Nguyễn Đình Cống
Duy vật lịch sử là một phần quan trọng của chủ nghĩa Mác (CNM).
Theo đó tồn tại xã hội quyết định ý thức xã hội, rằng lịch sử loài người gắn liền với lịch sử phát triển các phương thức sản xuất từ thấp đến cao. Mỗi phương thức sản xuất được hợp thành bởi lực lượng sản xuất (LLSX)
và quan hệ sản xuất (QHSX), tuân theo “Quy luật QHSX phải phù hợp với tính chất và trình độ phát triển của LLSX”. Khi
LLSX phát triển đến một mức nào đó, QHSX
phải thay đổi và tạo nên phương thức sản xuất mới, tiến bộ hơn. Loài người đã trải qua các phương thức sản xuất và cũng là các chế độ xã hội sau: Nguyên thủy, Nô lệ, Phong kiến, Tư bản. Trong chế độ tư bản thì giai cấp công nhân là đại diện cho nền sản xuất tiên tiến.
Dựa vào những điều trên Mác suy luận rằng: Trong chế độ tư bản, LLSX không ngừng phát triển, và đến lúc giữa nó và QHSX phát sinh mâu thuẩn. Phải giải quyết mâu thuẩn đó bằng cách mạng vô sản để thiết lập phương thức sản xuất xã hội chủ nghĩa (XHCN) và cộng sản. Trong cuộc cách mạng này giai cấp công nhân (GCCN)
là giai cấp lãnh đạo. Như vậy việc loài người từ chế độ tư bản tiến lên chế độ cộng sản là tất yếu.
Từ bé chúng tôi được học như vậy. Hiện nay ở VN, hàng chục triệu bạn trẻ và toàn bộ đảng viên cộng sản cũng được học như vậy và tin đó là sự thật không thể chối cãi. Nhưng rồi một số người đã phản tỉnh khi
hiểu ra CNM sai từ gốc. Tôi cũng đã chứng minh một số sai cơ bản của CNM,
riêng phần Duy vật lịch sử, tôi chưa có điều kiện nghiên cứu thật sâu nên chỉ mới dám phê phán một số điều.
Cho rằng GCCN đại diện cho nền sản xuất tiên tiến và là giai cấp lãnh cách mạng là sai. Điều này chỉ cần chịu khó tìm hiểu thực tế là thấy rõ. Hiện tại có người vẫn xoen
xoét GCCN lãnh đạo thì chỉ thể hiện đầu óc bã đậu mà thôi. Ngày nay ở VN, những công nhân bình thường đang bị bần cùng hóa. Những công nhân lành nghể trong các xí nghiệp, đặc biệt ở trong xí nghiệp FDI, chỉ làm thành thạo một vài thao tác trên dây chuyền chứ không biết gì về công nghệ. Họ tham gia làm ra hàng triệu sản phẩm chất lượng cao, nhưng tự họ không làm ra được một sản phẩm nào hết. Thế thì họ đại diện cho nền sản xuất tiên tiến chỗ nào?
Về xã hội nô lệ. Thực tế đã có lúc, có nơi (La Mã, Hy Lạp cổ đại) tồn tại các chủ nô và những người nô lệ, có chuyện buôn bán nô lệ. Đó chỉ là một hình thái quan hệ bất công giữa người với người. Cho rằng lịch sử loài người phải trải qua chế độ nô lệ là một sự gán ghép khiên cưỡng. Lịch sử nhiều nước, trong
đó có Việt Nam, Trung Quốc hình như không ghi nhận chế độ nô lệ, mà chỉ có tầng lớp tôi tớ, gia nhân. Những nhà lý luận Mác xít cố tìm xem chế độ nô lệ ở VN là vào thời Lạc Long Quân hay Vua
Hùng nhưng chỉ là gán ghép.
Về tồn tại xã hội quyết định ý thức xã hội hoặc hạ tầng cơ sở quyết định thượng tầng kiến trúc. Đây là sự vận dụng Duy vật biện chứng vào cho xã hội. Duy vật biện chứng cho rằng vật chất có trước và quyết định ý thức. Ở đây vật chất là tồn tại xã hội mà quan trọng nhất là cơ sở kinh tế, là phương thức sản xuất, còn ý thức là ý thức xã hội, gồm các lĩnh vực như chính trị, pháp quyền, đạo đức, triết học… Cho rằng vật chất có trước và quyết định ý thức là một nhầm lẫn lớn của chủ thuyết duy vật. Điều này tôi đã phân tích trong một bài trước đây (Chất đất sét trong
các hòn đá tảng của CNM).
Việc vận dụng nó cho xã hội là một sự gán ghép.
Quan trọng nhất, quyết định nhất trong thượng tầng kiến trúc là chế độ chính trị, là Chính quyền. Trong lịch sử đã có nhiều loại chính quyền khác nhau, có thể quy về 2 nhóm: độc tài và dân chủ. Giữa chế độ chính trị và cơ sở kinh tế có quan hệ mật thiết với nhau, nhưng cho rằng cơ sở kinh tế quyết định chế độ chính trị là ngụy biện.
Về quy luật QHSX
phải phù hợp với LLSX: Sự phù hợp được giải thích một cách khá mơ hồ, những luận cứ để rút ra quy
luật thiếu sức thuyết phục. Tôi cho rằng Mác đã bịa đặt ra quy
luật này chứ không phải phát hiện ra nó một cách thực sự khoa học. Và rồi cộng sản đã lợi dụng quy
luật này để làm đấu tranh giai cấp, để suy luận rằng cách mạng vô sản và thiết lập chế độ cộng sản là tất yếu của lịch sử.
Tôi nghĩ rằng sự phát triển của loài
người không theo
một kịch bản định trước. Cho rằng sau
chế độ tư bản loài người tất yếu phải tiến đến chế độ cộng sản chỉ là ảo tưởng, rằng phương thức sản xuất cộng sản chỉ là kết quả của một tư duy sai lầm. Rồi có người còn bịa ra sự nhảy vọt từ phong kiến thẳng lên CNXH,
bỏ qua giai đoạn tư bản. Một sự bịa đặt trắng trợn nhằm tự đánh lừa và lừa bịp những người nhẹ dạ cả tin.
Mác để lại tác phẩm đồ sộ là 3 tập Tư bản luận. Các nhà Mác xít thi
nhau ca ngợi, cho rằng đó là tác phẩm vĩ đại của nhân loại, là kinh điển của các đảng Cộng sản. Thế nhưng đại đa số cán bộ cao cấp của các ĐCS chỉ mới nhìn thấy bìa các cuốn sách mà chưa đọc được vài trang, còn phần lớn đảng viên chỉ mới nghe tên sách chứ cái bìa cũng chưa được thấy. Riêng OSHO,
một nhà triết học lớn của Ấn Độ nhận xét: “ Đó là cuốn sách tệ hại nhất đã từng được viết… Hàng nghìn trang và tất cả chỉ là rác rưởi, được viết một cách phi logic hoặc phi lý, giống như ai đó đã hóa điên”. (OSHO
nói về cuốn Tư bản luận - Nguyễn Đình Hách dịch). Tôi cho rằng Mác là nhà thiên tài về nghệ thuật ngụy biện. Tôi viết bài này nhằm bổ sung loạt bài góp phần phê phán những hòn đá tảng trong chủ nghĩa Mác.
N.Đ.C.
Tác giả gửi BVN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét