Thứ Sáu, 10 tháng 8, 2018

Giáo dục Việt Nam: sự sợ hãi đánh mất quyền lực


Nguyễn Ngọc Chu
Đọc tin về cuộc họp do PTT Vũ Đức Đam chủ trì ngày 30/7/2018 cùng lãnh đạo Bộ GD&ĐT để nghe ý kiến chuyên gia về kỳ thi TN THPT quốc gia, thì buồn nhiều hơn vui.
Trước khi nói về cuộc họp, thử nhớ đến phép nghe lời khuyên.
Phép nghe lời khuyên
1. Các bậc thánh hiền, minh quân, từ ngàn xưa chỉ muốn nghe lời khác ý mình. Đơn giản bởi điều mình biết rồi thì còn gì phải nghe nữa. Nhờ đó họ không ngừng được mở rộng kiến thức. Đó điều thiết yếu thứ nhất của phép nghe.
2. Các bậc thánh nhân, minh quân, từ ngàn xưa đều muốn nghe điều xấu của mình. Chịu chỉ trích làm họ tránh được kẻ xu nịnh, gần được người hiền lương, biết điểm yếu mà loại bỏ nên không ngừng hoàn thiện. Đó là điều thiết yếu thứ hai của phép nghe.
3. Các bậc thánh hiền, minh quân, từ ngàn xưa đều muốn đối mặt với kẻ giỏi hơn mình. Nhờ đó họ trở thành vô địch. Đó là điều thiết yếu thứ ba của phép nghe.
4. Các bậc thánh hiền, minh quân, từ ngàn xưa biết nghe rồi thay đổi theo điều đúng, mà không sợ bị chê ngu. Thế là biết học được điều mới. Đó là điều thiết yếu thứ tư của phép nghe.
5. Các bậc thánh hiền, minh quân, từ ngàn xưa, thấy người giỏi hơn thì tôn làm thầy mà nhường chỗ. Ấy là không sợ mất quyền lực. Không sợ mất quyền lực thì mới giữ được quyền lực. Đó là điều thiết yếu thứ năm của phép nghe.
Theo được cả 5 phép nghe đó thì thánh hiền thêm thánh hiền, minh quân thêm minh quân, quốc gia nhờ đó mà cường thịnh.
Phép nghe qua cuộc gặp ngày 30/7/2018
Đối chiếu với các phép nghe nêu trên thì cuộc gặp nghe ý kiến của các chuyên gia về giáo dục ngày 30/7/2018 nằm ở chiều ngược lại. Tóm tắt ở các điểm sau.

1. Không chủ trương mời rộng rãi những người có ý kiến khác biệt sâu sắc.
2. Không chủ trương mời những người ngoài khuôn khổ quen biết.
3. Không nói thẳng hết các ý kiến chỉ trích, mà lựa lời theo truyền thống xoa dịu.
4. Nghe chỉ là hình thức. Đến không phải để nghe mà để bảo vệ quyết định. Trước khi nghe đã quyết định không thay đổi.
5. Không chịu tự giáng chức, không tìm người giỏi hơn mà nhường chức.
Cụ thể, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ vẫn kiên trì kỳ thi 2 trong 1. Vẫn kiên trì phải có kỳ thi TN THPT. Vin vào các lý do rằng không thi thì học sinh không học. Vin vào Luật GD rằng phải có thi thì mới đủ điều kiện xét cấp bằng tốt nghiệp.
Nhiều nước đã bỏ thi TN THPT hàng chục năm nay rồi. Vậy mà sao trong Luật GD vẫn phải bắt thi TN? Người soạn ra Luật GD thật thiển cận.
Mặt khác, Luật đưa ra nếu sai thỉ phải sửa. Phải sửa tức thì chứ không phải đợi đến kỳ họp của mấy năm sau. Điều đó có nghĩ là trong Luật phải có điều khoản cho phép điều chỉnh.
Tóm lại là không biết nghe, và không chịu nghe. Mà trên thực tế thì lãnh đạo Bộ GD&ĐT chẳng bao giờ chịu nghe. Lấy thí dụ về thi trắc nghiệm môn toán.
Khi biết tin Bộ GD&ĐT tiến hành thi trắc nghiệm môn toán Hội Toán học Việt Nam đã có công văn phản đối. Để đối phó với dư luận và cấp trên, lãnh đạo Bộ GD & ĐT đã tổ chức cuộc gặp với đại diện của Hội Toán học Việt Nam. Nhưng chỉ để giải thích quyết định thi trắc nghiệm môn toán. Lãnh đạo Bộ GD& ĐT không nêu ra được tên các đơn vị và các nhà chuyên môn về toán học đã đồng thuận và tư vấn cho Bộ về thi trắc nghiệm môn toán. Trước đó ở Đại học quốc gia Hà Nội khi ông Nhạ làm giám đốc, quyết định thi trắc nghiệm môn toán được đưa ra mà Khoa Toán của Đại học quốc gia Hà Nội không hề biết, không hề được tham vấn.
Một người không có chuyên môn về toán như ông Phùng Xuân Nhạ mà coi thường ý kiến của hội Toán học Việt Nam, bất chấp Khoa Toán ở Đại học Quốc gia Hà Nội, thì ông dựa vào ai mà quyết định thi trắc nghiệm môn toán?
Còn nữa, về kỳ thi TN THPT, ông Phùng Xuân Nhạ vẫn kiên trì bỏ ngoài tai ý kiến của GS Ngô Bảo Châu, bỏ qua ý kiến phản biện của nhiều chuyên gia về giáo dục, khăng khăng theo ý kiến của mình, thì Giáo dục Việt Nam còn tiếp tục tụt hậu. Xin khẳng định với bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ rằng, không có một thủ tục nào có thể ngăn chặn được bê bối trong thi cử hiện nay, trừ phi cách mạng cơ chế toàn diện và triệt để.
Thi nhau chịu trách nhiệm
Từ xưa, các bậc đế vương, tể tướng, kẻ sĩ…, khi phạm khuyết điểm, ngoài hình phạt theo pháp luật còn tự giáng chức, tự đưa ra hình phạt cá nhân mình để tự răn đe, để không tái phạm. Nhưng ở Việt Nam thời nay thì hoàn toàn khác.
Xin chịu trách nhiệm đã thành câu cửa miệng của các Bộ trưởng Việt Nam ngày nay. Chịu trách nhiệm nhưng không xuống chức, không trừ lương. Nên ai cũng mạnh miệng xin chịu trách nhiệm.
Điều tê tái nữa là biểu cảm. Sau các thảm họa hủy diệt, sau các bê bối đau đớn, không thấy khuôn mặt Bộ trưởng ưu phiền, lo toan. Chí ít cũng là diễn kịch. Chỉ thấy tươi cười nhơn nhởn. Chứng tỏ sự liêm sỉ đã xuống đến đáy tột cùng của thang nhân phẩm. Đớn đau thay, toàn là các vị với hàng bao tải chức danh, khoác trên mình áo cà sa giáo sư tiến sĩ.
Hãy thực sự làm việc
Bộ trưởng phải là người làm việc thực sự hiểu quả, là người lao động dâng hiến. Thế nhưng, có vị bề ngoài rất bận rộn, song toàn những việc tào lao. Suốt ngày đi dự khai trương, sự kiện, mít tinh, hội họp. Chỉ nghe giới thiệu với vỗ tay đã hết cả hàng giờ thì còn lấy đâu thời gian cho thực việc. Đã thế, cơ sở có sự kiện cùng với bộ phận giúp việc lại phải chuẩn bị các bài phát biểu sẵn. Những bài diễn văn khuôn mẫu buồn chán lặp đi lặp lại đến nhàm tai.
Hãy bỏ khai trương, bỏ sự kiện, bỏ phát biểu ở hội họp mít ting, mà lăn xả vào xử lý các vấn đề bản lề, cốt lõi.
Sự sợ hãi đánh mất quyền lực
Tại sao không chịu nghe? Là vì sợ mất quyền lực. Từ mất quyền lực sẽ dẫn đến mất quyền lợi.
Đã đến lúc không thể giữ ý, phải thẳng thừng bỏ tay khỏi bịt miệng mà kêu lên đớn đau, rằng sự sợ hãi mất quyền lực đang hiển hiện bao trùm khắp mọi nơi, trong mọi lĩnh vực trên Đất nước chúng ta. Sự sợ hãi mất quyền lực, kéo theo đó là mất đặc lợi, đang phủ bóng đen tồi tệ lên vận mệnh Dân tộc.
Chưa bao giờ những người dân chân đất đầu trần lại buộc phải lo lắng đến vận mệnh Dân tộc ở mức độ khắc khoải như hiện nay.
Không phải chỉ nạn tham nhũng đang tàn phá kiệt quệ nội lực quốc gia.
Không phải chỉ bị dồn đến chỗ cuối đường cùng buộc vùng lên giữ đất như Đoàn Văn Vươn, Đặng Văn Hiến.
Không phải chỉ vì bị đầu độc nhiều kiếp đời con cháu như Formosa Hà Tĩnh.
Không phải chỉ vì bị chặn long mạch ở Cửu Long, Hồng Hà.
Không phải chỉ bị thắt yết hầu ở Tây Nguyên, Hải Vân, Đèo Ngang.
Không phải chỉ… Mà còn ở nguy cơ tự mình biến mình thành ngu dân nên khó thoát kiếp nạn tụt hậu rồi trở thành kiếp đời lệ thuộc.
Như phù sa đối với cỏ cây, Dân trí là nền tảng sinh dưỡng sự cường thịnh của một quốc gia. Dân trí càng cao thì quốc gia càng giàu có hùng mạnh. Sự xuống cấp của nền Giáo dục là đòn chí mạng lên nền tảng Dân trí. Đau đớn thay.
N.N.C.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét