Thứ Hai, 20 tháng 5, 2019

Sửa đổi điều lệ đảng: Những đồn bốt phải nhổ


Sửa đổi điều lệ đảng: Những đồn bốt phải nhổ
Lịch sử là hôm qua và hôm nay. Không phải cần đến trăm năm, mà sau một ngày đã bị Lịch sử phán xét. Đương quyền thì còn che chắn. Hết quyền thì số phận sẽ khác. Hãy để lại một số phận tốt đẹp để khộng bị lưỡi kiếm Lịch sử hạ xuống sau khi hết quyền lực. Không phải cho riêng mình, mà cho con cháu đời sau.

I. SỬA ĐỔI ĐIỀU LỆ ĐẢNG: NHỮNG ĐỒN BỐT PHẢI NHỔ
Như đã đề cập ở bài viết SỬA ĐỔI ĐIỀU LỆ ĐẢNG LÀ ĐÒI HỎI BỨC BÁCH CỦA CUỘC SỐNG, việc sửa đổi Điều lệ Đảng đã được TBT Nguyễn Phú Trọng đặt ra trong Diễn văn khai mạc Hội nghị Trung ương 10 ngày 16/5/2019:
“Báo cáo chuyên đề thứ 2 rất quan trọng là báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và việc thi hành Điều lệ Đảng, để xem xét có cần thiết phải sửa đổi Điều lệ Đảng tại đại hội sắp tới hay không?”
Ở đây chỉ nhấn mạnh đến ba vấn đề mang tính kim chỉ nam được viết đầu tiên ngay trong phần mở đầu “Ðảng và những vấn đề cơ bản về xây dựng Ðảng” của Điều lệ Đảng thông qua tại Đại hội XI:
“Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của dân tộc.
Mục đích của Đảng là xây dựng nước Việt Nam độc lập, dân chủ, giàu mạnh, xã hội công bằng, văn minh, không còn người bóc lột người, thực hiện thành công chủ nghĩa xã hội và cuối cùng là chủ nghĩa cộng sản.
Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động, phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa trí tuệ của nhân loại, nắm vững quy luật khách quan, xu thế thời đại và thực tiễn của đất nước để đề ra Cương lĩnh chính trị, đường lối cách mạng đúng đắn, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân.”
Nói gọn lại, ba vấn đề lớn cần phải thảo luận để sửa đổi Điều lệ Đảng là:
1. Đảng của ai?
2. Mục đích xây dựng đất nước của Đảng là gì?
3. Về chủ nghĩa nền tảng tư tưởng của Đảng.
Sửa đổi Điều lệ Đảng không chỉ ba vấn đề này. Nhưng ba vấn đề này là then chốt. Có tháo được then chốt thì mới đi tiếp đến các điều sau. Vì thế ngoài những điều đã đề cập trong SỬA ĐỔI ĐIỀU LỆ ĐẢNG LÀ ĐÒI HỎI BỨC BÁCH CỦA CUỘC SỐNG, cần thiết phải nói cụ thể hơn về ba điều này.
II. QUAN HỆ MÁU MỦ QUÝ HƠN QUAN HỆ NGHỀ NGHIỆP. DÂN TỘC QUÝ HƠN GIAI CẤP. HY SINH VÌ DÂN TỘC CHỨ KHÔNG HY SINH VÌ GIAI CẤP.
Xin lấy thí dụ một gia đình nông dân có 6 người con. Người con cả ở nhà làm ruộng với bố mẹ. Người con thứ hai, thứ ba, thứ tư lên thành phố. Người con thứ hai đi buôn rất giàu có. Người con thứ ba làm thầy giáo. Người con thứ tư làm công nhân. Người con thứ năm đi tu. Người con thứ sáu đi theo đạo thiên chúa rồi được học làm giám mục.

Đến một ngày cải cách ruộng đất. Người con thứ tư là công nhân kết tội anh cả là địa chủ, kết tội anh hai là tư sản, kết tội anh ba là trí thức, đòi phá chùa của em thứ năm, đòi lấy đất nhà thờ của em thứ sáu.
Bố mẹ khóc mà rằng: “Các con là do bố mẹ sinh ra, là máu mủ ruột rà. Anh em có trước nghề nghiệp. Anh em có trước tôn giáo. Anh em quý hơn nghề nghiệp. Anh em quý hơn tôn giáo. Không thể lấy nghề nghiệp làm mục đích để anh em tàn sát lẫn nhau”.
Thí dụ trên có mặt ở khắp nước ta. Thí dụ trên nói lên tất cả. Anh em có trước nghề nghiệp. Dân tộc có trước giai cấp. Anh em quý giá hơn nghề nghiệp. Dân tộc quý giá hơn giai cấp. Bạo lực giai cấp là một tội lỗi của nhân loại. Bạo lực giai cấp đã tàn phá đất nước, đã mang đến nội chiến, đã hủy hoại sức sống của Dân tộc.
Bởi thế Đảng muốn tồn tại dài lâu thì phải là Đảng của Nhân dân, của Dân tộc, chứ không thể là Đảng của giai cấp.
Thêm nữa, hãy thử hỏi 4,5 triệu đảng viên, họ vào đảng vì Dân tộc hay vì giai cấp công nhân? Nếu Đảng là của giai cấp công nhân thì chỉ có công nhân gia nhập. Nếu Đảng là của giai cấp nông dân thì cũng chỉ có nông dân gia nhập. Tất cả những người đã gia nhập Đảng là vì mục đích giải phóng Dân tộc khỏi ách ngoại bang, chứ không vì giai cấp. Áo giai cấp là họ bị người khác khoác lên.
Còn rất nhiều điều phải đề cập nữa về giai cấp. Nhưng khuôn khổ bài viết không cho phép.
III. XÂY DỰNG MỘT NƯỚC VIỆT NAM DÂN CHỦ, ĐỘC LẬP TỰ DO HẠNH PHÚC
Vấn đề thứ hai, Điều lệ Đảng ghi:
“Mục đích của Đảng là xây dựng nước Việt Nam độc lập, dân chủ, giàu mạnh, xã hội công bằng, văn minh, không còn người bóc lột người, thực hiện thành công chủ nghĩa xã hội và cuối cùng là chủ nghĩa cộng sản”.
Đối chiếu với tên nước thời Cụ Hồ thành lập:
“Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Độc lập Tự do Hạnh phúc”
thì thấy có phần trùng và có phần không trùng.
Như vậy, chỉ nên giữ lại phần trùng. Bỏ đi phần không trùng.
Mục đích của Cụ Hồ là xây dựng một nước “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Độc lập Tự do Hạnh phúc” là rất đầy đủ rồi, cớ gì mấy người đi sau, tự nhận là học trò của Cụ Hồ lại dám chữa lại? Đã có dân chủ tất có công bằng văn minh. Đã có tự do hạnh phúc tất sẽ không có người có bóc lột người. “Dân chủ, Độc lập, Tự do, Hạnh phúc” là ước mơ của cả loài người mà không chủ nghĩa nào so sánh được.
Cho nên học tập và làm theo Cụ Hồ thì phần mục đích của Đảng chỉ cần ghi:
“Mục đích của Đảng là xây dựng một nước Việt Nam dân chủ, độc lập, tự do, hạnh phúc”.
IV. HÃY TÔN THỜ TƯ TƯỞNG CỦA CHÍNH MÌNH
Vấn đề thứ ba, trong Điều lệ Đảng ghi:
“Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động, phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa trí tuệ của nhân loại, nắm vững quy luật khách quan, xu thế thời đại và thực tiễn của đất nước để đề ra Cương lĩnh chính trị, đường lối cách mạng đúng đắn, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân”.
Từ ngàn xưa, trong quá trình dựng nước và giữ nước - dành cho đời sau có được mảnh đất tươi đẹp này - thì tổ tiên chúng ta không lấy chủ nghĩa và tư tưởng nào làm nền tảng cả.
Cho nên, không làm ngược với cha ông. Đưa tranh ảnh của người xa lạ về bàn thờ tổ tiên là trọng tội với ông cha, có lỗi với con cháu. Nếu không có tư tưởng của riêng mình để tôn thờ thì cũng dứt khoát không mang tư tưởng nước khác về nhà mình tôn thờ.
LƯỠI KIẾM LỊCH SỬ
Ai cũng có quyền tự do bày tỏ chính kiến. Lúc khó khăn lại rất cần chính kiến của nhiều người. Vì lẽ đó mà TBT Nguyễn Phú Trọng đã nêu ra để cho các UVTƯ thảo luận. Chính kiến khác nhau là lẽ thường tình. Vấn đề càng khó càng trái ngược chính kiến. Thảo luận là để tìm ra điều hợp lý. Thảo luận không phải là mưu mô để đấu tố chính kiến.
Nhưng chỉ 200 UVTƯ là chưa đủ. Cần nữa chính kiến của cả 4,5 triệu đảng viên. Trước các vấn đề hệ trọng cần ý kiến của đa số. Nếu các đảng viên cho rằng mục đích của đảng viên là vì nước vì dân thì trách nhiệm của đảng viên là phải bày tỏ chính kiến. Đừng sợ bị quy kết. Vì Dân tộc mà bị quy kết thì kẻ quy kết mới là kẻ có tội, và họ không thoát được lưỡi kiếm Lịch sử.


Lịch sử là hôm qua và hôm nay. Không phải cần đến trăm năm, mà sau một ngày đã bị Lịch sử phán xét. Đương quyền thì còn che chắn. Hết quyền thì số phận sẽ khác. Hãy để lại một số phận tốt đẹp để không bị lưỡi kiếm Lịch sử hạ xuống sau khi hết quyền lực. Không phải cho riêng mình, mà cho con cháu đời sau.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét