Thứ Tư, 28 tháng 8, 2019

Có thực là đang “nghiêm chỉnh thực hiện di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh” không?


Tương Lai

Người ta đang rầm rộ khua chiêng gióng trống để “nghiêm chỉnh” thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn với phong trào “học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh”. Rầm rộ vì đây là dịp kỷ niệm 50 năm ngày công bố toàn văn Di chúc. Nhưng oái oăm thay, thời điểm rầm rộ nhắc lại “Di chúc” cũng đúng là lúc bọn Trung Quốc xâm lược đang hung hăng và ngang ngược gây hấn trên Bãi Tư Chính nhằm nắn gân những người cầm đầu trong bộ máy toàn trị “cùng chung ý thức hệ XHCN” với chúng.
Tín hiệu phát ra của Bắc Kinh quá trắng trợn nhằm đánh đòn cân não, giáng đúng vào cái não trạng đã nhão nhoét một mớ tín điều “ý thức hệ” ôi thiu của Nguyễn Phú Trọng khi nghe nói là Trọng đang xoay bản lề để có chuyến “công du Mỹ Quốc” mà hình như Nghị quyết 50-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 20. 8.2019 đã đề cập đến.
Điều này càng đặt “Tổng Chủ” vào thế “tiến thoái lưỡng nan” trước thế nước chênh vênh. Trọng lại càng lúng túng như gà mắc tóc, trước đòn Tàu quá hiểm, mà làn sóng phẫn nộ của dân thì lại đang như nước triều dâng! Thế cuộc đang đặt Trọng đối diện với một cuộc “khủng hoảng kép” về đối ngoại lẫn đối nội! Bãi Tư Chính không chỉ hệ trọng về vị trí chiến lược, mà còn có ý nghĩa sống còn về chính trị, vì để mất Bãỉ Tư Chính là mất hết. Nếu điều ấy xảy ra thì tính chính danh của Trọng không thể vớt vát được trước công luận quốc tế. Nhưng đáng sợ hơn với Trọng còn là cái biển oán giận ngày càng tràn đầy trong lòng dân khi bộ mặt hèn nhát cam chịu phận chư hầu ngày càng rõ trong thủ đoạn đu dây lươn lẹo với xu hướng “nhất biên đảo” bởi sự ràng buộc quá hiểm của Tập Cận Bình.
Vì vậy, sợ giặc cướp nước một thì Trọng lại sợ dân mười. Tại sao? Vì giặc xâm lược, tên cướp biển đang được trang bị những vũ khí hiện đại để uy hiếp chủ quyền lãnh thổ lãnh hải trên Biển Đông với cái “đường lưỡi bò” ngang ngược kia đâu phải từ bây giờ, mà đã từ rất lâu của thời “Mạnh mượt răng chắc” rồi đến “Trọng lú” trong những chuyến triều kiến “thiên triều” vẫn chỉ một mực tung hô “lý tưởng tương thông, vận mệnh tương quan” và xem 16 chữ vàng như là bùa hộ mạng để chúng giữ được cái ghế quyền lực. Với chúng, dù nước có bị uy hiếp nhưng “còn đảng là còn mình”, cái ngai vàng của “Tổng” rồi “Tổng Chủ” vẫn còn kéo dài cho dù sự sụp đổ chỉ là sớm muộn! Vì thế mà khi giặc cướp đang hoành hành, trong những lần xuất hiện đúng vào lúc lòng dân đang sôi sục, Trọng vẫn im thin thít không dám hé răng. Định học chiêu nếm phân của Câu Tiễn để lo “đại cục” chăng? Nhưng cái “cục lớn” đã thối hoăng ra rồi đâu cần phải nếm!
Hãy chỉ nói đến một lời cảnh báo của thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược của Bộ Công An từ năm 2016 về: “biết nhưng dường như không dám nói ra. Nói ra, nhiều khi cứ sợ mấy thứ luẩn quẩn đại loại như: vướng vào chuyện kích động “chủ nghĩa dân tộc” bài Trung Quốc; ám ảnh bởi 16 chữ vàng như cái “vòng kim cô”... Điều 70 của Hiến pháp nói rằng công dân có quyền được thông tin. Nhà nước có trách nhiệm thông báo kịp thời: tại giờ ấy, ngày ấy, tháng ấy, tại tọa độ ấy, Trung Quốc đã hành động thế này thế kia. Người dân phải được biết, hệ thống truyền thông phải thông báo kịp thời để người dân được biết. Điều này hoàn toàn khác, không phải là kích động chủ nghĩa dân tộc chống Trung Quốc.
Người dân cần phải được biết an nguy của dân tộc ở đâu. Nếu không làm chuyện này thì trách nhiệm thuộc về các cấp có thẩm quyền. Không ai làm thay được chúng ta... bây giờ mình mà không chống sự bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông thì ai ủng hộ. Bây giờ tôi chỉ nói đơn giản chuyện thế này thôi. “Gã hàng xóm” đẩy cửa vào đập phá nhà “anh”, người dân xung quanh đến giúp, “anh” lại bảo: “Không có chuyện gì đâu. Bạn bè chưa hiểu nhau ấy mà”. Thế thì ai còn có thể giúp “anh” được nữa. “Anh” phải lên tiếng phản đối... thì bạn bè, bà con hàng xóm người ta mới đến giúp “anh” chứ. Nó đến nó đập nhà phá phách thế mà “anh” lại bảo không có chuyện gì cả thì thôi chứ còn gì nữa”.
Vị tướng nghiên cứu về chiến lược ấy đã chỉ rất rõ ràng là: “Nếu chúng ta không có những hành động mạnh, quyết liệt thì chỉ trong vòng 15 tháng nữa (đến nửa đầu năm 2017) Trung Quốc sẽ khống chế toàn bộ Biển Đông. 15 tháng còn lại kể từ tháng 4 năm 2016 này, Trung Quốc sẽ hoàn thiện tất cả các căn cứ quân sự ở Biển Đông, đưa máy bay ném bom chiến lược H-6, H-6K xuống sân bay đá Chữ Thập, đưa máy bay tiêm kích J-10, J-11 xuống sân bay Gạc Ma, lắp thêm hàng chục ra đa tần số cao phục vụ quân sự ở các đảo ở Hoàng Sa và Trường Sa; đưa thêm các tên lửa hành trình YJ-62 chống hạm, đưa một loại tên lửa đạn đạo tầm bắn 1.400km đến Phú Lâm và các đảo khác nữa. Coi như họ hoàn thiện hệ thống quân sự trên Biển Đông và khống chế hoàn toàn Biển Đông… Nếu ta cứ ngồi yên như hiện nay thì họ sẽ làm như vậy!”.

Cũng chính vì vậy mà vị tướng công an ấy rất sòng phẳng khi nói lên điều mà những người Việt Nam có lương tri đều phải làm: “Quan điểm của tôi là cho phép người dân biểu tình trong trật tự luật pháp. Ở nông thôn, ở thành phố người dân được biểu tình. Hàng ngàn người xuống đường không ảnh hưởng đến các hoạt động của xã hội, chỉ hô vang các khẩu hiệu: “Trưởng Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam!”, “Phản đối nhà cầm quyền Trung Quốc xâm chiếm trái phép lãnh thổ Việt nam!”. Hô khẩu hiệu rền vang từ núi rừng, nông thôn đến thành phố phản đối Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông, xâm phạm chủ quyền của Việt Nam”.
Nên lưu ý rằng, đây là những điều tướng Lê Văn Cương trả lời phỏng vấn của Viet Times ngày 15.6.2016. Vậy thì ai đã cố tình bưng bít thông tin không cho dân biết về thế nước lâm nguy, ai đã ra lệnh đàn áp những người biểu tình ôn hoà giương cao khẩu hiệu “chống Trung Quốc xâm lược”, hô to ý chí bảo vệ chủ quyền đất nước “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam”, ai ra lệnh đánh đập dã man những người trẻ tuổi mặc áo có hình “cắt lưỡi bò” với hai chữ “NO U”. Ai đã ra lệnh bao vây, chặn cửa không cho ra khỏi nhà những nhân sĩ trí thức đến đứng đối diện với toà Đại sứ hay toà Tổng Lãnh sự Trung Quốc ở Hà Nội và ở TP HCM chỉ để biểu tỏ ý chí quật cường của ông cha không bao giờ chịu cúi đầu trước kẻ thù như lũ Mạnh Trọng, mà quyết thét to lên khẩu hiệu chống Trung Quốc xâm lược.
Vậy thì ai? Ai đã sử dụng những lực lượng công an “vì nước quên thân, vì dân phục vụ” biến thành những công cụ vô tri vô giác vung gậy vào những người dân chỉ có trái tim cháy bỏng lòng yêu nước, căm thù lũ cướp nước và lũ bán nước, trong tay không có một tấc sắt? Ai? Chắc vị thiếu tướng “nghiên cứu chiến lược” của Bộ Công An quá biết, mong ông hãy thẳng thắn nói ra. Cũng có thể vì thế mà ngôi sao trên cầu vai rụng xuống, chăng? Nhưng vì sự liêm sỉ và tiết tháo của một trí thức (ông phó giáo sư tiến sĩ) ông cần phải trải lòng minh bạch với nhân dân, vạch mặt lũ hại nước bị “ám ảnh bởi 16 chữ vàng như cái vòng kim cô” như ông nói. Chính chúng bưng bít thông tin về những âm mưu, thủ đoạn thâm hiểm, những hành động ngang ngược và trắng trợn trên Biển Đông, gần đây nhất là trên Bãi Tư Chính và tàu chiến của chúng chỉ còn cách bờ biển Phan Thiết 185 km. Bưng bít vì chúng sợ không kiểm soát được sự phẫn nộ của lòng dân căm thù lũ cướp nước cũng sẽ trút giận lên lũ hại nước!
Như vậy là giữa trùng khơi, các lực lượng hải quân ta trên các tàu cảnh sát biển và kiểm ngư đang phải ngoan cường đương đầu với bọn Trung Quốc xâm lược trên các chiến hạm hiện đại (mà chúng gọi là tàu hải cảnh). Ai cũng biết rằng, tuy lặp lại cuộc khủng hoảng Biển Đông với “giàn khoan 981” năm 2014, cuộc khủng hoảng lần 2 này trầm trọng hơn gấp bội về tính chất và quy mô cũng như sự ngang ngược và trắng trợn. Bắc Kinh đẩy tới cuộc khủng hoảng này vào lúc Trọng với nhiều sức ép, không thể kiên định trò đu dây theo chiều “nhất biên đảo” về phía quan thầy “cùng ý thức hệ XHCN” như đã từng được nữa, mà phải bị hút vào quy luật “hệ quả không định trước” (unintended consequence).
Trọng miễn cưỡng phải chấp nhận những bước đi “chẳng đặng đừng” trong nỗi vấn vương với “người đồng chí cùng chung ý thức hệ XHCN” nên lâm vào tình thế “mối sầu sẻ nửa, bước đường chia hai”. Vì sao? Vì ám ảnh bởi làn sóng “dân chủ hoá” không sao ngăn nổi khi phải tuân theo quy luật “hệ quả không định trước”. Ác thay, đây lại chính là nỗi sợ thâm căn cố đế của một kẻ lấy ý thức hệ làm điểm tựa cho cả sự nghiệp chính trị, từng bước leo trên những nấc thang quyền lực để có được cái ghế cao chót vót hôm nay.
Cái khát vọng quyền lực ấy chính nguyên nhân của mọi tai ương chướng hoạ đưa tới sự khủng hoảng về tính chính danh mà Trọng và bộ sậu của y cố vớt vát khi đã mất sạch lòng tin của người dân yêu nước, của những cựu chiến binh có hiểu biết, nhất là của trí thức và thanh niên. Phải vớt vát vì những gì đã và đang diễn ra đã phơi bày quá rõ chế độ toàn trị phản dân chủ của Trọng cũng như những tiền nhiệm của y đã rơi vào bẫy của “ý thức hệ XHCN” mà Bắc Kinh đã giăng ra buộc phải cúi đầu lệ thuộc và tuân phục Bắc Kinh như thế nào.
Trong bối cảnh đó, rầm rộ đẩy tới phong trào học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh để càng học tập thì đạo đức lại càng suy thoái, mà trước hết là những đảng viên có chức có quyền, để rồi Trọng đã dại dột mà ứng khẩu hô hoán lên tình trạng “nhạt Đảng, khô Đoàn” phải chăng là muốn lấy đó làm cái phao cứu sinh, toan “mượn y phục của người xưa để hiện lên sân khấu mới của lịch sử” một cách vô vọng? Cái phao cứu sinh ấy lại được bơm thêm hơi nhân dịp 50 năm ngày công bố Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ấy thế mà chưa chừng, thay vì là “phao cứu sinh” lại là tự nhấn chìm bởi sự phản bội lại tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh của Trọng và những thế lực câu kết với Trọng tự phơi ra. Mà sự tự phơi bày rõ rệt nhất là Trọng đang tìm mọi cách duy trì chế độ toàn trị phản dân chủ, phản dân hại nước với quyết tâm bảo vệ ý thức hệ XHCN của Đảng do Trọng thao túng và tìm chỗ dựa vào “người đồng chí cùng chung ý thức hệ XHCN của Trọng”. Để làm gì? Để đảm bảo mục tiêu “còn Đảng còn mình” nhằm giữ chặt cái ghế quyền lực đang rệu rã và lung lay trước cơn bão phẫn nộ của lòng dân?
Nhằm nói rõ hơn sự phản bội đó, nên chăng là gợi lại những điểm quan trọng nhất của tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh được gửi gấm trong Di chúc của người.
Điều đầu tiên cần thấy rõ “Di chúc” là một sự dồn nén, chưng cất ý tưởng, tình cảm đạt tới độ minh triết của một tầm vóc tư duy không bị ràng buộc và câu nệ bởi bất cứ cái gì: thời gian thúc bách hay không gian hạn hẹp. Vì thế, chúng ta có quyền tin chắc vào độ “chín”, đạt đến sự tường minh của tư tưởng được thể hiện trong Di chúc.
Hồ Chí Minh viết “Di chúc” trong một tâm thế bình tĩnh, ung dung để có thể đắn đo cân nhắc từng chữ từng câu, từng ý. Hoàn toàn không thể có chuyện vội vã nên quên ý này, ý khác, nhầm lẫn hoặc bỏ sót từ này, chữ kia… Mà ngược lại, mỗi ý, mỗi câu, mỗi chữ, mỗi dấu phẩy, dấu chấm đều được cân nhắc rất kỹ, sửa đi, sửa lại nhiều lần. Vậy mà, Hồ Chí Minh không nhắc đến mục tiêu xây dựng Chủ nghĩa Xã hội trong Di chúc!
Mục tiêu của toàn bộ sự nghiệp Hồ Chí Minh được thể hiện rất rõ ràng, rất dễ hiểu trong “Điều mong muốn cuối cùng”, cũng là câu kết thúc Di chúc: “xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”. Cần lưu ý rằng, dành bốn năm để viết có một nghìn chữ, kể cả những lần bổ sung! Sau bốn năm xem lại lần cuối cũng chỉ sửa có ba từ.
Bằng sự từng trải và chiêm nghiệm của một người mà cả cuộc đời dành trọn vẹn cho việc tìm đường cứu nước, toàn bộ trí tuệ và tâm huyết cũng như bản lĩnh và kinh nghiệm của một nhà cách mạng chuyên nghiệp, một nhà văn hoá uyên bác từng dồn hết cho công cuộc chèo lái con thuyền cách mạng qua biết bao phong ba bão táp, thác ghềnh đến được cận kề với mục tiêu, vào lúc tĩnh tâm nhất để có thể đạt tới sự minh triết, Hồ Chí Minh đã hiểu rõ dân tộc mình, nhân dân mình cần cái gì. Phải bằng cách hiểu đó, chúng ta mới tiếp cận được với điều mà Hồ Chí Minh muốn gửi gắm lúc sắp ra đi.
Hồ Chí Minh chỉ có một ham muốn, “ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Riêng phần tôi thì làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh, nước biếc để câu cá , trồng hoa, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, em trẻ chăn trâu, không dính líu gì với vòng danh lợi” (1). Đây là câu trả lời các nhà báo nước ngoài tại Hà Nội ngày 21.1.1946 với tư cách là Chủ tịch nước.
Hoàn toàn không phải là một ứng xử chính trị trong hoạt động ngoại giao của một chính khách, đây là điều tâm huyết, dường như thường trực trong tình cảm và tư tưởng của Hồ Chí Minh, trong cốt cách của Hồ Chí Minh, một người am hiểu văn hoá Phương Tây song lại rất thấm nhuần triết lý Phương Đông, xuất thân trong một gia đình nho học, bằng lao động kiếm sống để bôn ba nhiều nước của nhiều châu lục để tìm đường cứu nuớc. Vì thế, lại đọc thấy ý đó trong câu trả lời một nhà báo nước ngoài một năm sau, ngày16.7.1947: “Tôi chỉ có một điều ham muốn là làm cho Tổ quôc tôi được độc lập, thống nhất, dân chủ. Bao giờ đạt được mục đích đó tôi sẽ trở về làm một người công dân du sơn ngoạn thủy, đọc sách làm vườn” (2).
Điều ham muốn đó, ham muốn đến tột bậc đó, hai mươi năm sau sẽ được Hồ Chí Minh đúc kết thành chân lý, thành mệnh lệnh chiến đấu của cả dân tộc “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Rồi cũng chính điều ham muốn đến tột bậc ấy theo người đến hơi thở cuối cùng, thể hiện trọn vẹn trong câu kết của “Di chúc”.
Có thể khẳng định mục tiêu của cả cuộc đời Hồ Chí Minh từ lúc bôn ba tìm đường cứu nước cho đến những ngày cuối cùng đọng lại trong Di chúc là trước sau như một. Điều ấy thể hiện trong những cột mốc quan trọng nhất là Tuyên Ngôn Độc lập 2.9.1945 khai sinh ra nước Cộng hoà Dân chủ Việt Nam, Hiến Pháp1946, đổi tên Đảng thành Đảng Lao Động Việt Nam năm 1951.
Với Tuyên ngôn Độc lập 2.9.1945, Hồ Chí Minh đã mở đầu bằng trích dẫn Tuyên ngôn Độc lập 1776 của nước Mỹ và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của của Cách mạng Pháp 1791. Cần nhớ rằng, Hồ Chí Minh đến nước Nga từ những năm 20 của thế kỷ XX và sống ở nước Nga của Cách mạng Tháng 10 khá lâu. Đâu phải chỉ vì lý do tranh thủ Đồng Minh, mà là thể hiện tầm nhìn thời đại và sự nhất quán về mục tiêu độc lập dân tộc, dân chủ và tự do để mưu cầu hạnh phúc cho nhân dân. Chỉ một tháng sau ngày đọc Tuyên ngôn, Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì” (3).
Điều ấy được tô đậm thêm với bản Hiến pháp 1946 do Hồ Chí Minh làm Trưởng Ban Soạn thảo. Nghiêm cẩn nhìn lại, đối chiếu với những bản Hiến pháp sau này khuôn theo hình mẫu Xô Viết, đặc biệt là Hiến pháp 2013 với sự thao túng của cái não trạng Nguyễn Phú Trọng đặt Cương lĩnh của đảng lên trên Hiến pháp và quyết liệt gạt bỏ nguyên tắc “tam quyền phân lập”, mới thấy tầm vóc thời đại của tư duy Hồ Chí Minh và những người tham gia soạn thảo buổi ấy.
Tiếp đó, với sự kiện đổi tên Đảng là Đảng Lao Động Việt Nam theo quyết định của Đại hội II 1951 với nhận định của Hồ Chí Minh: Đảng Lao động Việt Nam “phải là Đảng của dân tộc Việt Nam” càng hiểu rõ dự cảm thiên tài của Hồ Chí Minh vượt xa những vấn đề chiến lược và sách lược có tính thời đoạn. Giờ đây, trước diễn biến của thời cuộc, với bối cảnh mới của thế giới khi Việt Nam từng bước hội nhập và phát triển trong thời đại kinh tế tri thức của nền văn minh trí tuệ càng thấy rõ hơn điểm sáng trong tư tưởng Hồ Chí Minh có ý nghĩa soi rọi đường đi, nước bước của dân tộc trong một thế giới đầy biến động với những bước đột phá mà mọi dự đoán đều không chắc chắn.
Chính điểm sáng ấy trong tư tưởng Hồ Chí Minh đã làm nổi bật nét u tối trong tầm nhìn thiển cận và lạc điệu của Nguyễn Phú Trọng chỉ tự giam mình trong cái vòng kim cô ý thức hệ XHCN để tìm sự hà hơi tiếp sức của kẻ thù mà Trọng xem là người đồng chí cùng chung ý thức hệ XHCN. Đây chính là sự phản bội lớn nhất đối với tư tưởng Hồ Chí Minh, sự bôi nhọ tệ hại nhất với Di Chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đã đến lúc phải “nghiêm chỉnh” đọc thật kỹ, suy ngẫm thật thấu đáo về “Di chúc” nhân dịp 50 năm ngày công bố để vạch trần sự phản bội tư tưởng Hồ Chí Minh của Nguyễn Phú Trọng và cái bậu sậu phản dân hại nước trong khi kẻ thù cướp nước đang toan tính những thủ đoạn thâm hiểm và trắng trợn. Chiến hạm Quang Trung đang rẽ sóng can trường giữa Biển Đông để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng trên Bãi Tư Chính. Lớp lớp sóng triều của ý chí quật khởi và tinh thần yêu nước đang trào dâng sẽ “nhấn chìm bọn bán nước và lũ cướp nước” như Hồ Chí Minh từng cảnh báo.
Đọc kỹ Di chúc Hồ Chí Minh để có hành động thiết thực, trước hết là sát cánh cùng với những người con yêu của Tổ Quốc đang dũng cảm đương đầu với kẻ thù trên sóng biển, trên các giàn khoan và cũng từ đó mà nhìn rõ hơn sự bịp bợm của những lời rao giảng của những kẻ phản dân, hại nước đang bôi nhọ Di chúc Hồ Chí Minh!
Ngày 27.8.2019
T.L.
Tác giả gửi BVN.
___________
1 Hồ Chí Minh Toàn tập. Tập 4. NXB Chính trị Quốc gia. Hà Nội, 1995, tr 161
2 Hồ Chí Minh Toàn tập. Tập 5. NXB Chính trị Quốc gia. Hà Nội, 1995, tr 171
3. Hồ Chí Minh Toàn tập. Tập 4. NXB Chính trị Quốc gia. Hà Nội, 1995, tr 56

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét