Thứ Bảy, 9 tháng 1, 2021

LƯỢM LẶT Ở ĐÁM GIỖ THỦ TƯỚNG VÕ VĂN KIỆT.

 

Lượm lặt tiếp tại đám giỗ ông Võ Văn Kiệt (kỳ cuối)

Đầu tiên gã xin nói về những phản hồi từ hai bài lượm lặt của gã đã.

Khi gã gửi bạn đọc của gã những lượm lặt của gã tại đám giỗ ông Võ Văn Kiệt, gã biết có một số bạn của gã sùng sục, nóng vội cực đoan không hài lòng thậm chí chê bai gã là người thân cộng. Gã tôn trọng các bạn ném đá gã ấy và giản đơn mỉm cười.

Có lần gã nói với nhạc sĩ Phạm Duy, yêu nước như chú, tên tuổi như chú nhưng cháu bảo đảm nếu chú ra Hồ Gươm đứng chả mấy chốc Hồ Gươm sẽ bị lấp đầy đá của người thân cộng và chống cộng. Nhạc sĩ Phạm Duy cười rồi nói: Chả thế mà có người bảo tôi chống cộng, tôi bảo tôi chỉ chống gậy thôi. Có người bảo tôi yêu cộng, tôi bảo, tôi yêu gái đã đủ mệt nhoài rồi.

Nhưng trong sâu thẳm gã biết nhạc sĩ Phạm Duy, người đã bỏ tất cả để trở về quê hương, rất buồn vì ngay trong lòng đất nước vẫn còn quá nhiều phân ly.

Thế giới mạng thật muôn màu. Gã thành thật yêu cái thế giới muôn màu đó miễn là đừng phản bội dân tộc, đừng ác độc với con người.

Tiếp.

Gã nhận được hai cú điện thoại. Một của nguyên tổng biên tập một tờ báo khẳng định rằng tướng Võ Viết Thanh có nói ông không hề có ý định rút súng bắn ai khi vu khống bố mẹ ông là Việt gian.

Tiếp.

Gã nhận được một cú điện thoại của một người thân với phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết là ông Đam gửi tiền nguyên năm cho cô bán hoa ở nghĩa trang để mỗi ngày cắm hoa tươi trên mộ ông Kiệt. Mỗi lần giỗ ông Kiệt ông Đam đều trực tiếp đem hoa sen hồ Tây Hà Nội vào và trực tiếp cắm trên mộ ông Kiệt.

Ông Đam chưa một lần làm vòng hoa có băng rôn "phó thủ tướng Vũ Đam Đam kính viếng nguyên thủ tướng Võ Văn Kiệt" như gã hai lần trực tiếp thấy. Hỏi ra thì chính cô bán hoa đã hăng hái làm việc này mà không hề báo với ông Đam.

Người thân của ông Đam bảo: nếu anh không tin, em sẽ cho anh số điện thoại của anh Đam để anh hỏi trực tiếp xem có đúng thế không. Gã đáp, gã tin và gã rất vui và xúc động khi nghe câu chuyện trên.

***

LY RƯỢU CUỐI CÙNG.

Ngồi bên gã là Nguyễn Duy, người vừa đi một chuyến đọc thơ dọc các dòng sông của Việt Nam, Lào, Thái Lan về. Nguyễn Duy xưa nay điềm tĩnh trước thời cuộc mặc dù đã một thời ông không chỉ đẫm nước mắt "Nhìn tổ quốc từ xa", trường ca về thân phận đất nước mà ông Trương Đình Tuyển, nguyên bộ trưởng Thương mại thuộc làu làu, mà ông Võ Văn Kiệt lúc buồn lại bảo: Cậu đọc lại cho mình nghe đi, mà còn luôn cùng ông Kiệt trong lòng tổ quốc đau đáu chuyện mất còn của văn hóa, lịch sử dân tộc.

Duy thủ thỉ vào tai gã bỏ qua bên ngoài bàn tiệc những tiếng... ra vô:

Hôm ấy ông Sáu kêu tôi tới nơi ông ở bên Hồ Tây để bàn về việc tổ chức Hội thảo về nhà Nguyễn. Ông Sáu muốn công bằng với các chúa Nguyễn, vua Nguyễn và trả lại các giá trị cũng như công lao của nhà Nguyễn đối với đất nước. Ông cho rằng Sài Gòn, Hà Nội khó có thể tổ chức hội thảo này vì sẽ có nhiều tiếng nói cấm cản, Huế thì lại càng khó hơn. Ông hỏi tôi theo cậu nên tổ chức ở đâu. Tôi bảo theo em nên tổ chức ở Thanh Hóa nơi phát xuất nhà Nguyễn. Ông gật đầu tán đồng.

Ông bảo sẽ trao đổi với Phan Huy Lê để lo phần nội dung còn phân công tôi lo phần tổ chức. Tiền thì ông vận động một số doanh nghiệp, địa phương đóng góp. Ông còn nói thêm các địa phương Nam bộ, nhất là Sài Gòn phải biết ơn các chúa Nguyễn khai khẩn, mở đất mới có hôm nay. Khi hội thảo ông sẽ dẫn một đoàn đại biểu các tỉnh Nam bộ và Sài Gòn ra dự.

Tôi đi lo làm việc với lãnh đạo Thanh Hóa về, rất phấn khởi vì lãnh đạo Thanh Hóa rất ủng hộ Hội thảo này, tôi điện thoại để hẹn gặp ông. Ông Sáu trực tiếp hẹn tôi giờ và địa điểm để gặp.

Đúng giờ, tôi tới. Tôi ngạc nhiên chưa thấy ông Sáu đâu. Đây là lần đầu tiên tôi thấy ông không đúng giờ hẹn với tôi. Vì các lần hẹn trước đúng giờ tôi tới đều thấy ông ngồi chờ trước để thấy tôi thì cười rất tươi rồi. Không phải với riêng tôi mà với bất cứ khách nào của ông, ông cũng đối xử vậy.

Tôi im lặng chờ, hơn 15 phút sau thì từ phòng riêng của ông, ông Lê Hồng Anh, lúc ấy là bộ trưởng bộ Công An bước ra. Ông Sáu bắt tay tôi vẫn cái bắt tay ấm áp và chặt. Xong ông ngồi xuống im lặng. Tôi thấy nét buồn, âu lo trên khuôn mặt ông. Ông nói:

Cậu à, mình vừa trao đổi với anh Lê Hồng Anh hãy thả ngay hai nhà báo Nguyễn Việt Chiến và Nguyễn Văn Hải trong vụ PMU18 ra. Mình bảo tại sao lại bắt gấp thế ngay trong dịp diễn ra Đại hội Phật giáo thế giới ở nước ta như thế này. Thất chính trị lắm. Hàng nghìn nhà tu hành trên khắp thế giới tới ta, họ sẽ nghĩ sao? Anh Lê Hồng Anh bảo, anh ấy không thể thả được,...

Khi gã ghi lại những dòng kể này chắc chắn những nhà báo Nguyễn Việt Chiến, Nguyễn Văn Hải, Nguyễn Công khế, Nguyễn Quốc Phong những người trong cuộc quá biết vì sao tướng Lê Hồng Anh không thể nghe lời khuyên của ông Sáu Dân được.

Nguyễn Duy kể tiếp:

Tôi báo cáo việc tôi đã làm cho ông Sáu nghe. Ông bảo cần vụ đem ra chai rượu. Ông rót cho tôi một ly, cho ông một ly gọi là để mừng cho Hội thảo về vai trò của nhà Nguyễn sắp diễn ra như Hội thảo về Phan Thanh Giản do chính ông tổ chức đã diễn ra góp phần khôi phục lại công lao của Phan Thanh Giản đối với Nam Bộ.

Ông và tôi cạn ly.

Cả ông và tôi đều không thể ngờ rằng đó chính là ly rượu cuối cùng của ông trên cõi đời này. Cõi đời mà ông vô cùng thiết tha yêu và luôn nôn nóng mong làm được thật nhiều việc lợi ích cho nó.

Hôm sau ông bị ốm.

Một thời gian sau, ông vĩnh viễn ra đi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét