Thứ Bảy, 29 tháng 6, 2019

Phạm Toàn: ‘Sống đẹp khó hơn chết đẹp vạn lần’


Nhà văn Võ Thị Hảo
Gửi cho BBC từ Berlin, CHLB Đức

Nhà giáo, nhà văn hóa Phạm Toàn có nhiều đóng góp cho giáo dục, văn hóa và phát triển của Việt Nam. Bản quyền hình ảnh: OTHER
Để khóc hoặc hát cho một người vừa lìa cõi, còn gì vui hơn khi ta có thể nói về người đó, như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã hát “Đã bay cao trong vòm trời đầy”.
Chết đẹp đã là rất khó. Nhưng chết đẹp là quyết định của một khoảnh khắc. Còn để sống đẹp, là cả một đời, là dằng dặc những chuỗi lựa chọn và từ bỏ cám dỗ, thật ít ai làm được.
Những “người trần mắt thịt” dám bay cao tìm vòm trời đầy khát vọng là một cách sống đẹp.
Nhà văn, nhà giáo, dịch giả Phạm Toàn không là phi công, nhưng càng về cuối đời, ông càng gắng gỏi bay lên, vừa là để tiếp cận ánh sáng tri thức và tự do, vừa là mong góp chút sức nhỏ “dặm vá” lại bầu trời Việt Nam vốn tròn đầy nhưng đã bị nhiều phần thâm thủng bởi những kẻ cai trị ích kỷ và lừa mỵ.
Phạm Toàn, những năm bốn mươi năm mươi của thế kỷ trước đã từng là người lính hăng hái lên chiến khu trong ảo tưởng “Chiến trường đi chẳng tiếc ngày xanh” (thơ Quang Dũng) để rồi kết cục bị “ngộ độc” sự thật phũ phàng khi phải trải qua Cải cách ruộng đất, vụ án Nhân văn giai phẩm với chủ trương của đảng cộng sản “Trí phú địa hào đào tận gốc trốc tận rễ”...
Phạm Toàn, cũng như những người thuộc thế hệ ông, đều không may mắn, bất đắc dĩ chứng kiến những bi kịch thuộc vào hàng tàn nhẫn nhất của lịch sử VN: phong kiến lạc hậu, nạn đói, bốn cuộc chiến tranh, sự thống trị gần trăm năm của thể chế cộng sản ngày càng chứng tỏ sự bất lực trong việc bảo vệ chủ quyền đất nước, hệ thống công quyền đầy sâu mọt tham nhũng cho đến nay.

Nhưng sự thật phũ phàng đã không quật ngã được ông. Phạm Toàn với những bạn bè cùng thời hoặc những đàn anh, thế hệ văn sĩ trí thức quý giá như Phùng Quán, Trần Dần, Quang Dũng, Lê Đạt, Nguyễn Hữu Đang, Bùi Ngọc Tấn, Nguyên Ngọc, Dương Tường,... cái thế hệ vàng chịu nhiều khổ nhục ấy đã gắng gỏi biết bao để ngưỡng vọng ánh trời chân thực, tha thiết đem về chia lại cho dân Việt, hòng vươn tới vòm trời tròn đầy nhân văn, tự do, công bằng và bác ái cho người Việt Nam.
Phạm Toàn sẽ còn được người VN biết ơn, ít nhất vì ba thành tựu đáng kể. Thứ nhất, ông đã cùng một số trí thức sáng lập trang Bauxite Việt Nam nhằm bảo vệ môi trường sống của người Việt và chủ quyền VN, chống lại sự xâm lược tinh vi của TQ đội lốt các dự án đầu tư kinh tế và thương mại...
Trang này đã tạo được tiếng vang và tầm ảnh hưởng mạnh mẽ trong xã hội khiến cho những kẻ âm mưu bán nước phải run sợ và ra đòn thù. Trang này cũng cổ vũ trí thức và người dân dám công khai tôn vinh sự thật và công lý. Ông cũng là một trong những nhà tham gia và ủng hộ nhóm sáng lập Văn đoàn Độc lập Việt Nam.
Thứ hai, ông viết khá nhiều truyện ngắn và tiểu thuyết nhưng quan trọng nhất là ông đã dịch một số tác phẩm mang tính khai sáng nhằm cung cấp kiến thức, cổ vũ nền dân chủ và tự do cho Việt Nam, đặc biệt là cuốn “Nền dân trị Mỹ”.
Thứ ba, ông là một nhà cải cách giáo dục thực sự kiên định và đầy tinh thần hy sinh. Ông sáng lập nhóm Cánh Buồm, cùng các cộng sự vét những đồng tiền riêng vốn đã rất eo hẹp của mình để thực hiện dự án dài cả chục năm nhằm viết lại sách giáo khoa cho học sinh phổ thông từ lớp 1 đến lớp 9.
Quan trọng hơn nữa, nhóm này đưa ra một triết lý, một phương pháp giáo dục văn minh, cập nhật cách dạy của một số nền giáo dục tiên tiến. giải phóng sự sáng tạo của học sinh, dẫu chưa phải đã hoàn thiện nhưng là hành động thiết thực góp phần “phá vòng nô lệ” về giáo dục VN vốn đang khủng hoảng. Phạm Toàn là người sống đẹp, vì những lý do ấy.

Phạm Toàn qua đời ở tuổi 88 tại Hà Nội. Bản quyền hình ảnh: OTHER
Mộ phần của kẻ “nhẹ tênh”
“Gia đình xin không chấp điếu (không nhận vòng hoa và tiền phúng viếng)”. Đó là thông báo về đám tang Phạm Toàn do gia đình ông công bố.
Dẫu rất thương tiếc ông, nhưng cũng như khi đã viết về Phùng Quán, Lê Đạt, Quang Dũng, Nguyễn Hữu Đang, Bùi Ngọc Tấn, Bùi Tín... ngày họ lìa đời, tôi không cảm thấy hụt hẫng. Vì những người cầm bút và những bậc thức giả dám đấu tranh cho sự thật, cho công lý, góp phần cho nền khai sáng, dẫu họ có ra đi thì ảnh hình của họ vẫn lấp đầy nhân thế bởi di sản của họ, bởi lòng da diết phụng sự quên mình cho sự tròn đầy tự do và bác ái cho người dân Việt Nam.
Qua đây, không thể không nhận ra tại Việt Nam có hai cách hành xử trái ngược.
Kẻ thức giả - những trí thức có kiến thức uyên thâm, có tinh thần và hành động khai sáng - càng tài năng, càng cống nạp bản thân cho sự bình an của cộng đồng thì càng biết mình bé nhỏ.
Kẻ thức giả biết đời là hữu hạn nên càng cố công chịu nhọc nhằn kiếp nạn cho đến những phút cuối cùng để tiếp tục sứ mạng của mình. Sứ mạng ấy, cây thánh giá trĩu nặng ấy là do mình tự đặt lên vai, một ngày không vác được nó lên đỉnh đồi thì lòng đầy ăn năn.
Kẻ đó, trước khi lìa đời, đinh ninh dặn con cháu thậm chí một vòng hoa của người viếng cũng không nhận vì sợ ngay cả làm đau và lạm dụng cây cỏ, còn nói chi đến chuyện nhận tiền bạc phúng viếng của người khác. Đương nhiên họ ghê sợ lăng mộ rình rang chiếm đất người sống. Phạm Toàn là một trong những người như vậy.
Vâng, đương nhiên kẻ thức giả hành xử ngược lại với lũ ô trọc tham lam lấy việc cướp đoạt của người làm lẽ sống. Nuối tiếc sự xa hoa ô nhục, đám ấy sợ chết đến mức chiếm nhiều ha đất của dân xây đền đài lăng tẩm nguy nga chờ sẵn đến ngày chui xuống.

Phạm Toàn là đồng sáng lập tờ báo mạng và trang Bauxite Việt Nam được nhiều người quan tâm. Bản quyền hình ảnh: OTHER
Đám đó vừa dùng quyền vừa dùng tiền ép buộc hoặc mua chuộc sư hổ mang, lũ “đại đức” vô đạo lén lút đưa tên tuổi bài vị chúng vào chùa, hòng đợi lâu ngày người dân quên tội lỗi của chúng mà thờ chúng như thần thánh. Ngay cả trước cái chết, đám này cũng phải bài binh bố trận để tham nhũng, làm cú vét chót lớn nhất kể cả vật chất và tâm linh, hối lộ đánh lận khỏi cốt cách quỷ ma hòng lên bậc thánh thần!
Phạm Toàn ra đi nhẹ tênh, chẳng chút tham lam và rổn rảng còn trong đời tiếng cười ông hào sảng.
Vì thế, chỉ nói lời tạm biệt thôi, đâu có gì mà vĩnh biệt.
Như từ năm 1986, nhà thơ Phạm Toàn đã viết trong chính một bài thơ của ông “Sao lại nói bên mồ lời tạm biệt”:
Khi người đi mãi mãi đã ra đi
Cây nghĩa trang có nghe gió thầm thì
Người nằm đó đâu nào còn nghe biết
Sao chẳng nói bên mồ lời vĩnh biệt
Dù Chúa cho ta rồi sẽ gặp nhau
Đời bắt ta còn nấn ná dài lâu
Mà nói nhịu lúc ngỏ lời tâm huyết
Mà suy sụp mỗi lần bên cái chết
Sống đẹp khó hơn chết đẹp vạn lần
Dẫu băm bổ đường dài
Dẫu bịn rịn bước chân
Vẫn đứng lại đi hoài đi tiếp
Song vẫn nói bên mồ lời tạm biệt
Dù người đi mãi mãi đã ra đi
Cây nghĩa trang đứng nghe gió thầm thì”.
V.T.H.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét