Thứ Bảy, 15 tháng 6, 2019

MUỐN CÓ NGƯỜI TÀI, TRƯỚC PHẢI DẸP BỌN TIỂU NHÂN

( BÀI VĂN SÁCH THI ĐÌNH CỦA TRẠNG NGUYÊN NGUYỄN TRỰC )

NGƯỜI XƯA NÓI VỀ VIỆC TIẾN CỬ, CHỌN LỰA VÀ SỬ DỤNG NHÂN TÀI
Lâm Khang Nguyễn Xuân Diện
Thưa chư vị,
Chúng tôi xin giới thiệu ở đây bài văn làm trong kỳ thi Đình (làm tại sân triều đình) - do nhà vua ra đề bài, chấm bài, để phân hạng các tiến sĩ. Người đỗ đầu (đủ 10 phân) là Trạng nguyên. Đề bài thường hỏi về các vấn đề lớn của đất nước và về việc trị nước. Bài thi đó gọi là Sách văn đình đối.
Bài văn dưới đây là sách văn đình đối đã mang lại lại danh hiệu Trạng Nguyên cho Nguyễn Trực (1417 - 1473) trong kỳ thi Đình năm Nhâm Tuất (1442), niên hiệu Đại Bảo thứ 3. Nguyễn Trực là vị Trạng nguyên đầu tiên của triều Lê. Tấm bia ghi về khoa thi này là tấm bia đầu tiên ở Văn Miếu, được dựng năm 1484.
Đề bài của vua Lê Thái Tông yêu cầu rằng: "Đức Thái tổ Cao hoàng đế ta lấy được thiên hạ, nhiều phen xuống chiếu cầu hiền mà không có một ai trúng tuyển. Trẫm từ khi lên ngôi tới nay, gắng sức trị nước, thế mà việc chọn nhân tài vẫn mịt mở thăm thẳm. Sao người quân từ khó tìm, kẻ tiểu nhân khó biết như vậy? Các ngươi hãy đem hết hiểu biết của mình trả lời, trẫm sẽ đích thân xem xét". Đấy! Lòng vua chân thành là vậy! Đời nay có theo kịp đời xưa chăng?
Thí sinh trả lời rằng: "Bệ hạ muốn quân tử tiến, tiểu nhân lùi thì không gì bằng gần gũi bề tôi khí tiết, sử dụng kẻ sỹ chính trực để họ đưa vua đi đúng đường và đặt vua vào chỗ không lầm lỗi". Rồi lại nói thẳng với nhà vua rằng: "Vua có nhân, không ai không có nhân; Vua có nghĩa, không ai không có nghĩa; Vua chân chính, không ai không chân chính. Trước hết, vua chân chính rồi cả nước sẽ bình yên". Đấy! Lời một thí sinh 25 tuổi nói với vua như thế! Có thẳng thắn không? Người đời nay có ai đang định bước lên hoạn lộ mà nói với nguyên thủ như thế chăng?
Thí sinh Nguyễn Trực còn chỉ rõ vai trò của người phát hiện và tiến cử người tài, như sau: Vua "tự mình chọn người, là đạo người làm vua, nhưng tiến cử tài năng cho đất nước, lại là chức trách của bậc đại thần. Nếu những người này "ngầm nuôi mưu gian ghen ghét hiền tài cất nhắc bè lũ. Bản thân chúng đã chả ra gì, thì làm sao tiến cử được nhân tài!".
Nguyễn Trực nhắc với nhà vua: "Hãy nhớ ba điều Trí, Nhân, Dũng là đạt đức của thiên hạ. Không có Trí thì không thể hiểu người; không có Nhân thì không thể chọn người; không có Dũng thì không thể dùng người. Lấy Trí hiểu người thì có thể hiểu biết rõ ràng và đầy đủ tài năng của họ. Lấy Nhân chọn người thì không bỏ người tài khi họ cùng khốn và chọn được người hết lòng trung thành. Lấy Dũng dùng người thì tin dùng không nghi ngờ và chuyên tâm nghe hết mọi điều. Nếu có cả ba điều Trí, Nhân, Dũng này thì lẽ dùng, bỏ rõ ràng, lòng yêu, ghét chính đáng. Đó chính là ý nghĩa của câu “Chỉ có người nhân mới biết yêu người, biết ghét người” vậy".
Và nhà vua, ngoài việc ban danh hiệu Trạng Nguyên cho Nguyễn Trực, còn cất nhắc bổ nhiệm ông vào những trọng trách trong triều đình. Nguyễn Trực được cử làm Chánh sứ (trưởng đoàn ngoại giao Đại Việt) dẫn đầu đoàn sứ bộ sang sứ nhà Minh vào năm 1444 cùng với Phó sứ Trịnh Thiết Tràng. Giữa triều đình phương Bắc, Nguyễn Trực đã hoàn thành sứ mệnh bằng kiến thức uyên bác, tài ứng đối nhạy bén, sắc sảo, sự vững vàng cứng cỏi và trên hết là ý thức tự hào dân tộc rất chính đáng của mình, khiến vua tôi nhà Minh phải kiêng nể. Khi ấy, gặp kỳ thi Đình, các đoàn sứ bộ được mời tham dự, Nguyễn Trực đã đỗ đầu và được ban danh hiệu Trạng Nguyên, cùng tấm biển "Lưỡng quốc Trạng Nguyên".
Năm 1457 viên sứ thần nhà Minh là Hoàng Gián sang ta. Lê Nhân Tông đã triệu Nguyễn Trực về triều để tiếp sứ Tàu. Hoàng Gián vặn vẹo đủ điều, nhưng điều nào cũng được Nguyễn Trực giảng giải phân minh, khiến cho vị “thiên sứ” nọ phải thán phục thốt lên "Quốc hữu nhân tài”(nước (Việt) có người tài).
Tài năng và phẩm chất của Nguyễn Trực được Lê Thánh Tông đánh giá cao. Mặt khác, vốn rất coi trọng sự nghiệp đào tạo nhân tài, Lê Thánh Tông đã tìm thấy ở Nguyễn Trực một nhà giáo xuất sắc, mẫu mực, và cử ông làm Quốc tử giám tế tửu. Nguyễn Trực tham gia hiệu đính, phê duyệt bộ “bách khoa toàn thư” của thời ấy: Thiên Nam dư hạ tập. Gia phả ghi rằng bộ Thiên Nam dư hạ tập theo lệnh của Lê Thánh Tông, phải mang đến tận nhà để Nguyễn Trực phê duyệt mới được xuất bản.(Phần này có tham khảo tài liệu của TS. Nguyễn Công Việt).
Ôi! Người xưa của ngày xưa! Ôi! Ngày xưa của người xưa!
___________________
BÀI VĂN SÁCH THI ĐÌNH CỦA TRẠNG NGUYÊN NGUYỄN TRỰC
Hoàng Hưng 
Lời dẫn của Lâm Khang chủ nhân: Bản dịch bài văn sách thi Đình của Trạng nguyên Nguyễn Trực do Hoàng Hưng dịch. Hoàng Hưng là bút danh của TS Hoàng Văn Lâu (1940 - 2005). Ông sinh năm 1940 tại Đông Hưng, Thái Bình, trong một gia đình gia giáo, trọng thi thư. Năm 1986 ông bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ về bộ sách Việt Sử cương mục tiết yếu của sử gia Đặng Xuân Bảng. Ngày 8 tháng 8 năm 2005, ông đi xe máy đèo một người bạn đi thăm một người bạn đang nằm viện và bị tai nạn giao thông, mất ngay tại chỗ, cách nhà vài trăm mét. Hưởng dương 65 tuổi.
Trong kho sách Hán Nôm có một khối lượng khá lớn văn bản ghi lại những bài văn hay của các ông nghè, ông cử làm trong các dịp thi Hội, thi Hương. Nhìn chung, loại văn thơ thi cử, làm theo một khuôn khổ gò bó, ít sáng tạo lớn. Nhưng ở một số bài văn sách, nhất là các bài văn sách nói về đường lối xây dựng đất nước đương thời lại có những giá trị sử liệu nhất định.
Bài văn sách thi Đình của Trạng nguyên Nguyễn Trực làm trong dịp thi Đình năm 1442, là một luận văn xuất sắc trong thi cử thời ấy. Bài văn nói về đường lối dùng người, kiến nghị các biện pháp để “tiến cử bậc quân tử, lui bỏ kẻ tiểu nhân”, là một tư liệu lịch sử quí có thể giúp ta tìm hiểu đường lối dùng người ở buổi đầu của nhà Lê, do vậy chúng tôi dịch và giới thiệu để bạn đọc cùng tham khảo.
Nguyên bản được ghi lại trong tác phẩm Bối Khê trạng nguyên đình đối sách văn; ký hiệu: A.1225, thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm.
[ĐỀ BÀI]
Trẫm nghĩ:
Trị nước phải lấy nhân tài làm gốc. Thời Đường Ngu, nhân tài có nhiều, nhưng các quan được dùng, ngoài Tứ nhạc, Cửu quan, Thập nhị mục(1) ra, không thấy còn ai nữa; Sao nhân tài khó tìm vậy! Đến Đế Nghiêu sáng suốt hiểu người là thế, mà trong triều vẫn còn lũ Tứ hung(2). Sao tiểu nhân khó biết vậy! Cái nạn Giáng thủy, cái hoạ Hoài sơn(3) dân chúng thời ấy, tai vạ thực không ít. Cổn trị thủy đến 9 năm, gây biết bao tai họa cho dân; Sao trừ bỏ tiểu nhân muộn vậy! Đời Chu được Kinh Thi ca ngợi là “kẻ sỹ đông đúc”. Văn Vuơng dựa vào họ mà dẹp yên đất nước. Nhưng đến đời Vũ Vương, chỉ còn thấy nhắc tới Thập loạn(4). Như vậy, bảo là nhân tài khó kiếm, há chẳng đúng sao? Quản Thúc, Sái Thúc phao tin đồn nhảm, khiến Chu Công phải lận đận, Vương thất suýt sụp đổ(5); sao bọn tiểu nhân gian hiểm đến thế, không thời đại nào là không có chúng!
Đức Thái tổ Cao hoàng đế ta lấy được thiên hạ, nhiều phen xuống chiếu cầu hiền mà không có một ai trúng tuyển, trong khi ấy thì bọn Hãn, bọn Xảo (6) ngầm nuôi mưu gian. Trẫm từ khi lên ngôi tới nay, gắng sức trị nước, thế mà việc chọn nhân tài vẫn mịt mở thăm thẳm; bọn Ngân, bọn Sát(7) lại gian ngoan chúa ác. Sao người quân từ khó tìm, kẻ tiểu nhân khó biết như vậy?
Các ngươi hãy đem hết hiểu biết của mình trả lời, trẫm sẽ đích thân xem xét.

[BÀI LÀM]

Thần trả lời:  
Thần nghe nói: Xưa nay, bậc thánh nhân trị nước, dẫu sự nghiệp có khác nhau, nhưng tấm lòng của họ, trước sau vẫn là một. Tiến cử người quân tử, lui bỏ kẻ tiểu nhân, ấy là bản tâm của bậc thánh nhân trị nước. Còn như người quân tử bị lui bỏ, mà kẻ tiểu nhân được tiến cử thì đâu phải là nguyện vọng của Thánh nhân.  

Xem như đời Đường Ngu, đức sáng lớn lao mà không khinh suất trong việc dùng người: Đặt quan chỉ dùng người giỏi, trao việc chỉ chọn tài năng, cũng như mục đích tìm người giỏi, dùng người tài của triều ta, đều là phép dùng người quân tử, trừ bỏ tiểu nhân vậy?
Hoàng thượng(8) kế thừa nghiệp lớn, trị nước giữ dân, sớm tối cầu hiền để giúp nên cơ nghiệp. Rồi lại đặt khoa thi chọn kẻ sỹ, mở rộng đường cho hiền giả tiến thân, tiến cử bọn thần ở giữa triều đình, hỏi về đạo trị nước và đạo quân tử, tiểu nhân khác biệt. Thần là kẻ ngu muội, đâu dám xét bàn trước bề trên, nhưng đã thẹn vâng chiếu sáng, dám đâu không trung thực phi bầy để đáp lại mệnh lớn của thiên tử.
Thần cúi đọc lời sách vấn của Thánh thượng hỏi rằng: Trẫm nghĩ: Trị nước phải lấy nhân tài làm gốc. Thời Đường Ngu, nhân tài có nhiều, nhưng các quan được dùng, ngoài Từ nhạc, Cửu quan, Thập nhị mục ra không thấy còn ai nữa; Sao nhân tài khó tìm vậy! Đến Đế Nghiêu sáng suốt hiểu người là thế, mà trong nước vẫn còn lũ Tứ hung; Sao tiểu nhân khó biết vậy “Cái nạn Giáng Thủy, cái hoạ Hoài Sơn, dân chúng thời ấy, tai vạ thực không ít. Cổn trị thủy đến 9 năm, gây biết bao tai hoạ cho dân; Sao trừ bỏ tiểu nhân muộn vậy!
Thần cho rằng: Trị nước lấy nhân tài làm gốc, dùng người lấy chữ tín làm đầu. Thời Đường Ngu, nhân tài có nhiều, nhưng các quan được dùng, chỉ thấy sách ghi là “hỏi ở Tứ nhạc” “nghe ở Thập nhị mục”. Tứ nhạc là người coi chung chư hầu bốn phương. Thập nhị mục là các đầu mục của Chín châu, cùng với Vũ là Tư không, Khí là Hậu tắc, Tiết là Tư đồ, Cao Dao là Sỹ sư. Thùy là Công công, Ích là Ngu quan, Bá Di là Trật tôn, Qùy là Điển nhạc, Long là Nạp ngôn, gọi là Cửu quan. Ngoài ra thì không thấy còn ai nữa. Kinh Thư nói: Đường Ngu đặt trăm quan. Lại có chỗ ghi: Người có đức được sử dụng, kẻ có tài được trao chức, trăm quan làm khuôn phép, trăm việc đều kịp thời. Chốn miếu đường bàn bạc việc chung, nơi điện bệ lời ca vang dội. Người người đều có đức hạnh của bậc sỹ quân tử; nhà nhà đều có phong tục đẹp đáng nêu khen. Cho đến nhân tài muôn mước đều là thần dân của Hoàng đế. Như vậy, phải đâu là nhân tài khó thấy? Còn như đế Nghiêu sẵn đức văn võ thánh thần, có tài hiểu người sáng suốt nhưng trong triều vẫn còn lũ Tứ hung là bởi sao?
Bởi đạo của kẻ tiểu nhân dễ tiến mà khó lui, dễ dùng mà khó bỏ. Đại gian như trung, đại nịnh như tín, chúng vào hùa kết đảng thậm chí dẫn dắt tiến cử lẫn nhau.
Nhưng đâu phải Đế Nghiêu sáng suốt không biết điều đó. Xem như câu: Dùng lời nói khéo để trái mệnh vua, giả cách kính nhường để gây tội ác(9), và câu: Hỡi ôi, bỏ mệnh Tiền Vương, gây tai hoạ cho dòng họ(10) thì có thể thấy rõ điều đó. Như thế, đâu phải kẻ tiểu nhân khó biết, mà chỉ là chưa trừ bỏ sớm thôi!
Nhưng đời Đường ngu, dùng phép Tam khảo(11) để bình xét công trạng của các quan. Cho nên, Nghiêu phải dùng Cổn tới 9 năm. Khi xét thấy Cổn không hoàn thành công việc rồi mới phế bỏ, chứ đâu phải là bỏ không sớm? Sau đó, Thuấn theo lệnh Nghiêu giết Cổn mà thiên hạ đều phục, như vậy, phải đâu tiểu nhân khó trừ. Xem thế thì thời Đường Ngu tuy có tiểu nhân, nhưng chúng không làm hại được công cuộc trị nước của Nghiêu Thuấn.
Thần cúi đọc lời sách vấn hỏi rằng: Đời Chu được Kinh Thi ca ngợi là “kẻ sỹ đông đúc”. Văn Vương dựa vào họ mà dẹp yên đất nước. Nhưng đến đời Vũ Vương, chỉ còn thấy nhắc tới Thập loạn. Như vậy, bảo là nhân tài khó kiếm, há chẳng đúng sao! Quản Thúc, Sái Thúc phao tin đồn nhảm, khiến Chu Công phải lận đận, Vương thất suýt sụp đổ; Sao bọn tiểu nhân gian hiểm đến thế, không thời đại nào là không có chúng.
Thần nghe rằng: Văn Vương hiểu rất rõ ý nghĩa và tác dụng của đạo “Tam hữu”(12) nên nhân tài đông đảo. Đó là điều tốt đẹp của nhà Chu. Đến đời Vũ Vương, chỉ có 10 người bề tôi dẹp loạn là Chu Công Đán, Thiệu Công Thích, Thái Công Vọng, Tất Công, Vinh Công, Thái Điên, Hoằng Yên, Tản Nghi Sinh Năm Cung Quát và một người là Ấp Khương. Cho nên Khổng Tử nói “Nhân tài khó kiếm” chẳng đúng thế sao! Từ thời Đường Ngu đến lúc này là có nhiều người tài giỏi. Nhưng trong 10 người ấy, có một là đàn bà(13) còn lại chỉ có 9 người thôi.
Nhưng xét kỹ phẩm chất biết dùng người hiền của Văn Vương trong bài thơ Vực phác(14) và niềm vui bồidưỡng nhân tài trong bài thơ Tinh nga(15) cùng những lời ngợi a như “ba ngàn kẻ sỹ, chỉ một tấm lòng...” thi nhân tài đời Chu không phải là không nhiều. Nói là nhân tài khó kiếm, chỉ có là không bằng thời Đường Ngu thôi, đâu phải ngoài 9 người ra, không còn ai khác. Ôi, nhân tài đông đúc như vậy, nhưng đương lúc Thành Vương mới lên ngôi, Quản Thúc, Sái Thúc là người ruột thịt trong Vương thất, ép Vũ Canh chống lại nhà Chu, nên đã phao tin để mê hoặc lòng người, khiến Thành Vương nghi ngờ Chu Công, làm cho Chu Công phải lận đận chạy về Đông Đô.
Bởi lúc ấy, Vũ Vương đọc thơ nhưng vẫn chưa tỉnh ngộ. Sự nghiệp của Văn Vương, Vũ Vương như ngàn cân treo sợi tóc. Nếu như trời không nổi gió mưa sấm sét để phô bày tội ác của Tạm giám(16) để tỏ rõ công đức của Chu Công thì ai có thể thức tỉnh và phù trì Thành Vương? Tuy nói kẻ tiểu nhân gian hiểm, không thời đại nào là không có, nhưng xem câu “kẻ có tội phải chịu tội” thì cũng thấy là tội ác của bọn tiểu nhân rốt cuộc không thể thắng được người quân tử.
Thần cúi đọc sách vấn của thánh thượng hỏi rẳng: Đức Thái tổ Cao hoàng đế ta lấy được thiên hạ, nhiều phen xuống chiếu cầu hiển mà không có một ai ứng tuyển, trong khi ấy thì bọn Hãn, bọn Xảo ngầm nuôi mưu gian. Trẫm từ khi lên ngôi tới nay, gắng sức trị nước, thế mà việc chọn nhân tài vẫn mịt mờ thăm thẳm; bọn Ngân, bọn Sát lại gian ngoan chúa ác... Sao người quân tử khó tìm, kẻ tiểu nhân khó biết như vậy?
Thần trộm nghĩ: Thái tổ Cao hoàng đế, theo trời mở vận, khai sáng cơ đồ; sẵn thiên tư thần vũ anh minh, là bậc chúa dựng nền ban phúc, luôn nhớ nỗi gian nan sáng nghiệp, luôn nhớ điều giữ nước khó khăn, đã nhiều phen xuống chiếu cần hiền, mong tìm được nhân tài trị nước, thế mà không có một ai ứng tuyển là bởi cớ làm sao?
Ôi, một xóm nhỏ có mười gia đình, thế nào cũng có người trung tín; một mảnh vườn mươi thước, thế nào cũng có loại cỏ thơm. Huống chi cả nước rộng lớn, có ức triệu người mà lại không có lấy một người tài giỏi há sao?
Thần nghĩ rằng: Tấm lòng của Thái tổ Cao hoàng đế, tức là tấm lòng sáng suốt hiểu người của vua Nghiêu, là tấm lòng khéo biết chọn người của vua Thuấn, cũng là ý đẹp gây dựng người hiền bằng mọi cách của Thành Thang, là phép hay không sót người gần, không quên kẻ xa của Vũ Vương. Bởi lo bậc hiền tài ẩn náu chốn hang cùng, nên hạ chiếu cầu hiền nhiều bận; bởi lo người tài giỏi lánh trong hàng tăng, đạo, nên đặt khoa thi để lựa chọn nhân tài. Thế mà chưa có kết quả là vì sao?
Là bởi tự mình chọn người, là đạo người làm vua, nhưng tiến cử tài năng cho đất nước, lại là chức trách của bậc đại thần. Bọn Hãn, bọn Xảo ngầm nuôi mưu gian ghen ghét hiền tài cất nhắc bè lũ. Bản thân chúng đã chả ra gì, thì làm sao tiến cử được nhân tài! Xem thế, dẫu Thái tổ Cao hoàng đế có nguyện vọng cầu hiền, nhưng bị bọn Hãn, Xảo che lấp hiền tài, nên không tìm được. Người xưa có câu: Ai tiến cử nhân tài, sẽ được ban thưởng mức cao nhất. Kẻ nào che lấp tài năng, phải bị trị tội nặng. Vì thế, bọn Hãn, Xảo đã không thoát khỏi sự trừng phạt của Thái tổ Cao hoàng đế. Bọn chúng cũng là lũ Tứ hung đời Ngu, lại Tam giám đời Chu đó! Nhưng dù có bọn tiểu nhân như chúng, vẫn không thể làm hỏng được công cuộc trị nước bấy giờ.
Bệ hạ nối chí trị nước, giữ vững cơ đồ. Công bằng lựa chọn thẩy đều là cựu thần của Thái tổ; tỳ hư dũng mãnh, thẩy đều là nghĩa sỹ của Cao Hoàng(17). Đương buổi đầu lên ngôi, đã xuống chiếu mở khoa thi, muốn chọn nhân tài để dựng nền thịnh trị. Thế mà hiệu quả được người vẫn xa vời thăm thẳm; Chân thành cầu hiền, vẫn chưa được ai xứng đáng. Há không phải bọn Ngân, bọn Sát gian ngoan chúa ác gây nên hay sao?
Thần cho rằng: Bọn Ngân, bọn Sát lừa dối bề trên, hãm hại hiền tài, lấy bọn theo mình làm giỏi, lấy bọn múa mép làm tài, mua quan bán tước, hối lộ ngang nhiên, đầy Cầm Hổ ra chân xa, bãi chức quan của Thiên Tước(18). Những việc như vậy, đâu phải vì nước tiến cử nhân tài, vì vua lựa chọn bề tôi? Do vậy mà người quân tử khó tìm, kẻ tiểu nhân khó biết.
Nhưng có thực là kẻ tiểu nhân khó biết hay không? Kìa bọn tiểu nhân Ngân, Sát, đã không thoát lưới của bệ hạ, mà quyết định sáng suốt của bệ hạ như Ngu, như Chu, như Thái tổ Cao hoàng đế, tấm lòng ưa thiện, ghét ác đều được thoả đáng mà khắp thiên hạ đều khâm phục vậy.
Ôi, quân tử và tiểu nhân hoàn toàn trái ngược nhau. Đạo quân tử mạnh thì đạo tiểu nhân suy; đạo quân tử suy thì đạo tiểu nhân mạnh. Như âm với dương, như ngày với đêm không thể cùng song song vận hành; như nước với lửa, như thơm với thối, không thể cùng chứa trong một rọ. Cho nên bậc bề trên, mỗi lúc dùng người phải bình tĩnh, phải chuyển tâm, phải thử thách, phải thận trọng mới được.
Thần cúi đọc lời sách vấn của thánh thượng hỏi rằng: Các ngươi hãy đem hết hiểu biết của mình trả lời, Trẫm sẽ đích thân xem xét. Thần tài năng chưa được bác cổ thông kim, dẫu hàng ngày ngu dốt, vẫn muốn được bề trên soi xét. Huống nay được dịp trình bầy, dám đâu không dốc hết hiểu biết của mình kính cẩn trả lời.
Thần nghe nói: Trị nước lấy được người làm gốc, dùng người lấy sửa mình làm đầu. Truyệnviết: Trị nước ở người, lấy người do mình. Lại có câu: Nghiêu Thuấn sáng suốt nhưng không biết hết mọi điều; hãy làm việc cần kíp trước; Nghiêu Thuấn nhân từ, nhưng không yêu khắp mọi người, hãy gần gũi người tài trước. Bệ hạ muốn học tập Nghiêu Thuấn thì đạo Nghiêu Thuấn còn đó; muốn học tập Thái tổ, thì phép Thái tổ còn kia. Bệ hạ muốn học Nghiêu, Thuấn, hãy quyết định đạo hiểu người, yêu dân phải làm trước, đạo dùng hiền, trừ gian phải làm kíp. Như vậy thì quân tử tiến và tiểu nhân lùi vậy.
Bệ hạ muốn học Thái tổ hãy tưởng nhớ qui mô sáng nghiệp truyền dòng, phép tắc cầu hiền dùng người. Như vậy thì quân tử tiến và tiểu nhân lùi vậy.
Bệ hạ muốn quân tử tiến, tiểu nhân lùi thì không gì bằng gần gũi bề tôi khí tiết, sử dụng kẻ sỹ chính trực để họ đưa vua đi đúng đường đặt vua vào chỗ không lầm lỗi. Cho nên, Mạnh Tử nói: Không thể chỉ trách cứ người mình dùng, không thể chỉ chê bai việc chính sự. Duy bậc Đại nhân mới biết sửa lỗi lầm của vua. Vua có nhân, không ai không có nhân; Vua có nghĩa, không ai không có nghĩa; Vua chân chính, không ai không chân chính. Trước hết, vua chân chính rồi cả nước sẽ bình yên(19).
Thần xin bệ hạ hãy đích thân tiến cử hiền thân để bố trí ở quanh mình, như Thuấn tiến của Cao Dao mà kẻ bất nhân lìa xa. Thành Thang tiến cử Y Doãn mà trăm quan đều thuần nhất; Cao Tông được Phó Duyệt mà tâm trí mở mang: Thành Vương được Chu Công mà cậy nhờ giúp dân. Được như vậy thì chốn dân dã không sót nhân tài mà muôn cõi yên ổn, bản thân mình được hưởng mệnh trời mà triệu dân sinh sôi. cùng là sớm tối nghe lời khuyên can để giúp đức dân, kinh dinh bốn phương để giữ yên đất nước. Như thế thì lo gì quân tử không được tiến cử, tiểu nhân không bị đẩy lùi.
Dẫu vậy, hãy nhớ ba điều Trí, Nhân, Dũng là đạt đức của thiên hạ. Không có Trí thì không thể hiểu người; không có Nhân thì không thể chọn người; không có Dũng thì không thể dùng người. Lấy Trí hiểu người thì có thể hiểu biết rõ ràng và đầy đủ tài năng của họ. Lấy Nhân chọn người thì không bỏ người tài khi họ cùng khốn và chọn được người hết lòng trung thành. Lấy Dũng dùng người thì tin dùng không nghi ngờ và chuyên tâm nghe hết mọi điều. Nếu có cả ba điều Trí, Nhân, Dũng này thì lẽ dùng, bỏ rõ ràng, lòng yêu, ghét chính đáng. Đó chính là ý nghĩa của câu “Chỉ có người nhân mới biết yêu người, biết ghét người” vậy.
Chuyện Hãn, Xảo, Ngân, Sát đã qua rồi. Nay các quan trong triều đình, kẻ sỹ chốn dân đã thực có thể lựa chọn kỹ, sử dụng chuyên, tin cậy chắc. Lại ban phép khảo xét công trạng. Trải đủ ba kỳ khảo xét kỹ rồi mới quyết định thăng hay giáng, khen hay chê. Người nào tốt, kẻ nào xấu, người nào liêm khiết, tài giỏi, siêng năng, mẫn cán, kẻ nào ngu dốt, tham lam, lơ là, lười biếng, giữ ghế ăn hại, không đức, bất tài, gian ngoan chứa ác, đều bộc lộ rõ ràng. Như vậy thì trăm quan đông đảo, đều giữ phong cách người quân tử có đáng lo gì bọn tiểu nhân!
Thần thẹn được gội ân thánh dạt dào đã mấy năm nay, ơn sâu nghĩa dầy, gượng theo kẻ sỹ, kính đối trước triều đình. Thần đau đáu tấm lòng khuyển mã, xiết bao xúc động, dám xin mạo muội thưa trước uy thần. Cúi mong bệ hạ tha thứ cho tội ngông cuồng này.
HOÀNG HƯNG dịch
_______

Theo sách Chu quan thì Sách là những lời của vua phát ra, như Sách mênh, Điển sách ... Từ đời Hán trở đi, mới lấy bài văn sách để thi học trò. Có hai thể văn sách.
1. Chế sách: vua hỏi về nguồn gốc trị loạn xưa nay và điều hay điều dở của chính sự đương thời, học trò theo hiểu biết của mình mà trả lời, gọi là Đối sách. 2. Thí sách: Vua hoặc quan thay mặt vua ra đầu bài hỏi về nghĩa lý của các sách Kinh điển đạo Nho. Người làm vận dụng những điều học được mà trả lời, gọi là lối văn Xạ sách.

CHÚ THÍCH
 (*)Nguyễn Trực (1417-1474) tự Công Dĩnh hiệu Hu Liêu, người xã Bối Khê, huyện Thanh Oai, đạo sơn Nam, nay là người thôn Bối Khê, xã Tam Hưng, huyện Thanh oai, Hà Sơn Bình, đỗ Trạng Nguyên khoa Nhâm Tuất, năm Đại Bảo thứ 3 (1442) đời vua Lê Thái Tông.
(1) Tứ nhạc, Cửu quan, Thập nhị mục: xem giải thích ở phần sau.
(2) Tứ hung: 4 tên quan hung ác thời cổ là Hồn Đôn, Cùng Kỳ, Đào Ngột và Thao Thiết.
(3) Nạm Giáng thủy, hoạ Hoài sơn: chỉ hai nạn lụt lớn xảy ra thời Nghiêu Thuấn.
 (4) Thập loạn: 10 người bề tôi giỏi, dẹp loạn yên dân (xem thêm phần dưới).
(5) Chu Công, tên là Đán, con Chu Văn Vương làm tướng cho Vũ Vương đánh Trụ, Vũ Vương chết, Thành Vương còn nhỏ, Chu Công nhiếp chính. Quản Thúc, Sái Thúc là người tông thất, âm mưu làm phản, phao tin là Chu Công định cướp ngôi vua. Chu Công viết bài thơ cho Thành Vương, Thành Vương không tỉnh ngộ, nên phải lánh ra ở Đông Đô.
(6) Hãn là Trần Nguyên Hãn, Xảo là Phạm Văn Xảo, là hai công thần khai quốc của Lê Lợi. Sau khi dẹp xong giặc Minh, hai ông bị kết tội là ngầm kết bè đảng để làm phản, cả hai đều bị giết.
 (7) Ngân là Lê Ngân, Sát là Lê Sát, là hai võ tướng có nhiều công lao giúp Lê Lợi khởi nghĩa và chiến thắng giặc Minh. Đến đời Thái Tông, hai ông bị kết tội là chuyên quyền; ngầm mưu làm phản và đều bị giết.
(8) Hoàng thượng ở đây chỉ Lê Thái Tông, người ra bài sách vấn này yêu cầu người thi trả lời.
(9) Lời của Kinh Thư. Nguyên văn: “Tĩnh ngôn duy vi, tượng cung thao thiên”.
 (10) Lời của Kinh Thư. Nguyên văn: “Hu hất phương mệnh, tị tộc chi loạn”.
(11) Phép Tam khảo: Phương pháp khảo xét công trạng của các quan thời Nghiêu Thuấn.
(12) Đạo Tam hữu: Sách Luận ngữ có câu: “Ích giả Tam hữu, Tồn giả tam hữu”, tức là gần gũi với ba loại người: Trung trực, độ lượng và hiểu biết thì có lợi, ngược lại, gần gũi với ba hạng người nhỏ nhen, nhu nhược và xiểm nịnh thì có hại.
(13) Tức là bà Ấp Khương, bà hậu của Chu Vũ Vương, con gái của Thái Công Vọng, mẹ của Chu Thành Vương.
(14) Vực phác: là tên một bài thơ trong phần Đại nhã của Kinh thi, ca ngợi hiền tài đông đúc.
(15) Tinh nga: là gọi tắt của Tinh tinh giả nga, là tên 1 bài thơ trong phần Tiểu nhã của Kinh Thi, ca ngợi niềm vui bồi dưỡng nhân tài.
(16) Tam giám: Vũ Vương diệt Ân, lập người con của Trụ là Lộc Phụ, sai ba người em là Quản Thúc, Sái Thúc và Hoắc Thúc giám sát, gọi là Tam giám.
(17) Thái tổ, Cao hoàng ở đây đều chỉ Lê Lợi. Lê Lợi mất có miếu hiệu là Thái tổ Cao hòang đế.
(18) Cầm Hổ tức Bùi Cầm Hổ, làm quan Ngự sử, vì mâu thuẫn với Lê Sát, bị đổi ra làm An phủ sứ trấn Lạng Sơn. Thiên Tước, tức Phan Thiên Tước trước làm quan Ngự sử, sau bị đổi ra ngoài làm Chuyển vận phó sứ huyện Đa Cẩm, sau lại bị bãi chức, sung quân.
(19) Đây là một đoạn trong thiên Ly Lâu thượng sách Mạnh Tử. Nguyên văn: “Nhân bất túc dữ thích dã, chính bất túc giám dã, duy đại nhân vi năng cách quân tâm chi phi; Quân nhân, mạc bất chính. Nhất chính quân nhi quốc định hỹ”.
Nguồn: Tạp chí Hán Nôm số 1 (6)- 1989, trang 51-55. 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét