Chủ Nhật, 3 tháng 1, 2021

Chuyện quá lạ: Nghị quyết Quốc hội được giữ bí mật từ hồ sơ, dự thảo, thảo luận, thông qua … rồi được giải mật

Giải mật Nghị quyết đất quốc phòng kết hợp làm kinh tế

Pháp luật TPHCM

Thứ Sáu, ngày 25/12/2020 – 13:59

Văn phòng Quốc hội vừa giải mật Nghị quyết  mà Quốc hội thông qua tháng trước về gỡ vướng cho đất quốc phòng kết hợp làm kinh tế.

Quốc hội ở kỳ họp cuối năm 2020 đã họp kín, thảo luận, thông qua Nghị quyết 132/2020 với tên gọi đầy đủ là Nghị quyết thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc, tồn đọng trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế.

Mật và giải mật

Quốc hội vốn hoạt động theo nguyên tắc tập thể, công khai, nhưng vì tính nhạy cảm trong câu chuyện pháp lý này mà dự thảo Nghị quyết, vỏn vẹn 8 điều, cùng hồ sơ liên quan đều đóng dấu mật. Phải sau khi Quốc hội thông qua, hôm 17-11, Văn phòng Quốc hội mới tiến hành thủ tục giải mật, công bố toàn văn Nghị quyết.

Chứa đựng các quy phạm khác với Luật Đất đai, nên ngay Điều 1 Nghị quyết 132 tự giới hạn phạm vi điều chỉnh của mình. Theo đó, Nghị quyết này quy định thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc, tồn đọng trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế.

Các chính sách này gồm: Nguyên tắc, chế độ sử dụng đất; trách nhiệm, quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; việc xử lý dự án, hợp đồng đã thực hiện và việc sử dụng đất quốc phòng, an ninh của doanh nghiệp cổ phần hóa, thoái vốn.

Và ở điều khoản cuối cùng – điều khoản thi hành, giới hạn hiệu lực của Nghị quyết 132 quy định: Từ 1-2-2021 đến khi Luật Đất đai hiện hành được sửa đổi và có hiệu lực thay thế.

Rủi ro pháp lý

Khái niệm pháp lý “đất quốc phòng, an ninh” lần đầu tiên xuất hiện trong Luật Đất đai 1993. Ở thời điểm đấy, luật định một số trường hợp đất này có thể “kết hợp làm kinh tế”.

Tuy nhiên với ngay cả lúc ấy, lực lượng vũ trang vẫn không được khuyến khích tham gia các hoạt động kinh tế. Cho nên, dù chỉ là “kết hợp”, quá trình phát triển chính sách luôn theo hướng siết chặt dần. Đến Luật Đất đai 2003, trong quy định về quản lý đất quốc phòng, an ninh không còn cụm từ “kết hợp làm kinh tế” nữa.

Quá trình chuyển tiếp từ được sang không được “kết hợp làm kinh tế” về sau không diễn ra như mong muốn của nhà làm luật. Rất nhiều khu đất quốc phòng đã “kết hợp làm kinh tế” không được chuyển giao sang UBND các tỉnh để quản lý. Chưa kể, một diện tích không nhỏ khác được tiếp tục đưa vào thị trường. Căn cứ cho các hoạt động kinh tế ấy chỉ là thực tiễn sử dụng đất, và hai công văn 1231/2003 và 1869/2008 của Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng.

Phải đến khi Luật Đất đai được sửa đổi toàn diện năm 2013, có hiệu lực tháng 7-2014, tiếp tục khẳng định không có ngoại lệ “kết hợp làm kinh tế”, lãnh đạo Bộ Quốc phòng mới ra văn bản dừng tất cả việc chuyển, đưa đất đang do các đơn vị quân đội quản lý vào vòng quay thị trường.

Với diễn tiến chính sách nêu trên, có thể thấy 17 năm qua, rất nhiều dự án kinh tế có sử dụng đất quốc phòng đang đối mặt rủi ro pháp lý do nằm ngoài quy định của Luật Đất đai.

Tháo gỡ vướng mắc

Để tháo gỡ, tạo hành lang pháp lý an toàn cho quá trình chuyển tiếp, phù hợp với quân đội “từng bước hiện đại”, Quốc hội ở kỳ họp cuối năm nay ban hành Nghị quyết 132, với Điều 3 quy định rõ năm nguyên tắc sử dụng “đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế”. Cụ thể:

1. Việc sử dụng đất quốc phòng, an ninh phải bảo đảm phục vụ cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh là chính. Trường hợp sử dụng kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế thì phải quản lý chặt chẽ, sử dụng đúng mục đích, hiệu quả, không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh.

2. Đất quốc phòng, an ninh sử dụng kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng, an ninh và phương án sử dụng đất được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt.

3. Chỉ đơn vị quân đội, công an, đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thuộc quân đội, công an trực tiếp làm nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh, cùng các tổ chức, cá nhân đang thực tế trực tiếp sử dụng đất quốc phòng, an ninh là được tiếp tục kết hợp làm kinh tế.

4. Không được sử dụng đất quốc phòng, an ninh để góp vốn bằng quyền sử dụng đất thực hiện hợp đồng liên doanh, liên kết.

5. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế thì phải chịu trách nhiệm và bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Việc khai thác, sử dụng đất quốc phòng, an ninh trong 17 năm qua mang lại nguồn lợi không nhỏ nhưng lại thiếu vắng cơ chế pháp lý để điều tiết.

Để khắc phục, Điều 4 về chế độ sử dụng đất, ngoài giao trách nhiệm Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ trưởng Công an phê duyệt phương án sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp làm kinh tế, còn giới hạn: Chỉ phần hoạt động kinh tế gắn với lao động, giáo dục, cải tạo, rèn luyện, tăng giả sản xuất… mới không phải nộp tiền sử dụng.

Các hoạt động kinh tế khác đều phải thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước, theo các yêu cầu chặt chẽ về dự toán thu, chi của Luật Ngân sách.

Để tạo động lực tuân thủ, điều luật ưu tiên sử dụng nguồn thu này cho chi tiêu vì nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh và giải quyết tồn đọng, chế độ, chính sách đối với các đối tượng khi thực hiện sắp xếp lại doanh nghiệp quân đội, công an.

Dân sự hóa

Do hoàn cảnh lịch sử mà lực lượng vũ trang, nhất là quân đội, cho đến nay vẫn quản lý nhiều diện tích đất mà lẽ ra cần chuyển cho UBND các tỉnh, thành quản lý, đưa vào thị trường như một nguồn lực phát triển kinh tế – xã hội.

Để thúc đẩy quá trình dân sự hóa này, cũng như để quân đội, công an bớt dính dáng đến “thị trường”, Nghị quyết 132 giao Bộ trưởng hai bộ tổ chức rà soát, lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng, an ninh.

Nội dung Nghị quyết yêu cầu là phải bảo đảm quỹ đất dự trữ lâu dài cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh nhưng đồng thời phải chuyển giao những khu đất không còn nhu cầu cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh cho UBND các tỉnh, thành quản lý.

Cũng như một động lực thúc đẩy dân sự hóa, Nghị quyết mở ra cơ chế là với những khu đất có giá trị kinh tế lớn, từ 500 tỉ đồng trở lên theo bảng giá đất của địa phương, thì Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ trưởng Công an được chủ động báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định để chuyển mục đích sử dụng và bán đấu giá. UBND lúc này chỉ ở vai phối hợp, chứ không phải chủ trì.


Vi phạm trong quản lý đất quốc phòng là một nguyên nhân khiến cựu Đô đốc – Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Văn Hiến phải vào tù. Ảnh: BTP

Bên thứ ba

Đất quốc phòng, an ninh cho dù thuộc diện được “kết hợp làm kinh tế” thì cũng không tự nhiên bước vào thị trường, mà thông thường phải qua các cá nhân, tổ chức bên ngoài. Bên thứ ba này nhiều năm qua đã hưởng lợi ích rất lớn, và quá trình đó khiến không ít tướng lĩnh quân đội bị kỷ luật, thậm chí ngồi tù.

Để chấn chỉnh, Nghị quyết 132 có một điều khoản riêng với nhiều ràng buộc. Theo đó, bên thứ ba chỉ được làm kinh tế theo đúng phương án được phê duyệt. Họ được hưởng thành quả lao động, kết quả đầu tư trên đất nhưng không được bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất khi Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ trưởng Công an quyết định chấm dứt phương án kết hợp làm kinh tế.

Về nghĩ vụ tài chính, bên thứ ba phải nộp tiền sử dụng đất hàng năm như đất dân sự quản lý nhưng không được chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất; không được tự ý chuyển mục đích sử dụng đất; không được chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê, thế chấp, góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất như một số loại đất khác.

Nghị quyết cũng giao hai Bộ Quốc phòng, Công an tổng rà soát, đánh giá hiệu quả quốc phòng, an ninh, kinh tế – xã hội, môi trường của các dự án, hợp đồng liên doanh, liên kết có hiệu lực trước ngày Nghị quyết này có hiệu lực, và đề xuất phương án xử lý.

Nguyên tắc là, với các trường hợp có sai phạm, không hiệu quả thì chấm dứt, thanh lý, thu hồi đồng thời buộc các bên liên quan khắc phục triệt để các tồn tại, vi phạm. Còn nếu có hiệu quả, phù hợp với quy hoạch của địa phương thì các dự án, hợp đồng này được tiếp tục thực hiện, nhưng chỉ trong thời hạn đã ký kết, không gia hạn.

Quốc hội giao Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung cũng như chịu trách nhiệm tổ chức thi hành Nghị quyết này. Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các đoàn đại biểu, từng đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp, MTTQ và các tổ chức thành viên chịu trách nhiệm giám sát.

Nghĩa Nhân


Để không còn những Út “trọc” lộng hành

Pháp luật Plus

  26/12/2020 – 09:05 

Nghị quyết 132 Quốc hội vừa công bố về thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc, tồn đọng trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế; là văn bản được thảo luận theo quy trình hiếm thấy.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trước đó, tại Kỳ họp thứ 10 tháng 11/2020, Nghị quyết này trải qua quy trình đặc biệt, họp kín ở tất cả các phiên thảo luận, thông qua. Trước đó, vấn đề một số đối tượng, tổ chức lợi dụng “mác” mục đích “quốc phòng – an ninh” (QPAN) để có những hành vi không đúng đắn hòng trục lợi đã gây nhức nhối dư luận, trong khi pháp luật chưa dự liệu hết tình huống.

Có thể kể ra đối tượng Út “trọc”, lợi dụng chức vụ lãnh đạo một doanh nghiệp quân đội đã gây ra hàng loạt sai phạm động trời. Có thể kể đến sân golf trên đất quốc phòng cạnh một sân bay lớn cứ trơ trơ tồn tại, bất chấp việc cảng hàng không dân dụng này ngày càng chật chội có nhu cầu cực lớn cần đất mở rộng để phục vụ nhân dân. Có thể kể đến việc hàng loạt các sĩ quan cao cấp bị kỷ luật, thậm chí nhận án tù vì sai phạm trong quản lý đất QPAN…

Theo Nghị quyết 132, Bộ trưởng Quốc phòng, Công an có trách nhiệm quyết định phê duyệt hoặc chấm dứt phương án sử dụng đất QPAN kết hợp làm kinh tế hoặc liên doanh, liên kết đã thực hiện trước 1/2/2021; rà soát, lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng, an ninh, bảo đảm quỹ đất dự trữ lâu dài cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh.

Với những khu đất có giá trị kinh tế lớn (trên 500 tỷ), không còn nhu cầu cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh thì phải báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định về việc chuyển mục đích sử dụng đất để phối hợp với UBND cấp tỉnh tổ chức bán đấu giá. Với khu đất không còn nhu cầu cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh thì bàn giao cho UBND cấp tỉnh để phát triển kinh tế – xã hội và quản lý.

Các đơn vị, doanh nghiệp quân đội, công an được sử dụng đất QPAN và những tài sản gắn liền để thực hiện nhiệm vụ lao động sản xuất, xây dựng kinh tế theo đúng phương án được phê duyệt. Được hưởng thành quả lao động, kết quả đầu tư trên đất. Tuy nhiên, những đơn vị sử dụng đất này không được bồi thường khi Bộ trưởng quyết định chấm dứt phương án “kết hợp làm kinh tế”. DN cũng phải nộp tiền sử dụng đất hàng năm.

Nguyên tắc quan trọng là không được chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê quyền sử dụng đất (QSDĐ); không được thế chấp, góp vốn bằng QSDĐ; không được tự ý chuyển mục đích sử dụng đất. Không được chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê, thế chấp, góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất.

Với dự án, hợp đồng liên doanh, liên kết sai phạm, không hiệu quả thì chấm dứt, thanh lý, thu hồi; khắc phục triệt để những tồn tại, vi phạm. Trường hợp dự án, hợp đồng có tổ chức, cá nhân vi phạm nghĩa vụ đã cam kết thì phải tiến hành chấm dứt hợp tác với bên vi phạm. Và tất cả các trường hợp, khi hết hạn dự án, hợp đồng thì không được gia hạn.

Khi sắp xếp, xử lý nhà đất mà doanh nghiệp quân đội, công an cổ phần hóa, thoái vốn, với vị trí không còn nhu cầu cho nhiệm vụ QPAN; thì phải đưa ra khỏi quy hoạch của loại đất này, chuyển giao cho UBND tỉnh quản lý, sử dụng.

Có thể thấy, với Nghị quyết 132, Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ đã một lần nữa tỏ rõ quyết tâm chống sai phạm, tham nhũng trong bất cứ lĩnh vực nào. Nhiệm vụ QPAN là cao cả thiêng liêng. Nhưng với bất kỳ cá nhân tổ chức nào “núp bóng” điều thiêng liêng ấy hòng trục lợi thì nhất quyết phải bị loại bỏ xử lý.

Minh Khang


Điều chỉnh Luật Đất đai bằng… Nghị quyết?

Việt Nam thời báo

 26.12.2020 6:48

Vân Khanh

(VNTB) – Nghị quyết của Quốc hội vừa thông qua chính thức luật hóa việc quân đội, công an sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế – điều chưa được quy định trong luật Đất đai 2013.

Đối tượng áp dụng là đơn vị quân đội, đơn vị công an, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Quân đội nhân dân, Công an nhân dân; doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thuộc Quân đội nhân dân, Công an nhân dân trực tiếp làm nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh; cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/2/2021 và hết hiệu lực khi Luật Đất đai số 45/2013/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 35/2018/QH14 được sửa đổi và có hiệu lực thi hành.

Trường hợp có quy định khác nhau giữa Nghị quyết này và luật, nghị quyết khác của Quốc hội ban hành trước ngày 1/2/2021 về cùng một vấn đề trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế thì áp dụng quy định của Nghị quyết này.

Trước sai, giờ đúng?

Với Nghị quyết số 132/2020/QH14, cho thấy rất có thể cùng hành vi, nhưng kể từ sau ngày 1/2/2021 thì không còn coi là vi phạm pháp luật nữa.

Tòa án quân sự Quân chủng Hải quân hôm 18-5-2020 đã mở phiên xét xử sơ thẩm cựu Đô đốc Nguyễn Văn Hiến, Đinh Ngọc Hệ (Út ‘trọc’) và các  bị cáo khác. Nội dung vụ án xoay quanh việc quân đội đã dùng đất quốc phòng để hùn hạp làm ăn kinh tế.

Trả lời thẩm vấn trước tòa, cựu đô đốc Nguyễn Văn Hiến, cựu Tư lệnh Quân chủng Hải quân, cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng (bị xét xử về tội danh thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng), cho biết thời điểm chuyển giao 3 khu đất có vị trí đắc địa ở đường Tôn Đức Thắng (phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM) vào giai đoạn 2006, bị cáo đang giữ chức Tư lệnh Quân chủng Hải quân, Phó bí thư Đảng ủy Quân chủng. Ông Hiến khai việc chủ trương đưa 3 khu đất, bao gồm số 2, số 9, số 11-13 đường Tôn Đức Thắng (có nguồn gốc là đất quốc phòng, thuộc quyền quản lý của Quân chủng Hải quân) sang làm kinh tế xuất phát từ 2 lý do.

Thứ nhất, tại cuộc gặp với lãnh đạo Quân chủng Hải quân, lãnh đạo TP.HCM có đề nghị đang chỉnh trang lại đô thị và Quân chủng Hải quân có một số khu đất trên đường Tôn Đức Thắng, nên đề nghị phối hợp cùng chỉnh trang. Từ việc này mà lãnh đạo Công ty TNHH MTV dịch vụ và du lịch biển đảo Hải Thành, Quân chủng Hải quân (Công ty Hải Thành) – đơn vị đang sử dụng các khu đất, đã đề xuất Thường vụ Đảng ủy Quân chủng Hải quân chuyển sang làm kinh tế, mang lại lợi ích cho Quân chủng.

Lý do thứ hai, theo ông Hiến khi trả lời hội đồng xét xử, nguyên nhân chuyển đổi 3 khu đất trên, là “do nhu cầu cần nâng cao đời sống cho bộ đội, mà Quân chủng Hải quân thời điểm đó rất cấp bách vì đời sống của cán bộ chiến sĩ rất kham khổ”.

Dù vậy, cựu đô đốc Nguyễn Văn Hiến cũng thừa nhận Quân chủng Hải quân không đủ thẩm quyền để chuyển đổi đất quốc phòng sang làm kinh tế. Thường vụ quân chủng Hải quân đã có 5 phiên họp và 5 văn bản đề xuất đưa 3 khu đất nêu trên vào làm kinh tế và báo cáo lên Bộ Quốc phòng…

“Tôi rất lấy làm tiếc, lẽ ra phải báo cáo cả Thủ tướng nữa, nhưng anh em không ai tham mưu, không ai yêu cầu, nên chúng tôi sai”, ông Hiến khai, và nêu rõ bộ phận tham mưu, đề xuất là Công ty Hải Thành, Phòng Kinh tế của Quân chủng Hải quân.

Nghị quyết của Quốc hội là văn bản Luật hay văn bản dưới luật?

Nghị quyết số 132/2020/QH14 phải chăng đã điều chỉnh Điều 89 của luật Đất đai 2013?

Luật Đất đai năm 2003, khoản 1 Điều 89 quy định đất quốc phòng sử dụng để: (1) Đơn vị đóng quân; (2) làm căn cứ quân sự; (3) làm các công trình phòng thủ quốc gia, trận địa và các công trình đặc biệt về quốc phòng; (4) làm ga, cảng quân sự; (5) làm các công trình công nghiệp, khoa học và công nghệ phục vụ trực tiếp cho quốc phòng; (6) làm kho tàng của lực lượng vũ trang nhân dân; (7) làm trường bắn, thao trường, bãi thử vũ khí, bãi huỷ vũ khí; (8) xây dựng nhà trường, bệnh viện, nhà an dưỡng của lực lượng vũ trang nhân dân; (9) làm nhà công vụ của lực lượng vũ trang nhân dân; (10) làm trại giam giữ, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng do Bộ Quốc phòng quản lý; (11) xây dựng các công trình quốc phòng khác do Chính phủ quy định.

Nghị quyết số 132/2020/QH14đã bổ sung thêm là đất quốc phòng còn có thể dùng để lao động sản xuất, xây dựng kinh tế.

Nếu cho rằng nghị quyết của Quốc hội là văn bản có giá trị pháp lý tương tự như luật, thì có những điều chưa thỏa đáng, bởi lẽ:

Thứ nhất, một cách gián tiếp, cách hiểu trên đã đồng nhất giá trị văn bản và cơ quan ban hành. Nếu Hiến pháp là một đạo luật và nghị quyết là một văn bản “có giá trị tương đương như luật”, thì chứng tỏ thẩm quyền ban hành ba loại văn bản của Quốc hội là Hiến pháp, luật và nghị quyết, cơ bản giống nhau.

Điều này, thật ra không hợp lý vì Quốc hội có nhiều tư cách: Quốc hội lập hiến, Quốc hội lập pháp và Quốc hội ban hành văn bản dưới luật. Khi ban hành một đạo luật, Quốc hội lập pháp nhất thiết phải tuân thủ Hiến pháp của Quốc hội lập hiến đã được thông qua trước đó.

Thứ hai, việc xem nghị quyết là văn bản tương đương như luật có thể gây ra một số khó khăn trong quá trình áp dụng pháp luật, vì không xác định được thứ bậc pháp lý giữa luật và nghị quyết. Theo định hướng xây dựng cơ chế bảo hiến, nếu có trường hợp nghị quyết trái với một đạo luật thì sẽ giải quyết như thế nào?

Thứ ba, nhìn chung, phạm vi điều chỉnh của nghị quyết của Quốc hội trong đa số các trường hợp là các nhóm quan hệ xã hội, tuy quan trọng nhưng không thực sự cơ bản và bao trùm như luật. Hơn nữa, trong quá trình nghiên cứu các văn bản hiện hành, chưa tìm thấy văn bản nào khẳng định giá trị pháp lý của nghị quyết của Quốc hội tương đương với luật, mặc dù có một số quan hệ điều chỉnh “mang tính luật”.

Thứ tư, mặc dù theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản của Quốc hội (Hiến pháp, luật, nghị quyết) đều phải công bố bởi Chủ tịch nước, nhưng trên thực tế thì không phải nghị quyết nào của Quốc hội cũng được Chủ tịch nước công bố.

Thứ năm, có thể nói vắn tắt, Hiến pháp và luật là văn bản trực tiếp đến toàn dân, cho toàn dân, thì trong rất nhiều trường hợp, nghị quyết của Quốc hội là văn bản cho việc ổn định công tác, hoạt động có tính tổ chức bộ máy của Quốc hội… và vì vậy chủ yếu ảnh hưởng gián tiếp tới người dân.

Thay lời kết

Nếu xem nghị quyết là văn bản luật, thì nên quy định rõ tính pháp lý này và tiên liệu cách thức giải quyết nếu có trường hợp mâu thuẫn với các đạo luật khác; song, nếu cho rằng tùy trường hợp mà nghị quyết có thể là văn bản luật hay dưới luật, thì cũng nên quy định cụ thể về nội dung, hình thức cho phù hợp.

Còn nếu xem nghị quyết là văn bản dưới luật, có thể dùng để thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội mà không cần dùng đến luật, thì cũng cần xác định trường hợp nào nghị quyết là văn bản quy phạm pháp luật; phân biệt với trường hợp nghị quyết là văn bản chủ đạo hoặc văn bản cá biệt.

Sự khác biệt này phải được thể hiện thông qua hình thức của nghị quyết và cách thức ký công bố, ban hành. Đây cũng là một trong những yêu cầu có tính nguyên tắc khi xây dựng cơ chế bảo hiến ở Việt Nam trong tương lai, bởi cơ quan bảo hiến sẽ không thể xem xét tính hợp hiến, hợp pháp của một quy phạm pháp luật do Quốc hội ban hành, nếu quy phạm pháp luật đó không được xác định thang bậc pháp lý theo từng loại văn bản.


QUỐC HỘI
——-
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————
Nghị quyết số: 132/2020/QH14Hà Nội, ngày 17 tháng 11 năm 2020

NGHỊ QUYẾT

THÍ ĐIỂM MỘT SỐ CHÍNH SÁCH ĐỂ THÁO GỠ VƯỚNG MẮC, TỒN ĐỌNG TRONG QUẢN LÝ, SỬ DỤNG ĐẤT QUỐC PHÒNG, AN NINH KẾT HỢP VỚI HOẠT ĐỘNG LAO ĐỘNG SẢN XUẤT, XÂY DỰNG KINH TẾ

QUỐC HỘI

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật số 80/2015/QH13;

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị quyết này quy định thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc, tồn đọng trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế, bao gồm: nguyên tắc, chế độ sử dụng đất; trách nhiệm, quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; việc xử lý dự án, hợp đồng đã thực hiện và việc sử dụng đất quốc phòng, an ninh của doanh nghiệp cổ phần hóa, thoái vốn.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Đơn vị quân đội, đơn vị công an, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Quân đội nhân dân, Công an nhân dân (sau đây gọi là đơn vị).

2. Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thuộc Quân đội nhân dân, Công an nhân dân trực tiếp làm nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh (sau đây gọi là doanh nghiệp quân đội, công an).

3. Cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Điều 3. Nguyên tắc sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế

1. Việc sử dụng đất quốc phòng, an ninh phải bảo đảm phục vụ cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh là chính; trường hợp sử dụng kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế thì phải quản lý chặt chẽ, sử dụng đúng mục đích, hiệu quả, không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh.

2. Đất quốc phòng, an ninh sử dụng kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng, an ninh và phương án sử dụng đất được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt.

3. Chỉ đơn vị, doanh nghiệp quân đội, công an quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 2 và đối tượng được tiếp tục sử dụng đất quốc phòng, an ninh quy định tại Điều 7 của Nghị quyết này được sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế.

4. Không được sử dụng đất quốc phòng, an ninh để góp vốn bằng quyền sử dụng đất thực hiện hợp đồng liên doanh, liên kết.

5. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế thì phải chịu trách nhiệm và bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Điều 4. Chế độ sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế

1. Đơn vị, doanh nghiệp quân đội, công an khi sử dụng đất quốc phòng, an ninh nằm trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng, an ninh, để kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế thì phải lập phương án sử dụng đất trình Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an phê duyệt. Phương án sử dụng đất bao gồm các nội dung chính sau đây:

a) Vị trí, ranh giới, diện tích, hiện trạng sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất được giao;

b) Vị trí, diện tích đất, nội dung, thời hạn sử dụng đất kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế;

c) Tác động đối với việc thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế – xã hội;

d) Các trường hợp chấm dứt sử dụng đất kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế trước thời hạn; phương án xử lý tài sản gắn liền với đất được tạo lập để phục vụ hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế trong trường hợp chấm dứt sử dụng trước thời hạn;

đ) Các giải pháp tổ chức thực hiện.

2. Sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế để tổ chức lao động, giáo dục, giáo dục cải tạo, rèn luyện, tăng gia sản xuất cải thiện đời sống, dịch vụ hỗ trợ hậu cần – kỹ thuật thì không phải nộp tiền sử dụng đất hằng năm theo quy định của Nghị quyết này.

3. Sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này thì phải nộp tiền sử dụng đất hằng năm. Tiền sử dụng đất hằng năm được xác định trên cơ sở diện tích đất sử dụng, giá đất cụ thể theo quy định của pháp luật về đất đai và tỷ lệ doanh thu ngoài nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh.

4. Các khoản thu theo quy định tại khoản 6 Điều 5 của Nghị quyết này phải được nộp đầy đủ, kịp thời vào ngân sách nhà nước và phải lập dự toán thu, chi theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, trong đó ưu tiên chi cho các nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh và giải quyết tồn đọng, chế độ, chính sách đối với các đối tượng khi thực hiện sắp xếp lại doanh nghiệp quân đội, công an.

5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 5. Trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế

1. Trình cơ quan, người có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế.

2. Quyết định phê duyệt hoặc chấm dứt phương án sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế; phương án xử lý dự án, hợp đồng thuê đất hoặc hợp đồng liên doanh, liên kết đã thực hiện trước ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành.

3. Tổ chức việc rà soát, lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng, an ninh, bảo đảm quỹ đất dự trữ lâu dài cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh và thực hiện theo quy định sau đây:

a) Đối với khu đất có giá trị kinh tế lớn không còn nhu cầu cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh thì phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định về việc chuyển mục đích sử dụng đất để phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức bán đấu giá quyền sử dụng đất.

Khu đất có giá trị kinh tế lớn quy định tại điểm này là khu đất có giá trị từ 500 tỷ đồng trở lên tính theo giá đất trong bảng giá đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành theo mục đích sử dụng thể hiện trong quy hoạch đã được phê duyệt;

b) Đối với khu đất không còn nhu cầu cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh thì bàn giao cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để phát triển kinh tế – xã hội và quản lý theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản này.

4. Tổ chức lập phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất tại doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn theo quy định của pháp luật.

5. Phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất theo phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất được phê duyệt theo quy định của pháp luật.

6. Tổ chức thu, nộp vào ngân sách nhà nước các khoản tiền sau đây:

a) Tiền sử dụng đất hằng năm khi sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế quy định tại Nghị quyết này;

b) Tiền thu từ đấu giá quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất theo quy định của pháp luật;

c) Tiền thu khi cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp quân đội, công an theo quy định của pháp luật.

7. Tổ chức lập dự toán chi ngân sách nhà nước cho các nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh, giải quyết tồn đọng, chế độ, chính sách đối với các đối tượng khi thực hiện sắp xếp lại doanh nghiệp quân đội, công an từ nguồn thu quy định tại khoản 6 Điều này theo trình tự, thủ tục quy định tại pháp luật về ngân sách nhà nước.

Điều 6. Quyền, nghĩa vụ của đơn vị, doanh nghiệp quân đội, công an sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế

1. Được sử dụng đất quốc phòng, an ninh và tài sản gắn liền với đất để thực hiện nhiệm vụ lao động sản xuất, xây dựng kinh tế theo đúng phương án đã được phê duyệt.

2. Được hưởng thành quả lao động, kết quả đầu tư trên đất.

3. Không được bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất khi Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an quyết định chấm dứt phương án sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế để phục vụ nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh.

4. Nộp tiền sử dụng đất hằng năm theo quy định tại Nghị quyết này.

5. Không được chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê quyền sử dụng đất; không được thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất; không được tự ý chuyển mục đích sử dụng đất.

6. Không được chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê, thế chấp, góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất.

Điều 7. Xử lý đất quốc phòng, an ninh đối với dự án, hợp đồng thuê đất, hợp đồng liên doanh, liên kết đã thực hiện và đối với doanh nghiệp cổ phần hóa, thoái vốn

1. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo đơn vị, doanh nghiệp quân đội, công an và tổ chức, cá nhân đang sử dụng đất quốc phòng, an ninh rà soát, đánh giá hiệu quả về quốc phòng, an ninh, kinh tế – xã hội, môi trường của dự án, hợp đồng liên doanh, liên kết đã thực hiện trước ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành; lập báo cáo rà soát và đề xuất phương án xử lý.

2. Đối với dự án, hợp đồng liên doanh, liên kết sai phạm, không hiệu quả thì chấm dứt, thanh lý, thu hồi dự án, hợp đồng liên doanh, liên kết; đơn vị, doanh nghiệp quân đội, công an và tổ chức, cá nhân thực hiện theo phương án xử lý đã được phê duyệt, khắc phục triệt để những tồn tại, vi phạm.

3. Đối với dự án, hợp đồng liên doanh, liên kết có hiệu quả, phù hợp với quy hoạch của địa phương và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh thì được tiếp tục thực hiện đến hết thời hạn dự án, hợp đồng liên doanh, liên kết đã ký kết và theo quy định sau đây:

a) Trường hợp dự án, hợp đồng liên doanh, liên kết có nhiều tổ chức, cá nhân cùng thực hiện nhưng có tổ chức, cá nhân vi phạm nghĩa vụ đã cam kết thì phải tiến hành chấm dứt hợp tác với tổ chức, cá nhân vi phạm nghĩa vụ;

b) Trường hợp dự án, hợp đồng liên doanh, liên kết có liên quan đến quyền và lợi ích của nhiều bên thì xem xét cho các bên đang trực tiếp thực hiện được tiếp tục thực hiện;

c) Trường hợp dự án, hợp đồng liên doanh, liên kết có đối tác nước ngoài để thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh thì được tiếp tục thực hiện theo dự án, hợp đồng đã ký kết;

d) Trường hợp tài sản gắn liền với đất đã cho thuê theo dự án, hợp đồng liên doanh, liên kết đã ký kết thì được tiếp tục thực hiện đến hết thời hạn của dự án, hợp đồng liên doanh, liên kết;

đ) Trường hợp dự án, hợp đồng liên doanh, liên kết được tiếp tục thực hiện nhưng Nhà nước thu hồi đất trước thời hạn theo dự án, hợp đồng đã ký kết để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng thì không được bồi thường về đất nhưng được bồi thường giá trị còn lại của tài sản gắn liền với đất;

e) Khi hết thời hạn dự án, hợp đồng liên doanh, liên kết thì không được gia hạn.

4. Việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất khi thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn thực hiện theo quy định sau đây:

a) Đối với vị trí, diện tích đất không còn nhu cầu cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh thì đưa ra khỏi quy hoạch đất quốc phòng, an ninh và chuyển giao cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý, sử dụng;

b) Đối với vị trí, diện tích đất quốc phòng, an ninh cần thiết cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh thì thực hiện theo phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất đã được phê duyệt;

c) Đối với hợp đồng sử dụng đất, thuê đất quốc phòng, an ninh do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đã ký với doanh nghiệp quân đội, công an đã thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn trước ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành mà diện tích đất phải dự trữ lâu dài cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh thì được tiếp tục thực hiện đến hết thời hạn hợp đồng.

5. Đối với dự án, hợp đồng thuê đất, hợp đồng liên doanh, liên kết đã ký kết trước ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành nhưng chưa thu tiền sử dụng đất thì Bộ Quốc phòng, Bộ Công an thực hiện thu tiền sử dụng đất theo dự án, hợp đồng thuê đất, hợp đồng liên doanh, liên kết đã ký kết để nộp vào ngân sách nhà nước nhưng không thấp hơn tiền sử dụng đất hằng năm theo quy định của Nghị quyết này tại thời điểm xác định nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất.

6. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 8. Điều khoản thi hành

1. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 02 năm 2021 và hết hiệu lực khi Luật Đất đai số 45/2013/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 35/2018/QH14 được sửa đổi và có hiệu lực thi hành.

2. Trường hợp có quy định khác nhau giữa Nghị quyết này và luật, nghị quyết khác của Quốc hội ban hành trước ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành về cùng một vấn đề trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế thì áp dụng quy định của Nghị quyết này.

3. Chính phủ chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Nghị quyết này.

4. Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

Nghị quyết này được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 17 tháng 11 năm 2020.

 CHỦ TỊCH QUỐC HỘI

Nguyễn Thị Kim Ngân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét