Thứ Ba, 4 tháng 6, 2019

6 tuần biểu tình tại Quảng trường Thiên An Môn 30 năm trước

Vũ Hoàng (Theo BBC)
( Bài báo đăng trên Vnexpress , sau 5h thì bị gỡ bỏ )



                   Ảnh: Biểu tình trước quảng trường Thiên An Môn. Photo Courtesy





Cuộc biểu tình bắt nguồn từ sự bức xúc của người dân Trung Quốc trước tình trạng kinh tế khó khăn, còn Bộ trưởng Quốc phòng Ngụy Phượng Hòa gọi đây là “bất ổn chính trị cần dập tắt”.
Cách đây đúng ba thập kỷ, hơn một triệu sinh viên, trí thức và công nhân Trung Quốc tập trung ở Quảng trường Thiên An Môn, thủ đô Bắc Kinh để bắt đầu cuộc biểu tình chính trị lớn nhất trong lịch sử nước này. Cuộc biểu tình nổ ra trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc lúc bấy giờ gặp khó khăn, lạm phát tăng cao, cuộc sống của người dân đi xuống, gây nên nhiều tiếng nói bất bình trong xã hội. Tuy nhiên sau 6 tuần, dưới những biện pháp cứng rắn của chính phủ Trung Quốc, biểu tình đã bị dập tắt. Đến nay cuộc biểu tình Thiên An Môn vẫn là đề tài nhạy cảm ở Trung Quốc.
Ngày 15/4/1989, cựu tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc Hồ Diệu Bang, một nhà cải cách hàng đầu, qua đời vì bệnh tim ở tuổi 73. Những người ủng hộ ông bắt đầu tụ tập tại Quảng trường Thiên An Môn để bày tỏ niềm tiếc thương Hồ Diệu Bang, nhưng đồng thời cũng thể hiện sự không hài lòng với tốc độ cải cách còn chậm chạp ở Trung Quốc.
Từ ngày 18/4 đến 21/4, lượng người tập trung ở Bắc Kinh đã tăng lên tới hàng nghìn và các cuộc biểu tình nhanh chóng lan rộng đến nhiều thành phố, trường đại học trên cả nước. Sinh viên, công nhân và các quan chức hô vang những câu khẩu hiệu phản đối chính quyền, phàn nàn về tình trạng lạm phát quá cao, mức lương không đủ sống và thiếu nhà ở.
Ngày 22/4, hàng chục nghìn sinh viên tụ tập bên ngoài Đại lễ đường Nhân dân ở Quảng trường Thiên An Môn khi lễ tưởng niệm cố tổng bí thư Hồ Diệu Bang diễn ra. Bất chấp cảnh báo trước đó từ chính quyền rằng những người tham gia biểu tình có thể bị trừng phạt nghiêm khắc, lượng người đổ về Quảng trường Thiên An Môn vẫn không ngừng gia tăng. Họ đưa ra một bản kiến nghị yêu cầu được đối thoại với Lý Bằng, thủ tướng Trung Quốc khi ấy, nhưng bị từ chối.
Ngày 26/4, tờ Peoples Daily, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, đăng bài xã luận cáo buộc những người biểu tình đang chống đối đảng Cộng sản. Bài viết khiến ngọn lửa giận dữ của công chúng càng bùng lên dữ dội.
Ngày 4/5, hàng chục nghìn sinh viên từ ít nhất 5 thành phố của Trung Quốc tổ chức cuộc biểu tình lớn nhất kể từ thời điểm đảng Cộng sản lên nắm quyền năm 1949. Động thái trên diễn ra cùng dịp kỷ niệm 70 năm phong trào Ngũ Tứ (học sinh, sinh viên Trung Quốc tụ tập trước Thiên An Môn nhằm tuần hành kháng nghị Hòa ước Versailles).
Tại một cuộc họp với đại diện các ngân hàng châu Á, Triệu Tử Dương, tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc từ năm 1987 đến 1989, vẫn khẳng định các cuộc biểu tình sẽ dần lắng xuống.
Ngày 13/5, trước thềm chuyến thăm Trung Quốc của lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev, hàng trăm sinh viên bắt đầu tuyệt thực vô thời hạn ở Quảng trường Thiên An Môn, cho rằng chính quyền đã không đáp ứng yêu cầu đối thoại. Động thái trên thu hút sự ủng hộ rộng rãi của công chúng. Cuộc biểu tình đã khiến chính quyền Trung Quốc phải hủy kế hoạch đón tiếp Gorbachev trên Quảng trường Thiên An Môn.
Ngày 19/5, Triệu Tử Dương tới gặp các sinh viên ở Quảng trường Thiên An Môn, đưa ra lời kêu gọi thỏa hiệp cuối cùng nhưng không thành công. Chính quyền Trung Quốc sau đó ban bố tình trạng thiết quân luật tại một số quận ở Bắc Kinh, quân đội bắt đầu di chuyển về phía trung tâm thành phố. Nhiều dân thường chặn đoàn xe của quân đội, dựng rào chắn trên đường phố, nhưng các binh sĩ nhận được lệnh không bắn dân thường.

Từ 24/5 đến 1/6, các cuộc biểu tình tiếp diễn mà gần như không có sự hiện diện của lực lượng an ninh. Tuy nhiên, tại trụ sở chính phủ, các lãnh đạo Trung Quốc đang lên kế hoạch chấm dứt biểu tình và tình trạng hỗn loạn ở thủ đô. Ngày 2/6, các lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc tán thành quyết định dập tắt “các cuộc bạo loạn phản cách mạng” bằng vũ lực.
Tối 3/6, hàng nghìn binh sĩ quân đội Trung Quốc bắt đầu di chuyển hướng về phía trung tâm thủ đô Bắc Kinh. Người dân đổ ra đường nhằm ngăn họ lại, dựng rào chắn trên các con đường dẫn tới Quảng trường Thiên An Môn.
Phóng viên Kate Adie của BBC có mặt ở Quảng trường Thiên An Môn vào thời điểm đó cho biết trong lúc xe thiết giáp chở quân của quân đội tìm cách vượt qua chướng ngại vật, một số binh sĩ đã nổ súng, giết chết và làm bị thương nhiều dân thường không có vũ trangĐến sáng 4/6, Quảng trường Thiên An Môn gần như sạch bóng người biểu tình, khiến cả thủ đô Trung Quốc choáng váng. Hàng nghìn người dân giận dữ và tò mò tập trung trước hàng dài binh lính đứng chắn cửa phía đông bắc Thiên An Môn, khiến đụng độ và nổ súng lại tiếp diễn.
Chính phủ Trung Quốc coi sự can thiệp của quân đội nhằm chấm dứt biểu tình là một thắng lợi tuyệt vời. Một bài xã luận được đăng trên truyền thông nhà nước khẳng định quân đội sẽ trừng phạt nghiêm khắc và không thương tiếc “những người coi thường pháp luật và lên kế hoạch bạo loạn, gây rối trật tự xã hội”.
Đến nay, vẫn có các cuộc tranh cãi xung quanh câu hỏi chính xác bao nhiêu người đã thiệt mạng trong cuộc đụng độ giữa quân đội Trung Quốc và người biểu tình ở Quảng trường Thiên An Môn năm 1989. Một số người nói hàng trăm người đã chết, số khác cho rằng con số thương vong có thể lên tới hàng nghìn. Trung Quốc chưa từng công bố con số thương vong.
Ngày 5/6, quân đội lúc này đã kiểm soát hoàn toàn Bắc Kinh nhưng thế giới được chứng kiến một hành động thách thức đáng kinh ngạc mà về sau trở thành biểu tượng của cuộc biểu tình Thiên An Môn: Một người đàn ông không vũ khí đứng chặn trước những chiếc xe tăng xếp hàng đang di chuyển dọc theo Đại lộ Trường An hướng về Quảng trường Thiên An Môn. Tới giờ, số phận người đàn ông này vẫn là điều bí ẩn.
Ngày 9/6, lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình có bài phát biểu đầu tiên kể từ khi cuộc biểu tình bị dập tắt, ca ngợi nỗ lực của quân đội và đổ lỗi cho những người biểu tình gây ra tình trạng hỗn loạn ở thủ đô.
Đề cập tới sự kiện Thiên An Môn cách đây 30 năm, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa tại hội nghị Đối thoại Shangri-La ở Singapore hôm 2/6 tuyên bố “chính quyền đã kiên quyết ngăn chặn tình trạng hỗn loạn” và đây là quyết định sáng suốt.
Các cuộc biểu tình ở Thiên An Môn là “bất ổn chính trị mà chính quyền trung ương cần dập tắt, đấy là chính sách đúng đắn”, ông khẳng định. “Nhờ thế mà Trung Quốc mới ổn định và nếu tới Trung Quốc, các bạn sẽ hiểu được phần lịch sử đó”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét