Nguyễn Quang Duy
Gần đây có hai sự kiện đáng để chúng ta suy ngẫm:
(1) Thủ tướng Lý Hiển Long tuyên bố Hà Nội “xâm lược” và “chiếm
đóng” Campuchia; và
(2) Đại tá Hải quân Hoa Kỳ Nguyễn Từ Huấn được vinh thăng Phó Đề
đốc, trở thành vị tướng thứ 4 của Quân lực Hoa Kỳ, cho biết gia đình ông gồm 7
người, nhỏ nhất chỉ 2 tuổi, bị cộng sản xử tử trong biến cố Mậu Thân 1968.
Phép thử lòng tin chiến lược…
Ngày 15/11/2018, bế mạc Thượng đỉnh ASEAN thường niên tại
Singapore, Thủ tướng Lý Hiển Long chia sẻ đã đến lúc ASEAN phải chọn giữa
Mỹ-Trung.
ASEAN hình thành với 5 nước nhỏ vào năm 1967 nhằm chống lại sự
bành trướng của chủ nghĩa cộng sản, Hà Nội chính là nỗi đe dọa của các nước
này.
Chuyện tưởng chừng mọi người đều biết nhưng lời phát biểu của
Thủ tướng Lý Hiển Long: Việt Nam “xâm lược” và “chiếm đóng” Campuchia, đụng
phản ứng dữ dội của phía Hà Nội.
Điều này cho thấy Hà Nội đã hòa hợp trở thành một thành viên ASEAN,
nhưng chưa muốn nhìn nhận và hòa giải với quá khứ lịch sử.
Như thế sự đoàn kết ASEAN khó có thể được duy trì khi phải chọn
giữa Mỹ-Trung, chuyện đối đầu hay phong tỏa lẫn nhau sẽ dễ dàng xảy ra.
Như một phép thử lòng tin, Thủ tướng Lý Hiển Long một chính trị
gia lão luyện, nhìn xa trông rộng, mới 3 lần nhắc thẳng chuyện cũ, đáng buồn Hà
Nội chưa nhận ra vấn đề.
Năm 2013, cũng tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore, báo chí ca
ngợi cựu Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng về bài phát biểu xây dựng “lòng tin chiến lược”
trong Khối ASEAN.
Nhưng thực tế cho thấy Hà Nội chưa hòa giải, chưa chấp nhận sự
thật để tạo niềm tin với các quốc gia khác, chiến lược như vậy chỉ là lời nói
đầu môi.
Hà Nội sa bẫy và sa lầy…
Phản ứng của phía Hà Nội còn cho thấy họ chưa học được bài học
đã sa vào bẫy của Trung cộng và sa lầy tại Campuchia.
Thời nội chiến Bắc Nam, Hà Nội cũng đã từng đu dây giữa hai nước
đàn anh Nga Sô và Trung cộng, nhưng cuối cùng phải phụ thuộc vào Nga.
Có bằng chứng cho thấy Trung cộng đã gởi hằng chục ngàn cố vấn
sang Campuchia trong thời gian 1975-79 để đối đầu với Việt Nam. Họ tham mưu
Khmer đỏ quấy rối biên giới Việt Nam và cố vấn cho Khmer đỏ rút quân về biên
giới Thái Lan để Việt Nam sa vào bẫy và sa lầy tại Campuchia.
Nhiều quốc gia cấm giao thương với Việt Nam và cô lập Việt Nam.
Liên Hiệp Quốc liên tục làm áp lực để Hà Nội rút quân.
10 năm dân Việt phải gánh chịu khó khăn phục vụ chiến tranh.
Thanh niên thiếu nữ Việt phải ra chiến trường làm nghĩa vụ quốc tế và nhiều
người đã chết hay bị thương trên đất Campuchia, Lào và cả ở Thái Lan.
Khi Khối Cộng sản Đông Âu và Nga Sô sụp đổ, Hà Nội lại quay về
với Bắc Kinh ký kết Hiệp ước Thành Đô 1990, rút quân khỏi Campuchia và chịu ảnh
hưởng của Trung cộng từ đó đến nay.
Quan điểm Việt Nam “xâm lược” và “chiếm đóng” Campuchia được
hình thành từ thực tế và đã trở thành một quá khứ lịch sử.
Đa số dân Campuchia xem Việt Nam là đội quân “xâm lược” với tham
vọng bá chủ Đông Dương, hằng triệu người Campuchia phải bỏ nước ra đi.
Hà Nội cũng đã thống nhất Bắc-Nam, nhưng sau 44 năm cai trị vẫn
chưa thống nhất được lòng dân, hòa hợp nhưng không hòa giải.
Hà Nội theo Mỹ?
Việc Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc tay giương cao cờ Mỹ ngay giữa
thủ đô Hà Nội, việc các phái đoàn Mỹ-Việt liên tục viếng thăm nhau, việc Mỹ
viện trợ cho Hà Nội, bán vũ khí và mở rộng giao thương cũng chỉ là những dấu
hiệu hòa hợp hay hợp tác.
Còn hòa giải lịch sử và hòa giải ý thức hệ tự do và cộng sản vẫn
chưa được tiến hành.
Mỹ vẫn công khai xem Việt Nam là một quốc gia cộng sản, đàn áp
tự do nhân quyền, một quốc gia phi thị trường phụ thuộc vào Trung cộng.
Chiến tranh nếu xảy ra và giả sử Hà Nội có đứng về phía Hoa Kỳ,
Việt Nam lại một lần nữa bị động, sụp bẫy, sa lầy để trở thành bãi chiến trường
như đã xảy ra trong chiến tranh lạnh Mỹ-Tàu-Nga trước đây.
Quá khứ đau thương…
Vào Tết Mậu Thân 1968, Chuẩn tướng Tư lệnh Cảnh sát Quốc Gia
Nguyễn Ngọc Loan dùng súng ngắn bắn vào đầu một tù binh cộng sản mặc thường
phục hai tay đang bị trói.
Cuộc xử tử tù binh Bảy Lốp nhanh chóng được nhiếp ảnh gia Eddie
Adams chụp lại và hình ảnh được phổ biến cho thấy sự tàn khốc chiến tranh Việt
Nam.
Hình xử tử tù binh Bảy Lốp được phe cộng sản và phản chiến sử
dụng gây phẫn nộ dư luận và dẫn đến chiến thắng của cộng sản Bắc Việt ngày
30/4/1975.
Nhưng ít ai biết chính tù binh Bảy Lốp, Nguyễn Văn Lém, trước đó
vài giờ đã xử tử cả gia đình Trung tá thiết giáp Nguyễn Tuấn vì ông từ chối
không cộng tác với cộng sản.
Ông Tuấn bị chặt đầu, vợ ông, bà Từ Thị Như Tùng và sáu người
con bị bắn bằng tiểu liên, nhỏ nhất mới 2 tuổi, chỉ một bé trai lên 6 tuổi may
mắn được cứu sống.
Trong lễ kỷ niệm 55 năm ngày Đồng Minh tham chiến tại Việt Nam,
Đại tá Hải quân Nguyễn Từ Huấn xác nhận ông chính là cậu bé 6 tuổi được cứu
sống trong khi toàn thể gia đình bị cộng sản xử tử.
Ông Huấn cho biết gia nhập Quân Đội Hoa Kỳ để theo con đường cha
Cố Đại Tá Nguyễn Tuấn, tiếp tục góp phần cho một Việt Nam tự do.
Ông cho biết chính nhờ công của các chiến binh Quân Lực Việt Nam
Cộng Hòa mà cộng sản đã bị ngăn chặn ở Việt Nam và bị giải thể tại Đông Âu và
Nga Sô.
Ngày nay cộng sản chỉ còn tồn tại vài nơi và ông tin ngày chiến
thắng đã cận kề.
Như vậy hậu duệ Việt Nam Cộng Hòa có được 4 vị tướng hiện dịch
trong Quân Lực Hoa Kỳ.
Cùng lúc là tin chuẩn tướng Lục Quân Lập Thể Flora được đề cử
thăng cấp thiếu tướng.
Với người Việt Nam Cộng Hòa thì 30/4/1975 là ngày miền Bắc xâm
chiếm miền Nam. Hà Nội đã thống nhất Bắc-Nam, nhưng chưa hòa giải, chưa thống
nhất được lòng dân.
Trên 2 triệu người bỏ nước ra đi, ½ triệu người chết trên đường
tìm tự do là phản kháng tiêu biểu nhất của người dân.
Người Việt hải ngoại nay đã hội nhập vào và đã có khả năng ảnh
hưởng đến chính trị các quốc gia tự do. Ở Mỹ đã có dân biểu trong Quốc Hội cả
liên bang lẫn tiểu bang.
Tổng thu nhập GDP của người Việt hải ngoại ước tính hơn cả GDP
của toàn Khối ASEAN, chưa kể đến khối tài sản mà họ tư hữu.
Nhiều người có trình độ khoa học kỹ thuật, chuyên môn cao, có
kinh nghiệm làm việc ở các quốc gia tân tiến và có tấm lòng mong ước ngày Việt
Nam tự do để góp phần phục hưng đất nước.
Miền Nam mến yêu…
Miền Nam trước đây là miền đất tự do dân chủ, chính sách cải
cách ruộng đất đã hoàn tất, quyền tư hữu ruộng vườn đã thuộc về nông dân.
Sau 30/4/1975, người miền Nam trở thành người bị trị, quyền tự
do ứng cử và bầu cử bị tước đoạt, tài sản, nhà cửa, đất đai, ruộng vườn bị
chiếm đoạt.
Miền Tây vựa lúa miền Nam, giàu có biết bao, ngày nay dân không
đủ sống phải tha phương cầu thực…
Đổi mới chính trị để hòa giải dân tộc…
Sức mạnh của một quốc gia dựa trên lòng dân đồng thuận. Sự đồng
thuận chỉ có thể có khi tiếng nói mọi công dân được tôn trọng và chỗ đứng mọi
người đều ngang nhau, một xã hội tự do, dân chủ, thượng tôn luật pháp.
44 năm đã quá đủ để chứng minh chế độ cộng sản chọn sai đường
không mang lại đồng thuận dân tộc.
Tham nhũng cường hào ác bá tràn ngập khắp nơi. Dân nghèo khó,
quan chức giàu có, đất nước kiệt quệ. Đã đến lúc Hà Nội phải trao trả các quyền
tự do cho dân, trả lại tư hữu ruộng đất cho dân, chuyển đổi từ một thể chế cộng
sản sang một thể chế tự do, dân chủ.
Thay đổi thể chế chính trị, Hà Nội cũng chứng tỏ đã hòa giải với
khuynh hướng cải cách ngay trong nội bộ đảng Cộng sản Việt Nam.
Chính Ủy viên Bộ Chính Trị đảng Cộng sản ông Trần Xuân Bách vào
năm 1989 đã cố vấn cho Bộ Chính Trị như sau:
“Có nước tự cho mình không cần đổi mới, đã bị bục vỡ. Có nước
coi đổi mới kinh tế phải làm nhanh, còn đổi mới chính trị thì chầm chậm cũng
bục chuyện.
Có nước chỉ đổi mới kinh tế, không đổi mới chính trị, đã bục to.
Có nước làm cả hai, nhưng không nhịp nhàng, gặp khó khăn. Hai lãnh vực này phải
nhịp nhàng, không chân trước chân sau, không tấp tểnh đi một chân.”
Đổi mới kinh tế như hòa hợp, còn đổi mới chính trị chính là hòa
giải
Lẽ ra đổi mới chính trị phải làm trước, người dân phải được
quyền quyết định con đường phát triển và quyền giám sát việc nhà nước quản trị
quốc gia.
Đến nay hòa giải vẫn chưa được tiến hành, đổi mới chính trị vẫn
bị đình trệ.
Ông Trần Xuân Bách từng là Phó Chính ủy Bộ chỉ huy tối cao cuộc
tấn công vào Campuchia và sau đó làm trưởng Ban B68 chỉ huy bộ máy hành chính
của Campuchia nên chắc đã hiểu rõ những thảm bại của dân tộc trong cuộc chiến
tại Campuchia.
Trước đe dọa bành trướng và chiến tranh của Bắc Kinh, việc cải
cách chính trị, hòa giải và tìm đồng thuận dân tộc là việc làm hết sức cần
thiết và quan trọng.
Chưa quá trễ để đảng Cộng sản thay đổi thể chế, giảm thiểu đau
thương và thiệt hại cho dân tộc.
N.Q.D.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét