Thứ Ba, 18 tháng 6, 2019

Hồi ký Nguyên Ngọc: Hoà bình khó nhọc (Phần 1)


Công bố lần đầu tiên một chương hồi ký của nhà văn Nguyên Ngọc
Đôi lời cùng bạn đọc
Diễn Đàn xin đăng dưới đây, lần đầu tiên, toàn văn một chương hồi ký của nhà văn Nguyên Ngọc. Bắt đầu từ năm 1978, khi ông được cử làm Phó tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam, Bí thư Đảng đoàn Hội Nhà văn, viết bản "Đề dẫn" đọc trước hội nghị đảng viên – bản "đề dẫn" cho đến nay chưa hề được công bố ở trong nước, và đã gây sóng gió một thời – chương hồi ký kết thúc ở thời điểm cuối năm 1988, khi tác giả phải chấm dứt công việc Tổng biên tập báo Văn nghệ – độc giả còn nhớ mãi những số báo Văn nghệ "thời Nguyên Ngọc".
Tôi được gặp Nguyên Ngọc, lần đầu tiên, vào mùa hè 1981, tại trụ sở "phía Nam" của báo Văn nghệ, 43 Đồng Khởi, Sài Gòn. Đến thăm nhà thơ Nguyễn Duy, như mọi lần, và lần này tình cờ được gặp tác giả "Đất nước đứng lên", "Đường chúng ta đi", "Đất Quảng I", và tác giả "Con trâu" (nhà văn Nguyễn Văn Bổng) vừa từ Hà Nội vào.
Không cần nhắc, mọi người đều nhớ tình hình Việt Nam khó khăn ra sao vào đầu thập niên 80 (chiến tranh Campuchia, Trung Quốc tiếp tục bắn phá ở biên giới sau khi thất bại trong cuộc chiến "dạy cho Việt Nam một bài học" 1979, Mỹ cấm vận, thuyền nhân, kinh tế khủng hoảng…). Làm báo Việt kiều, tôi càng lo lắng thêm khi đọc bài viết của nhà thơ Chế Lan Viên (hình như dưới một bút hiệu khác, nhưng dễ nhận ra văn phong tác giả) lên án một đường lối văn nghệ "chống Đảng" thể hiện qua một bản "đề dẫn" (không nói tên ai viết) và bài viết nhà phê bình Hoàng Ngọc Hiến về "văn học phải đạo". Giọng điệu của họ Chế khiến tôi tự hỏi: Sẽ có chăng một vụ Nhân văn Giai phẩm? Rồi hậu quả sẽ ghê gớm đến đâu?
Chính vì nỗi lo ấy, mà ngay phút đầu, hai anh vừa ở Hà Nội vào, tôi vừa chân ướt chân ráo từ Paris về, tôi đành liều hỏi thẳng thừng: Chuyện gì đang xảy ra ở Hội Nhà văn? Tại sao anh Chế Lan Viên viết như vậy? Điều khá bất ngờ, là gần như ngay tức khắc, anh Nguyên Ngọc đã trả lời không tránh né, tuy ngắn gọn, nhưng đủ để tối hiểu bản chất vấn đề. Năm sau, tôi bị cấm cửa, mãi mùa thu 2001 mới có visa về nước. Ở Hà Nội, đến thăm anh Nguyễn Văn Bổng. Nhắc lại cuộc gặp trước, Hè 1981, anh Bổng mỉm cười, nói sau đó Nguyên Ngọc nói với anh, câu hỏi thật bất ngờ, lại đến từ một người chưa quen biết, từ xa về, nhưng anh ấy đã quyết định trả lời thẳng thắn. Quan hệ giữa chúng tôi đã bắt đầu từ cuộc hỏi thẳng thừng, đáp thẳng thắn như thế. Từ đó là gần ba mươi năm. Những năm đổi mới, báo Văn nghệ khởi sắc, tôi vẫn bị cấm cửa, nên chỉ trao đổi với anh bằng những dòng thư ngắn. Sau này, ở Paris, hay trên đường xe hơi chở anh sang dự hội thảo hè ở Munich, hay chuyến đi thăm Đà Nẵng, Tam Kỳ, được anh dẫn đi ăn mì Quảng, tôi có thời gian trò chuyện với anh, nhưng chủ yếu chỉ nói chuyện hiện tại, chuyện dự án (anh dự định mở Trường đại học Phan Châu Trinh ở Hội An, rồi lập Quỹ văn hoá Phan Châu Trinh...). Tôi không hỏi anh về thời gian 1978-99 ở Hội Nhà văn, có lẽ chỉ vì muốn tiết kiệm thời giờ. Khi có dịp nói về quá khứ, tôi thường hỏi anh về Khu V thời kháng chiến chín năm và thời đánh Mỹ vì đó là địa điểm và thời điểm tôi ít hiểu biết... Còn một lẽ nữa, là khoảng giữa thập niên 90, một người bạn thân của anh ghé qua Pháp, đã cho tôi một bản chụp bản thảo chương hồi ký Hoà bình khó khăn, với điều kiện "chỉ để anh đọc, không đưa ai, không nói với ai".
Quen làm báo, tuân thủ nguyên tắc bảo vệ nguồn tin, tôi giữ đúng lời hứa, đọc xong cất kỹ. Kỹ tới mức đôi khi muốn đọc lại mà tìm không ra. Vừa qua, đi xem phim Trang giấy trắng của đạo diễn Hồ Quang Minh, trong cuộc thảo luận của câu lạc bộ YĐA xoáy quanh tình hình Campuchia dưới thời Pôn Pốt, tôi chợt nhớ tới những trang viết của Nguyên Ngọc về chuyến đi "quyết định" của anh năm 1979 ở Campuchia, và hứa với các bạn, tôi đang dọn nhà, cho mấy ngàn cuốn sách vào thùng để tặng các thư viện, sẽ cố tìm lại tập hồi ký Nguyên Ngọc và xin phép công bố.
May thay, năm ngày sau, mở ra thùng các-tông gần chót trong phòng, tôi tìm ra 35 trang ấy. Sau một đêm đọc lại, tôi viết ngay thư cho tác giả, đề nghị, nếu anh không tính đợi khi hoàn thành hồi ký mới công bố, thì thiết tha mong anh cho công bố ngay tập bản thảo, mà chủ đề là câu chuyện văn học và không khí chính trị Việt Nam cách đây vừa đúng 40 - 30 năm; và nếu anh dành cho Diễn đàn vinh dự ấy, thì tôi sẽ xung phong làm "cậu đánh máy" vì thấy có khả năng "giải mã" mấy chục trang viết tay "xấu như đơn thuốc bác sĩ" của anh.
Dưới đây là toàn văn chương hồi ký ấy của nhà văn Nguyên Ngọc. Nó đã được tác giả kiểm lại, không thay đổi, chỉ thêm một đoạn (chữ nghiêng) để giữ mạch lạc giữa hai phần của chương sách.
Diễn đàn trân trọng giới thiệu với bạn đọc. Cùng với lời cảm ơn tác giả, chúng tôi mong nhà văn Nguyên Ngọc sớm hoàn thành tập hồi ký chứng từ quý báu này.
Nguyễn Ngọc Giao
15.6.2019
HOÀ BÌNH KHÓ NHỌC
Giữa năm 1978, từ chiến trường miền Nam ra và đang ở 4 Lý Nam Đế (1), tôi được quân đội gửi đi học trường Nguyễn Ái Quốc. Học chưa xong, lại có lệnh gọi về: Ban bí thư Trung ương Đảng vừa quyết định thành lập Đảng đoàn Hội Nhà văn Việt Nam. Đảng đoàn gồm chín người: Nguyễn Đình Thi, Tô Hoài, Chế Lan Viên, Hoàng Trung Thông, Nông Quốc Chấn, Giang Nam, Nguyễn Khải, Anh Đức và tôi. Tôi được chỉ định làm bí thư. Để tiện công việc, một Hội nghị Ban chấp hành Hội Nhà văn bổ sung tôi làm phó tổng thư ký Hội (hội nghị là hình thức thôi, ai cũng biết). Tổng thư ký: Nguyễn Đình Thi. Một phó tổng thư ký nữa: Tô Hoài. Theo chỗ tôi biết, tất cả là do ông Tố Hữu xếp đặt. Ý định khá rõ: tạo một ê-kíp lãnh đạo mới, trẻ, đồng thời bảo đảm “có sự kế tục” – đường lối cán bộ của ta trước nay vẫn thế.
Tôi còn giữ được một bức ảnh chụp ở ghế đá trước sân Hội, 65 Nguyễn Du, dịp Đảng đoàn họp phiên đầu tiên. Trong ảnh vắng Tô Hoài và Hoàng Trung Thông. Tô Hoài lỉnh đi đâu đó, tính anh vẫn thế. Còn Hoàng Trung Thông thì chắc chắn là đi uống rượu.
Đảng đoàn Hội Nhà văn Việt Nam năm 1979. Hàng đứng: Nông Quóc Chấn, Trần Độ (Trưởng ban Văn Hóa Văn nghệ Trung ương), Nguyễn Khải, Hoàng Trung Nho (phái viên Ban Văn hóa Văn nghệ Trung ương), Vương Linh (Chánh văn phòng Hội Nhà văn). Hàng ngồi: Giang Nam, Chế Lan Viên, Nguyễn Đình Thi, Nguyên Ngọc, Anh Đức
Nhìn ảnh tôi kinh ngạc: ngày ấy, 1978-79, tôi vẫn còn trẻ thế. Sau mười mấy năm chiến trường miền Nam trông tôi vẫn còn rất thư sinh, nho nhã, trán chưa một nếp nhăn, tóc đen tuyền, hơi gầy, và có vẻ vô tư… Ra hòa bình, và cuộc vật lộn trong cái hòa bình đó lại làm mình già đi nhanh gấp mấy lần chiến tranh. Cũng phải thôi. Gập ghềnh, ác liệt hơn nhiều…
… Mấy năm sau 1975, tôi vẫn chưa viết được gì. Văn nghệ Quân đội tung một số anh em đi các chiến trường cũ, viết về cuộc đại thắng 75. Nguyễn Khải viết Tháng ba Tây Nguyên, Xuân Thiều Mùa mai đỏ, Hữu Mai, Hồ Phương, Nam Hà, Nguyễn Trọng Oánh… đều có sách. Riêng tôi, đi rồi về tay không. Đất Quảng tập II, tập III viết rồi lại xé. Rồi lại viết, lại xé. Lại viết, lại xé.
Con gái tôi bắt đầu học chuyên Toán, bảo:
Bố cứ viết thật nhiều đi, để con có giấy làm nháp toán.
Mẹ nó mắng:
Hỗn!
Nhưng cô ấy mừng: Con bé hóm, tức là thông minh. Cô vẫn lo nó bị ảnh hưởng chất độc hóa học của bố mẹ, trí óc phát triển không bình thường.
Hồi 1971-72 ở chiến trường tôi không viết tiếp được Đất Quảng vì bị Giả của tôi đâm một phát đúng tim (2), choáng váng. Bây giờ không phải thế nữa. Không thể đổ lỗi cho nhân vật nữa. Vết thương cũ đã nguôi ngoai.
Hàng nghìn trang bản thảo bị xé vì cầm bút lên, lại… Đường chúng ta đi (3)! Quán tính rất mạnh. Tôi muốn cưỡng lại. Cưỡng không nổi. Muốn viết khác, biết phải viết khác. Nhưng khác thế nào? Chưa biết.
Những ngày ấy, chắc chẳng ai ngờ, tôi thành một kẻ thất nghiệp hoàn toàn. Ngày ngày lao vào làm đủ thứ công việc eo sèo của một cặp vợ chồng son ngơ ngác và vụng về. Giặt giũ quần áo cho vợ cho con, bốn giờ sáng đã dậy, hối hả chạy ra cửa hàng Đặng Dung chen lấn với mấy bà nội trợ và một lô bà phục vụ của các ông to giành giật xếp cho được một hòn gạch để chen lấy chỗ mua cho vợ được một cái chân giò, một lạng thịt nạc. Lại chen chúc đi đong gạo, mua dầu, mua cá biển đầy xương là xương và ướp đá lạnh ngắt từ Hải Phòng chở lên. Chen chúc, cả chửi bới nữa, van xin, lạy lục nữa cũng có, để xin cho được một cái phiếu sữa, một phiếu đậu phụ… Rồi nấu nướng. Rồi bế con đi nhà trẻ. Rồi dẫn con đi mẫu giáo. Rồi lo cho con vào cấp I, vào chuyên toán… Bận rộn, tíu tít, cố mà bận rộn, mà tíu tít, tự đánh lừa mình và đánh lừa bạn bè… để khỏi phải ngồi vào bàn, đối mặt với trang giấy trắng, khỏi phải viết. Bởi vì biết viết thế nào? Bí rị. Chữ viết ra cứ nằm bẹp trên mặt giấy, chết khô, chán ngán!
Thật ra, cố mà bận rộn vẫn không hết được thì giờ. Vẫn cứ rảnh rỗi một cách xấu hổ, đau đớn. Tôi lêu lổng khắp các phố, nhiều đêm lang thang ngắm các cô gái Hà Nội mới lớn lên, đẹp không chịu được mà nói tục cũng không chịu được. Lêu lổng như một thằng ma-cà-bông vô nghề nghiệp, vô tích sự. Nửa đêm mới về. Vợ tôi không bao giờ nghi chồng. Cô chỉ lo:
Sao anh về khuya thế?

Anh đi có việc.
Thôi anh nằm xuống đây, nhè nhẹ cho con ngủ. Anh sờ trán xem, hình như nó hơi ấm.
Tôi không dám nói với vợ cái điều ghê gớm này: Tôi là một thằng bất tài.
Anh có biết cái cảm giác ấy không? Anh cầm bút mấy chục năm trời, anh có tác phẩm, có danh tiếng, sách được đưa cả vào chương trình nhà trường, trung học, đại học, sinh viên làm cả luận văn về anh, các thầy ra rả giảng dạy về anh…, vậy rồi đến một lúc, tự anh, anh mới nhận ra: có lẽ nhầm đường, nhầm nghề mất rồi. Tất cả những cái đã qua chỉ là tình cờ, ngẫu nhiên, chó ngáp phải ruồi, chứ thật sự anh chẳng có tài cán gì ráo. Anh không thể, không phải là nhà văn.
Nhà văn sao chẳng viết được gì, chẳng biết viết gì cả.
Nhiều bạn bè rất thân bảo tôi:
Mày cầu toàn bỏ mẹ. Cứ viết bừa đi. Có cái hay cái dở là chuyện thường. Viết đi. Vốn sống đầy ắp ra đấy. Cầu toàn!
Lời trách nghe rất sang trọng. Tôi im lặng, một cách dối trá, để cho người ta trách. Để không viết, chưa viết chỉ vì quá cầu toàn, sang quá, oai quá rồi còn gì!
Thật ra, lần này thì tôi không tự dối mình, không những tôi không biết viết thế nào, đơn giản hơn nhiều: tôi không biết viết gì cả. Chẳng có gì trong mình để viết ra cả.
Sau này tôi có đọc ở đâu đó của nhà phê bình Pháp rất tinh tế Maurice Blanchot: “Dấu hiệu chứng tỏ tầm quan trọng của một nhà văn, là ở chỗ anh ta chẳng có gì để nói cả” (4). Tất nhiên, tôi là loại nhà văn chẳng có tầm quan trọng gì. Nhưng sao cái ông Blanchot tận bên Tây ấy giỏi thế!
Tầm quan trọng của bước chuyển của một nền văn học là ở chỗ nó đột ngột cảm thấy “chẳng có gì để nói cả”. Một khoảng chân không tuyệt đối.
Cái cũ đã nói rồi. Cái mới chưa có.
Tôi cho rằng văn học ta khoảng từ 75 đến gần 80 là như vậy (thời gian cụ thể nói ở đây chẳng có gì chắc chắn lắm đâu).
Không làm gì có chân không tuyệt đối. Vẫn có vật chất và vận động trong ấy. Cái cũ “đã nói rồi” vẫn còn lải nhải được nói tiếp, nhạt nhẽo, vô vị, theo quán tính. Và cái mới đã manh nha đâu đó, mơ hồ, mò tìm, cảm giác, thiểu số, rất thiểu số.
Có lẽ Nguyễn Minh Châu là một trong ít người cảm giác ra sớm hơn cả. Nhưng anh không nói, cả với tôi, dẫu chắc anh có biết tôi cũng đang đau khổ đi tìm. Anh quờ quạng viết. Hãy nhớ lại một ít truyện ngắn Nguyễn Minh Châu ngày ấy. Đọc rất khó hiểu, chẳng biết anh định nói cái gì. Có lẽ chính anh cũng không hiểu. Anh mới cảm giác thôi.
Tôi thua anh xa. Tôi cảm giác kém hơn, mơ hồ hơn. Và tôi im lặng.
… Tôi bắt đầu làm Bí thư Đảng đoàn Hội Nhà văn trong tình trạng như vậy, chắc ông Tố Hữu khi sắp xếp tôi không hề ngờ đã giao trọng trách cho một kẻ dao động đến thế.
Duy có một điều – điều này chính cuộc chiến đấu lâu dài, chính Đảng đã rèn luyện cho tôi –, tôi biết phải thay đổi, quyết phải thay đổi. Không phải chỉ tôi. Cả văn học ta.
Một hôm tôi đến làm việc với anh Trần Độ, bấy giờ là Phó ban Tuyên huấn, trực tiếp phụ trách văn hóa văn nghệ. Tôi có biết anh Trần Độ trước đây, đã lâu lắm, một lần tôi đi cùng anh Văn Phác xuống Quân khu Hữu ngạn đóng ở Nam Định, anh Độ đang làm Chính ủy quân khu ở đấy, đâu khoảng 1960, 1961. Biết, chứ chưa hề quen. Chống Mỹ, anh Độ ở Nam Bộ, tôi ở Khu 5, không hề gặp nhau.
Tôi đến báo cáo với anh ý định công việc của Đảng đoàn. Cũng không còn nhớ hôm ấy tôi đã trình bày những gì. Đại thể là khá dông dài, suốt cả một buổi chiều. Anh Độ kiên nhẫn nghe. Cuối cùng tôi nói: Cố gắng làm thế nào, giỏi thì khoảng mươi năm, dở thì mười lăm hai mươi năm, đưa văn học ta lên một bình diện khác, tạo nên được một số đỉnh cao mới.
Anh Độ rót nước cho tôi, rồi nói, rất thong thả:
– Kế hoạch của cậu, mình tán thành cả. Nhưng mà, cậu ạ, mình nghĩ trong nghệ thuật, muốn có đỉnh cao mới thì phải có trường phái mới.
Tôi kinh ngạc.
Và từ đó, tôi thân anh.
Sao con người ấy, vị tướng thú thực trước tôi nghĩ là giản dị, đáng yêu, nhưng chắc cũng võ biền thôi, không phải người sáng tạo, không ở trong nghề, vậy mà anh lại cảm nhận được điều đó?
Về sau, quen thân, làm việc, chơi bời với nhau nhiều nữa, tôi chưa lần nào hỏi lại anh hồi đó anh nói trường phái mới là thế nào. Tôi chắc anh cũng cảm giác thôi. Và anh diễn đạt như vậy.
Không phải ngẫu nhiên mà sau này Nguyễn Minh Châu cũng đến với anh Độ.
Nhiều người ác mồm hay bảo anh Độ và một số anh em chúng tôi có những âm mưu ghê gớm lắm. Có âm mưu thật đấy: âm mưu thực hiện cái cảm giác ấy.
*
Tôi về làm việc ở Hội Nhà văn chưa được vài tháng thì nổ ra chiến tranh biên giới phía Bắc. Anh Nguyễn Đình Thi bảo:
– Phải đi sơ tán, lên Đà Lạt, bảo vệ lực lượng.
Tôi ngạc nhiên:
– Ơ, sao lại sơ tán? Phải lên biên giới chứ.
Tôi đi Cao Bằng, cùng anh Hồng Nghi.
Rồi đi Campuchia, cùng Nguyễn Khải và anh Nguyễn Văn Bổng.
Đi được là nhờ có Nguyễn Chí Trung. Sau 1975, Nguyễn Chí Trung tập hợp được một số anh em thành cái gọi là Trại sáng tác ở Đà Nẵng, nhà số 10 đường Lý Tự Trọng. Thu Bồn, Thái Bá Lợi, Nguyễn Trí Huân, Ngô Thế Oanh, Nguyễn Bảo, Bùi Minh Quốc, Thanh Quế, Trần Vũ Mai… Về sau, trại giải thể, một số ở lại Quảng Nam, một số ra Hà Nội. Nguyễn Chí Trung về Văn nghệ Quân đội số 4 Lý Nam Đế. Tính Trung không ở nổi 4 Lý Nam Đế, tôi biết. Anh quá hăng hái, việc gì cũng xông vào, hết mình, can thiệp vào mọi việc, mọi chỗ, hết sức vô tư, chẳng có gì cho mình hết, một cái quần đùi, theo đúng nghĩa đen, cho riêng mình cũng không. Mà 4 Lý Nam Đế bây giờ đã khác, cuộc sống hòa bình đã khác. Mỗi người đã có cái riêng. Trung vừa hiểu vừa không hiểu…
Sau một thời gian lục đục nội bộ ở Lý Nam Đế, Trung bỏ đi. Anh là người của chiến trường. Lại ra chiến trường. Đánh giặc cực giỏi. Tổ chức chiến đấu cực kỳ điêu luyện, thấu đáo, tỉ mỉ, tháo vát, thông minh, và dũng cảm ít ai bằng. Còn tổ chức cuộc sống thì cực vụng. Bị tất cả mọi người lừa một cách trắng trợn, dễ dàng, kể cả người thân, họ hàng.
Một tính cách đặc biệt của Trung: nhất thiết phải có mặt ở những thời điểm, địa điểm của lịch sử. Anh mãi mãi là người của “Đường chúng ta đi”.
Sáng 30 tháng 4-1975, trong khi chúng tôi còn lẽo đẽo hỏng xe ở Phan Rang, Phan Thiết, Trung đã có mặt trên cầu Cỏ May Vũng Tàu trong đội hình Sư đoàn 3; và ngay chiều đó lại có mặt ở Dinh Độc Lập Sài Gòn. Ngày 7 tháng 1-1979, Trung ngồi trên chiếc xe tăng đầu tiên đánh chiếm Nông Pênh.
Trung quen, hiểu và có uy tín lớn trong tất cả các đơn vị quân ta ở Campuchia, kể cả các phi đoàn không quân, từ cấp Tư lệnh tiền phương bộ tổng, cấp Quân đoàn, cho đến Đại đội, Ttrung đội, Tiểu đội. Anh em đùa:
– Máy bay quân sự đang bay, cần đi nhờ, ông Trung vẫy một cái, nó dừng lại ngay.
Trung tổ chức cho chúng tôi đi Campuchia bằng máy bay quân sự, từ Tân Sơn Nhất lên Nông Pênh, từ Nông Pênh về Tân Sơn Nhất, rồi lại từ Tân Sơn Nhất lên Xiêm Riệp, từ Xiêm Riệp lại trở về Nông Pênh.
Đối với tôi, đó là chuyến đi quyết định.
Tôi đến Xiêm Riệp, gặp anh Thuận, anh em quen gọi là Thuận Nẹt, để phân biệt với Thuận Lạc, anh này hồi ở trên núi thời chiến tranh, sáng ra đi vệ sinh sau nhà, chẳng biết làm thế nào đi lạc luôn trong rừng suốt một tuần. Thuận Nẹt là người quen cũ thời chống Mỹ, bây giờ làm Tư lệnh Mặt trận Xiêm Riệp, cỡ tương đương Tư lệnh quân đoàn. Đến Xiêm Riệp, đương nhiên phải đi thăm Angkor. Tàn quân Pôn Pốt vẫn còn bắn tỉa. Tư lệnh Thuận cho một Đại đội có cả xe tăng đi trước dọn đường và bố trí bảo vệ chúng tôi đi xem Angkor.
Tôi gặp may: người hướng dẫn tôi hôm đó là Vik Keo.
Phải nói rõ điều này: người Pháp có công lớn với Angkor. Họ đã phát hiện ra Angkor, đã công phu bền bỉ nghiên cứu, gìn giữ, tu bổ công trình nghệ thuật kỳ vĩ này cho Campuchia, cho nhân loại. Họ có những chuyên gia tuyệt vời về Angkor và suốt hơn trăm năm họ đào tạo cả một đội ngũ những người chuyên bảo tồn Angkor (conservateur d’Angkor) hết sức thông thạo, có hiểu biết chuyên môn và nghệ thuật cao, say mê, suốt đời sống và chết vì Angkor. Cho đến trước 1975 ở Campuchia còn được 50 nhà bảo tồn Angkor quý giá như vậy. Bọn Pôn Pốt tàn sát hết. Còn sống sót duy nhất một người: Vik Keo.
Còn ta, ta có mỗi cái đàn Nam Giao, đã bị một “nhà văn hoá” phá mất!
Angkor là cả một thế giới, toàn bằng đá, hoàn chỉnh, trọn vẹn, mênh mông, phong phú và hài hòa, tương đương với cái thế giới ta đang sống đây, có lẽ còn hơn thế nữa. Và Vik Keo, như một vị đạo sĩ giàu phép thần thông, dẫn tôi đi vào cái thế giới vừa khép kín vừa không cùng ấy. Anh thuộc lòng từng phiến đá, từng mẩu rêu, từng nét cong và từng vành môi mỗi pho tượng. Anh thì thầm kể cho tôi, dạy cho tôi tỏ, chi tiết mà không vụn vặt, bao quát mà lại tỉ mỉ về cái thế giới Angkor của anh, tôi như một chàng Lưu Nguyễn may mắn được một vị thần linh cầm tay dắt đi và giảng giải thâm trầm về buổi hình thành, sự tồn tại và sự vĩnh cửu của vũ trụ. Tôi được chỉ cho biết trời đất đã được tạo lập nên như thế nào, buổi khai thiên lập địa đã từ hỗn mang được sắp xếp lại ra sao, con người từ đâu đến, để làm gì, và rồi sẽ đi đâu. Vik Keo nói và đá Angkor nói. Tôi như một kẻ tín đồ, vốn là một tên vô đạo bỗng một phút đốn ngộ, im lặng lắng nghe, không dám nói một lời, hỏi một câu. Bởi vì, đi trong Angkor, anh nghe không phải lời nói của con người, mà là sấm truyền của đá. Tiếng nói của tạo hóa…
Chúng tôi lang thang từ mờ sáng đến sẩm tối, trong thế giới của đá, Angkor Thom, Angkor Wat, Bayon, Sân Voi… cho đến tận dãy “hành lang ú tim” (galerie de cache-cache) ngoằn ngoèo sâu lút đầu người, hẹp đến phải lách nghiêng người mới lọt qua được vậy mà hai vách vẫn đầy tượng là tượng, tuyệt đẹp, chẳng biết ai tạc, tạc để làm gì…
Mãi đến lúc tưởng đã kết thúc cuộc hành trình kỳ diệu, Vik Keo bảo tôi, giọng rất nhỏ:
– Còn một kỳ diệu này nữa, của riêng tôi, hôm nay tôi tặng anh.
Anh nắm tay tôi, dẫn lên một đài đá cao, trước mặt là một tháp sừng sững:
– Anh xem kìa!
Tôi ngửng lên. Trên đỉnh tháp, một nàng Apsara đang múa. Chỉ có Vik Keo mới biết được điều này, và anh dành cho tôi hạnh phúc ấy: Bấy giờ đã hơn năm giờ chiều, tất cả rừng đá Angkor mênh mông đã chìm trong màn đêm tím sẫm. Chỉ còn một ngọn nắng cuối cùng, có lẽ chỉ lớn bằng hai bàn tay, óng muột, và ngọn nắng ấy chiếu đúng lên đôi má nàng Apsara trên đỉnh tháp, chỉ chiếu vào đôi má ấy thôi, khiến nàng bỗng đẹp đến mê hồn. Đôi má ửng hồng của một người con gái vừa dậy thì cách đây hàng vạn hay hàng triệu năm.
Đâu chỉ một phút.
– Thôi ta chào nàng rồi về đi anh, Vik Keo nói.
Ngọn nắng cuối cùng cũng vừa tắt. Cô gái dậy thì “của Vik Keo”, mà hôm nay anh cho phép tôi được hạnh phúc ngắm đúng một phút, đã lại chìm mất trong bóng đêm vĩnh cửu.
Cảm ơn, cảm ơn vô cùng Vik Keo. Từ ấy đến nay đã mấy chục năm, mấy chục năm loạn lạc trên cái đất nước đau khổ ấy. Vik Keo nay ở đâu? Còn không? Người bảo tồn Angkor cuối cùng…
Tôi hỏi Nguyễn Chí Trung. Anh bảo để anh sẽ cố tìm xem.
Đêm ngủ ở chỗ anh Thuận Nẹt Xiêm Riệp tôi cứ nghĩ mãi, có lẽ không phải con người đã làm nên Angkor. Nó quả quá sức con người… Nhưng vậy thì ai?… Vẫn chỉ có thể là con người thôi.
Con người kỳ lạ đến thế đấy. Hình như các học thuyết của chúng ta đã ra sức giải thích con người một cách trần tục quá chăng? Hãy đến Angkor một lần. Có thể anh sẽ bớt “duy vật” đi một ít.
Cứ đến Angkor, cũng có thể anh sẽ nghĩ: hình như dân tộc này chẳng cần đến văn học nữa. Họ viết tiểu thuyết bằng đá. Và đã viết xong rồi!
Sao Angkor lại rơi vào tôi đúng lúc tôi về làm Đảng đoàn Hội Nhà văn? Nó có khiến tôi bắt đầu hiểu nghệ thuật khác trước đi chăng? Có phải trước nay chúng ta, cả chính tôi, đã hiểu về nó quá thực dụng? Nó là gì trong đời sống con người? … Thôi, ít ra Angkor cũng buộc tôi tự đặt cho mình những câu hỏi vớ vẩn như vậy…
Những ngày Xiêm Riệp rất lạ. Hôm vừa bước xuống sân bay, anh Nguyễn Văn Bổng khóc òa.
Nguyên là chúng tôi đến Xiêm Riệp bằng máy bay quân sự Liên Xô. Có một phi đội như vậy ở Tân Sơn Nhất. Hàng ngày bay Tân Sơn Nhất – Nông Pênh, Nông Pênh – Tân Sơn Nhất. Tân Sơn Nhất – Xiêm Riệp, Xiêm Riệp – Tân Sơn Nhất. Chở đồ tiếp tế sang cho bộ đội. Và chở thương binh về.
Chúng tôi vừa đổ xuống sân bay Xiêm Riệp thì đã thấy ba, bốn chục thương binh ngồi chờ ở đấy để được đưa về Sài Gòn. Tất cả đều trẻ măng, má còn lông tơ. Thanh niên Sài Gòn, Hà Nội, Đà Nẵng, Nghệ Tĩnh… Và hầu như tất cả đều… cụt chân. Mìn Trung Quốc. Sân bay chẳng có nhà ga. Họ ngồi bệt ra đường băng. Những đôi chân chỉ còn một nửa, đến đầu gối, quấn băng trắng.
Tôi quay mặt đi. Cố nén để khỏi kêu thét lên: Lại một cuộc chiến tranh nữa ư? Đến bao giờ?
Mới sáng nay, mới một tiếng đồng hồ trước đây, là Sài Gòn. Là bia rượu. Là xô bồ. Là các thứ đấu tranh nội bộ, chen chúc, giành giật.
Bỗng tất cả đều trở thành vô nghĩa. Tôi biết tôi yếu đuối và sai rồi. Cái bên kia, một giờ trước, là thật. Cái này cũng là thật. Đừng có lộn xộn, mơ hồ.
Nhưng văn học làm gì?
Tại sao cứ thánh thót mãi một bản hùng ca quán tính?
Ở Xiêm Riệp, tôi làm quen với một Đại đội trưởng trinh sát nổi tiếng tên là Trung, người Vĩnh Phú. Một đêm anh dẫn chúng tôi đi chơi trên Biển Hồ. Trong đời, chẳng dễ gì có một đêm kỳ thú như thế nữa. Trung quen khắp mặt dân Campuchia vùng này. Là ân nhân của rất nhiều gia đình người Khơme ở đây: Đầu 1979, Đại đội trinh sát của anh đã cứu hàng trăm người khỏi tay Pôn Pốt. Ở đây anh có vô số mẹ nuôi, chị nuôi, em nuôi. Anh về đây như về làng, về nhà. Hôm ấy tôi thấy rõ ràng có một cô gái Khơme yêu Trung đến mê mệt, bộc lộ, trắng trợn.
Tôi bảo:
– Đã sao, Trung!
Trung nói:
– Nhưng em đã có.
– Vĩnh Phú à?
– Không, Sài Gòn. Éo le lắm, để rồi em sẽ kể anh nghe…
Chúng tôi thả thuyền rong chơi Biển Hồ suốt đêm. Nghe dân Campuchia hát. Ăn cháo cá và uống rượu. Cá Biển Hồ, cứ vục tay xuống nước, túm lên ngay được một con, to tướng, béo ngậy.
Trung kể cho tôi nghe trận anh suýt chết trên biên giới Thái Lan. Anh bị thương, và bị lạc, một mình, sang cả bên đất Thái. Chưa bao giờ tôi nghe nói về cái khát ghê gớm như vậy. Dãy Đang Rek, biên giới Miên-Thái, sáu tháng mưa tầm tã, sáu tháng khô, tuyệt không một giọt nước. Rừng toàn gai. Và mìn. Mìn dày hơn cả gai. Trung bị thương, lạc, và khát. Mười ngày. Ngày thứ ba, liếm hết giọt nước cuối cùng trong bình-đông. Ngày thứ năm, nuốt hết giọt nước đái cuối cùng tự mình cố sức rặn ra. Khát đến điên dại. Khát đến cháy thiêu tận từng tế bào. Xé hết quần áo. Khát đến hôn mê. Trung kể rằng trong một cơn mê, anh thấy anh thoả thuê uống cạn sạch cả cái Biển Hồ Tonlêsáp Campuchia. Một cơn mê khác, dữ tợn hơn, anh thấy anh bắt được một tên lính Pôn Pốt. Anh rút dao găm, đâm ngay vào cổ họng nó và… ừng ực uống cho kỳ hết máu.
Lần ấy dân Khơme quanh Biển Hồ nhà nào cũng đã lập bàn thờ cúng anh bộ đội Trung. Nhưng rồi Trung trở về: đồng đội tìm được anh trên đất Thái, đúng lúc anh đang hấp hối…
Người ta đã định phong tặng Anh hùng cho Trung. Nhưng Trung có một cái “phốt” nặng. Việc này, hai năm sau tôi mới biết.
Ngày giải phóng Sài Gòn, Trung đi làm công tác quân quản một phường quận 10, gặp một cô gái gốc Huế, đâu quãng 16 hay 17 tuổi. Anh yêu. Cô gái thật đẹp. Về sau có lần họ dẫn nhau ra Hà Nội, có ghé lại thăm nhà tôi. Vợ tôi bảo:
– Em mà là con trai, em cũng yêu mất!
Nhưng cô gái có một người anh là “sĩ quan nguỵ ác ôn” đang đi cải tạo.
Đơn vị ngăn cản, tất nhiên. Trung không nghe. 1975-1979, rồi 80, 81. Bao nhiêu lần kiểm điểm, Trung một mực không chịu thua.
Cuối cùng anh vứt tất cả, danh hiệu đảng viên, chức vụ đại đội trưởng trinh sát nổi tiếng, cả cái Anh hùng Quân đội suýt được phong…, tất cả, anh về Sài Gòn và cưới cô gái Huế của anh.
Anh bị đuổi khỏi chiến trường.
Năm ngoái vào Sài Gòn tôi có ghé thăm Trung. Anh chị ở Quận 10, trong một hẻm rất khó tìm. Họ đã có hai cháu và sống hạnh phúc. Bây giờ Trung làm một chân bảo vệ ở công viên Tao Đàn. Chị ở nhà, nội trợ. Chị bảo tôi:
– Đêm nào anh ấy về khuya quá, em lo cồn cào, chắc cũng giống như lần anh ấy sắp chết khát trên biên giới Thái…
Cuộc sống, con người đấy. Sao văn học ta xoàng thế.
Định từ Xiêm Riệp quay xuống Nông Pênh, nhưng máy bay không có chuyến, phải về Tân Sơn Nhất rồi mới quay lên.
Nông Pênh khiến tôi bàng hoàng.
Pôn Pốt là một cái gì đó rất kỳ lạ, có lẽ chỉ có một trong suốt lịch sử.
Có người đã nói đến một thứ vũ khí sinh học gì gì đó, một cuộc chiến tranh tưởng tượng, chỉ giết sạch người, còn thì tất cả đều nguyên vẹn, không chút sứt mẻ.
Nông Pênh sau Pôn Pốt là một thành phố như vậy, còn lại nguyên vẹn, không sứt mẻ. Tôi có đi thăm Hoàng Cung, Chùa Vàng, đài Độc Lập… Đến những pho tượng giát toàn vàng vẫn còn nguyên.
Chỉ có con người đã biến mất.
Nguyễn Chí Trung bảo tôi:
– Ông có để ý không, tất cả các nhà đều không có số.
Trung tinh thật. Nhà cửa còn nguyên, sang trọng, lịch sự. Chỉ có các số nhà đã bị xóa hết. Một dấu hiệu rất nhỏ của thời tàn phá Pôn Pốt: trên đời này không còn bất cứ cái gì có tên, có một số hiệu để gọi cũng không.
Dấu vết tàn phá rõ nhất có thể thấy được có lẽ chỉ có cái nhà Ngân hàng: tiền riêng, hàng đống, vô số, mới tinh, rất đẹp, màu xanh và dài, từa tựa đồng đô-la, vứt đầy đường, từng xấp dày. Tôi có nhặt một xấp, mang về cho con gái tôi chơi, bây giờ vẫn còn: không có người, không có bất cứ sự quan hệ, giao lưu, đối thoại người-người nào nữa, nên đồng tiền vứt đi là phải.
Tất cả còn nguyên. Chỉ có một cái biến mất: con người.
Nó biến đi đâu?
Hàng triệu người bị giết, ta biết rồi. Hàng triệu người đã bị giết theo cách thức đơn giản nhất, thô sơ, nguyên thủy nhất: một nhát cuốc vào đầu. Tôi đến nhà tù Tuol Sleng, xưa là trường học. Tuol Sleng nay thành bảo tàng tội ác Pôn Pốt. Có một tấm bản đồ nước Campuchia lớn, chiếm cả một bức tường, kết toàn bằng đầu lâu. Hôm tôi đến, mấy anh thợ bảo tàng đang làm cái công việc kỳ dị ấy: kết tấm bản đồ toàn bằng đầu lâu. Mỗi chiếc đầu lâu đều có một vết cuốc bổ toác. Không ở đâu trên thế gian này còn có một tấm bản đồ đất nước như vậy.
… Nhưng có lẽ đấy vẫn không phải là cái chính. Hàng triệu người bị giết. Nhưng cũng còn hàng triệu người không bị giết. Vậy ai bị giết?
Những ngày ở Nông Pênh, ở Campuchia, tôi hiểu ra điều này: Pôn Pốt chỉ giết những người muốn còn là một đơn vị. Một đơn vị người. Có tên, có tuổi, có quá khứ, có hiện tại, có tương lai, có số phận riêng, có cuộc đời riêng, có cái khác riêng, dấu hiệu riêng dầu nhỏ nhất của riêng mình. Nó không công nhận đơn vị, không công nhận cái riêng.
Không có đơn vị.
Chỉ có bầy.
Không có sự hữu danh.
Chỉ có bầy, tập thể vô danh.
Bầy vô danh và hoàn toàn trong sạch. Gia đình, vợ-chồng, cha-mẹ, anh-em, bạn bè, xóm giềng, tình yêu, tình bạn… đều phải xóa hết, nghiền nát, hủy diệt hết. Dấu hiệu của cái riêng mà!
Đó là chủ nghĩa tập thể tuyệt đối. Cái đồng nhất tuyệt đối. Sự trong sạch nguyên khối, tuyệt đối.
Lịch sử, các nền văn minh nối tiếp làm nên lịch sử đã làm cho bầy đàn hồng hoang vô danh, tiến hóa, biến dần thành những con người, từng đơn vị con người hữu danh. Lịch sử phải chấm dứt. Phải trả lại sự tinh nguyên ban đầu, sự trong sạch đồng khối nguyên vẹn đầu tiên và vĩnh cửu.
Đó là chủ nghĩa Pôn Pốt. Nỗi kinh hoàng thảng thốt lớn nhất của nhân loại.
Nó tìm ở đâu ra cái lý tưởng kinh hoàng ấy?
Ở Nông Pênh tôi gặp một cặp vợ chồng trí thức còn sống sót một cách kỳ diệu, anh là Kiến trúc sư, từng học ở Nhật, ở Nga, chị là Kiến trúc sư nội thất. Họ còn sống sót vì họ đã khéo léo tự vô danh hóa mình, tự diệt tính đơn vị của mình trước con mắt bọn Angka (5). Anh chị nói cho tôi biết rằng cả Pôn Pốt lẫn Iêng Sari, và mấy tên lãnh tụ Khơme đỏ cao cấp nhất khác nữa đều từng học ở Pháp về. Chính ở phương Tây chúng học được, chúng nung nấu lòng căm thù đối với văn minh, mọi nền văn minh đã dẫn đến nền văn minh tư sản, bởi vì chính văn minh, đặc biệt văn minh tư sản, đã đưa đến sự phát hiện ra cá nhân sáng chói trong cộng đồng, dẫn đến sự hình thành cá nhân. Cá nhân là sa đọa. Chỉ có bầy đàn mới trong sạch…
Mấy năm sau, trong một lần cãi nhau với Chế Lan Viên, anh ấy nói:
– Loài người phát triển từ dị biệt đến đồng nhất, càng phát triển cao càng đồng nhất cao.
Tôi, từ Campuchia trở về, tôi cãi:
– Không đâu, ngược lại, loài người phát triển từ đồng nhất đến dị biệt. Đồng nhất cao trong sự dị biệt cao. Trong sự long lanh của từng cá thể. Đi ngược lại thì sẽ dẫn đến Pôn Pốt! Nếu là xã hội chủ nghĩa, thì đó mới là chủ nghĩa xã hội. Còn có một thứ “xã hội chủ nghĩa” khác: chủ nghĩa xã hội Mao, và đỉnh cao của nó, chủ nghĩa xã hội Pôn Pốt. Đừng tưởng Pôn Pốt không thành tâm làm chủ nghĩa xã hội. Nó có lý tưởng lớn đấy: chủ nghĩa xã hội bầy đàn.
Chuyến Campuchia ấy đối với tôi là quyết định. Nó định hướng cho mọi suy nghĩ và công việc của tôi.
*
Công việc Hội Nhà văn, ai từng ở đấy đều biết, muốn làm thì làm bao nhiêu cũng không hết; không làm cũng chẳng sao. Người viết vẫn viết. Người viết hay cứ viết hay. Người viết tồi cứ viết tồi.
Dạo ấy tôi cố gắng làm hai việc: hết sức góp phần lập Trường Nguyễn Du. Và ra tờ Văn học nước ngoài.
Trường Nguyễn Du là để cố gắng dần dần tạo một thế hệ cầm bút mới, đỡ thất học như chúng tôi.
Tờ Văn học nước ngoài là cố gắng để cho kinh nghiệm văn học thế giới thẩm thấu dần vào ta.
Xin mãi, không ra chính thức được, chúng tôi làm nội san vậy, in ronéo, in xê-len, rồi in typo. Có lần Bộ Văn hóa muốn bêu riếu những anh bất hợp pháp, tổ chức triển lãm những tờ báo in lậu, Văn học nước ngoài cũng vinh dự có mặt trong cuộc đó. Anh Đào Xuân Quí giúp tôi trong công việc nội san này, bài vở, dịch thuật, mi báo, in ấn, gần như một mình anh ấy chống chọi. Văn phòng Hội kiềng riềng vì kinh phí không có, tiền báo không thu được. Tôi đánh bài lờ.
Công việc linh tinh khác cũng nhiều: đối nội, đối ngoại, chế độ, chính sách, họp hành, trợ cấp, già, trẻ… Anh Tô Hoài cùng làm việc với tôi rất ăn ý. Đã làm, anh làm đến nơi đến chốn, và gọn, nhanh. Nguyễn Khải đêm nào cũng cùng tôi chụm đầu bàn bạc, trên căn phòng của anh ở 4 Lý Nam Đế. Anh em tâm đầu ý hợp.
Công việc trước mắt là chuẩn bị Đại Hội Nhà văn lần thứ III.
Đại hội II họp năm 1962, lúc ấy tôi đã vào Nam. Gần 15 năm rồi còn gì. Và riêng tôi, tôi nghĩ đã đến lúc có chuyện để mà họp.
Để chuẩn bị cho một Đại hội có chất lượng, thật sự có chuyện mà nói, chúng tôi chủ trương triệu tập hội nghị đảng viên, thử cùng nhau bàn bạc trước một số vấn đề dự kiến sẽ đưa ra Đại hội. Tôi được phân công viết một tài liệu gọi là “Đề dẫn”, có tính cách gợi ý cho cuộc thảo luận sắp tới ở hội nghị. Anh Tô Hoài lo công việc hàng ngày ở Hội. Nguyễn Khải lo việc tổ chức hội nghị (danh sách đảng viên, triệu tập…). Anh Nguyễn Đình Thi nói rõ: anh sẽ góp ý kiến mọi việc, nhưng xin để cho anh được dành nhiều thì giờ sáng tác. Giang Nam làm Tổng biên tập báo Văn nghệ. Các anh còn lại trong Đảng đoàn thì hoặc ở cơ quan khác, hoặc ở xa, ít trực tiếp tham gia công việc Hội.
Tư tưởng của chúng tôi, ít ra của chính tôi, là khá rõ ràng, nhưng cách thức làm việc thì thật luộm thuộm và vội vã. Chúng tôi hối hả, lụp chụp chuẩn bị hội nghị đảng viên.
Sau này nhớ lại, tôi có lần nghĩ: tại sao ngày ấy tôi lại hối hả như vậy. Chậm lại, chắc hơn, suy nghĩ, tính toán, viết Đề dẫn kỹ, chậm hơn ít nữa đã sao. Vậy mà tôi đã ngồi viết Đề dẫn hối hả, ngày đêm, bỏ ăn, bỏ ngủ, viết đến đâu in ronéo đến đấy, bộ máy văn phòng Hội cứ chạy tíu tít lên.
Tại sao?
Ra tôi vẫn là người sáng tác chứ không phải người lãnh đạo. Người lãnh đạo sẽ từ tốn hơn, cẩn thận hơn, biết kìm mình lại hơn, nhất là khi đang toan tính một việc lớn như thế này.
Quả thật tôi có toan tính một việc lớn: bắt đầu cú đột phá cho sự thay đổi văn học mà tôi mường tượng từ lâu, nay đang rõ dần trong đầu, trong mong ước. Tôi bị sự thúc đẩy mãnh liệt hệt như người nghệ sĩ khi cảm hứng tích lũy từ rất lâu, rất lâu, chợt ào đến, không cầm bút, không chộp ngay lấy bảng màu, không ngồi ngay vào bàn… thì không kịp nữa, chậm mất, hỏng mất!
Tôi viết bản Đề dẫn hệt như sáng tác một thiên tùy bút, say mê, bị cuốn hút ngay bởi những ý tưởng vừa hiện hình trên trang giấy, ý tưởng này gợi ý tưởng kia, nối nhau, cuốn nhau, dồn lên nhau ào ào chảy ra.
Tôi nói văn học ta từ sau 75 bỗng đột ngột lâm vào một tình trạng rất kỳ lạ: nó bỗng trở nên nhạt nhẽo. Người đọc, trước đây từng say mê nó thế, từng coi nó là đời sống tinh thần thắm thiết, thống thiết không thể thiếu của mình, nay bỗng đột ngột quay lưng lại với nó, thờ ơ. Họ không thèm đọc ta nữa. Họ đi đọc sách nước ngoài. Họ bỏ ta.
Chính Chế Lan Viên ngày ấy, trong một cuộc họp Đảng đoàn, cũng nói: Sách bây giờ nhiều, nhưng tác phẩm thì không có.
Vì sao?
Câu hỏi đầu tiên, bức bách, để đặt vấn đề mở đầu bản Đề dẫn là như vậy.
Vì sao?
Tôi cố gắng cắt nghĩa:
Bây giờ ta có thì giờ hơn, bình tĩnh, yên ổn hơn, hết chiến tranh rồi, kinh nghiệm cũng nhiều hơn, từng người viết, từng quyển sách viết ra rõ ràng khá hơn, văn chương chỉn chu hơn, chương hồi rành mạch khôn khéo hơn, sách “hay” hơn. Nhưng tất cả những cái hơn đó là để nói về một chuyện đã cũ, đã qua, đã xong. Chúng ta vẫn tiếp tục, theo quán tính, trả lời một câu hỏi cũ: sự mất còn của cộng đồng dân tộc trước hiểm họa ngoại xâm.
Câu hỏi ấy, nóng cháy trong suốt thời kỳ trước, nay lịch sử đã trả lời xong rồi. Mà văn học thì cứ tiếp tục, theo quán tính, lải nhải trả lời một câu hỏi đã có lời giải rõ ràng của lịch sử.
Trong khi lịch sử đã sang trang. Cuộc sống đã đặt ra những câu hỏi mới, một loạt câu hỏi mới.
Người ta chán mình, bỏ mình là phải. Người ta đã đứng trước hàng vạn câu hỏi cháy lòng, ngồn ngang, phức tạp mới, mà sách của anh, viết hay hơn, dày hơn, in đẹp hơn, cứ lẩm cẩm vô duyên bắt họ nghe câu trả lời của anh về cái chuyện họ đã vượt qua rồi. Anh lạc hậu, đáng đời nhà anh!
Vậy vấn đề số một của văn học hiện nay, theo tôi, là tìm ra những câu hỏi mới của đời sống. Là nói về nó.
Chính ông Tố Hữu ngày ấy cũng nói: 30 năm nay chúng ta mới giải quyết một vấn đề: sống hay là chết; bây giờ mới bắt đầu giải quyết vấn đề: sống như thế nào?
Chính sự thay đổi câu hỏi cơ bản đó quyết định bước biến đổi cơ bản hôm nay của văn học.
Vậy câu hỏi mới là gì?
Tôi quả quyết: Vấn đề số phận chung của cộng đồng đã xong. Bây giờ là vấn đề số phận riêng của từng con người, trong cộng đồng. Trước kia chưa có câu hỏi đó, chưa thể đặt ra, nó chìm lấp trong câu hỏi lớn chung. Bây giờ nó trồi lên hàng đầu.
Tư tưởng cơ bản của Đề dẫn là như vậy. Nó nêu vấn đề mà nó cho là lớn nhất của văn học bấy giờ ấy ra, và đề nghị hội nghị, rồi Đại hội cùng suy nghĩ, cùng thảo luận.
Tất nhiên, tôi viết hối hả, dông dài, nhiều khi khá rối rắm, không chặt chẽ, nhưng cái ý tưởng ấy là rất rõ ràng. Tôi nói: công việc của văn học bây giờ là tham gia, là đi hàng đầu trong công cuộc giải phóng năng lượng tiềm tàng và vô tận của từng cá thể con người.
Tôi nói: tập thể phải là sự tập hợp tự do và sinh động của từng cá thể tự do, và long lanh sáng tạo. Không thể là tập thể vô danh, vô chủ, tập thể bầy đàn…
Những đêm tôi ngồi viết, Nguyễn Chí Trung thường đi tới. Anh hỏi:
– Đến đâu rồi?
Tôi buông bút. Hai anh em ngồi trao đổi, bàn luận, tranh cãi. Nguyễn Chí Trung còn thấm Campuchia hơn cả tôi. Nguyễn Chí Trung là người rất lạ: anh là nhà quân sự thực thụ, hết sức thực tế, chi li, tỉ mỉ đến lạnh lùng trong tổ chức một chiến dịch, một trận đánh. Nhưng cũng lại là người nặng suy nghĩ trừu tượng, thích đi đến những kết luận khái quát lớn. Những con người như thế thì thường rất quyết liệt trong tư tưởng và hành động.
Sau này nhiều người phê bình tôi, thường bảo: Nguyễn Chí Trung là đồng tác giả của bản Đề dẫn. Và như thế thì tôi rất vô nguyên tắc: Trung không có chân trong Đảng đoàn, ngay trong Ban chấp hành Hội cũng không. Thật tình bảo Trung là đồng tác giả cũng không hoàn toàn sai đâu. Từ Campuchia trở về, anh còn quyết liệt hơn cả tôi đối với cái chúng tôi gọi là xu hướng chủ nghĩa tập thể bầy đàn. Anh không trực tiếp tham gia bản Đề dẫn, nhưng anh làm rõ rệt, mạnh mẽ hơn những ý tưởng của tôi.
Hai anh em ngồi bàn bạc đến khuya. Rồi Trung đi nằm. Tôi lại ngồi cắm cúi viết, đến sáng. Trung cũng không ngủ. Anh đang thao thức một khái quát lớn nào đó nữa để ngày mai anh sẽ nói với tôi, tôi biết.
Nguyễn Khải cũng hay đến. Trong thâm tâm, ở chỗ lắng đọng sâu kín nhất của anh, Khải là một nghệ sĩ thực thụ. Chỉ có điều, trong một số hoàn cảnh căng thẳng, nguy hiểm trực tiếp nào đó, nhiều khi anh không đủ sức đừng để cho những lo toan khác lấn át, che lấp cái chất sâu kín ấy đi. Hồi bấy giờ chưa có nguy hiểm trực tiếp. Anh tâm đắc với mọi ý tưởng của tôi, có khi còn giúp tôi mài dũa cho những ý tưởng ấy sắc nhọn hơn…
Bản Đề dẫn được viết rõ rệt nhưng vội vàng ấy, được thông qua trong tập thể Đảng đoàn cũng qua quýt vội vàng.
Nguyễn Đinh Thi nói đôi ý kiến phân vân dè dặt.
Tô Hoài ừ ào, không nói gì, và khi làm cái động tác gọi là thông qua, anh đi ra ngoài có việc gì đó, không có mặt.
Giang Nam bảo: mới, mới lắm.
Chế Lan Viên bắt tay tôi:
– Rất được.
Ngay khi thông qua, có đoạn tôi còn chưa viết xong, chỉ trình bày những ý chính, các anh trao đổi, góp ý kiến, tôi về mới ngồi viết tiếp.
Hội nghị được triệu tập cũng rất vội vàng, luộm thuộm, sai sót lung tung. Nhiều đảng viên không nhận được giấy mời. Vài người không phải là đảng viên cũng đến.
Không khí rất vui. Cái kiểu họp nhà văn bao giờ chả thế: anh em đến, gặp nhau là vui rồi. Uống bia, bù khú, tán đủ thứ chuyện.
Tôi đọc bản Đề dẫn. Mọi người đều ủng hộ. Cãi lại, chỉ có Vũ Đức Phúc. Anh ấy là một người “bảo thủ chân chính”, nhất quán, đến nay tôi vẫn tin thế.
Anh Nguyễn Văn Bổng nói riêng với tôi:
– Không phải ngẫu nhiên mà người ta cử cậu làm bí thư Đảng đoàn. Chưa hoàn chỉnh, nhưng được. Mở ra một cái gì mới.
Anh Xuân Diệu nói:
– Tớ thích nhất chỗ nói “triết học” về lịch sử phát triển con người. Có thế chứ.
Nguyên Hồng cười ha hả.
Hoàng Trung Thông vừa đi uống rượu ở đâu đó về, nói rất dài, lý luận nghiêm trang. Chúng tôi biết anh rồi: càng say càng lý luận nghiêm trang. Anh nói về nhu cầu phải giải phóng cho sáng tạo.
Nguyễn Đình Thi cũng phát biểu dài, nói uyên bác đông tây kim cổ. Và tôi không nhớ rõ dẫn dắt như thế nào, anh lại nói đến những kinh nghiệm đau đớn của văn học Xô Viết: Essénine tự sát, Maiakovski cũng tự sát…
Trong số những người hăng hái hơn cả, có Chế Lan Viên. Anh phản kích thông minh và cay độc những người bảo thủ, đòi cách chức Vũ Đức Phúc.
Anh em trẻ càng vui hơn. Họ tố khổ sự kìm chế sáng tạo.
Trước hội nghị vài ngày, tôi đã gửi bản Đề dẫn và giấy mời tới ông Tố Hữu. Ông đến vào ngày thứ hai của hội nghị. Chế Lan Viên ra đón tận cổng.
Ông bước vào, đi ngang đến chỗ Nguyên Hồng, nắm lấy chòm râu Nguyên Hồng:
– Râu thật hay râu giả?
Nguyên Hồng chỉ cười. Nhưng không khí đột ngột không vui. Đám nhà văn vốn nhạy: có một cái gì khác thường rồi…
Cho tôi ngừng lại một chút để nói về Nguyên Hồng.
Vài năm sau, anh mất, rất đột ngột. Hôm trước, chúng tôi đang họp gì đó trên gác 65 Nguyễn Du, bỗng thấy Nguyên Hồng đẩy cửa bước vào. Vẫn như mọi lần, quần áo bà ba nâu lôi thôi bạc thếch, tóc bờm xờm, trông rất bẩn, chòm râu muối tiêu, mặt đỏ gay. Ý Nhi tả anh trong bài thơ rất đúng: tay ôm cặp bản thảo (có thể của người khác) to đùng. Nói oang oang:
– Họp hả?… Mình mới ở Quảng Ninh đến, chấm giúp cuộc thi cho chúng nó dưới ấy, vui lắm. Thôi chào. Họp thì cứ họp tiếp đi. Chào!
Nói xong quay ra ngay. Tôi tưởng anh sang phòng khác, thế nào cũng còn ở lại Hội chơi một hai bữa như thường lệ, đi uống rượu với ông Nguyễn Tuân, ông Tô Hoài, tối lại về Hội, cởi trần nằm ngay trên chiếc bàn dài chỗ văn phòng Hội, mở quạt vù vù, ngủ chẳng màn chiếu gì cả.
Không ngờ, trưa họp xong, tôi xuống văn phòng hỏi, anh em bảo anh đã đi mất rồi. Anh đi khắp các phòng, sang cả Nhà xuất bản Tác phẩm mới, cả báo Văn nghệ, tạt qua mỗi chỗ một chút, chào tất, rồi đi. Sau này nghĩ lại, mới thấy hơi bất thường: sao anh lại đi chào tất cả thế? Những lần trước có thế đâu. Nhưng lúc ấy chẳng ai để ý. Cũng thường thôi, chẳng có gì lạ.
Sáng hôm sau, chúng tôi đang họp Thường vụ Ban chấp hành, bỗng nhiên được điện. Vắn tắt có mấy chữ
Ông Nguyên Hồng mất. Lên ngay.
Ký tên: Bà Nguyên Hồng”.
Tôi vội lấy xe đi ngay lên Nhã Nam. Cùng với Huy Hiền, con gái anh Nguyễn Huy Tưởng, bấy giờ là cán bộ văn phòng Hội. Tôi vẫn hi vọng anh ốm nặng đột ngột, chị Nguyên Hồng đánh điện thế để chúng tôi lên gấp. Nếu vậy sẽ dùng xe này chở anh về bệnh viện Hà Nội, mong còn kịp.
Lên đến nơi, hóa ra anh đã mất thật.
Anh nằm đó, trên chiếc giường mộc, giữa căn nhà xơ xác, thanh thản, yên tĩnh như một người ngủ say, chòm râu lốm đốm bạc, nước da vẫn còn hồng hào.
Chị Nguyên Hồng kể: sáng nay anh ra ngồi đắp lại cái vách đất nhà bếp bị chuột rúc, đang làm thì kêu mệt, chắc là bị trúng gió. Anh bảo chị trải chiếc chiếu, nằm ngay gốc khế trước sân, định nghỉ một lát rồi lại dậy làm tiếp. Nhưng càng lúc càng thấy khó thở. Chị dìu anh vào nhà, vừa kịp nằm xuống giường thì anh đi luôn. Lúc ấy chỉ có mỗi chị Nguyên Hồng. Người đi đánh điện cho chúng tôi chính là bà cụ hàng xóm sau nhà anh.
Tôi ra bưu điện Nhã Nam đánh điện gấp về Hà Nội, rồi quay lại bàn với gia đình việc tổ chức tang lễ.
Đến chiều tối, anh em các nơi đã kéo lên rất đông. Hội liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam, Hội Nhà văn, Nhà xuất bản Văn học, Tác phẩm mới, báo Văn nghệ, Uỷ ban tỉnh, huyện, Hội văn nghệ Hà Bắc… Cả Hải Phòng cũng lên.
Hội Nhà văn là cơ quan chủ quản chủ trì lễ tang. Tôi phải viết ngay bản điếu văn. Nhưng ở Nhã Nam lúc nào cũng đông đúc, ồn ào, bận rộn quá, e ngồi viết không yên. Tôi lấy xe, đi thẳng về Bắc Giang, mượn một phòng vắng ở cơ quan Hội văn nghệ tỉnh, ngồi viết suốt đêm. Chẳng có tư liệu gì trong tay, tôi viết theo trí nhớ và lòng yêu mến của tôi đối với anh.
Bấy giờ Hà Bắc đã in tập I tiểu thuyết Núi rừng Yên Thế của Nguyên Hồng. Bản thảo tập II đang dở dang. Tôi viết rằng anh không phải người quê gốc Nhã Nam – Yên Thế. Anh vốn người Hải Phòng. Vậy mà hàng chục năm nay, anh bỏ Hà Nội, cũng không về Hải Phòng, mang cả gia đình vợ con lên định cư ở Nhã Nam – Yên Thế là để quyết cắm sâu vào mảnh đất lịch sử Hoàng Hoa Thám này mà viết quyển tiểu thuyết lớn của đời anh. Một nhà văn quyết sống và làm việc như thế, đẹp biết bao!…
Mờ sáng, viết xong, lại hộc tốc chạy lên Nhã Nam. Vừa kịp đọc điếu văn trong lễ tang.
Lễ tang anh Nguyên Hồng là lễ tang nhà quê, có cờ phướn đi trước, có phường bát âm ò í e, áo quan đặt trên chiêc xe tang thô sơ bốn bánh xe đạp, người kéo người đẩy, cả làng xóm và bạn bè rồng rắn kéo qua cánh đồng Tân Yên, ra an táng tại nghĩa trang chung của xã…
Một tuần sau, tại Hà Nội cũng tổ chức lễ tưởng niệm. Tôi đọc lại bài điếu văn hôm nọ. Không khí thương tiếc bùi ngùi.
Lúc ra về, Tô Hoài kéo tôi cùng đi, bảo:
– Điếu văn cậu viết được, nhưng có một điểm sai toét. Cậu bảo thằng cha Nguyên Hồng bỏ về cắm sâu đất Yên Thế là để viết Hoàng Hoa Thám. Nghe cảm động đấy, nhưng đếch phải. Nguyên do thế này kia…
Thì ra – chuyện này, chắc chắn Tô Hoài biết rõ hơn tôi nhiều – sau vụ đấu tranh Nhân Văn Giai Phẩm, cả Hội Nhà văn, nhất là báo Văn (tức là Văn nghệ bây giờ) lại bị kiểm điểm một trận ra trò, từ trên xuống dưới, chẳng thiếu mặt anh nào, gọi là vụ “Hậu Nhân Văn”. Anh nào cũng ít nhiều bị dính.
– Cậu có biết thằng nào nhận khuyết điểm nhanh nhất, thành khẩn, sâu sắc nhất không? Đố đấy!
Tôi chịu.
Tô Hoài cười:
Nguyễn Xuân Sanh!
Tôi phục Tô Hoài. Đúng quá! Tất cả các vị khác cọ quậy đôi chút, rồi cũng nhận hết, tất nhiên nhiều vị nhận qua quýt cho xong. Nhận rồi, phải đi thực tế, cải tạo tư tưởng. Đến như Nguyễn Tuân, Nguyễn Huy Tưởng, Văn Cao… cũng phải kéo lên làm lại tư tưởng mãi tận nông trường Mộc Châu. Chính nhờ cái đận ấy mà về sau Nguyễn Tuân viết được Sông Đà, Nguyễn Huy Tưởng thì có Mười năm
Riêng mỗi mình Nguyên Hồng, anh dứt khoát tuyên bố:
– Tớ đếch có sai lầm khuyết điểm gì hết! Không nhận gì hết!
Và anh vứt tất cả, quyết từ nay không dính dấp bất cứ nhiệm vụ chức tước gì với cái “Hội Nhà văn của các ông” nữa. Anh vứt sạch mọi thứ ở Hà Nội, cả tem phiếu bao cấp là thứ sinh tử ngày ấy, về Hải Phòng cũng chả thèm, kéo toàn bộ vợ con gia đình đang nheo nhóc lên rừng Nhã Nam – Yên Thế mà ở,… cho đến chết.
Ở Nhã Nam, xã Tân Yên, có một ngọn đồi, nguyên xưa là đồi hoang, toàn sim dại, lau sậy, gọi là Đồi Cháy hay Cầu Đen. Hồi chống Pháp, một bộ phận Văn nghệ Trung ương được đưa về đóng ở đấy. Phát hoang, làm nhà, sinh sống và viết. Có cụ Ngô Tất Tố, họa sĩ Tạ Thúc Bình, Kim Lân, Nguyên Hồng… Chính họ là những vị tiên hiền đầu tiên lập ra cái ấp này, sau dân mới dần dần kéo lên ở ngày càng đông, thành làng, gọi là ấp Cầu Đen hay ấp Đồi Cháy. Cụ Tố mất ở đấy, thời bắt đầu cải cách ruộng đất.
Hòa bình, các gia đình văn nghệ sĩ lần lượt trở về Hà Nội.
Nguyên Hồng, sau Nhân văn Giai phẩm tuyên bố “Tớ đếch sai lầm khuyết điểm gì hết!” và anh quyết trở lại cái ấp kháng chiến ngày xưa của anh. Xa xôi, hoang vắng, sống với dân quê, hoàn toàn trở thành một dân quê thực thụ, xa lánh hết mọi cuộc đấu tranh linh tinh, vô nghĩa trong cái gọi là làng văn. Nối anh với thế giới bên ngoài chỉ còn cái xe đạp cọc cạch, cọc cạch đạp từ Nhã Nam về Hà Nội, cọc cạch đạp từ Hải Phòng ra Quảng Ninh. Anh đi giúp anh em trẻ viết, bày vẽ, đọc của anh em mới tập tò vào nghề, chấm bài… và uống rượu với anh em.
Đêm tôi ngồi viết điếu văn trong văn phòng mượn tạm của Hội văn nghệ Hà Bắc, thấy có một cái xe đạp rất tàng dựng bên tường: chiếc xe nổi tiếng của Nguyên Hồng. Chuyến ấy anh gửi xe đạp tại Hội Hà Bắc, đi xe đò về Nhã Nam. Chắc anh đã cảm thấy trong người có gì hơi khác thường…
Nguyên Hồng là vậy.
N.N.
Chú thích:
1. Trụ sở tạp chí Văn nghệ quân đội ở Hà Nội.
2. Tôi viết Đất Quảng ngay trên chiến trường Quảng Đà (bắc Quảng Nam). Xong tập I, đến tập II, Giả là nguyên mẫu nhân vật chính (Thiệt) của tôi đi đầu hàng, tôi hoang mang, không sao viết được nữa.
3. Đường chúng ta đi là bài tùy bút từng nổi tiếng của tôi kêu gọi đánh Mỹ khi Mỹ đổ 20 vạn quân vào Miền Nam năm 1965. Giọng văn đầy hào sảng …
4. «Le signe de son importance, c’est que l’écrivain n’a rien à dire» (L’espace littéraire).
5. Angka: tức “Tổ chức”, dưới thời Pôn Pốt
Nguồn: https://www.facebook.com/notes/diễn-đàn-forum/hồi-ký-nguyên-ng%E1%BB%8Dc-hoà-bình-khó-nh%E1%BB%8Dc-1/2407791615925980/?__tn__=H-R


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét