Thứ Tư, 24 tháng 7, 2019

Từ Formosa đến EVFTA


Thục Quyên
Thảm họa môi trường Formosa và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Liên minh Âu châu đều có quan hệ nghiêm trọng tới đời sống người dân Việt, và điểm đặc biệt là có dính líu trực tiếp đến một hay nhiều nước ngoại quốc. Vì không còn là một vấn đề hoàn toàn Việt Nam nên trên lý thuyết, nhà cầm quyền Việt Nam không thể nại cớ quốc tế không được can thiệp vào việc nội bộ quốc gia để thoải mái hoành hành, áp bức người dân, và người Việt, nếu chịu khó tìm hiểu những luật lệ quốc tế, còn có con đường lên tiếng đòi hỏi công lý trên bình diện quốc tế. Con đường này đòi hỏi nhiều kiến thức. Quan trọng vẫn là phải biết mình và biết người, cũng như chịu học hỏi và trau dồi kỹ năng.
I. Chuyện đã xảy ra: Thảm họa môi trường Formosa
Thảm họa môi trường Formosa đã xảy ra vào tháng 4 năm 2016. Tới nay đã hơn 3 năm nhưng ngoài sự kiện Công ty Formosa Hà Tĩnh, sau khi cùng nhà chức trách Việt Nam nói dối quanh, đã nhận lỗi dưới phản ứng mạnh mẽ của người dân, thì những tin tức tối cần thiết liên quan tới thảm họa vẫn chưa được loan ra đúng mức: kết quả điều tra, tầm mức thảm họa (môi sinh, con người, vật chất), bồi thường thiệt hại, và quan trọng nhất là biện pháp phòng ngừa tái diễn.
Để quản lý một thảm họa môi trường khi nó xảy ra, những tổ chức quốc tế như WHO (World Heath Organization/Tổ chức Y tế Thế giới) đã nhấn mạnh trên quan hệ đối tác nhiều bên bắt buộc phải có, liên kết chính quyền trung ương, chính quyền địa phương, khu vực tư nhân và các tổ chức xã hội dân sự. Tại Việt Nam người dân bị bỏ mặc đối diện một hiểm nguy tuy gây chết chóc tan hoang, nhưng không hình tướng, khiến họ không còn biết chống đỡ hoặc ngay cả trốn chạy ra sao.
Một tình trạng vô cùng dã man!
Thảm họa môi trường Formosa không phải đã hoàn toàn thuộc vào dĩ vãng
Công ty Formosa Hà Tĩnh vẫn tiếp tục hoạt động, ngày ngày thải ra những chất độc hại cho tới nỗi tháng 5/2019 Sở Tài nguyên-Môi trường tỉnh Thái Nguyên phải lên tiếng báo động(1). Tổng cục Môi trường, ngược lại, loan tin từ năm 2016 đến nay đã triển khai 13 đoàn giám sát công tác bảo vệ môi trường tại Formosa và từ tháng 7/2016 đến nay nước thải, khí thải của Formosa trước khi xả ra ngoài môi trường luôn đạt quy chuẩn Việt Nam cho phép, một số thông số dần tiếp cận với tiêu chuẩn của các nước tiên tiến trên thế giới(2). Những đoàn giám sát này gồm những người có khả năng ra sao, làm việc với những phương tiện nào, quy chuẩn Việt Nam cho phép so với tiêu chuẩn các nước khác thì ra sao? Có ai so sánh chưa?
Đó không phải là những câu hỏi của Thủ tướng Phúc khi thị sát ngày 20/7/2019 vừa qua. Quan tâm của ông là tỉnh Hà Tĩnh phải giữ gìn an ninh trật tự để nhà đầu tư yên tâm làm ăn.
Các chuyên gia

Trên khắp thế giới, khi một thảm họa môi trường xảy ra, người dân nước nào dù văn minh tới đâu, cũng không đủ khả năng hiểu biết để tự vệ hữu hiệu, và họ cần được bảo vệ bởi sự hiểu biết của các chuyên gia và sự tổ chức của Chính phủ. Tụ tập để chống đối, kêu cứu, thưa kiện của người dân chỉ là phản ứng tự vệ nhưng không phải là chương trình để có thể quản lý thảm họa.
Nhà cầm quyền Việt Nam chịu phần lớn trách nhiệm vì đã không bảo vệ dân, là điều không thể chối cãi, nhưng cạnh đó, điều mà dân Việt nên lo hơn nữa, là đất nước có còn những chuyên gia mang trách nhiệm nghề nghiệp của mình hay không? Và câu hỏi lớn là Việt Nam liệu có chuyên gia có khả năng phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế không?
Làm sao giám sát những dự án khổng lồ giao cho những công ty ngoại quốc?
Lẽ dĩ nhiên với một nhà cầm quyền độc tài ngăn cản thì tìm hiểu nguyên nhân thảm họa Formosa, hay theo dõi những gì Công ty Formosa Hà Tĩnh đang làm, không phải là chuyện dễ, nhưng không phải là vô phương. Chắc chắn kín đáo thu thập dữ kiện, bằng chứng, tới một mức độ nào đó, là điều khả thi. Mọi chuyên gia bất cứ trong lãnh vực nào khi điều tra một việc gì, đều biết là bắt đầu phải quan sát, thu thập thông tin và bằng chứng (quan trọng cho mọi lãnh vực), và để làm việc này thiết nghĩ không cần phải ra mặt công khai danh tính, không nên tuyên bố khi chưa điều tra xong, không nên lifestream cho biết việc đang làm. Nếu nghĩ đến mục đích chung và để bảo vệ an ninh cho chính mình, có thể gửi những kết quả điều tra cho những người hay những tổ chức ở hải ngoại mà mình tin tưởng.
Thảm họa Môi trường Formosa không chỉ có yếu tố môi trường mà còn có yếu tố xã hội và nhân bản. Muốn chống lại những vi phạm của Công ty Formosa Hà Tĩnh bất cứ về mặt nào, cũng đòi hỏi phải thu thập dữ liệu chính xác và đáng tin cậy: đó là công việc của những chuyên gia, hay những người đã được đào tạo chuyên môn. Một chuyên gia, như một bác sĩ khi định bệnh, mới có thể biết những chi tiết nào cần nhận diện và tìm hiểu để giúp tìm ra bệnh. Một chuyên gia đúng nghĩa cũng phải giữ thái độ nhẫn nại và khoa học khi quan sát và thu thập thông tin một cách có hệ thống, tránh cảm tính và tránh gây “sự kiện”. Một thí dụ điển hình là cuối năm 2017 cho tới tháng 2/2018 nhà xã hội học Pháp Paul Jobin đã đến quan sát trực tiếp và phỏng vấn được một số nạn nhân của thảm họa Formosa tại Hà Tĩnh, Quảng Bình và Nghệ An(3).
Cho tới tháng 5/2017, trong chuyến đi vận động quốc tế ở Âu châu về vấn đề thảm họa Formosa, chính Giám mục Giáo phận Vinh Nguyễn Thái Hợp đã cho biết chuyến đi ngoài dự phóng cũng như chuyên môn của ông(4). Nhưng tại sao một năm dài sau khi thảm họa xảy ra, không có những người chuyên môn bên cạnh ông trong một chuyến đi quan trọng như vậy? Điều này cho thấy sự không vững vàng khi tổ chức, hoặc là Việt Nam cả trong lẫn ngoài nước không có những chuyên gia để phụ giúp ông?
Kiện một công ty ngoại quốc tại quốc gia xuất xứ
Công ty trách nhiệm hữu hạn gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS), gồm 70% thuộc sở hữu của Tập đoàn công nghiệp Đài Loan Formosa Plastics Group, 25% thuộc sở hữu của CSC China Steel Corporation,và JFE Steel của Nhật Bản sở hữu 5% còn lại. Qua China Steel Corporation CSC, Chính phủ Đài Loan có cổ phần trong Formosa Hà Tĩnh. Thêm vào đó, đằng sau Formosa Plastics là MCC, Metallurgical Corporation of China Ltd. (Tập đoàn Công ty Luyện kim Trung Hoa)(5).
Được ký kết và bắt đầu từ năm 2008 Formosa Hà Tĩnh đã được Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng ưu đãi miễn thuế như chưa từng có(6). Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục bảo vệ Formosa Hà Tĩnh trong suốt thời gian công ty này gây thảm họa môi trường, đàn áp người dân muốn nộp đơn kiện Công ty Formosa. Theo báo Dân Trí ngày 20/07/2018 Thủ tướng Phúc “đánh giá cao việc FHS đã đầu tư trên 11 tỷ USD, là dự án FDI lớn nhất tại Việt Nam; đã tạo công ăn việc làm cho 12.000 lao động với mức thu nhập ổn định và đóng góp ngân sách địa phương, góp phần giảm nhập siêu cho Việt Nam”(7).
Trước khi thảm họa môi trường Formosa xảy ra, khoảng 30 ngân hàng Đài Loan và quốc tế đã cho công ty Formosa Hà Tĩnh mượn 3,5 tỷ Mỹ kim(8), trong số đó có 2 ngân hàng thuộc Chính phủ Đài Loan: Bank of Taiwan và Land Bank of Taiwan. Hai ngân hàng này đã từ chối lời yêu cầu của một số tổ chức phi Chính phủ Đài Loan và không chấp nhận gia nhập Nguyên tắc Xích đạo (Equator principles), là nguyên tắc nhằm đảm bảo rằng các dự án được đầu tư sẽ cố gắng thực hiện các trách nhiệm xã hội cũng như hoạt động quản lý môi trường bền vững. Nhờ đó, tác động tiêu cực của dự án đến hệ sinh thái và cộng đồng có thể được ngăn ngừa; hoặc trong các trường hợp bất khả kháng, những tác động này sẽ được giảm thiểu và/hoặc được đền bù thỏa đáng. Vì Chính phủ Đài Loan có cổ phần trong Formosa Hà Tĩnh (qua CSC)?
Ngược lại, 2 ngân hàng tư Cathay United Bank và E.SUN Commercial Bank đã sẵn sàng ký gia nhập Nguyên tắc Xích đạo.
Theo tổ chức Global Voices, chính quyền Đài Loan cũng không chịu sửa đổi bản Statute for Industrial Innovation (Quy chế đổi mới công nghiệp), mà theo đó, Chính phủ Đài Loan không có quyền trừng phạt một công ty Đài Loan vì những hành vi sai trái của công ty này về nhân quyền và về môi trường tại nước ngoài
Tuy nhiên, Thông cáo báo chí chung (tiếng Anh)(9) của:
- Tổ chức Công lý cho Nạn nhân Formosa (JFFV),
- Văn phòng Lao động và Di dân Việt Nam của Giáo phận Hsinchu (VMWIO),
- Hiệp hội Luật sư bảo vệ môi trường (EJA),
- Quỹ bảo vệ Quyền Môi trường (ERF),
- Hiệp hội Thúc đẩy Nhân quyền Đài Loan (TAHR), và
-Hiệp hội Theo dõi Thực thi Công ước Liên Hiệp Quốc (Covenant Watch),
lại cho biết ngày 11/06/2019, những tổ chức này đã thay mặt gần 8000 nạn nhân trong vụ thảm hoạ Formosa, cùng đệ đơn trước Toà án Đài Loan (tại Đài Bắc) kiện:
- Tập đoàn Formosa (FPC),
- Tập đoàn thép Trung Quốc (Đài Loan) (CSC),
- Tập đoàn thép Nhật (JFE),
- cũng như Công ty Gang Thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS),
- và tất cả các Giám đốc của các Hội đồng quản trị.
với lý do hầu hết tất cả các bị cáo đều ở Đài Loan và tất cả các liên quan đến chính sách quản lý của FHS đều nhận từ FPC cũng ở Đài Loan, Tòa án Đài Loan phải có thẩm quyền xét xử.
Bên khởi kiện đòi bồi thường tất cả các thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản, cũng như quyền nhân thân cho các nạn nhân. Theo ông Zhang Yu-Yin, Chủ tịch Hiệp hội Luật sư Bảo vệ môi trường (EJA), việc vi phạm là ở Việt Nam, vì vậy thực chất đòi hỏi phải áp dụng luật pháp Việt Nam.
Trong thư thông báo tiếng Việt kêu gọi gây quỹ(10) giúp chi phí cho vụ kiện, tổ chức “Công lý cho Nạn nhân Formosa JFFV” còn cho biết mục đích của vụ kiện còn là đòi hỏi làm sạch vùng biển bị ô nhiễm, điều mà trong bản thông cáo báo chí tiếng Anh không nhắc tới. Cần kiểm chứng lại.
Tuy chưa rõ Toà án Đài Loan có thẩm quyền xét xử và có thể áp dụng luật pháp Việt Nam để xét xử hay không, việc vận động được các tổ chức Đài Loan hợp tác để có thể khởi kiện đã là kết quả đáng khâm phục sau 2 năm làm việc cực khổ của Linh mục Nguyễn Văn Hùng tại Đài Loan và tổ chức “Công lý cho Nạn nhân Formosa” (JFFV) tại Mỹ.
Nhầm lẫn đáng tiếc về tin khiếu nại tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc
Tổ chức “Công lý cho Nạn nhân Formosa JFFV” loan báo(11) ngày 27/05/2019 đã được Văn phòng luật sư Philippe La Rochelle đại diện để nộp đơn khiếu nại tại Ủy ban Nhân quyền LHQ.
Đúng ra đây là “Thủ tục khiếu nại với Hội đồng Nhân Quyền LHQ”.
Khi loan báo “Đơn tố cáo cũng yêu cầu Ủy Ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc hãy khuyến cáo và trừng phạt Nhà nước Việt Nam nếu họ không thực hiện những điểm sau..”., tổ chức JFFV đã thông tin sai lệch, cho thấy dù đứng đơn khiếu nại, JFFV không có sự hiểu biết về tinh thần của thủ tục này.
Thủ tục Khiếu nại của Hội đồng Nhân quyền LHQ là một thủ tục làm việc kín trong suốt giai đoạn cứu xét và kết quả thường không được công bố. Hội đồng Nhân quyền dùng thủ tục này để giúp các nạn nhân bằng cách gia tăng sự hợp tác với quốc gia liên hệ để chỉnh sửa những vi phạm. Trong những trường hợp vi phạm qúa trầm trọng, các biện pháp đối phó mà Hội đồng Nhân quyền đưa ra cũng không bao giờ mang tính cách chế tài. Biện pháp nặng nhất là đưa vấn đề ra bàn luận trong một phiên họp công khai.
Dù sao, quyết định của JFFV nhờ luật sư nộp đơn khiếu nại với Hội đồng Nhân quyền LHQ là rất đúng. Vì nếu đơn hội đủ một số những tiêu chuẩn nhận đơn và được chấp thuận cứu xét, thì nhà cầm quyền Việt Nam sẽ phải trả lời trước Hội đồng NQ về những vi phạm NQ cáo buộc bởi JFFV: một tình trạng hết sức bẽ mặt và có thể mang lại những thất bại về ngoại giao, thương mại.
Vận động quốc tế
Trong công việc vận động, không học hỏi kỹ càng, hiểu biết sai lầm, vô tình hay cố ý loan tin sai lệch, lẫn lộn những mơ ước với thực tế, là những điều cần phải tránh tối đa, để không làm lỡ những cơ hội có thể được quốc tế hỗ trợ mà đồng thời còn gieo hoang mang thất vọng cho những người đã tin tưởng để nuôi hy vọng rồi chờ đợi một điều không thể xảy ra.
II. Chuyện sắp tới: Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Liên minh Âu châu
(Còn tiếp)
__________
Chú thích:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét