Thứ Tư, 6 tháng 1, 2021

LÀNG TÔI NGÀY ẤY ( Tản văn của Trần Quý Lộc ) : kỲ IV


( Kỳ IV, Từ trang 57 đến trang  87 )

 Xem kỳ III :  http://thpttohieusonla.blogspot.com/2021/01/lang-toi-ngay-ay-tan-van-cua-tran-quy_4.html

 


Phần ba - SUY VÀ NGẪM

 

1.Con người và sự thông minh

Ở trường phổ thông có nhiều em học giỏi toàn diện, luôn giành điểm số cao tuyệt đối trong tất cả các môn học, được thầy giáo gọi là những học sinh thông minh.

Sau khi vào đời, phần lớn trong số họ có trí tuệ không khác những người bình thường, thậm chí còn thua cả những người bình thường. Nếu chỉ dựa vào điểm số, cho những học sinh phổ thông đạt điểm số cao là thông minh, e chưa ổn.

*

Ở trường đại học, có những sinh viên xuất sắc toàn diện, thầy cô rất hy vọng vào họ, gọi họ là những người thông minh. Sau khi ra trường, làm việc cụ thể, phần đông trong số họ không khác những người bình thường, thậm chí còn thua cả những người bình thường, có người còn bị mất chức, tù đày, thậm chí có người còn không kiếm đủ tiền nuôi sống bản thân mình.

Nếu chỉ dựa vào điểm số cao, cho sinh viên đại học là thông minh, cũng e chưa ổn.

*

Sự thực, thời gian phát triễn trí tuệ ở mỗi người không đồng đều, có người phát triễn trí tuệ sớm, có người phát triễn trí tuệ muộn. Có nhiều học sinh thời phổ thông học kém, thâm chí còn bị thầy giáo chê ngu. Sau này vào đời, họ dần dần hết ngu rồi số trở thành những lãnh đạo xuất sắc, những chủ doanh nghiệp nổi tiếng, những nhà văn - nhà báo xuất sắc... như thế không thể cho tất cả những người có điểm số thấp ở trường phổ thông hay trường đại học là ngu.

*

Chỉ tiêu đánh giá người thông minh như hiện nay, cần được xem xét lại. Người có điểm số cao thời kỳ học sinh và sinh viên mới chỉ là người nhận thức nhanh và có trí nhớ tốt, chưa đủ tiêu chuẩn của người thông minh.

Người thông minh ngoài nhận thức nhanh, trí nhớ tốt còn cần phải biết mình biết người, biết ăn biết chia, biết tiến biết lui, biết phân tích, biết tổng hợp, biết tận dụng thời cơ, biết dự đoán những sự việc sẽ xẩy ra ở tương lai gần và biết đưa ra quyết định đúng đắn kịp thời, có được như vậy mới không bị thất bại trong cuộc sống.

2. Con người và cuộc sống tuổi già

Khi còn trẻ, bố mẹ ra sức kiếm tiền cho mình và cho con cái. Cuộc sống chung giữa bố mẹ với con cái, khi bố mẹ còn khỏe và có tiền, con cái đều nghèo và đang phải sống dựa vào bố mẹ, là nguồn vui bất tận cho mọi gia đình.

*

Nguồn vui bất tận này được dừng lại, khi con cái đã trưởng thành, bố mẹ bước vào tuổi già cần một căn phòng riêng tư, thì nhà của bố mẹ đã thành nhà của các con.

Bố mẹ cần một khoản tiền riêng cho cuộc sống tuổi già, như tiếp khách, chữa bệnh, ngoại giao, du lịch... thì tiền của con không còn là tiền của bố mẹ.

Lúc ốm đau, bố mẹ cần một người thân chăm sóc, chẳng thấy con cái đâu, đứa nào cũng bận, không bận chuyện nọ cũng bận chuyện kia.

Nếu bố mẹ không có tiền tự bỏ ra, con cái nhìn nhau, đứa này ỉ vào đứa khác.

Con trai mình, còn con dâu?

Con gái mình, còn con rể?...

*

Việc người già cần có một khoảng không gian nhỏ, một khoản tiền riêng, được ăn uống theo ý thích của người già, là nhu cầu bình thường của mọi con người, nhưng rất xa lạ với con cái.

Tư duy của các con thường không trùng hợp với tư duy của bố mẹ, với nhiều lý do:

Các con nghèo, lo cho con của họ chưa xong, làm sao lo được cho bố mẹ.

Có thể các con giàu nhưng phải dồn tiền vào mở rộng sản xuất và kinh doanh, lúc nào cũng thiếu tiền.

Con cái thấy bố mẹ sống đơn giản, cho rằng họ chẳng cần phải đi đâu, chẳng phải cần đến tiền, chỉ cần ăn no ngày ba bữa là đủ.

Con cái nhìn bố mẹ già như hai chiếc thùng rỗng cần tiền, nhất là khi bố mẹ đau lâu ốm dài, con cái phải tiết kiệm tiền lo cho tuổi già của bố mẹ cũng là có lý....

*

Phần nhiều ông bà già phải âm thầm sống trong buồn tủi, họ tự động viên mình:

“Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”

.“Nước mắt chảy xuôi”.

“Tiền của bố mẹ là tiền của các con”.

“Con hơn cha là nhà có phúc”....

.....

May mắn cho các ông bà kia là con cháu của họ chưa hư, nếu gặp phải con cháu hư, trong khi mình không làm chủ được cuộc sống tuổi già, thì sống không bằng chết.

*

Tạo sao phần lớn người già Việt Nam đều khổ?

Có người cho là, trách nhiệm của người làm cha làm mẹ phải hy sinh cho con cháu.

Có người cho mình không thức thời, không biết trước thời cuộc, “nếu biết trước thì...”

Có người đổ cho số phận.

Có người cho do nhận thức. Về lý do nhận thức, cuộc sống đã báo trước cho tất cả mọi người, không ai không biết:

“Đời cua máy, đời cáy cáy đào”.

“Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời”.

“Cha mẹ nuôi con bằng trời bằng bể, con nuôi cha mẹ con kể từng ngày”.

Có bài học không ai dạy, nhưng ai cũng nhìn thấy về các loài vật nuôi con. Khi các con của chúng đủ lớn, bố mẹ đều bắt các con sống tự lập, nhờ vậy mà các con của chúng đều trưởng thành. Vấn đề không phải ở nhận thức mà ở nghị lực của các bậc làm cha làm mẹ.

*

Những câu hỏi cần suy nghĩ:

Các bậc làm cha làm mẹ có cần thiết phải chăm sóc con cháu suốt cả đời mình không?

Có cần chuẩn bị điều kiện vật chất và tinh thần cho cuộc sống tuổi già, khi mình còn đang có điều kiện?

Có nên phó mặc tuổi già của mình cho con cái?

Mỗi người phải tự tìm câu trả lời cho chính mình với điều kiện của riêng mình, vì “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà một cảnh”.

3. Con người và bữa ăn ngon nhất thế gian

Ngay từ nhỏ, nhiều người đã được cha mẹ nuông chiều, cung cấpđầy đủ mọi điều kiện vật chật chất cần thiết, sống nhàn nhã, những người đó cho mình có được cuộc sống may mắn.

Còn tôi thấy mình may mắn, khi được làm người nghèo khó từ nhỏ. Nghèo khó đã cho tôi kinh nghiệm sống và nghị lực để làm người thành đạt, nghèo khó còn cho tôi có cảm giác được ăn những món ăn ngon nhất thế gian.

Tôi kể lại miếng ăn ngon nhất thế gian, mà tôi đã được ăn:

Năm 1978, chúng tôi là những sinh viên con nhà nghèo, vừa học xong năm thứ nhất trường Đại học Nông nghiệp I ở khu sơ tán Cao bằng. Trong khi đang chờ xe ô tô của nhà trường đưa sinh viên về Hà Nội. Tôi và 3 người bạn trong lớp rũ nhau đi kiếm củi, bán cho nhà máy kẹo ở thị xã Cao Bằng, kiếm chút tiền tiêu vặt.

Từ trường ra thị xã Cao Bằng xa 8 Km, phải đi thêm 7 km đường đồi nữa, mới đến được nơi lấy củi. Sau 2 tiếng lao động, mỗi người chúng tôi đã kiếm đủ cho mỗi người một gánh củi. Chỉ còn gánh về là xong.

Hôm ấy trời nắng, nơi chúng tôi lấy củi không có một nguồn nước nào, mồ hôi bị mất nhiều trong quá trình lao động, khát nước khô cả môi, cọng thêm cái đói cồn cào của chiếc dạ dày lép kẹp, cơ thể của chúng tôi mệt rũ không chịu gánh củi về.

Chúng tôi đành phải nằm trú nắng dưới một bụi cây, lấy lại sức. Chợt tôi nhìn thấy một quả bí xanh già, phấn trắng phủ kín quả đang treo trên chiếc dây bí đã chết khô, nằm trong đám lá của bụi cây. Chủ nương không nhìn thấy quả bí này, đã bỏ sót lại sau khi thu hoạch.

Chúng tôi chia nhau ăn quá bí xanh đó, một người một góc. Được ăn quả bí xanh chín già, khô bớt nước, nhiều tinh bột đã được chuyển thành đường. Trong lúc rất đói và khát khô cổ họng, những thứ gì cơ thể cần, quả bí xanh này đều có.

Bữa ăn quá ngon, ngon đến mức tôi không thể tả hết cái ngon của nó. Sau này, tôi có điều kiện được ăn nhiều món cao hương mỹ vị trên thế giới, chưa có món ăn nào tôi có cảm giác ngon miệng như khi được ăn miếng bí xanh của lần đi lấy củi hôm đó.

Miếng bí xanh chín già, tôi được ăn trong lúc đói khát và kiệt sức, là món ăn ngon nhất trong cuộc đời của tôi, với tôi, đó là món ăn ngon nhất thế gian. Những người có cuộc sống sung túc từ nhỏ, chưa từng một lần trải qua cuộc sống vất vả và thiếu thốn, chắc chắn họ không có được cảm giác ăn ngon miệng như những người lao động vất vả như chúng tôi.

4. Con người và tính khiêm tốn

Nếu có ai đó cho rằng, khiêm tốn là che giấu một phần hoặc toàn bộ tài năng và sắc đẹp của mình, nói cách khác, khiêm tốn là hạn chế tỏa sáng hay không tỏa sáng.

Xin mời bạn đó đến thăm vườn hoa, thưởng thức bông hồng vừa mới nở, có sắc hoa hồng thắm, cánh hoa to dày tươi mát, hương thơm ngọt ngào đến nao lòng.

Sau khi đã thưởng thức trọn vẹn hương sắc bông hồng, liệu bạn có khuyên những nụ hồng sắp nở, hãy nở vừa thôi, tỏa hương vừa thôi, tốt nhất là không nở hoa và không tỏa hương, để được người vinh danh là những nụ hoa khiêm tốn?

Tôi chắc bạn không nở khuyên các nụ hồng như vậy, bạn sẽ khuyên các nụ các nụ hồng chẳng cần giữ lại hương sắc để làm gì, hãy nở hoa hết cở, tỏa hết hương thơm. Hiện tượng cây đơm nụ, nụ nở thành hoa, hoa khoe sắc, tỏa hương, là bản tính tự nhiên của cây và hoa, nếu có ngăn cũng không được.

Con người cũng vậy.

Nếu bạn khuyên những người đẹp chỉ khoe một phần hay không khoe sắc đẹp của mình hay bạn khuyên những người thực tài, chỉ thể hiện một phần hay không thể hiện tài năng của mình, để được xã hội vinh danh là người khiêm tốn, chắc chắn những người đẹp thực sự và những người thực tài sẽ không nghe lời bạn.

Nhu cầu khoe sắc đẹp và thể hiện tài năng của bản thân là thuộc tính tự nhiên của con người, bản tính tự nhiên này phù hợp với nhu cầu của xã hội. Nhờ con người dám khoe sắc đẹp mà xã hội có các hoa khôi và hoa hậu. Nhờ con người dám khoe tài năng mà nhân loại có các nhà khoa học, các lãnh tụ, các anh hùng, các nhà văn, các nhà thơ, các nhà nghệ sĩ, các thầy giáo dạy giỏi, các học sinh học giỏi... của cả thời trước đây và ngày nay.

Như vậy, nếu xem tính khiêm tốn là che giấu một phần hoặc toàn bộ tài năng và sắc đẹp của mình, nói cách khác là hạn chế tỏa sáng hay không tỏa sáng là thiếu sức thuyết phục. Con người cần thể hiện những gì mình có, “tốt đẹp phô ra”, ít nhất, điều đó sẽ chứng minh cho bản thân người đó biết năng lực của mình đế sống tự tin.

Khiêm tốn là sống đúng năng lực của mình và phát huy hết năng lực của mình. Chỉ những người cố chứng minh sai năng lực của mình, mới là người không khiêm tốn.

5. Con người và hôn nhân

Người con trai và người con gái tìm đến nhau bởi sự hấp dẫn của giới tính. Đáng lý sự thỏa mãn về nhu cầu sinh lý sẽ giúp họ gần nhau và hiểu nhau hơn.

 Sự thực không phải thế, phần lớn trong họ đều rơi vào cuộc sống bất hạnh, chỉ vì họ không biết biết mình và không biết người.

Đáng lý người nam và người nữ chỉ có quyền chọn ở đối tượng của mình một số chỉ tiêu quan trọng phù hợp với mình, thì họ đòi hỏi người bạn đời của mình quá nhiều thứ mà nghười bạn đời đó không có. Chẳng có ai toàn diện, khi con người và sự vật đều được tồn tại bởi hai mặt đối lập.

 Chỉ phần nhỏ người có được cuộc sống hôn nhân hạnh phúc, do họ sống đơn giản và có quan niệm đơn giản về cuộc sống. Họ cho rằng: Những người vợ người chồng vốn chẳng phải họ hàng hay thân quen nên chẳng cần phải có trách nhiệm với nhau. Họ đến với nhau là do cần có nhau. Để sống được với nhau họ thực hiện cùng góp gạo thổi cơm chung, chung sống hòa bình, tôn trọng nhau, thông cảm nhau và hai bên cùng có lợi. Lâu dần, chính họ bị đối phương của họ cảm hóa họ, họ không muốn “góp gạo thổi cơm chung” với một ai khác.

 6. Con người và “hy sinh đời bố cũng cố đời con”

Trên 90% những người dân Việt Nam có cuộc sống nghèo khó, đặc biệt là những năm trước năm 2000. Họ là những người lương thiện. Với bản chất lương thiện và hạn chế về nhận thức, họ tưởng mình kém cõi và bị xã hội coi thường. Họ không phát hiện ra, ở xã hội nào cũng vậy, những người lương thiện mới là những người đáng quí và đáng được tôn trọng.

Họ cho những người có cuộc sống khá giả nằm trong số dưới 10% còn lại, mới thực sự đáng được xã hội tôn trọng. Họ mong con cái họ cũng có được cuộc sống khá giả như những người đó và họ đã đầu tư cho con cái mình tất cả những gì mà họ có, trên tinh thần “hy sinh đời bố cũng cố đời con”, mong con cái họ không thua kém người trong thiên hạ.

Tôi đã thấy một số trường hợp “hy sinh đời bố cũng cố đời con”.

*

Làng bên cạnh có bà mẹ rất xinh, chồng là duy kích bị địch giết, sợ con gái mình bị khổ, người mẹ nọ ở vậy nuôi con khi mới 21 tuổi. Năm 1966 - 1972 con gái sang Đức học đại học, năm 1985 - 1989 lại sang Đức làm nghiên cứu sinh sinh. Năm 1995, cô con gái đó chuyển cả chồng và con sang Đức làm công dân Đức. Mẹ ở nhà một mình, khi ốm đau người mẹ không báo tin cho con biết, sợ con bị tốn kém khi phải bay từ Đức về Việt Nam thăm mẹ.

Khi người con từ Đức về làm tang cho mẹ, nhận thấy, mẹ mình chỉ sự dụng một phần nhỏ số tiền mà người con đó gửi về, số tiền còn lại được bà cất giữ cho con mình. Đến lúc chết bà vẫn sợ con gái mình khổ.

*

Cạnh nhà tôi có ông nông dân vợ chết sớm, ở vậy nuôi con. Lúc 60 tuổi, ông bàn giao toàn bộ gia sản cho người con trai, khi anh ta đang làm việc cho nhà nước. Vài năm sau, đất được giá, người con chỉ bán một góc đất, xây 2 ngôi nhà cho thuê, một tháng thu trên 60 triệu đồng. Người bố được con nuôi ngày 3 bữa no, chẳng phải làm gì, được con cung cấp đủ tiền cho bố đi ăn cổ trong làng, được những người thân quen mời. Với người con, bố của anh ta sống như vậy là quá đủ.

*

Tôi có người bạn là kỹ sư nông nghiệp, năm 2006, đã chuyển cả tất tài sản của vợ chồng anh ta cho người con trưởng quản lý, gồm công ty tư nhân và đất đai, trị giá trên 2000 cây vàng.

Ban tôi tự hào có người con trai tài giỏi, từ vốn 2000 cây vàng, chỉ 10 năm, người con đó đã nhân lên thành 7000 cây vàng và tiếp tục mở mở mang phát triển công ty của mình. Người con trai đó sử dụng nhiều chiếc xe ôtô con, trong đó có chiếc xe 22 tỷ đồng.

 Anh bạn tôi có lương hưu 6 triệu đồng một tháng (năm 2019), người vợ không có lương hưu. Họ được người con chăm sóc chu đáo, ngày ăn 3 bữa ngon, mọi việc nhà có người giúp việc làm. Trong cơ ngơi đồ sộ đó, không còn dấu ấn của vợ chồng bạn tôi. Bạn tôi đã cho người con đó phá ngôi nhà của họ, xây ngôi nhà mới, theo ý của người con, trong khi diện tích của khu đất đó rộng trên 1000m2 . Bạn tôi tự hào, về việc mình đã “hy sinh đời bố cũng cố đời con”.

*

Có người bạn tôi là cán bộ nhà nước, nuôi con cái từ khi chúng vừa lọt lòng đến khi học xong các trường đại học. Lúc họ đã trên 45 tuổi, con cái họ vẫn chưa thể tự lập, họ phải tiếp tục giúp đỡ con cái thêm 15 năm nữa, vừa đúng lúc họ về hưu.

Lúc này, tuy con cái đã trưởng thành, các cháu vẫn còn nhỏ, ông bà lại tiếp tục giúp đỡ các cháu. Hai vợ chồng người bạn vẫn tiếp tục “hy sinh đời bố cũng cố đời con”, bằng cách tiếp tục vắt kiệt sức lực của mình phục vụ các cháu. Họ không dám nghĩ đến nghỉ ngơi, sống cuộc đời tuổi già cho riêng mình, khi sắp lìa cõi đời.

*

Trong làng tôi có vị giám đốc công ty nhà nước, có cơ ngơi không dưới 5000 cây vàng, khi chưa kịp về hưu, người bố đó đã chết vì bệnh nan y. Bố chết, sẵn tiền, con cái ăn chơi xả láng rồi “của thiên được đem trả về cho địa”.

*

Cuộc sống của người dân Việt Nam hiện nay đã hoàn toàn khác xưa, nhưng tư duy “hy sinh đời bố cũng cố đời con” vẫn chưa thay đổi. Đã đến lúc các bậc làm cha làm mẹ cần nghiêm túc trả lời, có cần thiết phải “hy sinh đời bố cũng cố đời con” bằng cách, kiếm nhiều tiền cho con cái hay trọn đời phục vụ con cái?

7. Giá trị tinh thần và giá trị vật chất

Xã hội có hai loại người cùng tồn tại là người coi trọng giá trị tinh thần và người coi trọng giá trị vật chất.

Người coi trọng giá trị tinh thần thường xuyên tạo dựng danh dự cho mình bằng sự tu dưỡng đạo đức, lao động sáng tạo, tham gia xây dựng và cải tạo xã hội dân sự. Danh dự thuộc phạm trù tinh thần, không thể định giá được bằng bằng tiền hay vật chất.

Nếu được làm lãnh đạo, những người coi trọng giá trị tinh thần thường là những lãnh đạo ưu tú, nhưng họ không thể trở thành lãnh đạo trong xã hội không văn minh, nơi những người coi trọng giá trị vật chất cầm quyền. Để bảo vệ quyền thống trị của mình, những người coi trọng vật chất luôn tìm mọi cách tiêu diệt hay loại trừ những người coi trọng giá trị tinh thần.

Người coi trọng giá trị vật chất lấy tiền và quyền lực làm mục tiêu phấn đấu. Để có nhiều tiền và quyền lực ngày càng lớn, họ coi thường đạo lý, nhân phẩm và cuộc sống văn minh. Họ lấy chính trị làm nơi kinh doanh tiền và quyền lực cho mình.

Những người coi trọng giá trị vật chất sẵn sàng chiếm đoạt tài nguyên khoáng sản của đất nước, đưa và nhận hối lộ, coi thường liêm sĩ, nói dối lì lợm... với bản chất tham lam, họ chưa bao giờ thỏa mãn với những gì chiếm đoạt được. Tiền với họ càng nhiều càng ít, quyền lực cũng vậy.

Khi những kẻ coi trọng giá trị vật chất kết hợp với nhau thành những “nhóm lợi ích” hay những “tập đoàn lợi ích”, những “nhóm lợi ích” hay những “tập đoàn lợi ích” đó là mối nguy hiểm trực tiếp cho cuộc sống của những người coi trọng giá trị tinh thần và sự phát triển của xã hội văn minh. Không thể cải tạo những người coi trọng giá trị vật chất bằng giáo dục, chỉ có thể khống chế họ bằng chiếc lồng quyền lực của nhà nước pháp quyền.

8. Con người và sự hưởng thụ

Xã hội có loại người sống bằng quyền lực, họ quá giàu, tôi không đề cập đến những người này.

Tôi chỉ bàn đến những người sống chân chính bằng thành quả lao động của mình, nằm trong số trên 90% dân nghèo. Ngoài cần tiền cho cuộc sống hàng ngày, họ còn có thể gặp nhiều sự cố bất ngờ, như ốm đau, bệnh tật, tai nạn, thất nghiệp hay người thân cần giúp đỡ,... nên lúc nào cũng cần tiền. Mặc dù họ đều là những người thiếu tiền, nhưng cách tiêu tiền của họ khác nhau.

Có nhiều gia đình kinh tế khó khăn, nhưng họ sống rất hạnh phúc, vợ chồng hòa thuận, con cháu thành đạt, đơn giản là họ luôn luôn có tiền. Lý do có tiền của họ cũng đơn giản, họ biết sống tiết kiệm và tiêu tiền có kế hoạch.

Có không ít những gia đình sống không hạnh phúc, vợ chồng lục đục, con cháu có người không thành đạt, nguyên nhân chỉ tại không có tiền. Họ không có tiền, chủ yếu do chi tiêu tùy tiện, ăn hôm nay không lo cho ngày mai.

Còn có gia đình sống theo kiểu “bóc ngắn cắn dài”. Họ lập luận là “biết sống đến mai mà để củ khoai đến mốt”, “đời cua cua máy đời cáy đào”. Họ không hề nghỉ đến, sau khi sống xả láng, tiêu hết tiền, họ sẽ lấy tiền ở đâu để sống hàng ngày? Đến khi cuộc sống bế tắc, họ quyết định chết, thì cái chết đến với họ không dễ. Khi nhảy lầu họ sợ độ cao, khi treo cổ họ sợ bị ngạt thở.

   Với những người nghèo, sống tự lập bằng chính sức lao động của mình, chỉ có thể chọn cho mình một trong ba lối sống:

Hoặc cần cù lao động, sống có kế hoạch, chi tiêu tiết kiệm,“ăn hôm nay lo cho ngày mai”, “liệu cơm gắp mắm”, duy trì cuộc sống tạm đủ về vật chất cho cả cuộc đời.

Hoặc tuổi trẻ cần cù lao động, sống tiết kiệm, trích lũy tiền, ưu tiên cuộc sống đầy đủ cho tuổi già, đề phòng cảnh đau lâu ốm dài.

Hoặc tuổi trẻ sống lười biếng, sống vô trách nhiệm, để tuổi già phải chịu cảnh túng thiếu và buồn tủi.

Ngoài ra, không còn lối sống nào khác.

9. Con người và quyền tự hào

Một trong những nhu cầu cuộc sống của con người là quyền tự hào.

Những người vào đời bằng hai bàn tay trắng, phải vật lộn vớikhó khăn gian khổ, họ đã giành được quyền tự hào sau khi đã chiến thắng chúng.

Trong xã hội, có nhiều người ngay từ lúc còn bé đã được bố mẹ chiều chuộng chăm sóc chu đáo. Cho đến khi trưởng thành, họ vẫn được bố mẹ cung cấp đầy đủ mọi điều kiện vật chất, sống cuộc đời sung túc và nhàn hạ.

Những người không biết đến khó khăn và gian khổ trong cuộc sống, họ không có cơ hội được chiến đấu với khó khăn và gian khổ, không thể có chiến thắng để có quyền tự hào.

Quyền tự hào chỉ đến với những ai dám đương đầu với cuộc sống khó khăn gian khổ và đã chiến thắng chúng. Suy cho cùng, chính những người làm bố và làm mẹ sợ con cái khổ, đã tước đi quyền tự hào của con cái mình.

10. Con người và ân nghĩa

Năm 1955, nhà tôi bị nạn lớn, bố phải đi tù, nhà cửa mất sạch của, cả nhà phải lần ăn từng bữa.

Hôm đó, mẹ và anh cả đi lao động kiếm tiền. Tôi 6 tuổi cùng với người anh thứ hai 10 tuổi ở nhà, ôm bụng đói chờ mẹ và anh cả mua cái gì về ăn. Chúng tôi đói đến mức hoa cả mắt, mỗi người ngồi một góc nhà. Đúng lúc ấy, cô hàng xóm đem cho chúng tôi bát cơm. Đó là bát cơm lúc đói, tôi không bao giờ quên.

Hai mươi năm sau, tôi về quê, đến thăm cô nông dân ngày nào đã cho anh em chúng tôi bát cơm khi đói. Tôi nhắc lại kỹ niệm xưa, mắt cô nông dân nọ rưng rưng, cảm động trước hành vi biết ơn của tôi.

Ở trong đời, nhiều người đã giúp đỡ người khác, hoặc đã từng được người khác giúp đỡ. Tuy người giúp mình không cần người được giúp trả ơn, nhưng những người được giúp không nên quyên ơn những người đã giúp đỡ mình, ít nhất, để nhân lên tính lương thiện ở mỗi con người. Khi lòng tốt của người tốt được khích lệ, lòng tốt đó sẽ được nhân lên.

Tuy người giúp đỡ không đòi người được giúp phải trả ơn, nên việc biết ơn hay trả ơn thuộc về đạo lý. Nhờ nhận được sự giúp đỡ về vật chất như công lao, lời nói, tiền, vàng, gạo... mà người được nhận sự giúp đỡ vượt đã qua được những cơn hoạn nạn.

Mặc dù mọi sự giúp đỡ đều có giá trị như nhau, nhưng khi trả những khoản nợ này là khác nhau. Có thể dùng tiền trả nợ cho thay vàng và gạo... nhưng nợ ân nghĩa chỉ được trả bằng ân nghĩa.

11. Con người và luật nhân - quả

Nội dung thuyết nhân quả là “nguyên nhân nào sẽ cho kết quả đó”, suy rộng ra, người “trồng cây thiện được hái quả thiện”, “người trồng cây ác được hái quả ác”.

Tôi kể chuyện làng tôi.

Khi tôi lên 6 tuổi, có 5 người trong làng vu oan cho một nông dân, chính vì sự vu oan này mà người bị vu oan phải chết. Sau vụ chết oan của người nông dân nọ, có nhiều hiện tượng lạ đã xẩy ra với những người vu oan.

Vị thứ nhất, một năm sau đó đã bỏ vợ con và làng xóm đi biệt xứ, mất tăm.

Vị thứ hai, sau đó hai năm, bị chết vì bệnh tả, không có một người hàng xóm đưa tang.

Vị thứ ba, sau đó bốn năm, bị ngã từ cây cao xuống đất chết.

Vị thứ bốn, sau đó tám năm, vào một đêm đẹp trời, bị cây cổ thụ trong làng đổ, đè chết.

Vị thứ năm không chết, sống cô độc đến già, chứng kiến cảnh gia đình nhà mình suy vong và tan nát.

*

Năm vị trên của làng tôi:

Trời cao, đất dày không biết đến họ.

Người chết không thể làm hại họ.

Dân làng không quan tâm đến họ.

Chính họ đã trừng phạt họ.

 Chỉ có luật “nhân - quả”, mới giải thích được những hiện tượng kiểu thế này.

12. Con người và tính lương thiện

Ở bất cứ ở xã hội nào, điều khó nhất của con người là làm đượcngười lương thiện. Để trở thành người lương thiện, con người có thèm muốn chưa đủ, ra sức học tập đạo đức cũng chưa đủ, rèn luyện tu dưỡng thường xuyên vẫn chưa đủ, ngoài những thứ đó, người đó còn phải có bản tính lương thiện, nói cách khác là phải có “gell” lương thiện. Chỉ những người con của những gia đình lương thiện, mới có thể có bản tính lương thiện.

*

Những kẻ không lương thiện dù có thèm muốn cũng không thể làm được người lương thiện, do bản chất tham lam và độc ác của con người không lương thiện đã ngăn cản họ làm người lương thiện.

Để được mọi người tôn trọng, những kẻ không lương thiện cố chiếm đoạt nhiều tiền và quyền lực, hy vọng được người dân tôn trọng những kẻ nhiều tiền và có quyền lực lớn như họ. Nhưng không, mọi người dân đều biết số tiền nhiều và quyền lực to của họ có được nhờ ăn cướp. Họ coi thường tiền và quyền lực của mọi bọn cướp.

Khi không làm được người lương thiện, còn bị xã hội coi thường, họ tự nhận mình là người tử tế. Tuy người tử tế là còn lâu mới bằng được người lương thiện, vẫn chẳng có người lương thiện nào coi họ là những người tử tế.

 *

Người lương thiện có nhu cầu vật chất không nhiều, họ không sản xuất hàng giả, không bán hàng giả, không nhận hối lộ, không buôn hàng quốc cấm, không chiếm đoạt tài sản của người khác, không xà xẻo tài nguyên khoáng sản của quốc gia, coi trọng chữ tín, thì không thể giàu. Nhờ có những đức tính ấy, những người lương thiện đã tạo dựng lên cuộc sống văn minh và tốt đẹp trên toàn thế giới.

Dù bất cứ xã hội nào, người lương thiện luôn luôn là vốn quí của xã hội, xứng đáng được xã hội tôn vinh, đáng tiếc là, những người lương thiện không nhận ra giá trị to lớn của mình, chưa đủ tự tin để tự hào về mình và an tâm sống cuộc đời của người lương thiện.

13. Con người và cuộc sống

Tôi nói về những lãnh đạo từ cấp trưởng phòng trở lên của mộtcông ty nhà nước cấp trung ương, nơi tôi công tác. Họ đã làm việc và về hưu trước năm 2000, khi chưa có Nền kinh tế thị trường Định hướng Xã Hội chủ nghĩa.

Những vị lãnh đạo này, được cơ quan cấp nhà ở, có việc làm nhàn nhã, lương cao và được hưởng trợ cấp cao. Ngoài ra, họ còn được đi học và tham quan nhiều lần ở các nước tư bản, theo chương trình viện trợ của Tổ chức lương thực Quốc tế (FAO).

Họ dễ dàng kiếm được từ 5.000usd đến trên 10.000usd (45usd/1 chỉ vàng) ngoài tiền lương. Đây là khoản tiền rất lớn thời đó, so với tiền lương của họ chỉ từ 12 - 15usd mỗi tháng, đã đưa họ trở thành những người có mức sông trung lưu của xã hội. Họ yên tâm với cuộc sống đẩy đủ của mình và chưa bao giờ phải lăn tăn lo chuyện kiếm sống.

Khoản tiền “Tây cho”, giống như khoản tiền từ trên trời rơi xuống, giúp họ được ăn tiêu xả láng. Họ mua xe máy, ti vi màu, tủ lạnh, đồ nội thất sang trọng... sống cuộc đời vui vẻ của người có tiền.

Họ tiết kiệm được khoảng 5000usd đã cho là nhiều, đến khi về hưu, nhu cầu cuộc sống xã hội lên cao, với số tiền tiết kiệm đó chẳng thể giải quyết được việc gì lớn. Họ tiêu một thời gian ngắn rồi hết.

Hiện thực cuộc sống đã nhanh chóng đến với họ. Họ chẳng có thu nhập thêm ngoài đồng lương hưu, trong khi nạn tham nhũng tràn lan, kéo theo đồng tiền mất giá, nhu cầu cầu cuộc sống lên cao, làm họ nhanh chóng rơi vào cuộc sống khó khăn.

Những vị lãnh đạo này nhìn lại các nhân viên cũ của họ, những người trước đây ăn chưa đủ no mặc chưa đủ ấm, ngày nay hầu hết trong họ đều có cuộc sống khá giả hơn những lãnh đạo của mình.

Trong khi các vị lãnh đạo vẫn sống tại căn hộ tập thể 35m2 cũ kỹ và tối tăm của nhà nước, không xa nơi đó, có nhiều ngôi nhà 4 tầng của nhân viên được xây bằng chính sức lao động của mình, mặc dù những người đó không hề được nhận một đồng tiền nào của Tây.

Những vị lãnh đạo đó ngạc nhiên, khi biết có người nhân viên của họ chỉ bỏ ra 300usd, mua 40m2 đất ở khu vực vành đai 3 Hà Nội, hơn 10 năm sau, cho thu nhập trên 30.000usd.

Họ tiếc cho thời cơ vàng, chi một đồng tiền vốn thu trên 100 đồng tiền lãi, mà họ đã bỏ qua, trong khi họ là những người thừa tiền để trở thành những người giàu có của xã hội.

Sự thực đã đến với họ. Tiền lương hưu hai vợ chồng của các vị lãnh đạo đó, bình quân một người chưa vượt 6 triệu đồng một tháng, như thế là họ đang sống ở mức có cuộc sống khó khăn về vật chất. Họ còn thấy khổ tâm, khi mình là lãnh đạo, bị thua kém nhiều nhân viên cũ cả về tiền, tri thức và tài năng.

Các vị lãnh đạo đó nhận ra, nhờ sống cuộc đời khó khăn mà hầu hết các nhân viên của họ đều nhanh chóng thích nghi với điều kiện sống mới, biết kiếm tiền và làm giàu cho mình khi thời cơ đến.

Các vị lãnh đạo đó không thể ngờ, chính cuộc sống đầy đủ và thuận lợi mà họ đã giành được cho mình bằng sự khôn ngoan và cơ hội thời đương chức, đã biến họ thành những người bảo thủ, không biết kiếm tiền lúc về hưu và chính cuộc sống đầy đủ của họ lúc đương chức là nguyên nhân chính đưa họ đến với cuộc sống khó khăn lúc tuổi già.

 14. Con người và sự thoát nghèo

Thời Kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa là thời gian các quan chức và các doanh nghiệp sân sau của họ làm giàu bằng quyền lực. Những người này làm giàu dễ dàng như đi ra kho bạc nhà nước lấy tiền về nhà mình. Tôi không bàn đến cách làm giàu của họ. Tôi chỉ bàn đến những người dân lao động thoát nghèo bằng chính sức lao động của mình

*

Vào năm 2019, tôi có tham khảo nhiều người về số tiền thu nhập hàng tháng để thoát nghèo. Phần nhiều mọi người cho rằng, ở tuổi về hưu, nếu hai vợ chồng có nhà ở và có thu nhập ổn định từ khoảng 40 - 50 triệu đồng một tháng (vàng 4 triệu đồng/ chỉ) là thoát nghèo. Xét trong khoảng 300 người sinh trước năm 1955, học cùng lớp với tôi từlớp một đến lớp trên đại học và những người đã từng công tác cùng cơ quan với tôi, chỉ có ba người thoát nghèo.

Người thứ nhất.

Chàng sinh năm 1948. Sau khi học xong đại học ở Cu Ba, về công tác tại một viện nghiên cứu cấp trung ương đặt ở địa phương. Năm 1976, nhờ biết tiếng Tây Ban Nha, chàng được cử đi làm chuyên gia FAO trong 2 năm, hưởng lương 500usd một tháng.

Từ thành quả của đợt chuyên gia này, chàng xin chuyển công tác về viện nghiên cứu quốc gia ở Hà Nội, trở thành TS-GS, làm trưởng bộ môn, mở trung tâm khoa học tư nhân. Thành công của chàng là dùng tiền kiếm được, mua đất lúc giá thấp và phát triển năng lực chuyên môn.

Người thứ hai.

Chàng sinh năm 1949. Sau khi học xong đại học về công tác tại một viên nghiên cứu cấp trung ương đặt ở địa phương. Năm 31 tuổi thi đỗ nghiên cứu sinh đi Liên xô. Sau khi học xong tiếng Nga ở trong nước, vì nghèo, không có tiền “chạy”, bộ Đại học đã không cho đi Liên Xô làm nghiên cứu sinh, với lý do “Bạn chưa nhận”.

 Chàng đã biến vận rủi đó thành vận may. Nhân khi đang có hộ khẩu tại trường Đại học ngoại ngữ Hà Nội, chàng xin chuyển công tác đến một công ty cấp trung ương ở Hà Nội, làm nhân viên hưởng lương khoán. Được sống ở Hà Nội, tiếp cận nhiều thông tin, đã mở mang cho chàng nhiều cách kiếm tiền.

Hàng tháng, sau khi làm đủ định mức khoán, chàng phối hợp với nhiều hợp tác xã cùng làm kinh tế, chia nhau lợi nhuận. Từ năm 1984 - 1990 chàng đã kiếm đủ tiền, tương đương tiền lương của trên 50 năm làm việc cho nhà nước.

Năm 1991, Cơ quan cử chàng dự thi học tại Thụy Điển do bộ Đại học tổ chức, chàng đã thi đậu. Sau hai tháng học, chàng tiết kiệm được 1.250usd, mua chiếc xe máy Win 100cc của Indonesia. Chàng bán xe máy, mua 55m2 đất mặt phố, phía trong vành đai 3 Hà Nội. Từ mãnh đất này chàng mở công ty tư nhân, kiếm tiền bằng kinh doanh khi chưa phải cạnh tranh với ai, cho lợi nhuận trung bình bằng 50% doanh thu.

Năm 55 tuổi, sau khi xây xong nhà ở cho mình, chàng xin về hưu và ngừng kinh doanh, cho thuê văn phòng công ty lấy tiền chi dùng cho tuổi già.

 Người thứ ba.

Chàng sinh năm 1956. Sau khi học đại học xong, chàng công tác ở một cơ quan của Hà Tây. Năm 1980 chàng xin chuyển ra làm việc tại một công ty ở trung ương.

Năm 1988, cơ quan cho chàng đi học ở Hunggari, hưởng lương FAO, sau 5 tháng học, chàng tiết kiệm được 3000usd. Chàng mua đất mặt đường khi đất còn rẻ, vừa kinh doanh vừa làm khoán cho công ty, gọi là “chân trong, chân ngoài”.

Năm 1996 chàng xin thôi làm việc cho công ty, mở công ty tư nhân, kinh doanh hàng nước ngoài.

Năm 2013, chàng có đủ nhà ở, nhà cho thuê, văn phòng công ty, chuyển sang đánh chắc thắng chắc.

*

Cả 3 người trên đã học tập và lao động cật lực, mãi cho đến khi về hưu mới thoát được nghèo. Tỷ lệ thoát nghèo ở họ vào khoảng 1%, thuộc dạng số ít. Họ thoát được nghèo, nhờ có đủ các điều kiện thoát nghèo:

- Trải qua cuộc sống gian khổ: Họ là những người con của nhữnggia đình nông dân, có mức sống cực nghèo của xã hội. Do đã sống cuộc đời quá nghèo, họ có nhu cầu thoát nghèo.

- Có năng lực: Họ là những người thông minh, có đủ năng lực theophương ngôn của người dân Đaghestan: “Nếu 20 tuổi chưa có sức khỏe, đừng mong nữa, không có nữa đâu. Nếu 30 tuổi chưa đủ khôn, đừng mong nữa, không có nữa đâu. Nếu 40 tuổi chưa giàu, đừng mong nữa, không có nữa đâu”.

 - Gặp vận may: Họ may mắn được cơ quan cử đi học và lao độngở nước ngoài.

- Biết phát huy thời cơ: Họ đã mua được đất, trước khi đất tăng giáhàng trăm lần.

- Biết sử dụng năng lực chuyên môn và đồng vốn hiệu quả.

- Coi trọng chữ tín: Họ đều làm kinh doanh, rất coi trọng thươnghiệu của mình.

- Cần cù và chịu khó: Họ cần cù lao động, làm đủ mọi phần việctrong công ty tư nhân của mình, từ phần việc của người giám đốc đến phần việc của người nhân viên. Ngoài thời gian ăn và ngủ, phần thời gian còn lại được họ dùng vào việc kiếm tiền.

- Sống tiết kiệm: Họ sống dân dã như những người bình dân khác.

- Dũng cảm: Họ dám mở cách làm ăn mới, trước khi những ngườikhác làm theo mình.

- Kìm được lòng tham: Họ đã dừng lại ở mức thoát nghèo, bảo vệthành quả lao động của mình. Để thoát được nghèo bằng chính khả năng của mình là việc làm vô cùng khó khăn và gian khổ, chỉ giành cho những người ngoài có chí vượt nghèo, còn có đủ các điều kiện thoát nghèo.

Câu “thua trời một vạn không bằng thua bạn một ly” chỉ giành cho số ít, là những người có đủ mọi điều kiện vươn lên, chỉ còn thiếu ý chí. Đối với số đông, con người cần học cách nhìn xuống để được bình tâm sống thanh thản, “nhìn lên mình không bằng ai, nhìn xuống chẳng ai bằng mình”.

15 . Tri thức - kiến thức và trí thức

Tri thức.

Tri thức là sản phẩm bộ não của con người, từ khi con người xuất hiện trên trái đất. Tri thức được thể hiện trong những văn bản, trang sách, công trình..., được bảo quản trong các tủ sách, thư viện, viện hàn lâm, kho lưu trữ của tất cả các nước trên thế giới, trong đó có công thức F= m.v2 .

Khi còn ở trong thư viện, công thức F= m.v2 là tri thức của thức thế giới.

*

Kiến thức

.Khi nhà trường đem công thức F= m.v2 dạy cho học sinh, lúc này công thức F = m.v2 từ tri thức của thế giới được trở thành kiến thức của tất cả những người được học.

Như thế, kiến thức chỉ là những gì con người được nhìn thấy, nghe thấy, sờ thấy trong quá trình hoạt động sống, nhưng chưa biến thành tài sản trí tuệ của họ. Nếu con người chỉ dừng lại ở trình độ tiếp nhận kiến thức, kiến thức đó chưa thực sự đem lại lợi ích cho cuộc sống của mình.

Cụ thể: Những người học sinh, sau khi được học về công thức F= m.v2, phần lớn trong họ, học xong coi như biết rồi, cho qua. Họ coi các đại lượng m v, v2 (bình phương vận tốc) chẳng liên quan đến cuộc sống của họ. Khi lái xe tham gia giao thông, không làm chủ tốc độ, gặp sự cố bất ngờ, xử lý không kịp, dẫn đến gây tai nạn giao thông chết người.

Nói chung, kiến thức là những thứ được học ở nhà trường, được xác định bằng “bằng cấp”, kiến thức cũng có thể có được bằng việc tự học trong sách vở và trong thực tiễn cuộc sống. Dù được bằng cấp công nhận hay không có bằng cấp, kiến thức chỉ dừng lại giúp con người nhận thức thế giới hay khám phá thế giới.

 *

Trí thức.Chỉ khi những người sau khi được học công thức F = m .v2 đã biến nội dung công thức trên thành sản phẩm trí tuệ của mình, biết gắn các đại lượng m, v, v2 (bình phương vận tốc) vào cuộc sống của họ, biết làm chủ tốc độ khi tham gia giao thông, biết ứng dụng công thức này vào sản xuất phục vụ cuộc sống, những người đó mới biến được kiến thức công thức F = m .v2 thành trí thức của mình.

Như thế, chỉ những ai sau khi có kiến thức, biết vận dụng kiến thức vào cuộc sống, biến kiến thức chung thành tài sản trí tuệ của riêng mình, người đó mới có trí thức. Trí thức cho con người khả năng lao động sáng tạo, cải tạo thức thế giới.

*

Mối liên quan giữa kiến thức và trí thức.

Con người đi học hay tự học đều có được kiến thức. Việc cấp bằng có nội dung giống nhau sau mỗi khóa học, xác nhận kiến thức của mọi người sau mỗi khóa học là như nhau.

 Không phải ai học cũng biến được kiến thức thành trí thức. Chỉ một phần nhỏ trong số những người có kiến thức (thường dưới 20%), dám khổ công rèn luyện, vận dụng kiến thức vào cuộc sống, người đó mới biến được kiến thức thành trí thức.

Trong khi kiến thức chỉ cho con người khả năng nhận thức thế giới, thì trí thức ngoài cho con người khả năng nhận thức thế giới còn cho con người khả năng cải tạo thế giới. Điều cần có ở con người không phải là kiến thức mà là tri thức

.16. Trí thức và bằng cấp

Người ta thường hiểu, thông qua việc học, con người có được trí thức. Trí thức của người học được xác định bằng bằng cấp, nói cách khác, bằng cấp đánh giá trí thức của con người.

Có đúng như vậy không?

Không đúng.

Sau 12 năm học tập ở trường phổ thông, người học được tiếp cận một khối lượng kiến thức khồng lồ. Rất nhiều kiến thức được học, không phục vụ cuộc sống, như toán đại số, toán vi phân, toán tích phân, lịch sử thế giới, địa lý thế giới... nên việc học những môn này là vô bổ, chỉ là học cho vui.

Học đại học cũng vậy.

Chỉ những người làm giáo viên, mới cần sử dụng những kiến thức đã học được, vào việc giảng dạy. Với những người khác, chỉ sử dụng một lượng rất nhỏ kiến thức được học, biến thành trí thức của mình, số kiến thức còn lại được trò trả lại hết cho thầy, đặc biệt là các môn ngoại ngữ, triết học, lịch sử đảng, chính trị kinh tế học, cùng nhiều môn khoa học cơ bản và khoa học cơ sở khác...

Ngay cả những kiến thức quan trọng, rất cần cho cuộc sống hàng ngày của mọi người, như các công thức F = m.v2 ; F = m.g.h ; p1.v1 = p2.v2... cũng chẳng được mấy người học quan tâm, coi như chúng chẳng liên quan đến cuộc sống của mình.

81Tr̯n Quý L͡cChỉ khoảng dưới 20%, những người học, sau khi được tiếp cận kiến thức, họ biến kiến thức thành trí thức của mình, với những con người đó việc học mới bổ ích. Số người học còn lại, dừng việc học ở tiếp nhận kiến thức, như xem video, xem xong, coi như biết rồi, cho qua, rồi quên hết. Việc học của họ coi như vô ích.

*

Trong khi kiến thức của người học ngày càng bị mai một dần theo năm tháng, hoặc được trích lũy thêm hàng ngày, thì bằng cấp bất biến, bằng cấp vẫn giữ nguyên giá trị ban đầu của nó.

 Như thế, bằng cấp không liên quan đến kiến thức của con người, mà kiến thức của con người không tỷ lệ thuận với trí thức, nên trí thức không liên quan đến bằng cấp.

Về bản chất, trí thức và bằng cấp cũng khác nhau. Trong khi trí thức giúp con người kìm hãm lòng tham và phát huy tài năng, thì bằng cấp đánh thức lòng tham của con người, khích lệ con người tranh đua địa vị trong xã hội.

Câu hỏi được đặt ra là, chỉ riêng bằng cấp có đáng để cho con người tự hào không?

17. Những vị quan không chịu hoàn dân

Những người làm quan cho nhà nước Phong kiến trước đây, khi vềhưu, kể cả các quan từ trung ương xuống địa phương, họ đều không còn được hưởng bổng lộc của nhà vua.

Hết thời làm quan, các quan hoàn dân, phải tự tìm kế sinh nhai. Các quan dù lớn dù nhỏ, khi về hưu, họ không tham gia một chức sắc nào ở địa phương, dù nhỏ như lý trưởng. Lòng tự trọng đã buộc họ làm điều đó.

Từ năm 2001, nền Kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa ra đời, mọi thứ trong xã hội đều có thể mua và bán. Mọi việc mua bán không thể công khai đều được thực hiện trong “bóng tối”, gọi là “chạy”. Giá “chạy chức” và “chạy quyền” không rẻ. Năm 2016, một người bạn là đại tá quân đội, đã kể cho tôi biết, đã có người khuyên vị đại tá nọ “chạy chức” thiếu tướng với giá 500 triệu đồng (tương đương 100 cây vàng).

Những con buôn chính trị đã phát hiện được thời cơ “chạy”, họ đã “chạy chức” “chạy quyền” rồi trở thành những vị quan tham. Việc đầu tiên của các vị quan tham này là tham nhũng và chiếm đoạt tài nguyên đất nước để gỡ vốn, sau đó là làm giàu, lâu dần thành nghiện tiền.

Khi đến tuổi về hưu, phần lớn trong số những vị quan tham này, không chịu hoàn dân, họ “chạy” tiếp các chức quan mới mang tính chất xã hội giành cho những người về hưu, như lãnh đạo các hội, các câu lạc bộ, các liên hiệp, các cố vấn...

Những vị quan này, mỗi người có một lý do không chịu hoàn dân khác nhau:

Có người đã quen được nhận tiền hối lộ sau mỗi chữ ký của họ, họ không thể sống khi không còn được nhận tiền hối lộ.

Có người quen xài “tiền chùa” và nhận “phong bì”. Họ không thể sống tại gia khi không còn được xài “tiền chùa” và nhận “phong bì”.

Có người không thể xài hết 24 giờ tự do ngay tại nhà mình, vì bản thân vô tích sự, chẳng biết làm việc gì cụ thể.

Và nhiều lý do khác nữa.

Có nhiều vị có quyền lực, là các thứ trưởng - bộ trưởng... giành cho mình một ghế ngon lành, là làm chủ tịch các hội như: Hội VAC (vườn – ao - chuồng), hội thú y, hội nông dân...Họ xài tiền dự án, thỏa sức tiêu tiền chùa. Một quan chức trong hội VAC nói với tôi: Hội của tớ là vui (V) ăn (A) chơi (C).

Những người có quyền lực bé phải “chạy”. Những cuộc “chạy” chức quan mới sau khi về hưu, cũng vất vả như những cuộc “chạy” chức quan cũ trước đây, vẫn là những chương trình “một vốn trăm lời”. Những vị quan không chịu hoàn dân này rất tự hào về tư duy kiếm tiền siêu lợi nhuận của mình, với họ việc kiếm được nhiều tiền là quan trọng, nhân cách và liêm sĩ chỉ giành cho những người thường dân và nhân viên của họ.

18. Nhà nước và ngôn ngữ

Một nhà nước có thể có nhiều dân tộc, có nhiều tiếng nói và chữ viết, nhưng chỉ có một ngôn ngữ, đó là quốc ngữ.

Tiếng Việt được sử dụng làm tiếng phổ thông cho các dân tộc cùng sống trên đất nước Việt Nam, đó là quốc ngữ. Đến nay tiếng nói và chữ viết tiếng Việt đã có trên 150 năm và đã được liên tục hoàn thiện cùng với thời gian, đủ hiện đại để diễn đạt những nội dung cần nói và cần viết cho người Việt Nam.

Quốc ngữ tiếng Việt đã không cần phải dùng thêm từ vay mượn của nước ngoài, trừ những tên riêng và thuật ngữ chuyên môn. Cần phân biệt sự khác nhau giữa ngôn ngữ, tiếng dân tộc và ngoại ngoại ngữ

Tiếng nói và chữ viết của một nhà nước được gọi là ngôn ngữ của nhà nước đó.

Tiếng dân tộc là tiếng nói và chữ viết của các dân tộc trong cùng một nước.

Ngoại ngữ là tiếng nói và chữ viết của nước ngoài.

Trong một nước không thể có ngôn ngữ thứ hai hay ngôn ngữ thứ ba... Đứng về phương diện quốc gia, ngôn ngữ của một nước chính là quốc ngữ, một nước chỉ có một ngôn ngữ

19. Con người và sự đọc sách

Những người không đọc sách, không phải họ ghét sách mà đọckhông hiểu. Họ không thấy được cái đẹp cái quí trong mỗi cuốn sách.

Chỉ những ai đó có đủ lượng kiến thức tối thiểu, phân biệt được chủ quan và khách quan, phân biệt được đúng sai, có sự rung động của tâm hồn, có trách nhiệm với bản thân mới thích đọc sách.

Những người không đọc sách, trong đầu trống rỗng, giống như ngôi biệt thự đẹp không có đồ nội thất.

20. Con người và sự quyết đoán

Những người hạn chế năng lực thường thích quyết đoán, nhưngkhông dám chịu trách nhiệm về những quyết đoán sai của mình. Họ thường đổ trách nhiệm cho khách quan hay cho những người cấp dưới.

Những người thông minh thường tính toán cẩn thận từng bước những việc cần làm, họ còn lường trước khả năng bị thất bại. Trong trường hợp họ quyết đoán sai, vẫn nằm trong dự đoán của họ nên họ dám chịu trách nhiệm về những quyết đoán sai của mình.

21. Con người và hình thức

Những người giàu nội tâm, thường không khoe khoang hình thứcbên ngoài.

Người giỏi kinh doanh thường coi trọng chữ tín.

Người tham thèm tiền thật, người ngu thèm danh hão.

Biểu hiện của người bất tài là giỏi chém gió và dùng từ sáo rỗng.

Để trở thành người giàu con người chỉ cần học giả, để trở thành người giàu sang nhất thiết con người phải học thật.

Người tham chưa chắc đã ngu, nhưng người ngu chắc chắn là người tham.

22. Con người và hành động

Khi chưa thật cần thiết, nhất quyết không được rút dao ra. Khi rútdao ra là phải đâm, đâm một nhát chết cả người lẫn ngựa. (Danh ngôn Dagestan)

Một việc làm được 99 phần vẫn là chưa làm xong, cần phải hoàn thành đến 1 phần cuối cùng.

Sự thành công của mỗi người trong cuộc sống, được quyết định chủ yếu bởi hành động của cá nhân, may mắn có nhưng rất ít.

Bốn điều kiện để người lao động chân chính thành công: Có tri thức, trải qua cuộc sống thiếu thốn, kiềm chế được lòng tham và tạo được thời cơ cho mình.

23. Con người và bạn đồng hành

Bạn đồng hành với người thiếu hiểu biết là sự mê tín mù quáng.

Bạn đồng hành với người tham là sự dốt nát, cơ hội và đểu cáng.

Bạn đồng hành với người thất bại là sự tham lam, dốt nát và mê tín.

Bạn đồng hành với người thành đạt là lòng tự trọng và tính tự lập.

Bạn đồng hành với người lương thiện là lương tâm thanh thản.

Bạn đồng hành với quan tham là tiền và quyền lực.

24. Con người và hạnh phúc

Chỉ những ai đã trải qua cuộc sống khó khăn và gian khổ, dám đương đầu với cuộc sống khó khăn và gian khổ đó và đã chiến thắng chúng, họ mới thật sự biết được giá trị đích thực của hạnh phúc.

 25. Con người và xã hội

Những người tài giỏi và lương thiện không dễ dàng có chỗ đứngtrong xã hội mà những kẻ dốt và tham lam cầm quyền, với họ tồn tại được đã là thành công.

Những thầy tu chân chính đi tu để tìm cuộc sống thanh thản, những người không đi tu tưởng họ đi tu để thành Phật.

26. Con người và trí thức

Tiền vào tay người không có trí thức, giống như kiến thức vào đầungười hổng kiến thức cơ bản.

Giữa tiền và trí thức, người khôn chọn trí thức

.27. Con người và bản chất

Muốn cảm nhận được cái hay cái đẹp của văn - thơ - nhạc - họa...ngoài tri thức, con người cần phải có cả tâm hồn, lương tâm và trách nhiệm.

Con người chỉ giành được tài năng, trí tuệ và nhân cách, bằng sự cố gắng và phấn đấu của bản thân. Chức tước, bằng cấp, địa vị xã hội... con người có thể có được bằng mua bán, đổi chác hay nhờ vào vận may.

28. Con người và tình cảm nam nữ

Người con trai và người con gái tìm đến nhau bằng tình dục, họcảm mến nhau bằng tình yêu, họ sống lâu dài với nhau bằng tình nghĩa.

 29.Con người và sự khoe khoang

Bản tính con người thường thích khoe, người hiền tài khoe tài năngvà nhân cách, người ngu khoe tiền và quyền lực.

30. Con người, tiền và trí thức

Người có trí thức sẽ làm ra tiền, người có tiền không mua được trí thức.

( còn nữa )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét