Quả địa cầu bán ở Ukraine xếp nhiều tỉnh biên giới Việt Nam vào lãnh thổ TQ, và không hiển thị hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, làm xôn xao cộng đồng mạng tiếng Việt.
Trong email trả lời BBC ngày 24/8, công ty Globus Plus của Ukraine cho hay họ đã ngưng bán sản phẩm quả địa cầu in sai hình bản đồ Việt Nam.
"Chúng tôi không phải là nhà sản xuất những quả địa cầu này."
"Và, thật không may, chúng tôi không biết rằng bản đồ thế giới đã được in lỗi."
"Chúng tôi đã ngưng bán những sản phẩm địa cầu này."
"Chúng tôi xin lỗi vì sai sót này," email từ người quản lý công ty, tên Alexander, cho hay.
Tuy nhiên Globus Plus không trả lời BBC Tiếng Việt quả địa cầu có xuất xứ từ đâu.
Thông tin từ mạng xã hội
Một trong những thông tin đầu tiên về chuyện này xuất hiện trên Facebook của bạn Trực Chấp ghi là sống tại Ba Lan.
Theo đó, trên thị trường Ukraine có bán quả địa cầu 'xén' mất phần Quảng Ninh, Móng Cái của Việt Nam.
Hình ảnh quả địa cầu này nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội. Nhiều người phát hiện ra rằng trên quả địa cầu này, một phần bản đồ của Việt Nam bị in tiệp màu với bản đồ vùng lãnh thổ Trung Quốc.
Các tỉnh như Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Cao Bằng, Thái Nguyên, Bắc Giang được cho là hoàn toàn biến mất, thay vào đó là ranh giới lãnh thổ của Trung Quốc.
Địa cầu này hoàn toàn không hiển thị hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa mà Việt Nam khẳng định chủ quyền trên Biển Đông.
Theo VTC News, quả địa cầu này xuất xứ từ Ukraine, được rao bán trên một trang web mua hàng trực tuyến của nước này. Công ty sản xuất và phân phối những quả địa cầu này có tên Globus Plus.
"Những thông tin về lãnh thổ và chủ quyền quốc gia của Việt Nam trên quả địa cầu này đã bị nhà sản xuất cung cấp hoàn toàn sai lệch", bài báo trên VTC viết.
Tìm hiểu về Globus Plus trên website của công ty thì được biết đây là công ty sản xuất, bán và phân phối sản phẩm văn phòng, thiết bị, đồ dùng và trang phục học sinh.
Sự việc gây ra nhiều bàn cãi trong cộng đồng mạng.
Facebooker Mai Thanh Sơn bình luận:
"Trong bối cảnh Quốc Hội Việt Nam đang xem xét thông qua Luật Đặc khu, hành vi bỉ ổi này hiển nhiên thể hiện những động cơ chính trị bất minh. Vậy đề nghị bà con Việt kiều đang sinh sống/làm việc tại Ukraina kiểm tra lại, làm rõ thực hư của thông tin và chỉ mặt các thế lực đứng sau để đồng bào trong nước biết."
Ngưng bán địa cầu 'sai'
Bản đồ in thiếu cho cả Trung Quốc
Theo dịch giả Nguyễn Việt Long, việc "đổ" cho Trung Quốc vẽ bản đồ này rồi cung cấp cho Ukraine là không có bằng chứng.
Theo quan sát của ông Long, bản đồ trên quả địa cầu của công ty Globus Plus không có đường lưỡi bò ở khu vực Biển Đông.
"Phần Đài Loan cũng được tô màu khác với Trung Quốc đại lục, nghĩa là được coi là hai quốc gia riêng biệt, trái với quan điểm hiện nay của Trung Quốc coi Đài Loan là một tỉnh của mình," dịch giả Long nói với BBC hôm 24/8.
"Tại đường biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ, bản đồ cũng vẽ bất lợi cho Trung Quốc và trái với quan điểm của nước này. Có hai khu vực lớn tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và Ấn Độ mà bên nào cũng nói là của mình - tranh chấp tại đây đã dẫn đến cuộc chiến biên giới năm 1962. Đó là khu vực Aksai Chin thuộc bang Jammu và Kashmir hiện do Trung Quốc chiếm, và khu vực bang Arunachal Pradesh của Ấn Độ ở phía đông nước Bhutan mà Trung Quốc nhận là lãnh thổ của mình. Trên quả địa cầu thì hai vùng đó đều tô màu thuộc Ấn Độ."
"Nếu nhìn kỹ ta có thể thấy là ngay cả Mông Cổ cũng được vẽ lấn cả đất đai của Trung Quốc và Nga. Theo tôi thì đây chỉ là bản đồ được vẽ rất cẩu thả. Như vậy đây không thể là bản đồ liên quan đến chính phủ Trung Quốc," ông Long nhận định.
Theo dịch giả Nguyễn Việt Long, nếu đặt giả thuyết một cơ sở nào đó của Trung Quốc, "bất chấp quan điểm chính thống của Bắc Kinh", làm ra quả địa cầu này để bán cho thị trường Ukraine thì "cũng không đáng để ta quan tâm hay bức xúc".
"Bởi những quả địa cầu hay bản đồ như thế này không có giá trị pháp lý gì về mặt biên giới," dịch giả Long nói với BBC Tiếng Việt.
Tranh chấp 'trên bản đồ và trên mạng'
Đây không phải là lần đầu tiên tranh chấp Biển Đông được "xử lý" ở ngoài Việt Nam và Trung Quốc.
Hồi tháng 9/2017, một bảo tàng tại Anh Quốc cam kết không bán địa cầu lưu niệm có chi tiết gây tranh cãi về chủ quyền tại Biển Đông sau thư phản ánh của người Việt.
Ông Lê Trung Tĩnh, một trí thức hiện làm việc tại Anh yêu cầu thành công cam kết từ Bảo tàng Hoàng gia Greenwich là họ sẽ ngưng đặt mua thêm địa cầu được mô tả là “có đường chữ U” và ghi Hoàng Sa, Trường Sa (cách gọi của Việt Nam) theo cách gọi của Trung Quốc là Tây Sa và Nam Sa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét