Thứ Hai, 3 tháng 6, 2019

ÐƠN KHIẾU OAN của bà quả phụ tướng ÐẶNG KIM GIANG.


Phan Trí Đỉnh

Ảnh Bộ chỉ huy kiêm Đảng ủy mặt trận Điện Biên Phủ họp tại sở chỉ huy Mường Phăng. 
Từ trái sang phải: Chủ nhiệm Cung cấp Đặng Kim Giang, Chủ nhiệm Chính trị Lê Liêm, Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái, Tư lệnh kiêm Bí thư Võ Nguyên Giáp.
Để các bạn có cái nhìn đầy đủ về cụ bà Nguyễn Thị Mỹ - quả phụ của tướng Đặng Kim Giang và sự việc Tướng Giang người mà trong tổng kết chiến dịch ĐBP đã đánh giá là người có công đầu cho chiến thắng bị nhóm Lê Đức Thọ bức hại, tôi đăng lá thư đề ngày 2.3.1995, gửi " các ông Tổng bí thư Ðảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội nước CHXHCNVN, Thủ tướng Chính phủ, Cố vấn Ban chấp hành Trung ương Ðảng, Viện trưởng Viện kiểm sát tối cao, Chánh án Toà án tối cao và Hội luật gia Việt Nam ". Tác giả của nó là bà Nguyễn Thị Mỹ, quả phụ của thiếu tướng Ðặng Kim Giang, một trong những nạn nhân chủ chốt của vụ đàn áp chính trị bắt đầu từ năm 1967, đến nay vẫn chưa được đưa ra ánh sáng.
Sau các đơn khiếu nại của ông Hoàng Minh Chính, của bà Phạm Thị Tề (quả phụ Vũ Ðình Huỳnh), và yêu cầu giải oan của ông Nguyễn Trung Thành, người đã tham gia vụ đàn áp (xem DÐ số trước), lá thư của bà Nguyễn Thị Mỹ đặt các nhà lãnh đạo ÐCS và các cơ quan lãnh đạo Nhà nước trước trách nhiệm không thể trốn tránh và không thể trì hoãn : công khai hoá, xác định rõ trách nhiệm của các cá nhân liên quan, khôi phục danh dự và bồi thường tinh thần và vật chất cho tất cả các nạn nhân và thân nhân của họ. Lẽ công bằng đòi hỏi như vậy, mà lợi ích của nhà cầm quyền cũng thế, nếu thật sự họ muốn từng bước khôi phục lại uy tín của Ðảng cộng sản và xây dựng Nhà nước pháp quyền.

Chân dung Tướng Đặng Kim Giang, sinh thời, Chủ nhiệm hậu cần chiến dịch Điện Biên Phủ rất ít kể về mình, dù ước nguyện cuối cùng của ông trước khi nhắm mắt là được đeo trên ngực tấm “Huy hiệu Chiến sỹ Điện Biên”.
Thành kính thặp nén hương dâng hai cụ. Cho phép anh là K3 Trỗi làm việc này 2 em Ðặng Kim Sơn K4 và Ðặng Kim Thành K5 nhé.
'' Thưa các ông,
Tôi là Nguyễn Thị Mỹ, 77 tuổi, giáo viên nghỉ hưu, tại phòng 20, nhà C2 Khu tập thể Nghĩa Tân, Từ Liêm, Hà Nội xin khiếu oan với các ông việc sau đây :
Nếu ngày nay còn cái " trống kêu oan " (*) của xưa kia thì tôi cũng xin đội đơn này đến gióng ba hồi trống như bà Bùi Hữu Nghĩa (*) để " kêu oan " cho chồng tôi.Oan khuất này tồn tại đã gần 30 năm nay nhưng vẫn chưa được ai khui ra và giải oan cho gia đình tôi cùng với nhiều gia đình khác.

Tôi suy nghĩ rất nhiều, rất lung đã nên cầm bút nữa để tiếp tục kêu oan chưa vì từ trước đến nay đã bao giấy mực, bao nước mắt, bao chặng đường để lại, bao tủi nhục hứng chịu mà chỉ chuốc thêm tai vạ cho mình và cho gia đình, chẳng giải quyết được vấn đề gì.
Nhưng đúng ngày hôm nay tôi vừa tròn 77 tuổi, cái tuổi chỉ còn tính ngày tính tháng, cái tuổi nếu có của để lại thì phải viết di chúc. Tôi không có của để lại cho con cháu nhưng tôi có " nỗi oan " của chồng cần phải được giải quyết trước khi nhắm mắt.Vì vậy tôi viết bức thư này.
Tôi nghĩ rằng đây là vấn đề lớn nhất từ trước đến nay xảy ra trong đảng ta mà chưa được làm sáng tỏ.
Thưa các ông, câu chuyện như sau :
1. Nỗi chồng
Năm 1967, đêm 18.10, lúc 21 giờ, chồng tôi là Ðặng Kim Giang, hoạt động cách mạng từ năm 1928, cấp thiếu tướng, thứ trưởng Bộ Nông trường, bí thư đảng đoàn bộ, lúc đó đang nghỉ ốm tại xã Việt Ðoàn, huyện Tiên Sơn, Hà Bắc, đã bị công an vũ trang cùng ba chiếp xe jeep ập vào còng tay đưa đi giữa khi nằm ôm đứa con gái út 5 tuổi ngủ. Sau đó họ khám nhà tôi 3 tiếng đồng hồ, đem đi các tài liệu về Ðiện Biên Phủ, các ảnh chụp với các lãnh tụ, 1 đài bán dẫn do chuyên gia Liên Xô tặng và 1 súng lục (không có đạn) do tướng Makonovski tặng khi chồng tôi đi với phái đoàn quân sự Việt Nam sang thăm Liên Xô năm 1960.
Sau đó tôi được biết là họ buộc cho anh ấy tội " chống đảng, liên hệ với xét lại Liên Xô và âm mưu lật đổ chính phủ ".
Họ bắt giam chồng tôi vào xà lim 2 tháng tại Hoả lò Hà Nội, cùm chân tay, không có đèn đóm. Sau đó họ đưa lên giam ở Bất Bạt rồi Tân Lập (Yên Bái).
Từ tháng 10.1967 đến 26.10.1973 (sau Hiệp định Paris), trong sáu năm trời họ đưa từ nhà lao này sang nhà lao khác, giam một mình trong một căn nhà trên đỉnh đồi vắng vẻ, canh gác cẩn mật, giữa lùm cây có rào vây kín, không tiếp xúc với sinh vật nào ngoài một anh công an tới bữa đem cạp lồng cơm ngoắc vào cửa. Tù nhân tự lấy vào ăn. Ăn xong lại ngoắc cạp lồng vào cửa. Suốt ngày đêm trong sáu năm trời không chuyện trò trao đổi với một người nào. Ðã có lúc buồn quá chồng tôi ngồi nói chuyện với đàn kiến hoặc nói chuyện một mình.
Trong suốt thời gian đó không hề thiết lập toà án để xét xử, điều mà chồng tôi và gia đình trước sau tha thiết đề nghị. Chồng tôi đề nghị được đem ra xét xử công khai hoặc bí mật nhưng phải có phiên toà cho bị cáo được quyền tự bảo vệ -- có hỏi cung, có luận án, có văn bản về tội, đúng pháp luật và Hiến pháp. Hoặc nếu xét xử nội bộ thì cũng phải đúng Ðiều lệ đảng. Nhưng không hề có một buổi xét xử nào như vậy. Chỉ có gặp ông Lê Ðức Thọ, Trần Quốc Hoàn, Song Hào một lần. Các ông ấy trấn áp, chồng tôi cãi lại thì bị trù, không hề có văn bản gì cả. Cứ như thế giam cầm, cấm cố suốt 6 năm trời. Có một lần chồng tôi ốm nặng (huyết áp cao, suy tim) phải đưa ra bệnh viện Sơn Tây, cũng bị bắt nằm riêng một khu vực, có công an kèm ; đổi tên thành Ðặng Văn Nông, không được tiếp xúc với bệnh nhân khác. Bác sĩ chữa bệnh cũng không được biết đang chữa bệnh cho ai.
Chồng tôi già và ốm. Suốt 6 năm bị giam cầm, mùa đông không có nước nóng tắm, cứ phải hàng tháng mới tắm một lần, ghẻ lở rất khổ sở. Ði tiêu thì đào hố quanh chỗ ở mà chôn phân. Rửa ráy thì có giếng đất trước nhà. May mà không rơi xuống đó (Nếu có rơi cũng chẳng ai biết mà vớt lên). Ốm đau thật là khốn khổ, nhất là ban đêm, mưa gió. Theo tôi biết, theo luật quốc tế thì lối giam cầm như thế là tối dã man.
Trong suốt 6 năm trời đó, mỗi năm tôi được đi thăm hai lần (vào dịp Tết ta và Quốc khánh). Phải xin phép trước rất lâu. Mỗi lần thăm 20 phút.Quà bánh mang vào bị lục soát kỹ (có lần tôi mang mấy quả bưởi của chính tay chồng tôi trồng nhưng công an không cho đưa vào). Khi nói chuyện có công an giám sát.
Sau thì cho thăm đêm. Khi đến phải đợi mặt trời lặn hẳn, khi ra về trời còn sao, không được để ai trông thấy mình, không được nói mình đi thăm ai. Suốt 6 năm trời lẽ o đẽ o lội suối băng ngàn thăm chồng tù tội, nước mắt hoà với nước mưa.
Có cái gì ám muội trong vụ bắt bớ giam cầm này mà phải xử sự như vậy ?
Ôi những năm tháng ấy tôi làm sao quên được ?
Lúc đi thăm chồng ở Hoả lò, nơi đế quốc Pháp đã giam cầm chồng tôi khi anh ấy chống lại chúng. Nay anh ấy lại bị chính đồng chí mình -- chỉ vì bất đồng quan điểm -- giam cầm ở chính chỗ năm xưa. Lịch sử lặp lại một cách tàn nhẫn như vậy ! Biết bao chiều tà, mặt trời đã tắt, một mình tôi ngồi đợi trong túp lều tranh vắng vẻ đến rùng rợn ở bìa rừng dưới một gốc đa um tùm có treo một cái kẻng. Tôi cầm dùi gõ ba tiếng và lắng nghe âm thanh vang động khủng khiếp khắp núi đồi lúc hoàng hôn... Tôi phải chờ cho đến lúc bóng tối bao phủ khắp núi rừng mới có người ra đưa vào thăm ông già tù tội tội nghiệp là chồng tôi. Tôi làm sao quên được những lần lặn lội trong mưa rét, trong đêm tối trên đường độc đạo từ bến đò Ấm Thượng (Ðò Lao) đến Lao 3 trong rừng, nơi giam cầm chồng tôi. Hai bên đường rừng nứa hun hút, mưa đêm xối xả, đường rừng vắng, vừa lầy lội vừa trơn như mỡ, một mình tôi thân cò lặn lội gánh các thứ đi thăm chồng. Có một bận đến bên một con suối nước lũ rất to chỉ có một thanh gỗ bắc ngang vừa hẹp vừa dài. Lúc đó đã nhá nhem tối, trời tháng chạp, mưa tuôn như trút. Tôi ngã chết ngất bên đường. Khi tỉnh d~ậy tự nhủ : « Ta phải dậy mà đi. Không được nằm đây.Ta chết, ai nuôi lũ con ta ? ». Vậy là lại đủ sức đứng dậy nhưng xe đạp đầy bùn không đẩy đi được, lại thồ nặng (6 bị thức ăn tiếp tế cho chồng). Làm sao qua được suối ? Thế là đành ngồi khóc bên đường. May sao có một người đàn ông Mán đi đào sắn về đã giúp tôi qua chiếc cầu khỉ sang bờ bên kia để tiếp tục đi tới 10 giờ đêm mới tới nơi chồng bị giam giữ.
Những nỗi cực nhục ấy, ai thấu cho chúng tôi, những người vợ của những nạn nhân trong " vụ án xét lại " này ?
Sau Hiệp định Paris, chồng tôi được tha về nhưng vẫn phải cấm cố thêm 7 năm nữa (quản thúc t~ại xã Việt Ðoàn, Tiên Sơn, Hà Bắc). Khi về cũng chỉ được nghe nói miệng cho biết là bị cách hết chức vụ, khai trừ ra khỏi đảng, tước hết quyền công dân. Hàng tháng phải đến trình diện tại công an huyện, không được ra khỏi xã, không được tự do đi lại, không được bầu cử. Mỗi tháng trợ cấp " nhân đạo " cho một số tiền tối thiểu, tháng có tháng không. Ốm đau không tiêu chuẩn thuốc men gì cả. Có một lần chồng tôi bị huyết áp cao, ngất xỉu, tôi dìu chồng tôi ra chân dốc làng Long Khám xin nhờ xe Bộ Y tế về Hà Nội cấp cứu nhưng cán bộ Bộ Y tế sơ tán sợ liên luỵ, không dám. Tôi phải nhờ người đèo xe đạp 4 km ra ga Lim đưa lên xe khách vào cấp cứu ở bệnh viện Việt-Xô. Qua một đêm ở phòng cấp cứu, sớm hôm sau bị đuổi ra (theo lệnh của ông Lê Ðức Thọ) vì không có " tiêu chuẩn " mặc dù huyết áp còn cao, người lảo đảo đi không vững !
Còn địa phương, được lệnh của " trên " đã cho họp toàn thể đảng viên trong huyện thông báo : " Ðặng Kim Giang là phần tử chống đảng, không ai được tiếp xúc với gia đình phần tử xét lại nguy hiểm này " !!!
Từ đó, từ một gia đình có công với cách mạng, có uy tín với địa phương, nơi chồng tôi hoạt động thời bí mật, gia đình tôi sống trơ trọi như giữa một hoang đảo trước sự né tránh của mọi người.
Tôi đã có đến ông Lê Ðức Thọ và ông Trần Quốc Hoàn. Ông Trần Quốc Hoàn tránh không tiếp. Tôi nói với ông Lê Ðức Thọ : « Anh Giang phạm tội gì mà các anh còng tay còng chân mang đi ? Sao đối xử với nhau tệ thế ? Có phải gián điệp của đế quốc không ? Nếu phải, đem xử bắn. Mẹ con tôi tán thành ». Ông Thọ nói : " Không phải, đây là cuộc đấu tranh nội bộ, không đem ra xử công khai được. Chị cứ yên tâm. Chúng tôi không bỏ tù nhau đâu. Thuyết phục nó không được, phải dùng biện pháp hành chính. Khi nào nó nghe ra sẽ về thôi. Cửa nhà tôi lúc nào cũng rộng mở.Chị có khó khăn gì cứ đến ».
Thật ra cánh cửa đó đã vĩnh viễn sập lại sau lưng tôi kể từ ngày đó.
Chiến tranh kết thúc đã lâu. Mọi người đã trở về Hà Nội. Năm 1980, chúng tôi cũng trở về Hà Nội (nhà cũ 29 Cao Bá Quát đã bị quân đội lấy mất). Chúng tôi phải vay mượn mua tạm một túp nhà tranh vách đất rách nát 14 mét vuông ở 30 ngõ Chùa Liên Phái (một xóm nghèo nhất Hà Nội, những người ở đó phần lớn không có hộ khẩu, là những người bán thuốc chuột và trẻ con móc túi trên tàu điện). Mười người, vợ chồng, con cái, cháu nội, cháu ngoại sống chen chúc hơn 10 năm trời trong ngôi nhà đổ nát đó.
Gần Ðại hội 5, chồng tôi đang bị nhồi máu cơ tim, viết một lá đơn khiếu oan, trình bày khúc chiết vấn đề này, đề nghị Ðại hội cử một tiểu ban kiểm tra lại và có kết luận rõ ràng vì đây là một vụ án lớn nhất từ trước đến nay có liên quan đến nhiều người : có uỷ viên Bộ chính trị, có uỷ viên Trung ương, có bộ thứ trưởng, có tướng tá và cán bộ cao cấp...
Lá đơn đó được gửi đến cho các uỷ viên Trung ương Ðảng, cho Ðại hội 5, cho Ban bí thư, cho Tổng bí thư v.v...
Sau đó, tháng 9.1982, chồng tôi lại bị bắt trở lại, " vì tôi tán phát đơn khiếu nại làm mất uy tín của đảng ".
Lần này chồng tôi bị đưa đi giam cầm tại Nam Ðịnh 8 tháng.
Hôm bị bắt cũng bất ngờ. Công an đến mời lên gặp ban lãnh đạo Sở công an Hà Nội rồi đưa lên xe mang đi luôn, giam giữ bí mật ở Nam Ðịnh. Nhà cửa lại bị lục soát. Lần này các huân chương, huy chương (đến cả huy hiệu Ðiện Biên Phủ), quân hàm đều bị tịch thu. Lấy luôn cả máy chữ Olympia con trai tôi vừa mua ở Sài Gòn mang ra để làm việc.
Suốt 8 tháng ấy, anh Ðặng Kim Giang bị ốm nặng (đã từng nhồi máu cơ tim) nên thường phải nằm riêng một mình ở bệnh viện công an Nam Ðịnh. Suốt thời gian đó không có một cuộc hỏi cung, xét xử gì cả... Mỗi tháng tôi được đi thăm một lần, tàu xe rất cơ cực. Cũng như lần trước, quà cáp bị khám xét. Ngồi nói chuy~ện khoảng một giờ đều có công an giám sát. Có đêm lỡ tàu xe, tôi phải ngồi thâu đêm rét mướt ở bến xe đợi sáng.
Sau vì chồng tôi yếu quá và vì tôi viết đơn cho ông Phạm Hùng nói " anh Giang sắp chết rồi vì bị nhồi máu cơ tim nặng (tuổi đã 73), nếu các anh không thả anh ấy ra, anh ấy mà chết trong tù thì sau các anh sẽ mang tiếng là giam cầm nhau cho đến chết, không khác gì bọn Mao ở Trung Quốc ", nên sau 8 tháng giam (không xét xử) họ đưa chồng tôi trả về cho tôi. Cũng như lần trước, không có bản án !
Hôm trả về, chồng tôi nằm suốt trên xe thế nhưng họ vẫn chưa cho về nhà mà còn bắt phải đến đồn công an Cầu Dền để nghe đọc các điều kiện quản chế và ký vào bản cam kết.Nhưng chồng tôi mệt quá, tôi phải ký thay vào các bản đó.
Lại quản thúc không thời hạn. Hàng tháng phải ra trình diện với đồn công an Cầu Dền. Sau hai tháng, phải ra báo cáo trước nhân dân xem " đã cải tạo tốt " chưa. Nhưng từ ngày trở về chồng tôi ốm liệt giường nên cũng không có sức mà lết ra báo cáo được lần nào cả.
Trước khi bị bắt còn tráng kiện, khi trả về là một ông lão tàn phế, đờ đẫn, suy sụp hoàn toàn.
Phần vì nhiều năm tù tội quá -- cả cuộc đời 73 tuổi mà 12 năm tù đế quốc, 7 năm tù ta, kể cả cấm cố và quản thúc tất cả 3 lần tù là 25 năm -- phần vì bị chà đạp nhiều, phần vì cuối đời sống trong túng thiếu, cực khổ, thuốc men không có, bị truy bức hành hạ liên tục nên sau một đêm mưa gió, bị dột ướt người cảm lạnh rồi nhồi máu cơ tim, anh Ðặng Kim Giang đã chết. Chết chính trong túp nhà lá dột nát đổ nước vào người anh đó !
Từ khi được thả về, ốm liệt nhưng không có tiêu chuẩn điều trị, thuốc men, ăn uống thiếu thốn, tiền nong chẳng có, nếu như được chữa chạy chắc chắn anh Ðặng Kim Giang chưa chết. Lúc hấp hối vẫn có 2 công an ngồi kèm. Tôi phải bảo họ ra ngoài anh mới nhắm được mắt.
Ngày 16.5.1983, tôi có đánh 3 bức điện : một cho ông Lê Ðức Thọ (Ban tổ chức trung ương), một cho ông Nguyễn Ngọc Trìu (Bộ Nông nghiệp), một cho ông Chu Huy Mân (quân đội) báo tin chồng tôi chết. Nhưng không có ai đả động gì. Không một nén hương, không một bông hoa, không một đồng xu cho đồng chí xấu số !!! Tôi đã bán quần áo và quyên góp trong số bạn bè tù cũ Sơn La để chôn cất.
Bao nhiêu công lao đóng góp cho dân cho nước mà khi chết đi, xác được liệm trong một cỗ quan tài ghép 11 mảnh. Con tôi phải giã gạch và cơm nếp để bít những khe hở. Chôn anh ở nghĩa trang Văn Ðiển một ngày mưa, hố đầy nước, nhầy nhụa những mảnh quần áo của người vừa được cải táng sót lại !!!
Một tuần sau, Ban tổ chức Trung ương cho người cầm đến 80 đồng đưa cho tôi nhưng tôi không lấy vì việc chôn cất Ðặng Kim Giang đã xong rồi.
Về việc anh Giang. Vụ án Ðặng Kim Giang là một vụ vu khống, bé xé ra to, lấy danh nghĩa đảng để trù úm người dám có ý kiến không đồng tình với mình, truy chụp, bóp nghẹt dân chủ.
Thực chất đây là một vụ bất đồng quan điểm.
Tôi được biết ở Bộ Nông trường trước đó, các đề nghị xây dựng của anh Ðặng Kim Giang như : khuyến khích vật chất, chia ruộng phần trăm cho nông dân, hợp tác với các nước trong khối SEV, đầu tư liên doanh cho các nông trường (những việc hiện nay đã làm) đều bị coi là " chủ trương xét lại ", những ai ủng hộ đều bị hành hạ, loại bỏ.
Từ bắt bớ đến giam cầm, thả ra và đối xử đều tuỳ tiện, bất chấp điều lệ đảng, pháp luật và hiến pháp. Suốt 16 năm : 2 lần bắt giam, đưa hết nhà giam này đến nhà giam khác, quản thúc, cấm cố, chịu đựng đủ loại hình phạt : khai trừ, cách chức, khám nhà, tịch thu đồ đạc, giam cầm, truy bức, phân biệt đối xử với gia đình, không hề theo một một thể chế nào, đạo luật nào. Không có một văn bản chính thức nào về tất cả vấn đề trên được công bố. Không được xét xử, không được bào chữa, không được chống án, không được khiếu nại. Nơi giam giữ phải giữ bí mật, tên họ phải thay đổi.
Tại sao lại như vậy ? Có cái gì ám muội ?Có cái gì uẩn khúc trong vụ án này ?
Ðã nhiều lần anh Giang đã làm đơn gửi các cơ quan của Ðảng -- có lần trực tiếp tố cáo tại trụ sở Ban tổ chức Trung ương Ðảng, tại Bộ công an -- về những sai lầm, khuyết điểm của các cán bộ có chức quyền trong đảng và những hành đông phạm pháp, sai điều lệ của họ nhằm bưng bít sự thật, trả thù người dám đấu tranh (các tài liệu này chắc chắn còn được lưu trữ).
Oan khuất đã nhiều, anh Ðặng Kim Giang, người dám đấu tranh dũng cảm cho chân lý, đã bị đối xử tàn tệ cho đến lúc chết.
Tôi đề nghị các ông cho mở một cuộc điều tra nghiên cứu về vụ án này và kết luận công khai, rõ ràng ai có công, ai có tội, tội gì -- cũng như khi bắt giam đã phổ biến đến từng chi bộ, làm mất thanh danh, thì nay hãy minh oan cho các anh ấy đến từng chi bộ.
Hãy trả lại thanh danh cho những con người dám đấu tranh cho lẽ phải, nhất là những người đã khuất. Hãy trả lại thanh danh và sự đối xử công bằng với con cháu họ.
Tại sao lại xoá sạch công lao của họ ? Trong lịch sử đấu tranh của xã Minh Tân, của huyện Kiến Xương, của tỉnh Thái Bình, của xã Trung Màu, của Hà Bắc, của tỉnh Hà Ðông, tại sao lại xoá sạch công lao của Ðặng Kim Giang.
Tại sao trong chiến thắng vinh quang của Ðiện Biên Phủ lại xoá sạch công lao của người đã từng lo từng hạt cơm viên đạn để làm nên chiến thắng rung chuyển hoàn cầu đó ? Ai cho phép người ta bóp méo lịch sử, cướp công của những người đã từng đổ mồ hôi và xương máu để xây dựng đất nước này, chính quyền này, chế độ này, lịch sử này ?
Tôi đề nghị thành lập một tiểu ban điều tra xem xét lại toàn bộ vụ án này và có kết luận cụ thể, rõ ràng, minh bạch, công khai, xác định rõ công tội và có cách đối xử thoả đáng đối với những người còn sống cũng như những người đã chết cùng vợ con họ.
2. Nỗi con
Chúng tôi có 7 con. Sau khi cha bị buộc tội thì mỗi đứa con một thảm kịch. Ðây là một cuộc " tru di tam tộc ". Tôi xin dẫn chứng một số trường hợp cụ thể :
1) Cháu Ðặng Kim Phương, tốt nghiệp phổ thông, xung phong vào bộ đội 3 năm, công tác tại quân y, tận tuỵ lao động chân tay trong bệnh viện dã chiến, liên tục là chiến sĩ thi đua, là cảm tình đảng nhưng không được kết nạp, không được vào đại học (hồi đó không phải thi) vì " lý lịch xấu ".
2) Ðặng Kim Thư, tốt nghiệp đại học cơ khí chính xác tại Kiev (Liên Xô) vào loại giỏi.Về nước được ông Lê Tâm giám đốc xin vào Viện đo lường nhưng " trên " không cho và bắt lên gánh vôi vữa hai năm ở Nhà máy y cụ 2 (Gò Ðầm, Thái Nguyên) trong khi Viện đo lường Hà Nội rất cần kỹ sư cơ khí chính xác.
3) Ðặng Kim Sơn, thi khối C vào Trường ngoại ngữ được 13,5 điểm (trường lấy 12,5 điểm). Thừa điểm nhưng không được gọi vì " lý lịch xấu ". Tôi xin anh Ðinh Ðức Thiện cho cháu làm công nhân nhưng anh Thiện không nhận. Cháu phải ở nhà một năm.Sau tôi viết đơn khiếu nại gửi anh Lê Văn Lương (lúc đó là bí thư Thành uỷ Hà Nội) và anh Tạ Quang Bửu (lúc đó là bộ trưởng Bộ đại học), cháu được gọi đi học, nhưng lại vào Ðại học nông nghiệp (trái với khả năng của cháu). Hôm cắt hộ khẩu cho cháu đi học, Khu đội Ba Ðình bảo tôi cháu đến tuổi phải đi nghĩa vụ quân sự. Tôi nói : chồng tôi là bộ đội, tôi cũng là bộ đội, tôi sẵn sàng cho cháu đi nghĩa vụ quân sự và xin giao nó cho các anh kể từ giờ phút này. Nhưng họ lại không nhận.Con tôi chảy nước mắt bảo tôi : " Mẹ ơi, con cắn tay lấy máu viết đơn tình nguyện nhé ? ". Nhưng tôi nghĩ người ta không tin mình nên không cho đi và đã khuyên con thôi, cứ đi học.
4) Ðặng Kim Thành, học giỏi, thi khối A đỗ 23,5 điểm. Ðáng lẽ được đi nước ngoài nhưng là con Ðặng Kim Giang nên không được đi. Trong đơn xin vào Bách khoa (năm đó lấy 15,5 điểm) và tuy cháu thừa điểm nhưng không được vào mà phải vào Ðại học xây dựng.
Ông Thành (vụ trưởng Bảo vệ Ðảng) thông báo cho tôi chỉ thị của ông Lê Ðức Thọ : các con tôi không được vào các trường Bách khoa, Tổng hợp, Sư phạm, Y, Dược, Pháp lý... ; không được kết nạp Ðảng, không được đi nước ngoài, không được đề bạt lên cương vị lãnh đạo.
Chúng nó luôn luôn bị phân biệt đối xử ở trường cũng như khi ở cơ quan.
Tôi nhớ năm 1969, trường Nguyễn Văn Trỗi sơ tán sang Trung Quốc trở về nước và giải tán. Có chỉ thị của trên : các cháu từ trường Nguyễn Văn Trỗi về địa phương nào thì trường phổ thông ở đó có trách nhiệm đón tiếp các cháu. Vậy mà hai thằng con trai tôi, Ðặng Kim Sơn và Ðặng Kim Thành, lớp 8 và lớp 9, khi trở về xin vào trường cấp 3 Tiên Du đã bị Ty giáo dục Hà Bắc từ chối. Sau tôi phải về Hà Nội giữa lúc máy bay Mỹ đang oanh tạc dữ dội đường số 1 để đến Bộ giáo dục, xin cho hai con tôi được vào trường cấp 3 Tiên Du.
Ðã hết đâu : Còn bị bắt bớ và hăm doạ nữa !
Năm 1982, sau khi chồng tôi bị bắt trở lại, phòng Công an Tiên Du đến nhà máy quy chế Từ Sơn bắt con gái tôi là Ðặng Kim Thư và chồng nó là Phạm Viết Sỹ (đều là kỹ sư) giam một tuần ở phòng Công an huyện Tiên Sơn, bức chúng phải viết đơn tố cáo bố. Tôi đã phải làm đơn lên Bộ Công an, Hội luật gia Việt Nam, Quốc hội để họ thả con tôi ra.
Ôi ! Nghĩ mà cơ cực những năm đen tối ấy.Nỗi oan chỉ một kêu trời nhưng xa !
Và từ ấy đến nay đã gần 30 năm. Thời gian cứ trôi đi. Bao nhiêu nhiệt tình, tài năng của con cái tôi cũng mai một đi. Vì phấn đấu làm sao một khi dấu ấn đã in trên trán ? Chưa ai gột rửa đi cho, cứu giúp lũ con tôi cho chúng nó được sống, được làm người như những người khác !
Tuy nhiên, thật là phúc đức cho gia đình tôi ! Tất cả con tôi 7 đứa thì 3 đứa là cán bộ trung cấp, 1 đứa phó tiến sĩ, 5 đứa kỹ sư, 4 đứa là đảng viên.
Về việc các con tôi. Tôi đề nghị các ông can thiệp để xoá cái dấu ấn và bản án cha không làm mà con phải chịu cho chúng được đem tài năng ra phục vụ nhân dân, đất nước. Hãy cho chúng được phát huy tài năng. Hãy đền bù cho chúng những năm tháng bị phân biệt đối xử sao cho thoả đáng. Kể từ bây giờ cởi trói cho chúng là quá muộn (Trong 7 đứa, đã 3 đứa nghỉ hưu. Thật tội nghiệp chúng : chờ cho hết kiếp còn gì là xuân !). Tôi sẽ vui lòng nhắm mắt nếu được trông thấy các con tôi đã được " cứu rỗi " linh hồn và thể xác.
3. Nỗi mình
Là một cán bộ giáo dục lâu năm (35 năm trong nghề) và là một đảng viên, tôi luôn luôn làm tốt công việc được giao phó. Không có khuyết điểm sai sót gì trong công việc cũng như trong đạo đức tác phong. Vậy mà sau khi chồng tôi bị kỷ luật, ba lần huyện uỷ Tiên Sơn (Hà Bắc) gọi lên vận động ra đảng. Nhưng tôi không chịu vì lẽ tôi không có khuyết điểm. Vả lại đảng bộ địa phương bảo vệ tôi vì tôi liên tục là lao động tiên tiến và đảng viên 4 tốt.
Năm 1980, tôi cùng gia đình chuyển về Hà Nội. Sau khi chồng tôi bị bắt trở lại, một hôm bí thư chi bộ là đồng chí Ðịch (thứ trưởng Bộ giao thông đã nghỉ hưu) và đồng chí Ðoán, phó bí thư (nữ bác sĩ nghỉ hưu) gọi tôi đến và báo cho biết là trên có chỉ thị cho là phải vận động tôi ra đảng. Lúc đầu tôi nhất định không nghe và tuyên bố : Tôi chỉ vào đảng chứ không ra đảng. Tôi không có khuyết điểm gì cả và rất xứng đáng đứng dưới cờ đảng. Tôi mới nhận thẻ đảng (100% đồng chí nhất trí trao thẻ cho tôi). Nhưng sau các đồng chí nói hoài nói mãi và nói thêm : « Nói thật chị ở chi bộ chúng tôi thì thật khổ cho chúng tôi. Mọi người đều biết chị là một đảng viên tốt, không có sai sót gì, nhưng chị là vợ anh Ðặng Kim Giang.Trên cứ nhắc đi nhắc lại là nhất định phải đưa chị ra khỏi đảng ». Tôi nói : « Nếu thấy vướng mắc thì cứ khai trừ tôi đi ». Các chị nói : « Không khai trừ vì chị không có khuyết điểm gì. Chỉ vận động chị vì lợi ích của đảng (?) chị nên tình nguyện ra khỏi đảng ».
Sau nhiều lần các đồng chí đó vận động, tôi suy nghĩ thấy buồn quá. Xã hội tiêu cực như vậy ! Thế thái nhân tình như thế ! Công lý ở đâu ? Thôi thì rút lui để yên thân khỏi phải nghe lời nọ tiếng kia thêm cực, thêm khổ. Và thế là tôi đề nghị triệu tập một cuộc họp chi bộ toàn thể 36 đảng viên và tôi trả lại thẻ đảng. Hôm đó, trước tất cả 36 đồng chí đều là cán bộ nghỉ hưu, tôi đã nói hết nỗi lòng mình và oan khuất của gia đình mình.
Nhiều đồng chí đã rưng rưng nước mắt. Hôm sau tôi gặp đồng chí Ðang, một đảng viên già (nay đã chết). Ðồng chí nắm tay tôi ứa nước mắt : « Tôi hoạt động cách mạng từ lâu. Ðảng dạy tôi phải bênh vực lẽ phải thế mà tôi để chị ra đảng, tôi thật xấu hổ ! Sau khi chị về, tôi hỏi đồng chí bí thư chi bộ : " Chị Mỹ ra khỏi đảng, anh có thấy xấu hổ không ?", đồng chí Ðịch trả lời : " Biết làm thế nào được ! " ».
Về sự nghiệp.Tôi là một giáo viên từ thời Pháp thuộc. Ði theo Cách mạng tháng 8, đã tham gia cướp chính quyền ở Ðà Lạt. Ở trong Ban chấp hành Phụ nữ cứu quốc Ðà Lạt. Vận động trí thức Ðà Lạt và tham gia nhận ấn tín của Tổng đốc Trần Văn Lý. Sau về Hà Ðông vừa dạy học từ 1945 vừa tham gia vận động phụ nữ (Hội phó Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Hà Ðông).
Suốt từ Cách mạng tháng 8 cho đến khi về hưu năm 1972, đều luôn luôn làm tốt các công việc được giao phó. Tham gia hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, biết thành thạo hai ngoại ngữ Pháp và Lào, khi đi học văn hoá hay chính trị đều là học viên xuất sắc. Ðã từng viết báo địch vận bằng tiếng Pháp (báo L'Etincelle) được Bác Hồ khen. Dạy học thì liên tục từ 1945 đến 1972 đều là lao động tiên tiến, phụ nữ 3 đảm đang và đảng viên 4 tốt. Vậy mà khi đi theo cách mạng là giáo viên, bây giờ cũng chỉ là giáo viên thường. Ðược đề bạt hiệu phó trường Nguyễn Trãi một ngày. Sáng nhận bàn giao. Chiều lại có quyết định trở về trường cũ dạy học. Hỏi tại sao thì Phòng giáo dục Ba Ðình trả lời : « Chị là đảng viên, đặt đâu ngồi đó, đừng có hỏi ».
Năm 1967, anh Lê Liêm có triệu tập cuộc họp 24 nữ cán bộ " bị bỏ quên ".Khi tôi trình bày quá trình công tác, các anh chị em đều khóc và đề nghị " đề bạt vượt cấp ". Ðược biết sau đó Bộ giáo dục định cử tôi làm hiệu trưởng trường con em cán bộ Lào.Nhưng chị thị của Ban tổ chức Trung ương là phải huỷ quyết định đó. Thế là " cội đa, tôi lại trở về cội đa ".
Bao nhiêu khả năng, bao nhiêu nhiệt tình đều bị thui chột hết ! Năm 1972, tôi nghỉ hưu, không được tăng một bậc lương nào (mặc dù tôi nằm ở mức lương 68 đồng trong 11 năm, mặc dù trong 11 năm đó tôi liên tục là lao động tiên tiến và đảng viên 4 tốt).Tôi được xếp hưởng 75% mức lương 78 đồng, nay là mức 310 đồng (mỗi tháng hiện nay tôi lĩnh 198 000 đồng -- cả thâm niên giáo dục). Khi nghỉ hưu, tôi được lĩnh một tháng lương. Ðang giảng dạy trên lớp thì nhận quyết định nghỉ hưu. Thế là cô từ biệt các em, hôm sau cô không lên lớp nữa !
Phục vụ như thế, khả năng như thế, cống hiến như thế và bị đối xử như thế nhưng tôi chẳng oán trách ai.Tôi chỉ có một tội là vợ của Ðặng Kim Giang ! Hiện nay tôi đã 77 tuổi. Mặc dù chìm nổi và thiệt thòi như vậy nhưng tôi vẫn tích cực tham gia phong trào phụ nữ địa phương cùng mọi phong trào khác và được chị em yêu mến, tín nhiệm. Ðó là niềm an ủi của tôi.
Với số lương như vậy, nếu không có các con tôi đùm bọc thì chắc tôi đã chết từ lâu rồi.
Kết luận :
Trên đây tôi đã trình bày đại thể những oan khuất và cơ cực mà gia đình cũng như chồng tôi đã phải chịu đựng trong suốt 30 năm qua trong " vụ án Ðặng Kim Giang & Hoàng Minh Chính ". Ðó chỉ là những nét lớn. Còn bao nỗi đắng cay, chà đạp, dày vò chúng tôi cắn răng chịu đựng khiến lắm lúc tôi tự hỏi : « Chẳng lẽ chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản là thế này ư ? ». Tôi cứ nghĩ : « Có độc lập, tự do là có tất cả » và tôi tự tay tháo hết đồ nữ trang khai mạc Tuần lễ vàng 1945 ở Ðà Lạt, đi theo cách mạng như một ngày hội lớn. Thế mà bây giờ cuộc đời tôi ra sao ? Cơ cực vật chất không nói làm gì. Cái đau nhất là mất niềm tin.
Thưa các ông, các ông hãy làm sáng tỏ vấn đề này ra và hãy " cứu rỗi " linh hồn chúng tôi, những người bị bao oan trái trong vụ án uẩn khúc này. Xin các ông hãy cho thẩm tra lại vụ án mà may thay một phần nhân chứng còn sống. Các ông sẽ gặp nhiều khó khăn vì sẽ đụng chạm đến nhiều người đang muốn quay lưng lại những trang sử đen tối, coi như đã giải quyết rồi, không quay lại nữa.
Xin đừng để cho người ta bóp méo lịch sử, bôi nhọ những người ngay thẳng có công với cách mạng, đổi trắng thay đen, đánh lừa quần chúng, để giải thoát cho những người còn sống, để minh oan cho những người đã khuất.
Tôi đề nghị thành lập một tiểu ban thẩm tra lại vụ án. Xin hỏi han những nhân chứng còn sống rồi kết luận rõ ràng về vụ này : ai có tội, ai bị oan. Hãy thanh minh cho những người bị oan khuất và những người đã khuất. Hãy trả lại thanh danh cho họ và gia đình họ ; hãy lên án những kẻ đã lạm dụng chức quyền để áp bức, vu khống đồng chí mình, gây bao thảm hoạ và làm mất uy tín của đảng.
Mỗi lần gia đình tôi khiếu oan là một lần bị đe doạ, trù dập. Nhưng lần này tôi lại tiếp tục tố cáo không chỉ vì tin ở xu thế chân lý mà còn vì ý thức trách nhiệm đối với sự nghiệp chung, với vận mệnh cuộc cách mạng của chúng ta.
Kính chúc các ông mạnh khoẻ.
Kính đơn, Nguyễn Thị Mỹ. Phòng 201, Nhà C2
Khu tập thể Nghĩa Tân, Từ Liêm, Hà nội.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét