanh của họ đươc làm từ lá găng, mới biết tuổi thơ của mình đã bỏ phí nhiếu thứ quí.
Rú rậm thuộc địa phận làng tôi quản lý. Làng có lệ là, người dân chỉ được quét lá khô về đun, không được đụng đến lá và cành tươi. Ngoài lệ của làng, không có một ai quản lý, nhưng người dân vẫn tự nhắc nhở nhau thực hiện, họ còn tự quản không cho người làng khác vào khai thác lá khô của rú Rậm.
Khoảng dăm năm một lần, khi các thân cây tái sinh đã đủ lớn, cả làng cùng nhau chặt toàn bộ cây trên rú rậm, chia cho các hộ dân làm củi. Việc làm được tiến hành gọn gàng trong một ngày. Từ những gốc cây bị chặt cành, chồi mới mọc lên, lớn dần, chờ đến dăm năm sau rú Rậm lại cung cấp cho dân làng một đợt củi mới.
Sau khi vào hợp tác xã, rú Rậm được chia cho dân làm đất ở, thành làng Kim Qui ngày nay. Đất vườn của mỗi nhà được sử dụng theo ý thích của mỗi người, tạo nên rú cây nhấp nhô, không còn ra dáng một con rùa của ngày xưa.
Ngày nay, những loại quả của rú Rậm ngày xưa, chỉ còn là ký ức.
12. Hồ Kim Qui
Phía dưới chân điện Kim Qui, mé bên kia đường chiến lược, có chiếc ao tròn, đường kính khoảng 30m, nước trong xanh quang năm, chưa bao giờ cạn. Nhờ vẻ đẹp ngoại cảnh xung quanh ao cùng với sự tôn nghiêm của điện Kim Qui, dân làng tôi đã “nâng cấp” gọi là hồ Kim Qui. Trên bờ hồ có bãi đất rộng bao quanh, bọn trẻ chăn bò thường thả rông cho bò tự do gặm cỏ trên bãi đất này, còn bọn trẻ chăn bò, bỏ mặc bò, thoải mái vui chơi. Quanh bờ hồ có nhiều cây thân gỗ lâu năm và cây bụi. Trong số những cây đó, đáng chú ý nhất là một cây ươi, ba cây gôm nếp và nhiều bụi mây nước.
Cây ươi cao to, vượt trên những cây thân gỗ khác. Hàng năm vào mùa hè, những quả ơi chín, bung ra hai cánh vỏ đỏ tươi, nhìn từ xa, giống như những chùm hoa đỏ. Trên hai cánh vỏ đỏ tươi đó là những hạt ươi màu đen, giống như những hạt vải. Sau này tôi đọc báo Văn nghệ Quân đội, được biết các anh bộ đội Trường Sơn đã dùng hạt cây ươi làm thạch, họ gọi cây ươi là cây hương đào (cây hao đường). Thế là, bọn trẻ chúng tôi lại bỏ mất cái quí của hạt ươi.
Gôm nếp là cây gỗ lâu năm, lá nhỏ, xanh đậm, phân cành từ gần sát gốc. Cây gôm có nhiều cành, các cành sát gốc đều mọc ngang, xòa cành trên mặt hồ và trên khu đất ven hồ. Bọn trẻ chăn bò thường ngồi hóng mát trên những cành gôm sát gốc.
Quả gôm mọc từng chùm như quả xoan đâu, cũng giống quả xoan đâu nhưng to hơn. Quả gôm chín vào đầu mùa hè. Khi quả chưa chín vỏ có màu xanh, khi quả chín vỏ chuyến sang màu tím xanh. Bọn trẻ chăn trâu thường hái những chùm gôm già, ủ vào đống lá, ngày hôm sau quả gôm chín. Phần thịt quả gôm ăn dẻo, ngọt, thơm mùi cốm nếp.
Các khóm mây nước mọc thành bụi to, cây ra sau bọc ngoài cây ra trước. Lá của những cây con mọc mé ngoài rủ xuống sát tận mặt đất với những chiếc bẹ lá và gân lá tua tủa những chiếc gai nhọn và dài. Đường kính tán lá của một khóm mây nước rộng trên 5m, là khoảng đất riêng của chim bìm bịp và chim cu vức. Chim cu vức được dân miền Bắc gọi là chim quốc.
Khu vực Hồ Kim Qui là vương quốc của nhiều loại chim. Vào các buổi sáng, buổi trưa và buổi chiều tối, thường vang lên bản hòa tấu của nhiều tiếng chim. Chim bìm bịp với tiếng kêu thong thả: “bịp... bịp... bịp... bịp....”, chim tu tú với tiếng kêu cất cao âm cuối: “o hâu... o hâu” ..., chim cà cưỡng với tiếng kêu trau chuốt: “cọ ki cường... cọ ki cường”...., chim ác xác với tiếng kêu nháo nhác: “ác xắc...ác xác”...., chim quốc với tiếng kêu đanh gọn “cu vức...cu vức”, chim bồ chao với tiếng kêu như cải nhau, “lao xao như bồ chao vỗ tổ”...
Ngoài ra, còn có nhiều tiếng chim sống gần đó vọng theo, chim quạ kêu “ạc...ạc...”, chim tò hoét kêu “tò hoét...tò hoét...”, còn có mấy loài chim nữa, tôi chưa nhìn thấy chim, chỉ nghe tiếng hót: “Chi chọt cho hết... chi chọt cho hết...”, “bắt cô trói cột... bắt cô trói cột...” và “du di dụ dị... du di dụ dị... ”
Ngày nay, quanh hồ Kim Qui không còn một cây to hay một cây bụi nào, mặt hồ đã bị lấp gần hết, chỉ còn là một vũng nước nhỏ. Các loại chim kể trên cũng đã bỏ đi đâu mất, những tiếng chim của chúng chỉ là những ký ức xa xưa.
13. Nơi đồng cao, ruộng thấp
Không biết từ rất xa xưa, người làng tôi thuộc dân tộc gì, tên địa danh nào là Bộ Moong – Đồng Lào - Gia Trại - Con Trống - Cửa Lều - Cụp Tran - Vũng Bành - Nương Lành - Dượng Bạn - Côn Môn - Yên Mạ - Đập Xức - Đầu Bàu - Dị Nguộn - Dên - Giang - Nẩy - Oóc - Chủy... nghe như tiếng nước ngoài.
Từ những nơi đồng cao ruộng thấp này, người dân làng tôi trồng đủ các thứ cây trồng của nhà nông: Lúa nước, lúa cạn, khoai lang, ngô, mía, lạc, đỗ, đậu, vừng, sắn, củ vạc, củ từ, củ dong, khoai sọ ..., nói chung, nông dân Việt Nam có cây củ gì làng tôi có đủ các cây củ đó, chỉ trừ một số cây đặc chủng như khoai nưa - khoai nước...
*
Vào cuối tháng 9, cạnh con đường cái đầu làng, những thửa ruộng nếp lú bắt đầu trổ bông, hương thơm của lá lúa và của hoa lúa thoang thoảng bay theo những ngọn gió đồng. Những khóm nếp lú cao cây, được cấy thưa, nước ruộng sâu và trong, người đứng trên đường cái có thể nhìn thấy rõ những con cá rô lượn lờ kiếm ăn giữa khoảng trống của những khóm nếp lú gần đường cái.
Vào thời gian nầy, trời se se lạnh, nắng nhẹ, bọn trẻ đi câu cá rô. Cái thú của người câu cá rô là được nhìn thấy rõ ràng những con cá rô cắn câu. Con nào cũng giống con nào, ban đầu chúng hờ hửng ngửi miếng mồi rồi bơi ra xa. Một lúc sau, tiếc rẻ, chúng bơi quay lại. Lần này tuy táo bạo hơn, chúng vẫn ngậm hờ miếng mồi rồi nhả ra ngay, như cố tình đùa bởn với người câu.
Cứ bơi ra bơi vào mấy lần như thế, chỉ những chú cá rô táo bạo háu ăn mới cắn câu. Lần này chúng há to mồm, ngoạm cả miếng mồi bơi đi, kéo theo dây câu. Chiếc phao câu chạy theo con cá rồi chìm sâu xuống nước, lúc đó, người câu giật nghiêng cần câu, con cá rô mắc lưỡi câu vào mồm, bị hất tung lên đường cái. Nhìn con cá vùng vẩy một lúc trên đường cái, người câu thong thả đến bắt. Đó là lúc người câu cá tận hưỡng giây phút chiến thắng của người đi câu.
Một lần đi câu cá rô, nhiều lắm cũng chỉ câu được dăm con, với bọn trẻ đi câu là thú vui, có câu được cá hay không là không quan trọng. Sau này được tiếp xúc với nông dân đồng bằng Bắc bộ, họ có cách đánh cá rô bằng rọ thật tuyệt. Chỉ cần một chiếc rọ cá rô, đặt một dúm thóc vào mặt ruộng dưới chân chiếc rọ, cá rô vào ăn thóc, bơi lên rồi chui vào rọ. Buổi tối đặt rọ, sáng hôm sau đi thu rọ, một chiếc rọ ít nhất cũng có được vài ba con cá rô còn sống.
*
Quê tôi mưa lụt thường tập trung từ 15 tháng 7 đến 15 tháng 8 âm lịch, thời gian này có những lúc nước ngoài đồng thông thiên, chỉ còn lại những con đường lớn và những bờ ruộng lớn, cũng là lúc cá tràu đi ăn đêm. Quê tội gọi cá tràu, dân miền Bắc gọi là cá quả.
Cá tràu dưới các đầm và ao hồ, theo dòng nước bơi đến những ruộng lúa kiếm ăn. Bọn trẻ chúng tôi mỗi người có khoảng 10 chiếc cần câu cá tràu gọi là câu deo. Cần câu được làm bằng một đoạn tre to bằng chiếc đũa cả, dài khoảng 50cm, một phần của đoạn tre này được vót bỏ phần ruột, còn lại phần cật, hơ qua lửa uốn hơi cong cong, buộc dây câu vào phía trên.
Đoạn dây câu bằng cước hay được se bằng nhiều dây chỉ, dài khoảng 30cm, phía cuối dây có lưỡi câu. Khi câu cá tràu, người câu móc lưỡi câu vào da lưng con nhái, cắm chuôi cần câu vào bờ ruộng lúa, sao cho con nhái nhảy được trên mặt nước. Cá tràu đi ăn đêm, thấy con nhái nhảy trên mặt nước, lao đến, đớp con mồi rồi mắc câu. Mồm con cá tràu nằm gần mặt nước, con cá tràu chỉ còn biết cựa quậy, chờ người đi câu đến bắt. Hôm nào cũng có cá tràu cắn câu, hôm ít được một vài con, hôm nhiều được dăm con, một con nặng khoảng 0,3kg. Buổi chập choạng tối đi đặt câu, buổi sáng đi thu cá. Với bọn trẻ, đi câu cá tràu là đi chơi.
Phần thân cá tràu được cắt khúc kho nước mắm, phần đầu và đuôi được băm nhỏ, trộn với nhân lạc giã nhỏ, rán chả.
*
Khi những ruộng lúa mùa vào chắc, gió đông tràn về, chim chèo bẻo ở tận những đâu bay về theo gió đông, bọn trẻ lại đi bẩy chim chèo bẻo. Người bẩy chim tách một cây lúa tận sát gốc, bỏ hết lá, bôi nhựa vào bông lúa đã bỏ hạt, lấy dây tóc buộc một đầu vào hai cánh già của con dế dũi, đầu kia của sợi tóc, treo vào phía cuối bông lúa, núp vào bụi mua hay bụi dứa trên bờ ruộng, giơ cao thân cây lúa có con dế dũi lên khỏi bụi cây, lúc lắc cây lúa cho con dế dũi bay.
Chim chèo bẻo tinh mắt, có thể phát hiện được con dế dủi đang bay ở khoảng cách trên 50m. Khi nhìn thấy con dế dủi đang bay, nó nhào đến, vồ bắt con dế, rồi dính cánh chim vào nhựa trên bông lúa, kéo thân lúa đổ gục xuống. Người bẩy chim tóm gọn con chim, nhổ một chiếc lông cánh, xâu vào hai lỗ mũi, buộc khóa mỏ chim, buộc chân, buộc cánh, cho chim vào túi. Mỗi buổi săn chim chèo bẻo, luồn lách khắp các cánh đồng, nhiều lắm cũng chỉ bẩy được một vài con. Thú vui chính của người săn chim chèo bẻo là thắng lợi tinh thần, họ vui sướng khi biết lợi dụng địa hình, đánh lừa được con chim chèo bẻo là giống chim vừa khôn vừa tinh mắt.
Thịt chèo bẻo được trộn với hạt lạc giả nhỏ, vo viên, rán chả.
14. Hến sông La
Sông Ngàn Phố chạy qua huyện Hương Sơn và sông Ngàn Sâu chảy qua huyện Hương Khê, gặp nhau tại Linh Cảm tạo thành sông La. Nơi gặp nhau của ba con sông này là ngã ba Tam Soa. Sông La to rộng, nước sâu, chạy dọc theo bốn xã: Đức Trường, Đức Tân, Đức Ninh và Đức Minh, gặp sông Lam ở gần Bến Thủy. Sông La dài khoảng 10 km.
Nơi bắt đầu của sông La có một bải bồi, dài khoảng 2 km. Phía nam chân bãi bồi này là những triền cát vàng, quê hương của hến sông La. Xã Đức Trường và Đức Tân chiếm hết phần đầu nguồn của sông La, nơi có nhiều hến.
Về mùa hè, nước thủy triều bắt đầu lên vào khoảng 1 giờ chiều và bắt đầu xuống vào khoảng 1 giờ sáng, chênh lệch mức nước giữa thủy triều lên và thủy triều xuống xuống khoảng 3m. Nước sông La trong xanh, lòng sông toàn cát vàng, có rất nhiều hến. Nếu ai đó thả tay bốc ngẫu nhiên một nắm cát của lòng sông, ít nhất cũng có được 1- 2 con hến to.
Nhiều người dân xã Đức Tân sống chuyên bằng nghề cào hến và chế biến hến. Hến được cào bằng thuyền, thuyền được thả trôi theo dòng nước thủy triều xuống, kéo theo chiếc cào hến. Người cào hến đứng trên thuyền, giữ cào và lắc cho cát lọt ra ngoài chiếc cào, hến được giữ lại ở trong cào. Thỉnh thoảng người cào hến kéo cào lên, đổ hến vào thuyền.
Xóm 2 xã Trường Sơn có nhiều người sống bằng nghề cào hến và chế biến hến. Những người chế biến hến mua hến tươi từ những người cào hến. Họ nhặt bỏ tạp chất, rửa sạch, đun chín, đãi ruột hến ra khỏi vỏ hến. Sau khi chế biến xong, người chế biến hến có được hai thùng nước hến và một mẹt ruột hến.
Người chế biến hến gánh nước hến và ruột hến bán chợ hôm tại xóm 8 làng tôi, bán chợ chiều tại xóm 3 xã Đức Tân. Ngoài những người bán hến ở chợ, có khoảng 5 người bán hến rong. Họ gánh nước hến và ruột hến đến bán tận từng ngõ hẻm, ai ai cũng có thể mua được. Người bán hến cất tiếng rao dài, ngân nga, âm từ thấp lên cao, kéo dài và nâng cao hai từ cuối: “Có ai mua hê..ế..n... kh...ô...ô...ông”.
Người mua hến ít tiền nhất là 5 xu, người nhiều tiền nhất là 2 hào. Canh hến là hổn hợp của nước hến và ruột hết, không pha thêm nước lã, không cho thêm rau xanh, chỉ cho thêm chút mắm tôm và miếng gừng giả nhỏ. Chỉ khi vào mùa có quả bí ta, dân bắc gọi là quả bầu, hến mới được nấu với quả bí ta. Thỉnh thoảng hến được nấu với lá hẹ.
Hến Sông La vỏ vàng, to con, ruột chắc, nước ngọt là thức ăn chính của hai bữa cơm trong ngày của người dân quê tôi. Canh hến thường được ăn với cà pháo. Người làng tôi thường mời khách khách: “Mời bác ở lại ăn với chúng em bữa cơm cà” thực ra là: “Mời bác ở lại ăn với chúng em bữa cơm canh hến”.
Món ăn đặc sản của làng tôi, là xào ruột hến với lá răm ăn với bánh đa nướng, hay canh hến ăn với khoai lang luộc. Khoai lang làng tôi bở đến tận vỏ, “ai về Hà Tĩnh thì về, ăn canh hến Đức Thọ, uống nước chè Hương sơn”.
15. Nhút
Đồng đất làng tôi có hơn một nửa diện tích đất trồng cây mầu, trong số những cây mầu được trồng nhiều là cây đậu xanh và cây đậu đen.
Đậu xanh và đậu đen được trồng vào tháng 1 âm lịch, “tháng giêng trồng đậu,...”. Sau khi mọc được khoảng một tháng, cây đậu xanh và cây đậu đen gặp nắng ấm và mưa phùn, vườn dài ngọn, cũng là lúc người trồng đậu đi bấm ngọn đậu, buộc cây đậu ra thêm cành, cho nhiều quả. Ngọn đậu không bỏ đi, được người dân tận dụng làm nhút.
Ngọn đậu được rửa sạch, để héo, cắt thành từng đoạn ngắn, khoảng 4cm. Cho ngọn đậu đã được cắt vào nia, rắc thếm ít muối hạt, vò kỹ, đến khi những đoạn ngọn đậu mềm nhũn ra
Cùng thời gian này, những quả mít đầu vụ chưa vào kỳ làm hạt, được mua về, gọt vỏ, rửa sạch nhựa, băm thành tường miếng nhỏ, lẫn lộn cả phần xơ và phần múi mít. Đem trộn phần mít non được băm nhỏ này với một ít muối hạt, đảo nhiều lần.
Đem ngọn đậu đã vò nhũn với muối này trộn với phần mít non đã được băm sau khi đã trộn đủ muối, theo tỷ lệ 1 : 1. Người làm nhút kiểm tra lại độ mặn, nếu chưa đủ độ mặn, được bổ sung thêm muối cho vừa.
Đưa hổn hợp này vào chiếc vại sạch và khô, ấn chắt, khỏa phẳng mặt trên, đặt lên mặt một chiếc mê tre. Đè lên chiếc mê tre đó bằng một hòn đá cuội to, sạch, nặng khoảng 8 kg, chuyên dùng để muối dưa cà. Bọc kín miệng vại bằng một lớp vải kín và sạch, buộc chặt, bảo quản nơi bóng râm mát.
Muối mặn rút nước từ ngọn đậu và sợi xơ mít non ra, đủ phủ ngập hổn hợp ngọn đậu và mít non, giúp ngọn đậu và mít non được lên men trong điều kiện mặn và yếm khí. Khoảng 15 ngày sau, quá trình lên men hoàn thành, hổn hợp ngọn đậu và mít non có màu vàng ươm, thơm mùi đặc biệt, đó là nhút của làng tôi.
Trong quá trình lấy nhút ăn, phải buộc tấm vải che nhút thật cẩn thận, tránh tấm vải bị rách và hở, dù chỉ hở một lỗ rất nhỏ như hạt vừng, là con ho có thể chui vào đẻ trứng. Con ho là giống ruồi rất nhỏ, chỉ bằng hạt vừng. Khi con ho chui được vào vại nhút, chúng đẻ trứng lên thành vại, trứng nở ra những con dòi màu trắng, sống ở lớp nước nhút. Lúc đầu con dòi bé như sợi chỉ, sau lớn dần lên, to bằng hạt gạo tám.
Khi ăn nhút, lấy nhút cho vào hai bàn tay bóp chặt, trả bỏ nước cho vại nhút. Nhút đã có cảm giác ngon khi vừa nhìn thấy màu vàng bắt mắt của nhút. Đến khi ăn, cái ngon của nhút được hiện qua vị bùi của ngọn đậu hòa quyện với vị ngọt béo của mít non, tạo thành vị ngon đặc trưng của nhút làng tôi.
Nhút được chấm với nước mắm ớt, làm thức ăn như dưa cải muối. Nhút còn được xào với ruột hến và lá răm, là món ăn bình dân của người làng tôi. Thời gian sử dụng của nhút trong 6 tháng, có thể để lâu hơn, nhưng càng để lâu mùi thơm của nhút bị giảm đi.
Mỗi vùng quê có công thức muối nhút khác nhau, chất lượng nhút của mỗi vùng quê là khác nhau. Từ rất lâu, tôi đã nghe câu “nhút Thanh Chương, tương Nam Đàn”, nhưng chưa được ăn. Cách muối nhút ở Thanh Chương cũng giống như ở làng tôi, nhưng khác nhau về nguyên liệu. Nhút Thanh Chương chỉ dùng độc nguyên liệu mít non.
Năm 1963, sau khi làng tôi lên hợp tác xã cấp cao, đồng ruộng quê tôi đã được cải tạo, chủ yếu trồng lúa, mía và lạc. Khi không còn ngọn đậu, cũng là lúc làng tôi không còn nhút.
16. Cà pháo
Cà pháo vỏ trắng làng tôi không giống cà pháo vỏ xanh của dân miền Bắc. Cái ngon đặc biệt của cà pháo vỏ trắng không phải ở kỹ thuật muối cà, mà ở giống cà. Quả cà tròn gọn, vỏ trắng sáng, phần thịt vỏ mỏng và chắc, hạt và phần ruột của quả cà có màu vàng sáng như màu mỡ gà.
Vào đầu tháng 2 âm lịch, hạt cà được đem gieo vào luống đất ươm, mọc cây, chờ khi cây con được 3 – 4 lá đem trồng. Cây cà gặp nắng ấm và mưa xuân lớn rất nhanh, đâm nhiều cành con cành cháu, tạo nên khóm cà cao khoảng 55cm, tán lá rộng khoảng 50cm. Cách vài ba nách lá, cà ra một chùm hoa. Hoa 5 cánh màu trắng, ôm 5 chiếc nhị được màu vàng. Phía dưới 5 chiếc nhị màu vàng là bầu hoa. Sau khi hoa thụ phấn, 5 cánh hoa rụng xuống, bầu hoa lớn lên thành quả cả.
Lúc quả cà còn nhỏ, cả quả cà nằm gọn trong chiếc đế hoa 5 cánh màu xanh. Quả cả lớn dần lên, trồi dần quả cà khỏi chiếc đế hoa, khoe màu trắng sáng của quả cà. Khi quả cà ổn định độ lớn, xuất hiện tí chút màu vàng nhẹ ở đỉnh quả, là lúc quả cà đã già, được hái về muối. Các quả cà ở gốc già trước, các quả cà ở ngọn già sau.
Hàng vụ, người trồng cà chọn những khóm cà vừa ý, cắm que đánh dấu. Khi vỏ trắng của những quả cà sát gốc của những cây cà này chuyển thành màu vàng đậm, cà được hái, phơi khô cả quả, treo lên gác bếp, chờ ngày gieo hạt sang năm.
Vài ngày một lần, vào các buổi sáng, những quả cà thương phẩm được hái về làm cà muối. Thời gian thu cà khoảng 15 ngày. Cà mới hái xong, được rửa sạch, để ráo nước, cắt bỏ một lớp mỏng sát cuống, tách bỏ những cái đế quả. Vại được rửa sạch, để khô. Cho cà vào vại, cứ một lượt cà khoảng 6cm, rải một lượt muối hạt, cho tới khi rải muối lên lớp cà trên cùng.
Đặt lên lớp cà trên cùng một cái vĩ tre hay nứa, đè lên cái vĩ đó một hòn đá cuội nặng, to tròn, khô sạch, chuyên dùng để nén dưa cà. Bọc kín vại cà bằng một tấm vải kín và sạch. Bảo quản vại cà nơi bóng râm và mát mẻ. Chú ý không để con ho có điều kiện chui vào vại cà.
Cách thức muối cà là thế, nhưng cái ngon của cà pháo muối của mỗi nhà một khác, do kỹ thuật chọn quả cà, kỹ thuật cắt tai cà, tỷ lệ muối, vị trí bảo quản, cách lấy cà để ăn khác nhau, làm cho quả cà muối có độ ngon khác nhau. Nếu xử lý sai một khâu, có vài ba quả cà bị khú, là cả vại cà bị giảm chất lượng.
Quả cà pháo ăn muối và được hòn đá nặng ép nước trong quả cà chảy ra, tạo thành dung dịch nước cà mặn, ngâm chìm tất cả các quả cà muối trong vại cà, làm cho các quả cà được lên men thuận lợi trong điều kiện mặn và yếm khí.
Sau khi cà pháo muối được 15 ngày là ăn được. Cắn quả cà muối, người ăn nghe tiếng nổ dòn, nước trong quả cà chảy ra nơi đầu lưỡi thơm ngọt. Khi nhai, cả phần vỏ và ruột cà đều dòn rau ráu, những hạt cà cho vị bùi, các phần khác của quả cà muối cho vị ngọt thơm. Người dân làng tôi ăn cà pháo vỏ trắng muối đến tháng 11 âm lịch, là lúc có dưa cải muối.
Người miền Bắc cũng có cà pháo vỏ trắng, nhưng cà pháo vỏ trắng ở làng tôi ăn giòn hơn, ngọt hơn, thơm hơn, hạt cà bùi hơn. Dân làng tôi ăn ngày hai bữa canh hến với cà pháo vỏ trắng muối. Canh hến ăn với cà pháo vỏ trắng muối là món ăn đặc sản của làng tôi, “kéo gỗ cần phải có đà, ăn cơm canh hến có cà mới ngon”.
17. Khoai lang
Làng tôi đất chật người đông, đất trồng mầu chiếm trên 50% đất canh tác, trong đó chủ yếu được trồng cây khoai lang làm lương thực. Khoai lang làng tôi có hai giống, khoai lang vỏ củ trắng và khoai lang vỏ củ đỏ.
Giống khoai lang vỏ củ trắng.
Cây khoai có thân tím, lá tím, rãnh lá sâu, củ ngắn gọn, vỏ củ màu trắng. Giống khoai này cho năng suất thấp, chỉ được trồng diện tích nhỏ. Sau khi thu hoạch, củ khoai được đổ đống dưới gầm giường, luộc ăn dần, thời gian bảo quản dưới 1 tháng.
Sau khi luộc chín, bẻ đôi củ khoai, ruột củ khoai bột đến tận vỏ, màu mỡ gà. Khi ăn, đậm đà vị ngọt béo và rất thơm.
Cây khoai lang vỏ củ đỏ.
Cây khoai có thân xanh, lá hình tim xanh lục, củ thuôn dài, cho năng suất cao. Khoai lang vỏ củ đỏ, sau khi luộc chín, bột trắng tơi đến tận vỏ, thua khoai lang vỏ trắng ở vị béo và thơm.
Phần lớn khoai lang vỏ củ đỏ được thái phơi khô làm khoai xắt. Mùa thu hoạch khoai lang vỏ củ đỏ vào đầu mùa hè, cũng là mùa gió lào, độ ẩm không khí thấp, nắng chang chang, rất thuận lợi cho phơi khô khoai xắt.
Sau khi những củ khoai lang được rửa sạch đất, những củ nhỏ được thái lát tròn, dày khoảng 5mm. Những củ khoai lang to được thái thành từng miếng hình khối, có kích thước khoảng 0,7cm x 0,7cm x 5cm.
Sau khi thái xong, những miếng khoai lang được phơi trên những chiếc nia hay những tấm lá cót bằng cật nứa, đến khi khô kiệt. Cho khoai xắt khô vào chum, đậy nắp bằng lá chuối khô. Khoai lang được thái miếng phơi khô gọi là khoai xắt.
Cách sử dụng khoai xắt.
Hấp cơm.
Ngâm mềm khoai xắt, khi cơm cạn, ghế khoai xắt lên trên lớp gạo, phủ một lớp lá chuối tươi lên, đậy vung kín, giữ nhiệt đến khi cơm chín. Khoai lang hấp trộn với cơm là cơm trộn khoai xắt
Bánh khoai xắt.
Dùng khoai xắt đem giả nhỏ, rây lấy một mịn. Đậu đen sau khi vò sạch, ngâm nước nóng đến trương hết cở. Trộn bột khoai xắt với đậu đen và nước đậu đen, cho thêm tí muối, nhào đều, thành khối bột dẻo. Khối bột này được nặn thành những chiếc bánh như những chiếc cán liềm. Xuyên một lỗ giữa chiếc bánh từ đầu đến cuối, bằng một chiếc đũa cả. Lấy lá chuối tươi quấn phần giữa, đem đồ chín.
Bánh có màu tím đen, vỏ ngoài bóng mịn, ăn nóng hay ăn nguội đều ngon. Bánh khoai xắt có vị bùi của đậu đen, vị ngọt của khoai lang, cộng với hương thơm tổng hợp của đậu đen khoai xắt và lá chuối tươi, tạo thành hương thơm đặc trưng của bánh khoai xắt.
Cơm nếp khoai xắt đậu đen
Khoai xắt loại 1 hình khối, ngâm đủ mềm. Đậu đen được ngâm nước nóng đến trương hết cở. Gạo nếp lú vo sạch. Trộn khoai xắt, đậu đen, gạo nếp lú, nước ngâm đỗ đen, thêm tí muối cho vào nồi, nếu thiếu nước bổ sung thêm nước lã. Khi cơm cạn, phủ lên một lớp lá chuối tươi, đậy kín vung, giữ nhiệt cho đến khi cơm chín.
Xới cơm ra đĩa to, dùng hai tay ép chặt. Hoặc cho vào mo cau nén chặt thành mo cơm, để nguội, cắt lát. Ăn đến đâu cắt đến đó. Lát cơm nếp trộn khoai xắt và đậu đen, có phần xôi màu tím đen, những vòng tròn nhỏ màu trắng vàng của những hạt đậu đen bị cắt làm đôi và những hình nhiều dạng màu trắng đục của những thanh khoai xắt hình khối bị cắt nhỏ. Nhìn miếng cơm màu tím với những sắc hoa văn của đậu đen và khoai xắt trông rất bắt mắt.
Ăn miếng cơm nếp lú trộn đậu đen và khoai xắt, có vị dẻo đậm đà của gạo nếp, có vị bùi béo của đậu đen, có vị ngọt bở của miếng khoai xắt. Vượt lên tất cả những vị đó, là mùi thơm hổn hợp của gạo nếp lú, của khoai xắt, của đậu đen nấu chín và vị của lá chuối tươi hấp chín, tạo thành hương vị đặc biệt của đồng quê.
Cơm nếp trộn khoai lang khô và đỗ đen, là món ăn thay cơm bữa của dân làng tôi. Từ sự thực này, cụ đồ xứ Nghệ đã có câu đối: “Sáng khoai, trưa khoai, chiều khoai, ngày khoai ba bữa. Ông đỗ, con đỗ, cháu đỗ, đều đỗ cả nhà”.
18. Nón thượng
Phần lớn người dân xóm 6 - Đức Trường - Đức Thọ quê tôi, sống bằng nghề làm nón bằng ngọn cây cọ, gọi là nón Thượng.Ngọn cọ được mua ở chợ Thượng, bên kia sông La. Người làm nón, đốt đống lửa to bằng củi, hai tay cầm hai mép ngọn cọ, để đỉnh ngọn cọ lên ngón cái của chân trái, dùng lực của bàn chân và hai cánh tay đưa ngọn cọ lên ngọn lửa hơ. Ngọn cọ non gặp nóng, mềm ra, người sấy kéo rộng ngọn cọ hết cở, hơ lửa đều khắp, đến khi ngọn cọ nở bung hết, không còn đàn hồi là được. Đem phơi khô, dùng dần.
Nón Thượng có hình chóp, đường kính khoảng 60cm, chiều cao khoảng 30cm, có 3 chiếc vành. Vành ngoài to, tạo độ khỏe cho nón. Cách vành ngoài khoảng 12cm có chiếc vành thứ hai, nhỏ bằng khoảng 60% vành thứ nhất. Cách đỉnh nón khoảng 5cm là vành nón thứ 3, to bằng 3 sợi nan chằm nón.
Nón thượng có hai lớp lá. Phía trong là lớp mê nón, được làm bằng hai ngọn cọ già, dày chắc, màu bầm nâu. Sau khi gắn xong chiếc vành to vào lớp mê nón, cắt phần thừa phía gốc của hai tấm lá già, khâu tạm các gân lá ở phía đỉnh, tạo thành hình dáng chiếc nón lá cần chằm. Người thợ làm nón bắt đầu chằm nón. Nón được chằm bằng hai sợi nan bằng nứa hình tròn, mỗi sợi to bằng 4 que hương, dài bằng một nửa cây nứa (khoảng 3,5m).
Chằm từ ngoài vào trong, sau khi chằm sợi nan nứa thứ nhất được 20 cm, chằm tiếp sợi nan nứa thứ hai ở phía ngoài, từ đó người thợ chằm nón chằm cùng một lúc 2 sợi nan nứa. Khoảng cách giữa 2 sợi nan nứa khoảng 0,5cm, càng vào trong càng thu nhỏ dần, hai sợi nan nứa cuối cùng cách nhau khoảng 0,15cm. Nối sợi nan nứa này đến sợi nan nứa khác, bằng cách cắt vát chéo hai sợi nan nứa, gối lên nhau.
Sau khi chằm xong ô thứ nhất là khoảng giữa chiếc vành thứ nhất và chiếc vành thứ hai, chuyển sang chằm ô thứ 2, rồi đến ô thứ ba. Khi chằm cách đỉnh nón khoảng 3cm thì dừng lại, tạo thành một hình tròn. Chằm đợt thứ tư này bằng phần thịt ống giang luộc.
Giang luộc sau khi phơi khô trở nên mềm và có màu trắng, đem chẻ nhỏ, chuốt tròn, thành những sợi giang to gấp 1,5 lần sợi nan nứa, đan khít nhau, tạo thành một “lớp mây trắng” cách đinh nón 0,5cm. Trên đỉnh lớp mây trắng đó, được gắn một miếng vỏ buồng quả cọ, hình tròn, đường kính khoảng 1,5cm, lộ phần có sắc đỏ ra ngoài, tạo thành chiếc “mặt trời đỏ” trên đỉnh nón.
Trung bình mỗi ngày, mỗi người chằm liên tục 12 giờ, được 2 chiếc mê nón.
Trước phiên chợ 3- 4 ngày, các mê nón được đem hun khói. Người thợ làm nón đào một lỗ vào đất, giống chiếc nồi đất, cho một nắm to rơm vào, đốt vừa cháy thì thổi tắt, để rơm cháy yếm khí. Xếp các chiếc mê nón vào chiếc thúng to được trát nhựa đường hay nhựa củ nâu kín mít các khe nan, lòng nón hướng vảo trong, gài chặt các chiếc mê nón bằng hai que tre, đặt chiếc thúng được xếp các chiếc mê nón lên chiếc hố, hun khói. Mỗi lần hun từ khoảng 5 - 7 chiếc mê nón, đảo thúng hun 4 lần cho những chiếc mê nón được nhận đều khói.
Sau khoảng 3 tiếng, không nhìn thấy khói bay vương ra ngoài ở phía miệng chiếc thúng, là đã hun khói xong. Khói rơm bám vào những chiếc vành tre, sợi nan nứa và chiếc mê nón có màu vàng tươi, vừa làm đẹp nón, vừa tránh nón không bị mọt.
Mê nón sau khi hun khói, dùng kéo cắt phần ngoài, cách đường chỉ khâu vành ngoài khoảng 0,25 cm. Lợp lên chiếc mê nón đó hai tàu lá cọ non, màu trắng sáng. Lớp lá cọ lợp được chần 7 vòng tròn, càng lên cao khoảng cách giữa các đường chần càng nhỏ. Các đường chần này, ngoài đè các gân lá xuống, còn gắn lớp lá chần vào những sợi dây móc khâu mê nón. Nón được khâu và chần bằng những sợi dây móc của bẹ móc.
Vỏ cây vọt được chẻ làm ba, gồm hai thanh nhỏ và một thanh to. Dùng thanh vọt to bọc phần chân chiếc mê nón, ép hai thanh vỏ vọt nhỏ hai bên, dùng sợi móc nức lại. Khoảng cách giữa các sợi nức cách nhau khoảng 1cm. Ruột cây vọt được dùng quấn các chiếc vành to.
Nón thượng khi đem bán không có quai. Người mua tự làm quai. Quai nón thường được làm bằng một đoạn thân cây mây tắt, gắn vào chiếc vành thứ hai, phía trong. Sau khi dùng được khoảng 8 tháng, lớp lá ngoài trở nên cũ và rách, người dùng đem đến thợ làm nón lợp lại. Sau lần lợp thứ hai, nón được dùng thêm khoảng 7 tháng nữa.
Sau 10 ngày làm nón là đến phiên chợ Thượng. Thợ làm nón chồng những chiếc nón làm được, thành một chồng nón. Họ đội chồng nón đó lên đầu, đi bộ bằng chân đất, đến chợ Thượng bán nón. Nón được bán buôn cho các nhà buôn nón ở các địa phương khác. Chậm nhất chỉ sau 3 giờ đến chợ, các thợ làm nón đều bán hết những chiếc nón của mình.
Thu nhập của người làm nón khoảng 20 - 35 đồng/ tháng. Ngày đó lương giáo viên cấp 1 bậc 1 là 29 đồng, vàng 30 đồng một chỉ. Người làm nón có thu nhập đủ sống. Họ không phải đóng thuế. Một ngày người thợ làm nón lao động ít nhất là 12 tiếng, nên có một số người làm nón bị còng lưng.
Sau khi Miền Bắc xẩy ra chiến tranh, chợ Thượng bỏ họp, nghề làm nón Thượng ở quê tôi bị mai một dần, rồi không có ai làm nữa. Người dân chuyển sang dùng nón làm bằng lá nón, gọi là nón Ba Đồn, có thể được sản xuất ở Quảng Bình.
Nón Thượng đa dụng. Ngoài che mưa che nắng, nón Thượng còn được dùng để ngồi, quạt, lọc nước ruộng để uống, tát cá, nện vào đầu nhau, làm trống... Bọn trẻ chăn trâu dùng nón Thượng làm trống, bằng cách, đặt một thanh tre cứng nằm ngang trên đỉnh nón, một tay giữ thanh tre ở đỉnh, một tay lấy que tre ngắn gõ vào thanh tre nằm ngang, âm phát ra tùng... tùng... như tiếng trống.
19. Vải diềm bâu
Thời gian trước năm 1960, khi nước ta chưa được các nước XHCN giúp đỡ, nền công nghiệp dệt chưa phát triển, người dân quê tôi chỉ dùng vải thủ công, gọi là vải diềm bâu.
Có người mua vải ở chợ về dùng. Có người tự trồng bông, kéo sợi, dệt vải. Người dệt vải của làng tôi, làm mọi việc từ khi trồng bống đến khi cho sản phẩm cuối cùng.
Trồng bông.
Bông được trồng vào đầu mùa xuân, quả bông chín nở vào mùa hè. Quả bông to như quả chanh, nở xòe 3 mảnh vỏ, bung ra 3 múi bông trắng nõn. Vào buổi sáng hàng ngày, người dân đi hái các múi bông đem về nhà phơi khô, cất vào bồ. Bông được hái vào mỗi buổi sáng, hái liên tục khoảng 15 ngày mới hết.
Cán bông.
Những lúc nông nhàn, người nông dân đem bông ra cán, bằng chiếc máy cán bông nhỏ bằng gỗ. Tay trái cầm múi bông đưa vào khe cán, tay phải quay máy, sợi bông được kéo ra phía trước, hạt bông dồn lại phía sau.
Bật bông.
Sợi bông sau khi cán xong, dùng chiếc cung to, bắn tung xơ bông thành từng sợi bông riêng rẽ. Các sợi bông riêng rẽ này tạo thành một đống to trắng muốn, nằm trên chiếc chiều đặt trên nền nhà.
Đánh con cúi.
Từ đống sợi bông này, được đánh thành những con cúi bông, giống như những chiếc xúc xích Đức nhưng dài hơn một tý.
Xe sợi và dệt vải.
Từ những con cúi bông đó, được kéo thành những sợi chỉ bằng chiếc xa kéo sợi. Sợi chỉ được cuộn vào thành các ống sót. Người dệt vải mắc các sót chỉ này lên chiếc khung cửi, chân đạp bàn đạp, tay lao con thoi, dệt thành tấm vải.
Các tấm vải đều có chiều rộng bằng nhau khoảng 40cm, dài khoảng 8m. Vải được ngâm vào nước hồ loãng bằng bột nếp, phơi khô, cuộn thành cuộn. Đây là cuộn vải mộc có màu trắng đục. Trước khi dùng, vải mộc được nhuôm mầu. Có bốn mầu chính: Mầu nâu, màu nâu sồng, màu đen và màu sim.
Vải nhuộm nâu.
Củ nâu già được giả nhỏ, lọc lấy nước. Cho nước củ nâu vào chiếc chậu to, cho vải đã ngâm ướt vào chậu nước củ nâu. Ngâm vải khoảng 30 phút, đảo nhiều lần, nhồi đi nhồi lại cho ngấm nước củ nâu, vắt kiệt, đem phơi khô. Làm như thế từ 4 đến 6 lần. Vải ngâm 4 lần có mầu nâu non, ngâm 6 lần có màu nâu đậm. Vải được ngâm càng nhiều lần càng bền. Nhựa củ nâu chát đắng, làm sợi bông chắc lại, chịu được mồ hôi, mặc được một năm mới rách.
Vải nhuộm đen
Sau khi nhuộm xong màu nâu, vải nâu được ngâm vào dung dịch nước bùn đen sền sệt, khoảng 12 tiếng, đảo nhiều lần trong khi ngâm, vừa đảo vừa nhồi cho nước bùn thấm đều vào tấm vải. Tấm vải từ màu nâu chuyển sang màu đen, chỉ ngâm 2 lần là vải có màu đen kịt. Đem tấm vải đen đó giặt sạch, phơi khô. Vải đen này quê tôi gọi là vải thâm, dùng may quần cho các cô thiếu nữ và các cô thôn nữ, hoặc may váy đụp cho các bà có tuổi, thường trên 45 tuổi.
Vải nhuộm sồng.
Lấy vỏ cây sồng (thuộc họ đa, lá nhỏ thon dài) đem nấu lấy nước. Cho vải đã ngâm ướt vào chậu nước sồng, ngâm 30 phút, đảo nhiều lần, vừa đảo vừa nhồi kỹ. Vải được nhuộm khoảng 2- 3 lần là được. Sau khi nhộm xong, vải có màu gụ sáng, gọi là màu sồng. Vải màu sồng được dùng may áo cánh cho các thiếu nữ.
Vải nhuộm màu sim.
Màu Sim là thuốc nhuộm công nghiệp, mua ở chợ Thượng. Thuốc nhuộm được hòa nước lã, đun sôi, cho vải đã ngâm qua nước lã vào nồi nước phẩm nhuộm, luộc khoảng 30 phút, đảo đều nhiều lần. Vải này có màu quả sim chín, gọi là màu sim.
Áo quần của phái nam được may bằng các loại vải này gọi là bộ quần áo bà ba, có ống tay - thân áo - ống quần - đũng quần rộng rãi. Phía dưới tấm thân phía trước của áo bà ba có 2 chiếc túi. Quần bà ba được thắt bằng giây rút.
Áo phái nữ gọi là áo cánh, cổ khoét hình quả tim, hai bên hông chiết nách, chiếc áo bó sát người, ống tay áo cũng bó gần sát cánh tay, làm nổi bật các đường cong trên con người của họ. Quần của phái nữ được may bằng vải thâm, ống quần và đũng quần rộng rãi, thắt dải rút, cũng gọi là quần bà ba.
Một năm, mỗi người thường được may mới một bộ quần áo, người lớn cũng như trẻ em. Người nghèo thường 2 năm mới may được một bộ áo quần. Quần áo rách đến đâu được vá ngay đến đó, thông thường trong khi lao động, mọi người đều mặc quần áo vá, có câu “Chồng em áo rách em thương”
.20. Vải nái
Vải nái được dệt bằng tơ tằm. Ở nông thôn ngày xưa, ngoài 4 tháng thời vụ, còn lại là những ngày nông nhàn. Các bà vợ đảm đang ngoài làm ruộng, họ còn làm thêm nghề phụ, trong đó có nghề nuôi tằm lá dâu, kéo tơ, dệt nái. Lá dâu có thể mua, hay tự nhà trồng.
Sau khi tằm làm xong kén, người nuôi tằm chọn khoảng 10 chiếc kén xù to và 10 chiếc kén gọn gàng, đem cất bảo quản kỹ. Đúng thời gian nhất định, các con nhộng trong những chiếc kén này, cùng hóa thành bướm, cắn kén chui ra.
Từ những chiếc kén xù cho ra những con bướm cái cánh rộng, râu to, bụng dài và to chứa đấy trứng. Từ những chiếc kén gọn gàng cho ra những con bướm đực cánh nhỏ, râu nhỏ, bụng thon nhỏ.
Mỗi con bướm nở ra, được úp riêng vào một chiếc bát, chờ khoảng 1 tiếng sau mới cho chúng giao phối. Những con bướm cái sau khi giao phối xong, được đặt lên một tờ giấy, lấy chiếc bát tô to úp lai. Khoảng dăm tiếng sau, con bướm cái đẻ trứng lên những tờ giấy. Những quả trứng có màu trắng đục.
Để những tấm giấy có trứng lên chiếc rá, đặt chiếc rá đó trên chậu nước, để tránh kiến. Những chiếc trứng tằm chuyển dần màu, khi những chiếc trứng có màu xám đen là những con tằm bé xíu như sợi chỉ màu đen, cắn vỏ trứng chui ra.
Tằm con được đem nuôi ở mẹt, tự lột da lớn lên. Khi còn nhỏ, tằm được ăn lá dâu thái nhỏ, ban đầu sợi lá dâu nhỏ như sợi chỉ. Tằm lớn lên, dâu được thái to bản dần. Khi sang tuổi 3, cho tằm ăn nguyên cả lá dâu. Khoảng 3 tiếng cho tằm ăn lá dâu một lần. Chỉ riêng khoản cho tằm ăn cũng đã rất bận, “nuôi tăm ăn cơm đứng”. Tránh kiến ăn tằm bằng cách, đặt 4 chiếc chân của chiếc giá nuôi tằm vào 4 bát nước, có thể thêm vào chút dầu hỏa.
Sau khoảng 5 lần lột da, tằm lớn hết cỡ, cả thân tằm có màu hồng vàng, bụng không còn phân là tằm đã chín. Đem san những con tằm chín sang những chiếc nia lớn, đó là những nong kén. Một nong tằm san thành 5 nong kén. Trong nong kén được gài nhiều cành tre hay cành trúc lá héo, cho những con tằm chín nhả tơ kéo kén. Khoảng 24 giờ sau, tằm kết kén xong, chuyển hóa thành nhộng, nằm trong chiếc kén, chờ ngày vũ hóa thành bướm.
Người nuôi tằm gỡ những chiếc kén tằm cho vào rá, đem quay tơ. Một mẻ quay tơ có khoảng 0,2 kg kén. Cho những chiếc kén tằm vào nồi nước nóng khoảng 80 - 85 độ, lấy tay lần 5 mối tơ của 5 chiếc kén, luồn vào ống trúc, một tay cầm đôi đũa giữ kén lại trong nồi nước nóng, một tay cầm sợ tơ kéo dài. Mối lần kéo sợi, ống trúc quay, kéo theo một đoạn dây tơ. Khi kéo hết sợi tơ của chiếc kén này, được bổ sung ngay đầu tơ của chiếc kén khác. Tơ kéo ra, được cho vào cái mẹt, khi mẹt đã kín một lượt tơ, rải lên lớp sợi tơ đó một lớp đậu xanh, chèn tơ khỏi rối.
Tơ kéo xong, được xa quay thành từng lọn tơ. Một nong kén kéo được 4 lọn tơ. Từ các lọn tơ ngày, được đánh thành những ống sót tơ. Cắm các ống sót tơ đó lên khung cửi, dệt thành những tấm nái. Gọi là tấm nái, vì sợi tơ được kéo đến tận cùng, gồm cả phần sợi tơ thô màu trắng đục ở phía trong cùng của chiếc kén.
Những vùng dệt lụa, người kéo tơ chỉ sử dụng phần tơ chất lượng cao, nằm mé ngoài chiếc kén và chiếm khoảng 2/3 lượng tơ của chiếc kén. Phần tơ thô nằm phía trong chiếc kén có màu trắng đục, được dùng dệt đủi.
Tằm lá dâu cho những sợi tơ màu vàng tươi. Màu vàng tươi này được để nguyên, không nhuộm, đem may áo. Sau một thời gian sử dụng, màu vàng phai đi thành màu trắng đục. Nái được nhuộm nước bùn đen đặc hai lần, có màu đen sáng, thường được dùng may quần và mấn cho các thiếu nữ hay cô dâu.
Ngày mẹ tôi bắt đầu kéo kén, tôi đã chơi quanh quẩn gần đó. Sau khi mẻ kén đầu tiên được kéo xong, mẹ tôi thường múc cho tôi cả bát nhộng. Tôi nhặt từng con ăn dè ngon lành, chỉ thấy béo thơm và ngọt trong miệng, không hề thấy tanh.
( còn nữa )
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét