Lê Phú Khải
Sau đại hội 6 (1986) bác sỹ Nguyễn Khắc Viện vô Sài Gòn “trú
đông” và xuống Mỹ Tho chơi với tôi cả tuần lễ. Ông nói: Đại hội 6 chỉ mới được
50%! Tôi hỏi vì sao? Ông giải thích: Chỉ đổi mới về kinh tế mà không
đổi mới về chính trị thì nền kinh tế đất nước sẽ do bọn mafia điều hành.
Bây giờ thì đã nhãn tiền: Kinh tế thị trường định hướng xã hội
chủ nghĩa thì nền kinh tế ấy trong tay bọn mafia – được gọi bằng cái tên mỹ
miều: Nhóm lợi ích!
Các nhóm lợi ích tranh giành, xâu xé nền kinh tế của đất nước.
Tham nhũng “nhìn đâu cũng thấy, sờ đâu cũng có” như chính Tổng Bí thư Nguyễn
Phú Trọng thừa nhận. Vì thế, tại Hội nghị Trung ương 10 vừa qua, Tổng Bí thư,
Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nêu câu hỏi hắc búa cho các Uỷ viên Trung
ương ngồi dưới hội trường: Đổi mới chính trị có phải
là đổi mới chế độ chính trị không?
Câu hỏi “động trời”, quá nhạy cảm, quá nghiêm trọng với một đảng
toàn trị… nên sau đó, ông Tổng Bí thư lại “hạ nhiệt”, và kết luận: Đổi
mới chính trị là đổi mới hệ thống chính trị, tổ chức bộ máy, nhân sự phương
thức, lề lối làm việc.
Đã đề cập đến “đổi mới chính trị” thì trước hết phải xét nội hàm
của từ ngữ “chính trị” là gì, để từ đó biết cần phải làm gì và không lấn cấn, do
dự trong nhận thức và sau đó là hành động quyết tâm đổi mới, đổi mới triệt để,
đem lại phát triển và bền vững cho đất nước, hạnh phúc cho dân tộc, trong đó có
hạnh phúc của người cộng sản…
Sách Từ điển Tiếng Việt trang 180 (NXB Khoa học xã hội, 1988) định
nghĩa chính trị như sau: Những hoạt động của một giai
cấp, một chính đảng, một tập đoàn xã hội nhằm giành và duy trì quyền điều khiển
bộ máy nhà nước.
Sách Từ điển Petit Larousse của Pháp ở trang 797 định
nghĩa politique (chính trị) như sau: Relatif au gouvernement
d’un Etat: institution politique. Tạm dịch: Thuộc về quyền lực của một
nhà nước là thể chế chính trị.
Thiên hạ từ Đông sang Tây người ta chỉ định nghĩa từ chính
trị (politique) một cách chung chung như thế. Vậy mà chính trị đã làm
điên đảo xã hội loài người từ cổ xưa đến hôm nay, làm đổ biết bao máu, gây ra
biết bao cuộc chém giết, chiến tranh… Và cho đến tận hôm nay, nó vẫn là sự ám
ảnh, sự đối đầu bao trùm lên cuộc sống con người ở các châu lục. Nào hội nghị
thượng đỉnh này, nào khối liên kết kia, v.v. và v.v.
Viết đến đây tôi bỗng nhớ đến đại văn hào của nước Pháp Alphonse
Daudet (1840-1897), ông căm ghét chính trị đến tột cùng: “Ôi, chính trị, ta căm
thù ngươi. Ta căm thù ngươi, bởi vì ngươi thô tục, bất công, gây hận thù, om
sòm và ba hoa; bởi vì ngươi là kẻ thù của nghệ thuật và lao động; bởi vì ngươi
là chiêu bài cho đủ điều ngu ngốc, cho mọi thứ tham vọng, và cho mọi chuyện
lười nhác. Mù quáng và mê muội, ngươi chia rẽ những trái tim đôn hậu sinh ra để
gắn kết với nhau, trái lại, ngươi gắn kết những con người hoàn toàn trái ngược
với nhau. Ngươi là kẻ phá hoại ghê gớm lương tâm con người, ngươi tạo thói quen
dối trá, mưu mẹo, và nhờ có ngươi, những con người tử tế trở thành bạn hữu của
những phường ranh ma miễn sao chúng nằm cùng bè cánh”.
Đáp lại những lời chỉ trích, phỉ nhổ dài dòng của văn hào Daudet
về chính trị, thì nhà báo, nhà thơ, nhà chính trị nổi tiếng Pháp Charles
Maurras (1868-1952), là bạn thân của con trai văn hào Daudet, đã tuyên bố đanh
thép và nhanh như một tia chớp: Chính trị trên hết!
Vì sao người ta lại nói trái ngược hoàn toàn với nhau như thế về
chính trị? Đó là vì từ chính trị luôn đi liền với từ thể
chế (institution). “Thể chế chính trị cũng có ba bảy hạng, cũng như
người ba bảy đấng, vật ba bảy loài” (Phạm Quỳnh). Thể chế chính trị tốt đẹp,
tiến bộ thì duy trì quyền điều khiển nhà nước một cách dân chủ, thượng tôn pháp
luật, người dân được đối xử bình đẳng, đất nước phát triển bền vững. Thể chế
chính trị bảo thủ, độc tài thì điều khiển bộ máy nhà nước bằng các thủ đoạn dối
trá, đàn áp, chỉ phục vụ cho lợi ích các phe nhóm, chà đạp lên pháp luật và
quyền con người, đất nước tan rã, đạo đức xã hội suy đồi…
Hãy lấy đất nước Triều Tiên làm ví dụ rõ rệt nhất, dễ nhận ra
nhất. Thể chế độc tài cha truyền con nối ở miền Bắc thì cả thế giới xa lánh, cô
lập, nhân dân đói khổ. Thể chế dân chủ, tổng thống phạm pháp cũng phải đứng
trước vành móng ngựa thì một nửa đất nước phía Nam của Triều Tiên có tên là Hàn
Quốc đang đứng thứ 9 trên bảng xếp hạng thế giới về phát triển mọi mặt kinh tế,
xã hội. Venezuela cũng đang là một ví dụ nóng bỏng về thể chế chính trị.
Với người làm chính trị (politicien) thì nhân loại tiến bộ cũng
đã phân loại từ lâu rồi. Một Tổng Bí thư như ông Nông Đức Mạnh, do thể chế
chính trị độc đảng sinh ra, đi đâu cũng hỏi “Trồng cây gì? Nuôi con gì?” thì
người ta đã có tên gọi là một “anh hề chính trị” (polichinelle de la
politique!). Một tổng thống láu tôm láu cá, nhỏ nhen và độc tài như Putin thì
người ta gọi là “anh con buôn chính trị” (politicaillerie).
Ở Hội nghị TƯ 10 vừa qua, politicien Nguyễn Phú Trọng nêu câu
hỏi mà hơn 30 năm trước bác sỹ Nguyễn Khắc Viện đã nêu vấn đề về đổi mới chính
trị: Đổi mới chính trị có phải là đổi mới chế độ chính trị không? Sau
đó, ông “chỉ cho là”: Đổi mới hệ thống chính trị, tổ chức bộ máy,
phương thức, lề lối làm việc.
Như vậy, có thể hiểu là, ông chỉ yêu cầu đổi mới hệ
thống chính trị, chứ không đổi mới chế độ (thể chế) chính trị độc đảng,
toàn trị đang cầm quyền.
Vậy hệ thống ấy là gì?
Các thành viên của Hội nghị TƯ 10 phải vắt óc ra mà tìm hiểu, mà
bàn về yêu cầu đổi mới “hệ thống chính trị” của Tổng Bí thư, cùng các nội dung
khác như: tổ chức bộ máy, nhân sự, phương thức, lề lối làm việc (!).
… Là một người quan sát ngoài đảng, tôi chăm chú nhìn những
gương mặt các uỷ viên trung ương, thành viên Bộ Chính trị ngồi dưới hội trường
mà… thất vọng! Những gương mặt ăn chơi như Trần Tuấn Anh, những cái “đầu rỗng”
mà tôi từng biết kia… thì làm sao trả lời được những vấn đề, những câu hỏi hóc
búa mà Tổng Bí thư đặt ra!
Có lẽ, trong lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam chưa có khúc quanh
nào “gắt” bằng lúc này, kể cả thời chiến tranh máu lửa, thời bao cấp trước đó.
Ông Tổng Bí thư muốn đổi mới chính trị nhưng không muốn mất
quyền cai trị độc tôn của Đảng Cộng sản ở Việt Nam. Nên mới có những ngôn từ
mập mờ “đổi mới hệ thống chính trị”… Người ta lại phải lật Từ điển Tiếng Việt
để xem định nghĩa “hệ thống” là gì?
Ở trang 456 của Từ điển Tiếng Việt, từ “hệ thống” được định
nghĩa: “Tập hợp nhiều yếu tố, đơn vị cùng loại hoặc cùng chức năng, có quan hệ
hoặc liên hệ với nhau chặt chẽ… Tập hợp những tư tưởng, quy tắc, nguyên tắc
liên kết với nhau một cách logic, làm thành một thể thống nhất…”.
Vậy là ông Tổng Bí thư muốn đổi mới cả “những tư tưởng, quy tắc,
nguyên tắc liên kết với nhau một cách logic”. Khó quá! Chắc chắn các thành viên
của Ban chấp hành TƯ gần 200 vị ngồi dưới hội trường … chịu thôi! Vì trí tuệ
của Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay không nằm trong Ban chấp hành TƯ, do cách
đề cử và bầu bán ở các đại hội đảng trước đó.
Trước đại hội đảng lần thứ 10, ông Võ Văn Kiệt đã viết trên
báo Sài Gòn Giải Phóng (đại ý) như sau: Số phận của Đảng phải
do đại hội quyết định, chứ không phải số phận của đại hội lại do Ban chấp hành
trước quyết định!
Ý kiến của Võ Văn Kiệt là một đột phá mang tính cách mạng về tổ
chức của Đảng, vô cùng sáng suốt. Nhưng không ai nghe cả nên mới dẫn đến tình
cảnh hôm nay.
Nhưng Đảng cộng sản có 4 triệu đảng viên cơ mà? Trí tuệ của Đảng
có thể đang nằm trong số các đảng viên đó.
Thật bất ngờ, gần đây dư luận xã hội chú ý đến một bài viết, nói
đúng hơn là một tham luận, một công trình nghiên cứu mang tiêu đề “Đại hội 13
của Đảng Cộng sản Việt Nam: Đổi mới toàn diện để Việt Nam có thể trở thành một
nước phát triển vào năm 2030” của Phó giáo sư, Tiến sỹ Vũ Trọng Khải. Tác giả
nói rõ không phải là uỷ viên Ban chấp hành TƯ Đảng, nhưng “xin mạn phép góp vài
lời”.
Bài của ông Vũ Trọng Khải vừa xuất hiện trên các trang mạng đã
gây chú ý đặc biệt và có nhiều comment khen chê trái ngược nhau. Tác giả Vũ
Trọng Khải đã trả lời hầu hết các câu hỏi đã được nêu ra của Tổng Bí thư Nguyễn
Phú Trọng một cách cụ thể và còn đưa ra các giải pháp về chính trị, kinh tế,
giáo dục đào tạo rất cụ thể, có bài bản.
Dù đảng có nghe “góp vài lời” của đảng viên Vũ Trọng Khải hay
không là chuyện khác. Nhưng người đã nêu câu hỏi thì chắc chắn muốn
nghe câu trả lời. Dù nghe xong bỏ ngoài tai, lại là chuyện khác!
Đừng có ai quên rằng, số phận của dân tộc này gắn với số phận
của đảng. Và ngược lại, số phận của đảng cũng gắn với số phận của dân tộc này.
Trên cỗ xe số phận đó, đảng đang là người cầm lái. Người cầm lái quyết định sẽ
bẻ lái đi ra đường lớn của nhân loại hay lao thẳng xuống vực thẳm!
Và hiện nay cỗ xe đang vào khúc quanh “gắt” nhất. Hành khách
trên cỗ xe số phận đó đang bàn tán, tranh cãi… để nhận đường. Nhưng chắc chắn
không có ai muốn xe lao xuống vực (!). Cả hành khách trên xe và người lái xe
chịu trách nhiệm chung về số phận của cỗ xe.
Lịch sử bao giờ cũng công bằng và nghiêm khắc như thế! Và “Lịch
sử thường đi những lối bất ngờ” (Tố Hữu)!
Sài Gòn, 6-2019
L.P.K.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét