Thứ Bảy, 4 tháng 8, 2018

HÀ TÂY ƠI ỜI…


Hữu Thọ

                      ( Ảnh: La Khê, Hà Đông. Nhà của cha mẹ, tuổi thơ của tôi đấy ).

Sau 43 năm vang danh “Bóng chiếc thoi đưa ánh mắt long lanh/Trời đất Hà Tây tay em dệt lụa”, bỗng dưng mất hút con mẹ hàng lươn, tan biến vào Hà Nội. 
Hà Tây là gì? Là Hà Đông và Sơn Tây.
Hà Đông là gì? Là “Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát/Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông”. Vùng đất địa linh nhân kiệt này nằm giữa sông Nhuệ và sông Đáy, cách Tháp Rùa ngót 10 km. 
Thời Nguyễn, làng Cầu Đơ thuộc huyện Thanh Oai, phủ Ứng Hòa, tỉnh Hà Nội có cây cầu Đơ sơn trắng toát, mái ngói đỏ tươi bắc qua dòng sông Nhuệ xanh biếc. Năm 1888 triều đình Nguyễn giao thành Hà Nội cho Pháp làm nhượng địa, gom phần đất còn lại thành tỉnh Cầu Đơ, tỉnh lỵ ở làng Cầu Đơ. Năm 1904 Toàn quyền Đông Dương Pôn Đume (Paul Doumer) chủ trương đổi tên các địa danh nôm na quê kệch sao cho mỹ miều. Đề xuất của Đốc học Cầu Đơ là Thám hoa Vũ Phạm Hàm (1864-1906) được chấp thuận, thế là tỉnh Cầu Đơ mang tên Hà Đông, tỉnh lỵ là thị xã Hà Đông. 
Ở phía tây nam Hà Nội, sao chọn tên Hà Đông? 
Chả là sách Mạnh Tử có câu: “Hà Nội hung tắc di kỳ dân ư Hà Đông, chuyển kỳ túc ư Hà Nội” nghĩa là: Hà Nội gặp chuyện bất ổn thì đưa dân về Hà Đông, đưa thóc từ Hà Đông về Hà Nội”. Vũ Phạm Hàm muốn nhấn mạnh vai trò quan trọng của vùng đất này đối với thủ phủ của Đông Dương. Lưu ý, “dữ như sư từ Hà Đông” là nói tỉnh Hà Đông ở vùng Hoa Bắc bên xứ Tàu. Chớ có nhận vơ! 
Hà Đông sản sinh lắm nhân tài đáo để. Sơ sơ có Nguyễn Du (quê Thanh Oai); Ngô Thì Nhậm; các danh sĩ Nguyễn Trãi, Dương Khuê (1839-1902), Dương Lâm (1851-1920); Nguyễn An (triều Hồ), tổng công trình sư Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh và nhiều công trình vĩ đại khác bên xứ Tàu; Trần Quý (triều Trần), ông tổ nghề dệt gấm ở nước ta; nhà văn Tô Hoài; nhà tư sản Bạch Thái Bưởi; đại tướng Lê Trọng Tấn; nhà bác học Nguyễn Văn Hiệu; nữ thi sĩ Xuân Quỳnh (người La Khê); v.v. 
Thế còn Sơn Tây?
Sơn Tây có nghĩa là núi ở phía tây, bởi núi Ba Vì, Tản Viên ở phía tây kinh thành Thăng Long. 
Năm 1469 nhà Lê thành lập Sơn Tây thừa tuyên, gọi tắt là trấn Sơn Tây, còn gọi là Xứ Đoài: "Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm/ Em có bao giờ em nhớ thương". Ban đầu, trấn sở Sơn Tây ở xã La Phẩm, huyện Ba Vì, đến thời Lê Cảnh Hưng dời về xã Đường Lâm. Năm 1832 vua Minh Mạng chia nước ta thành 30 tỉnh, thế là tỉnh Sơn Tây ra đời, tỉnh lỵ dời đến xã Thuần Nghệ, huyện Tòng Thiện. Năm 1884 Pháp lập tỉnh Sơn Tây mới là vùng đất có sông Đà, sông Hồng và sông Đáy bao quanh, tỉnh lỵ là thị xã Sơn Tây bên hữu ngạn sông Hồng.
Nhân vật lịch sử của Sơn Tây nhiều ra phết: Phùng Hưng- Bố Cái Đại Vương (761-802); Ngô Quyền (898-944), vua đầu tiên của VN; Phùng Khắc Khoan (1528-1613); Giang Văn Minh (1573-1638) là sứ thần Bất nhục quân mệnh (Không để nhục mệnh vua); nhạc sĩ Đức Huy (sinh 1947) 70 tuổi vẫn đi hát và lấy vợ, sinh 2 đứa con khỏe mạnh; tướng Nguyễn Cao Kỳ (1930-2011), được coi là biểu tượng của sự hòa hợp hòa giải dân tộc; các thi sĩ Tản Đà, Quang Dũng; ông tổ 4 đời trở về trước của Ngô Đình Diệm (1901-1963) thuộc dòng họ Ngô ở Sơn Tây.
Năm 1965 Hà Đông, Sơn Tây sáp nhập thành Hà Tây, tỉnh lỵ là thị xã Hà Đông. Năm 1975 Hà Tây nhập với Hòa Bình thành Hà Sơn Bình, tỉnh lỵ vẫn là thị xã Hà Đông. Năm 1991 lại tách ra như trước 1975, tỉnh lỵ cứ là thị xã Hà Đông. Cuối năm 2006, hai thị xã Hà Đông, Sơn Tây được nâng cấp lên thành phố. Đùng một phát, ngày 1-8-2008, toàn bộ tỉnh Hà Tây nhập cái rộp vào Hà Nội, thành phố Sơn Tây bị giáng xuống thị xã, thành phố Hà Đông biến thành quận Hà Đông.
Sắp tới Hà Tây sẽ được “trả lại tên cho em”. Là nghe đồn thế.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét