Thứ Tư, 12 tháng 6, 2019

"Việt Nam sẽ không thể là Trung Quốc"


An Viên
Việt Nam không phải là Trung Quốc, nhưng Trung Quốc sẽ là Việt Nam tiếp theo trong tương lai.
Foreign Policy ngày 6.6 nhận định, Việt Nam sẽ không thể là Trung Quốc.
Bài viết này đến từ quan điểm nêu trên, mặc dù bản thân ý thức hệ cũng như những giải pháp chỉnh đốn Đảng thời ông Nguyễn Phú Trọng khiến nhiều người sa sút niềm tin về sự độc lập, tự chủ trong quản trị đường lối quốc gia.
Xét trên thuộc tính kế thừa, kể từ thời điểm Khúc Thừa Dụ, người mở đầu thời đại tự chủ dân tộc, và Ngô Quyên, người mở đầu kỷ nguyên độc lập của quốc gia Việt Nam thì đến nay, lòng tự tôn dân tộc chưa bao giờ cạn trong con người Việt. Nhắc đến Trung Quốc là sự dè chừng cho đến căm phẫn, bởi lịch sử giao tranh hàng ngàn năm và những mưa đồ của lãnh đạo quốc gia này đối với người Việt. Nhưng số phận của dân tộc Việt dường như là sự đánh đố, khi chịu ảnh hưởng văn hóa và chính trị Bắc Kinh, cho đến tận thời điểm hiện nay.
Khi Trung Quốc sử dụng chính sách bảo hộ để ngăn chặn Facebook và Google, thì tại Việt Nam, sau những nỗ lực yếu ớt từ phía chính quyền, cả hai "công cụ khai sáng" này đã hiện diện như một thành tố thiết yếu đối với đại đa số người Việt Nam. Và khi Trung Quốc sử dụng "Vạn lý trường thành trên internet" để chặn các trang web của Washington Post, Guardian, Wikepedia để điều hướng một thời kỳ nhạy cảm về chính trị,... thì tại Việt Nam, các trang này vẫn truy cập bình thường.
Bắc Kinh thành công trong việc tạo ra một thế hệ mất trí nhớ (thế hệ không biết gì về sự kiện Thiên An Môn), cũng như bản thân nước này thiết lập thành công hệ thống chấm điểm công dân - biến công dân trở thành một con súc vật trong cái chuồng xã hội lớn,... thì giới trẻ Việt Nam - với công cụ Facebook và Google đang đi tìm lại những mảnh ghép lịch sử đã bị che mờ bởi lịch sử Đảng CSVN.

Điều tốt nhất mà một người Việt Nam được hưởng so với Trung Quốc đó chính là một nền tảng internet thông thoáng hơn, nơi họ được trao đổi nhiều vấn đề. Và ở Việt Nam, "thế hệ mất trí nhớ" không tồn tại, bởi nhờ có mạng xã hội.
Gạc Ma, Len Đao,... hay Biên giới Tây Nam, Tây Bắc,... đã được những người Việt, đặc biệt là người Việt trở lĩnh hội, hấp thu và trở thành một phần của sự hiểu biết. Nói cách khác, chính internet hay mạng xã hội đã tạo nên dáng hình độc lập và tự chủ, và đặt ra yêu cầu về độc lập, tự chủ đối với lãnh đạo nhà nước.
Khi người dân không ưa chuộng một lãnh đạo nào đó, thì hoặc là người đó bất tài yếu kém, hoặc người đó có xu hướng thân Trung Quốc. Tại Việt Nam, cũng từng xảy ra câu chuyện về một lãnh đạo cao cấp, một ủy viên Bộ Chính trị, công thần cách mạng, nhưng lại có quan điểm thân Trung, và ông đã bị thất sủng vì điều này (Hoàng Văn Hoan).
Không cho phép sự tồn tại lãnh đạo thân Trung, chỉ cho phép một lãnh đạo biết ứng đối với Trung. Câu chuyện đó không chỉ là câu chuyện của những người quan tâm đến chính trị, mà cả đối với một bộ phận dân chúng Việt, những người sinh ra - lớn lên và hít thở một bầu không khí "không thân Trung".
Chính một lớp người như vậy, đã giữ cho Việt Nam không là Trung Quốc, và vĩnh viễn sẽ không thể là Trung Quốc tiếp theo, bất chấp sự tương đồng về mặt ý thức hệ hiện nay.
Tính cách "không ưa Trung" của người Việt cũng sẽ phán xét tính chính danh cầm quyền của một lãnh đạo, thậm chí là một đảng phái chính trị bất kỳ. Và nếu đối diện sự thật, thì "thân Bắc Kinh" sẽ là hố chôn công danh đối với một chính trị gia, hoặc một đảng phái trong tương lai.
Trong bài trả lời phỏng vấn về nhân sự Đảng trước ĐH 13, nhà nghiên cứu Vũ Hồng Lâm nhận định rằng, ông Phạm Minh Chính dù tạo ấn tượng tốt với giới doanh nhân và ngoại giao Đông lẫn Tây, nhưng dự luật Đặc khu do ông chủ xướng bị phản ứng, và quá trình tìm hiểu dự án người ta nhìn thấy một phần mối quan hệ của ông với Trung Quốc, khiến người không ưa trở nên nghi ngại hơn. Nhận định này là xác hợp với tâm tính dân tộc Việt, và với ngay cả ông Nguyễn Phú Trọng, cũng khiến không ít người nghi ngại vì vị trí Tổng Bí thư cũng như câu khen ngợi, "trà Việt Nam không ngon bằng trà Trung Quốc".
Những nhân vật, dự án,... có yếu tố Trung Quốc cũng gặp nhiều sự phỉ báng tại Việt Nam, đến mức ông Phùng Quang Thanh, thời kỳ còn đương chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cũng phải bày tỏ lo lắng vì, "xu thế ghét Trung Quốc từ trẻ con đến người già".
Cuộc biểu tình phản ứng Formosa, chống xâm lấn chủ quyền của HD-981, hay mới đây là dự Luật đặc khu,... thu hút hàng vạn con người đã cho thấy "quốc tính" về Trung Quốc sẽ là như thế nào.
Đảng CSVN có thể học tập Trung Quốc về đổi mới kinh tế, về xây dựng cơ sở hạ tầng, về chỉnh dốn đảng,... Bởi chính đảng với sự độc tôn quyền lực cho phép họ làm như thế, và bản thân sức mạnh cưỡng chế nhà nước còn đang trong tư thế sẵn sàng cho mọi biến cố. Tuy nhiên, nếu tiếp tục "học tập" theo mọi yếu tố Bắc Kinh, thì chính bản thân Đảng CSVN sẽ tự tước bỏ đi tính chính danh của mình, đặc biệt, những cách thức "nhập học" liên quan đến chỉnh đốn đảng, nhưng lại tác động đến quản trị xã hội như luật an ninh mạng, đặc khu, hay vấn đề về xã hội dân sự.
Việt Nam hoàn toàn khác Trung Quốc, và lãnh đạo mà người dân hướng tới không phải là thân Trung. Những điều kiện về internet, cơ sở hạ tầng, quốc tính cũng làm cho Việt Nam riêng biệt so với Bắc Kinh, và có những thuận lợi lớn hơn so với Bắc Kinh.
Năm 2019 đánh dấu 100 năm phong trào "Ngũ tứ" tại Trung Quốc, nhưng với những gì Bắc Kinh đã làm để kiềm chặt dân chúng trong sự ngu dốt, thì Việt Nam có thể là quốc gia có cơ hội làm tốt điều đó hơn.
Đó là bao gồm việc đòi hỏi, giành chủ quyền đất nước, trừng trị bọn bán nước; trả Việt Nam cho người Việt Nam,... Điều này càng ý nghĩa trước thềm ĐH 13 của ĐCSVN, thời điểm đưa ra các quan điểm và yêu cầu cải cách, để Việt Nam trưởng thành hơn bên cạnh Bắc Kinh, vượt Bắc Kinh về dân trí và ý thức tự cường, khả năng chớp lấy các cơ hội bên ngoài, và là quốc gia trả quyền lực về tay nhân dân.
Việt Nam không phải là Trung Quốc, nhưng Trung Quốc sẽ là Việt Nam tiếp theo trong tương lai.
A.V.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét