Lê Phú Khải
Một
buổi chiều oi bức giữa tháng 3 năm 2009, nhà văn Phạm Đình Trọng đến tôi và
nói: Tôi vừa viết lên mạng internet gửi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phản
đối cho Trung Quốc vào khai thác bauxite ở Tây Nguyên, nhưng chỉ có mình tôi
lên tiếng… cô đơn quá!!!
Tôi
bảo anh Trọng: Ông đã kiến nghị Thủ tướng rồi, thì tôi phải phản đối lên Tổng
Bí thư mà thôi…
Đêm
hôm đó (19.3. 2009), tôi viết bài Thư ngỏ của một công dân ngoài đảng. Trang
mạng BBC tiếng Việt đã đăng trang trọng bài viết đó vào ngày 23.3.2009.
Trong
thư ngỏ gửi Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đó, tôi đã nhắc đến các ý kiến của Đại
tướng Võ Nguyên Giáp, Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, nhà văn Nguyên Ngọc, nhà
văn Phạm Đình Trọng về vấn đề khai thác bauxite, và đặc biệt nhấn mạnh đến việc
Trung Quốc đã ra lệnh đóng cửa các mỏ bauxite ở nước mình trên toàn quốc từ
2008 vì tính chất độc hại tàn khốc đối với môi trường sinh thái. Vì nhân đạo mà
trước đây Liên Xô cũng đã khuyên ta không nên khai thác bauxite ở Tây Nguyên…
Sau
khi trang mạng BBC tiếng Việt đăng bài Thư ngỏ của một công dân ngoài đảng,
biên tập viên của BBC là nhà báo Lê Quỳnh cho biết, BBC nhận được rất nhiều
comment về bài đó. Nhà báo Lê Quỳnh là con trai của nhà văn Trần Hoài Dương,
nguyên biên tập viên Tạp chí Cộng sản, người đã hướng dẫn nghiệp vụ và kết nạp
đảng viên dự bị Nguyễn Phú Trọng chính thức vào đảng ngày 19.12.1968.
Trước
làn sóng phản đối việc khai thác bauxite ở Tây Nguyên ngày một dữ dội, Bộ Chính
trị đảng CS Việt Nam đã có một phiên họp đặc biệt về vấn đề khai thác bauxite ở
Tây Nguyên.
Có
một câu chuyện hay có thể gọi là một kỷ niệm nhiều chất humour đối với tôi sau
đó. Và trước đó, tôi cũng đã nhận được nhiều chuyện đầy chất humour như thế
trong cuộc đời làm báo của mình.
Số
là, sau cuộc họp của Bộ Chính trị về bauxite, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang có
bảo người thư ký riêng của ông gọi điện đến Tiến sỹ Tô Văn Trường, người khá
thân thiết với ông, để hỏi anh Tô Văn Trường vì sao Lê Phú Khải là đảng viên mà
lại viết thư qua BBC nhan đề “Thư ngỏ của một công dân ngoài đảng” (!)?
Khi
tôi còn là phóng viên thường trú của Đài Tiếng nói Việt Nam tại Đồng bằng sông
Cửu Long nhiều năm, có nhà riêng tại Mỹ Tho và đặt “bureau” ngay tại nhà, một
lần Chủ tịch tỉnh Tiền Giang là ông Nguyễn Công Bình đến bảo tôi: Thường vụ
(tỉnh) mới họp, quyết định kỳ này giới thiệu đồng chí tham gia cấp uỷ (phường)
để đồng chí giúp đỡ địa phương (phường) và để hằng tháng đồng chí khỏi lên
thành phố Hồ Chí Minh họp chi bộ (!). Tôi chưa kịp nói gì, nhưng nhìn vẻ ngạc
nhiên của tôi, ông Chủ tịch tỉnh vốn nghiêm nghị và quyết đoán đã nghiêm nét
mặt nói: Đồng chí không được khiêm tốn! Nói xong, ông lên xe ra về.
Tôi
than với vợ tôi rằng: Kỳ này có lẽ tôi “tới số” rồi, vì “không được khiêm tốn”!
Chưa hết, sau hơn 10 năm có lẻ thường trú cho Đài Tiếng nói Việt
Nam tại Đồng bằng sông Cửu Long, tôi về làm việc tại cơ quan thường trú của Đài
tại thành phố Hồ Chí Minh, một hôm, hai cán bộ lãnh đạo cấp trưởng - phó ban
của báo Sài Gòn giải phóng tranh luận với nhau về việc Lê Phú Khải có phải là
đảng viên hay không? Người bảo có, người bảo không. Cuối cùng người ta cá cược
nhau một thùng bia! Họ gọi điện về nhà hỏi vợ tôi… Khi tôi về đến nhà, vợ tôi
kể lại chuyện này và bảo: Đến bây giờ mà mấy ông Sài Gòn giải phóng còn… nặng
về lý lịch! Tôi bảo với bả: Dù sao thì tôi cũng mừng cho đảng, vì người ta thấy
tôi tử tế nên nghĩ tôi là đảng viên (!).
Ít
ngày sau khi ông Tư Sang hỏi ông Tô Văn Trường về tôi thì diễn đàn Bauxite Việt
Nam ra đời do Giáo sư Huệ Chi làm tổng biên tập. Ngay lập tức, cả một rừng phản
biện về khai thác bauxite ở Tây Nguyên được đăng tải trên diễn đàn Bauxite Việt
Nam. Phản biện toàn diện, từ xử lý môi trường đến vận chuyển thành phẩm ra
biển, hạch toán lỗ lãi…
Tác
dụng của trang mạng này mạnh mẽ đến mức Tổng biên tập Huệ Chi bị công an mời
lên chất vấn dài dài… Cũng từ đó mở đầu cho một giai đoạn các tổ chức xã hội
dân sự cùng với các trang mạng của họ ra đời. Các kiến nghị lấy chữ ký, thư
thỉnh cầu, các tuyên bố dân sự xuất hiện ngày một nhiều.
Lịch
sử đấu tranh ôn hoà để dân chủ hoá đất nước trong lòng chế độ độc tài toàn trị
ghi công những người đầu tiên lập nên diễn đàn Bauxite Việt Nam.
Như
một tất yếu, khi xã hội Việt Nam quyết không cải cách chính trị, chỉ cải cách
kinh tế, với kinh tế thị trường “định hướng xã hội chủ nghĩa” thì cái quái thai
này đã tàn phá dữ dội toàn diện đất nước.
Với
10 năm cầm quyền, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã bật đèn xanh cho cả hệ thống
chính trị ăn cướp đất đai, tài sản của dân để xây dựng phe cánh, tạo thế lực
riêng cho mình, với hy vọng tranh giành quyền lực ở đại hội 12. Dũng đổ, kinh
tế, đạo đức xã hội cũng đến hồi sụp đổ.
Tổng
Bí thư Nguyễn Phú Trọng muốn củng cố đảng, chống tham nhũng và “đốt lò”, nhưng
lại thù ghét tam quyền phân lập, luôn miệng chống “các thế lực thù địch”… thì
chỉ là một trò hề, một tấn tuồng lố bịch! Hơn nữa, Trung Quốc cũng không bao
giờ cho ông Trọng chống tham nhũng thật sự. Họ luôn duy trì một Việt Nam hèn
yếu và hỗn loạn… Tham nhũng ngày một lan tràn, vì cái gốc của nó là thể chế độc
tài đảng trị vẫn giữ nguyên, thậm chí còn xiết chặt đàn áp dân chủ, đàn áp báo
chí hơn bất cứ lúc nào.
Như
một lẽ tự nhiên, diễn đàn Bauxite Việt Nam từ chỗ chỉ phản biện về vấn đề khai
thác bauxite ở Tây Nguyên, đã trở thành một trang mạng xã hội của trí thức
trong và ngoài nước phản biện về tất cả những chính sách kinh tế, xã hội, chính
trị của nhà nước đảng trị, công an trị. Trung Quốc đưa giàn khoan khủng vào
Biển Đông, tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam, vụ làm tàu cao tốc, dự luật
đặc khu, vấn nạn cướp đất ở Đồng Tâm, Thủ Thiêm, vườn rau Lộc Hưng, nạn gian
lận thi cử, nạn bạo hành ở trường học… tất cả những vấn nạn kinh hoàng ấy của
đất nước đều được Bauxite Việt Nam phanh phui, phê phán không khoan nhượng. Vì
thế, cho đến nay, sau 10 năm tồn tại, mặc dù cả một rừng các trang mạng khác,
các blog cá nhân ra đời như măng mọc sau ngày mưa, diễn đàn Bauxite Việt Nam
vẫn là “tờ báo” được đông đảo bạn đọc đón nhận từng ngày. Sức sống của trang
Bauxite Việt Nam mãnh liệt và không một luật an ninh mạng nào xoá bỏ được nó ở
thời đại công nghệ 4.0 này.
Ngay
từ những ngày đầu, tôi đã phản đối quyết liệt việc khai thác bauxite ở Tây
Nguyên, tham gia viết bài cho diễn đàn Bauxite Việt Nam và là bạn đọc thường
xuyên của trang, vì thế tôi theo dõi từng diễn biến lớn nhỏ suốt 10 năm qua về
đề tài bauxite Tây Nguyên.
Với
tất cả vốn liếng và kinh nghiệm nghề nghiệp hơn 40 năm theo đuổi công việc của
“người trinh thám cuộc sống” - như người đời đã gọi các nhà báo, tôi gắng sức
điều tra và thấy cần thông báo về tình hình khai thác bauxite Tây Nguyên như
sau:
Như
các cụ ta xưa có câu: Trong cái rủi có cái may, Trung Quốc cấm khai thác
bauxite ở nước họ, nhưng lại bắt chư hầu Việt Nam khai thác cho bằng được để
bán cho họ, bắt Việt Nam mua các thiết bị khai thác kém chất lượng của họ (!).
Nhưng với tinh thần sáng tạo, ý chí của mình, các kỹ sư Việt Nam đã giải quyết
được tất cả những trục trặc trong dây chuyền công nghệ do thiết bị kém chất
lượng của Trung Quốc. Việt Nam đã làm chủ được công nghệ. Từ năm 2016 sản xuất
đã ổn định và có lãi. Năm 2018 nhà máy Tân Rai sản xuất được 670.000 tấn alumin
(nhôm oxit), lãi 2.000 tỷ, trong khi phải đầu tư 15.000 tỷ. Nhân Cơ sản xuất
được 650.000 tấn alumin (nhôm oxit), lãi 1.700 tỷ, trong khi phải đầu tư 17.000
tỷ.
Khi
nói về vấn đề lãi, các nhà kinh tế sẽ đặt câu hỏi, bán tài nguyên của đất nước
đi thì có thể gọi là lãi được không? Có người lại nêu vấn đề, các nhà máy
bauxite nằm trong Tổng công ty Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tổng công ty
đang báo lỗ thì lãi của hai nhà máy Tân Rai, Nhân Cơ vẫn nằm trong lợi ích
nhóm, ngân sách quốc gia không được hưởng gì.
Hiện
nay Trung Quốc không mua nhôm oxit của Việt Nam để sản xuất nhôm nữa, họ chủ
yếu mua của Brazil. Trung Quốc không mua nữa, ta lại bán cho Nhật và Ấn Độ với
giá cao hơn, 360 USD một tấn.
Sau
nhiều bầm dập, sau nhiều bất cập, đến bây giờ các kỹ sư Việt Nam có thể lắp đặt
toàn bộ dây chuyền công nghệ, từ làm tổng công trình sư đến thiết kế, mua sắm
thiết bị… cho một nhà máy tuyển bauxite, phát triển lên thành một công nghệ
mạnh mang thương hiệu Việt Nam. Các lãnh đạo ở Nhân Cơ và Tân Rai cho hay: Nếu
làm nhà máy mới, tất nhiên là mua sắm thiết bị của G7, không đời nào mua của
Tàu. Hiện các kỹ sư của Tàu đã về nước hết.
Tuy
nhiên, theo các nhà khoa học môi trường, hiệu quả thực sự của dự án Bauxite Tây
Nguyên vẫn là một bài toán rủi ro khó lường, nó bất cập ngay từ đầu, vì chỉ dựa
vào quyết tâm chính trị của nhà nước.
Thông
thường làm dự án thí điểm thì dự án không lớn. Nhưng Việt Nam làm luôn hai dự
án Tân Rai và Nhân Cơ, lại sử dụng cùng một nhà thầu và sử dụng công nghệ của
nhà thầu này luôn là một sai lầm ai cũng thấy. Về chất lượng sản phẩm cần phải
có so sánh với alumina (nhôm oxit) của một số nước khác, không thể nói chung
chung là đạt chất lượng thế giới. Nếu chất lượng thấp thì dùng vào các mục đích
khác như trong lĩnh vực chất mài, chất đánh bóng, chất chịu lửa, thuỷ tinh,
gốm… Về lâu dài thì phải đầu tư công nghệ thải bùn đỏ khô, không thể bỏ qua chi
phí này.
Hồ
bùn đỏ là vấn đề rất lớn về môi trường. Hiện VN chỉ mới giải quyết chống chảy
tràn giữa hai ô chứa bùn đỏ (block – khoang). Vấn đề chống tràn toàn hồ chưa
có, và tháo nước tràn này đi đâu, trong khi mưa ở Tây Nguyên rất lớn? Kinh
nghiệm cho thấy thảm họa vỡ hồ bùn đỏ ở Hungari xảy ra vào mùa mưa.
Nhìn
bằng mắt thường, hồ bùn đỏ được xây dựng khá vững chãi. Nhưng quan ngại nhất
đối với hồ bùn đỏ ở Tân Rai và Nhân Cơ là rò rỉ kiềm vào nước ngầm và nước mưa
tràn.
Nhiều
chuyên gia khuyên không nên dùng màng chống thấm thông thường với môi trường
kiềm, hoặc nếu có sử dụng thì chỉ dùng trong thời gian ngắn.
Vấn
đề chọn nhà thầu Trung Quốc với những điều khoản hợp đồng tù mù, bất lợi mà
không ít người đã nhìn thấy và can ngăn không được. Nay “việc đã rồi” này phải được
giải quyết thật minh bạch trong thời gian tới.
Cần
xem xét thật thận trọng kiến nghị của TKV về khả năng mở rộng công suất của dự
án. Nếu có công ty tư nhân nào muốn đầu tư thì phải tạo điều kiện cho họ, nhưng
phải là công nghệ tiên tiến.
Cuối
cùng, Bộ Công Thương phải báo cáo Quốc hội về hiệu quả thực sự của dự
án bauxite 10 năm qua về các mặt kinh tế, xã hội và môi trường.
Chính
vì thế mà diễn đàn Bauxite Việt Nam còn nguyên giá trị phản biện, giá trị thời
sự của nó sau 10 năm tồn tại.
Người
viết bài này có một đề nghị: Nhân kỷ niệm 10 năm trang mạng Bauxite Việt Nam,
thiết nghĩ có nên lập một Ban giám khảo, xét trao giải cho những cây viết đã
tham gia diễn đàn Bauxite Việt Nam 10 năm qua? Một giải Nhất trị giá 500.000 VN
đồng, giải Nhì 300.000 VN đồng và một giải Khuyến khích 100.000 VN đồng. Là độc
giả chăm chỉ của diễn đàn Bauxite Việt Nam, tôi đề nghị trao giải Nhất cho Tiến
sĩ Tô Văn Trường, người đã phản biện rất hiệu quả những bất cập trong dự án làm
đường tàu cao tốc năm 2010, góp phần cho dự án phản dân hại nước này phải hủy
bỏ vĩnh viễn.
TP
HCM, 4.2019
L.P.K.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét