Lượm lặt tiếp trong đám giỗ ông Võ Văn Kiệt
(kỳ 3)
Có bạn của gã trách
gã, đến đám giỗ nhà người ta tại sao kể chuyện linh tinh, linh ta về những
người đều là người thân của nhà người ta trong đám giỗ nhà người ta làm gì?
Rõ là lời trách
chính đáng lắm.
Gã phân vân rất
nhiều vì gã hiểu cái đạo lý ở đời. Gã thấy mình có lỗi với Hiếu Dân con gái của
ông Kiệt, người chỉ muốn ngày giỗ của cha mình sao cho trong ấm ngoài êm, cho
cái tình, cái nghĩa dầy thêm. Gã càng thấy mình có lỗi với Hiếu Dân khi biết có
một số nhân vật cấp cao được gã mô tả trong đám giỗ năm ngoái và trong đám giỗ
năm nay trách cứ.
Nhưng bạn của gã
ơi, lòng gã nào yên.
Viết tới đây nước
mắt tự dưng chảy.
Gã vốn chỉ là gã hề
yếu đuối như một cơn gió vu vơ lướt qua cuộc đời này thôi, nhưng trót lửng lơ,
trót nhìn thấy muôn cảnh vật quê hương để mà yêu, trót nghe thấy, nhìn thấy bao
nỗi khổ đau của đồng bào để mà thương mà xót xa, trót ngửi đẫm mùi khói của thù
hận, đố kỵ để mà căm giận… Trót, trót, trót... mất rồi…
Trót nhận ra đám
giỗ của một trong những con người gã kính trọng nhất trong những người cộng sản
không đơn thuần chỉ là một đám giỗ mà còn là cả một câu chuyện liên quan tới
lịch sử đương đại của dân tộc, tức là liên quan tới vui buồn của đồng bào, tức
là liên quan đến ước vọng, khát khao đổi mới đất nước và trớ trêu thay mà còn
là cả một… sân khấu đời. Ở đó gã nhận ra những nhân vật mà thật - giả, tử tế -
ủ mưu, trách nhiệm và phủi tay…đan xen nhau.
Đất nước đói thông
tin. Chuyện thâm cung bí sử chỉ mua vui cho kẻ tò mò. Nhưng chuyện bộc lộ những
tính cách, những suy tư thật nhất của những con người như tướng Võ Viết Thanh,
tướng Lưu Phước Lượng, những con người từng vào sinh ra tử, trực tiếp cầm súng,
đổ máu cho thể chế hôm nay đang nghĩ gì về chính cái thể chế ấy, đang khát khao
điều gì cho đất nước, gã cảm nhận như những ngọn lửa của sự thánh thiện, của
lòng yêu nước rất cần được chuyền từ tay người dân này qua tay người dân khác,
từ tay đảng viên cộng sản này qua tay đảng viên cộng sản khác.
Thú thật, cà kê dê
ngỗng nhiều nhời nhưng trong gã đọng lại mãi lời của tướng Thanh như âm vang chủ
đạo cất lên từ chính hương hồn ông Võ Văn Kiệt:
“Tôi chỉ quan tâm
tới thể chế dân chủ”.
Tướng Thanh đã nói
tới cái cốt lõi của tất cả, cái cốt lõi mà từ đó vui đi ra, buồn đi ra, từ đó
một dân tộc có thể thăng hoa và cũng có thể đắm chìm trong màn đêm của nghèo
đói.
Lòng dân ở đấy. Mất lòng dân ở đấy.
Nói vậy, nhưng là
một người từng là trùm ngành an ninh ông quá hiểu thực tế các tương quan và lộ
trình hòa bình cho tiến trình đi đến một thể chế dân chủ đó để đất nước vừa
phát triển kinh tế vừa hòa nhập thế giới, vừa chống ngoại xâm vừa hoàn thiện tử
tế hơn.
Ông, và gã tin
rằng, không riêng ông, những người tự thấy phải có trách nhiệm với đất nước này
chỉ đề xuất một lối thoát rất nhẹ nhàng ra khỏi ao tù nước đọng bấy lâu của sự
độc quyền: Đối lập xây dựng.
Gã rất trân quý
cách dùng từ rất cẩn trọng của tướng Thanh, vì nó là kết quả mà những người
theo tinh thần của Võ Văn Kiệt, theo tư tưởng của Võ Văn Kiệt tâm huyết trăn
trở và phát tín hiệu công khai.
Gã nhớ lại 20 năm
trước chính ông Kiệt khi là thủ tướng đã cho thành lập Uỷ ban Thanh niên. Gã
hiểu thâm ý của ông Kiệt là chuẩn bị một mô hình “đối lập xây dựng” cạnh tranh
lành mạnh với Đoàn Thanh niên và Hội Liên hiệp Thanh niên cơ quan nối dài của
Đoàn. Là người có cảm quan thực tiễn và như nhà thơ Nguyễn Duy nhận xét ông
Kiệt là một tài năng từ dân không qua bất cứ lò kinh viện nào, hơn ai hết hiểu
cái sự đời đương nhiên:
Độc quyền là tự
sát.
Lúc ấy gã cùng các
nhà báo từ bỏ báo Lao Động như Lý Quý Chung, Trần Trọng Thức, Hoàng Thoại Châu
(Ba Thợ Tiện), Chóe, Đinh Quang Hùng theo chỉ đạo của ông Kiệt thành lập tờ báo
Thanh niên Thời đại, cơ quan ngôn luận của Uỷ ban Thanh niên.
Tờ báo tạo dư luận
mạnh mẽ vì những bài viết mang tính phản biện. Nhưng rất tiếc chỉ một thời gian
ngắn sau những người bảo thủ trong đảng nhận ra nguy cơ mất độc quyền lãnh đạo
thanh niên của tổ chức Đoàn nên đã biểu quyết dẹp bỏ Uỷ ban Thanh niên, đồng
nghĩa với việc xóa sổ báo Thanh niên Thời đại.
Ông Kiệt là nhà
lãnh đạo có tầm nhìn xa, rất tiếc nhiều lúc dù quẫy đạp mạnh nhưng ông vẫn
không thể vượt qua được hàng rào bảo thủ của chính những đồng chí của mình.
Tướng Thanh hiểu rõ
tất cả.
GS Tương Lai hỏi
gã: Ông biết vì sao ông Bảy Thanh lại cương quyết chọn chỗ ngồi ở bàn chúng ta
ngồi không? Gã ngớ ra trước câu hỏi của GS, gã bảo chắc vì ông thấy “hợp cạ”.
Bác Tương Lai một
người lọc lõi trong chính trường cười rồi bảo: Không phải chỉ vì hợp cạ đâu, mà
vì ông muốn nói một điều gì rất hệ trọng. Ông thấy ở bàn này có những nhà báo.
Ông muốn thông qua các nhà báo để truyền tải thông điệp của ông. Và ông đã nói
về chuyện “thể chế dân chủ”, về “đối lập xây dựng” cùng sự “cần thiết tái lập
đảng Lao động do cụ Hồ sáng lập” như chúng ta đã nghe.
GS còn nói thêm,
tôi nghĩ ông Bảy Thanh là người rất chín chắn, kín kẽ, có dự cảm chính trị tốt,
có thông tin từ nhiều nguồn nên thấy được lúc này là thời điểm thích hợp để
nói.
Sẽ rất nhiều bạn
đọc của gã ở các nước văn minh trên thế giới sẽ phì cười vì những điều sơ đẳng
trên thế giới lại là điều phải tính toán chi ly nên nói mức nào, lúc nào, với
ai.
Khổ! Rõ khổ!
Gã có nghe một nhà
báo rất rành chuyện chính trường thủ thỉ rằng, mới đây có một số cán bộ lão
thành cao cấp đã gặp lãnh đạo đảng bày tỏ lo ngại sự thiếu giám sát của đảng sẽ
đẩy tình trạng tham nhũng, lợi ích nhóm không kiểm soát được dẫn tới nguy cơ
tan đảng. Và nhóm lão thành đó đã kiến nghị nội bộ rằng để tránh sự tan đảng
cần thiết phải tái lập đảng Lao động song song với đảng Cộng sản để có thể giám
sát xây dựng nhau.
Thực ra chuyện đảng
Lao động gã nghe râm ran từ lâu rồi.
Nhưng tại đám giỗ
của ông Võ Văn Kiệt thì lần đầu tiên gã trực tiếp nghe từ một cán bộ đảng lão
thành một cách công khai.
Dân chủ thể hiện
thế nào đây?
Nhiều khi chỉ giản
đơn bắt đầu từ những gì dấm dúi thành tiếng nói công khai.
Và tại đám giỗ của
ông Kiệt gã cũng rất ấn tượng với tuyên bố công khai, yêu cầu các nhà báo cứ
ghi âm của trung tướng Lưu Phước Lượng:
“Đảng phải triệt để
đổi mới nếu không muốn mất ráo lòng dân”.
Chở thuyền là dân,
lật thuyền là dân - lời dặn muôn đời của cụ Nguyễn Trãi.
Một lần nữa gã càng
thấm thía cái ẩn ý sâu xa của ông Võ Văn Kiệt khi đặt tên con gái là “Hiếu Dân”
và lấy bí danh của mình là “Sáu Dân”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét