Thứ Hai, 22 tháng 7, 2019

Quan điểm của Mỹ về Biển Đông


Chu Mộng Long
Quan điểm đối thoại thay đối đầu bằng vũ lực. Luật biển là chỗ dựa cho đối thoại.
Tôi định không nói gì về sự kiện loại này vì quá sợ hãi bị xuyên tạc, chụp mũ, vu khống từ cả hai lề truyền thông.
Nhân đọc quan điểm của Mỹ về biển Đông trước sự kiện bãi Tư Chính, tôi chỉ nói thêm, nếu chiến tranh diễn ra, chỉ có con em dân đen chết trước. Trong khi kẻ có quyền lực, dù thắng hay bại cũng đều hưởng lợi. Bại thì chúng đầu hàng và làm tay sai cho giặc. Còn thắng thì chúng khai thác lợi ích trên chính xương máu của những người đã hy sinh. Chủ quyền ư? Ai là ngưòi làm chủ? Khi một chính quyền không do dân vì dân thì chủ quyền thuộc về thiểu số kẻ thống trị. Chúng khai thác bừa bãi làm cạn kiệt tài nguyên đất nước và tiếp tục vắt kiệt xương máu của dân đen để làm giàu cho cá nhân. Dân đổ ra bao nhiêu xương máu để bảo vệ chủ quyền nhưng thực sự đã có chủ quyền chưa hay chủ quyền chỉ thuộc một nhóm lợi ích? Lịch sử bốn nghìn năm qua với xương máu chồng chất của dân, ai là kẻ có thực sự chủ quyền đối với đất nước?
Điều này Hồ Chí Minh đã từng cảnh báo ngay từ khi giành độc lập: "Độc lập mà không có tự do thì hoàn toàn vô nghĩa". Vấn đề chủ quyền cũng vậy. Có chủ quyền mà dân không có quyền quyết định chính sách về khai thác tài nguyên đất nước thì đó là chủ quyền ảo. Tài nguyên được gọi là sở hữu toàn dân nhưng giá cả nhu yếu phẩm như điện, xăng do tài nguyên sinh ra thì lại do các nhóm lợi ích độc quyền quyết định, lời chúng ăn lỗ bắt dân chịu thì đó là chủ quyền gì? Đến mức mảnh đất cư trú của mình cũng không được bảo hộ thì đó không phải là chủ quyền. Dân vẫn muôn đời là nô lệ. Không nô lệ ngoại bang thì cũng nô lệ bởi chính dân tộc mình nếu không xây dựng được một nhà nước của dân do dân vì dân hay một chính phủ liêm chính.

Đơn giản thế này. Một mỏ dầu thuộc chủ quyền của một quốc gia nhưng một nhóm lợi ích độc quyền khai thác, hoặc bán ra nước ngoài hoặc bán cho dân với giá cắt cổ để làm giàu cho cá nhân bất chấp lợi ích của dân thì chủ quyền đó có cũng như không. Và biết đâu có khi chủ quyền rơi vào tay ngoại bang lại tốt hơn, vì chí ít dân không phải è cổ ra đóng thuế bù lỗ cho những cái tàu há mồm ăn nhiều hơn làm ra?
Có chủ quyền mà không có dân chủ thì đó là chủ quyền chiếm hữu nô lệ. Không tin thì hỏi ông K. Marx.
Trong tranh chấp biển Đông, lộ mặt rõ ràng ai chính ai tà, ai tôn trọng chủ quyền và ai là kẻ cướp. Sự gây hấn của nhà cầm quyền Bắc Kinh là sự thật không thể bào chữa. Nhưng trong một giới hạn và sự kiềm chế cần thiết, chúng ta không thể đáp trả bằng bạo lực. Trong tình hình hiện nay chỉ có quan hệ ngoại giao đa phương, đối thoại hòa bình là kế gìn giữ an toàn.
Điều đáng sợ hiện nay theo tôi không phải giặc ngoài bởi còn có tai mắt quốc tế. Kẻ gây hấn trước thường thất bại, trừ phi có nội gián tiếp tay. Đáng sợ nhất là giặc ngoại xâm chưa đánh thì đã thấy xảy ra nội loạn. Xuyên tạc, chụp mũ, vu khống, đấu tố nhau diễn ra khốc liệt như thời cải cách ruộng đất ngay trên không gian mạng của ngưòi Việt với nhau. Xem chừng vì lòng yêu nước mà dân ta nồi da xáo thịt chỉ vì phụng sự những ông chủ khác nhau. Và đáng lo là vì thể hiện chủ quyền mà ai cũng thấy mình được quyền tàn sát kẻ khác. Người Việt hung hăng với chính dân tộc mình nên khó có chuyện yêu nước gắn liền với yêu dân tộc. Giặc ngoài và các nhóm lợi ích đang cần điều đó, bởi không lợi ích nào lớn bằng buôn xương máu dân đen.
Chủ quyền gắn liền với dân chủ. Dân chủ gắn liền với dân trí, tiến bộ và văn minh thông qua ý thức tự do và bình đẳng. Ai cũng tranh nhau làm chủ, biến kẻ khác thành nô lệ thì đó là ý thức chủ nô. Ngược lại, cứ to mồm hô hoán hay sẵn sàng xông lên đổ xương máu cho kẻ thống trị hưởng lợi thì đó là não trạng nô lệ.
Não trạng nô lệ nhưng hoang tưởng làm chủ đang ăn sâu trong mỗi ngưòi Việt. Đừng hão huyền về chủ quyền và hãy thoát chính mình trước khi đòi thoát Trung.
C.M.L.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét