Thủ bút Trần Trọng Kim
Thư gửi Hoàng Xuân
Hãn năm 1947
Trần Trọng Kim (1887-1953) là một
nhà giáo, một nhà nghiên cứu văn học, sử học có tiếng trong giới trí thức nước
ta thời cận đại. Ông đã để lại nhiều công trình nghiên cứu có giá trị, như Nho
giáo, Việt Nam sử lược, có đóng góp cho tri thức và nghiên cứu lịch sử văn hóa
nước nhà. Trong khi tiếp xúc với văn bản Nam quốc địa dư chí, tôi phát hiện ra
bức thư này nằm giữa tờ bìa ngoài gấp đôi đã bị phết hồ dán kín lại, do thời
gian lâu ngày lớp hồ khô đi, trong lúc kiểm tra văn bản bức thư vô tình rơi ra.
Được biết một số sách Hán Nôm có nguồn gốc từ thư viện riêng của gia đình GS.
Hoàng Xuân Hãn. Bức thư này có lẽ đã đến tay cụ Hoàng và được cụ Hoàng dấu kín
vào tờ bìa của cuốn Nam quốc địa dư chí, mà sau này được hiến tặng lại cho thư
viện. Đối chiếu với tập hồi ký Một cơn gió bụi của cụ Trần đã được xuất bản
trong những năm 60, chúng tôi nhận định đây chính xác là bút tích và giọng văn
của cụ Lệ thần - Trần Trọng Kim, vì những nhân vật trong thư nhắc đến đều là
những gương mặt trí thức chính trị đương thời với cụ. Ngày tháng, sự kiện,
giọng văn và tư tưởng trong bức thư hoàn toàn phù hợp với ngày tháng, sự kiện,
giọng văn, tư tưởng của cụ Trần trong tập hồi ký đã nêu trên.
Chúng tôi xin được giới thiệu nội
dung bức thư như một phần di cảo bút tích của một nhà giáo, một học giả uyên
bác và đức hạnh, một nhà nghiên cứu Nho giáo tân học cuối cùng, sau hơn nửa thế
kỷ nằm im lìm trong một tập sách cũ. Thấy rõ thêm mối quan hệ giữa hai gương
mặt trí thức lớn của nước ta trong lịch sử cận đại. Bên cạnh đó, đặt ra vấn đề
thận trọng và nghiêm túc trong công tác bảo quản các tư liệu Hán Nôm của chúng
ta hiện nay.
Bức thư gồm 2 tờ viết 2 mặt.
Nội dung như sau :
Sài Gòn, ngày 8 tháng 5, năm 1947
(1)
Ông Hãn (2)
Hôm ông Phan văn Giáo (3) đưa cái thư của ông vào cho tôi, tôi không gặp ông ấy. Tôi xem thư của ông, nhất là đoạn viết bằng chữ nôm, tôi biết rõ sự tình và tôi đã phiên dịch ra quốc-ngữ, gửi sang để Ngài (4) xem.
Gần đây tôi lại được thư khác của
ông, do ông Giáo gửi lại cho tôi, đại khái cũng như thư trước. Cái tình thế
nước ta bây giờ, tôi cũng hiểu đại khái như ông, cho nên trước khi tôi về, tôi
đã dặn Ngài : Trừ khi có bằng-chứng chắc-chắn, thì ngài chớ nghe ai mà về. Sau
khi tôi đã về đây rồi tôi lại viết thư ra nhắc lại lời dặn của tôi. Vậy sự ngài
về chắc là không có.
Tôi sở dĩ về đây là vì Ngài và
tôi ở bên ấy (5), hoang-mang chẳng biết rõ gì cả, nhân có ông Cousseau (6) do
ông D’argenlieu (7) sai sang gặp Ngài và tôi, nói Pháp sẵn lòng đổi thái-độ để
cầu hoà-bình. Ngài thấy thế bảo tôi về tận nơi xem thái độ người Pháp có thật
không, và nhân tiện xem ý tứ người Việt ta thế nào. Nếu làm được việc gì ích
lợi cho nước và để cho dân đỡ khổ, thì ta cố làm cho trọn nghĩa-vụ của mình,
nếu không thì lương-tâm ta cũng yên, vì đã cố hết sức mà không làm được (8).
Tôi về đây hôm 6 tháng hai tây
(9), không gặp ông D’argenlieu, vì ông ấy sắp về Pháp. Ông ấy cho người bảo tôi
chờ ông ấy sang sẽ nói chuyện. Tôi có gặp mấy người có chủ nhiệm về việc chính
trị, nói chuyện thì tử-tế lắm và đồng ý hết cả. Nhưng xét ra họ nói một đường,
làm một nẻo, toàn là những việc mưu-mô lừa dối cả. Lúc đầu tôi có xin cho tôi
dược gặp ông, ông Hiền (10) và Khiêm (11), họ hứa sẽ cho vào ngay, nhưng mãi
chẳng thấy ai vào. Tôi biết ý [tr1] cũng không hỏi nữa.
Tôi xem việc người Pháp làm,
không thấy gì là chân thực. Họ thấy tôi giữ cái thái-độ khảng khái không chịu
để họ lợi dụng, họ phao ra rằng tôi nhu-nhược và đa nghi không làm được việc.
Họ cho những người Nam thân tín của họ đến nói muốn gặp tôi, tôi từ chối không
gặp ai cả. Cũng vì thế tôi không muốn gặp ông Giáo. Tôi có nói với người Pháp
rằng : Tôi về đây, là tin ở lời hứa hẹn của ông Cousseau là đại biểu của Thượng
xứ Pháp, nay công việc không xong, thì cho tôi trả ra để bảo cho Ngài biết. Họ
nói : Việc ấy cố nhiên rồi, nhưng ông hãy thong-thả chờ ít lâu. Họ nói thế,
nhưng tôi biết là họ không cho tôi ra với Ngài, và họ lại cho người khác nói
chuyện với Ngài (12).
Dù sao, tôi cũng không ân-hận vì
việc tôi về đây. Có về đây mới biêt rõ sự thực. Biết rõ sự thực thì cái bụng
tôi yên không áy náy như khi ở ngoài kia. Bây giờ tôi nhất định không làm gì
cả. Nếu thời cục yên-ổn thì tôi về ngoài Bắc, néu không tì xoay xở ở tạm trong
này, chờ khi khác sẽ liệu.
Còn về phương diện người mình,
thì tôi thấy không có gì đáng vui. Phe nọ đảng kia lăng-nhăng chẳng đâu vào đâu
cả. Ai cũng nói vì lòng ái-quốc, nhưng cái lòng ái-quốc của họ chỉ ở cửa miệng
mà thôi, nhưng kỳ thực là vì địa-vị và quyền-lợi, thành ra tranh dành nhau,
nghi-kỵ nhau rồi lăng-mã lẫn nhau. Tôi về đây chỉ gặp Thảo (13), Hoè (14) và
Sâm (15). Tôi bảo Sâm nên tìm cách đoàn kết nhau thành khối, thì mới có thể đối
phó với người ta được. Sâm cũng cho ý kiến ấy là phải. Song một độ thấy bẵng
đi, không đến gặp tôi, rồi bất thình-lình xuất hiện ra Mặt trận quốc gia (16),
mà không cho tôi biết. Mãi mấy hôm nay mới đến nói rằng vì sự đi lại khó khăn,
nên không kịp nói cho tôi biết việc ấy. Tôi bảo hắn rằng : Việc ông làm đó, là
việc nên làm, nhưng trước hết phải xếp đặt cho chu-đáo, phải có đủ các cơ-quan
tuyên truyền và bênh-vực việc làm của mình. Nhất là phải giao-thông với Mặt
trận kháng chiến (17), họ [tr2] có đồng ý, thì việc ông làm hoạ may mới có
hiệu-quả. Nay việc chưa xếp đặt ra gì cả mà ông đã vội-vàng xướng xuất ra như
thế, tôi e khó thành được. Hắn nói : Việc đã trót rồi, đã ném lao thì phải theo
lao.
Tôi thấy tình thế có nhiều nỗi
khó khăn quá, mà minh thì thân cô thế cô, không làm gì được, cho nên chỉ giữ
cái dịa vị bàng-quan mà thôi, thật là:
身 在 南 蕃 無 所 預
心 懐 百 憂 復 千 慮
心 懐 百 憂 復 千 慮
(Thân tại Nam phiên vô sở dự,
Tâm hoài bách ưu phục thiên lự.
Tâm hoài bách ưu phục thiên lự.
= Thân ở cõi Nam không tham dự
việc chính trị,
Lòng đã ôm trăm mối lo lắng lại thêm nghìn điều ưu lự)
Lòng đã ôm trăm mối lo lắng lại thêm nghìn điều ưu lự)
Tôi vẫn biết việc chống với Pháp
chỉ có V.M. mới làm nổi, nhưng vì chỉ tiếc họ quá thiên về chủ-nghĩa cọng-sản
quá. Họ chỉ có một mục-đích là thi hành chủ nghĩa của họ, họ dùng đủ phương
diện để đưa người ta vào cái chòng của họ. Sự hành-động của họ ở bên ta cũng
như bọn cọng sản đã dùng ở bên Tàu và ở các nước khác, đều theo một lối đúng
nhau như hệt. Họ không cần quốc-gia, không cần đạo-đức, nhưng có nhiều người tin
ở nghĩa quốc-gia, thì họ lợi dụng cái nghĩa quốc-gia để đạt cái chủ-nghĩa của
họ. Lừa dối xảo-quyệt đủ đường, cho nên người ta dễ mắc lừa lắm.
Nay V.M. đứng vào cái địa-vị
chống Pháp, tất là có cái thanh-thế rất mạnh. Nếu họ biết đổi cái thái-độ hung
tàn bạo ngược đi, và tìm cách thu dụng các đảng phái khác, để lập thành một
khối, không khuynh hướng hẳn về Cọng sản, thì có cơ thành công được, nhưng bảo
con chó sói trở nên con cừu, thì có thể được không? Dù sao, đối với viêc nước
mình, V.M phải chịu cái tiếng 功 之 首 罪 之 魁 (Công chi thủ tội chi khôi = Công đứng
đầu mà tội cũng đứng đầu). Đó là ý kiến riêng của tôi, còn các ông nghĩ thế nào
tôi không biết.
Khi tôi ở Hương- cảng, ông
Cousseau có cho tôi biết tin ông Oánh (18) bị Tây giết, tôi thương ông Oánh quá,
có làm bài tuyệt- cú gửi về, nhờ ông đem điếu ông ấy:
Khóc bạn Nguyễn Băng Hồ
Đất khách mơ - màng những thở - than,
Mảng tin bác bị lũ hung tàn.
Ngắn dài giọt lệ lòng thương bạn,
Căm giận quân thù đã tím gan.
Đất khách mơ - màng những thở - than,
Mảng tin bác bị lũ hung tàn.
Ngắn dài giọt lệ lòng thương bạn,
Căm giận quân thù đã tím gan.
Ông Oánh sinh thời là một người
trung hậu ngay chính, ở đời này thật là ít có. Chẳng may vì duyên nghiệp mà
phải cái nạn tai bay vạ gió. Thôi [tr3] thì cũng là một cách ông ấy trả nợ
nước.
Tôi muôn nhờ ông một tí việc, khi
tôi đi, tôi còn một bản đánh máy tập Vũ trụ đại quân (19) gửi ông Oánh, nhờ ông
thử hỏi nhà ông Oánh xem tập ấy có còn nữa không. Nếu còn, thì ông làm ơn giữ
lấy cho tôi, kẻo công trình mất mấy năm trời mà mất đi, thì tiếc quá.
Nhờ ông nói với Khiêm, nhờ hắn
đến qua chỗ nhà tôi ở Nhà Rượu (20), xem có ai coi giữ cái nhà đã bị đốt (21)
đó không. Nếu có người coi, thì nhờ Khiêm thử vào trong nhà xem những sách vở
có còn gì nữa, thì nhờ hắn nhặt đem về giữ lấy cho tôi. Còn cái nhà bên cạnh mà
không hư hỏng lắm thì nhờ hắn xem có thể chữa sửa được không. Giá có thể chữa
lại it nhiều rồi cho người ta tạm thuê để lấy tiền và cốt nhất là khi nào tôi
có về được, mong còn có chỗ che sương che nắng.(Việc này không cần nữa, vì tôi
đã gặp Khiêm ở đây rồi.)(22).
Ông có biết tin ông Bùi Kỷ (23)
bây giờ ở đâu không. Tôi về đây không có tin tức gì về đường nhà ông Bảng cả.
Nhà tôi và Chương (24) đều có lời
chúc ông bà được mạnh khoẻ. Tôi có lời thăm ông Hiền, Khiêm và Hoè và tất cả
các bạn. Ông Hoè hôm ra Hà-nội có đến gặp tôi, nhưng vội quá, không viết được
thư. Bây giờ ông Hoè ở đâu và làm gì?
Sau này ông có gửi thư cho tôi,
nên để chờ khi nào có người chắc chắn vào đây, đưa đến cho tôi thì hơn. Không
nên gửi người không được chắc chắn.
Nay kính thư
Trần Trọng Kim [tr4]
___________
Nay kính thư
Trần Trọng Kim [tr4]
___________
Chú thích :
1. 8/5/1947 : ngày viết thư. Một
cơn gió bụi có ghi việc Cao uỷ Pháp là Bollaert ra Bắc : “ngày 8/5 mấy hôm
trước khi ông Bollaert ra Bắc, ông Didier Michel hẹn đến gặp tôi”. Bức thư có
lẽ được cụ Trần nhờ Didier Michel gửi hộ.
2. Ông Hãn: Chỉ Hoàng Xuân Hãn,
nguyên Bộ trưởng bộ giáo dục và Mỹ thuật của chính quyền Trần Trọng Kim trước
Cách mạng tháng 8. Năm 1947 Hoàng Xuân Hãn còn đang ở Hà Nội.
3. Phan văn Giáo: Dược sĩ, chủ
hiệu thuốc lớn ở Thanh Hoá, là nhà Tư sản nổi tiếng có tư tưởng thân Pháp. Bị
bắt trong Cách mạng tháng 8, sau được thả ra. Sau năm 1945 tiến hành nhiều cuộc
vận động để khôi phục chính thể quân chủ ở miền Nam.
4. Ngài : Chỉ vua Bảo Đại - Vĩnh
Thuỵ, lúc này đã thoái vị. Sau được chính quyền cách mạng cử đi công cán Trung
Quốc, thì ở lại không về và sang ở Hương Cảng. (Trần Trọng Kim; Phạm Khắc Hoè,
sđd)
5. Bên ấy : Khi Cách mạng tháng 8
nổ ra thì Trần Trọng Kim đang ở Huế. Bảo Đại thoái vị, ông về ở làng Tại Lại
Thế gần thôn Vĩ Dạ, đóng cửa đọc sách không ra ngoài. Đầu năm 1946 thì về Hà
Nội, không tham gia việc gì nữa. Sau khi Bảo Đại đi sang Trung Quốc, rồi ở lại
không về. Cuối tháng 5/1946, quân Tầu Tưởng rút dần về nước. Tháng 6/1946, Trần
Trọng Kim theo một số người của Quốc Dân đảng sang Trung Quốc tìm bắt liên lạc
với Bảo Đại, và gặp nhau ở Hương Cảng.
6. Cousseau : Quan cai trị, từng
làm Công sứ ở nhiều tỉnh tại Bắc Kỳ, là người móc nối dàn xếp đưa Bảo Đại từ
Hương Cảng về nước để thành lập chính phủ theo ý người Pháp. (Phạm Khắc Hoè.
sđd)
7. D’argenlieu : Cao uỷ Pháp tại
Đông Dương lúc bấy giờ. Năm 1947 thì về nước cho Bollaert sang thay. (sđd)
8. Trần Trọng Kim, sđd, tr166,
167...
9. hôm 6 tháng 2 tây : ngày Trần
Trọng Kim về đến Sài Gòn. Một cơn gió bụi có ghi : “ngày 5 đến Sài Gòn, nhưng
đến sáng mùng 6 mới lên bờ.”
10. ông Hiền : Luật sư Vũ Văn
Hiền, từng tham gia Nội các của chính quyền Trần Trọng Kim, giữ chức Bộ trưởng
bộ Tài chính. Bị quân Pháp bắt giữ sau ngày toàn quốc kháng chiến năm 1946 ở Hà
Nội cùng với Phạm Khắc Hoè, Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Xuân Chữ, ... sau được thả
ra. (Phạm Khắc Hoè, sđd)
11. Khiêm : Có thể là Phạm Duy
Khiêm, người cùng tham gia với Trần Trọng Kim soạn sách “Việt Nam văn phạm”.
12. Trần Trọng Kim lúc này đã
không còn giá trị. Người Pháp muốn tách ông ra khỏi Bảo Đại để không thể gây
ảnh hưởng, cản trở ý đồ thành lập một chính phủ theo ý muốn của người Pháp.
13. Thảo : Luật sư Trịnh Đình
Thảo (1901-1986), luật sư toà Thượng thẩm Sài Gòn, là một luật sư rất có uy
tín, thường đứng ra bảo vệ quyền lợi của nhân dân lao động cấp dưới, từng tham
gia Nội các của chính quyền Trần Trọng Kim, giữ chức Bộ trưởng bộ Tư pháp, Phó
chủ tịch hội đồng cố vấn chính phủ lâm thời miền Nam Việt Nam. Sau ra chiến khu
tham gia thành lập Liên minh các lực lượng dân tộc dân chủ hoà bình Việt Nam,
đi nhiều nước vận động chấm dứt chiến tranh tại Việt Nam, Uỷ viên trung ương
mặt trận tổ quốc, Đại biểu quốc hội.
14. Hoè : Phạm Khắc Hoè, giữ chức
Đổng chưởng lý văn phòng Ngự tiền của vua Bảo Đại. Sau này đi theo kháng chiến,
bị Thực dân Pháp bắt đưa về miền Nam dụ dỗ quay trở lại phục vụ Bảo Đại không
thành, phải thả ông ra ở Hà Nội, ông tìm cách trốn khỏi thành phố lên chiến
khu, có viết tập hồi ký “Từ triều đình Huế đến chiến khu Việt Bắc”. Tập hồi ký
này có nhắc đến việc ngày 16/4/1947, Phạm Khắc Hoè có đến chào từ biệt Trần
Trọng Kim trước khi ra Hà Nội. Thư này viết sau khi Phạm Khắc Hoè đi Hà Nội gần
một tháng (8/5/1947). (Phạm Khắc Hoè, sđd)
15. Sâm : Nguyễn Văn Sâm, Chủ
tịch hội ký giả Nam Kỳ. Bị Thực dân Pháp an trí ở Sóc Trăng vì những hành động
chống Pháp. Năm 1945, tham gia chính quyền Trần Trọng Kim, Hội viên hội đồng dự
thảo Hiến pháp. Sau được phái đi làm Khâm sứ Nam Kỳ để tiếp thu Nam Kỳ được
Nhật trao trả, chưa kịp thực hiện thì cách mạng tháng 8 bùng nổ. Là người tham
gia thành lập Mặt trận quốc gia Việt Nam ở miền Nam, là thủ lĩnh đảng Việt Nam
quốc dân độc lập, ông bị ám sát chết cuối năm 1947. (Nguyễn Quang Thắng, sđd)
16. Mặt trận quốc gia : Ngày
17-2-1947, Nguyễn Hải Thần, ông Nguyễn Tường Tam cùng một số nhân sĩ đã tiếp
xúc với Bảo Đại và đã thành lập một Mặt Trận mệnh danh là Mặt Trận Quốc Gia
nhóm tại Hương Cảng gồm: Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội, Việt Nam Quốc Dân
Đảng, Dân Chủ Xã Hội Đảng, Việt Nam Quốc Gia Thanh Niên Đoàn có mục đích lợi
dụng Bảo Đại để tranh thủ độc lập nhưng Bảo Đại cũng như các nhà thực dân khác
không chịu được sự "khó tính" của Mặt trận này nên đã gạt khéo Mặt
trận ra ngoài và sau này, Bảo Đại về lập chính phủ chỉ có nhân viên của các
nhóm tư bản và của đế quốc cộng tác mà thôi. Với những thành phần "Nam kỳ
quốc" và bọn tay chân của đế quốc, Pháp tạo ra các chiêu bài độc lập, tính
đánh lừa dân chúng Việt Nam nhưng đã thất bại. Nguyễn Văn Sâm chắc cũng tham
gia trong mặt trận này.
17. Mặt trận kháng chiến : Chỉ
Mặt trận kháng chiến của nhân dân miền Nam (?)
18. ông Oánh : Tức Nguyễn Quang
Oánh (1888-1946), anh ruột Nguyễn Văn Ngọc (hiệu Ôn Như). Làm Thanh tra các
trường Sơ học, Hội viên hội đồng cải cách giáo dục của chính quyền Trần Trọng
Kim, từng cùng Trần Trọng Kim và Bùi Kỷ biên soạn sách Tiểu học Việt Nam văn
phạm giáo khoa thư. Toàn quốc kháng chiến, ông bị giặc Pháp ập vào nhà bắn chết
ngày 22/12/1946. (Trần Văn Giáp, sđd); Nguyễn Băng Hồ : Chỉ tên hiệu của ông
Nguyễn Quang Oánh là Băng Hồ.
19. Vũ trụ đại quan : Một trong
các công trình nghiên cứu của Trần Trọng Kim. (Trần Văn Giáp, sđd)
20. Nhà Rượu : Trần Trọng Kim có
nhà ở khu vực gần Nhà máy Rượu Hà Nội (phố Nguyễn Công Trứ). Tức là căn nhà 41
phố Hàng Chuối (Trần Trọng Kim, Một cơn gió bụi, Nxb.Vĩnh Sơn, S., 1969)
21. “Cái nhà của tôi ở phố nhà
Rượu cũng bị quân tự vệ đốt cháy. Thành ra bao nhiêu sách vở của tôi, có lắm
quyển rất cổ rất quý, tích trữ trong mấy chục năm, đều hoá ra tro tất cả. Tôi
vẫn chưa hiểu vì lẽ gì mà họ đốt nhà tôi, hoặc là vì đốt nhà bên cạnh mà cháy
lây sang, hoặc vì Việt Minh thấy tôi bỏ đi, họ giữ không được, họ cho lệnh đốt
nhà cho bõ tức”. Trần Trọng Kim, sđd.
22. Tác giả tự đánh dấu, và ghi
chú sang bên cạnh thư, nhắc việc này thôi vì đã nhờ được rồi.
23. Bùi Kỷ : Tức cụ Phó bảng Bùi
Kỷ (1887-1960), Hội viên hội đồng cải cách giáo dục của chính quyền Trần Trọng
Kim, cùng Trần Trọng Kim biên soạn nhiều tác phẩm : Truyện Thuý Kiều, Việt Nam
văn phạm, Nho giáo. Chủ tịch Hội văn hoá kháng chiến liên khu 3, uỷ viên Hội
Liên Việt liên khu, Chủ tịch hội hữu nghị Việt- Trung. (Trần Văn Giáp, sđd)
24. Chương : Luật sư Trần Văn
Chương, từng tham gia Nội các của chính quyền Trần Trọng Kim, giữ chức Bộ
trưởng bộ Ngoại giao. (Trần Trọng Kim; Phạm Khắc Hoè, sđd).
24.
Chương: Tên người, lúc đầu tôi chỉ tra cứu được 1 người tên Chương là Luật sư
Trần Văn Chương, từng tham gia Nội các của chính quyền Trần Trọng Kim, giữ chức
Bộ trưởng bộ Ngoại giao. Đến hôm 9.2.2014, bài viết nhận được phản hồi từ bà
Phạm Thị Lệ Hương, 1 Việt kiều Mỹ cung cấp thông tin sửa sai cho, tên Chương là
tên con gái cụ Trần Trọng Kim, tức bà "Trần Thị Diệu Chương, vì trong thư
Cụ Kim thường kêu các Cụ ngang tuổi là Ông… mà không nói tên trống không như
thế này, vả lại Cụ viết “nhà tôi [tức là vợ của Cụ] và Chương đều có lời chúc
ông bà…” thì chắc chắn phải là người trong gia đình Cụ. Con gái độc nhất của cụ
tên là Trần Thị Diệu Chương, vẫn còn sống ở Pháp, năm nay cỡ 90 hay trên 90
tuổi 1 chút (ngang tuổi ông Bùi Diễm là con trai Cụ Bảng Bùi Kỷ là first cousin
của bà Trần Diệu Chương, vì Cụ Bùi Kỷ là anh của Cụ bà Trần Trọng Kim).] Sở dĩ
tôi dám quả quyết như thế này là vì tôi là người trong họ của Cụ bà Trần Trọng
Kim, nên tôi đọc thư của Cụ Kim viết cho Cụ Hoàng Xuân Hãn tôi hiểu như thế.
Tôi có hỏi thêm những người trong họ thì mấy nguời đó cũng nghĩ như tôi viết
cho anh ở trên." (trích thư phản hồi của bà Phạm). Tôi xin sửa lại chú
thích này theo ý kiến phản hồi của bà Phạm và xin trân trọng cám ơn bà.
_____________
.
Thư mục tham khảo
1.Lệ thần - Trần Trọng Kim, Một cơn gió bụi, Nxb Vĩnh Sơn, S,. 1969
2. Phạm Khắc Hoè, Từ triều đình Huế đến chiến khu Việt Bắc, H,.1986
3. Nguyễn Quang Thắng, Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam. S,.1982
4. Trần Văn Giáp, Lược truyện các tác gia Hán Nôm II. H.,1987
5. La Sơn Yên Hồ - Hoàng Xuân Hãn. Nxb GD, H,. 1998 (2t)
_____________
.
Thư mục tham khảo
1.Lệ thần - Trần Trọng Kim, Một cơn gió bụi, Nxb Vĩnh Sơn, S,. 1969
2. Phạm Khắc Hoè, Từ triều đình Huế đến chiến khu Việt Bắc, H,.1986
3. Nguyễn Quang Thắng, Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam. S,.1982
4. Trần Văn Giáp, Lược truyện các tác gia Hán Nôm II. H.,1987
5. La Sơn Yên Hồ - Hoàng Xuân Hãn. Nxb GD, H,. 1998 (2t)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét