Phạm Chí Dũng
“Nếu
không ở vào thế cùng quẫn về kinh tế và ngân sách, nếu không bị chế tài về
lợi ích cá nhân, bản chất sẵn sàng vi phạm nhân quyền của chế độ toàn trị và
giới quan chức ở Việt Nam sẽ không bao giờ thay đổi” - Chúng tôi cho rằng đây
là nhận xét cô đọng, xác đáng và sắc bén nhất trong bài viết. Cảm ơn tác giả.
Bauxite Việt Nam
|
Phái đoàn
Việt Nam tại Đối thoại Nhân quyền Việt - Mỹ lần thứ 22 tại thủ đô Washington,
ngày 17/5/2018. Twitter EAP DOS.
Số 0 từng là kết quả tại Đối thoại nhân quyền Mỹ - Việt năm 2017 tại Hà Nội và năm 2018 tại Washington.
Năm 2019, Đối thoại nhân quyền Mỹ - Việt thường niên một lần nữa được tổ chức tại thủ phủ của chính thể độc đảng, vào khoảng trung tuần tháng Năm. Một phái đoàn của Vụ Dân chủ, Lao động và Nhân quyền thuộc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ sẽ tham vấn ý kiến giới hoạt động xã hội dân sự ở Việt Nam trước khi bước vào cuộc đối thoại đó.
Số 0 trơn tuột
Hai năm trước, sau khi cuộc Đối thoại nhân quyền Mỹ - Việt kết thúc, phái đoàn của bà Virginia
Bennett - Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao về Dân chủ, Nhân quyền và Lao động - đã vào Sài Gòn
và gặp gỡ một số nhân vật bất đồng chính kiến Việt Nam tại nhà riêng của Tổng lãnh sự Mỹ Mary Tarnowka. Hào
hứng và hy vọng, Virginia
Bennett đã thông báo với các thành viên Xã
hội dân sự Việt Nam về kết quả đáng khích lệ của cuộc đàm phán nhân quyền vừa diễn ra. Đúng vào lúc
đó, một khách mời chủ chốt của cuộc gặp này là bác sĩ
Nguyễn Đan Quế - người sáng lập phong trào đấu tranh dân chủ Cao trào Nhân bản, từng phải nằm tù cộng sản đến hai chục năm, đã bị hai chục công an thô bạo vây kín nhà để ông không thể đến gặp phái đoàn của bà Virginia
Bennett.
Khi đó, dù Virginia Bennett
là một chính khách mới trong chính quyền Donald Trump và
có lẽ chưa có mấy kinh nghiệm về các thủ thuật trả treo nhân quyền của giới lãnh đạo Việt Nam, sự thật là cái kết quả mà bà Bennett nhận được bằng những lời hứa hẹn chung chung và xảo ngôn của trưởng đoàn đối thoại nhân quyền Việt Nam - một quan chức chỉ ở cấp vụ trưởng Bộ Ngoại giao và năm nào
cũng có nhiệm vụ thông báo những lời hứa hẹn không hề được bảo chứng như thế - là sau cuộc đối thoại này đã không có
gì được cải thiện.
Thậm chí sau khi Thủ tướng Phúc kết thúc cuộc gặp với Tổng thống Trump ở Mỹ vào tháng 5 năm
2017, cuộc gặp mà đã không nhận được tín hiệu nào về Hiệp định thương mại song phương Việt - Mỹ, thậm chí còn bị Trump “đòi nợ” về tình trạng nhập siêu quá nhiều của Mỹ đối với Việt Nam trong lúc
Trump lại gần như không quan tâm đến vấn đề nhân quyền, giới cầm quyền Việt Nam đã bắt bớ đến gần ba chục nhà hoạt động nhân quyền chỉ riêng trong năm
2017, đồng thời đưa ra xử tù cực kỳ nặng nề đối với họ.
Trong số những người bất đồng chính kiến bị công an Việt Nam bắt vào năm 2017 và
năm 2018 có cả cái tên Nguyễn Bắc Truyển - một nhà hoạt động tranh đấu cho quyền tự do tôn
giáo ở Việt Nam và đã có mặt tại nhà riêng bà Mary
Tarnowka vào buổi tối gặp mặt phái đoàn đối thoại nhân quyền của Hoa Kỳ. Cho tới nay, Truyển vẫn phải nằm tù với mức án đến 11 năm.
Virginia Bennett dường như đã không có được một chút may mắn như những người tiền nhiệm là Daniel Baer và
Tom Malinowsky.
Nếu lấy mốc thời điểm năm 2013 để đánh dấu việc lần đầu tiên chính thể Việt Nam tiếp cận gần hơn bao giờ hết với TPP (Hiệp định Đối tác kinh tế Xuyên Thái Bình Dương) và đặc biệt cần đến hiệp định này như một sự cứu vãn cho nền kinh tế bắt đầu chìm ngập trong suy thoái
và nền tài chính-ngân
sách bắt đầu lao vào hội chứng hộc rỗng, những cuộc trao đổi của chính phủ Mỹ dưới thời Tổng thống Barak Obama và được cụ thể hóa bằng đoàn đối thoại nhân quyền do Daniel
Baer và sau đó là Tom Malinowsky dẫn đầu đã khiến nhà cầm quyền Việt Nam phải trả tự do do khá nhiều tù nhân lương tâm trong hai
năm 2013 và 2014 như Nguyễn Phương Uyên, Đỗ Thị Minh Hạnh, Cù Huy Hà Vũ…
và cả Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, Tạ Phong Tần - tổng cộng khoảng 12 người.
Nhưng Virginia Bennett
lại đến Hà Nội vào một thời điểm buồn bã và u ám: chỉ vài tháng sau khi
nhậm chức tổng thống Hoa Kỳ, Trump đã
làm chết đứng giới chóp bu Việt Nam bằng tuyên bố Mỹ rút ra khỏi Hiệp định TPP - mang lại hệ quả lớn lao rằng Việt Nam sẽ không còn là quốc gia được hưởng lợi nhất trong hiệp định này. Không bao
lâu sau đó, tư tưởng ‘ăn không được thì đạp đổ’ đã biến chính quyền Việt Nam trở lại bản năng một sinh vật hung hãn và xảo quyệt ti tiện, trút lên giới đấu tranh dân
chủ nhân quyền ở đất nước này mối thù vặt và công cuộc trả thù điên dại.
Trước tình trạng chính quyền Việt Nam gia tăng đàn
áp người bất đồng, có vẻ phía Mỹ đã phải tạm ngưng đàm phán nhân
quyền, dù cơ chế đối thoại nhân quyền giữa Mỹ và Việt Nam được duy trì 2 lần mỗi năm. Vào cuối năm 2017, đã
không có đối thoại nhân quyền Việt - Mỹ nào diễn ra, cho dù giữa năm đó đã đánh dấu một mốc thời điểm quan trọng về hậu quả đu dây té lộn cổ của chính thể Việt Nam: tháng 7 năm
2017, Bộ trưởng quốc phòng Việt Nam Ngô
Xuân Lịch được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo cấp tốc sang Washington cầu viện, bởi ngay trước đó ‘bạn vàng’ Bắc Kinh đã dùng đến vài trăm tàu hải cảnh vây bọc khu vực Bãi Tư Chính và mỏ dầu khí Cá Rồng Đỏ - một liên doanh giữa Việt Nam với hãng dầu khí Repsol của Tây Ban Nha, khiến chính thể Việt Nam mất ăn dầu khí ngay trên
‘vùng biển chủ quyền không thể tranh cãi’ của mình.
Tuy nhiên, lý do ngả ngớn về Mỹ một chút như trên chỉ là dầu khí chứ không phải nhân quyền. Hơn nữa, Donald Trump cũng nổi bật không phải là một tổng thống có mối quan tâm đặc biệt đến quyền con người trên thế giới.
Mỹ đang nắm đằng chuôi về quân sự và cả về nhân quyền nếu muốn…
Sang năm 2018, tình hình vẫn chưa thể khả quan hơn. Cuộc đối thoại nhân quyền Mỹ - Việt thường niên vẫn diễn ra tại Washington nhưng có vẻ vẫn bế tắc. Mặc dù khi đó đã nhận được tín hiệu ‘cho qua cầu’ của Liên minh châu Âu
(EU) về EVFTA (Hiệp định Thương mại tự do châu Âu - Việt Nam), chính quyền Việt Nam vẫn chỉ thả nhỏ giọt vài tù nhân bất đồng chính kiến như luật sư Nguyễn Văn Đài và
blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh.
Còn vào Đối thoại nhân quyền năm 2019, một lần nữa người Mỹ có vẻ ‘rút kinh nghiệm sâu sắc’ và tỏ ra cứng rắn hơn trước thái độ trơn tuột của những quan chức Việt mặt mũi bóng nhẫy và bụng lầy mỡ.
Sau nhiều năm quần quật nếm trải với Việt Nam về nhân quyền, rốt cuộc có vẻ Hoa Kỳ đã rút ra một bài học đắt giá: đặc tính của chính quyền Việt Nam là luôn dùng
tù nhân lương tâm để mặc cả về các hiệp định kinh tế, thương mại và viện trợ. Nhưng khi đạt được mục đích của mình, chính quyền Việt Nam lập tức trở mặt và bắt bớ người hoạt động nhân quyền.
Nếu không ở vào thế cùng quẫn về kinh tế và ngân sách, nếu không bị chế tài về lợi ích cá nhân, bản chất sẵn sàng vi phạm nhân quyền của chế độ toàn trị và giới quan chức ở Việt Nam sẽ không bao giờ thay đổi.
Khác hẳn với bối cảnh TPP không có Mỹ vào năm 2017, giờ đây Hoa Kỳ đã phần nào lấy lại ưu thế của nó bằng một sự kiện đặc biệt mà nhiều khả năng sẽ diễn ra: tiếp theo cú ngã vỡ mặt vào năm 2017 trước Trung Quốc và sau những chuyến con thoi qua lại lẫn nhau của bộ trưởng quốc phòng hai nước Việt và Mỹ, chính Nguyễn Phú Trọng sẽ công du theo lời mời chính thức của Donald Trump đến Washington - nơi mà ông ta sẽ lần đầu tiên được đón tiếp một cách không phải ‘ngoại lệ’ hay ‘đặc cách’ với vai trò là Nguyên
thủ quốc gia, chứ không bị coi là Tổng bí thư của một đảng cộng sản mà thậm chí ngay tại Việt Nam còn bị xem là ‘hoạt động bất hợp pháp’ (cho tới nay vẫn chẳng có bộ luật nào luật hóa hoạt động của đảng này).
Đó sẽ là một cuộc gặp mà Bắc Kinh chẳng thích thú gì mà
chắc chắn sẽ tìm cách phá đám -
khi Trọng và Trump, không
nghi ngờ gì nữa, sẽ bàn nhiều đến vấn đề tiêu điểm là hợp tác quốc phòng Mỹ - Việt và còn có thể dẫn tới một hình thức gần giống như hiệp ước tương trợ quốc phòng mà người Mỹ đã ký với Philippines, trước khi dẫn tới tương lai lớn hơn hẳn là quan hệ đối tác chiến lược Mỹ - Việt.
Sau quân sự sẽ là kinh tế, thương mại hai chiều mà đang mang lại cho Việt Nam giá trị xuất siêu đến 35 tỷ USD/năm. Và còn những triển vọng khác nữa… Với điều kiện là từ nay đến đó Nguyễn Phú Trọng kịp phục hồi sức khỏe khỏi cơn tai biến mang tên ‘Kiên
Giang 14 tháng Tư’ đã suýt bắt ông ta nằm liệt giường.
Trong thời gian Trọng phải chịu biến cố trên, cấp dưới trực tiếp của ông ta là ‘Phó tổng bí thư đảng’ Trần Quốc Vượng đã thay Trọng tiếp đoàn thượng nghị sĩ Hoa Kỳ, dẫn đầu bởi Thượng nghị sĩ Patrict Leahy,
thăm Việt Nam - một trong những động tác làm tiền đề cho cuộc gặp Trump - Trọng sắp tới.
Các thượng nghị sĩ trên đã có các
cuộc gặp với một số những chóp bu của Đảng, Chính phủ và Quốc hội Việt Nam và đã đề cập đến một số các trường hợp tù nhân lương tâm bao gồm danh sách 7 tù
nhân lương tâm được Đại sứ quán Mỹ chuẩn bị, điển hình là trường hợp của tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức, người đang phải chịu án tù 16 năm với cáo buộc hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân trong một phiên tòa vào năm
2010. Trường hợp của công dân Mỹ gốc Việt Michael Phương Minh Nguyễn, người đang bị giam giữ tại Việt Nam để điều tra cáo buộc hoạt động nhằm lật đổ chính quyền, cũng được đưa ra trong chuyến thăm đó.
Ngay sau khi trở về Hoa Kỳ, Thượng Nghị sĩ đảng Dân Chủ Tim Kaine - một trong số thành viên của đoàn thượng nghị sĩ trên - đã nói:
"Chúng ta (Hoa Kỳ) phải đưa vấn đề nhân quyền và cải thiện nhân quyền là một cột trụ trong quan hệ hai nước. Tôi rất mừng khi thấy quan hệ hai nước đã có những điểm mạnh. Hoa Kỳ đang cố gắng để giải quyết các vấn đề về di sản của chiến tranh. Chúng ta
đã làm đúng và chúng ta có quyền đòi hỏi chiều ngược lại và điều mà chúng ta đòi hỏi đổi lại đó là nhân quyền." (RFA Việt ngữ).
Nếu cuộc gặp Trump - Trọng diễn ra vào mùa hè năm
2019, đó có thể là một phiên bản của quá khứ khi đã diễn ra cuộc gặp Obama - Sang vào
tháng 7 năm 2013. Vào lúc đó, Trương Tấn Sang - Chủ tịch nước - sang Mỹ điều đình cho Hiệp định TPP, để khoảng ba tuần sau đó thì một tòa án ở Long An đã phải trả tự do ngay tại tòa cho sinh viên
bất đồng Nguyễn Phương Uyên, dù trước đó đã xử án sơ thẩm cô đến 6 năm tù.
Cuộc đối thoại nhân quyền Mỹ - Việt năm 2019 cũng bởi thế có thể sẽ mang một sắc thái khác hơn và hy vọng hơn so với con số 0 tròn trĩnh hai
năm trước đó. Bây giờ là vấn đề Trần Huỳnh Duy Thức và những tù nhân lương tâm khác. Sự thay đổi về số phận con người và quyền con người này có thể hiện ra trước khi Nguyễn Phú Trọng đặt chân đến Washington.
P.C.D.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét