Thứ Tư, 15 tháng 5, 2019

LỄ HỘI VÀ CÁC QUAN CHỨC


Cơ chế này đã sinh ra quá nhiều đặc quyền đặc lợi cho một số quan chức cấp cao. Đặc quyền đặc lợi ngay cả lúc đã nghỉ hưu. Đặc quyền đặc lợi đến cả lúc chết. Muốn hùng cường không thể không xóa bỏ.
Hãy để cho các quan chức tại vị đi dự lễ hội bằng chính đồng lương của mình. Hãy để cho các quan chức đã nghỉ hưu tự chi trả chi phí đi dự sự kiện của mình. Lúc đó số lượng các “chính khách” và “cựu chính khách” tham dự lễ hội sẽ đột ngột tụt giảm.
Đất nước ta có quá nhiều lễ hội. Mỗi lễ hội lại có quá nhiều quan chức Chính phủ và địa phương tham dự. Đã thế lại còn quá nhiều các quan chức về hưu nhưng vẫn thường xuyên hiển diện. Vậy nên không thể không hiến kế.
I. PHẢI RẠCH RÒI VỀ TÀI CHÍNH
Tài chính luôn là vấn đề số 1. Bất cứ điều gì cũng phải rõ ràng về tài chính. Nơi nào là công? Nơi nào là tư? Nhân lễ hội Vesak 2019 đang diễn ra, xin có mấy điều lưu ý để làm thí dụ cho các lễ hội khác.
1. Tự do tôn giáo đã được ghi trong Hiến pháp của nước ta. Việt Nam không có quốc giáo. Ở Việt Nam mọi tôn giáo đều bình đẳng.
2. Bởi lẽ đó mọi đại lễ riêng của các tôn giáo thì nhà nước sẽ không chi tiền. Đại lễ Vesak 2019 không là ngoại lệ.
3. Nhưng ở Việt Nam, nhiều khi quy định một đường, thực thi lại một nẻo. Sự vi phạm quy chế tài chính có mặt khắp mọi nơi. Cho nên người dân có quyền được biết biết: Trong Đại lễ Vesak 2019 nhà nước có bị tổn thất đồng bạc nào không?
4. Theo chỗ hiểu biết của chúng tôi, thì chùa Tam Chúc là của doanh nghiệp Xuân Trường, cho nên Xuân Trường là chủ nhà sự kiện. Từ đó suy ra, Xuân Trường là người chủ chi. Bởi thế cũng cần rạch ròi để tránh tiếng cho Chính Phủ trong chi tiêu tiền công. Chẳng hạn như:
- Tiền đi lại ăn ở cho khách quốc tế ai chịu?
- Tiền đi lại cho các quan chức Việt Nam lấy từ đâu?
- Ai cấp tiền cho chương trình ca nhạc?
- Nguồn kinh phí nào cho VTV truyền hình trực tiếp?
Đại lễ Vesak là của tôn giáo, nên không thể dùng tiền thuế của dân để bao phủ chi phí. Xuân Trường có chủ chi thì cũng phải rạch ròi.
5. Quan sát mức độ “hoành tráng” của Đại lễ Vesak 2019 thì biết được việc tổ chức Đại lễ Vesak là tốn kém. Nhưng lợi ích của Vesak 2019 đưa lại cho quốc gia thì không nhiều. Cho nên, mong muốn được công khai tài chính cũng là điều dễ hiểu. Mọi nguồn kinh phí, suy cho cùng, đều lấy từ túi dân. Doanh nghiệp Xuân Trường không in được ra tiền.
6. Tiếng là quốc tế, nhưng đăng cai tổ chức và giá trị rất khác nhau. Với một số sự kiện quốc tế, cứ chi tiền nhiều cho ban tổ chức là được đăng cai. Chẳng hạn như các cuộc thi sắc đẹp quốc tế… Nhưng World Cup, Olympic - thì có chi bao nhiêu tiền cho ban tổ chức cũng không được. Không phải cứ có các từ “quốc tế”, “thế giới” là quan trọng, là hãnh diện. Có nhiều sự kiện “quốc tế”, “thế giới” mời mà không nước nào tổ chức.
Việt Nam đang là nước nghèo, nên phải chắt chiu tài chính cho người dân trong nước, trước khi chi tiêu cho các sự kiện quốc tế. Điều này không có nghĩa là chúng ta không đăng cai các sự kiện quốc tế, mà là đăng cai có chọn lọc, rất chọn lọc.
II. QUAN CHỨC CHÍNH PHỦ NÊN BỚT ĐI DỰ LỄ HỘI

1. Việt Nam có quá nhiều lễ hội. Dường như ngày nào cũng có lễ hội. Đơn cử mấy ngày gần đây:
26/4/2018 Lễ hội Cửa Lò. 26/4/2019 Lễ hội Huế. 28/4/2019 Lễ hội Hạ Long. 6/5/2019 Điện Biên kỷ niệm chiến thắng. 7/5/2019 Lễ hội Sơn La. 8/5/2019 Lễ hội 990 năm thành lập Thanh Hóa. 10/5/2019 Lễ hội Hải Phòng. 11/5/2019 Lễ hội Nha Trang. 12/5/2019 Lễ hội Vesak… Còn có thể kéo dài danh sách lễ hội quanh năm.

2. Có quá nhiều quan chức chính phủ đi dự lễ hội. Không có lễ hội nào là không có quan chức chính phủ và UVTƯ Đảng đến dự. Có lễ hội có đến hàng chục UVTƯ Đảng, bộ trưởng cùng tham dự. Kéo theo là hàng chục, hàng trăm quan chức địa phương. Chỉ tính riêng tiền nghỉ khách sạn, tiền xe cộ, máy bay, thì không biết cơ man nào là tiền thuế của dân đã phải bỏ ra.
3. Đi dự sự kiện liên tục như vậy, từ ngày này qua tháng khác, thì còn đâu thời gian giải quyết công việc? Cho nên đến bài phát biểu cũng phải có người viết trước.
Đã đến lúc Chính phủ phải thắt chặt quy định chi phí cho quan chức chính phủ và địa phương đi dự các sự kiện. Vô cùng tốn kém tiền thuế của dân.
III. QUAN CHỨC ĐÃ VỀ HƯU NÊN THOÁI LUI HOÀN TOÀN
Ở Việt Nam hiện nay có chứng bệnh nan giải cần phải chữa trị dứt điểm. Đó là các lãnh đạo đã về hưu nhưng vẫn thường xuyên có mặt tại các sự kiện Nhà nước.
Các ông cựu tổng bí thư, cựu chủ tịch nước, cựu thủ tướng, cựu chủ tịch quốc hội đến dự thì mang lại được những lợi ích gì? Ngoài sự tốn kém tài chính lại còn làm khó cho người đương chức phải thưa gửi. Nếu không tin, thì đặt câu hỏi khác: Nếu các quan chức đã về hưu không đến dự thì sự kiện có bị tổn thất gì không?
Đã thôi chức thì thôi hẳn. Thời các ông Đỗ Mười, Lê Đức Anh đã qua rồi. Nay cần phải thiết lập một lần và vĩnh viễn. Các cựu TBT như Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh… nên làm gương, từ chối mọi sự hiển diện, dù cho được “mời mọc ân cần”. Còn các người đương chức thì dứt khoát – cờ đến tay ai người đấy phất. Đây là một đề nghị rất xây dựng. Có lợi cho nhà nước. Có lợi cho những người đương lãnh đạo. Và có lợi cho chính cả những lãnh đạo đã về hưu.
Thời phong kiến vua cha nhường ngôi cho con khi còn sống rồi lui hẳn để cho con toàn quyền quyết định. Mới đây, Nhật hoàng Akihito cũng vừa trao lại ngôi cho con là thái tử Naruhito. Khác hẳn với ở ta hiện nay, thôi chức còn cố bấu víu quyền lực. Bệnh này cũng là do cơ chế này đẻ ra.
Cơ chế này đã sinh ra quá nhiều đặc quyền đặc lợi cho một số quan chức cấp cao. Đặc quyền đặc lợi ngay cả lúc đã nghỉ hưu. Đặc quyền đặc lợi đến cả lúc chết. Muốn hùng cường không thể không xóa bỏ.
Những người cộng sản đề cao sự liêm khiết, sự vô tư, sự không màng đến tiền bạc chức tước. Trong thực tế hiện nay, phần nhiều không phải như vậy.
Hãy để cho các quan chức tại vị đi dự lễ hội bằng chính đồng lương của mình. Hãy để cho các quan chức đã nghỉ hưu tự chi trả chi phí đi dự sự kiện của mình. Lúc đó số lượng các “chính khách” và “cựu chính khách” tham dự lễ hội sẽ đột ngột tụt giảm.
Muốn tiến bộ không thể chối bỏ sự thật.

N.N.C.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét