Thứ Sáu, 24 tháng 8, 2018

GIÁO DỤC NGÀY CÀNG BUNG BÉT

Đỗ Huy Tấn
Hiện nay không có một quốc gia nào có nền giáo dục kiểu như Việt Nam, có thể xem như một hiện tượng lạ của thế giới. Qua rất nhiều vụ việc xẩy ra trong ngành giáo dục những năm gần đây cho thấy, ngành này như một cơ thể đang mang nhiều căn bệnh trầm trọng, càng chữa bệnh càng nặng thêm. Những căn bệnh “thâm căn cố đế” đã đến giai đoạn di căn thì đương nhiên các cái “ung nhọt” nó phải vỡ ra. Chính vì thế, các vụ việc như những cơn địa chấn của ngành giáo dục đã liên tiếp xẩy ra kể từ khoảng hơn chục năm về trước đến gần đây, cụ thể:
Thứ nhất, giai đoạn 2006-2010 khi chỉ số tiêu cực của ngành GD đã lên đến cực đại. Thời đó, một ông Bộ trưởng mới của ngành có thể nói như một thầy lang cao tay đã bắt mạch đúng căn bệnh của ngành giáo dục, ông lập tức bốc thuốc điều trị bằng phong trào “Ba không” (nói không với tiêu cực trong thi cử, với bệnh thành tích, với không đạt chuẩn trong ngành GD). Nhưng có lẽ chuyên môn về GD của ông cũng chỉ làng nhàng, không bốc được thuốc đặc trị để chữa các căn bệnh trầm kha này. Khi ông rời ngành GD, đã để lại hậu quả là hàng chục vạn giáo viên phải oằn mình lên vì phong trào “nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”, mà bệnh vẫn hoàn bệnh. Đặc biệt, phong trào “Ba không” của ông đã tạo cú "phanh gấp" gây chấn động cả nước. Hậu quả là: kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2007, kỷ lục về số học sinh trượt tốt nghiệp (400.000 em), có trường trống trắng không đỗ một học sinh nào...
Cú sốc, đã làm chấn thương tâm lý học tập của số đông học sinh phổ thông, nhất là vùng khó khăn. Sau kỳ thi đó, không khí hoang mang, bao trùm cả ngành Giáo dục...

Thứ hai, vụ scandal kỳ thi “2 trong 1” xẩy ra năm 2015 đã khiến cho hàng triệu gia đình học sinh hoảng hồn. Học sinh bỏ hết mọi đam mê, mơ ước ngành nghề chỉ cốt sao có được mảnh giấy báo trúng tuyển, còn đỗ vào ngành gì cũng được. Tình hình bi đát đến mức rất nhiều bậc cha mẹ lo lắng sợ con mình bị trầm cảm, thậm chí mắc chứng tâm thần vì suốt ngày ngồi ôm máy tính cập nhật thông tin, bỏ cả ăn ngủ. Có thí sinh không kiềm chế được sự căng thẳng đã đốt giấy chứng nhận kết quả thi. Vào giờ chót đợt xét tuyển, ở một số trường Đại học, như biển người nháo nhác, hỗn loạn, phụ huynh bật khóc. Chiếc xe cấp cứu 115 được thuê để chạy đua chở hai mẹ con thí sinh từ Hà Tĩnh vượt hơn 350km ra Hà Nội để “cấp cứu hồ sơ”, như đã trở thành vật chứng của ngành giáo dục dùng học sinh làm chuột bạch trong một cuộc “thí nghiệm vĩ đại” mà kết quả là con số không kèm theo những tổn thương cả về vật chất lẫn tinh thần là không thể nào đong đếm được. Một cuộc tuyển sinh đẫm nước mắt. Một "trận đánh" tan tác lòng dân.
Ở các nước văn minh, tiến bộ, để xảy ra một kỳ tuyển sinh đầy tai tiếng như vậy, chắc chắn Bộ trưởng phải xin lỗi nhân dân và từ chức. Thế nhưng, ở Việt Nam Bộ trưởng GD là ông Phạm Vũ Luận lại bao biện nói rằng: “Đây là năm đầu tiên tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia nên chưa quen, sẽ rút kinh nghiệm dần và thay đổi”. Trước sức ép của dư luận, vị “Tư lệnh ngành” này mới thừa nhận, đợt tuyển sinh vừa qua đã bộc lộ những bất cập. Chưa cân nhắc hết tính phức tạp và hiệu ứng ngược của những giải pháp và xin nhận trách nhiệm về việc này. Tuyệt nhiên với những gì thực tế diễn ra, ông Bộ trưởng GD không hề xin lỗi phụ huynh, học sinh và nhân dân. Quả thật là vô trách nhiệm!
Thứ ba, một trận đánh “rất lớn” và kéo dài đó là mô hình trường học mới VNEN do hai ông Phạm Vũ Luận – Bộ trưởng và Nguyễn Vinh Hiển – Thứ trưởng, Bộ GD&ĐT đã lặn lội sang tận xứ Colombia ở nửa bên kia trái đất mang một mô hình quái gở, cho những lớp ghép ở miền núi khó khăn có cách đây khoảng trên 20 năm về áp dụng ở VN. Sau 6 năm dạy thử nghiệm đã triển khai trên 63 tỉnh thành, khi tiêu hết số tiền của dự án là 84,6 triệu USD thì vỡ trận. Cả hai ông không ai phải nhận lỗi, mà chỉ nhận huân chương cao quý của nhà nước trao tặng và về “làm người tử tế”, còn hậu quả nặng nề để lại thì các thế hệ học sinh làm “chuột bạch” này và phụ huynh của họ phải gánh chịu.
Thứ tư, cuối tháng 6/2018 ngành giáo dục vỡ lở một vụ việc chưa từng thấy trong lịch sử của ngành, đó là việc sửa điểm và nâng điểm thi trong kì thi THPT quốc gia một cách “trắng trợn và tinh vi” với “quy mô công nghiệp” ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình …
Vụ việc này là một tội ác, bởi nó tước đi niềm tin, cơ hội và tương lai của những thí sinh có năng lực, học lực tốt và còn làm “nát” cả một thế hệ con người, khi mà những học sinh “dốt nát con ông cháu cha” này, học xong rồi kế nghiệp làm lãnh đạo với những kinh nghiệm “gian dối”, với năng lực chuyên môn tệ hại và nhận thức kém cỏi của mình, (đặc biệt lại là công an) chắc chắn họ sẽ gây ra nhiều “đại họa” cho dân, cho nước.
Từ đó cho thấy ngành giáo dục đã “nát bét” từ rất lâu, đơn cử nếu như “Chính phủ kiến tạo” làm thẳng tay, thanh tra lại toàn bộ kỳ thi năm 2018 này thì chắc ngành GD sẽ vỡ trận. Hơn một thập niên qua, ngành GD chong chao bên bờ thảm hoạ. Hậu quả để lại nặng nề nhất là làm đổ vỡ những giá trị đặc biệt quan trọng đó là giá trị nhân tính, nhân văn...
Xã hội nào nhà trường ấy! Cứ nghĩ về chuyện ngành giáo dục, tôi lại nghĩ đến câu chuyện của cô gái mắt toét ở một làng toàn người toét mắt thời xưa:
“Toét mắt là tại hướng đình
Cả làng cùng toét đâu mình riêng em”
Người ta đã xoay đủ hết các hướng đình, nhưng cả làng có ai khỏi được mắt toét đâu. Sau nhờ y học cô gái mắt toét ở làng nọ đã rõ: rửa mặt bằng nước ao tù gây bệnh mắt hột dẫn tới toét mắt chứ không phải tại cái "hướng đình" như vẫn lầm tưởng. Và rửa mặt bằng nước sạch cộng với điều trị tích cực đã giúp người dân làng thanh toán được bệnh mắt hột, mắt toét. Nếu người làm GD biết do chính cái "ao tù" gây "toét mắt cho cô gái" mà biết chữa bằng khoa học như thế, thì mới có thể cứu nguy và chấn hưng nền Giáo dục nước nhà.
Chí Linh, tháng 8 năm 2018
(Trước thềm năm học mới)
Đ.H.T

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét