Thanh Trúc
2019-06-18
Biểu tượng của mạng xã hội Facebook. AFP
“Truyền thông xã hội là một ‘mặt trận’ ngày càng phức tạp, mở
rộng mà các thế lực thù địch đang lợi dụng để thúc đẩy các ‘yếu tố cách mạng
sắc màu ở Việt Nam’”.
Đó là tóm tắt nguyên văn nhận định và đúc kết bài xã luận của
ông Võ Văn Thưởng, ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương đảng kiêm Trưởng ban
Tuyên giáo Trung ương.
Với tựa để “Truyền Thông Xã Hội Đối Với Chính Trị, Xã Hội ở Việt
Nam”, bài xã luận được đưa ra trong buổi lễ khai trương Hệ Thống Thông Tin
Tuyên Giáo Trên Mạng Internet, gọi tắt là VCNET, hôm 11 tháng Sáu vừa qua.
Trao đổi với RFA qua tin nhắn hôm 11 tháng Sáu, luật sư Đặng
Đình Mạnh trong tư cách người Việt Nam có sử dụng mạng xã hội, nói rằng ông
hoan nghênh sự ra đời của mạng xã hội Việt Nam, cho dù là của Ban Tuyên Giáo
Trung Ương hay của tổ chức nào khác ở Việt Nam. Tuy nhiên, ông trình bày tiếp:
Với những tiện ích mà mạng xã hội Facebook hiện đang cung cấp
cho người sử dụng thì tôi chưa hình dung ra được khả năng mạng VCNet có làm
được như vậy hay không? Và cũng như bất kỳ mạng xã hội nào đã từng tồn tại, thì
người sử dụng sẽ quyết định sự sống còn hoặc phát triển của nhà mạng.
Đối với VCNet, có thể người dùng mạng xã hội e ngại và cho rằng
đây là nỗ lực kiểm soát của chính quyền. Thật ra, người dùng Facebook ở Việt
Nam vẫn đang bị chính Facebook kiểm duyệt khá gắt gao như chính chính quyền
Việt Nam đấy thôi.
Tôi cũng có thắc mắc với cái tên VCNet? Có phải là viết tắt của
Viet Cong Net?”
Đại úy Võ Minh Đức, từng theo học chuyên ngành sĩ quan tuyên
truyền, thuộc Quân đội Nhân dân Việt Nam, hiện đã giải ngũ và đang ở Sài Gòn,
cho biết:
Theo tôi, ngoài nỗ lực tăng cường kiểm soát, họ muốn tuyên
truyền trên không gian mạng càng nhiều càng tốt. Ngoài lực lượng 47, theo tôi,
họ sử dụng thêm cái này để định hướng, dẫn dắt dư luận quần chúng. Trước đây
tôi từng học chuyên ngành tuyên truyền, theo tôi đây là một thủ đoạn, biện
pháp, để tuyên truyền, mị dân. Theo tôi đại đa số người dân, có thể vì miếng
cơm manh áo họ không muốn lên tiếng, hay họ muốn an phận nên không biểu hiện ra
thôi. Chứ còn niềm tin về chế độ này đã bị mai một nhiều, thậm chí ở một bộ
phận dân chúng, gần như không còn, chỉ còn những người có quyền lợi, bổng lộc
thì họ mới theo. Nên tôi nghĩ sẽ không thu hút người dân vào cái mạng này được.
Đến ngày 17 tháng Sáu 2019, báo chí trong nước đồng loạt
đăng tải lại bài của ủy viên Bộ Chính trị Võ Văn Thưởng vào lúc khai trương Hệ
Thống Thông Tin Tuyên Giáo Trên Mạng tức VCNET:
Mở đầu bằng những viện dẫn về “Phong Trào Áo Vàng” đã gây khủng
hoảng triền miên trong suốt thời gian qua ở nước Pháp, ông Võ Văn Thưởng lần
lượt nêu thêm cũng như chú thích về những sự kiện thế giới mà ông cho là bị tác
động bởi truyền thông xã hội. Ông gọi đó là các cuộc cách mạng màu hay
các cuộc biểu tình bạo động, thí dụ Cách Mạng Nhung Nam Tư năm 2000, Cách Mạng
Hoa Hồng ở Gruzia năm 2003, Cách Mạng Cam tại Ukraina năm 2004, Cách Mạng Hoa
Tulipe năm 2005, Mùa Xuân Ả Rập ở Tunisia, Ai Cập năm 2010 lan tỏa sang Libya,
Syria năm 2011, cho đến những biến động chính trị, xã hội gần đây tại Hy Lạp,
Venezuela, Thổ Nhĩ Kỳ, Tây Ban Nha , Áo, Pháp.
Tuy
nhiên bài viết thể hiện sự phiến diện, tức chỉ nhìn thấy mặt tiêu cực của
mạng xã hội, cụ thể là tin giả, mà không đề cập đến mặt tích cực của
mạng xã hội là thông tin sự thật và phản biện sự thật mà mạng xã hội đã
làm rất tốt trong nhiều năm qua.
Nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng
|
Ông Võ Văn Thưởng cho rằng chính truyền thông xã hội đã châm
ngòi, thổi bùng những cuộc cách mạng màu ấy bằng kích động, tổ chức và thông
tin, biến những hành động ban đầu là phong trào đường phố thành những vụ bạo
động mà hệ quả là sự suy yếu nhanh chóng của các chế độ ở Đông Âu, Trung Đông,
Bắc Phi, Mỹ La Tinh.
Truyền thông xã hội, tin giả đã trở thành từ khóa, trưởng Ban
Tuyên Giáo Trung Ương Võ Văn Thưởng nhấn mạnh, khiến người ta liên tưởng tới
những cuộc xuống đường bạo động làm cả Châu Âu, và thế giới đứng ngồi không yên
suốt thời gian qua. Tình trạng như vậy cũng xảy ra ở Hoa Kỳ với những cuộc biểu
tình chiếm đóng phố Wall năm 2011 khiến các chính trị gia Mỹ đã nêu đích danh
Facebook và Twitter là thủ phạm, là công cụ của bạo loạn.
Ông Võ Văn Thưởng chỉ trích truyền thông xã hội đã bộc lộ những
tác động tiêu cực, ẩn chưa những nguy cơ phức tạp, khó lường, thậm chí có khả
năng gây chia rẻ sâu sắc, kích động hận thù trong các cộng đồng xã hội, nhất là
ở các quốc gia đa sắc tộc, tôn giáo.
Từ những cáo buộc như vậy, ông quay sang chỉ trích vai trò của
truyền thông xã hội, nói rõ hơn là các trang mạng xã hội ở Việt Nam, sau hơn 20
năm Internet có mặt với trên 60 triệu người sử dụng.
Điểm mặt những tác nhân KOLs (Key Opinion Leader) và
Influencers, gọi đây là những người có “thương hiệu” hoặc là “người bình
thường” nhưng thông tin hay quan điểm đưa ra đã tạo sức hút và ảnh hưởng, lại
còn được cư dân mạng khuếch tán , chia sẻ nhanh rộng trên mạng.
Những KOLs và Influencers đó bị ông Võ Văn Thưởng liệt vào tầng
lớp những kẻ “lạm dụng chữ nghĩa”, ảo tưởng “quyền lực bàn phím”, có động cơ
không trong sáng, nền tảng văn hóa thấp, bất mãn chế độ và thậm chí từng vi
phạm pháp luật nhưng lại biết khơi gợi “những cảm xúc xấu xa”.
Tóm lại, theo như trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng
viết trong bài xã luận, truyền thông xã hội tốt thì ít mà xấu thì quá nhiều vì
gieo rắc tư tưởng cực đoan, tạo bất đồng, xung đột trong nội bộ đảng và nhân
dân.
Chưa hết, ông Võ Văn Thưởng còn viện dẫn và chú thích nguồn từ
bài viết có tên Hiểm Họa Từ Mặt Trái của Internet, được phổ biến trong Cục
Tuyên Huấn, Tổng Cục Chính Trị Quân Đội Nhân Dân Việt Nam, Trung Tâm Thông Tin
Khoa học Quân sự, Bộ Quốc phòng, để chỉ trích rằng truyền thông xã hội là một
dòng chảy thông tin, lạm dụng Internet và điện thoại di động để kích động và
châm ngòi cho những cuộc xuống đường dẫn đến bạo loạn.
Từ Sài Gòn, ông Phạm Chí Dũng trong tư cách nhà báo độc lập,
nhận xét rằng đây là chiến thuật cũng như chiến lược đối phó với truyền thông
xã hội mà ông gọi chung là mạng xã hội:
Đây có lẽ là một trong những bài hiếm hoi có hàm lượng thông tin
và kỹ thuật tương đối sâu về mạng xã hội so với những bài trước đây. Bài viết
dựa trên cơ sở tham khảo những tài liệu báo cáo của Bộ Thông Tin- Truyền Thông.
Những báo cáo này có từ lúc có tân bộ trưởng Bộ Thông Tin- Truyền Thông Nguyễn
Mạnh Hùng là thiếu tướng từ bên quân đội chuyển sang.
Tuy nhiên bài viết thể hiện sự phiến diện, tức chỉ nhìn thấy mặt
tiêu cực của mạng xã hội, cụ thể là tin giả, mà không đề cập đến mặt tích cực
của mạng xã hội là thông tin sự thật và phản biện sự thật mà mạng xã hội
đã làm rất tốt trong nhiều năm qua. Bài viết cho thấy đảng cộng sản Việt Nam đã
chính thức nhìn nhận mạng xã hội là một thế lực chính trị không thể bỏ qua, họ
thật sự lo sợ về mạng xã hội.
Bài xã luận phản ảnh sự sợ hãi của đảng và Nhà Nước cộng sản đối
với các mạng truyền thông xã hội không nằm trong tầm kiểm soát của họ, là nhận
định của ông Nguyễn Khắc Mai, nguyên vụ trưởng Vụ Nghiên cứu, Ban Dân vận Trung
ương đảng cộng sản Việt Nam. Ông cũng là tác giả bài Tự Do Báo Chí: Nhu Cầu
Hiện Đại Của Dân Tộc Việt Nam, đăng trên mạng Bauxite và mạng Tiếng Dân hôm 17
tháng Sáu:
Họ sợ cái cái minh bạch, cái thức tỉnh, cái hiểu biết và sợ sự
thật được phơi bày. Họ đổ lỗi cho truyền thông xã hội, nói là gây ra tiêu cực,
chống đối, bạo loạn… nhưng họ quên rằng ngay ông tổ sư của họ là ông Mác từng
nói những vấn đề bức xúc, bất công, mâu thuẩn, bất cập và tiêu cực trong xã hội
mà chính quyền gây ra đã tạo bất mãn bất bình trong xã hội.
Ông Võ Văn Thưởng không biết rằng Phong Trào Gilets Jaunes (Áo
Vàng) bên Pháp xuất phát từ vấn đề đời sống, xã hội, sự phát triển, sự hài hòa,
sự cân đối mà chính sách và chính phủ Pháp không giải quyết được. Cho nên
dân Pháp mới dùng truyền thông xã hội để truyền cho nhau thông tin và giục giã
nhau đứng đậy phản đối. Vì thế mà tổng thống Macron mới nói rằng từ những phản
đối của xã hội thì ta hãy cùng nhau bình tĩnh và bàn thảo để tìm ra giải pháp.
Đó là thái độ khôn ngoan của một nhà cầm quyền có văn hóa, nhà
nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai nhấn mạnh, so với phản ứng chê bai chỉ trích gay gắt
từ phía lãnh đạo Việt Nam:
Cộng sản là luôn luôn đánh tráo khái niệm, họ đánh lừa dân, họ
sợ hãi truyền thông xã hội, họ biết sức mạnh của truyền thông xã hội nó thức
tĩnh lòng người, cho nên họ mới đổ riệt tội cho truyền thông xã hội như vậy.
Sau mọi cáo buộc được cho là liên tục và ào ạt ném vào các mạng
truyền thông xã hội, bài xã luận của ông Võ Văn Thưởng liền nhắc đến Luật An
Ninh Mạng có hiệu lực từ đầu 2019. Ông nói phải tích cực triển khai Luật An
Ninh Mạng với các chế tài để mạnh để răn đe, xử lý những trang mạng có ý xuyên
tạc, phát tán tin giả gây hại cho Nhà Nước.
Ông khẳng định các báo trong nước, mà ông gọi là báo chí cách
mạng, phải phát huy vai trò chủ động, tiên phong, dẫn dắt, định hướng trong
thông tin tích cực, phải khẳng định hơn nữa vai trò, vị thế của mình trong thời
đại kỹ thuật số, rằng báo chí cách mạng vẫn là dòng thông tin chủ lưu, chất
lượng, chính xác, kịp thời, khách quan, là bộ lọc đáng tin cậy về mọi vấn đề xã
hội.
Họ
sợ cái cái minh bạch, cái thức tỉnh, cái hiểu biết và sợ sự thật được phơi
bày. Họ đổ lỗi cho truyền thông xã hội, nói là gây ra tiêu cực.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai
|
Ông Lê Phú Khải, phóng viên kỳ cựu Đài Tiếng Nói Việt Nam VOV,
hiện đã về hưu, cho rằng bài xã luận với phần lớn nội dung công kích truyền
thông xã hội cho thấy sự thất bại của truyền thông lề phải trước sự hiện diện
của truyền thông xã hội:
Trước đây báo lề phải nói cái gì người dân đều nghe, nhưng bây
giờ người ta thấy truyền thông xã hội đưa ra sự thật, tham ô, cướp đất cướp nhà của dân
như thế, Luật Đất Đai của anh như thế người ta đưa ra rất rõ ràng, Nhà Nước
không chối cãi được.
Một thí dụ cụ thể được nhà báo Lê Phú Khải kể tiếp:
Thành phố Hồ Chí Minh này nhân dân biểu tình một tháng rồi mà
báo Tuổi Trẻ ở ngay bên cạnh không đưa tin nhưng mạng xã hội thì có. Sự thất
bại của báo lề phải đã rõ ràng, in xong rồi cho không người ta cũng không đọc.
Báo Nhân Dân, báo Quân Đội, báo Sài Gòn Giải Phóng để trên máy bay phát không cũng
không ai lấy, giờ lại bày ra trò này trò khác. Tôi lấy một tờ báo Nhân Dân ngồi
đọc, người ta nhìn tưởng tôi đến bốn mươi hay năm mươi tuổi đảng, chỉ có cái
ông dở hơi này mới đọc báo Nhân Dân, thế thôi.
Vẫn theo lời ông, việc phải thành lập VCNET Hệ Thống Thông Tin
Tuyên Giáo Trên Mạng Internet, kèm với bài xã luận của trưởng Ban Tuyên giáo
Trung ương Võ Văn Thưởng trên các báo lề phải chẳng qua là biện pháp mà cũng là
nỗ lực của đảng và Nhà Nước Việt Nam trong việc ngăn chặn các mạng xã hội mà
người dân tin tưởng.
Việt Nam là một quốc gia có chính trị, xã hội ổn định và trên đà
phát triển, tuy nhiên vẫn tiềm ẩn những nguy cơ gây mất ổn định, là câu kết của
ông Võ Văn Thưởng.
Chính vì thế, ông viết tiếp, tạo lập môi trường thông tin, lành
mạnh, an toàn trong đó truyền thông xã hội là một trong những nguồn lực thông
tin quan trọng, góp phần tích cực, hiệu quả, bảo vệ, gìn giữ môi trường chính
trị, xã hội ổn định, làm nền tảng cho đất nước phát triển bền vững.
Hơn lúc nào hết, cũng như nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai, nhà
báo Lê Phú Khải đoan quyết Việt Nam cần phải chấp nhận một mạng lưới thông tin
tự do, thông thoáng, một nền báo chí độc lập không bị ràng buộc và không theo
chỉ thị của bất cứ quyền lực nào:
Không thể chống lại qui luật, không thể chống lại những cải cách
chính trị, nó là nhu cầu bức thiết, nhu cầu sống còn của xã hội nếu có tự do
báo chí.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai thì nhân dịp này nhắc đến Ngày
Báo Chí Việt Nam 21 tháng Sáu đang gần kề mà bao năm không có sự thay đổi:
Thế nào là nhu cầu của báo chí hiện nay? Họ đang làm ngược lại
mong ước của dân tộc, đang phản bội lại những nhu cầu văn minh hiện đại mà một
dân tộc cần có để có thể sống tốt và phát triển tốt trong thời đại hiện nay.
Còn theo nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng, cho dẫu cái nhìn và quan
điểm của nhà nước và của đảng cộng sản về truyền thông xã hội như thế nào đi
nữa thì cũng không có sức thuyết phục vì quá bảo thủ, quá lạc nhịp mà còn vi
phạm quyền được thông tin, quyền thể hiện và tự do biểu đạt trong Công Ước Quốc
Tế Về Chính Trị Và Quyền Dân Sự mà Việt Nam đã ký kết năm 1982.
T.T.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét