Hà Sĩ Phu (Nguyễn Xuân Tụ) trầm tư, ít nói. Mỗi lần gặp tôi, anh chỉ nói về hiện tình đất nước.
Thập niên 90 thế kỉ trước anh viết một loạt bài trình bày về những bất ổn của thể chế xã hội chủ nghĩa. Nếu tôi nhớ không nhầm, bài đầu tiên anh viết là “Chia tay ý
thức hệ” sau đó đó là một loạt bài, tôi nhớ nhất, ăn sâu vào tiềm thức tôi là bài “Dắt tay nhau đi dưới tấm biển chỉ đường của trí tuệ”.
Những bài anh viết, khi về đến Sài Gòn, được bạn bè copy lại vài trăm bản để phân phối cho nhiều người đọc. Chúng tôi, lúc
ấy đã là những lão già về hưu thường tụ tập bàn luận những điều anh viết. Ai cũng phục anh, chẳng thấy ý kiến nào phản đối.
Tôi điện cho nhà văn
Hoàng Tiến ở Hà Nội là đã có mấy bài của Hà Sĩ Phu chưa? Anh
trả lời chưa và yêu cầu tôi gửi cho anh mỗi thứ một bản. Thời đó mới có internet nhưng Hoàng Tiến chưa dùng máy nên
không có mail. Tôi phải gửi thư tay cho anh qua
đường bưu điện, biết anh nghèo, tôi
gửi kèm 500 nghìn để anh có tiền mà sao ra nhiều bản. Hơn một tuần sau anh viết thư là đã nhận được thư và tiền (mặc dù tôi gửi thư bảo đảm chuyển phát nhanh nhưng bưu điện gọi cho anh ra lấy). Tôi rất bực mình, thân già
vất vả. Anh bạn tôi biết chuyện liền chửi thề văng tục vào mặt bưu điện và bảo tôi kiện bọn bưu điện bắt nó trả lại tiền chuyển phát nhanh. Tôi
cười, chuyện vặt, cái thể chế này nó như vậy, cho qua là thượng sách.
Phùng Quán bảo, Hà Sĩ Phu viết rất tâm huyết, nhưng Đảng và Nhà nước chẳng nghe lời khuyên của anh ấy đâu, có khi người ta còn cho là
viết để chống đối Đảng, Nhà nước.
Phùng Cung cười nhạt, Hà Sĩ Phu là
người kiến thức rộng, đọc Marx và phát hiện ra những sai lầm của học thuyết này, nhất là ông Marx cho
rằng muốn cải tạo xã hội, đưa xã hội đi lên bằng con đường đấu tranh giai cấp, người nghèo tiêu diệt người giàu… là sai lầm rất cơ bản. Hà Sĩ Phu phân
tích rất sâu sắc với một giọng văn chính luận rõ ràng, khúc
chiết… Mình rất ngại cho thân phận Hà Sĩ Phu sẽ giống như mình là bị “nhập kho”. Cậu nhắn Hà Sĩ Phu hôm
nào ra Hà Nội ghé mình chơi, mình và Phùng
Quán cùng nhiều anh em khác sẽ trao đổi về những bài viết của cậu ấy. Chúng mình sẽ nói cho cậu ấy về sự cảm phục của chúng mình để động viên Hà Sĩ Phu
không nhụt chí và
tiếp tục viết để nhân dân hiểu tấm lòng của một tri thức dấn thân, và may ra
những người lãnh đạo đất nước hồi tâm nghĩ lại để vì hạnh phúc của nhân dân mà
thay đổi thể chế, từ thể chế độc tài chuyển sang thể chế đa nguyên đa đảng, mang lại đời sống kinh tế phồn vinh cho đất nước và hạnh phúc cho nhân
dân. Nhân dân xưa nay khát khao tự do dân chủ, nếu không chia tay
ý thức hệ thì không bao giờ có được điều đó.
Phùng Quán đế vào: chế độ này chỉ thích dùng những người nghe theo lời họ, bằng lòng với cái hiện có, chứ không bao giờ dùng người tài, lắng nghe người tài, người tài là kẻ thù của họ. Ngày trước họ “đánh” Nhân Văn
cũng là đánh người tài, đến bây giờ họ vẫn cho chúng ta là
phản động, chống Đảng và Nhà nước chứ họ có sửa sai đâu. Tôi thấy Xuân Đài, anh
và nhiều người nữa đều ảo tưởng về chế độ này…
Ít lâu sau tôi ghé Phùng
Cung, anh cho biết Hà Sĩ Phu đã đến thăm anh. Anh
nói với Hà Sĩ Phu là họ sẽ bắt cậu đi tù, không vì
lý do khác chính kiến, mà lý do rất tào lao, chế độ chuyên chính vô
sản sẽ nghĩ ra mẹo để bắt người lương thiện, yêu nước. Mong họ nhẹ tay giam giữ cậu khoảng một năm rồi tha về, Cậu có thêm vốn sống về nhà tù của chế độ ta.
Lời nói của Phùng Cung thật thiêng. Năm
1995, Hà Sĩ Phu đang đi trên đường ở Hà Nội thì bị người nhà nước chặn lại đưa vào đồn công an, vu cho
tội ăn cắp và lục túi xách của anh và giam giữ. Ít lâu sau họ đưa Hà Sĩ Phu ra
tòa với tội danh ăn cắp tài liệu bí mật của nhà nước. Đó là bức thư của ông Võ Văn Kiệt gửi Bộ Chính trị mà Đại tá Lê Hồng Hà, Chánh văn
phòng Bộ Công an đưa cho Hà Sĩ Phu đọc tham khảo.
Bức thư này là lời tâm huyết của ông Võ Văn Kiệt, dân Hà Nội và Sài Gòn
không hiếm người có, bí mật quốc gia cái nỗi gì!
Ra tòa, Hà Sĩ Phu bị kết án một năm tù. Hết hạn tù, chúng tôi hơn chục người ra đón anh ở sân bay
Tân Sơn Nhất. Khi tôi bị bắt, tôi mới biết công an đánh
giá tất cả những người đi đón hôm ấy đều là phản động. Phản động hay là yêu nước, ủng hộ người cấp tiến?
Những bài viết của Hà Sĩ Phu, lúc ở Hà Nội tôi đưa cho nhiều bạn làm báo, thế hệ tôi và lớp trẻ sau tôi đọc. Mọi người đều khen, không thấy ai chê. Một anh bạn công tác ở báo Hà Nội Mới còn nhắc nhẹ tôi, cậu làm việc này, người ta sẽ quy cho tội tán phát tài liệu phản động, người ta có thể bắt ông đấy.
Lời nhắc này ứng nghiệm ngay. Cuối năm 1977
[1997?]. Lúc này Bùi Minh Quốc đang bị quản chế tại nhà nên tôi quyết định lên thăm Bùi
Minh Quốc và Hà Sĩ Phu.
Lúc này có cô gái trẻ tuổi công tác ở cơ quan du lịch thành phố xin đi cùng. Tôi
đồng ý ngay vì thấy cháu cũng là người cấp tiến. Trước lúc đi
cháu tự động đến nhà ông Nguyễn Ngọc Lan và chị Thanh con bác
Hoàng Minh Chính hỏi xem họ có nhắn và gửi gì cho những người ở Đà Lạt. Chị Thanh liền gửi cho cháu (tên
là Dung) 600 USD biếu ba người: Hà Sĩ Phu, Bùi
Minh Quốc, Tiêu Dao Bảo Cự.
Dọc đường họ chặn xe gần bến xe Đà Lạt. Một bọn người mặc quần áo thường dân, hắng giọng: Có người báo cho biết trên xe có người buôn lậu, chúng tôi là
phòng thuế xin bà con cho
xem chứng minh thư. Nói rồi, họ đi dọc xe kiểm tra từng người. Đến lượt tôi, xem chứng minh thư xong, họ mời xuống, đưa vào ngôi nhà
ven đường kiểm tra. Cả cháu Dung cũng
xuống xe và họ kiểm tra. Họ tịch thu tất cả những gì tôi mang
theo. Tôi bảo, các anh đưa tôi vào công
an, các anh là công an chứ phòng thuế phòng má gì, phòng thuế thì phải kiểm tra hàng chứ sao lại kiểm tra giấy tờ tùy thân, các
anh diễn kém lắm.
Họ giữ tôi tại công an thành
phố Đà Lạt làm việc ba ngày và di
lý về công an thành phố Sài Gòn làm việc tiếp. Lúc này có một anh trung tá người của A25 Hà Nội vào phối hợp với công an
thành phố để chấp pháp. Chuyện chấp pháp cũng chả có gì đáng nói bởi những câu hỏi tầm phào và tôi thì
“diễn” với họ. Nửa tháng sau họ cho tôi về nhà, trả lại giấy tờ và tiền việt, còn 600 USD họ giữ lại. Tôi hỏi một anh thiếu tá: sau các anh
không trả tiền mỹ cho tôi, đó là
tiền của chị Thanh còn bác
Hoàng Minh Chính nhờ tôi chuyển cho các bạn ở Đà Lạt. Anh ta liền bảo, nếu trả lại cho anh hóa ra
chúng tôi bắt anh là sai.
Tôi gặp cháu Dung, cháu
cho biết đã mời chị Thanh ra quán
café để nói chuyện nhưng chị ấy không ra. Tôi bảo cháu phải đến tận nhà nói chuyện đầu đuôi cho chị biết. Trước mắt là chúng ta phải lo tiền để mua 600 USD hoàn
lại cho chị Thanh vì chúng
ta không làm tròn nhiệm vụ. Sau đó cháu
Dung bỏ đi nước ngoài. Một mình tôi xoay xở không đâu ra tiền để hoàn lại cho người phụ nữ tốt bụng, điều đó làm tôi ân hận cho đến bây giờ, sắp tới tôi in cuốn sách dày hơn 200 trang, với điều kiện một công ty văn hóa
nào đó đứng ra in như trước đây họ đã in mấy tập truyện ngắn cho tôi, tôi sẽ có tiền nhuận bút
mà mua 600 USD trả lại cho chị Thanh, còn tôi tự xuất tiền ra in thì chỉ hòa vốn, đành bó tay. Nỗi ân hận chẳng biết sẽ kéo dài đến bao giờ…
Nhiều người tung tin, cháu
Dung là người của công an, cài bắt tôi. Tôi không
tin điều đó.
Ít lâu sau trên một tờ báo công an, bồi bút Nguyễn Như Phong viết liền bốn bài phê phán Hà
Sĩ Phu là người không hiểu biết gì về chủ nghĩa Marx
Lenin, phê phán tào lao. Đọc bài viết tôi giận tím người, muốn viết bài trả lời, chắc Hà Sĩ Phu và
các bạn cấp tiến cũng có ý nghĩ như tôi nhưng thời nay báo chí là
của nhà nước, chúng tôi có
viết thì đăng ở đâu, nếu là bây giờ có internet thì
chúng tôi có chỗ đưa bài lên.
Một điều đáng buồn nữa là giáo sư Trần Đức Thảo viết bài phê phán Hà
Sĩ Phu đăng trên báo Nhân Dân. Điều tôi không ngờ là lập luận của triết gia Trần Đức Thảo cũng sơ lược, giáo điều không hơn gì một anh cán bộ ăn lương nhà nước, “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”. Giáo sư Trần Đức Thảo có rất đông học trò thời ông dạy đại học. Những người ấy đều đọc và có rất nhiều người đến gặp tôi phàn nàn về bài viết. Tôi đều bảo với họ, tôi thương ông Thảo vì cái ngây thơ của ông nhưng tôi biết ông viết là theo suy
nghĩ nông cạn của ông chứ không ai ép buộc ông được, đến như Lê Duẩn gặp ông để trao đổi về cái luận thuyết “làm chủ tập thể”. Lê Duẩn nói cả tiếng đồng hồ. Trần Đức Thảo đã cố ý lắng nghe, nhưng khi Lê Duẩn hỏi, anh thấy thế nào, triết gia Trần Đức Thảo trả lời thẳng thắn, anh nói và tôi
không hiểu gì cả. Lê Duẩn tức giận đuổi Trần Đức Thảo ra khỏi nhà.
Từ đó đến nay, tiến sĩ Hà
Sĩ Phu đã viết có dễ đến hơn gần 100 bài, vừa rồi bài gần nhất mà tôi đọc được, anh có một ý rất hay: muốn thoát Trung phải tiêu diệt cộng sản. Tôi thích cái
ý đó vì nó rất chính xác, nếu không nói là
quá xuất sắc! Nhưng nhiều người ái ngại vì Hà Sĩ Phu nói
đúng nhưng nói quá mạnh, những người này họ chưa vượt qua nỗi sợ chế độ. Mạnh dạn lên các vị ơi.
Hiện nay ông Nguyễn Phú Trọng đang lập lò tôn tiêu diệt tham nhũng,
nhân dân rất ủng hộ nhưng nhân dân lại hỏi, ông bắt những người tham nhũng, xử án, người ông cho đi tù,
người ông cảnh cáo, tước các chức vụ họ giữ trước đó (một việc làm xem ra rất hài hước, giống một trò hề), sau đó ông cho
một người khác thay thế vào chỗ trống người tham nhũng vừa bị loại, nhân dân lại hỏi, liệu người mới này có tham nhũng
tiếp hay không, và
nhân dân trả lời, ông này sẽ tham nhũng tiếp, vì họ cũng đều được đào tạo trong một cơ chế độc quyền.
Là một người già, lớn tuổi hơn ông Nguyễn Phú Trọng, tôi có lời khuyên với ông, nếu thực lòng ông muốn có một chế độ trong sạch để đưa đất nước tiến lên thì ông
nghe lời tiến sĩ Hà Sĩ Phu:
chia tay ý thức hệ, xây dựng một chế độ mới mà các nước tiên tiến trên thế giới đã thiết lập lâu nay.
P/S: Tôi năm nay đã ngoài
80 tuổi, sẽ viết về những người yêu nước, hết lòng trăn trở về hiện tình đất nước như: tướng Trần Độ, nhà văn Hoàng
Tiến, nhà thơ Bùi Minh Quốc, tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang…
Tôi phải viết ngay, tuổi già sức yếu không biết đi về trời bao giờ. Nếu đi về trời mà chưa kịp viết về những người tôi yêu mến, sẽ nuối tiếc vô cùng vì
không thể làm lại được.
Còn các bạn trẻ như Phạm Đoan Trang, Võ
Hồng Ly, Nguyễn Thúy Hạnh và nhiều người khác nữa, tôi để dành cho các bạn trẻ viết về họ…
X.Đ.
Nguồn: 1. https://www.facebook.com/dai.xuan.560/posts/137378277409303 2.https://baotiengdan.com/2019/05/25/ha-si-phu-nguoi-tri-thuc-thong-minh-hieu-biet-rong-va-vo-cung-yeu-nuoc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét