Thứ Năm, 16 tháng 5, 2019

Nỗi sợ hãi và niềm hy vọng của chúng ta hiện nay ( 1 )


Hứa Chương Nhuận 许章润 (ĐH Thanh Hoa- Bắc Kinh. Đang thỉnh giảng ở Nhật)
Lê Thanh Dũng dịch 8-5-2019

                    Ảnh tác giả Hứa Chương Nhuận
Hiện nay nhân dân cả nước, kể cả các tập đoàn quan liêu, đều ngày càng lo ngại cảm thấy vô cùng hoang mang trước phương hướng phát triển của đất nước và an nguy về tính mạng của mình và người thân, dẫn đến sự hoảng loạn ở mức độ nhất định trong phạm vi toàn quốc. Nguyên nhân là gần đây, đường lối xây dựng quốc gia đã phá vỡ các nguyên tắc giới hạn cuối cùng dưới đây, đã đảo lộn những điều mà sau “cách mạng văn hoá”, đảng cầm quyền ra sức hợp pháp hoá, hơn nữa là đường lối chính trị được chứng minh là đúng đắn nhất trong ba mươi năm “cải cách và mở cửa”, cũng là nhận thức chung về chính trị xã hội ở mức độ thấp nhất của mọi công dân đang chung sống hoà bình, lẽ ra không nên dao động, tuyệt đối không được ngả nghiêng.
1. Bốn giới hạn cuối cùng
Vậy thì, bốn giới hạn cuối cùng là những gì?
THỨ NHẤT, giữ an ninh trật tự cơ bản, xác định rõ đích đi tới. Chấm dứt các “phong trào” kéo dài năm này sang năm khác, ngừng ngay các hành vi ngang ngược, chặn đứng các hành vi phi pháp, duy trì trật tự xã hội, đồng thời ra sức thực hiện hoà giải, đảm bảo điều kiện trật tự cơ bản về đời sống, làm việc và nghỉ ngơi ở mức cao cho mọi người dân. Đó là tính hợp pháp của giới hạn cuối cùng đã có trong bốn chục năm qua của chính thể này, cũng là nguyên nhân tại sao hàng tỷ người dân ủng hộ “cải cách và mở cửa” sau những hoạn nạn đã trải qua.
Tuy rằng từ an ninh trật tự đến công lý, tự chủ và nhân cách, không thể thiếu cái nào trong nội hàm của sản phẩm công, hơn nữa theo thời gian, khiếu tố sẽ ngày một nhiều hơn, nhưng trong hoàn cảnh thiếu thốn những sản phẩm cao cấp cần có một đảm bảo có giới hạn cuối cùng, dù sao đối với những người dân luôn sống trong tao loạn và khốn khó, đó cũng là điều tốt. Suy cho cùng, người dân khốn khó chỉ mong được yên ổn, có cơm ăn áo mặc, thế sự bình yên là tiền đề. Tuy rằng kiểu trật tự như thế này và sau đó là con đường phát triển “duy ổn” (ổn định trên hết) rồi sẽ nảy sinh các vấn đề mới, lúc đó sẽ hiển lộ ra tử huyệt chết người của nền thống trị bằng chính trị, đó là thiếu tính chính danh (nguyên văn: tính chính đáng). Nhưng việc nó tạo ra một sự an ninh trật tự cơ bản thì cũng đã là thành công, và hợp lòng người.
Không những thế, trong ba chục năm, nhất là sau xuân hè 1992, đảng cầm quyền lấy phát triển kinh tế làm trọng tâm, với khẩu hiệu “dồn trí lực lo phát triển, dốc tâm huyết lo xây dựng”, kiên trì hai chục năm không thay đổi, quan chức và dân chúng tác động lẫn nhau, diễn ra mấy phen, nói chung nhân dân nghĩ rằng, cho dù ai lên ai xuống, người này hết vở người kia thượng đài, miễn là phát triển kinh tế, không thay đổi chính sách chuyên tâm vào xây dựng đất nước. Có một dự kiến rõ ràng như thế, người ta hầu như yên tâm, chấp nhận sự sắp xếp của chính thể, anh làm quan to cứ làm, tôi sống cuộc đời nhỏ của tôi, cùng nhau lo an ninh trật tự xã hội. Nói cách khác, chả phải ước mơ này ước mơ nọ, mà là phát triển kinh tế, chuyên tâm xây dựng đất nước, đừng có phát động phong trào này nọ, yên tâm làm ăn, từ nguyên tắc giới hạn cuối cùng này, tạo ra điểm xuất phát để dẫn tới viễn cảnh xây dựng đạo đức quốc gia, cũng là tiền đề cho việc nhân dân chấp nhận sự thống trị.
THỨ HAI, sự tôn trọng có giới hạn đối với quyền sở hữu tư nhân và chịu để cho dân chúng làm giàu. Từ việc bãi bỏ quyền sở hữu tư nhân, tuyên bố tài sản tư nhân là nguồn gốc của mọi tệ nạn, đến sự bảo vệ có giới hạn quyền sở hữu tư nhân, chấp nhận sự theo đuổi làm giàu của hàng trăm triệu người, và xây dựng hiến pháp, gọi là “sở hữu tư nhân đi vào hiến pháp”, giải phóng cho sự ham muốn làm giàu cho gia đình và cá nhân. Tham vọng của người dân về một cuộc sống tốt hơn được nền chính trị tích cực chào đón. Trong môi trường này, không chỉ sức mạnh kinh tế của đất nước đã tăng trưởng với tốc độ chưa từng thấy mà còn đảm bảo các khoản chi rất lớn cho khoa học, giáo dục, văn hóa và quốc phòng, đặc biệt là chi phí cho đảng và chính phủ. Ngoài ra, người dân nói chung được hưởng lợi nhiều hơn và mức sống được nâng cao. Đây là nguyên do của sự tăng trưởng nhanh chóng của nền kinh tế Trung Quốc, và nó cũng thể hiện lý do tại sao tính hợp pháp của hệ thống chính trị hiện tại được toàn dân chấp nhận.  Rốt cuộc, đụng vào cái gì thì đụng chứ đừng đụng vào túi tiền của người ta, đó là cái lý bất đi bất dịch. Thực ra, đây là quy tắc chung của mọi xã hội loài người. Khái niệm về quyền sở hữu và khái niệm về tính người đã nói rõ điều này, “cải cách và mở cửa” với việc “gỡ bỏ mọi rối loạn”, trở lại con đường đúng đắn phổ quát, biết sai và sửa quả thực là một điều tốt đẹp.
THỨ BA, chịu đựng có giới hạn cách sống tự do của người dân. Trong mấy chục năm, xã hội công dân không phát triển. Nhoi đầu lên một chút là bị xử lý, điều này đã cản trở nặng nề đến sự trưởng thành về tâm hồn trí tuệ và hình thành nhân cách của công dân. Xã hội chính trị lại càng biệt vô tăm tích, dẫn đến sự hiểu biết chính trị của dân tộc Trung hoa như một cái áo ngắn cũn cỡn, khép vạt thì hở rốn. Nhưng xã hội luân lý thì được hồi phục về cơ bản, xã hội  kinh tế và xã hội thị dân ít nhiều có phát triển. Tự do thị dân không phải là tự do công dân, nhất là ở các tỉnh có nền kinh tế thị trường lớn mạnh đã sớm tạo nên cuộc sống thật sự. Nói cuộc sống thị dân và tự do thị dân là nói đến quyền sống có giới hạn trong lĩnh vực riêng tư, chủ yếu chỉ là ăn uống tán phét anh anh tôi tôi, nhất là đối với lối sống tự lập không dây vào chính trị, ít nhất là muốn để kiểu tóc nào thì để không cần phải nhìn sắc mặt nhà quan. Người ta tắm hơi đấm bóp, du lịch tiệc tùng, ngoại tình, buôn lậu tùm lum, cuộc sống như có màu sắc hơn.
So với chế độ chính trị cực quyền thời Mao, khi cuộc sống trong thùng sắt nhất loạt như nhau, quản lý chặt từ cái đũng quần, bây giờ người dân tạm thời buông bỏ nhu cầu về quyền công dân mà thỏa mãn với hạnh phúc thị dân, quay về bản sắc của người dân bình thường, không phê phán trách cứ. Đó là nguyên nhân để mọi người chịu đựng chính thể lúc này. Từ đó, công an cảnh sát lấy cớ chống tệ nạn xã hội để xâm phạm quyền con người một cách có chủ đích, gây nên sự bất an mọi lúc mọi nơi. Tuy rằng có thể thành công trong một vụ một việc nhưng cái mất đi là hy vọng của đông đảo người dân, thành thử cái được chẳng bù nổi cái mất. Bắc Kinh còn dựa vào chủ trương chấn chỉnh bộ mặt thành phố để nhất loạt dỡ bỏ các quán ăn, các cửa hàng thuận tiện cho người dân và đang làm ăn phát đạt, phơi bày ra cái thói tự tung tự tác của “nền chính trị vinh quang” đối với xã hội thị dân, hiển hiện một bộ mặt gớm ghiếc của quyền lực. Cái gì cũng phải như Hồng Công, London, Paris, những đô thị qui mô siêu lớn, không chịu qui hoạch cho việc buôn bán đường phố. Trong bối cảnh kinh tế thị trường, thái độ chê nghèo chứ không trách gian, ăn chơi không biết đến ngày mai, õng ẹo diễn trò, vô đức vô tri vô sỉ thì giàu sang…đã trở thành lối sống phổ biến của người dân. Người ta tuân thủ logic hàng hoá, diễn những màn hài kịch hiện đại và hậu hiện đại lố lăng làm sa đọa nền văn minh để đổi lấy cuộc sống bình thường của người dân.

THỨ TƯ, thực hiện chế độ nhiệm kỳ chính trị. Hơn ba chục năm, xét về thực chất, tuy mức độ đa nguyên xã hội và sự chịu đựng chính trị có được tăng lên đáng kể nhưng toàn bộ thể chế chính trị chưa thấy bất kì một sự thay đổi nào có ý nghĩa tiến bộ thực chất, trong xương tủy vẫn là cái quan niệm chuyên chính và đấu tranh địch ta cũ rích và tàn nhẫn, thêm vào đó là thói tham lam “gặm dần đất nước”. Tuy nhiên, do lập hiến qui định chế độ nhiệm kỳ chính trị, kể cả Chủ tịch nước và Thủ tướng, cũng như “đưa quyền con người vào hiến pháp”, và sau nhiệm kỳ mười năm vào năm 2003, việc thực hiện hòa giải trong đảng, cuối cùng đã thỏa thuận ra qui định trong hiến pháp không quá hai nhiệm kỳ liên tiếp, dài nhất chỉ đến 10 năm. Các điều khoản hiến pháp trên giấy cho đến nay dường như có thói quen được hiểu là “hiến pháp thông lệ”. Có vẻ như lập pháp và thực tiễn đều song song tồn tại. Điều này đã mang lại cho quốc gia một cảm giác an toàn về chính trị nhất định và cộng đồng quốc tế cảm thấy rằng Trung Quốc đang bước vào nền chính trị hiện đại. Có thể nói rằng trong 30 năm qua, kêu gào cải cách thể chế nhưng thể chế vẫn không nhúc nhích. Đó là thành quả duy nhất có thể trông thấy được, sờ mó được, lấy ra được của cải cách chính trị. Ai cũng nhận thấy, cho dù ông là ai, ông cũng chỉ có 10 năm. Thưa các vị, những người dân vô tội, những thân phận con sâu cái kiến, bán mặt cho đất bán lưng cho trời, tản mát như cát, lầm lũi tối tăm mặt mũi để nuôi sống gia đình, sức đâu mà chống lại được mọi thứ cường quyền có tổ chức. Thôi thì cuối cùng đã có “nhiệm kỳ mười năm”, còn hơn là phải đối phó với trò vè chính trị ngạo ngược có thể bùng phát bất kì lúc nào, để mà yên tâm lo cho cái hũ gạo lọ mắm nhà mình. 
Tóm lại, về tổng thể, kiểm soát xã hội theo định hướng an ninh vẫn có hiệu quả trong việc tạo ra an ninh công cộng như một sản phẩm công cộng cơ bản. Tuy nhiên, nó đã phát triển thành một thể chế “duy ổn”, trong một số khu vực thì nó thậm chí là một kiểu “chuẩn giới nghiêm”. Đuôi dài không rụng, chi phí cao ngất ngưởng, cho thấy tiềm lực của thể chế đã cạn kiệt và cần được nâng cấp thay thế.  Cụ thể, cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ đã bộc lộ hết sự yếu ớt của tiềm lực quốc gia và sự kém cỏi của chế độ, đồng thời tạo thêm cảm giác bất an. Trước đó, lãnh đạo cấp cao tuyên bố “tính hợp pháp của chấp chính không phải là một lần cho mãi mãi”, dường như đã có sự tỉnh táo trước cuộc khủng hoảng này. Nhưng trong những năm gần đây, người ta lại rất thiếu nhạy cảm, sự tự tin bùng lên, kiểu như “phong trào xóa nghèo”, một phương thức thao tác kinh tế chính trị “chuẩn phong trào” lại khua chiêng gõ trống, khiến cho tính xác định của đường lối quốc gia bị giảm sút giá trị.  Mặt khác, việc bảo hộ có mức độ đối với quyền sở hữu tư nhân và thỏa mãn có mức độ nguyện vọng làm giàu không chỉ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà còn nâng cao mức sống của hàng trăm triệu người, nhưng cuối cùng họ cũng gặp phải một thực tế là “quốc gia đi lên dân đi xuống”. Cuộc sống xảy ra những vụ án quyền lực công liên tiếp tước đoạt quyền tư hữu, tất yếu nổi lên sự khiếu kiện về “quyền tư hữu thiêng liêng”, và logic đằng sau nó là người dân nhận ra rằng “quyền lực không thể là của riêng, tài sản không thể là của công.” Lẽ ra, “riêng chung rạch ròi” mới có thể tạo ra hoà bình. Hai thứ này từ cổ chí kim luôn luôn là nội hàm cơ bản của chính trị. Ngày nay vấn đề này phải được giải quyết thỏa đáng mới có thể yên ổn. Nhưng điều khiến người ta nguyền rủa và kinh hãi là hiến pháp sửa đổi xoá bỏ chế độ nhiệm kì chính trị, coi như một nhát xổ toẹt 30 năm cải cách và mở cửa, một cái tát đẩy Trung quốc lùi về thời Mao khủng khiếp, cái thời nhộn nhạo và sùng bái cá nhân lãnh tụ đầy lố bịch dẫn đến sự hoang mang toàn diện sau đây. 
2. Tám điều lo ngại
Tóm lại, ở đây, sự lo lắng và hoang mang của mọi người chủ yếu tập trung ở tám khía cạnh sau đây.
 THỨ NHẤT, nỗi lo sợ về quyền sở hữu. Của cải đã tích lũy được trong vài thập kỷ qua, dù nhiều dù ít, liệu có giữ được không? Lối sống như hiện nay có thể tiếp tục được không? Quyền sở hữu hợp pháp có còn được pháp luật bảo vệ không? Doanh nghiệp có thể bị phá sản vì làm mất lòng nhân vật nào đó nắm thực quyền (kể cả bí thư chi bộ thôn), người mất nhà tan? Những chuyện như thế xảy ra quá nhiều trong mấy năm gần đây, cùng với thời gian sự bấp bênh, thiếu tính xác định càng tăng lên, dẫn đến sự hoang mang không dứt. Nó tấn công trước hết vào những người làm giàu thành công trong làn sóng cải cách và mở cửa, hiện tượng đi dân hàng loạt của những người giàu xảy ra như một phản ứng. Ở tầng lớp trung lưu và thấp hơn thừa ăn thừa tiêu cũng có những tai họa bất thưởng đổ xuống đầu trong quá trình sinh lão bệnh tử, nhất là xảy ra lạm phát, đồng tiền thành mớ giấy lộn.
Tất nhiên, di dân người giàu có nhiều nguyên nhân phức tạp như muốn có chất lượng cuộc sống cao hơn, họ còn muốn rửa tiền, hơn nữa họ có quyền nhởn nhơ ngoài luật pháp để đem tiền đi, nhưng ai cũng cái cảm giác thiếu an toàn về tài sản riêng. Quan thương nhất thể (vừa là quan chức vừa là nhà buôn-ND) giỏi vơ vét là người vớ bẫm nhất trong cải cách và mở cửa, và cũng là chủ thể của lớp di dân giàu có. Thông tin chính thống lộ ra không bao nhiêu nhưng lời đồn thì vô vàn, cộng thêm truyền thông chính thống thỉnh thoảng lại ca bài “lý tưởng tối thượng của đảng cộng sản là tiêu diệt chế độ tư hữu”, đồng thời gào thét sặc mùi dân tuý kiểu như “đánh đổ cường hào, chia ruộng đất”, càng làm cho cảm giác bất an thêm trầm trọng. Trong khi tình trạng hoang mang lan rộng thì lãnh đạo cấp cao học tập “Tuyên ngôn đảng cộng sản”, một tác phẩm điên rồ của hai thiên tài trẻ tuổi (K.Marx và F.Engels-ND) đã khiến thế giới bất an, làm chấn động tâm lý của toàn thể dân chúng trong nước chỉ có thể được cắt nghĩa thỏa đáng trong ngữ cảnh như thế này.
THỨ HAI, lại nhấn mạnh chính trị là thống soái, vứt bỏ quốc sách cơ bản là lấy phát triển kinh tế làm trung tâm. Trong vài năm qua, mùi thuốc súng của ý thức hệ ngày càng trở nên ngột ngạt và sự cạnh tranh để giành quyền nói đã được sử dụng như một biểu tượng. Trên thực tế, việc dựa vào sức mạnh của công quyền để dàn trận đàn áp ý thức hệ đã dẫn đến sự hoang mang lan rộng trong giới trí thức. Trong hoàn cảnh này, việc tự kiểm duyệt và tăng số lượng đã khiến ngành xuất bản phải chịu một đòn đánh nặng nề. Dư luận bị bịt mồm ngày càng tàn khốc, sự liên hệ giữa Trung quốc và thế giới bên ngoài bị cản trở. Thậm chí có những tài liệu tuyên truyền chính thống khuyến khích trẻ em tố giác cha mẹ, vi phạm nền tảng luân thường đạo lý. Nó vừa phản truyền thống vừa chống hiện đại, một bộ mặt trâng tráo của cực quyền chính trị khiến người ta không thể không nhớ tới thời kỳ “cách mạng văn hoá” dã man đã trải qua, quả là ngoài sức tưởng tượng.(chú thích: Đại Cách mạng Văn hóa Giai cấp Vô sản-gọi tắt là cách mạng văn hoá là một phong trào chính trị xã hội tại Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa diễn ra trong 10 năm từ tháng 5/1966 tới tháng 10/1976, gây tác động rộng lớn và sâu sắc lên mọi mặt của cuộc sống chính trịvăn hóaxã hội ở Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa nên cũng được gọi là “10 năm hỗn loạn”, “10 năm thảm họa” .Ngoài ra, cuộc cách mạng này đã làm thay đổi quan niệm xã hội, chính trị và đạo đức của quốc gia này một cách sâu sắc và toàn diện.
Mục đích chính của cách mạng này được một số người cho là một cách để Mao Trạch Đông lấy lại quyền kiểm soát Đảng Cộng sản Trung Quốc sau cuộc Đại nhảy vọt bị thất bại dẫn đến sự tổn thất quyền lực đáng kể của Mao Trạch Đông so với đối thủ chính trị là và cũng để loại bỏ những người bất đồng ý kiến.
Kết quả cuộc biến loạn này, có đến 1,5 đến 1,8 triệu người bị giết chết hay tự sát, khoảng 20 triệu người bị đưa về nông thôn lao động cưỡng bức trong nhiều năm, khoảng 200 triệu người bị thiếu ăn thường xuyên -Wikipedia) Hậu quả là nhiều giáo sư đại học mang tội vì phát ngôn và lúc nào cũng run sợ vì lo ngại miệng lưỡi tuyên truyền của đảng và chính quyền gây khó dễ và mật báo của học trò làm gián điệp trong lớp. Nghiêm trọng hơn, các quan chức địa phương thường không hoạt động dựa trên sự quan tâm chính trị, trong khi sự tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc phụ thuộc vào các quan chức địa phương dựa trên quan điểm phát triển, chăm chỉ làm việc có thành tích. Mặt khác, dư đảng của “mô hình Trùng Khánh” cấu kết với “ba loại người” của trường cao đẳng trước đây, rung vai một cái đã biến hình thành “tân cực tả” và kêu gào đánh giết.
Ban đầu, ký ức đắng chát của người dân đối với các “phong trào chính trị” còn mới mẻ, thế hệ trẻ cặm cụi với cuộc sống thị dân, quen với xã hội kinh tế và đời sống thị dân chẳng thích thú, cũng chẳng quan tâm gì đến “chính trị thống soái” được bày đặt ra với xu hướng chính trị hoá cực quyền hoàn toàn phi logic. Ép buộc họ quá chỉ tăng thêm tâm lý phản kháng. Trên thực tế, mấy chục năm lại đây, trên dưới một lòng, cái thể chế chính trị này còn nhận được sự chịu đựng của nhân dân. Nhà nước lấy phát triển kinh tế làm trung tâm, toàn tâm toàn ý lo phát triển, không có những phong trào “coi trọng chính trị”, chấm dứt hoặc giảm bớt sự can thiệp vào đời sống cá nhân, không còn diễn những trò hề kiểu “thà ăn cỏ chủ nghĩa xã hội chứ không thèm lúa chủ nghĩa tư bản”. Tóm lại, “lấy xây dựng kinh tế làm trung tâm” phát triển đến một giai đoạn nhất định thì cần phải chuyển sang lấy phát triển chính trị dân chủ làm trung tâm. (Ghi chú: nguyên văn: “lấy phát triển hiến chính làm trung tâm”. Theo “Từ điển hán ngữ hiện đại” thì “hiến chính” là nền chính trị dân chủ-ND) và chính trị kinh tế thúc đẩy việc xây dựng một dân tộc hiện đại, tiếp sức cho Trung quốc hiện đại. Nhưng trong tình hình hiện nay, ít nhất là hãy cứ làm theo người đi trước, rồi tìm ra con đường khác, đi theo hướng ngược lại.
THỨ BA, lại bày đặt đấu tranh giai cấp. Mấy năm trước, truyền thông chính thống và quan chức chủ quản về ý thức hệ nhiều lần nói đến đấu tranh giai cấp. Điều này đã lập tức gây hoang mang cho mọi người. Mấy năm đó xu thế công tác chính trị đã gây ra sự hoài nghi, phải chăng sẽ lại làm cuộc đấu tranh giai cấp kiểu Stalin – Mao Thiệu Sơn (hàm ý miệt thị, Mao Trạch Đông là con trai nhà bán gạo tại thôn Thiệu Sơn, huyện Tương Đàm, tỉnh Hồ Nam -ND) Chưa hết, với các đợt chống tham nhũng, đặc biệt là Uỷ ban kiểm tra nhà nước mới được thành lập và quyền lực không giới hạn của nó và tất cả các nhân viên công chức đều nằm trong sự kiểm soát của nó không những không làm cho cảm giác an toàn tăng lên, trái lại khiến người ta liên tưởng đến KGB và khả năng xảy ra cuộc đấu tranh tàn khốc trong nội bộ đảng và dẫn đến nỗi hoảng sợ của thời đấu tranh giai cấp trước đây. Do đó đối với kí ức của người dân về mô hình chính trị đấu-đấu-đấu, phải chăng nỗi lo âu lan tràn khắp Hoa hạ sẽ trở lại, khiến cho cảm giác xa rời chính trị ngày một tăng lên, không khí hoà hợp thân thiện ngày càng giảm. Lẽ ra việc thực thi “tư hữu vào hiến pháp” và “nhân quyền vào hiến pháp” đi kèm với chế độ lưỡng nhiệm đến vị trí đỉnh cao nhất trong nội bộ đảng đem lại hy vọng tiến dần đến một quốc gia bình thường, nghĩa là không còn cần phải sử dụng đến chữ “đấu” nữa. Nhưng cách làm của mấy năm lại đây hình như đi ngược lại, tất nhiên ai cũng phải hoảng sợ.
THỨ TƯ, một lần nữa lại khoá cửa đất nước, gây căng thẳng với thế giới phương Tây, đại diện là Hoa Kỳ, nhưng lại nhiệt thành với chính quyền tồi tệ như Bắc Triều Tiên. Tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội của Trung Quốc là sự tiến bộ tự thân của nền văn minh Trung Quốc. Nó tuân theo logic vốn có của sự chuyển đổi lớn của nền văn minh trong một thế kỷ rưỡi. Đây cũng là sự phát triển và tăng trưởng của hệ thống thế giới hiện đại sau khi bén rễ vào Trung Quốc, không hề có ngoại lực nào chủ đạo.  Tuy nhiên, ở cấp độ hoạt động cụ thể, sau khi khởi động lại “cải cách và mở cửa” và cải thiện quan hệ với thế giới phương Tây, nó hướng tới chủ nghĩa tiến bộ và nhằm mục đích “nối ray với thế giới” và ngồi trên tàu tốc hành kinh tế thị trường toàn cầu. Nếu không “mở cửa và bức thiết cải cách”, sẽ không có nền kinh tế xã hội và văn hóa Trung Quốc ngày nay. Nồng nhiệt bắt tay với các nhà nước thất bại và chuyên chế như Bắc Triều Tiên và Venezuela, làm trái ý dân, đi ngược lại trào lưu lịch sử là một hành động không khôn ngoan. Thực tế là con cái cành vàng lá ngọc của vô số quan chức và thương nhân Trung Quốc đã ăn nhờ ở đậu trên đất nước người ta, họ chẳng phải lo lắng về quan hệ hai nước, nhưng nó cứ lập loè khi sáng khi tối, khốn nạn cho cái dân tộc mà nghe nói là sở hữu toàn dân này nhưng tất nhiên bất hạnh thì lại rơi xuống đầu từng người dân cụ thể. Cái bấp bênh là cơm ăn áo mặc của họ. Vấn đề này xét kỹ nguyên do, đó là tư duy đảng đã thay thế tư duy nhà nước, và tư duy nhà nước bị bẻ công để đàn áp tư duy công dân. Không nghĩ đến tiến bộ, một mình một chợ, tụt lại đằng sau trào lưu tư tưởng của thời đại  từ lâu rồi. Tai hại thay.  
THỨ NĂM, viện trợ cho nước ngoài quá mức đã khiến các công dân phải thắt lưng buộc bụng. Nghe nói Trung Quốc đã trở thành quốc gia viện trợ nước ngoài lớn nhất thế giới, đưa bút nhoáy một cái bay hàng triệu hàng tỷ. Với một quốc gia đông dân đang phát triển, nhiều nơi vẫn còn trong thời kỳ tiền hiện đại thì đó là không biết lượng sức mình. Truy nguyên, đó là sùng bái tư duy khoa trương “vinh quang chính trị” là nguyên nhân chính, ngoài ra tâm lý công tử thích làm oai cũng khó trách. Tài sản quốc gia hiện nay, kể cả ba ngàn tỷ dự trữ ngoại tệ, là mồ hôi nước mắt của dân kỷ cóp hơn 40 năm, cũng là bao đời người Trung quốc ở nước ngoài thiện tâm đóng góp, làm sao có thể tiêu pha lung tung. Thời kỳ tăng tốc phát triển kinh tế cũng phải có lúc kết thúc, hào phóng như thế giống như “chi viện Á-Phi-La” (châu Á, châu Phi, Mỹ la tinh-ND) vô nguyên tắc một thời khiến cho dân đói, thậm chí người chết đầy đồng. Tình trạng này không được phép lặp lại. Bây giờ sau khi chiến tranh thương mại Trung Mỹ nổ ra, khẩu hiệu truyền thông nhà nước tung ra, nào là “chung sức vượt khó”, nào là “lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ” lập tức nhận được sự diễu cợt không thương tiếc của dân chúng: “Câm mẹ nó mồm đi”, điều ấy cho thấy lòng dân hướng về đâu, không còn dễ phớt lờ như xưa nữa.
THỨ SÁU, chính sách đối với các phần tử trí thức chuyển sang tả, tiến hành cải tạo tư tưởng. Mặc dù từ lâu đã nói phần tử trí thức là một bộ phận của nhân dân lao động, nhưng mỗi khi trở trời, gió thổi cây lay là lập tức coi họ là người ngoài, thậm chí là kẻ thù. Điều đó đã thành cái phong vũ biểu đo thời tiết chính trị và cũng là biểu trưng chính trị mô tả màu sắc của thể chế. Bộ giáo dục nhiều lần tuyên bố phải tăng cường giáo dục chính trị cho giáo sư, thông tin trên mạng phải đề phòng các giáo sư từ nước ngoài trở về, một số ít tàn dư của cách mạng văn hoá ở các trường đại học cũng nhảy ra hò hét đánh giết. Tất cả những chuyện đó khiến người ta lo lắng chính sách cải tạo trí thức lại sắp ra đời, đặc biệt là cùng với chính sách thiên tả là dấy lên phong trào cải tạo trí thức, thậm chí không loại trừ những điều còn nghiêm trọng hơn. Những lời xằng bậy cất lên, ai ai cũng run rẩy sợ hãi, còn nói gì đến tự do ngôn luận. Không có tự do tư tưởng và tinh thần độc lập làm sao có thể tìm tòi cái mới, chuyên sâu nghiên cứu học thuật và sáng kiến phát minh. Lẽ ra, qua bốn chục năm phấn đấu, nghiêm túc tạo ra một, hai thế hệ thì văn minh Trung hoa hy vọng đón nhận một đỉnh cao rạng rỡ về tư tưởng và học thuật. Nhưng nếu chính sách kìm kẹp này tiếp diễn thậm chí ngày càng xiết chặt hơn thì không có hy vọng khả năng ấy trở thành hiện thực, dân tộc Trung hoa cuối cùng vẫn chỉ là một tiểu quốc lùn văn hoá.
THỨ BẢY, sa vào một cuộc chạy đua vũ trang nặng nề và bùng nổ chiến tranh, bao gồm cả chiến tranh lạnh mới.  Chỉ trong mười năm, toàn bộ Đông Á đã thực sự rơi vào một cuộc chạy đua vũ trang, nhưng may mắn, xác suất chiến tranh vẫn còn ở mức có thể kiểm soát được. Vấn đề là chúng ta không thể vì thế mà làm gián đoạn sự phát triển thông thường của Trung Quốc và do đó phá hủy sự chuyển đổi hiện đại lớn lao còn chưa hình thành. Hai năm qua, trong các bài báo “Ngăn chặn Trung Quốc sa vào cuộc nội chiến toàn diện” và “bảo vệ cải cách và mở cửa”, người viết đã chỉ ra rằng Trung Quốc đã dần dần đặt “thể chế chuẩn bị chiến tranh” lên trên “thể chế duy ổn”, trong đó nhắc nhở nguy hiểm và đề phòng các ảnh hưởng tiêu cực. Tại thời điểm này, cùng với sự thắt chặt nội chính và tranh chấp thương mại nước ngoài ngày một phức tạp, khả năng suy thoái kinh tế đang gia tăng, và các yếu tố không thể kiểm soát được đang nhiều lên, đề phòng dẫn đến bắt buộc phải đi đến tình trạng chiến tranh, bất kể nóng hay lạnh. Cuộc thảo luận giữa các bên nhắc nhở rằng tranh chấp thương mại Trung-Mỹ sẽ không nên dẫn đến cuộc đấu tranh về ý thức hệ, càng không nên tranh chấp mô hình chính trị, xuất phát từ mối quan tâm chung mới tiến lại gần nhau hơn.
THỨ TÁM,  cải cách và mở cửa quay trở về chỗ cũ với nền chính trị cực quyền.  Mặc dù từ “cải cách” đã bị làm ô danh, kết cục, nền chính trị tồi tệ là đồng nghĩa với sự giả dối, nhưng trong bối cảnh Trung Quốc hiện nay, sự chuyển đổi lớn lao vẫn còn dang dở, đang đi đến đích cuối cùng. So với cuộc cách mạng có tính bùng nổ và sự thụt lùi kiểu cực tả thì cải cách vẫn là con đường ổn thỏa nhất. Cải cách nói suông, không tiến lên có nghĩa là lùi lại đã từ lâu không còn là việc của mấy năm lại đây mà nó diễn ra liên miên trong cả nhiệm kỳ. Theo xu thế đó, “cải cách và mở cửa” phải chăng đến đây là hết? cũng chưa biết được. Lúc này, sự lo ngại của nhân dân cả nước là rất lớn. Nói cực quyền quay trở lại là ở nhiệm kỳ Hồ Ôn (Hồ Cẩm Đào, Ôn Gia Bảo – ND), hình như xuất hiện xu thế cực quyền quá độ sang uy quyền, cho nên gọi là “chế độ chính trị uy quyền kiểu toàn năng thời kì hậu cực quyền”. Nhưng hai năm nay đã đi ngược lại mới gây ra tâm lý hoang mang rằng “cực quyền chính trị đã quay trở lại”. Trong lịch sử Trung Quốc cận đại, cuộc chiến tranh giáp ngọ 1894 và cuộc kháng chiến 1937 hai lần làm đứt quãng tiến trình hiện đại, khiến cho mọi cố gắng tiến tới nền chính trị thường ngày đổ xuống sông xuống biển, sự nghiệp hiện đại Trung quốc bị kéo dài. Ngày nay, cuộc chuyển biến lớn diễn ra gần hai thế kỷ đã đến giai đoạn kết thúc, có khả năng thành công, mong sao đừng do họa chiến tranh mà bị ngừng lại. Nếu ngừng lại thì cơ hội lần sau bao giờ sẽ đến, và có trời biết cái gì sẽ xảy ra.   
( còn nữa )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét