( Tiếp theo và hết )
Hứa Chương Nhuận 许章润 (ĐH Thanh Hoa- Bắc Kinh.
Đang thỉnh giảng ở Nhật)
Lê Thanh Dũng dịch 8-5-2019
Ảnh tác giả Hứa Chương Nhuận
3. Tám điều mong đợi
Tại thời điểm này, để đối phó với các mối quan tâm và hoảng loạn
nói trên, từ góc độ nội chính không can thiệp vào kinh tế thương mại (bao gồm cắt
giảm thuế đáng kể), chưa nói đến dân chủ và pháp quyền, tám điều sau đây được cụ
thể và hữu hình phải được coi là cấp thiết.
THỨ NHẤT, chấm dứt “vung tay quá trán” cho viện trợ
nước ngoài. Viện trợ nước ngoài không cần thiết và vô vị, đập vỡ niêu cơm là điều
người dân xót xa nhất. Trung Quốc vẫn đang phải leo dốc. Cơ sở hạ tầng và phúc
lợi của người dân đều là việc to như núi, gánh nặng đường xa. Khoan nói đến
chuyện lương hưu, việc làm và giáo dục, vấn đề nông thôn đang khốn đốn là rất nặng
nề, đòi hỏi lực lượng công quyền có biện pháp giải quyết. Mặt khác, một nửa
Trung Quốc vẫn là tiền hiện đại, coi như Trung Quốc chỉ mới hiện đại một nửa,
nói gì đến phục hưng văn minh. Gần đây, trong Diễn đàn Trung Quốc-Ả Rập, người
ta tuyên bố sẽ chi 20 tỷ đô la Mỹ để xây dựng cái gọi là “kế hoạch đặc biệt tái
thiết” các quốc gia Ả Rập và “xem xét việc thực hiện dự án với tổng số tiền 1 tỷ
nhân dân tệ để giúp thiết lập sự ổn định cho một số quốc gia hữu quan”. Nhưng
chúng ta biết rằng các quốc gia vùng Vịnh đều giàu đến chảy mỡ, đâu cần Trung
Quốc, một nước vẫn còn hàng trăm triệu người chưa thoát nghèo đến làm một ông lớn
ở đây. Việc này khiến người ta than trời, tâm hồn và trái tim để đâu mà mang
dân mình ra đãi khách? Hơn nữa, tất cả các khoản chi này hoàn toàn bỏ qua chế độ
quyết toán, đặt quyền lực hiến pháp về kho bạc của các cơ quan quyền lực nhà nước
cao nhất sang một bên. Khi hệ thống quan liêu chính thống được hình thành đã bị
tê liệt thì đây là sự tuyên chiến với hệ thống hiến pháp và pháp lý.
THỨ HAI, chấm dứt sự bày đặt lãng phí trong chiêu đãi ngoại giao. Một
cuộc họp bình thường cũng đốt tiền tiêu xài, bất kể giá thành, vừa khổ
dân vừa tốn của, thực tế vừa thất lễ vừa mất mặt. Đây là “chính trị vẻ vang” chứ
không phải “chính trị thực lợi” càng không phải “chính trị thực lực”, cũng
không phải cái “truyền thống tốt đẹp nhiệt tình hiếu khách vốn có của nhân dân
Trung Quốc”, cũng không phải là hành vi của kẻ háo danh. Theo cách nghĩ
này thì Nữu Ước, nơi Liên hợp quốc đóng trụ sở, toàn các vị mũ cao áo dài chắc
phải luôn luôn giới nghiêm; Genève và Paris thanh lịch, những nơi tổ chức nhiều
nhất các hội nghị quốc tế, chắc đêm nào cũng phải bắn pháo hoa. Đối với cơ quan
đối ngoại nên làm theo thực lực, phải nhắm đến thực lợi đồng thời đừng phung
phí lòng tốt. Chăm lo cho dân, vinh quang không cầu cũng tự đến. Nếu không có
cách nhìn này thì nền chính trị say sưa với vinh quang, người đại diện có vẻ rạng
rỡ lắm, nhưng không biết xót sức dân, giơ mặt làm oai chỉ làm cho người ta thêm
khinh và khơi dậy lòng căm ghét của người dân. Ngay cả khi gã hàng xóm phục phịch,
kẻ độc tài gian ác cả thế giới xa lánh mò đến cũng đón đưa tưng bừng, nghe nói
trên bàn tiệc bày cả chai rượu Mao đài miệng ngắn giá 128 vạn tệ, vèo một cái
khiến hàng ngàn triệu người dân xa lánh. Giấc mơ Trung hoa ư, cứ mơ đi!
THỨ BA, hủy bỏ đặc quyền nghỉ hưu của cán bộ cấp cao. Trong thể chế quốc
triều, ăn ở ốm chết đều trông vào kho bạc nhà nước và hưởng thụ đãi ngộ siêu quốc
dân. Đãi ngộ sinh hoạt đã có, các khoản trong tiêu chuẩn chữa bệnh nghỉ ngơi an
dưỡng tiêu phí mất bao nhiêu là mồ hôi nước mắt của dân, ai cũng tai nghe mắt
thấy mà cho đến nay không dám công bố, thực chất đó là hành vi vụng trộm. Cái
thể chế này kế thừa truyền thống phụng dưỡng con cháu quan lại dân tộc Mãn từ
thời nhà Thanh, tức trái với tinh thần cách mạng, càng không phù hợp với nguyên
tắc xây dựng một nhà nước của dân. Nếu nói đến “tàn dư phong kiến” thì đây là
điển hình. Người dân đã căm ghét đến cùng cực, nhưng chẳng có cách nào, dần dần
thành cái ung nhọt hận thù chế độ. Bên này người dân vào viện muôn vàn khó
khăn, bên kia phòng bệnh của cán bộ cấp cao nguy nga tráng lệ, tách rời khu bình
dân khiến cho người dân nhìn thấy tận mắt, mà mỗi ánh mắt căm hờn có thể vào một
lúc nào đó biến thành dông bão
THỨ TƯ, bãi bỏ chế độ cung cấp đặc biệt. Bảy mươi năm trước, thực
ra nó đã bắt đầu từ thời Diên An. Cho dù đó là thời đói rét, hàng trăm triệu người
hằng ngày lo lắng sữa cho trẻ em và thực phẩm thì chế độ cung cấp đặc biệt vẫn
dành cho tầng lớp quyền quý của cái gọi là “chính quyền nhân dân” với vô số những
đặc quyền mà người dân nằm mơ cũng không tưởng tượng nổi. Ngoài một vài chính
thể ra, trên thế giới không tìm thấy ở nơi nào khác nữa. Có thể nói, xa xỉ tột
cùng và cũng vô sỉ tột cùng. Xã hội không bao giờ bình đẳng, hiền ngu, giàu
nghèo khác nhau là điều tự nhiên, nhưng đó là số phận chứ không phải do cố tình
xoá đi lý tưởng công dân với điểm xuất phát bình đẳng, càng không phải do công
nhiên dùng kho bạc nhà nước để nuôi một số ít người có quyền. Ngày nào chưa bãi
bỏ chế độ này, “số 34” vẫn còn đó thì ngày đó an toàn thực phẩm của Trung quốc
còn chưa có gì được đảm bảo, và cũng chẳng có gì đáng nói về an toàn thực sự
nào cả. (chú thích: “Số 34” là Thông báo số 34 qui định về “Nguyên tắc xử lý
các vấn đề kế toán trong tài chính thương phẩm” -ND)
THỨ NĂM, thực hiện luật công khai tài sản quan chức. Về vấn đề này, người
dân đã đòi hỏi, mọi chuyện vẫn im phăng phắc, cho thấy trong đó nhiều mèo mỡ, xấu
xa phải che đậy. Trong qui trình đề bạt cán bộ, điều nói về con cái lại
chỉ nội bộ nắm được, thuộc hồ sơ cán bộ còn dân thường không được biết, khiến tất
cả như một đám sương mù dầy đặc. Hiện nay về nhân lực vật lực cùng các biện
pháp kĩ thuật đã tiến bộ là thời điểm có thể thực hiện được, hơn nữa qua kết nối
mạng toàn quốc, có thể dùng một tỷ tư cặp mắt để giám sát, đặt một nền móng vững
chắc. Việc chống tham nhũng và nạn tham nhũng không chấm dứt được, nguyên do là
ở chỗ người ta biến nó thành chuyện nội bộ mà không coi nó là tác nghiệp pháp
chế trên nguyên tắc công khai chính trị. Cái thiếu khuyết là khâu đạo luật về
công khai hoá (nguyên văn: Đạo luật ánh nắng). Nếu các ngài không có gì phải dấu
diếm thì hãy thực thi đạo luật này, hãy bày ra hết giữa ban ngày ban mặt! Nếu
các ngài thực tâm thành ý thì hãy tham gia vào tổ chức quốc tế về phòng chống rửa
tiền Egmont Group of Financial Intelligence Units mà nhiều nước đã
tham gia đi! Việc gì phải kéo mây mù che núi, coi hàng tỷ người dân chỉ như một
lũ ngốc.
THỨ SÁU, sùng bái cá nhân cần phải lập tức phanh lại. Đã bốn mươi năm cải
cách và mở cửa, không ngờ đất Thần Châu lại một lần nữa nổi lên nạn sùng bái cá
nhân lãnh tụ. Truyền thông của đảng dựng lên ông thần hoàn hảo chẳng còn gì để
thêm thắt, trọn vẹn hình ảnh một nhà nước cực quyền tiền hiện đại. Ảnh lãnh tụ
lại xuất hiện ở Thần Châu treo cao như thần linh, thật là quái dị. Hơn nữa,
quan chức nói câu nào thực ra là thư kí viết nhưng cũng được tôn sùng, còn biên
tập xuất bản, bìa cứng sáng choang, tặng miễn phí khắp thế giới, khiến người ta
buồn nôn. Lúc này nên suy nghĩ lại xem, tại sao những người trong cuộc lại vô
tri và háo danh đến thế, càng phải xem xét tại sao một nước lớn đã từng khốn đốn
vì cái nạn này, trong đó nhan nhản những “nhà lý luận”, “nhà nghiên cứu”, không
hề có chút sức phản kháng mà còn không ít lâu la xúm vào chấm mút. Hàng trăm
triệu người coi như chẳng có chuyện gì xảy ra, sẵn sàng chịu đựng những hành vì
ngang ngược này, bó tay với mấy gã nịnh thần. Điều đó cho thấy giác ngộ là việc
làm suốt đời đòi hỏi mỗi người sử dụng trí tuệ của mình một cách công khai
trong sự nghiệp chung mới có thể bền bỉ tiến lên phía trước. Hơn nữa, điều đó
càng chứng tỏ Trung Quốc chưa hoàn toàn bước vào hàng ngũ các quốc gia hiện đại
hành xử dựa trên lý trí, mà còn phải tiếp tục phấn đấu.
THỨ BẢY, khôi phục chế độ nhiệm kì của chủ tịch nước. Đầu năm sửa hiến
pháp, bãi bỏ chế độ nhiệm kỳ khiến dư luận thế giới xôn xao, dân chúng run rảy
sợ hãi, nổi lên mối lo “cải cách bốn mươi năm, lại quay về chỗ cũ”. Vô cớ dựng
lên một “nguyên thủ siêu hạng”, không kiểm soát, không thể không gây ra e ngại.
Do đó trong hai năm, năm nay và năm sau là thời gian thích hợp vì mùa thu Quốc
hội (nguyên văn Đại hội nhân dân) triệu tập hội nghị bất thường hoặc tháng ba
năm sau là hội nghị thường kỳ, thông qua hiến pháp sửa đổi lần nữa là cơ hội để
khôi phục chế độ nhiệm kỳ chủ tịch nước nhằm bảo vệ đường lối mở cửa. Một khi
hiến pháp đã hình thành thì dù chất lượng thế nào cũng không nên sửa đi sửa lại,
đành rằng đây là hiến pháp tạm thời dưới chính thể quá độ trong bước chuyển biến
lớn về thể chế (nguyên văn: đại chuyển hình), vẫn phải sửa chữa. Nhưng mong rằng
trước khi chuyển biến được thực hiện thì đây là lần sửa cuối cùng.
THỨ TÁM, đánh giá lại “ngày 4 tháng Sáu” . Năm nay và năm sau có liên
tiếp các chốt nhạy cảm là kỉ niệm 40 năm cải cách và mở cửa, 100 năm ”ngày 4
tháng 5” và 30 năm “ngày 4 tháng 6” . Hậu quả chiến tranh thương mại Trung Mỹ,
và sự kéo dài liên miên làm tăng thêm cái gọi là tính không xác định. Bây giờ
có cái tư duy “duy ổn” là “dùng an ninh để đối phó chính trị”, thêm vào đó là
“dùng chế độ để kiềm chế chính trị”, chứ không phải là “dùng chính trị để đón
nhận chính trị”. Từ ngày đánh giá lại “Ngũ tứ” thì ngày 4 tháng 5 không còn là
ngày nhạy cảm nữa do “dùng chính trị để đón nhận chính trị”, mặt nào cũng có kết
quả, vui vẻ mọi điều. Do đó nhân dịp 30 năm ngày nổ ra vụ “4 tháng 6”, nhà cầm
quyền nên chọn thời điểm thích hợp để công khai đánh giá lại sự kiện này. Như vậy
không những biểu hiện thành tâm và tỉnh táo “dùng chính trị đón nhận chính
tri”, hơn nữa mỗi năm đến ngày 4 tháng 6 khỏi phải căng thẳng như địch đánh đến
nơi, xoá sạch mọi chướng ngại để toàn thể công dân chung sống hoà bình về chính
trị, khiến lòng dân yên ổn, có lợi cho việc xử lý tính hợp pháp của chính tri.
Những điều nói trên đều là kiến thức phổ quát của chính trị hiện
đại, cũng là sự khắc họa những đòi hỏi rộng rãi của người dân. Sẵn sàng chịu
chém đầu để nói ra “những lý lẽ mà ai cũng biết” là bởi vì đâu đâu cũng bàn luận
ầm ĩ lên rồi, nếu không nói ra quan điểm của mình thì cũng không có điều luật
nào về vấn đề này, như vậy thì cả tôi và mọi người đều không biết sống thế nào.
Ô hô ai tai !
4. Những bước quá độ
Thế giới trong hai năm qua đã bước vào một chu kỳ nhỏ điều chỉnh
chính trị. Không cần phải hoảng sợ. Trời chưa sáng đâu. Cần tiếp tục đẩy mạnh cải
cách nội chính, kiện toàn tinh thần dân tộc mới có thể ứng phó được. Duy trì
con tàu thế giới trong đó có Trung quốc tiến tới hoà bình và phát triển ổn định.
Xung đột và chiến tranh là trạng thái tàn nhẫn bình thường của loài người, nhưng
tận dụng các cơ hội lịch sử để làm trễ hoặc tránh khỏi chiến tranh thì đó là sứ
mệnh của chính trị, cũng là sự thử thách lớn về trí tuệ chính trị và đức hạnh của
con người ăn thịt, con người là loài động vật chính trị, chính trị là trí tuệ
cao nhất của loài người. Về tình hình hiện nay, xu hướng hoà bình và phát triển
là không thay đổi. Đó là cơ hội lịch sử, gọi là “thời kỳ cơ hội”, chỉ người thức
thời mới nắm bẳt được, không ngó bên này nhìn bên kia rồi để có cỗ bài tốt
trong tay mà chơi hỏng.
Còn hai nước lớn trên bờ đông và bờ Tây Thái Bình Dương, bất ngờ
lần lượt bước vào tình trạng “gã hồng vệ bình già cầm quyền”. (Hồng vệ binh: sản
phẩm của “cách mạng văn hoá”. Tập hợp của hàng triệu thanh niên học sinh sinh
viên dưới sự chỉ huy của đảng CS, tự tung tự tác phá phách mọi thứ, vu khống, bắt
giam, tra tấn, đấu tố bất kì ai họ muốn- ND) Đây chỉ là một hiện tượng quá độ
ngắn ngủi. Thực ra chỉ là sự tái hiện bộ mặt nhố nhăng lại xuất hiện mỗi khi lịch
sử ở vào thời điểm khủng hoảng mà thôi. Từ đó cho thấy gã không hề có nhận thức
lịch sử và ý thức chính trị hiện đại, càng không dựa trên trách nhiệm đạo lý tự
giác phổ quát của thế giới văn minh mà trái lại vẫn in hằn dấu vết của cách mạng
văn hoá, với thói kiêu ngạo giả tạo, dùng sức quá đà nhưng lại sai hướng, dẫn đến
đánh võ có nghề, làm quan có cách nhưng trị quốc vô đạo, đi ngược với thời đại.
Nhìn sang bờ bên kia, vẫn một đám lên cầm quyển trong thời đại dữ dội và chính
sách chiến tranh lạnh, tuy có những phán xét khác nhau nhưng cũng là thiếu ý thức
lịch sử, thiển cận và tham lam, đưa ra những giải pháp sai lầm, khiến cho quốc
sách chủ nghĩa trọng thương (coi trọng việc buôn bán) của chủ nghĩa tư bản quyền
quý và dựa trên cơ sở duy ngã độc tôn, ngạo mạn, thiên kiến, ngang ngược thô lỗ
kiểu chủ nghĩa đế quốc lấy cướp đoạt làm đầu, dối trá trắng trợn bộc lộ ra hết,
phơi bày ra bệnh trạng văn minh suy đồi giai đoạn cuối.
Thói kiêu ngạo “ái quốc cuồng” hại nước hại dân, gọi là “giặc
yêu nước” (ái quốc tặc) từ cổ chí kim, ở Trung quốc và nước ngoài là không mới.
Đồng thời, điều đó còn nói lên rằng, cũng như chuyện “kẻ xấu già đi” (Trên mạng
TQ nhiều người nói rằng ngày xưa bất kể thành thị hay nông thôn, biết chữ hay
không biết chữ, người già luôn nghiêm cẩn trong đi đứng nói năng ứng xử, làm gương
cho lớp trẻ noi theo, ngày nay nhiều người già lăng loàn, phách lối, hung
hăng gây sự…Dư luận cho rằng nếu nói nguyên nhân là do cải cách và mở cửa là
không công bằng. Mà những người này xấu xa từ hồi trẻ và nay già đi, vì lúc trẻ
họ sống trong một thời kì vô đạo, vô pháp vô thiên, thời mà các “phong trào
cách mạng” khuyến khích chửi cha mắng mẹ, khinh rẻ chế nhạo mọi luân thường đạo
lý…. – ND) ai cũng là sản phẩm của hệ thống giáo dục do mình tạo nên trước
đây, sau đó không hề chuyên tâm, không hề tự xét cho nên khó thoát ra khỏi sự
trói buộc, lấy kiến thức cũ để ứng phó với sự vật mới, nhưng lại tự tin làm được
mọi điều. Quan niệm và chính sách của họ, như Tocqueville đã nói, chỉ là những
món đồ cũ mốc meo. (Alexis-Charles-Henri Maurice Clérel de Tocqueville
1805-1859, triết gia, sử gia, chính trị gia. Ông là đại biểu Quốc hội, Phó Chủ
tịch Quốc hội và Bộ trưởng Ngoại giao của Pháp, tác giả của một số khảo luận về
hệ thống chính trị của Hoa Kỳ, sau này trở thành tác phẩm kinh điển).
Lúc này, dư luận chung là, sự hiểu biết chính trị dưa trên lý
trí công dân đã tăng lên, có quan niệm đúng đắn về đạo nghĩa, nhưng ít thấy những
cái đó dựa trên tri thức văn minh của ý thức lý trí tầm quốc gia, đặc biệt là
chưa biết phân tích nhị nguyên cho phù hợp với lí trí quốc gia trong chính sách
“giữa các nước” và phù hợp với lý trí công dân trong “chính sách quốc gia”, mà
lẫn lộn lung tung, chỉ đông đánh tây, thậm chí sùng bái hồng vệ binh, hạ mình
xuống loại mạt hạng, cũng xoen xoét danh nhân danh ngôn, có thể coi như loại cặn
bã thối tha.
Đồng thời, chính thể chưa đủ sức hấp dẫn và sự thấu hiểu, khiến
cho thân phận người dân và sự đồng cảm công dân chẳng ăn nhập gì với nhau, suy
cho cùng “Đại Thanh” và “Trung Hoa” tuy dính kết vào nhau nhưng không phải là một.
Các vị “ngồi trên non sông” (nguyên văn: tọa giang sơn, hàm nghĩa lãnh đạo, điều
hành đất nước- rule the country-ND) lại “gặm non sông”, thế là non sông
sinh chuyện, lại bắt mọi người “cùng nhau vượt qua hoạn nạn” để “cứu non sông”,
thế có nhăng cuội không! Có dư luận kêu rằng một vài người nói và làm cứ như
không phải người Trung Quốc mà chỗ nào cũng nghĩ cho nước ngoài, thực ra lạ mà
không lạ, đó là kết quả của một quốc gia kém sức mạnh mềm, tức lực hướng tâm và
lực kết tụ yếu.
Hơn nữa, gạt sang một bên cuộc tranh cãi về nhận thức, kiểu như
thế nào là “người Trung Quốc”, với tình hình hiện nay có thể thấy các nhà tiên
tri mạnh ai nấy nói, càng cao đàm khoát luận bao nhiêu lại càng dễ đi vào ngõ cụt,
không còn chỗ mà quay đầu. Do đó cần phải nhắc lại rằng sự hiểu biết chính trị
của dân tộc phải bắt đầu từ sự mở mang đầu óc của những tinh anh tri thức, mà sự
mở mang đầu óc là ở tinh thần tự do, sự huyên náo chỉ càng bóp nghẹt cuộc sống
và tâm hồn con người, phải cự tuyệt sự gắn cứng vào bất kì một độc tôn
nào đó ngu xuẩn và ngạo mạn, yêu cầu nhà cầm quyền không được kìm kẹp khắc nghiệt
mà hãy trả lại tự do cho người đọc sách, từ đó tiếp theo mấy thế hệ chăm chỉ
dùi mài, nuôi dưỡng chủ lực tư tưởng (nguyên văn: cỗ máy cái tư tưởng) của văn
minh Trung Hoa, bảo vệ và tăng thêm sức mạnh cho nó, như vậy mới mong tỉnh táo
trong nhận thức, bình tĩnh và sáng suốt trong mọi tình thế.
Xét tình hình hiện nay, nhà cầm quyền (nguyên văn: đương cục)
nhiều lần tuyên bố không vì chiến tranh thương mại mà thay đổi chính sách
cơ bản của quốc gia là cải cách và mở cửa và cũng không dao động về đường lối
phát triển kinh tế hiện nay trong giao lưu mở cửa và ra sức giữ vững cơ chế đa
phương. Tương ứng với động thái này, cũng đã có các biện pháp mở cửa, có vẻ như
còn có sức định hướng. Đồng thời với cách thức dựa vào đường lối phát triển kiểu
Trung Quốc chứng minh “mở cửa thì phải cải cách” nhưng hầu như chưa thấy bất kỳ
sự cải cách chính trị nội bộ (nguyên văn: nội chính) một cách thực chất nào. Tiếng
sấm to mà giọt mưa nhỏ, không khỏi làm người ta thất vọng và dửng dưng quan sát
sự thực tâm và hiệu quả thật sự. Do đó thực hiện tám điều nói trên là việc cấp
bách, cứ làm đi rồi hãy nói. Anh nói anh làm được và chịu làm, vậy thì tám điều
trên chỉ làm một điều là chúng tôi mừng. Anh làm được ba, bốn điều, chúng tôi
tâm phục khẩu phục. Làm được cả tám điều thì cả nước mở hội. Đầu năm, mấy ông
to từng tuyên bố năm nay sẽ tiếp tục có nhiều hoạt động rầm rộ nhân kỷ niệm bốn
mươi năm “cải cách và mở cửa”. Đã qua nửa năm rồi, thay vì tin rằng sẽ có, ta
hãy thử chờ xem.
Cuối cùng, tiện thể nói thêm, thôn Lương Gia Hà, tỉnh Thiểm Tây
có bốn năm chục gia đình, thường trú hơn trăm hộ dân, thế mà họ mở một
phòng trưng bày sản phẩm nông nghiệp và trụ sở liên lạc ở Thượng Hải. Nhìn qua
đã thấy rằng chả làm được gì cho dân mà chỉ là quan chức và con buôn cùng bày
trò song tấu và mỗi bên có tính toán riêng của mình. (Lương Gia Hà, một thôn của
tỉnh Thiểm Tây, nơi Tập Cận Bình, đương kim tổng bí thư ĐCSTQ đã lao động 7 năm
trong thời kì “cách mạng văn hoá”. Nhà xuất bản Nhân dân tỉnh Thiểm Tây vừa
phát hành tác phẩm văn học “Lương Gia Hà”, nhân vật chính là Tập Cận Bình. Cuốn
sách được tuyên truyền rầm rộ và tỉnh Thiểm Tây phát động phong trào học tập-
ND)
Chưa hết, Viện kiểm sát tối cao vừa mở “Trung tâm dịch vụ kiểm
sát 12309”, và mời bí thư chi bộ thôn, người chẳng có tí dây mơ rễ má gì với
chuyện này cùng cắt băng khánh thành với bọn thái giám để kiếm cơ hội rửa tiền,
vỗ đít ngựa không biết xấu hổ. Còn chuyện Uỷ ban Liên hiệp khoa học xã hội tỉnh
Thiểm Tây mở thầu dự án “Đại học vấn Lương Gia Hà”, chưa kể những phong trào tạo
thần dựng thánh với các loại dự án xã hội và khoa học và sùng bái lãnh tụ, phản
hiện đại, đi ngược trào lưu, ngoài sức tưởng tượng, vô liêm sỉ, nhơ nhuốc xấu
xa diễn ra mấy năm gần đây! Nhiều quá, lếu láo quá, quá đáng quá, chẳng có hiệu
quả gì ngoài việc kéo chúng ta quay trở lại thời tăm tối cơ cực.
Nói hết rồi, sống chết có số, và thịnh suy tại trời.
7-2018
H.C.N.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét