Nguyễn Đình Cống
5- Trí tuệ - nguồn gốc
và sự thể hiện
Trí tuệ khác với kiến
thức. Nó gần với trí thông minh. Trí tuệ được hình thành từ 2 nguồn: Tiên thiên
và Hậu thiên.
Tiên thiên là phần có
trước, do bào thai tiếp nhận từ di truyền, từ năng lượng tâm linh. Hậu thiên là
phần có sau, do tiếp nhận từ học tập và hoạt động. Tiên thiên là cơ bản,
là hạt giống, hậu thiên là môi trường, là bổ sung. Người có trí tuệ cao thường
được xem là thiên tài, nhân tài, tinh hoa.
Khi tiên thiên không
tốt, không đủ thì dù có đào tạo bao nhiêu, may lắm cũng chỉ thành được người có
trí thức, có bằng cấp chứ không có trí tuệ cao được. Trí tuệ thuộc lĩnh vực vô
hình, nó thể hiện ra thành những câu nói, những hành động, những cách giải
quyết sự việc với nhiều hình, nhiều vẻ trong cuộc sống, mà chủ yếu là chọn lựa
phản ứng khi chịu một tác động nào đó. Cùng một tác động, dù tốt hay xấu đến
đối tượng A thì tùy theo mức độ của trí tuệ mà A có những phản ứng khác nhau,
cho những kết quả khác nhau.
Thí dụ một A nào đó bị
B mắng hoặc đánh. Tùy theo trí tuệ (hoặc phẩm chất) mà các A sẽ có phản ứng
khác nhau:
A1- Chửi lại, đánh lại
hung hăng hơn.
A2- Ghi nhận thù hận
vào lòng, lập mưu để trả thù vào dịp khác.
A3- Xem như không nghe
lời chửi, tránh bị đánh hoặc chỉ đỡ đòn.
A4- Bình tĩnh,
tạm tránh, tìm hiểu xem B có hành động như vậy vì lý do gì. Nếu B bị nhầm
thì hãy tha thứ. Nếu mình có lỗi thì nhận lỗi và nếu cần thì phải đền bù thiệt
hại.
Việc phản ứng như thế
nào có thể xảy ra tức thời hoặc sau một thời gian. Phản ứng tức thời vì không
kịp phân tích và suy nghĩ, thường theo bản năng, mà bản năng này là kết quả
tích lũy của tiên thiên và hậu thiên. Phản ứng về sau là có sự can thiệp của lý
trí.
Một trong những phản
ứng của con người là khi thấy được, ngửi được cái lợi về vật chất. Lúc này sẽ
thể hiện khá rõ mức độ của trí tuệ. Người tầm thường tìm cách kiếm lợi, không
nghĩ sâu xa đến mưu mô và rủi ro (vì thế nhiều người bị mắc lừa), kẻ ích kỷ cố
đoạt được lợi mặc cho nó mang tai họa đến cho người khác, bọn đểu cáng tìm cách
lừa dối, hãm hại, tiêu diệt đồng loại. Với người có trí tuệ thì phải “kiến lợi
tư nghĩa” (thấy lợi phải nghĩ đến đạo nghĩa) hoặc thấy lợi phải nghĩ ra, tìm ra
cho hết những điều hại có thể kèm theo.
Mác
và những đồ đệ của Mác, dù là lãnh tụ của đảng này đảng kia vẫn mắc vào lỗi kém
trí tuệ vì họ quá tin vào học thuyết duy vật. Học thuyết cho rằng bản chất của
vũ trụ là vật chất mà thuộc tính của nó là vận động, rằng vật chất có trước ý thức,
rằng ý thức là sản phẩm bậc cao của vận động vật chất. Học thuyết duy vật của
Mác, cũng như thuyết tiến hóa của Darwin một thời khuất phục những người cộng
sản, nhưng rồi nó đã bị đánh đổ ở nhiều nơi trên thế giới. Chỉ còn những người
kém trí tuệ vẫn tin theo, tạo thành vòng luẩn quẩn, càng tin theo càng làm cho
trí tuệ kém hơn.
Cộng sản không công
nhận Tâm linh, là phần quan trọng của Vũ Trụ và Con Người, là nguồn tiên thiên
của trí tuệ. Họ chỉ chú trọng vào vật chất, làm cách mạng vô sản chỉ nhằm chiếm
đoạt vật chất. Ngay như khi cai trị đất nước cũng ưu tiên phát triển kinh tế để
thỏa mãn nhu cầu vật chất.
Một số người tuy có
tiên thiên tốt (giống tốt), nhưng bị hãm vào môi trường khắc nghiệt thì cũng
không phát triển được để có thể phát huy toàn bộ tài năng, may lắm chỉ
thể hiện được trong một số phạm vi hạn chế.
6- Một số thể
hiện kém trí tuệ của CS
6.1- Các ông tổ của CS
Mác được những người
CS tôn thành thiên tài vì những luận giải về duy vật, về đấu tranh giai cấp, về
bóc lột của tư bản, về chủ nghĩa cộng sản…
Tuy vậy khi tìm hiểu
kỹ về thân thế và sự nghiệp của ông tôi phát hiện ông đã bị nhầm lẫn nhiều chỗ,
chứng tỏ ông có trí tuệ tầm thường chứ chẳng là thiên tài hay nhân tài gì
cả. Những người tôn ông thành thiên tài càng bị nhầm hơn, có trí tuệ kém hơn.
Trước đây tôi đã công bố một loạt bài phân tích một số nhầm lẫn của Mác, ở đây
chỉ xin nêu ý chính.
+ Cực đoan theo học
thuyết duy vật ( như đã trình bày ở trên).
+ Đánh giá sai bản
chất con người, cho rằng nó là tổng hòa các mối quan hệ xã hội, đánh giá sai về
bản chất và vai trò của quần chúng vô sản (tôi không gọi giai cấp vô sản).
+ Nhầm khi khẳng định
Đấu tranh giai cấp là động lực phát triển xã hội loài người.
+ Bỏ sót vài yếu tố
quan trọng khi phân tích tư bản bóc lột bằng giá trị thặng dư, đã nhầm khi cho
rằng sự phù hợp giữa quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất là một quy luật.
+ Bộ Tư bản luận tuy
được một số người đánh giá cao, nhưng nhiều nhà khoa học và triết học cho rằng
đó chỉ là một mớ hổ lốn.
Lênin, người được xem
là lãnh tụ kiệt xuất của cách mạng, cũng đã phạm nhiều sai lầm, trong đó thể
hiện thiếu trí tuệ nhất là quan niệm về chính quyền nhà nước. Ông chủ trương
nhà nước là của giai cấp này dùng để thống trị giai cấp khác. Từ đó ông xây
dựng nên nhà nước chuyên chính vô sản, một thảm họa trong lịch sử nhân loại.
6.2- Cộng sản quốc tế
Những người lãnh đạo
của phong trào cộng sản trong thế kỷ 20 cũng đã có nhiều nhầm lẫn vì kém trí
tuệ như đã quá tin vào những điều sau:
+ Tin Mác, Lênin là
những lãnh tụ thiên tài. Từ đó mù quáng răm rắp tin theo họ, phạm phải những
sai lầm do họ tạo ra, đề cao sự sùng bái cá nhân. Ai nghi ngờ các lãnh tụ
liền bị quy kết là bọn xét lại, bọn thù địch.
+ Tin là có thể và cần
xây dựng CNXH trên nền tảng liên minh công nông.
+ Tin thời đại của 3
giòng thác cách mạng, thời đại thắng lợi của CNXH trên toàn thế giới.
+ Tin rằng chủ nghĩa
đế quốc là giai đoạn tột cùng của chủ nghĩa tư bản, đế quốc Mỹ là kẻ thù số một
của nhân loại.
+ Tin rằng giai cấp
công nhân là giai cấp đào mồ chôn chủ nghĩa tư bản, là giai cấp lãnh đạo.
+ Tin tình cảm quốc tế
vô sản là không gì phá vỡ.
Khi tin như thế họ
cũng dựa vào sự thật, nhưng tiếc thay, đó mới chỉ là một phần sự thật. Họ cũng
dựa vào các chứng minh rất chặt chẽ, nhưng chứng minh dựa vào một phần không
bản chất của sự thật sẽ rút ra kết luận dối trá.
6.3- Đảng Cộng sản VN
Ngoài những phần chung
của Mác và phong trào CS (xem 6.1 và 6.2), lãnh đạo ĐCSVN còn thể hiện kém trí
tuệ trong:
+ Cải cách ruộng đất,
hợp tác hóa nông nghiệp, cải tạo tư sản (sau 1954 ở Miền Bắc và sau 1975 ở Miền
Nam), quốc hữu hóa ruộng đất.
+ Kiêu ngạo về cách
mạng tháng 8, về thắng cuộc trong chiến tranh.
+ Quá bị ám ảnh về kẻ
thù giai cấp dẫn đến huynh đệ tương tàn, rất khó hòa hợp dân tộc.
+ Lập ra hệ thống
đảng, chính quyền, mặt trận chồng chéo, dẫm đạp lên nhau, kém hiệu quả, nặng
nề, lãng phí, bất lực.
+ Quy hoạch cán bộ có
những điều phản dân chủ, phản khoa học, phản tiến bộ. Chỉ một đảng kém trí tuệ
mới để cho người như Nông Đức Mạnh làm TBT hai nhiệm kỳ.
+ Không thấy được tai
họa từ Trung Cộng.
+ Rõ ràng nhất (nhưng
ít người thấy) là trong việc soạn thảo các báo cáo, các nghị quyết dài tràng
giang đại hải với nhiều sáo rỗng và mâu thuẩn.
+ Rất thích phô trương
hình thức, phạm phải giả dối trong tuyên truyền.
Tạm nêu trong mỗi mục
trên vài việc thôi, vì kể ra còn nhiều lắm!
7- Vài gợi ý
Đảng CSVN vốn xuất
phát là đảng của những người yêu nước, tranh đấu cho độc lập dân tộc. Vì lẽ đó
mà thời gian đầu Đảng thu hút được nhiều người tốt gia nhập và được nhân dân
ủng hộ. Về sau càng ngày Đảng càng lệ thuộc vào chủ thuyết, mắc phải nhiều sai
lầm.
Chắc rằng Hồ Chí Minh
đã nhận ra những sai lầm của chủ thuyết cộng sản nên đã bỏ tên ĐCS mà lấy tên
Đảng Lao động. Phải chăng việc Lê Duẩn đổi tên Đảng từ Lao động thành Cộng sản
là một sự thụt lùi, một sai lầm do thiếu trí tuệ.
Có người thấy Đảng
trước đây và ngày nay khác nhau. Tôi nhận xét rằng khác cơ bản ở chất lượng
đảng viên, còn chủ thuyết, chính cương, điều lệ thì trước và sau không khác nhau
mấy.
Nhân dân nhìn vào Đảng
chủ yếu nhìn vào các đảng viên và việc làm của họ. Trước đây có nhiều đảng viên
tốt nên tưởng là Đảng tốt. Mà cái tốt của các đảng viên đó là thuộc bản chất
con người họ trước khi vào đảng. Bây giờ có quá nhiều đảng viên xấu nên
cho là Đáng xấu. Có nhiều đảng viên xấu vì Đảng đã nhận vào Đảng quá nhiều phần
tử cơ hội. Nhưng tôi tin rằng vẫn còn nhiều đảng viên có lương tri, nhận ra
được những nhầm lẫn của lãnh đạo.
Một hy vọng mong manh
là trông chờ vào các đảng viên có lương tri, đặc biệt là các cán bộ cấp cao. Có
lương tri mới nhận ra những sai lầm để thay đổi.
Để nhận ra sự thật
trong đó có sai lầm thì tốt nhất là tổ chức đối thoại như đã viết ở trên. Nếu
Đảng ngại đối thoại thì có thể tổ chức các buổi thuyết trình kín, mời một số
trí thức phản biện, đến trình bày nhận thức của họ để tham khảo, họ nói đúng
thì nghe, họ nói “bậy”, “phạm pháp”, “phạm luật” thì đọc lệnh bắt, đưa ngay ra
tòa xét xử, chẳng cần điều tra gì thêm (!).
Những trí thức được
mời không phải do tổ chức Đảng chọn lựa, cũng không thuộc diện cán bộ đang tại
chức. Đảng cần thông báo công khai rằng muốn nghe ý kiến phản biện, ai có thể
đến trình bày thì đăng ký. Nếu số đăng ký quá đông thì hãy để cho những người
đó bình chọn với nhau. Buổi thuyết trình có thể kín, nội dung có thể tạm chưa
công bố, nhưng tên người thuyết trình cần được cho mọi người biết để xem người
đó có đủ tín nhiệm của đông đảo hay không.
Nguồn ảnh: dotchuoinon.com
ĐCSVN hiện đang vướng
mắc trong một đống bùng nhùng. Nếu cứ theo cách làm do cán bộ kém trí tuệ của
Đảng nghĩ ra thì không sao thoát được. Cần tìm cách làm mới. Một trong những
cách làm có hiệu quả cao là theo phương pháp “Não công” (Brainstorming method
- GS Phan Dũng) với những thành viên có nhiều khả năng sáng tạo.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét