Nhà báo Lê Phú Khải
Nhân dân Sài Gòn không bao giờ quên buổi sáng đẹp trời ngày 16
tháng 12
năm 2007, trong cuộc biểu tình chống Trung Quốc xâm lược biển đảo Việt Nam, có
ông già 80 tuổi, chống gậy đứng giữa cuộc biểu tình vẻ mặt đầy phẫn nộ khua gậy
lên chỉ vào mặt một người đàn bà mặc áo xám hét to: "Con này là chỉ điểm
cho công an bắt người…”. Con này" mà Tô Hải chỉ mặt là người phụ nữ cao
to, đứng quan sát xem ai la to, ai hăng hái nhất, rồi chỉ cho công an chìm,
công an nổi “ẵm" đi! Cái “con này" ấy là Nguyễn Thị Quyết Tâm, sau
này được thăng chức Chủ tịch Hội đồng nhân dân t/p Hồ Chí Minh, đại biểu Quốc
hội.
Những kẻ chỉ điểm bắt người biểu
tình chống Trung Quốc xâm lược Việt Nam như Nguyễn Thị Quyết Tâm được thăng
quan tiến chức, được cộng sản xem là nòng cốt của chế độ phải được ghi rõ họ
tên và đã được những người biểu tình hôm đó quay thành phim để lưu giữ đời đời
cho con cháu về những gương mặt bán nước hại dân. Còn nhạc sỹ Tô Hải thì đi vào
lịch sử biểu tình chống Trung Quốc xâm lược biển đảo Việt Nam.
Tô Hải sinh ngày 24/9/1927 tại Hà
Nội, nguyên quán tại Tiền Hải, Thái Bình.
18 tuổi, như mọi thanh niên trí
thức yêu nước khác, Tô Hải xung phong vào Vệ quốc đoàn theo tiếng gọi non sông
lên đường cứu nước. ông tâm sự, lúc theo Việt Minh đi cứu nước, bố ông là một
công chức thời Pháp, có học, có đọc sách đã khuyên ông không nên theo cộng sản,
nếu không nghe ông thì cứ đi, nhưng đừng có về nữa! Tô Hải lúc đó đang ở trong
thời kỳ “thơ" trong chữ “ngây thơ“ mà Nguyễn Khắc Viện đã viết. Chỉ đến
cải cách ruộng đất sau đó hơn chục năm, thì thời kỳ “thơ“ đã hết và chuyển sang
thời kỳ “ngây“ như ông Viện đã nhận ra ở cuối đời mình. Lúc Tô Hải nhận ra mình
“ngây“ thì đã muộn! Không có đường về nữa! Ông phải tiếp tục sống như một người
cộng sản đích thực (ông vào đảng năm 1949), tức là phải dối trá để tồn tại.
Chính vì thế, ông đã viết cuốn hồi ký “Hồi ký của một thằng hèn“ để sám hối!
nhà xuất bản “Tiếng quê hương“ ở Virginia, Hoa Kỳ ấn hành năm 2009. Chính tôi
là người đã viết lời giới thiệu cho cuốn sách này. Việc viết giới thiệu cho
cuốn Hồi ký này là một chuyện rất khôi hài. Khi những người biên tập cuốn “Hồi
ký của một thằng hèn“ yêu cầu người viết giới thiệu nó, tốt nhất, là một người
đang ở trong nước. Nhạc sỹ Tô Hải, tác giả của “Nụ cười sơn cước“, “Tiếng hát
người chiến sỹ biên thùy“ đã nhờ tôi viết. Lý do vì tôi là người đầu tiên và
duy nhất đã đọc bản thảo nó ở trong nước. Số là tôi ra Nha Trang thăm Tô Hải,
thấy ông dành toàn bộ thời gian cho cuốn sách. Và tôi đã đọc nó trong một xóm
nhỏ ở thành phố biển Nha Trang. Nhưng các vi biên tập cuốn sách này ở nước
ngoài lại cho tôi là “công an của Việt cộng“, nên không muốn lời giới thiệu
sách đứng tên tôi. Tô Hải phải email sang nói rõ, tôi là nhà báo, không phải là
công an. Các vị đó vẫn không tin, nói rằng, gia đình tôi có nhiều người làm
công an nên “cài“ tôi vào để … Cuối cùng thì lời giới thiệu là bài viết của
tôi, do sự “cam kết“ của Tô Hải. Hơn nữa, cũng chẳng ai ở trong nước đã đọc
"Hồi ký của một thằng hèn" để mà viết, nếu những người in sách muốn
người viết phải là một người ở trong nước! Điều đáng buồn từ sự việc này là, cả
dân tộc ta nghi kỵ nhau, không ai tin ai nữa … “đấu tranh giai cấp" đã dẫn
đến tình trạng đó!
… Trên mạng xã hội ở Việt Nam hơn
một thập kỷ qua, nhạc sỹ Tô Hải là một bloger lớn tuổi nhất, ông có cả một
trang Web mang tên “ Tô Hải’s blog hàng tuần đều có bài. Ông viết blog trong
tình trạng đau yếu của tuổi già, kê lưng vào gối mà gõ máy tính… Nhưng chỉ vắng
bóng ông trên mạng ít bữa là các độc giả trẻ Việt Nam trên khắp nơi trong ngoài
nước lo lắng, mong mỏi, email đến thăm hỏi… Là một chứng nhân của lịch sử,
những chuyện ông viết ra khiến lớp trẻ khao khát sự thật đón đọc say mê. Nhưng
không phải Tô Hải chỉ viết cái đã qua, hàng ngày ông đọc Le Monde trên mạng,
nắm bắt tình hình thế giới, tình hình trong nước và bình luận kịp thời những
vấn đề nóng bỏng của đất nước. Có lần Đài phát thanh đối ngoại Pháp RFI phỏng
vấn ông. Họ ngạc nhiên về những thông tin ông đưa ra. Họ hỏi, tin ấy ở đâu ra?
Ông trả lời: Tôi đọc trên Le Monde sáng nay! Tay phóng viên này thú nhận: Từ
sáng đến giờ chưa đọc Le Monde!
Công bằng mà nói, với những huân
chương mà ông đã được nhận, với giải thưởng về Văn học nghệ thuật đợt 1, ông có
thể ngồi rung đùi mà nhận bổng lộc, đến các hộị nghị, kỷ niệm này nọ mà ngồi
ghế danh dự trong làng nhạc sỹ Việt Nam mà nhận bao thư, ngậm miệng ăn tiền dài
dài như các nghệ sỹ lão thành khác(!)
Nhưng vận nước không để ông ngồi
yên. Ông nghĩ đến con cháu, nghĩ đến thế hệ mai sau sẽ sống ra sao nếu bọn Tàu
ô gặm dần đất nước mà tiền nhân đã tốn bao nhiêu xương máu để gìn giữ nó đến
hôm nay. Ông tâm sự: "Từ ngày tôi viết blog, mấy thằng nhạc sỹ xưa kia nó
vô Sài Gòn là nhào đến nhà tôi … Vậy mà khi thấy tôi viết trên mạng, nó lỉnh,
nó sợ liên lụy, giới nhà văn của ông còn đỡ chứ giới nhạc cùng thời với tôi
chúng nó hèn quá!". Tôi an ủi ông: "Những kẻ ngậm miệng ăn tiền ấy có
gì đáng nói, bù lại, hiện anh có hàng vạn bạn đọc trên thế giới, đó chẳng phải
là đáng vui hay sao?".
Là người bất đồng chính kiến, nên
công an đã đến “hỏi thăm“ cái xe bán bánh mỳ của vợ ông ở đầu phố. Công an và
chính quyền phường đã đến tận nhà “khuyên giải“ ông không nên viết blog nữa!
Viết đến đây, tôi bỗng nhớ năm
1991, tại hội trường Matxcơva, tôi đứng giữa những người già, rất già, râu tóc
bạc phơ đang cầm biểu ngữ đứng biểu tình trong tuyết giá … Một người Việt Nam
nói với tôi lúc đó: Những người già như thế này đi biểu tình không phải như
sinh viên Nam Triều Tiên, Singapore đi biểu tình đòi hỏi một cái gì cụ thể cho
ngày hôm sau đâu. Mà họ vì trách nhiệm của lương tâm, vì một tương lai, vì một
cái gì cao cả hơn đối với đất nước.
Những gì mà nhạc sỹ Tô Hải đã và
đang làm chính vì “những điều cao cả hơn đối với đất nước“ Việt Nam yêu quý của
ông.
Hôm nay, người nhạc sỹ đã viết
hợp xướng giao hưởng “Tiếng hát người chiến sỹ biên thùy“ đã ra đi. Ông có thể
ngậm cười nơi chín suối vì cái ngày 16/12/2007 ở tuổi 80, ông đã chống ba-toong
đi biểu tình chống Trung Quốc xâm lược biển đảo Việt Nam, thì hôm nay ở tuổi
91, ông có thể yên lòng vì hàng chục nghìn đồng bào đã xuống đường theo gót ông
năm xưa trên khắp miền đất nước, hô vang những khẩu hiệu yêu nước, chống bè lũ
bán nước và cướp nước… ”Quê hương yêu dấu bao người chờ mong“ trong bài “Tiếng
hát người chiến sỹ biên thùy“ của ông vẫn còn đó để tiễn ông về nơi an nghỉ.,.
L.P.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét