Trần Thị Băng Thanh
Cuối năm 1968, tốt nghiệp Lớp Đại học Hán học, 5/6 sinh viên
ở lại Viện Văn học, được đưa về Tổ văn học Cổ cận đại. Tôi (Trần Thị Băng
Thanh), Hoàng Lê và Ngô Thế Long ở Nhóm Cổ đại, cùng với 3 cán bộ của Viện là Đỗ
Văn Hỷ, Nguyễn Văn Phát được giao “làm” Thơ văn Lý Trần (TVLT), do
Nguyễn Huệ Chi làm Trưởng nhóm. Sau một thời gian, hình như gần 2 năm, khảo sát
đối chiếu với sách vở của Thư viện, cảm thấy không đảm nhiệm nổi tiến độ công
việc, Nhóm trưởng Huệ Chi đề nghị Gs Đặng Thai Mai cho Nhóm Cận đại do Trần Nghĩa
làm Nhóm trưởng chia sẻ bớt công việc. Vì thế TVLT có thêm Nhóm Lý Trần II. Nhóm
II gồm Trần Nghĩa (Nhóm trưởng), Nguyễn Đức Vĩ, Trần Lê Sáng, Đào Thái Tôn, Phạm
Đức Duật. Ít lâu sau Nhóm I được bổ sung Phạm Tú Châu cùng tốt nghiệp ĐH Hán học,
từ Tổ khác chuyển sang (khi Nguyễn Văn Phát, Ngô Thế Long chuyển đi). Chúng tôi
bắt tay vào công việc, mỗi người được giao bản thảo một số tác giả, do hai bác
Nguyễn Đức Vân và Đào Phương Bình thực hiện từ trước. Nhiệm vụ là tiếp tục việc
các bác đã làm, đối chiếu lại để chỉnh sửa và sưu tầm, khảo chứng, biên dịch những
tài liệu sưu tầm mới… hình thành bộ Thơ văn của thời đại Lý Trần. Bản thảo đã có
từ trước được chia ra, phần ai nấy lo. Công việc chủ yếu là:
Nhóm trưởng có trách nhiệm điều hành công việc, duyệt bản thảo
của các thành viên trong Nhóm để hoàn chỉnh từng tập bản thảo bộ sách. Riêng Nhóm
trưởng Nhóm I Nguyễn Huệ Chi phải viết phần “Khảo luận”, xác định khái niệm, thời
gian, đối tượng của TVLT, khái quát quá trình sưu tập từ các thế kỷ trước, các
vấn đề văn bản học trong từng thời kỳ lịch sử… ngoài ra còn đề xuất các loại việc,
phần việc, phương pháp làm việc, các quy chuẩn…, định hướng cho công việc. (Xin
xem Khảo luận đăng đầu Tập I TVLT).
Bản thân tôi cũng như các thành viên khác của hai Nhóm, theo
các tiêu chí và quy chuẩn, phương pháp đề ra trong “Khảo luận”, phải làm các công
việc sau:
- Tập trung vào công việc khảo
dị hiệu đính, đối chiếu thêm các dị bản mà bản thảo của các bác chưa làm.
- Dịch những tác phẩm chưa dịch.
- Rà soát lại bản thảo của
hai bác Nguyễn Đức Vân và Đào Phương Bình đã dịch chú, tùy theo hiện trạng cụ
thể của từng tác phẩm mà xử lý.
Vì TVLT không còn bản gốc nên
công việc xác định văn bản hết sức quan trọng. Mỗi tác phẩm, chúng tôi đều phải
xác định được nguồn gốc văn bản, nếu còn nghi vấn cũng phải nêu rõ, nếu quả có
sự nhầm lẫn thì đành phải bỏ ra. Vài ví dụ cụ thể, ví như bài thơTức sự được
sách cổ chép là của Huyền Quang, những người đọc thơ văn Lý Trần ai cũng thích,
sau nhà nghiên cứu Lê Mạnh Thát phát hiện là nhầm, nên đành phải đưa ra (mặc dù
bản thân tôi cũng rất tiếc); bài thơ khẩu khí của Lý Thái Tổ, do phát hiện của
nhà nghiên cứu Kiều Thu Hoạch (lúc ấy ông đang ở Viện Văn học) cũng phải rút
ra, mặc dù bài thơ dịch của nhà thơ Nam Trân rất hay; bài liên ngâm giữa Lý Giác
và Pháp Thuận, nhiều thơ văn đối đáp tương truyền là của Mạc Đĩnh Chi trong lần
đi sứ nhà Nguyên cũng chỉ đưa xuống giai thoại; riêng Giới Hiên thi tập của
Nguyễn Trung Ngạn được sưu tập từ trước thế kỷ XIX, là tập thơ của một tác giả
lớn, ban đầu Ngô Thế Long phát hiện ra một số bài trong bản chép tay hiện có không
thấy trong các tuyển tập của thế kỷ XV. Sau Nguyễn Huệ Chi khảo sát kỹ, tìm ra
một số lớn bài bị lẫn với các tác giả có tên tuổi của thế kỷ XVIII như Nguyễn Tông
Khuê (Quai), Nguyễn Kiều…, nên chúng tôi cũng đành gác lại…
Sau gần 7 năm cặm cụi mà thời gian hầu như dồn hết cho TVLT,
Tập I do nhóm chúng tôi, gồm Nguyễn Huệ Chi (Nhóm trưởng), Đỗ Văn Hỷ, Trần Thị
Băng Thanh, Phạm Tú Châu, Hoàng Lê (ban đầu có Ngô Thế Long và Nguyễn Văn Phát,
sau cả hai chuyển đi sớm, riêng Ngô Thế Long có 3 tác phẩm, trong đó có 2 văn
bia dịch chung với tôi trong tập này), đã hoàn thành và được xuất bản vào năm
1977. Những năm đó miền Bắc không còn nhà in nào có chữ nho, NXB đã đề xuất chỉ
in phần tiếng Việt, nhưng Huệ Chi không đồng ý, anh chạy vạy, tìm được cách xin
chữ Hán ở báo Tân Việt Hoa, tuy vậy họ chỉ có chữ Trung văn giản thể, đành
chấp nhận. Lúc này Nhóm I chỉ còn 4 người, anh Hỷ không làm việc này được, nên
mọi việc Nhóm trưởng Huệ Chi phải lo; Băng Thanh và Tú Châu tham gia đọc bông
và vì công nhân không biết chữ Hán nên phải đến tận nhà in Thống Nhất giúp họ xếp
chữ Hán vào từng khuôn chữ Việt đã được sắp chữ (việc này rất vất vả, sau khi
Huệ Chi đã thuê xích lô chở các khuôn chữ chì từ báo Tân Việt Hoa về
nhà in, chúng tôi cùng phải đọc ngược đối chiếu với bản thảo, chữa chỗ sai, tự
cắm chữ vào, in thử lần 1, lần 2, có khi lần 3, được rồi mới ký bông). Tôi không
nhớ rõ khâu bông can này mất bao nhiêu thời gian, chỉ cảm giác là rất lâu, khi
sách được in ra, không thật như ý, cũng đành chịu, có chữ Hán in kèm là may rồi.
Tập III thì đúng 10 năm, các bạn Nhóm II đem vào Sài Gòn, nhờ
được các cụ chữ đẹp viết chữ Hán nên tập sách in rất chỉn chu, và được ra mắt năm
1978. Mười năm sau, cũng theo kinh nghiệm của Tập III, TVLT Tập II Quyển thượng
đưa vào Sài Gòn, nhưng lúc đó không tìm được các vị viết chữ nho nữa. Chúng tôi
rất lúng túng, may nhờ nhà nghiên cứu Nguyễn Quảng Tuân thỉnh được Thượng tọa
Thích Đức Nghiệp hoan hỷ công đức viết cho chữ Hán và cả chữ Nôm toàn bộ, sách
mới in được, phải 5 tháng mới xong. Nhớ lại, tôi nghĩ rằng nếu ngày ấy không có
công đức của Thượng tọa Thích Đức Nghiệp và sự giúp đỡ tận tình của ông Nguyễn
Quảng Tuân, cùng với sự nhiệt tình của ông Lý Thái Thuận là chủ nhà in nơi chúng
tôi in sách, thì TVLT Tập II Quyển thượng chưa chắc đã có thể in được trong thời
gian cả đất nước khó khăn như thế… Kể ra việc bếp núc thì mỗi công trình một vẻ
với những khó khăn và thuận lợi riêng, chẳng thể so sánh và chưa chắc TVLT Tập
II Quyển thượng đã là khó khăn nhất. Nhưng với tôi thì công việc đó cũng “quá tải”.
Một chuyện nữa mà tôi muốn được chia sẻ là vấn đề dịch.
Khi về Nhóm TVLT chúng tôi được Viện giao nhiệm vụ vừa rà
soát tu chỉnh bản thảo đã có, vừa tiếp tục sưu tập, biên dịch, khảo chứng
và chú thích để có một bộ thơ văn hoàn chỉnh. Do vậy diện sưu tầm mới mở rộng
và thời gian phải ngược lên, bắt đầu từ triều đại giành độc lập đầu tiên – Ngô
Quyền. Tác phẩm thì bao gồm cả sấm ký, ngữ lục, tuyên ngôn (là những thể loại lần
đầu được chính thức nhìn nhận là sáng tác văn học), được khôi phục từ sử sách và
cả các tác phẩm tôn giáo (như quan niệm đã đề ra ở phần “Khảo luận” mà Nhóm trưởng
trình bày mấy buổi trước khi viết thành văn, kể cả vấn đề nội hàm và ngoại diên
của thời đại văn học được gọi là “Lý Trần”, hai nhóm chúng tôi có thảo luận và
nhanh chóng nhất trí). Còn về việc dịch, chúng tôi theo quy định:
- Dưới mỗi bài văn xuôi, đề tên người dịch;
- Dưới mỗi tác phẩm thơ, chỉ đề tên người dịch thơ (Quy định
này thời ấy khá phổ biến, như thấy ở các bộ Hợp tuyển thơ văn nhiều tập, hoặc bộ Hoàng
Việt thi văn tuyển…, do NXB Văn hóa cho in trong những năm cuối 50 và đầu 60,
cho nên nhiều người dù dịch nghĩa, chú, khảo dị, đính ngoa rất nhiều bài vẫn không
một lần có tên dưới tác phẩm dịch).
- Tùy theo sự tham gia sửa chỉnh, nhuận sắc vào bản dịch đến
đâu mà đề tên theo các mức: để nguyên tên người dịch; thêm chữ “theo”
trước tên người dịch; cùng đứng tên (sau hoặc trước); và cuối cùng, nếu
thấy bài dịch phải chỉnh sửa nhiều, bản thảo đã có chỉ dùng như tài liệu tham
khảo, thì hoặc tự dịch lại và ghi tên của mình, hoặc mời người khác dịch (trong
anh chị em hai nhóm hoặc ở ngoài), thay bản dịch cũ.
Ở Tập I những bài đứng tên đồng dịch giả, hoặc mời người ngoài
dịch thêm không nhiều lắm. Chúng tôi đã bổ sung non một nửa, từ những tài liệu
sưu tập, khai thác mới, ví như các văn bia sưu tầm ở các cuộc điền dã (8 bia),
các tài liệu dưới dạng ngữ lục nhưng thực sự là một tác phẩm triết học, văn học,
sử học (ví như Tham đồ hiển quyết của Thiền sư Viên Chiếu, chính là tác
phẩm giảng về thiền học, rất uyên thâm về triết thuyết Thiền và rất giàu chất văn
chương; Thư gửi Hùng Bản; lời tranh cãi của Lê Văn Thịnh ở Hội nghị biên
giới Vĩnh Bình; Biểu đòi đất hai động Vật Dương Vật Ác – những tác phẩm
này có thể xem như mở đầu dòng văn chương ngoại giao của nước ta; Lộ bố đánh
vào đất Tống…), thu thập từ các loại sách sử, sách tôn giáo, các ghi chép ở sách
nước ngoài.
Nhưng đến Tập II, nguồn tài liệu mới, tài liệu tham khảo rộng
hơn, cộng tác viên nhiều hơn nên chúng tôi, ngoài ngót một nửa số tác phẩm mới
tìm thêm, đối với bản dịch, nhất là dịch thơ, có nhiều lựa chọn hơn, và vì vậy
danh tính người dịch cũng đông đảo hơn. Tên của các thành viên trong nhóm hiện
diện trong sách, có khi còn ít hơn cả cộng tác viên. Xin đơn cử một thí dụ, trường
hợp tác giả Trần Nhân Tông mà tôi chịu trách nhiệm “biên soạn” (Nhiệm vụ là: sưu
tầm tác phẩm mới; viết tiểu sử; dịch và hoàn chỉnh các bài dịch nghĩa; khảo
dị hiệu đính và chú thích toàn bộ tác phẩm của Trần Nhân Tông; đặt tên
bài, trường hợp chưa có tên). Nhà vua có 36 tác phẩm, thì danh tính người dịch
hiện diện dưới các bài dịch như sau: Ngô Tất Tố 5 bài, Trần Lê Văn 14 bài, Đào
Phương Bình 4 bài, Huệ Chi 5 bài, Đỗ Văn Hỷ 3 bài, Trần Trọng Kim, Nhóm Lê Quý Đôn,
Khương Hữu Dụng, mỗi người 1 bài, Băng Thanh 3 bài. Chọn lại những bài đã có từ
trên sách báo trước 1945 là cách làm thống nhất của hai nhóm, Tập I và Tập III đều
đã theo như thế, nhưng có thể Trần Nhân Tông là trường hợp khó dịch (và cũng
mong có những bài dịch thật đạt) nên tôi chưa chọn được đủ bài. Bản thảo không
hoàn thành, Viện trưởng Hoàng Trung Thông phải mời giúp nhà thơ Trần Lê Văn “cứu
trợ”. Tôi nhớ một ví dụ, như bài Xuân hiểu (in ở Tập II Quyển thượng,
trang 453-454). Bài thơ chỉ có 20 chữ, và cũng đã có vài bản dịch, nhưng cân nhắc
mãi, tôi vẫn thấy được câu này thì mất câu kia, và cuối cùng chọn bài dịch của
Trần Lê Văn, lý do là (như tôi cảm nhận) ông đã đưa vào bài dịch được vẻ ngỡ ngàng
của tác giả trước cảnh xuân chợt về, và không khí rộn ràng của một sớm xuân… Một
số bài khác cũng khó dịch như bài biếu bánh sứ Tàu Trương Hiển Khanh nhân ngày
3 tháng Ba, bài Đề chùa làng hương Cổ Châu, bài Tiễn sứ Tàu Lý Trọng Tân và Tiêu
Phương Nhai, Trần Lê Văn đều dịch rất có hồn. Bây giờ đọc lại sách tôi vẫn thấy
những bài đã chọn, dù của người trong nhóm như Đỗ Văn Hỷ, Nguyễn Huệ Chi, hay các
vị tiền bối Ngô Tất Tố, Khương Hữu Dụng, Đào Phương Bình, vẫn là những bài dịch
hay; tôi tự nghĩ những bài thơ dịch mình đã chọn giữ lại là chính xác. Rất nhiều
trường hợp, khi quá băn khoăn hay tiếc rẻ, nhóm “cãi nhau” mà vẫn không thể nhất
trí, chúng tôi cắt dán “các bản dịch khác” kèm vào bản thảo đánh máy mang đến để
hai Giáo sư duyệt Đặng Thai Mai và Cao Xuân Huy quyết định (tôi và hình như có
cả chị Châu đảm nhiệm việc đưa đi duyệt này). Và các ông cũng đã quyết định rất
thẳng thắn.
Thực ra, đối với những sách cổ, như TVLT, thì bản dịch vẫn là
khâu cuối cùng quan trọng nhất, nó mang dấu ấn phong cách người dịch và quan điểm
người biên soạn (cũng có thể phụ thuộc ít nhiều vào thời điểm biên soạn). Dịch
cũng là một nghệ thuật, dịch đúng bắt buộc phải am hiểu chữ nghĩa, có kiến thức
văn hóa, có năng lực cảm thụ…, nhưng nhiều khi cũng có cả yếu tố ngẫu nhiên, “cờ
ngoài bài trong”. Chính vì vậy, trong công trình TVLT những bài dịch thơ của bác
Nam Trân, chúng tôi không thay thế bài nào, nhưng cũng có bài đã đứng tên chung
với cụ Lê Thước hoặc bác Đào Phương Bình (do chính nhà thơ sửa bản dịch cũ và đề
thêm tên mình), hoặc nữa đứng tên chung với Phạm Tú Châu, hay được in kèm thêm
một “Bản dịch khác” (có lần là bản dịch của tôi)… Nếu cho rằng sản phẩm của mình
là tuyệt đối đúng, là hay nhất, hoàn chỉnh nhất thì không phải, nhưng trong khi
thực thi nhiệm vụ thì mỗi người phải làm việc và dám chịu trách nhiệm về kết quả
công việc mình làm. Chọn đúng hay chọn sai, sửa đúng hay sửa sai, thậm chí việc
“lợn lành chữa thành lợn què” đều có thể xảy ra. May sao 3 tập TVLT hai nhóm chúng
tôi đã hoàn thành cũng không có gì sai sót lớn, lâu nay đã được trong giới chấp
nhận và tin cậy. Bây giờ nghĩ lại, tôi thấy có lẽ đây là một công trình mà tính
cộng đồng và kế thừa cao nhất so với các công trình cùng loại. Về thời gian có
thể tính đến thế kỷ, từ những bài đăng rải rác trên Nam phong, các công
trình Văn học đời Lý, Văn học đời Trần của Ngô tất Tố, Khóa hư lục của
Thiều Chửu, các công trình nghiên cứu của nhà thư mục học Trần Văn Giáp, của các
nhà văn học sử Nguyễn Đổng Chi, Đào Duy Anh, Đinh Gia Khánh, Bùi Văn Nguyên, các
nhóm văn học sử ở các trường Tổng hợp, Sư phạm, những học giả ở xa là Hoàng Xuân
Hãn, Nguyễn Lang, Nguyễn Đăng Thục, Trúc Thiên, mà khá lâu sau năm 1975 chúng tôi
mới tiếp cận được, tiếp đó là bản dịch của các vị túc nho Lê Thước, Nguyễn Lợi,
Đồ Nam Tử, Đoàn Thăng, … rồi đến hai bác Nguyễn Đức Vân, Đào Phương Bình là bước
làm tập trung đầu tiên của Viện trong mấy năm nửa đầu thập kỷ 60 thế kỷ trước,
và đến hai nhóm chúng tôi, bây giờ đã bổ sung thêm thế hệ Đặng Thị Hảo, Phạm Ngọc
Lan, rồi Phạm Văn Ánh, Quách Thu Hiền, và những ai nữa mà tôi đã về hưu không
biết rõ, đến nay đã là đầu thế kỷ XXI. Tính về nhân sự, riêng “nhóm viên” các
thế hệ cũng đã xấp xỉ hai chục người.
Thực ra tính vấn đề của một công trình khoa học là không giới
hạn cả về không gian và thời gian. Mà TVLT không chỉ là một công trình khoa học,
nó còn là một bộ phận quan trọng của di sản văn hóa nước nhà, là chứng tích của
một trong không nhiều thời kỳ rực rỡ nhất của đất nước và dân tộc còn giữ lại được
sau những mất mát lớn lao. Bộ TVLT của Viện Văn học có được thực ra không thể là
công lao riêng của Viện Văn học. Như tôi nghĩ, đóng góp chính của Nhóm TVLT của
Viện là đã làm được một việc “tập đại thành” những kết quả của nhiều thế hệ dịch
giả (trong đó có việc dịch bổ sung của chúng tôi), và do đó phác họa được diện
mạo thơ văn, thể hiện đời sống văn hóa, tư tưởng của đất nước, dân tộc 6 triều đại
thời kỳ đầu quốc gia độc lập. Đó là một thành quả rất đáng trân trọng, giữ gìn.
Riêng giai đoạn Viện Văn học cũng đã có thể phân làm hai thời kỳ. Thời
kỳ đầu do hai bác Nguyễn Đức Vân, Đào Phương Bình đảm nhiệm. Hai bác đã dịch
chú xong nhiều tác giả, tác phẩm (hiện có tên dưới các bài dịch trong bộ sách).
Gần đây tôi nghe nói có bức hình chụp chữ ký của Pgs Nguyễn Văn Hoàn, xác nhận
con số 911 trang bản thảo TVLT do hai bác giao lại. Không biết như thế đã đầy đủ
chưa, nhưng đó hẳn là thành quả của thời kỳ đầu này mà hai bác đã
hoàn thành.
Hai bác là bậc túc nho nên bản dịch của các bác nói chung đạt
được nhiều tin cậy. Nhưng Gs Đặng Thai Mai cho rằng có nền móng bản thảo của
hai bác, vẫn phải chỉn chu hơn nữa và sưu tầm rộng hơn nữa. Do vậy hai nhóm chúng
tôi chia nhau làm tiếp, và đối với bản thảo đã có đều cố gắng gia công vào các
phần xác định xuất xứ, khảo dị, hiệu đính, dịch nghĩa, lựa chọn
các bài dịch thơ bổ sung, thay thế, như tôi đã nói ở trường hợp Trần Nhân
Tông. Ngày nay, nếu đọc lại TVLT cũng có thể thấy được cung cách làm việc ấy.
Chẳng hạn: ở những chỗ dịch thơ để trống (nhiều bài, như còn thấy ở Tập III),
hoặc thơ dịch chưa thật đạt thì chọn lại thơ dịch của Ngô Tất Tố, của các dịch
giả trên Nam phong, Đuốc tuệ và các sách khác, hoặc mời cộng tác
viên dịch, và tự dịch. Ví như: hai tác giả Vương Vụ Thành và Nguyễn Ức ở Tập
III do Trần Nghĩa (Tuấn Nghi) và Hoàng Lê biên soạn, chỉ giữ lại 1 bài thơ dịch
của Đào Phương Bình. Ở Tập II Quyển thượng, các tác giả Phạm Ngộ, Phạm Mại do
Tuấn Nghi biên soạn, Trần Quang Triều, do Phạm Tú Châu biên soạn đã không giữ lại
1 bài thơ dịch nào của bản thảo đợt I. Trần Tung do Nguyễn Huệ Chi biên soạn (các
nhà sưu tập trước đều tưởng nhầm là Trần Quốc Tảng, Huệ Chi đã sớm phát hiện ra
là Trần Tung, sau đọc Nguyễn Lang mới biết ông cũng từng tìm ra Trần Quốc
Tung), đã bổ sung thêm các phần Đối Cơ, Tụng cổ; phần thơ giữ nguyên được
4 bài thơ dịch của Đào Phương Bình. Trần Quang Khải do Nguyễn Huệ Chi biên soạn,
Trần Thánh Tông do Phạm Tú Châu biên soạn đều chỉ giữ lại được 1 bài thơ dịch của
Đào Phương Bình… Trường hợp Phạm Sư Mạnh là một tác giả lớn của Tập III, có 43
bài thơ và 1 bài văn bia (không rõ ai chịu trách nhiệm “biên soạn”), nhưng
trong sách hiện có thì Đào Phương Bình dịch 8 bài; 3 bài lấy lại bản dịch của Đinh
Văn Chấp đăng từ trước năm 1945; 7 bài là dịch mới của người trong hai nhóm (Đào
Thái Tôn 4 bài, Tuấn Nghi 1 bài, Trần Lê Sáng 1 bài, Đỗ Văn Hỷ dịch bài văn
bia), vẫn còn 24 bài không có thơ dịch. Xem ra 12 thành viên trẻ của cả hai nhóm
biên soạn cũng đã làm việc cẩn thận, kỹ càng.
Thời kỳ thứ hai sau các bác do 12 chúng tôi (sau có
thêm thế hệ 3) đảm nhiệm. Đóng góp của thời đoạn này, theo tôi nên được ghi nhận
ở 4 phần việc sau:
- Phần “Khảo luận”, như một cương lĩnh làm việc cho công trình
TVLT và cũng đưa ra những gợi ý quan trọng để độc giả quan niệm về một giai đoạn
văn học, những đối tượng văn học, các loại hình văn học buổi sơ khai của văn học
viết, giới thuyết những lý luận của tiền nhân về quan niệm “văn” thời ấy và về
những vấn đề liên quan đến tiến trình hình thành các dòng phái, thể loại văn chương,
tổng quát lại lịch sử sưu tập, khảo cứu văn bản của tiền nhân từ xa xưa cho đến
Phan Huy Chú, Bùi Huy Bích; trình bày một cách toàn cảnh (trong điều kiện có được)
của thành tựu, sự còn mất của một thời đại văn học mà cho đến bấy giờ chưa có công
trình nào chuyên sâu và đầy đủ như “Khảo luận”.
- Phát hiện, sưu tầm, bổ sung thêm nhiều tác phẩm mới mà bản
thảo thời kỳ I của hai bác chưa tập hợp. Số lượng tác phẩm này cũng
khá nhiều, bao gồm thành tựu của mấy chục chuyến điền dã, trên địa bàn hơn 10 tỉnh
ở Bắc Bộ cho đến bắc Trung Bộ, và ở các loại thư tịch trong những thư viện lớn
(Những đợt điền dã này có sự giúp đỡ tận tình của các cán bộ Ty, Sở văn hóa các
tỉnh, các nhà nghiên cứu lịch sử Mỹ thuật của Viện Mỹ thuật và cả một số anh em
ngoài Nhóm TVLT). Hai tập đầu, tôi đã tính sơ qua ở phần trên, riêng Tập III,
chỉ tính phần Phụ lục cũng đã bổ sung 149 bài. Còn Tập II Quyển hạ, chưa xuất bản
nhưng tôi biết phần bổ sung ở Tập này có đến 5, 6 sách lớn, như Thánh đăng
ngữ lục, Thiền uyển tập anh, Tam tổ thực lục, An Nam chí lược, Lĩnh nam chích
quái, Việt điện u linh, mỗi quyển riêng văn bản chữ Hán đã đến mấy trăm
trang. Chính vì thế con số của toàn bộ bộ sách, nếu in đầy đủ, tôi nghĩ rằng không
chỉ dừng ở 2420 trang in khổ 19 x 27 như hiện có (Tập I: 632 trang; Tập II Quyển
thượng: 966 trang; Tập III: 822 trang) mà có thể phải tới hơn 3500 trang. Nếu
quy đổi ra số trang bản thảo chép tay có lẽ cũng đến hơn 5.000 trang (mỗi trang
khổ 19 x 27 ít nhất phải một trang rưỡi bản thảo)…
- Những phát hiện về văn bản học, đính ngoa văn bản đã có, tìm
ra quá trình truyền bản của một số tác phẩm, giúp vào việc xác định chính xác hơn
những tài liệu đã thu thập được.
- Rà soát và hoàn chỉnh thêm bản thảo thời kỳ I ở
các công đoạn khảo chú, sửa chữa, diễn đạt lại cho văn chương cập nhật hơn, thích
hợp hơn hoặc thay thế bản dịch khác nếu thấy cần thiết. Đọc trong bộ TVLT, bạn đọc
có thể thấy các “biên soạn viên” thời kỳ II(Đỗ Văn Hỷ, Nguyễn Huệ Chi, Phạm
Tú Châu, Trần Băng Thanh, Trần Nghĩa (Tuấn Nghi), Trần Lê Sáng, Nguyễn Đức Vĩ
(Tiên Sơn), Đào Thái Tôn, Hoàng Lê, Phạm Đức Duật…) đều đã thực hiện công việc đó,
nhiều hay ít tùy theo tình hình bản thảo đã có và theo cảm thức của mỗi người.
Chỉ tiếc rằng chúng tôi không lưu giữ được bản thảo gốc, bây giờ cần đến thật
không biết tìm ở đâu. Gần đây tôi đã chuyển dần “sản phẩm” của mình gửi vào Trung
tâm di sản các nhà khoa học nhưng hầu như chẳng có công trình nào có được
một bộ hồ sơ đầy đủ. Ngày ấy chúng tôi còn trẻ, cũng mới vào nghề, chỉ lo sao
hoàn thành công việc, bản thảo không chỉ làm một lần mà mỗi lần chỉnh sửa đều
phải chép lại, cho nên để đỡ công và cũng đỡ tốn giấy (văn phòng phẩm thuở ấy được
phát từng tháng, có đợt là loại giấy đen sì, lộn nhộn gân nứa…) chúng tôi thường
cắt dán, mỗi trang có khi đến 2, 3 tầng, chị Tú Châu thường đùa tôi là “vá đụp”.
Cũng do vậy, bản thảo được đem đánh máy xong thì chỉ lo giữ bản chính thức, những
bản trung gian không còn nguyên vẹn chẳng coi là quan trọng nữa, Nhóm chẳng thu
hồi, mỗi người gói buộc lại để đâu đó, còn mất cũng chẳng quan tâm! Ban văn học
Cổ cận đại cũng có 2 chiếc tủ gỗ nhưng hồ sơ thì nhiều, chẳng có chỗ, mà Viện lại
càng không có nơi gửi. Tính tôi thô suất đã làm mất những bản thảo mình “biên
soạn”, còn các bạn tôi không biết có ai giữ được? Có những lần tôi định tra cứu
một việc gì đó, tìm đến các công trình tập thể khác của Viện, kể cả của Ban, cũng
chẳng còn tìm thấy bản thảo chép tay! Nhưng cái chính là chúng tôi quan niệm công
trình tập thể là công sức chung, những ghi nhận cá nhân, danh tính đã có ở sách,
chẳng hề tính toán hơn thiệt. Tất nhiên ngày nay nghĩ lại cách ghi danh như
TVLT cũng có chỗ chưa thỏa đáng với tất cả mọi người làm. Lấy một ví dụ như xác
định một văn bản một tác phẩm. Đây là một công đoạn rất quan trọng và công phu,
người làm văn bản phải đọc hết các bản chép tác phẩm, lại tìm đọc các tài liệu
liên quan, khối lượng trang sách gấp đến mấy lần bản được dịch, cuối cùng mới xác
định được bản chọn, hoặc bản nền. Nếu tự mình làm từ đầu đến cuối thì không có
gì phải phàn nàn, nhưng nhiều khi trong công trình, một vài người nào đó được
giao phụ trách công tác văn bản thì công lao sẽ chẳng được ghi ở đâu. Người đọc
chỉ biết ông A, bà B dịch sách đó, bài đó, … Cũng vậy, công sức khảo dị, sưu tầm,
chú thích, thậm chí chỉnh sửa vài chữ, thông thường chỉ nhằm nâng cao tính xác
tín của tác phẩm, giúp cho tác phẩm dễ đọc, dễ cảm hơn, nhưng cũng không ít trường
hợp là những đóng góp khoa học thật sự…
Dù sao, tôi cho rằng bộ sách chúng tôi đã hoàn thành là một
cái mốc quan trọng trong hành trình sưu tập di sản TVLT. Tương lai chắc sẽ có
những “tập đại thành” khác, hy vọng các học giả rồi đây với những thuận lợi của
khoa học sẽ tìm lại được những di sản của chúng ta đã bị người Minh cướp đi, tìm
thêm được những tác phẩm còn ẩn náu đâu đó trong núi rừng thiên nhiên và trong
dân dã, thậm chí ở Nhật, ở Hàn... Tôi vẫn hy vọng các học giả tương lai có thể
làm dầy dặn thêm nữa bộ sách của chúng ta.
Riêng với tôi, được tham gia vào công việc biên soạn TVLT là
một điều hết sức may mắn. Tôi được học tập rất nhiều, học chữ nghĩa, học kiến
thức, học cách làm việc, học làm văn bản mà khi trước PGS Nguyễn Văn Hoàn thường
gọi đùa là “chủ nghĩa tờ a tờ b của Cụ Tố, Cụ Hãn”… và nhiều nữa. Có lẽ điều kiện
may mắn (hay đúng hơn là thuận lợi trong không khí làm việc) như chúng tôi khi “biên
soạn” thơ văn Lý Trần có thể không dễ có. Sau khi nhận việc, chúng tôi – cả hai
nhóm – còn được cho học tiếp 3 năm tại chức một lớp Chuyên tu Hán học, cho đến
năm 1972 mới kết thúc, rồi sau đó, bác Đỗ Ngọc Toại vẫn tiếp tục mở lớp bổ túc
kinh nghiệm dịch và cách tra cứu cho tôi và chị Phạm Tú Châu, chúng tôi luôn luôn
có cố vấn để học hỏi và thảo luận, chúng tôi được các thầy khuyến khích “đương
nhân bất nhượng ư sư” (trước điều đúng thì không phải nhường người thầy). Đó là
một tinh thần hết sức nhân văn, do vậy trong công việc chúng tôi dám mạnh dạn sửa
chữa bản thảo, góp ý cho nhau, nhưng cũng cố gắng cẩn trọng hết mức, khiến cho
mỗi bản dịch dù mang tên một người nhưng ở đó nhiều khi công sức của đồng nghiệp
không ít… Và cuối cùng thì Giáo sư Đặng Thai Mai và Giáo sư Cao Xuân Huy vẫn kịp
duyệt xong cho chúng tôi được 3 tập trong bộ TVLT. Tôi cũng mừng vì đã hoàn thành
nhiệm vụ được giao, chỉ bị trách cứ nhiều lần vì “không đúng tiến độ kế hoạch”.
Tôi cũng mong có dịp góp phần sửa chữa những thiếu sót trong thành quả trước đây
của bản thân mình và của Nhóm, nhưng cũng không dám chắc có đủ thời gian để thực
hiện.
Vì đã tham gia vào công cuộc sưu tầm biên soạn di sản TVLT,
mà nay công trình của chúng tôi đã tròn Năm Mươi Tuổi (1968 -2018), hai nhóm chúng
tôi hiện nhân số chỉ còn lại một phần ba, tôi muốn được một lần “kể lể” những công
việc bản thân tôi cũng như Nhóm chúng tôi thực sự đã làm để chia sẻ trách nhiệm
với các vị tiền bối trong danh nghĩa “biên soạn”. Mặt khác, cũng là một lần
mong được lần giở lại công lao “không thầy đố mày làm nên” của hai bác Nguyễn Đức
Vân, Đào Phương Bình đối với tôi, cũng như công sức của các thế hệ tiền bối suốt
nửa đầu thế kỷ XX đã gìn giữ tài sản vô giá của đất nước, dân tộc mà tôi vẫn ngưỡng
mộ coi là các bậc thầy. Mấy điều hồi ức lan man, tôi rất xin lỗi nếu đã làm phiền
độc giả.
Hà Nội, ngày 15- 8-2018
T.T.B.T.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét