Thứ Tư, 26 tháng 6, 2019

Khi cán bộ phạm tội và chính trị hết thời


Nguyễn Hiền

Tất cả người cộng sản hiện tại, bằng những vị lợi cao hơn ý thức hệ, và lý tưởng chỉ là phương tiện để dung dưỡng lợi ích cá nhân đều đã, đang và sẽ tiếp tục gặm nhấm nhau như những ký sinh trùng khi có thể.


Tại Việt Nam, khi một người có thế lực, trong kinh tế hay chính trị, bị phanh phui hay ra tòa, thường có hai quan điểm trái ngược trong dư luận, đây là nạn nhân của đấu đá thôi...; những người này đều đã vi phạm pháp luật, đó mới là điểm chính cần nói... Bạn theo quan điểm nào?”.
Fanpage BBC News Tiếng Việt ngày 23.6 đã đặt câu hỏi như thế cho độc giả của mình.
Nhưng đây không phải là lần đầu tiên câu hỏi này được đặt ra, bởi trước đó, trong các bài chính luận nhằm phản bác các luận điệu xuyên tạc của thế lực thù địch, báo Nhân Dân hay Công an Nhân dân, Quân đội Nhân dân luôn sử dụng luận điểm kết tội với những quan chức sai phạm trong kinh tế hay chính trị là đúng đắn. Và quan điểm đấu đá nội bộ hay nạn nhân của đấu đã chỉ là những thù hằn của các cá nhân, tổ chức không có thiện tình với nhà nước Việt Nam đặt ra.
Facebooker Ngoc Dung, người trong phần phản hồi câu hỏi trên của quản trị viên BBC News Tiếng Việt đã bày tỏ:
Cả 2 đều đúng nha, họ vi phạm pháp luật nhưng nếu phe cánh họ đang ở kèo trên thì sẽ không bị khui ra”…

Cho đến nay, quan điểm và nguyên tắc xử lý đối với các cán bộ có quyền lực đều được tiến hành như thế. Và thực tế đã cho thấy, từ Trịnh Xuân Thanh cho đến Vũ Nhôm, vốn là những con người nằm trong một phương hướng tiến thân, thì danh vọng họ đạt được luôn gắn liền với những sai phạm nhất định.
Cựu Phó chủ tịch Quận 1, ông Đoàn Ngọc Hải, người thời kỳ ông Đinh La Thăng làm Bí thư thành ủy Tp. HCM đã từng xuất hiện dày đặc trên các trang thông tin, được giới quan chức thành phố ca tụng như một người có tâm huyết trong xử lý các sai phạm đường phố. Nhưng mới đây, khi ông phản ứng với quyết định luân chuyển chức vụ từ lãnh đạo chính quyền sang lãnh đạo một doanh nghiệp (trực thuộc thành ủy Tp. HCM) ông đã bị chính những người trong thành ủy, đặc biệt là Bí thư thành ủy Tp. HCM Nguyễn Thiện Nhân “nói rõ sai phạm” của ông Hải trong các năm 2016, 2017, 2018. Cụ thể là, giai đoạn này, “Quận 1 đã cấp phép xây dựng sai quy định, vượt thẩm quyền, cấp phép sai độ cao, mật độ xây dựng sai…”.
Nhưng xem xét trong 3 năm trên, các sai phạm của ông Hải đã không được đề cập trên báo chí, thay vào đó là những ngợi khen về sự cương quyết của ông Hải khi dọn dẹp vỉa hè.
Trung tướng Lê Văn Minh (nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục IV); Trung tướng Bùi Xuân Sơn (nguyên Phó Tổng cục trưởng); Trung tướng Bùi Văn Thành (Thứ trưởng bộ Công an); Thương tướng Trần Việt Tân;… và mới đây là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Văn Hiến. Những người mà nếu không phải thời kỳ ông Nguyễn Phú Trọng, thì không ai có thể phán xét về mặt sai phạm trong quá trình quản lý, điều hành. Bởi tất cả những sai phạm nếu có, đều có thể bị che lấp bởi những huân huy chương và quyền lực chính trị cá nhân trong tay của những vị lãnh đạo này.
Chúng ta có thể hình dung về mặt đội ngũ cán bộ Việt Nam, hay cơ chế chính trị Việt Nam như câu chuyện cổ tích “Cô bé quàng khăn đỏ”. Ở trong câu chuyện này, dù cán bộ hay một lãnh đạo có nỗ lực nguỵ trang thành bà cụ của cô bé, thì bản chất cũng chỉ là con sói không hơn không kém, và con sói này, tùy vào thời điểm hay nội lực bản thân mà nó có bị lột trần hay không lột trần.
Nguyễn Bá Thanh, nguyên Bí thư Thành ủy Tp. Đà Nẵng, nguyên Trưởng ban Nội Chính Trung ương, người từng thét ra lửa và được “trọng vọng” sau mỗi cuộc tiếp dân và phát biểu chỉ đạo đầy tính dân dã. Ông chết đi đúng thời điểm, đúng lúc, khi những sai phạm trong đất đai Đà Nẵng bắt đầu được khởi quật lên, và cái chết đã giúp ông tránh được đứng trước vành móng ngựa về một tội danh có thể có liên quan, như tham nhũng (!).
Những thần tượng dân túy của người dân bị bẻ gãy, và chưa có một chính khách nào ở Việt Nam có thể được người dân xem xét như là một người “liêm khiết, chí công vô tư” cho đến thời điểm hiện nay. Mọi cán bộ, mọi lãnh đạo đều ít hay nhiều đều có tỳ vết, chức vụ càng cao, sai phạm càng lớn, sai phạm càng lớn thì khả năng che giấu càng tinh vi. Do đó, ở Việt Nam xuất hiện một nguyên tắc, thời của ông bà nào thì người đó có thể che được bầu trời chính trị, nhào nặn nó theo ý muốn của mình. Bản thân Tổng Bí thư - Chủ tịch nước, người được báo Tuổi Trẻ trong một bài đăng trước đó ca tụng là có lối sống giản dị, hay báo VietNamNet từng diễn đạt vị Tổng Bí thư là người liêm khiết, thì đến nay, bản thân ông Trọng và sai phạm của ông nếu có, sẽ được hiểu là phô bày trong một thời kỳ khác, thời kỳ mà bàn tay ông không còn đủ sức nhào nặn chính trị.
Facebooker Phan Trí Đình, người trong một chia sẻ cá nhân trên trang Facebook của mình đã đặt tựa đề, “ai sẽ trả lời giáo sư Trọng”.
Xin thưa, Ngài đang hỏi nhầm đối tượng? Cái đám già nua cũ kĩ ngồi vờ vịt nuốt từng lời Ngài, được đào tạo không phải để lo cho tương lai, mà chỉ đủ sự khôn lỏi để tính chuyện họ sẽ chết thế nào, cất giữ tiền bạc ra sao, mồ mả nên giấu ở đâu? Cả cái đám đang được quy hoạch, là nguồn của đại hội tới cũng không phải là đối tượng để Ngài có thể trông đợi”…
Cái đám già nua, cũ kĩ mà ông Trí Đình đề cập bao gồm những người đang chờ thời, những người đang chờ cơ hội, và cả những người nguyện theo ông Trọng. Và dù gì đi nữa, họ, bằng những lợi quyền chính trị, sẵn sàng nuốt từng lời tuyên huấn của ông Trọng, để đạt những lợi thế trong tương lai.
Sẽ không đáng ngạc nhiên, khi những người “nuốt từng lời” ấy sẽ vĩnh viễn không bao giờ đọc một trang nào của cuốn sách “TBT, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng với tình cảm của nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế” do báo Nhân Dân tuyển chọn. Và sẽ không có gì đáng ngạc nhiên, khi vào một ngày nào đó, lại có thể trở thành những con người phán xét về những sai phạm trong quản lý, khuyết điểm của chính ông Nguyễn Phú Trọng.
Tất cả người cộng sản hiện tại, bằng những vị lợi cao hơn ý thức hệ, và lý tưởng chỉ là phương tiện để dung dưỡng lợi ích cá nhân đều đã, đang và sẽ tiếp tục gặm nhấm nhau như những ký sinh trùng khi có thể.
Không có ai trong sạch, mọi tượng đài (tấm gương) đều sẽ bị phá bỏ, và vi phạm tuyên bố bằng một bản án dựa trên kết luận từ những tội trạng trong văn bản pháp luật đều có thể được xem như là tội trạng “hết thời”, không còn đủ để dung dưỡng, bao che khuyết điểm và sai phạm cá nhân nữa.
N.H.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét