Thứ Hai, 3 tháng 6, 2019

VIỆT NAM HAI LẦN ĐẢ TRÍ THỨC


Bài của bác Đỗ Cao Sang 
Giới trí thức Việt Nam có hai phen thất điên bát đảo.
Lần thứ nhất là vụ Nhân Văn Giai Phẩm.
Vụ này nhiều người nghe nói rồi. Tôi chỉ tóm tắt vài dòng cho cánh trẻ hiểu qua. Hồi những năm 50 của thế kỷ 20, có nhiều nhóm trí thức Việt Nam đòi tự do dân chủ cho văn hóa văn nghệ. Họ lên tiếng đòi tách văn nghệ ra khỏi sự lãnh đạo của Đảng. Tạp chí Nhân văn và tạp chí Giai Phẩm Mùa Thu là hai cơ quan ngôn luận của nhóm này nên mới có tên là vụ án Nhân Văn Giai Phẩm. Ngày đó báo chí vẫn được tự do, không phải theo chỉ đạo của chính quyền. Theo những người biết việc kể lại và sách sử viết, Tố Hữu kết hợp với Hoàng Văn Hoan đã ra sức bắt bớ và đánh đập phong trào này theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng.
Thực ra cây "đả cẩu bổng" mà hai người này sử dụng vốn do được trao bởi những người khác. Cao nhất là cố vấn TQ.
Trước tiên, hai tạp chí bị đình bản. Cụ Hồ ký sắc lệnh cấm tự do thành lập và in ấn báo chí năm 1958.
Tiếp theo là các hội nghị đấu tố để đánh nhóm Nhân văn. Đánh bằng bút thì có hội thảo ở ấp Thái Hà. Cánh Nguyễn Đình Thi, Hoài Thành ghi điểm cao ngất trước mặt Tố Hữu vì cả hai đã ra sức tố cáo nhóm nhân văn một cách dữ dội. Sau này cả hai đều được Tố Hữu tin dùng và nắm quyền cao chức trọng trong văn nghệ.
Trên giảng đường, Nguyễn Lân nhận lệnh đánh Trần Đức Thảo, Hoàng Tụy, Trương Tửu, Lê Văn Thiêm.
Hàng ngũ nhân văn tan rã và mất đoàn kết. Tô Hoài trốn vào viện nằm. Nguyễn Tuân viết kiểm thảo nhận mình là bạc nhược suy đồi, rằng Vang Bóng Một Thời là một tập sách độc hại, ủy mị và tiểu tư sản. Chế Lan Viên cũng thế, tự vả vào mặt mình và phê phán tập Điêu Tàn của mình một cách rất dã man.
Nguyên Hồng, Hữu Loan bỏ về quê thồ đá, làm ruộng và chăn vịt. Sống trong cơ hàn và ghẻ lạnh, bản thân họ và gia đình họ phải trả cái giá rất đắt đỏ.
Những người liên quan vụ án Nhân văn có đến vài ngàn. Tội lớn thì tù chung thân (Nguyễn Hữu Đang) tội nhỏ thì cách chức, viết kiểm điểm, đuổi về quê, treo bút. Quang Dũng đang là một công tử tài hoa phong độ, đậm chất giai Hà thành, đột nhiên phải về Ba Vì chăn bò. Ông Xuân Sách mới có thơ rằng:

Tây Tiến xa rồi Quang Dũng ơi
Về làm xiếc khỉ với đời thôi
Nhà đồi một nóc chênh vênh lắm
Thôi biết làm sao, hãy hỏi trời.
Mây đầu ô trắng, Ba Vì xanh
Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành.
Nhiều người bị truy bức dữ dội quá đã mắc chứng thần kinh phân liệt (Trần Dần, Nguyễn Hữu Đang). Văn Cao, Phùng Quán bị treo bút gần hơn hai thập kỷ.
Cuộc đánh văn nghệ sỹ thứ hai thì ít người biết hơn.
Đó là những năm 80, chiến tranh đã kết thúc nhưng lòng người tản tác vì đói rét và bí bách. Diễn biến của đợt đánh văn nghệ này có nhiều điểm khá thú vị.
Nhiều trí thức nhận ra, họ hy sinh cả tuổi thanh xuân để đi theo Đảng và cách mạng, cuối cùng cuộc sống chẳng cải thiện lên tẹo nào. Thậm chí còn đói hơn cả thời còn đánh nhau. Không khí chán nản và nghi ngờ bao trùm lên tất cả. Lối quản lý tập trung quan liêu bao cấp làm cho cả nước lâm vào nạn đói trầm trọng. Giáo sư Văn Như Cương đói quá, giống bao trí thức khác, ông phải ngăn căn hộ chung cư nhỏ bé của mình ra để nuôi lợn, tăng thu nhập. Quản lý đến hỏi, ông nói:
- Sự thật là giống lợn đang nuôi Văn Như Cương. Không phải Văn Như Cương nuôi lợn nhé.
Ban đầu, Văn nghệ sỹ đã thỏa sức vung bút dưới sự cổ vũ của Nguyễn Văn Linh, tổng bí thư. Ông Linh cho phép nghệ sỹ nói thẳng, nói thật tất cả mọi tâm sự. Nhiều người ban đầu rụt rè, sau đó họ nói hăng quá đến nỗi chập điện, cháy cả hai cái micro. Dương Thu Hương vừa nói vừa khóc. Nguyễn Đăng Mạnh bảo: Trí thức Việt bị giam hãm lâu quá. Nay muốn nói thẳng thì cũng phải từ từ. Như con chim trong lồng lâu ngày quên cả mình biết bay. Muốn bay trở lại cũng phải có thời gian.
Nhưng cũng chẳng mất nhiều thời gian để học cách hưởng thụ tự do như ông Mạnh nghĩ.
Phạm Tiến Duật nổ phát súng đầu bằng bài Màu Trắng Khăn Tang. Đại ý nói về sự đau thương và vô nghĩa của chiến tranh Nam Bắc mà người ta quen mồm gọi là kháng chiến chống Mỹ.
Báo Văn Nghệ, Nguyên Ngọc cho đăng truyện ngắn Cái Đêm Hôm Ấy Đêm Gì của Phùng Gia Lộc kể về chính quyền Thanh Hóa đưa người về thu thuế của dân. Đó là một câu chuyện có thật. Sự độc ác và tàn nhẫn của cán bộ cộng sản Thanh Hóa được mô tả rõ đến nỗi ai đọc cũng chảy nước mắt. Nguyên Ngọc bảo anh em: Cho đăng ngay đi. Tội đâu tôi chịu. Phùng Gia Lộc sau đó bị cán bộ Thanh Hóa truy sát rất gắt gao.
Trần Văn Thủy, đạo diễn phim tài liệu, nhà văn có tâm hồn và bản lĩnh lớn, đã được Nguyễn Văn Linh minh oan. Trước đó, hai cuốn phim Hà Nội trong mắt ai và Chuyện tử tế của ông đã bị cho là bôi nhọ chế độ. Trần Văn Thủy có nguy cơ xộ khám. Nhờ có ông Đồng và ông Linh, hai phim đó được công diễn. Nhiều nước thấy hay nên mua bản quyền. Bộ văn hóa thông tin của ta thu về hơn 60 triệu USD, trong khi tác giả của nó vẫn bị theo dõi và nghi ngờ là phản động.
Hoàng Cầm viết tập thơ VỀ KINH BẮC trong đó nổi tiếng với bộ ba CÂY, LÁ, QUẢ. Đó là cây tam cúc, quả vườn ổi, và lá diêu bông. Hàm ý trách Đảng nói dối. Hứa hẹn đủ thứ mà chẳng làm được điều gì.
Nhưng chính Nguyễn Văn Linh sau đó đã giật mình. Ông nhận ra cởi trói văn nghệ có thể gây nên sự suy sụp của chế độ. Ông quan sát hệ thống XHCN ở Đông Âu đang vỡ dần từng ngày, thậm chí từng giờ từng phút. Ông Linh hoảng quá, quay ra chỉnh đốn lại văn nghệ sỹ.
Trước hết, bắt Phạm Tiến Duật. Cái tin ấy thật kinh hoàng. Vì ai cũng nghĩ việc thay thế Nguyễn Đình thi của Phạm Tiến Duật chỉ còn là vấn đề thời gian. Nên nhớ, Phạm Tiến Duật khéo ăn nói nên khi ấy đã nổi như cồn. Nhà thơ quân nhân ấy đã đạt nhiều giải cao với Lá Đỏ, Tiểu Đội Xe Không Kính. Nếu không có sự kiện viết bài Màu Trắng Khăn Tang thì tương lai của ông hẳn lên như diều. Rất có thể còn lên đến ủy viên trung ương, kế chân Tố Hữu.
Tiếp theo, Văn Cao bị tóm lần hai vì viết bài Mùa Xuân Đầu Tiên trong đó có nói câu “từ đây người biết quê người, từ nay người biết yêu người.” Vậy là chỉ một đời người nghệ sỹ đã vấp phải hai lần bị đánh đấm hội đồng. Tường cao rút ngược dây oan, dẫu là đá cũng nát gan lọ người! Văn Cao đang viết bản kiểm điểm thì bên ngoài, người ta hát bài Tiến Quân Ca của ông để chào cờ. Thật là trò chơi đắng lòng chỉ có ở Việt Nam.
Văn Cao tâm sự: Khổ quá. Nhà thiếu ăn. Vợ bụng bầu sắp đẻ. Mình thì cứ viêm phổi. Ho mãi. Nhưng bên trong thôi thúc phải viết. Phải viết cái gì đó. Nhiều đêm chơi đàn khuya. Con quấy khóc. Vợ kêu réo ầm ầm. Mình thật không biết làm sao.
Trung Tướng Trần Độ bị liệt vào hàng ngũ phản cách mạng. Trước đó chính ông là người bắc cầu cho NVL đối thoại với anh chị em nghệ sỹ.
Hoàng Cầm lại bị tóm lần thứ hai. Khi viết kiểm điểm, Hoàng Cầm thú nhận Lá Diêu Bông là bài thơ phản động. Người chị ở trong đó chính là ám chỉ Đảng. Người em chính là giới văn nghệ sỹ. Đảng hứa rằng đứa nào tìm được lá diêu bông thì sẽ được yêu chị. Đứa em ngốc nghếch đi tìm hoài mà không hiểu rằng trên đời làm đếch gì có lá diêu bông.
Vấn đề trở nên căng thẳng hơn khi người ta phát hiện ra tập bản thảo thơ VỀ KINH BẮC ấy được Văn Cao và Bùi Xuân Phái vẽ tranh minh họa. Mà cả ông Phái và ông Văn Cao thì đều đã bị nằm trong tầm ngắm của an ninh, mật vụ.
Tình hình càng nghiêm trọng và khó thở thêm cho Hoàng Cầm khi tập bản thảo đó được đưa sang Pháp qua đường đại sứ quán. Đến tay nhạc sỹ Phạm Duy, ông ta cho phổ thành nhạc bài Lá Diêu Bông. Người hiện đang giữ bộ bản thảo đó lại là đệ tử của sư thầy Làng Mai - Thích Nhất Hạnh. Cả Thích Nhất Hạnh, Phạm Duy lúc đó đều bị chính quyền Việt Nam liệt vào diện phản động lưu vong cực kỳ nguy hiểm.
Đúng là chuyện khôi hài đầy nước mắt, Văn Cao và Hoàng Cầm bị đánh hai lần trong hai đợt chỉnh huấn. Có lẽ trên thế giới cũng hiếm ai trúng liên tiếp hai đòn chí mạng trong một đời cầm bút như hai ông này.
Sau hai đợt đả trí thức này, người cầm bút Việt Nam trở nên yếu đuối và sợ hãi. Họ né tránh sự thật, bàn chuyện bóng đá, bóng bàn, ngậm vinh phong hoa tuyết nguyệt giải khuây. Nhân dân đau khổ bao quanh nhưng họ chẳng nhìn thấy. Thơ xuôi tay như nước chảy xuôi dòng. Giáo dục Việt Nam theo đó, cũng tổn thất nặng nề.
(còn nữa)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét