Thứ Hai, 29 tháng 7, 2019

Nỗi buồn lịch sử ư? Xin góp một ví dụ làm nên nỗi buồn đó (Mênh mông thế sự để gió cuốn đi số 74)


Tương Lai
Báo chí nhà nước dồn dập đưa tin về “nỗi buồn lịch sử trước kết quả tệ hại của điểm thi môn sử. Xin chia sẻ với các nhà báo về nỗi buồn ấy khi họ được phép lên tiếng – trong giới hạn cho phép – về nguyên nhân của kết quả tệ hại kia đã làm nên nỗi buồn ấy bằng một câu chuyện “bốc thơm” nho nhỏ tại một trường Đại học lơn lớn nọ.
Theo dõi mục đưa tin kèm theo những trích đoạn phát biểu một số nhân vật được chọn để phát biểu trên VTV1 thì thấy có cái ông nọ, với một chức danh khoa học rất hoành tráng đã chớm đụng vào cái nguyên nhân cốt lõi của cái kết quả tệ hại trên. Thật đáng tiếc là nhà khoa học ấy chỉ chớm đụng rồi tịt ngóm khi công chúng đang chờ một tiếng nói có trách nhiệm mà họ muốn nghe ở ông ta. Không hiểu có phải “nhà đài” sợ nồi cơm bị đe doạ mà cắt phụt đi, hay nhà khoa học kia sợ vạ miệng – khi ông ta là người, hình như đang đứng đầu giới có thẩm quyền về bộ môn khoa học lịch sử đang được giảng dạy trong nhà trường – nên cười duyên rồi ngừng lại ở cái cục ung thư “giáo điều ý thức hệ” đã di căn khắp nơi và là cội nguồn tạo ra nỗi buồn lịch sử – nơi bị xuyên tạc, nói dối, biến giả thành thật – nhiều nhất.
Ông “giáo sư tiến sĩ khoa học” này trong khá nhiều trường hợp đã tỏ ra đứng đắn và đôi lúc khá can đảm để cho thấy ông ta là một người tử tế, mạnh dạn đưa ra được một vài nhận định, bình luận sắc sảo, kể cả trong những bình luận ngẫu hứng với “Những bài ca đi cùng năm tháng” được dàn dựng khá công phu trên Tivi, khiến tôi mừng thầm trong bụng “may vẫn còn được vài người”. Ấy thế rồi nỗi mừng ấy bị hụt hẫng khi diện mục sở thị ông hớn hở tụng ca một nhân vật cỡ bự hạ cố đến thăm trường cũ, để ông GS.TSKH kia tươi cười đưa ngài đến trước cái tủ kính “bày hàng” có bản “luận án tốt nghiệp đại học” thời hàn vi của ngài với những lời có cánh, bốc thơm “sự kiện lịch sử” ngài tổng chủ chưa quên thuở hàn vi! Một chi tiết vụn vặt trong xô bồ hiện tượng giữa cuộc đời nhưng lại nặng trĩu sự nhầy nhụa của những gì làm nên nỗi buồn kịch sử kia.
Vì lẽ gì? Vì trí lự và nhân cách của nhân vật được bốc thơm với bản luận án tốt nghiệp được trưng bày trong tủ kính của một trường Đại học Quốc gia nọ là một chi tiết sống động góp vào “nỗi buồn lịch sử” ấy. Đề tài của luận án tốt nghiệp kia gắn liền với một nhà thơ cách mạng từng viết: “Và nghìn thế hệ đứng sau đây. Đương nhìn ta đó! Đi đi bạn. Cất nhẹ thân lên giữa phút này” thì đúng vào “giữa phút này” – khi lớp sinh viên đại học theo tiếng gọi của đất nước khoác súng ra chiến trường – thì chàng tuổi trẻ của thuở hàn vi ấy đã nấp sau một chục trứng gà để lẩn trốn việc phải thực hiện nghĩa vụ quân sự mặc cho ai “đương nhìn ta đó”.

Ai nhìn, xin hỏi bạn cùng lớp với ngài! Nếu muốn liền mạch mà trở về cái trí lự từ buổi thiếu thời thuở ngài còn ngồi trên ghế nhà trường Phổ Thông mà thầy Phạm Kế là giáo viên dạy văn lớp “trò lú” này học, từng vui chuyện kể với bạn bè khi biết tin ngài giữ trọng trách trên lĩnh vực tư tưởng và báo chí của Đảng, mọi người đã phá lên cười cho cái sự đời “như cái lá đa, đen như mõm chó, chém cha sự đời” (lúc ấy anh Phạm Kế – bạn tôi – đã chuyển về báo Nhân Dân và sau đó về làm cán bộ chuyên trách của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam). Chắc là chàng tuổi trẻ nọ vốn không phải thuộc “dòng hào kiệt” nên chàng không “xếp bút nghiên theo việc đao cung” nhưng lại “mong tiến bệ rồng” (1) nên tuy lú nhưng lại láu, bèn dùng nghiệp viết để lách lên để cố sao cho lọt được mắt xanh “nó cũng con nhà nghèo, được cái hiền lành, dễ bảo. Như vậy là từ thuở “hàn vi”, bằng cái nết “láu vặt” ấy chàng tuổi trẻ trở thành “nhân vật lịch sử” sẽ nói ở dưới.
Phải dài dòng nhắc lại cái chuyện vặt không đáng nhắc này, nhưng rồi buộc phải làm cái việc “chẳng đặng đừng” ấy chỉ vì muốn dẫn ra một ví dụ cỏn con trong việc tô son điểm phấn cho một sự kiện về một nhân vật, thì cứ tạm cho là “nhân vật lịch sử” đi, rồi là vĩ nhân hay tội đồ thì lịch sử sẽ phán định. Khổ nỗi sự đánh bóng mạ kền của nhà “khoa học” về lịch sử, lại là người đang ở một ví trí có thẩm quyền trong giới sử học để đưa ra những kiến giải mang tính khoa học về những sự thật lịch sử, cho dù đây chỉ là một trò vặt có toan tính của kẻ tham quyền cố vị, bằng cái tài “láu vặt” của thuở hàn vi đã biết cách tự PR cho bản thân mình nhằm thực hiện dục vọng “mong tiến bệ rồng” mà vừa âm thầm vừa trắng trợn, bẩn thỉu và tàn bạo để giành giật quyền lực. Bởi vậy mới nói sự tung hô nịnh bợ kia xem ra có sức nặng góp vào “nỗi buồn lịch sử” này!
Thật ra thì cũng chẳng cần nghiêm trọng hoá quá việc vặt này làm gì ngoài cái logic bài viết cần đến. Chuyện bốc thơm để làm dậy mùi hay hạ bệ một cách oan uổng những nhân vật lịch sử thì xưa nay đâu có hiếm. Phải chăng vì thế mà cái chuyện hy hữu về bản lĩnh và khí phách của bốn anh em đều là quan thái sử nước Tề xưa kia đã ngửa cao đầu chịu chém chứ không chịu thò bút sửa câu mà người anh cả của họ đã viết “Thôi Trữ giết vua của mình là Tề Trang Công”.
Sử xanh lưu truyền một khát vọng về tính trung thực của lịch sử. Khát vọng ấy quá khó để thực hiện, vì “tính chính danh” của một triều đại, một chế độ luôn hàm chứa trong nó những nghịch lý. Thì đến bộ sử được xem là Quốc sử của ta cũng có nhiều những nghịch lý khó tránh khỏi ấy chứ nói gì đến chuyện khó tránh của cái ông giáo sư tiến sĩ khoa học đứng đầu chuyên ngành lịch sử nọ.
Một công trình tập đại thành nhiều bộ sử do nhiều nhà sử học của các đời biên soạn, từ Lê Văn Hưu đời Trần, qua Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên, Vũ Quỳnh đời Lê sơ, đến Phạm Công Trứ, Lê Hy đời Lê Trung hưng, cùng những người cộng sự với họ, được công bố vào năm 1697 dưới triều Lê Thánh Tông. Xin gợi ra một ví dụ nhỏ: Ngô Sĩ Liên, “sử quan” trong “Sử quán” của triều Lê, người giữ một vai trò quan trọng trong quá trình biên soạn đương nhiên phải lấy tư tưởng chính thống của đương triều làm chuẩn cho mọi tuyển chọn, ghi chép và thẩm bình những hiện tượng và sự kiện được ghi vào lịch sử.
Dưới ngòi bút của một nho gia như ông, tư tưởng và những thành tựu rực rỡ của Phật giáo Lý, Trần bị coi nhẹ, thậm chí “hạ bệ” những thành tựu đã đánh dấu một giai đoạn vẻ vang trong lịch sử dân tộc. Ngô Sĩ Liên phê Lý Thái Tổ, người “có mưu lược của bậc đế vương duy có việc ham thích đạo Phật, đạo Lão là đáng trách”. Ông khen Trần Nhân Tông là có tư chất nhân, minh, anh, võ nhưng lại chê rằng “chỉ có việc xuất gia là không hợp đạo trung dung, là cái lỗi của bậc hiền giả”! Cũng dưới cái tính “chính danh” mà nhiều ngòi bút viết sử đã gọi việc phế bỏ một triều đại đã mất hết vai trò vào buổi mạt kỳ tất yếu phải cáo chung, một triều đại mới thay thế để lịch sử được đẩy tới về phía trước, lại thường bị gọi là “soán ngôi”, là “thoán nghịch”.
Và rồi sự vận động của lịch sử tuân theo cái quy luật nghiêm khắc của nó, những quan điểm gọi là “chính thống” nhằm “để tôn chính thống mà nén tiếm nghịch” ấy cũng sẽ bị loại bỏ khi một triều đại sụp đổ. Cho nên, nếu lấy yêu cầu của sự phát triển của lịch sử làm điểm quy chiếu thì không thể tuỳ tiện và vội vã nhìn nhận một triều đại mới là “thoán nghịch và soán ngôi” như cách mà nhiều sử gia phải viết theo quan điểm chính thống. Thì chẳng phải là Ngô Sĩ Liên đã xác định rất rành rọt đó sao: “Vì sao mà làm quốc sử? Vì sử chủ yếu là để ghi chép sự việc. Có chính trị của một đời tất phải có sử của một đời”!
Chính vì có chính trị của một đời tất phải có sử của một đời ấy mà một cây bút có “oai tín” ở Tạp chí Cộng sản nọ vốn rất được lòng Nguyễn Phú Trọng đã không ngần ngại bốc thơm “cái hàm răng quyền lực” (3) của ngài “Tổng Chủ” đã ngoạm tuốt cả hai chức danh cao nhất của cả đảng và nhà nước. Ngòi bút, mà dân Hà Nội tặng cho một cái danh xưng quá chuẩn, hiềm vì không được “nhã” cho lắm nên chẳng tiện gọi ra đây, đã huyênh hoang nói về chuyện “Tổng” kiêm luôn “Chủ” ấy là vì “lịch sử đã chuẩn bị, đã mở đường đi cho nó, chỉ có điều chúng ta chưa cảm nhận thấy hết và không hình dung nó nhanh như chúng ta... mong đợi thôi”.(2)
Xem ra sự nịnh bợ và sự lố bịch có chung một mẫu số! Ước làm sao mà mỗi chúng ta thực hiện được mong mỏi của Einstein “Hãy có can đảm để đại diện một cách nghiêm túc những niềm tin đạo đức trong một xã hội đầy rẫy những kẻ vô liêm sỉ” để khỏi bị bôi bẩn trí tuệ vì những lời hoa mĩ rỗng tuếch án ngữ trên tờ Tạp chí Cộng sản nọ cũng như bao tờ báo “chính thống” khác mà tôi đã có dịp phân tích trong cuốn “Mênh mông thế sự để gió cuốn đi 2018” ở trang 307. Chính những tờ gọi là “siêu báo” đầy quyền lực này đã góp phần không nhỏ vào việc bóp méo và xuyên tạc lịch sử. Trách gì con em ta không muốn, không thích bộ môn lịch sử, trách gì các cô giáo thầy giáo dạy lịch sử không hào hứng gì với bộ môn gọi là “khoa học lịch sử” này.
Nhặt ra chuyện vặt bốc thơm một kẻ vô liêm sỉ trong một thời đoạn xã hội “đầy rẫy những kẻ vô liêm sỉ” chỉ nhằm nói đến cái nguyên nhân cần được xem là nguồn cội của nỗi buồn lịch sử nói trên. Để, từ chuyện vặt ấy mà soi lại cái thực trạng nhầy nhụa của hiện tượng “lộng dả thành chân” (Từ điển Hán Việt Đào Duy Anh viết rõ là dả chứ không là giả), nói vậy mà không phải vậy thường thể hiện trong ngôn từ của những kẻ đang thao túng bộ máy quyền lực. Họ không dám nhìn vào sự thật, càng không thể nói đúng sự thật. Vì, nếu nói sự thật thì tự chửi vào mặt mình.
Hãy đưa ra chỉ một chuyện: từ thời Nguyễn Văn Linh với tầm mắt thiển cận của một tổng bí thư gắn liền với tính cách hẹp hòi, định kiến và đố kỵ, đã hốt hoảng trước sự sụp đổ của hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước Đông Âu tác động trực tiếp đến đảng của ông ta và lay đổ cái ghế quyền lực mà ông ta giành được trong một “tình thế” rắc rối nội bộ, nên đã vội vã vồ lấy 16 chữ “vàng” bịp bợm của Giang Trạch Dân để chui đầu vào cái thòng lọng của “người đồng chí cùng chung ý thức hệ xã hội chủ nghĩa” dẫn tới sự kiện Thành Đô nhục nhã. Và từ đấy, những hành động xâm lược dã man và thâm độc của kẻ thù nay buộc phải nâng niu là “đồng chí” đang cùng “lý tưởng tương thông, vận mệnh tương quan” nên cấm tiệt nói rõ cái sự thật ê chệ và nhục nhã ấy.
Thế là cái truyền thống quật cường chống ngoại xâm phải buộc lùi sâu vào dĩ vãng để chỉ còn tôn thờ kẻ thù nay được Nguyễn Văn Linh rồi tiếp theo đó là những Phiêu, Mạnh, Trọng, nhất là càng về cuối mạt triều của chế độ toàn trị phản dân chủ với Mạnh và Trọng hèn hạ cam chịu thân phận chư hầu, thì nói đến yêu nước chống Trung Quốc xâm lược là phạm vào trọng tội. Một cách đổi trắng thay đen ấy đã đủ là một sự phản bội tổ quốc, chà đạp lên sự nghiệp bao đời của cha ông mở nước, dựng nước và giữ nước, giày xéo lên từng thước núi, tấc sông từng hòn đảo, từng vụng biển thấm đẫm bao nhiêu máu những người con ưu tú của đất nước.
Chúng làm sao dám nói lên sự thật ấy. Vì nói sự thật tức là thừa nhận tội ác chúng đã gây nên để quyết bám giữ cái ghế quyền lực của chúng. Chẳng trách mà ai đó đã đưa ra một đòi hỏi phũ phàng phải thường xuyên thay các “chính khách” như phải thay tã lót vậy. Còn Shakespeare thì kêu lên: “đổi đen thành trắng, biến xấu thành tốt, biến kẻ gian thành người ngay, hèn hạ thành cao sang, già cả thành trẻ trung, khiếp nhược thành dũng cảm. Đó là cái gì, hỡi các đấng thần linh bất tử?”. (3)
Không chỉ thế đâu thưa đại văn hào Shakespeare, thời Mạnh “răng chắc” còn dám làm những điều tệ hại như đòi đục bia ghi tên liệt sĩ, đập tượng nữ anh hùng chống Trung Quốc xâm lược đã dựng tại một trường học ở Lạng Sơn. Hắn dửng dưng với sự hy sinh của các các liệt sĩ tại Gạc Ma, khi có yêu cầu được tìm hài cốt liệt sĩ nơi tàu đắm tại đây, hắn đã thản nhiên gạt đi: “Cứ để họ nằm đấy đã, có sao đâu”! Rồi, ngưu tầm ngưu, mã tầm mã, cũng cùng luận điệu, Trọng “tổng chủ” trong cuộc gặp mặt với đại biểu chủ tịch công đoàn cơ sở tiêu biểu ngày 21.7.2019 vừa rồi, đúng lúc lòng dân đang dậy sóng phẫn nộ về hành động xâm lược ngang ngược của Trung Quốc trên Bãi Tư Chính thuộc lãnh hải Việt Nam, Trọng không mảy may nhắc đến sự kiện nóng bỏng này. Ông ta chỉ phủ dụ các chủ tịch công đoàn tiêu biểu “cần chú trọng giáo dục bản lĩnh chính trị, tăng cường sức đề kháng trước những biểu hiện tiêu cực, mặt trái của xã hội và sự chống phá, xuyên tạc của các thế lực thù địch, tuyệt đối không để các thế lực thù địch lợi dụng lòng yêu nước chân chính của công nhân, người lao động kích động, lôi kéo biểu tình, tụ tập gây rối, làm mất an ninh, trật tự, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc”! (theo Chinhphu.vn, 19:36, 21/7/2019).
Điều răn dạy của ông cho thấy nỗi ám ảnh đáng sợ nhất trong đầu Trọng là làn sóng phẫn nộ của lòng dân đang dâng trào. Hãy đọc vài dòng trên mạng: “Ông chỉ chăm vào việc củng cố quyền lực cho phe cánh của mình mà bỏ rơi chủ quyền đang lâm nguy, Bãi Tư Chính đang bị xâm phạm ông bỏ đi đâu mấy tháng nay mà không có một lời... sự thể tồi tệ là não trạng đu dây chính trị vẫn bị nén chặt trong cái đầu bí bách và bế tắc” của ông.
Một phân tích rất sắc sảo của blogger Nguyễn Anh Tuấn đã lột trần não trạng và tâm địa của Trọng: “Vừa phải tỏ vẻ thần phục Trung Cộng để mua thời gian, vừa phải tìm mọi cách chứng tỏ với quốc dân rằng sự thần phục đấy chỉ là hình thức, là chiến thuật ngoại giao khôn khéo để cho thấy là họ vẫn xứng đáng nắm quyền. Họ kỳ thực rất sợ kịch bản bị đánh chiếm đảo, hoặc ngay cả là mất dàn khoan, bởi nó sẽ khiến: Một là quét sạch tính chính danh cầm quyền của họ chính trên nền tảng mà họ xây dựng; con dao chủ nghĩa dân tộc bài Tàu mà họ mài dũa lâu nay rất có thể sẽ "cắt" họ bằng cái lưỡi thứ hai của nó, và Hai là không để cho họ lựa chọn nào khác ngoài việc phải sát lại với Mỹ và Tây phương và chịu mọi áp lực cải cách chính trị từ đó – đồng nghĩa với việc quyền lực độc tôn của họ sẽ bị đe dọa. Tình thế lưỡng nan này giải thích cho thái độ bất nhất thể hiện qua cả phát ngôn lẫn hành động của giới lãnh đạo.. sự bất nhất này thể hiện sự lúng túng của những người lãnh đạo mang tư duy nhiệm kỳ, chỉ nhằm mục đích mua thêm thời gian, trì hoãn một cuộc xung đột không sớm thì muộn sẽ đến. Họ chỉ mong cuộc xung đột ấy không đến trong nhiệm kỳ của mình, để trốn tránh trách nhiệm với quốc gia, với lịch sử”.
Trong thế lưỡng nan nhả chẳng ra cho nuốt chẳng vào ấy, khi đối diện với tổ chức Công đoàn, nỗi ám ảnh về quyền tự do lập hội, choáng hết chỗ trong đầu óc vốn đã lú lẫn của Trọng “tổng chủ” tìm cách đối phó, còn đâu chỗ cho nỗi lo toan về những hiểm nguy trên khu vực thuộc chủ quyền lãnh hải và thềm lục địa của đất nước ở Biển Đông. Nỗi ám ảnh về một trong những thành tố thiết yếu của xã hội dân chủ là các thành viên của nó có quyền “bày tỏ quan điểm chính trị, tham gia vào các mục tiêu văn học và nghệ thuật và các hoạt động kinh tế, xã hội và văn hóa khác, tham gia vào việc thờ phụng tôn giáo và các niềm tin khác…” mà Lời nói đầu của Nghị quyết 15/21 của Hội đồng Nhân quyền đã ghi rõ.
Cái não trạng của kẻ muốn duy trì một chế độ toàn trị phản dân chủ, buộc mọi suy nghĩ và hành động của mọi công dân phải răm rắp tuân theo cái gậy chỉ huy hắn đang nắm sẽ chẳng thể nào cam chịu thực hiện những điều ghi trong Công ước số 87 – Công ước về quyền tự do hiệp hội và về việc bảo vệ quyền được tổ chức, 1948 mà Việt Nam đã ký kết tham gia. Đặc biệt là Điều 3 và điều 4 quy định rằng: “Các cơ quan có thẩm quyền phải tránh mọi sự can thiệp có tính chất hạn chế quyền đó, hoặc cản trở việc thi hành hợp pháp quyền đó... Các tổ chức của người lao động và của người sử dụng lao động không thể bị bất cứ một cơ quan hành chính nào buộc phải giải tán hoặc đình chỉ”.
Cùng hội cùng thuyền với kẻ “cùng chung ý thức hệ xã hội chủ nghĩa”, khi nhân quyềnđã trở thành khái niệm đáng sợ nhất đối với nhà cầm quyền Trung Quốc như một nhà báo Hồng Kông vừa viết trên Epoch Times, Trọng cũng đang bị ám ảnh bởi nỗi sợ ấy của quan thầy. Bởi vậy, chuyện Trọng không mảy may lên tiếng về bọn xâm lược đang ngang ngược hoành hành trên vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam khiến lòng dân đang sục sôi thì chẳng có gì lạ cả. Không chỉ tại cuộc gặp đại diện Công đoàn ngày 24.7, mà trong cuộc chủ trì buổi họp của Tiểu ban Chỉ đạo Chống tham nhũng, Trọng đủ sức để cao đàm khoát luận rất chi là mạch lạc những răn dạy khá hùng hồn đầy tính hăm doạ dành cho những “củi” đã, đang, và sẽ bị tống vào “cái lò bát quái” của ông ta, nhưng vẫn tuyệt đối không hé một lời về kẻ cướp đang xâm lấn chủ quyền đất nước! Ai đó đã viết đúng, nếu không thế thì đã không là Trọng! Đã có lời bình rằng chưa chừng cái não trạng của một kẻ vừa thoát khỏi một cú gục ngã chí mạng mà nguyên nhân vẫn còn mờ mờ ảo ảo đang lây nỗi sợ “phùng cửu tất loạn” (4) của quan thầy họ Tập ám ảnh cũng nên. Từng phải mượn “kim cang quyền ấn” để tự trấn an khi đi bên cạnh quan tài Trần Đại Quang thì lối suy diễn nói trên cũng chẳng phải là vô căn cứ. Trong tình thế nước sôi lửa bỏng khi Trung Quốc ngang ngược tiếp nối hành động gây hấn, tạo ra cuộc khủng hoảng sự kiện Tư Chính trong ba năm liền 2017, 2018 và 2019 hiện nay thì Trọng vẫn tiếp tục theo đuổi chính sách “đu dây chính trị” mà thực chất là sự luẩn quẩn bế tắc về đường lối, vừa muốn độc chiếm tính chính danh nấp sau cái chiêu bài đại diện cho nhân dân, cho đất nước, vừa muốn duy trì lợi ích của chính mình và phe nhóm. Nổi rõ lên và là nhân tố chi phối sự luẩn quẩn bế tắc đó là cuồng vọng tham quyền cố vị của Trọng đang phơi bày ra quá lộ liễu! Điều này thì xem ra cũng là đúng “quy luật” thôi.
Cứ mở Hoàng Lê Nhất Thống Chí ra mà đọc để rồi nghiệm ra rằng, lịch sử dường như lặp lại. Vào buổi mạt triều chúa Trịnh Sâm “từ mấy năm nay, bệnh của chúa vẫn thường hay phát trở lại. Khi thì một tháng, khi thì nửa tháng, mỗi lần bệnh phát thường nguy kịch, nhưng dần dần cũng lại khỏi” (tr.27). “Bảy viên đại thần ngày đêm túc trực ở trong phủ, chia nhau coi sóc mọi việc” (tr.32).“Hết thảy mọi việc trong thiên hạ đều do một tay Quận Huy quyết định, không có ai bàn qua nói lại gì hết. Nguyên sáu người kia, không phải hết thảy đều một lòng với Quận Huy cả. Chẳng qua thấy họ có địa vị và danh vọng, nên Quận Huy mới lôi kéo họ vào cùng cánh với mình để họ khỏi có ý khác mà thôi” (tr.33). Vì vậy mà có câu Sáu ông cố mệnh ngẩn ngơ, Để cho Huy Quận vào rờ chính cung”. Và dân gian thì đặt vè nói về sự đổ nát thê thảm của một vương triều “Đục cùn thì giữ lấy tông, đục long, cán gẫy còn mong nỗi gì” (nhằm chỉ phe đảng theo sự thao túng của thế lực Đặng Thị Huệ xúi giục phế bỏ Trịnh Tông là con trưởng để lập Trịnh Cán là con út làm thế tử) (tr.27 và tr.34) . Trịnh Sâm ngồi trên ngai được 16 năm.
Dẫn chuyện xưa để nối kết với chuyện nay bình về thời cuộc của một ngòi bút sắc sảo vừa dẫn ở trên: “chỉ vì luyến tiếc thứ quyền lực độc tôn cho cá nhân, gia đình và đảng của họ. Nếu tiếp tục những giải pháp tình thế nhằm kéo dài thời gian như lâu nay, mà không có bất kỳ ý hướng cải cách sâu rộng quốc gia nào, họ chỉ có thể chuốc lấy thất bại nhục nhã và ghi tên mình trên những dòng ô danh của lịch sử nước nhà”. Lịch sử rất công minh và sòng phẳng. Vì vậy, cái sọt rác của lịch sử chứa đầy những tội đồ buôn dân bán nước một thời diễu võ giương oai, rồi sớm phải nhận thêm những tội đồ mới đang hèn với giặc, ác với dân với bao mưu ma chước quỷ trong cuộc đấu đá tranh giành quyền lực phải tự cáo chung để lịch sử đi tới.
T. L.
Chú thích:
1. Chinh phụ ngâm: “Chàng tuổi trẻ vốn dòng hào kiệt. Xếp bút nghiên theo việc đao cung. Thành liền mong tiến bệ rồng...”
2. Mênh mông thế sự để gió cuốn đi 2018. trang 294 dẫn theo Vietnamnet ngày 4.10.2018
3. Mênh mông thế sự để gió cuốn đi số 73. 2019
4. Mênh mông thế sự để gió cuốn đi 2017. Trang 238
5. Lịch sử đương đại của Trung Quốc ghi nhận rằng cứ 10 năm, vào năm kết thúc bằng số 9, lại xảy ra một sự kiện chính trị, xã hội lớn. Đây dường như đã trở thành qui luật lịch sử của Đảng Cộng sản Trung Quốc mà không phải là mê tín, theo nhà phân tích Thái Văn Văn đăng trên Epoch Times.
Ngày 26.7.2019


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét