Trần
Gia Phụng
Sau khi vua Bảo Đại công bố Bản
TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP ngày 11-3-1945, Phạm Quỳnh cùng toàn thể thượng thư sáu bộ
trong triều đình Huế xin từ chức. Vua Bảo Đại triệu tập nhân sĩ khắp nước đến
gặp, để thăm dò việc thành lập chính phủ mới.
TRẦN
TRỌNG KIM LẬP CHÍNH PHỦ
Lúc đó, người Nhật đưa Trần
Trọng Kim từ Singapore về Sài Gòn ngày 30-3-1945, rồi đưa ông ra tới Huế ngày
5-4-1945. Trần Trọng Kim sinh tại Hà Tĩnh năm 1883, học trường Vinh, rồi trường
Thông sự Ninh Bình. Năm 1905, ông qua Pháp, học trường Thương mại La Salle tại
Lyon, sau chuyển qua trường Thuộc Địa Pháp, rồi trường Sư Phạm Melun.
Tốt nghiệp năm 1911, ông trở về
nước dạy tại trường Trung học Bảo Hộ (Lycée du Protectorat) và trường Sĩ Hoạn
(Hà Nội), rồi làm Thanh Tra Tiểu học Bắc Kỳ, hưu trí năm 1942. Ông viết nhiều
sách nghiên cứu giá trị về văn chương, triết học, nhất là bộ Việt Nam
sử lược, xuất bản lần đầu tại Hà Nội năm 1920.
Năm 1943, được tin bị người
Pháp nghi ngờ, ông nhờ người Nhật đưa vào Sài Gòn cùng Dương Bá Trạc. Đầu năm
1944, hai ông qua Singapore. Tại đây Dương Bá Trạc từ trần vì bịnh phổi ngày
10-12-1944. Tháng 1-1945, Trần Trọng Kim đi Bangkok. Ông trở về nước sau khi
Nhật đảo chánh Pháp ngày 9-3-1945.
Là một nhà giáo và là một nhà
nghiên cứu nghiêm túc, Trần Trọng Kim cho rằng vua Bảo Đại là vị vua ham ăn
chơi, không chăm lo việc nước nên không muốn gặp. Tuy nhiên, theo lời khuyên
của Hoàng Xuân Hãn, Trần Trọng Kim đồng ý triều yết vua Bảo Đại ngày 7-4-1945.
Gặp xong, ông thay đổi ý kiến.
Hoàng Xuân Hãn kể lại như sau:
“Cụ [Trần Trọng Kim] hỏi tôi thì tôi cũng nói với cụ nên
gặp ông Bảo Đại, rồi có ý gì thì cụ nói sau, chứ cụ đừng có nói trước. Cụ cứ
bảo: “Bảo Đại là một cái anh chỉ biết ăn chơi, không hiểu cái gì cả”. Cụ cứ nói
như thế. Sau cụ vào thăm ông Bảo Đại thì cụ ngồi đến 2, 3 giờ đồng hồ cơ. Lúc
ra thì trái lại, lại thấy cụ nói: “Nó thông minh lắm chứ không phải như tôi
tưởng.” (Hoàng Xuân Hãn trả lời phỏng vấn đài R.F.I (Paris) do Thụy Khê
thực hiện, đăng lại trong mục “Những cuộc tiếp xúc khó quên”, sách La
Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn (1908-1996), do Hữu Ngọc – Nguyễn Đức Hiền sưu
tập, tập I, Con người và trước tác (phần 1), Hà Nội: Nxb. Giáo Dục, 1998, tr.
481.)
Trong cuộc triều yết nầy (7-4),
Trần Trọng Kim đề nghị với vua Bảo Đại nên mời Ngô Đình Diệm lập chính phủ. Nhà
vua liền nhờ người Nhật tìm kiếm ông Diệm để mời ông ra chấp chánh. Người Nhật
trả lời không kiếm được ông Diệm, mặc dầu ông Diệm đang sinh sống tại Sài Gòn.
Theo Trần Trọng Kim, có thể vì ông Diệm thuộc phe cánh Kỳ Ngoại Hầu Cường Để,
mà cuối thế chiến thứ hai, Nhật không chọn Cường Để và chọn vua Bảo Đại, nên
Nhật cũng không mời ông Diệm. (Lệ Thần Trần Trọng Kim, Một cơn gió bụi,
Sài Gòn: Nxb. Vĩnh Sơn, 1969, tt. 49-50.)
Vua Bảo Đại đợi ba tuần lễ mà
không gặp được Ngô Đình Diệm, nên nhà vua uỷ cho Trần Trọng Kim đứng ra lập nội
các. Lúc đầu, Trần Trọng Kim từ chối, thì vua Bảo Đại nói: “Trước kia người
mình chưa độc lập. Nay có cơ hội, tuy chưa phải độc lập hẳn, nhưng mình cũng
phải tỏ ra có đủ tư cách độc lập. Nếu không có chính phủ thì người Nhật bảo
mình bất lực, tất họ lập cách cai trị theo thể lệ nhà binh rất hại cho nước ta.
Vậy ông nên vì nghĩa vụ cố lập thành một chính phủ để lo việc nước.” Sau
lời thuyết phục của vua Bảo Đại, Trần Trọng Kim “thấy vua Bảo Đại thông minh
và am hiểu tình thế, liền tâu rằng: “Nếu vì quyền lợi riêng tôi không dám nhận
chức gì cả, song ngài nói vì nghĩa vụ đối với nước, thì dù sao tôi cũng cố hết
sức. Vậy xin ngài cho tôi vài ngày để tôi tìm người, hễ có thể được tôi xin tâu
lại.” (Lệ Thần Trần Trọng Kim, sđd. tr. 51.
Trần Trọng Kim thấy hữu lý nên
chấp thuận. Ông đưa ra hai tiêu chuẩn để chọn bộ trưởng vào chính phủ: “Một:
phải có đủ học thức và tư tưởng về mặt chính trị, hai: phải có đức hạnh chắc
chắn để dân chúng kính phục.” (Lệ Thần Trần Trọng Kim, sđd. tr.
51.)
Ngày 17-4-1945, tại điện Thái
Hòa (Huế), Trần Trọng Kim trình danh sách chính phủ lên vua Bảo Đại và được
chuẩn y. Lúc đó, có cả sự hiện diện của viên đại sứ Nhật tại Huế là Massayuki
Yokohama. Nội các Trần Kim gồm đa số là những chuyên gia và trí thức: “Tất
cả những vị nầy đều là những vị ái quốc chân thành. Họ không hận thù gì nước
Pháp. Trẻ tuổi, can đảm, ý thức được nhiệm vụ ngắn ngủi của mình, họ muốn rằng
chủ quyền quốc gia được đánh dấu khởi đầu từ họ.” (Bảo Đại, sđd. tr.
167.)
Sau đây là thành phần chính phủ
Trần Trọng Kim tại Huế ngày 17-4-1945:
Nội các Tổng trưởng [thủ tướng]
: Trần Trọng Kim, giáo sư
Nội vu Bộ trưởng : Trần Đình
Nam, y sĩ
Ngoại giao Bộ trưởng : Trần Văn
Chương, luật sư
Tư pháp Bộ trưởng : Trịnh Đình
Thảo, luật sư
Gíáo dục và Mỹ nghệ Bộ trưởng :
Hoàng Xuân Hãn, toán học thạc sĩ
Tài chánh Bộ trưởng : Vũ Văn
Hiền, luật sư
Thanh niên Bộ trưởng : Phan
Anh, luật sư
Công chánh Bộ trưởng : Lưu Văn
Lang, kỹ sư [Không nhận]
Y tế Bộ trưởng : Vũ Ngọc Anh, y
khoa bác sĩ
Kinh tế Bộ trưởng : Hồ Tá
Khanh, y khoa bác sĩ
Tiếp tế Bộ trưởng : Nguyễn Hữu
Thí, cựu y sĩ
(Lệ Thần Trần Trọng Kim, sđd. tt.
52-53.)
CHÍNH
PHỦ TRẦN TRỌNG KIM KHÔNG CÓ BỘ BINH
Đây là chính phủ đầu tiên của
Việt Nam độc lập được tổ chức theo cơ cấu tây phương, gồm nhiều bộ. Đứng đầu
mỗi bộ là một vị bộ trưởng phụ trách chuyên ngành. Tất cả những bộ trưởng trong
chính phủ đều là những chuyên gia tân học, gồm một giáo sư, hai kỹ sư, bốn bác
sĩ, bốn luật sư. Đặc biệt chính phủ nầy không có bộ Binh, hay bộ Quốc phòng,
hoặc bộ An ninh.
Trước đây, sau khi vua Bảo Đại
từ Pháp về cầm quyền năm 1932, Pháp cải tổ triều đình Huế ngày 2-5-1933, bộ
Binh bị bãi bỏ. Nay chính phủ Trần Trọng Kim dưới quyền vua Bảo Đại cũng không
có bộ Binh. Không biết lý do nào, một chính phủ được tổ chức theo lối mới, lại
không có bộ Binh hay bộ Quốc phòng? Riêng Trần Trọng Kim, trong hồi ký của
mình, giải thích như sau:
“Việc binh bị trong nước là việc quan trọng đến vận mạng cả nước,
mà lúc ấy quân lính và súng ống không có. Ở kinh đô Huế có tất cả hơn một trăm
lính bảo an, tức lính khố xanh cũ, và sáu bảy chục khẩu súng cũ, đạn cũ, bắn
mười phát thì năm sáu phát không nổ. Ở các tỉnh cũng vậy, mỗi tỉnh có độ 50
lính bảo an, các phủ huyện thì có độ chừng vài chục người. Việc phòng bị do
quân Nhật Bản đảm nhiệm hết. Vì lẽ đó và các lẽ khác nữa mà lúc đầu chúng tôi
không đặt bộ Quốc phòng. Một là trong khi quân Nhật đang đóng ở trong nước, nếu
mình đặt bộ Quốc phòng thì chỉ có danh không có thực, và người Nhật có thể lợi
dụng bắt người mình đi đánh giặc với họ. Hai là trước khi mình có đủ binh lính
và binh khí, ta hãy nên gây cái tinh thần binh bị, thì rồi quân đội mình mới có
khí thế.” (Lệ Thần Trần Trọng Kim, sđd. tt. 57-58.)
Tuy Trần Trọng Kim giải thích như
thế, nhưng có hai dư luận bàn tán khác nhau về việc nầy: Thứ nhứt, người ta cho
rằng chính phủ Trần Trọng Kim gồm toàn khoa bảng chuyên viên, ít hiểu biết về
việc quân sự nên không thấy rõ tầm mức quan trọng của bộ Quốc phòng. Thứ hai,
có thể người Nhật muốn nắm toàn bộ vấn đề quốc phòng mà không giao cho chính
phủ Trần Trọng Kim, vì sợ chính phủ nầy theo Đồng minh, có thể bất ngờ tấn công
Nhật. Làm như thế, Nhật còn buộc chính phủ Trần Trọng Kim lệ thuộc vào chính
sách quân sự chung của Nhật tại Đông Nam Á.
Dầu sao, việc quốc phòng chỉ
dựa trên quân Nhật là điều sẽ rất tai hại về sau, vì khi quân Nhật rút lui hay
đầu hàng Đồng minh, thì chính phủ Trần Trọng Kim không có lực lượng quân sự để
tự bảo vệ mình, bảo vệ an ninh lãnh thổ, và sẽ dễ dàng bị sụp đổ. Không tổ chức
bộ Quốc phòng, chính phủ Trần Trọng Kim mở trường huấn luyện thanh niên, chú
trọng đến việc phát triển phong trào thanh niên.
Cũng vì chính phủ Trần Trọng
Kim không có bộ Quốc phòng, không có quân đội để giữ gìn an ninh, trật tự và
bảo vệ chế độ, nên ở ngoài Bắc, Việt Minh bành trướng nhanh chóng mà không có
ai ngăn chận và sau đó Việt Minh cướp chính quyền tháng 8-1945 chỉ với một lực
lượng khoảng 5,000 đảng viên trên toàn quốc, (Philippe Devillers, Histoire du
Viêt-Nam de 1940 à 1952, Editions Du Seuil, Paris 1952, tr. 182.)
Về phần vua Bảo Đại, ngày
8-5-1945, nhà vua đưa ra chủ trương xây dựng một hiến pháp theo khẩu hiệu “Dân
vi quý” của Mạnh Tử, và ngày 30-6-1945, nhà vua ban hành sắc dụ thành lập
Hội đồng soạn thảo hiến pháp. Hội đồng mới bắt đầu làm việc, thì tình hình thay
đổi nhanh chóng.
QUỐC
HIỆU, QUỐC KỲ VÀ QUỐC CA
Bắt tay vào làm việc, trước hết
vào ngày 4-5-1945, chính phủ quyết định quốc hiệu mới là Đế Quốc Việt Nam, chứ
không dùng các danh xưng An Nam, Đại Nam hay Đại Việt.
Kinh đô Huế được đổi thành
Thuận Hóa. Ngày 2-6-1945, chính phủ chọn quốc kỳ Việt Nam nền vàng, ba sọc đỏ
theo hình quẻ ly. Quốc ca là bài “Đăng đàn cung”.
Quẻ ly là một trong tám quẻ đơn
của bát quái trong kinh Dịch, gồm ba hào (vạch ngang): hào dương dưới cùng (một
vạch ngang), hào âm ở giữa (một vạch ngang đứt ở giữa), và hào dương trên cùng
(một vạch ngang). Ly vi hỏa là lửa, sáng màu đỏ. Theo quan niệm của Hậu thiên
bát quái, ly đóng ở phương nam.
Như vậy, màu vàng của nền cờ
quẻ ly vừa là màu cờ long tinh của hoàng gia (truyền thống), vừa tượng trưng
cho “thổ”, thích hợp với quẻ ly để chỉ vị trí nước ta (phương nam), và cả về
màu sắc (hỏa, màu đỏ, sinh thổ, màu vàng, theo ngũ hành tương sinh), đồng thời
với ý nghĩa người Việt Nam máu đỏ da vàng. Sau đây là lời giải thích của Trần
Trọng Kim về lá cờ do ông đưa ra:
“Lá
cờ vàng là từ xưa nước ta vẫn dùng. Trong sách Quốc sử diễn ca nói khi bà Triệu
Ẩu nổi lên đánh quân Tàu, đã dùng lá cờ ấy khởi nghĩa, nên có câu rằng: “Đầu
voi phất ngọn cờ vàng”. Vậy lấy sắc cờ vàng là hợp với cái ý cách mệnh của tổ
quốc, lấy dấu hiệu quẻ ly là vì trong lối chơi chữ tối cổ của ta có tám chữ
viết bằng vạch liền (dương) và những vạch đứt (âm) để chỉ tám quẻ, chỉ bốn
phương chính và bốn phương bàng, nói ở kinh Dịch, mà quẻ ly chủ phương nam. Chữ
ly còn có nghĩa là lửa, là văn minh, là ánh sáng phóng ra bốn phương.
Lấy sắc vàng là hợp với lịch sử, lấy quẻ ly là hợp với vị trí nước
nhà lại có nghĩa chỉ một nước văn hiến như ta thường tự xưng. Như thế là lá cờ
vàng quẻ ly có đủ các ý nghĩa.” (Lệ Thần Trần Trọng Kim, sđd, tt. 60-61.)
Khi Trần Trọng Kim chọn cờ quẻ
ly, ông cũng biết rằng “có người nói: cờ quẻ lý là một điềm xấu cho nên thất
bại vì ly là lìa. Ly là lìa là một nghĩa khác chứ không phải nghĩa chữ ly là
quẻ. Và việc làm của một chính phủ là cốt ở nghĩa lý, chứ không phải là sự tin
nhảm vô ý thức.” (Lệ Thần Trần Trọng Kim, sđd. tr. 61.)
Trong khi đó, theo các nhà Nho
học, bài thiệu về các quẻ trong bát quái có câu “càn tam mãn, ly trung hư”, tức
quẻ càn gồm có ba vạch ngang đầy đủ, trong khi quẻ ly có vạch giữa bị đứt đoạn,
nên các ông cũng cho đây là điềm không tốt.
Lời bài quốc ca “Đăng đàng
cung” như sau:
“Kìa núi vàng bể bạc
Có
sách trời… sách trời định phần!
Một
dòng ta – gầy non sông vững chắc.
Đã
ba ngàn mấy trăm năm!
Bắc
Nam cùng một nhà con Hồng cháu Lạc.
Văn
minh đào tạo
Màu
gấm hoa càng đượm
Rạng
vẻ dòng giống Tiên Long.
Ấy
công gầy dựng
Từ
xưa đà khó nhọc
Nhớ
ơn dày nặng
Lòng
trung quân đã sẵn
Cố
thương nhau … thương nhau một niềm.
Nguyện
nhà Việt muôn đời thạnh trị.”
(Lê Văn Lân, “Quốc kỳ và quốc
ca Việt Nam thời quân chủ trong thế kỷ 20 qua”, Tuyển tập Nhớ Huế số
12, không đề năm, California, tr. 27.)
Như thế, vua Bảo Đại và Trần
Trọng Kim đã hợp nhất hai nền hành chánh bảo hộ Pháp và địa phương Việt, nên
ban đầu còn nhiều khó khăn trong buổi giao thời. Chính phủ nầy không tồn tại
được lâu dài, nhưng cũng đặt định được một số nền tảng căn bản như chúng ta sẽ
thấy trong hoạt động của chính phủ Trần Trọng Kim. (Trích: Bảo Đại
(1913-1997), Toronto: Nxb. Non Nước, 2014.)
CHÍNH
PHỦ TRẦN TRỌNG KIM TỪ CHỨC
Sau khi quân đội Nhật Bản ở
Đông Dương đảo chánh Pháp ngày 9-3-1945, đại sứ Nhật tại Huế là Massayuki Yokoyama
đến yết kiến vua Bảo Đại (trị vì 1925-1945) tại điện Thái Hòa trong hoàng thành
Huế sáng ngày 11-3, giải thích những hành động mới nhứt của Nhật Bản tại Việt
Nam và tuyên bố muốn đem “châu Á trả về cho người châu Á”. Yokoyama còn nói
rằng ông ta có “nhiệm vụ dâng nền độc lập” lên vua Bảo Đại, đồng thời kêu gọi
Việt Nam cùng các nước Đông Dương gia nhập khối Đại Đông Á do Nhật Bản đứng
đầu. (Bảo Đại, Con rồng Việt Nam, California: Xuân Thu, 1990, tr. 159.) Khối
nầy do chính phủ Nhật Bản công bố thành lập ngày 1-8-1940.
Chiều 11-3-1945, vua Bảo Đại
triệu tập cơ mật viện, các thượng thư và các hoàng thân để thảo luận tình hình
mới. Cuộc họp đưa đến kết quả là nhà vua cùng các thượng thư Phạm Quỳnh (bộ
Lại), Hồ Đắc Khải (bộ Hộ), Ưng Hy (bộ Lễ), Bùi Bằng Đoàn (bộ Hình), Trần Thanh
Đạt (bộ Học) và Trương Như Đính (bộ Công), đồng ký bản TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP do
Phạm Quỳnh soạn.
“Chiếu
tình hình thế giớ nói chung và tình hình Á Châu nói riêng, chính phủ Việt Nam
long trọng công khai tuyên bố, kể từ ngày hôm nay hiệp ước bảo hộ ký với Pháp
[năm 1884] được bãi bỏ và đất nước thu hồi chủ quyền độc lập quốc gia.
Nước
Việt Nam cố gắng tự lực, tự cường để xứng đáng là một quốc gia độc lập và sẽ
theo đường hướng của bản tuyên ngôn chung của khối Đại Đông Á, hầu giúp đỡ nhau
tài nguyên cho nền thịnh vượng chung.
Vì
vậy, chính phủ nước Việt Nam đã đặt tin tưởng vào sự thành tín của nước Nhật,
và đã có quyết định cộng tác với nước nầy, hầu đạt mục đích nói trên.
Khâm thử,
Huế, ngày 27 tháng giêng năm thứ 20 triều Bảo Đại. (Bảo Đại, sđd. tr. 162.)
Huế, ngày 27 tháng giêng năm thứ 20 triều Bảo Đại. (Bảo Đại, sđd. tr. 162.)
Như thế, sau hơn 60 năm bị Pháp
bảo hộ từ hòa ước ngày 6-6-1884 , nay nước Việt Nam chính thức độc lập do tình
hình thế giới biến chuyển và do sự can thiệp của Nhật Bản. Lúc đó tại Âu Châu,
Pháp được giải phóng khỏi tay Đức Quốc Xã. Chính phủ Pétain thân Đức sụp đổ.
Nhật Bản lo ngại nhà cầm quyền Đông Dương sẽ theo lệnh của chính phủ mới ở
Paris do De Gaulle giữ chức thủ tướng lâm thời, bất ngờ tấn công quân Nhật tại
Đông Dương, chận đường Nhật Bản lui quân về nước. Vì vậy, quân Nhật quyết định
đảo chánh Pháp, nắm quyền kiểm soát Đông Dương, và tuyên bố trao trả nền độc
lập cho Việt Nam.
Nền độc lập mới của Việt Nam
khá bấp bênh vì Nhật Bản sắp thua trận, và vì Pháp không từ bỏ tham vọng đế
quốc, sẽ kiếm cách trở lại Đông Dương. Dầu vậy, ở vị trí của triều đình Huế và
vua Bảo Đại, đang lúc bị Pháp bảo hộ và kềm kẹp, mà được Nhật Bản giúp thoát ra
khỏi tay Pháp, thì đây là cơ hội tốt nhất để được thay đổi, hy vọng có thể độc
lập và tái xây dựng đất nước.
Sau khi công bố Bản Tuyên ngôn
Độc lập ngày 11-3-1945, vua Bảo Đại triệu tập nhân sĩ khắp nước đến gặp, để
thăm dò việc thành lập chính phủ mới. Trần Trọng Kim trình lên vua Bảo Đại danh
sách chính phủ, gồm đa số là những chuyên gia và trí thức. Vua Bảo Đại chuẩn y
ngay. Sau đây là nguyên văn đạo dụ số 5 của vua Bao Đại chuẩn y nội các Trần
Trọng Kim:
Trong
đạo dụ số 1 ngày mùng 4 tháng hai trước (dương-lịch 17-3-45), Trẫm đã chuẩn
định một khoản về việc chiêu tập nhân tài để kiến thiết một nước Việt-Nam mới.
Sau
đó, các Bộ-trưởng sung Cơ-mật Đại-thần xin từ chức. Trẫm đã chuẩn y và đã
tuyên-triệu nhiều người về bệ-kiến. Mọi người đã tâu cho Trẫm biết rằng thần
dân ai ai cũng có nhiệt tâm phụng-sự tổ-quốc và ao ước Nội-các mới mau thành
lập.
Trẫm
đã định giao quyền tổ-chức Nội-các mới cho nguyên Lại bộ thượng-thư
Ngô-đình-Diệm và đã nhờ Quí-quan tối-cao Cố-vấn và sắc phong Ngự-tiền văn-phòng
gửi thư và đánh điện tuyên triệu. Nhưng ngày hôm qua Quí-quan tối cao Cố-vấn
phúc rằng Ngô khanh đau không về chầu được.
Nay
vì việc nước không để chậm trễ được nữa, Trẫm chuẩn cho lập nội các như sau
này:
Nội
các Tổng-trưởng Trần-trọng-Kim
1)
Nội-vu bộ bộ-trưởng : Trần-đình-Nam.
2) Ngoại-giao bộ bộ-trưởng : Trần-văn-Chương.
3) Tài-chánh bộ bộ-trưởng : Vũ-văn-Hiền.
4) Kinh-tế bộ bộ-trưởng : Hồ-tá-Khanh.
5) Tiếp-tế bộ bộ-trưởng : Nguyễn-đình-Thí.
6) Gíáo-dục Mỹ-thuật bộ bộ-trưởng : Hoàng-xuân-Hãn.
7) Tư-pháp bộ bộ-trưởng : Trịnh-đình-Thảo.
8) Công-chánh giao-thông bộ bộ-trưởng : Lưu Văn Lang.
9) Y-tế cứu-tế bộ bộ-trưởng : Vũ-ngọc-Anh.
10) Thanh-niên bộ bộ-trưởng : Phan-Anh.
2) Ngoại-giao bộ bộ-trưởng : Trần-văn-Chương.
3) Tài-chánh bộ bộ-trưởng : Vũ-văn-Hiền.
4) Kinh-tế bộ bộ-trưởng : Hồ-tá-Khanh.
5) Tiếp-tế bộ bộ-trưởng : Nguyễn-đình-Thí.
6) Gíáo-dục Mỹ-thuật bộ bộ-trưởng : Hoàng-xuân-Hãn.
7) Tư-pháp bộ bộ-trưởng : Trịnh-đình-Thảo.
8) Công-chánh giao-thông bộ bộ-trưởng : Lưu Văn Lang.
9) Y-tế cứu-tế bộ bộ-trưởng : Vũ-ngọc-Anh.
10) Thanh-niên bộ bộ-trưởng : Phan-Anh.
Trong
sự lựa chọn người Trẫm rất chú ý đến việc Quốc-gia hợp nhất.
Trẫm
mong rằng chư khanh sẽ đồng tâm hiệp lực mà giúp Trẫm thế nào cho sự kiến thiết
nền độc-lập Tổ-quốc trong cõi Đại-đông-Á mau có hiệu quả, cho khỏi phụ công ơn
nước Đại-nhật-bản đã giải phóng cho nước ta, cho đẹp lòng Trẫm tin cậy chư
khanh và thỏa lòng hai mươi triệu quốc-dân trông đợi chính phủ mới.
Khâm
thử
Phụng ngự ký “BẢO ĐẠI”
Giáng dụ tại lầu Kiến-trung
ngày 9 tháng 3 năm Bảo Đại 20 (Dương-lịch ngày 17 tháng tư năm 1945). (Nguyễn
Duy Phương, Lịch-sử và nội-các đầu tiên Việt-Nam, Hà-Nội: Việt-Đông xuất- bản
cục, 1945, tr. 4.) (Sách dày 62 trang lớn, trích nguyên văn cả chính tả lúc đó.)
Trở lại triều đình Huế, trong
cuộc họp nội các đầu tiên ngày 3-5-1945, vua Bảo Đại tuyên chiếu như sau:
Chư
Khanh,
Nội-các
này là Chính-phủ đầu tiên của nước Việt-Nam độc lập sau 80 năm thuộc quyền
ngoại-quốc thống-trị.
Trong
thời gian đó dưới chánh thể eo hẹp của người ngoài, dẫu có người tài năng ra
giúp nước cũng không thể thi thố được gì.
Nay
nhờ được Hoàng quân Đại Nhật-Bản, nước nhà đã được giải phóng.
Những
người ra gánh vác việc nước ngày nay là được một cái danh dự tối cao, mà cũng
là đương một trách nhiệm rất to, và chịu một sự hy-sinh rất nặng.
Trẫm
đã lựa chọn khắp nhân tài trong nước, kén lấy những người có học thức, có đức
hạnh, có kinh nghiệm đủ đương việc nước trong buổi bây giờ. Trẫm chắc rằng Chư
Khanh sẽ làm trọn chức vụ không phụ lòng Trẫm ủy-thác và lòng dân kỳ vọng.
Điều
cần nhất là phải gây sự đồng tâm hiệp lực trong toàn thể quốc dân, phải đoàn
kết chặt chẽ các giai tằng xã hội, và luôn luôn giữ một mối liên lạc mật thiết
giữa Chánh phủ và nhân dân.
Chính
phủ ngày nay không phải phụng sự một cá nhân hay một đảng phái nào cả.
Quốc
dân phải đồng tâm hiệp lực, lại phải nỗ lực cần cù nữa. Dân nô lệ nhất thiết ỷ
lại ở người; dân độc lập nhất thiết trông cậy ở mình. Trông cậy ở mình thì phải
gắng sức và hy sinh nhiều mới mong sinh tồn phát đạt được ở giữa cõi đời cạnh
tranh kịch liệt ngày nay.
Dân
một nước độc lập là dân biết ham tự do mà cũng biết trọng kỷ luật, biết giữ
trật tự nữa. Dân biết trọng kỷ luật, giữ trật tự thì sự trị an được dễ dàng, và
chính-phủ mới lo cải tạo quốc gia được.
Muốn
cải-tạo quốc-gia, chính-phủ cần hành động cho quy-củ nghĩa là phải có hiến
pháp.
Hiến
pháp tương lai của Việt-Nam sẽ căn cứ vào sự hợp nhất quốc-gia, sự quân dân
cộng tác, và những quyền tự do chính-trị tôn-giáo cùng nghiệp-đoàn của
nhân-dân.
Một
hội-nghị lập-hiến sẽ căn cứ và những nguyên tắc kể trên mà khởi thảo một bản
hiến-pháp.
Nhưng
trong lúc chiến-tranh và cớ-căn này, những vấn-đề về quốc-kế dân-sinh rất là
phiền-phức và khẩn-cấp. Chính phủ phải cá đủ quyền mà giải quyết những vấn đề
đó cho mau chóng.
Còn
về phương diện dân, sẽ có những cơ quan, cố vấn đặt trong toàn quốc, hay trong
các địa phương để bày tỏ ý kiến với chính-phủ và liên-lạc chính-phủ với
nhân-dân.
Đồng
thời, một ủy ban sẽ nghiên-cứu những sự cần cải cách gấp, như việc nghi-lễ,
quốc-kỳ và quốc ca vân vân…
Trẫm
biết nó dễ mà khó: trên con đường độc lập của nước nhà còn biết bao nhiêu là
nỗi khó khăn, nhưng Trẫm tin rằng một dân tộc hơn hai mươi triệu người như dân
Việt-Nam ta, đã có hai nghìn năm lịch sử vẻ vang oanh liệt chẳng kém gì người,
sẽ đủ sức vượt qua mọi sự khó khăn, đủ sức gánh một phần trách nhiệm trong việc
kiến-thiết nền thịnh vượng chung ở Đại-Đông-Á và đi tới địa vị một dân-tộc
hùng-cường trong thế-giới được.
Thuận-Hóa ngày 27 tháng 3 năm Bảo-Đại 20
(Dương lịch ngày 3 tháng 5 năm 1945) (Nguyễn Duy Phương, sđd. tt. 5, 6.)
(Dương lịch ngày 3 tháng 5 năm 1945) (Nguyễn Duy Phương, sđd. tt. 5, 6.)
Chiếu chỉ trên đây cho thấy vua
Bảo Đại chủ trương đoàn kết dân tộc, dân chủ hóa đất nước, triệu tập quốc hội
lập hiến, xây dựng hiến pháp và kêu gọi dân chúng cùng nhau nỗ lực kiến thiết
quốc gia vững mạnh. Sau chiếu chỉ của nhà vua, chính phủ Trần Trọng Kim đưa ra
bản tuyên cáo sau đây với quốc dân:
Ngày
25 tháng giêng năm Ất-dậu tức là ngày mồng 9 tháng 3 năm 1945, quân đội
Nhật-bản đã đánh đổ quyền của người Pháp trong toàn hạt Đông-dương. Sau đó, đức
Kim-Thượng đã tuyên bố nước Việt-Nam độc-lập. Đồng thời, thủ tướng Koiso bá cáo
rằng nước Nhật không tham vọng lĩnh thổ nước ta.
Thế
là hơn 80 năm bị áp chế nước ta đã khôi phục nền tự chủ và địa vị của một nước
văn hiến ở cõi Á-đông.
Chúng
ta không thể quên ơn nước Đại Nhật-bản đã giải phóng cho ta, không thể quên ơn
đức Kim-thượng đã quả quyết dắt dân ta lên đường độc-lập, không thể quên ơn bao
nhiêu nghĩa sĩ xưa nay đã hy sinh để nêu cao cái tinh thần phấn đấu của giống
nòi.
Muốn
giữ vững nền độc-lập; quốc dân ta còn phải gắng sức làm việc, và chịu nhiều sự
hy-sinh nữa. Vừa mới được giải phóng nước ta không thể nghĩ tới sự chiến tranh
với ai nhưng ta phải thành thực hợp tác với nước Đại Nhật-bản trong sự kiến
thiết nền Đại-đông-Á. Vì cuộc thịnh vượng chung của Đại-đông-Á có thành, thì sự
độc-lập của nước ta mới không phải là giấc mộng thoảng qua.
Hiện
nay thế giới còn trong vòng chiến-tranh nên công việc kiến-thiết quốc gia còn
nhiều nơi khó. Bọn dân của quân Mỹ không những tàn sát kẻ vô tội, mà còn cản
trở sự giao thông khiến cho mấy mươi vạn nhân dân sinh trên khoảng đất phì
nhiêu mà đành chết đói.
Tuy
tình thế khó khăn, nhưng trên nhờ lòng tin cậy của Đức Kim-thượng, dưới nhờ sức
ủng hộ của quốc dân, ngoài tin vào lòng thành thực của nước Đại Nhật-bản, chúng
tôi hết sức theo đuổi mục đích là hợp nhất tất cả các phần tử quốc dân để củng
cố nền độc-lập của quốc-gia và gây mạnh tinh thần yêu nước trong mọi giai-tằng
xã-hội.
Chính
phủ sẽ lập một kỷ niệm đài để ghi công các bậc anh-hùng đã hy-sinh vì nòi
giống; sẽ tìm mọi cách để các chính khách còn phiêu được trở về tổ quốc; sẽ xóa
bỏ những hình án bất công để những người ái-quốc còn bị giam cấm trong lao ngục
có thể tùy tài sức mà tham dự vào cuộc kiến-thiết quốc-gia.
Ngoài
việc tiếp-tế lương-thực cho nhân dân và việc chẩn cấp cho hàng triệu người
đương khủng bố về nạn đói ở miền bắc, thuế khóa sẽ dần dần định lại cho công
bằng, và cho Nam chí Bắc; thuế ngạch thành duy nhất.
Công
cuộc kiến-thiết quốc-gia sẽ cần đến tài lực và nhiệt tâm của tất cả mọi người
trong nước. Đoàn kết quốc dân để gây thành một mãnh lực, đặt những cơ quan để
liên lạc mật thiết chính phủ với dân chúng, đó là những việc mà Nội-các sẽ chú
ý đặc-biệt.
Nội
các sẽ trù tính cách thống nhất pháp-luật trong toàn quốc và để tránh sự lạm
quyền hành chính và tư pháp.
Nạn
tham nhũng là cái tệ dung túng từ trước cần phải trừ cho tiệt. Nước ta đã buộc
vào một kỷ nguyên mới, kẻ nào không biết cải tà quy chính sẽ phải trừng trị rất
nghiêm.
Vận
nước mai sau là cốt ở thanh niên bây giờ; cho nên Chính-phủ rất chú trọng đào
tạo những người mạnh mẽ, khí khái, có nghề nghiệp, có tổ chức, có huấn luyện để
bảo vệ nền độc lập đương xây.
Về
phương diện kinh tế, trong lúc chiến tranh chưa kết liễu và phải sống cách biệt
với ngoài, nước ta chưa có thể thực hành ngay một chương trình to tát. Nhưng
chính phủ sẽ dự bị một cuộc tổ chức mới, chú trọng nhất là nâng cao trình độ
sinh hoạt dân chúng. Muốn thi hành chính sách ấy, tuy quốc gia phải đảm nhận
một phần lớn trách nhiệm nhưng cũng cần sự hợp tác của tất cả các đoàn thể và
cá nhân.
Lĩnh
mệnh của Đức Kim-thượng, đương trách nhiệm nặng nề đối với quốc dân, chúng tôi
hiểu rõ rằng bước đầu phải đi, mà phải đi rất thận trọng. Chúng tôi xin
tuyên-thệ với quốc dân đem hết tâm trí để theo đuổi mục đích duy nhất là xây
đắp nền độc lập nước nhà không tư vị cá nhân hay đảng phái. Chúng tôi chắc rằng
mọi người trong quốc dân cùng một lòng vì nước giữ thái độ bình tĩnh và tuân
theo kỷ luật để làm hết phận sự. Mong nền móng xây đắp được vững vàng để cơ đồ
nước Việt-nam ta muôn đời trường cửu.
(Nguyễn Duy Phương, sđd. tt. 6, 7.)
Theo bản tuyên cáo nầy, chính
phủ Trần Trọng Kim hứa hẹn sẽ thực hiện các chính sách sau: Về đối ngoại, chính
phủ cảm ơn và liên kết, hợp tác với Nhật Bản vì theo ông “cuộc thịnh vượng
chung của Đại-đông-Á có thành, thì sự độc-lập của nước ta mới không phải là
giấc mộng thoảng qua.” Chỉ vài tháng sau, Nhật Bản sụp đổ, thì đúng là chính
phủ Trần Trọng Kim chỉ là “giấc mộng thoảng qua”. Lúc đó, quân đội Đồng minh
nhất là Không quân Mỹ oanh tạc nặng nề các trục lộ giao thông, đường xe lửa Bắc
Nam, thuyền bè dọc duyên hải, gây trở ngại cho việc chuyên chở lương thực từ
miền Nam tiếp tế cho đồng bào đang bị đói ở Bắc Việt, nên chính phủ đã lên án
“bọn dân của quân Mỹ không những tàn sát kẻ vô tội, mà còn cản trở sự giao
thông khiến cho mấy mươi vạn nhân dân sinh trên khoảng đất phì nhiêu mà đành
chết đói.”
Về đối nội, chính phủ Trần
Trọng Kim hứa hẹn đoàn kết toàn dân, giải quyết nạn đói ở ngoài Bắc, thống nhứt
luật pháp, định lại thuế khóa, tiêu diệt tham nhũng, và long trọng tuyên thệ sẽ
đem hết tâm trí, sức lực để phục vụ đất nước.
Chính phủ Trần Trọng Kim quả
thực đã giữ đúng lời hứa, vì tuy chỉ tồn tại khoảng bốn tháng và sụp đổ sau khi
Nhật Bản đầu hàng ngày 14-8-1945, nhưng chính phủ nầy đã thực hiện được nhiều
công trình đáng kể: cứu đói ở Bắc Kỳ, hợp nhứt hai nền hành chánh Pháp và hành
chánh Việt Nam dưới thời Pháp thuộc thành nền hành chánh duy nhứt Việt Nam, hợp
nhứt Bắc Kỳ và Nam Kỳ vào chính phủ trung ương Việt Nam, dùng chữ quốc ngữ làm
chuyển ngữ chính thức trong hành chánh và trong giáo dục, thi cử, mở trường
huấn luyện thanh niên, phát triển phong trào thanh niên trên toàn quốc, thành
lập ủy ban soạn thảo hiến pháp, ủy ban cải cách văn hóa, giáo dục, xã hội,
nhưng rất tiếc các ủy ban chưa hoạt động được thì chính phủ sụp đổ.
Điểm đặc biệt là chính phủ Trần
Trọng Kim được Nhật hậu thuẫn, nhưng từ khi thành lập cho đến khi giải tán,
chính phủ nầy hoạt động độc lập và không lệ thuộc người Nhật.
Tóm lại, ngoài cố gắng cứu đói
ở Bắc Kỳ, chính phủ Trần Trọng Kim đã đặt nền móng căn bản cho nền hành chánh
tương lai Việt Nam, và quan trọng nhứt là chương trình giáo dục của Hoàng Xuân
Hãn rất hữu ích cho sự phát triển nền văn hóa giáo dục Việt Nam ngày nay.
(San Jose, 25-6-2016)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét