Thứ Bảy, 18 tháng 5, 2019

PHỐ TÀU, NGHIÊN CỨU SINH VÀ MỘT MƯU ĐỒ CHINA TOWN - PHỐ TÀU


Nguyễn Quang Thiều
Thế giới gọi phố Tàu là China town, nhưng riêng ở Việt Nam thì không gọi như thế cho dù khu Chợ Lớn ở thành phố Hồ Chí Minh chính là China town ( phố Tàu). Với tôi, có lẽ danh từ “ phố Tàu” gần bản chất với những khu người Hoa sống và làm ăn tập trung như thế hơn cái tên China town nghe có vẻ như muôn vàn cái tên khác chẳng chết ai.


Anh : Phố Tàu. nguồn internet
China town sinh ra từ bao giờ tôi không rõ. Các cuộc di dân trên thế giới đã bắt đầu diễn ra từ khi có lịch sử loài người. Nhưng riêng đối với người Tàu thì các cuộc di dân có những tính chất khác biệt. Người Tàu đi khắp thế giới. Ở đâu cũng có người Tàu từ một thị trấn nhỏ xa xôi đến những thành phố sầm uất. Và ở đâu, người Tàu cũng cụm lại với nhau và dựng lên khu vực riêng của họ mang tên China town - phố Tàu.
Các cộng đồng khác như Nhật, Nga, Đức, Pháp...và những người hồi giáo là những cộng đồng có những cuộc di dân lớn. Ở đâu, những người cùng chủng tộc hay tôn giáo cũng tìm cách sống cụm vào nhau do những yêu cầu về văn hóa và sinh sống. Nhưng không một cộng đồng nào có thể làm lên một thứ có tên là China town - phố Tàu.
Trước năm 1992, tôi không hiểu gì về China town - phố Tàu ngoài nghĩa “ một cộng đồng di dân người Trung Quốc sống tập trung”. Vào tháng 7 năm 1992, tôi được Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc mời đến thăm Úc. Trong chuyến đi ấy, tôi đã đọc một cuốn sách nghiên cứu về China town của một nhà nghiên cứu Úc. Tôi xin tóm tắt những gì tác giả này viết về China town :
Khi China town được dựng lên, chúng ta ( người Úc ) đến đó với tinh thần đi thăm quan một cộng đồng di dân có một nền văn hóa khác biệt. China town lúc đầu giống như một hội chợ của người Trung Quốc tổ chức trên đất Úc. Chúng ta đến đó xem họ múa lân và thưởng thức các món ăn Trung Quốc. Chúng ta thực sự thấy vui vẻ khi trên đất nước chúng ta có một cộng đồng đầy bản sắc bởi Úc là một đất nước đa bản sắc nên sự chấp nhận các cộng đồng khác không có gì quá khó khăn.
Rồi chúng ta lãng quên đi. Mười năm sau chúng ta trở lại China town. Chúng ta giật mình. China town đã phát triển quá nhanh. Nhưng điều đáng suy nghĩ nhất là China town không phải là khu cộng đồng của người Trung Quốc định cư trên đất Úc hay là một hội chợ của Trung Quốc nữa mà nó đã biến thành một tiểu Trung Quốc trên đất Úc với sức ảnh hưởng không nhỏ của nó. China town này muốn mở rộng mãi mãi và muốn Trung Quốc hóa những khu vực mà China town lấn tới. Đến lúc này, niềm vui và tính tò mò của chúng ta về trò múa lân cùng với hương vị của ẩm thực Trung Quốc không còn mà thay vào đó là một nỗi lo sợ.

Nỗi sợ hãi của tác giả cũng là nỗi sợ hãi của rất nhiều người ở những quốc gia mà những người Trung Quốc đến định cư và làm mọc lên những China town. Ứng cử viên Tổng thống Mỹ Donald Trump đã liên tục cảnh báo người Mỹ về mối nguy hiểm của con bạch tuộc mang tên Trung Quốc. Và trrong cách nhìn của tôi thì các China town là những cái hang của con bạch tuộc đó.
Đọc trên trang web SOI, tôi thấy một bài viết rất hay về hội họa Kenya trong một triển lãm quốc tế. Điều bài báo nói đến là “ một triển lãm hội họa Kenya ( Châu Phi ) nhưng lại là tranh đặc Tàu của các họa sỹ người Hoa định cư ở đó. Một cú đánh trắng trợn và một cái chết thảm thương của nền hội họa của nước Châu Phi này.
Nhớ lại cuộc cải tạo tư sản sau năm 1975 ở thành phố Hồ Chí Minh. Người ta có thể vẫn tranh luận về cuộc cải tạo này khi bàn đến lịch sử sau 1975 của Việt Nam và đặc biệt khu vực thành phố Hồ Chí Minh. Nhưng một điều tôi muốn nói đến là việc “xóa” đi hệ thống tài phiệt người Hoa ở Chợ Lớn. Nếu không, nền kinh tế Việt Nam bây giờ sẽ chịu chi phối còn khủng khiếp hơn nhiều lần của những người Hoa ở cái quận 5 với diện tích khiêm tốn đó. Cuộc cải tạo tư sản lúc đó và sự ra đi khỏi Việt Nam của hàng trăm vạn người Hoa đã tháo đi một phần mối hiểm họa khổng lồ cho Việt Nam sau này. Nhưng chúng ta đâu ngờ, sau gần một nửa thế kỷ, người Trung Quốc đang trở lại Việt Nam với không ít thách thức và đe dọa về nhiều mặt như văn hóa, môi trường, kinh tế và cả an ninh.
Tôi đã nói khá kỹ về phần nghiên cứu về China town của nhà nghiên cứu xã hội Úc trên một tờ báo trong nước từ những năm 1990 của thế kỷ trước. Tất nhiên ý kiến về một nguy cơ có vẻ “xa xôi” này chẳng làm ai chú ý. Giống như khởi đầu của những China town - phố Tàu trong những ngày đầu xuất hiện.
NGHIÊN CỨU SINH
Trong một tài liệu nghiên cứu của của một tác giả Mỹ cho thấy : từ cuối những năm 80 của thế kỷ trước, hàng năm Trung Quốc gửi từ 70 đến 80 ngàn nghiên cứu sinh, sinh viên đến Mỹ. Những nghiên cứu sinh này được nhận học bổng toàn phần của chính phủ Trung Quốc. Họ học hành rất chăm chỉ. Sau khi kết thúc thời gian học của mình, họ tìm cách ở lại làm việc trong các cơ quan, trường đại học, viện nghiên cứu... của Mỹ rồi dần dần trở thành công dân Mỹ.
Tác giả đưa ra tài liệu này nói : việc các nghiên cứu sinh Trung Quốc ở lại Mỹ là chủ trương của chính phủ Trung Quốc. Tài liệu này cảnh báo về nguy cơ người Trung Quốc sẽ “ăn rỗng” các cơ quan của Mỹ. Đây thực sự là một chiến lược lâu dài của Trung Quốc trong mưu đồ bành trướng của họ.
Nhiều người chúng ta không thể quên tư liệu về cố Tổng bí thư Lê Duẩn khi gặp Mao Trạch Đông. Lúc đó, Mao Trạch Đông đã công khai về chiến lược đưa người Trung Quốc trước hết đến các nước trong khu vực trong đó có Việt Nam bằng nhiều hình thức. Chính cố Tổng bí thư Lê Duẩn đã tìm mọi cách chống lại việc Trung Quốc đưa công nhân và lính Trung Quốc vào Việt Nam trong thời gian chiến tranh trên danh nghĩa giúp đỡ Việt Nam chống lại quân đội Mỹ. Nhưng thực chất lúc đó, Trung Quốc đã bắt tay Mỹ và phản bội lại người Việt Nam trong cuộc chiến tranh này.
Tôi đã từng viết về một thanh niên Trung Quốc bán trứng ở Australia. Anh ta kiên nhẫn ngày ngày xách một khay trừng đi bán. Sự kiên nhẫn của anh mà tôi nhìn thấy làm cho tôi nghĩ rằng sẽ không có gì có thể làm cho sự kiên nhẫn của anh ta gục ngã. Dù anh ta không nói nhưng tôi biết bên trong đôi mắt một mí kia là một tham vọng ghê gớm và một sự kiên nhẫn kinh hoàng. Đã có những người Trung Quốc nhẫn nại bán từng gói lạc rang húng lìu, từng chiếc bánh bao nhân thịt…trở thành những tỉ phú. Và người thanh niên bán trứng kia cũng mang tham vọng ấy.
Và lúc này, tôi muốn nói về Lou, một sinh viên Trung Quốc theo học ở Mỹ. Tôi gặp Lou ở nhà một giáo sư Mỹ. Người giáo sư bạn tôi thấy gia đình Lou khó khăn đã giúp đỡ cậu bằng cách đưa cậu về ở nhà mình. Lou ở trong một căn phòng nhỏ dưới tầng hầm. Cậu nói bố mẹ cậu làm công nhân và thật khó để kiếm được số đô la cho cậu đóng tiền học ở mức thấp nhất trong một năm.
Nhưng sau một năm, cậu đã tìm cách xin được học bổng toàn phần. Cậu cứ lặng lẽ gặp từng giáo sư Mỹ dạy cậu và những người có liên quan ở trường và cuối cùng cậu đã “thắng” từng giáo sư dẫn đến “thắng” tất Hội đồng giáo sư và họ đồng ý trao học bổng toàn phần cho cậu. Và hàng ngày, cậu vẫn lặng lẽ lên xe của con cái chúng ta để đi nhờ đến trường trong tuyết lạnh.
Một buổi sáng tôi nhìn thấy cậu ăn mỳ tôm với sườn nướng mà chúng tôi nướng từ chiều hôm trước chưa ăn hết. Cậu ngồi ăn kiên nhẫn không để lại một chút thịt nào trên cái xương sườn đó. Đó là mỳ tôm Hảo Hảo mà chúng tôi mang từ Việt Nam sang và sườn nướng ướp theo kiểu Mỹ.
Có thể, mỳ tôm và sườn nướng kia không hợp với khẩu vị của cậu như há cảo, vằn thắn, màn thầu… Nhưng mỳ tôm của ai, sườn nướng ướp gia vị gì không quan trọng với cậu lúc này. Cậu cần phải ăn và cần phải đi tiếp con đường đã vạch trong đầu cậu và có thể cả những tham vọng phía sau đôi mắt một mí ấy.
Trong mấy ngày ở trong ngôi nhà người bạn giáo sư, tôi thấy cậu mang dáng vẻ của một cậu bé con nhà ngèo và yếu thế qua cách ăn nói, đi đứng. Nhưng có thể đến một ngày nào đó, cậu bỗng hiện ra là một người khác và mua một biệt thự sang trọng, giành lấy một trang trại… và đến lúc dựng lên một cái China town và biến nơi cậu ở nhờ thành vương quốc của người Trung Quốc và biến những người giúp đỡ cậu trở thành người làm thuê cho cậu chứ không phải ở trong một phòng dưới tầng hầm mà người ta giành cho cậu với sự chia sẻ và biến những người khác thành kẻ cầu xin mình. Nhưng bây giờ, cậu chỉ là một sinh viên như con cái chúng ta. Cậu đang cầu xin người khác hãy thương cậu, hãy giúp cậu. Và với lòng nhân ái, những người tốt đã đưa bàn tay về phía cậu. Đấy là một trong những tính cách của người Trung Quốc
Năm 2009, trên báo Vietnamnet, tôi đã chủ trì bàn tròn với các nhà nghiên cứu kinh tế là bà Chi Lan, ông Nguyễn Minh Phong và ông Thân Đức Việt về “cuộc xâm lăng của hàng giả, hàng độc hại Trung Quốc vào Việt Nam”. Sau đó, tham tán kinh tế - thương mại của sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội ông Hồ Tỏa Cẩm đã làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông để phản đối nội dung của bàn tròn này. Ông Hồ Tỏa Cẩm khẳng định tình hữu nghị giữa Trung Quốc và Việt Nam. Nhưng thực tế đã phản lại những tuyên bố của ông ta về tình hữu nghĩ Trung Quốc - Việt Nam. Càng ngày, chúng ta càng nhận rõ những gì mà Trung Quốc đã và đang làm với Việt Nam đặc biệt vấn đề biển đông mà người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Việt Nam thường xuyên lên tiếng phản đối.
Việc đưa người Trung Quốc đến các quốc gia trên thế giới để từng bước mở rộng “ biên giới” Trung Quốc trên thế giới là một chiến lược không thay đổi và càng ngày càng được thực hiện một cách quyết liệt mà một hình thức rất phổ biến là China town. Đã từ lâu, thế giới đã cảnh báo về điều này. Mối đe dọa của Trung Quốc mà tôi tạm gọi bằng một cái tên chung là China town không chỉ là mối đe dọa đối với các quốc gia nhỏ mà đối với cả những quốc gia lớn như Mỹ hay Úc.
( Bài in trên báo Pháp Luật & Cuộc Sống.)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét