Thứ Năm, 27 tháng 6, 2019

Đường lối của quốc tế xã hội chủ nghĩa đang ảnh hưởng tới những vấn đề toàn cầu[1]


Vũ Cao Đàm
Dẫn nhập
Trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, đã từng xuất hiện các tổ chức gọi là “Quốc tế”:
·                     Quốc tế I, do Marx sáng lập năm 1864, tồn tại trong khoảng thời gian từ 1864-1878;
·                     Quốc tế II, do Engels sáng lập, 1889-1914;
·                     Quốc tế III, do Lênin sáng lập năm 1919, Stalin giải thể năm 1943; chính Stalin đã tái lập năm 1947 và Khrouchev giải thể năm 1956;
·                     Quốc tế IV do Trosky sáng lập năm 1938, đến 1953 bị phân liệt nhanh chóng đi đến tan rã; 
·                     Quốc tế V với tên gọi Liên đoàn Quốc tế V, được kêu gọi thành lập năm 2003. Đến 2010 đã có nhiều hoạt động tại ÁoSécĐứcPakistanThụy ĐiểnSri LankaVương quốc Anh và Hoa Kỳ. Nhóm cộng sản New Zeland cũng tổ chức những đối thoại cho một quốc tế thứ năm[2];
·                     Cuối cùng, còn tồn tại hiện nay là Quốc tế xã hội chủ nghĩa với 147 thành viên từ 100 chính đảng lao động và xã hội dân chủ, trong đó đã có 21 đảng tham gia chính phủ ở các mức độ khác nhau[3].
Quốc tế xã hội chủ nghĩa (Socialist International), được thành lập năm 1951 tại Franfurt (Cộng hòa Liên bang Đức), tiếp nhận đường lối của Quốc tế II, và cũng có thể xem là tổ chức hậu thân của Quốc tế II[4]. Theo Báo điện tử của Đảng cộng sản Việt Nam (CSVN), đường lối của Quốc tế xã hội chủ nghĩa đã “cố gắng đáp ứng những vấn đề xã hội và những vấn đề toàn cầu”[5]. Đây là một nhận định khách quan trên cơ quan ngôn luận của Đảng CSVN. Chúng tôi hoàn toàn đồng tình với nhận định này.

Chúng tôi muốn viện dẫn một nội dung trong đường lối của Quốc tế xã hội chủ nghĩa: Phát triển bền vững. Chính sách này bắt nguồn từ những bế tắc trong tư duy phát triển của nhân loại. Chúng tôi cũng bắt đầu từ đây.
Những bế tắc trong tư duy phát triển của nhân loại
Những bế tắc này bắt nguồn từ một thông điệp cảnh báo rất nghiêm trọng trước thế giới vào năm 1972.
Đó là Nghị trình của Câu lạc bộ Rôm (Rome, tiếng Việt trước đây gọi là La Mã, thuộc nước Ý). Trong những cuộc thảo luận của Câu lạc bộ Rôm, Meadow đã trình bày một báo cáo gây chấn động dư luận về những bế tắc trong các chính sách phát triển. Báo cáo có tên là “Những giới hạn của sự phát triển” (Limits to growth), trong đó đưa ra dẫn liệu nhiều mặt của sự bế tắc, được xem là tư tưởng bi quan trong phát triển. Có thể tóm tắt như sau:
·                     Tài nguyên bị khai thác ngày càng cạn kiệt.
·                     Năng lực sinh lý của con người không thể điều khiển trước tốc độ ngày càng tăng cao của  máy móc
·                     Tất cả các chủng loại vật liệu hiện có không đáp ứng nhu cầu sử dụng ngày càng đa dạng trong sản xuất, chẳng hạn, vừa đáp ứng các tham số cơ học, nhiệt học, hóa học, quang học, v.v…, lại vừa đáp ứng các tham số sinh học, như kiểu mặt điện thoai thông minh, máy tính bảng và hàng loạt thiết bị được sử dụng trong nền sản xuất hiện đại.
·                     Đặc biệt, công nghiệp khai thác và chế biến tài nguyên ngày càng dẫn tới phá vỡ hệ sinh thái và tàn phá môi trường sống. Con người đang tự mình gây tổn thương cuộc sống của chính mình, thậm chí đến mức có thể nói, dường như nhân loại đang tự sát.
·                     v.v…
Những nỗ lực giải thoát bế tắc trong tư duy phát triển
Báo cáo của Meadow năm 1972 đã làm cả thế giới giật mình, gây ra những cuộc tranh cãi sôi động trong nhiều cuộc thảo luận của các nhà nghiên cứu, các chính trị gia và các tầng lớp xã hội.
Những cảnh báo nghiêm túc của Meadow, tuy nhiên, cũng khơi mào cho các cuộc thảo luận về lối thoát cho tương lai phát triển của nhân loại.
Mười lăm năm sau, vào năm 1987, một báo cáo khác đã lôi cuốn sự quan tâm của thế giới. Đó là báo cáo của bà Gro Harlem Brundtland có tên là “Tương lai chung của chúng ta” (Our Common Future), với luận điểm quan trọng, là phát triển hôm nay phải quan tâm đến sự phát triển trong tương lai. Báo cáo được trình bày trước Ủy ban Thế giới về Môi trường và Phát triển (World Commission of Environment and Development, WCED), là một ủy ban do chính bà sáng lập. Trong báo này bà đã đưa ra luận điểm “Phát triển bền vững”, như một giải pháp thoát khỏi bế tắc trên.
Tư tưởng phát triển bền vững do Gro Harlem Brundtland đề xuất đã được đưa vào chương trình nghị sự của Hội nghị thượng đỉnh Rio De Janeiro năm 1992, và đã nhanh chóng trở thành thông điệp mang tính sống còn trong chính sách phát triển của hầu hết các quốc gia trên thế giới.
Hơn nữa, cần nói thêm rằng, tại Đại hội XX[6] của Quốc tế xã hội chủ nghĩa, được tổ chức tại trụ sở Liên Hiệp Quốc (New York) ngày 11 tháng 9 năm 1996, tư tưởng phát triển bền vững đã được long trọng ghi vào Văn kiện Đại hội như một trong những nội dung về đường lối của Quốc tế xã hội chủ nghĩa[7]. Từ đây, phát triển bền vững đã trở thành một định hướng chính sách của hầu hết các quốc gia trên thế giới.
Cũng cần nói thêm, rằng người đề xuất tư tưởng “Phát triển bền vững” trong đường lối của Quốc tế xã hội chủ nghĩa, bà Gro Harlem Brundtland, khi đó là Thủ tướng Na-Uy và là Phó chủ tịch thứ nhất của Quốc tế xã hội chủ nghĩa[8].
Vậy phát triển bền vững là gì? Trước hết, theo Brundtland, là sự phát triển hài hòa theo ba chiều cạnh (three dimensions), bao gồm kinh tế, xã hội và môi trường. Sau đó, một hiện tượng thú vị, tư tưởng phát triển bền vững đã thâm nhập vào hàng loạt lĩnh vực cụ thể khác nhau, chẳng hạn, kinh tế bền vững, nông nghiệp bền vững, sử dụng đất bền vững, một nền tài chính bền vững, v.v… với ý nghĩa là đảm bảo sự phát triển lâu bền, không gián đoạn, không suy thoái của các lĩnh vực đó.
“Từ phát triển bền vững đến chuyển đổi sinh thái-xã hội”
“Từ Phát triển bền vững đến Chuyển đổi sinh thái-xã hội” là tiêu đề công trình nghiên cứu của Degenhardt Philip[9], được công bố tháng 1/2016 tại Đại học Berlin và, theo Dagenhardt, chuyển đổi sinh thái-xã hội đã trở thành một chủ đề  thảo luận trong Đảng Cánh tả Đức (tiếng Anh The Left, tiếng Đức Die Linke) và trong các đảng cánh tả Châu Âu.
Theo Ulrich Brand[10], “Chuyển đổi sinh thái-xã hội là tư tưởng bao trùm trong quá trinh chuyển tiếp về chính trị, sinh thái, kinh tế và văn hóa, dẫn đến những cố gắng nhằm kiềm chế và khắc phục quá trình khủng hoảng sinh thái-xã hội”.
Từ luận điểm trên đây của Ulrich Brand, chúng ta có thể hiểu, chuyển đổi sinh thái-xã hội là giai đoạn mở rộng và cụ thể hóa tư tưởng phát triển bền vững. Đó là lý do mà Degenhardt Philip đưa ra cách nhìn quá trình diễn tiến “từ phát triển bền vững đến chuyển đổi sinh thái-xã hội”, được trình bày rất súc tích trong công trình nghiên cứu của mình.
Tư tưởng chuyển đổi sinh thái-xã hội, từ diễn đàn của các đảng Cánh Tả châu Âu, đã lan tỏa sang hàng loạt quốc gia trên thế giới, trở thành một khung mẫu (paradigm) phát triển của các quốc gia này, bất kể đó là quốc gia trong hoặc ngoài phạm vi ảnh hưởng của Quốc tế xã hội chủ nghĩa và ngay cả các quốc gia hiện vẫn duy trì đường lối của Quốc tế III, như Trung Quốc, Lào, Cu Ba, Đông Timor và Việt Nam (chúng tôi không có thông tin về Triều Tiên).
Trong cuốn sách “Chuyển đổi sinh thái-xã hội - Triển vọng nhìn từ Châu Á và Châu Âu” do Liliane Danso-Dahmen và Degenhardt Philip đồng chủ biên, ngay trong Lời Tựa của Elma Altvater, đã xem “Chuyển đổi sinh thái-xã hội là nhu cầu sống còn của nhân loại”[11].
Quan hệ phát triển bền vững và chuyển đổi sinh thái-xã hội
Giữa Phát triển bền vững và Chuyển đổi sinh thái-xã hội có mối quan hệ như thế nào? Đây là câu hỏi thú vị cần làm rõ để rút ra phương thức thực hiện cụ thể trong sự chuyển đổi cả ba chiều cạnh của phát triển bền vững, Kinh tế - Xã hội - Môi trường.
Không phải ngẫu nhiên mà các nhà nghiên cứu đã mở rộng khái niệm “Chuyển đổi sinh thái - xã hội” thành “Chuyển đổi Kinh tế - Sinh thái - Xã hội”. Trong bài viết có tiêu đề “Động thái sinh thái-xã hội phi tuyến tính và các nguyên tắc đầu tiên của hành vi lựa chọn tập thể của Homo Socialis[12]”, Michael Sonis[13] đã thiết lập mô hình toán để làm rõ các quan hệ “Sinh thái-Kinh tế” và “Sinh thái-Xã hội” như các hợp phần của quá trình “Chuyển đổi Sinh thái-Kinh tế-Xã hội”
Còn trong bài “Hình thành luận điểm về Nghiên cứu Sinh thái -xã hội: Sự tích hợp Chiều cạnh xã hội, của Simron  J. Singh và cộng sự đã xem xét sự đóng góp khả dĩ từ các lĩnh vực nhân học-sinh thái và kinh tế học-sinh thái[14].
Qua các công trình nghiên cứu trên đây, chúng tôi đi đến nhận thức, là sự chuyển đổi sinh thái-xã hội, xét về thực chất là sự chuyển đổi về cấu trúc của hệ thống sinh thái-kinh tế-xã hội, và đó chính là sự gợi ý cho các chương trình hành động cụ thể của chuyển đổi sinh thái-kinh tế-xã hội.
Đến đây chúng ta lại có thể đi đến một nhận thức sâu sắc hơn mối quan hệ giữa phát triển bền vững và chuyển đổi sinh thái-xã hội như sau:
1.           “Phát triển bền vững”, xét về bản chất, là triết lý phát triển..
2.           “Chuyển đổi sinh thái--xã hội” chính là phương thức hành động để tạo ra sự chuyển đổi cấu trúc của hệ thống sinh thái-xã hội theo hướng phát triển bền vững.
Đây thực sự là một đóng góp to lớn của Quốc tế xã hội chủ nghĩa vào chiến lược phát triển trên quy mô toàn cầu.
Phát triển bền vững và chuyển đổi sinh thái-xã hội ở Việt Nam
Ở Việt Nam, tư tưởng phát triển bền vững và chuyển đổi sinh thái-xã hội, một nội dung đường lối của Quốc tế xã hội chủ nghĩa, đã được đối thoại rộng rãi trong nhiều cuộc thảo luận từ đầu thập niên 1990. Chính sách phát triển bền vững đã được áp dụng trong hầu hết các ngành kinh tế và xã hội. Còn các cuộc thảo luận về chuyển đổi sinh thái-xã hội ở Việt Nam chỉ mới bắt đầu trong thời gian rất gần đây.
Riêng từ năm 2014 đến nay tại Việt Nam đã diễn ra các cuộc hội thảo quan trọng dưới sự cộng tác của Quỹ Rosa Luxemgurg Đông Nam Á:
·                     Công bằng xã hội, Chuyển đổi sinh thái-xã hội và Sự tham dự của Chính trị, Đà Lạt, 2014.
·                     Chuyển đổi sinh thái-xã hội - Triển vọng nhìn từ Mỹ Latin, Châu Âu và Đông Nam Á, Hà Nội, 2016.
·                     Tìm kiếm con đường chuyển đổi sinh thái-xã hội ở Việt Nam, Hà Nội, 2017.
·                     Chuyển đổi kinh tế, xã hội và sinh thái ở Việt Nam: lý thuyết và thực tiễn, Phú Yên, 2019
Những sự kiện trên đây cho thấy, Việt Nam là một trong những quốc gia sớm tiếp nhận đường lối của Quốc tế xã hội chủ nghĩa và hội nhập vào dòng chảy của quá trình chuyển đổi sinh thái-xã hội của thế giới đương đại.
*
* *
Trên đây chỉ là một ví dụ về ảnh hưởng của đường lối “Phát trển bền vững” và “Chuyển đổi sinh thái-xã hội” của Quốc tế xã hội chủ nghĩa tới chính sách phát triển của các quốc gia. Chúng ta có thể tìm được trong các văn kiện của Đại hội XX và Đại hội XXII của Quốc tế xã hội chủ nghĩa hàng loạt nội dung đường lối và ảnh hưởng của các đường lối ấy tới chính sách đanh mang tính toàn cầu:
·                     Biện pháp ứng phó trước sự biến đổi khí hậu toàn cầu
·                     Bình đẳng giới
·                     Công bằng xã hội.
·                     Việc làm cho người lao động.
·                     Cải cách nền hành chính quốc gia.
·                     v.v…
Thế hệ chúng ta đang là nhân chứng những sự kiện trong dòng chảy của lịch sử nhân loại: Trong khi thế giới ngày càng xa lánh đường lối của Quốc tế III, thì ngày càng gắn bó với đường lối của Quốc tế xã hội chủ nghĩa.
Kết luận
Từ những sự kiện trên đây, chúng tôi xin rút ra một số kết luận sau:
1.           Phát triển bền vững, được Quốc tế xã hội chủ nghĩa đề xướng là một tư tưởng đặc sắc trong sáng kiến chính sách phát triển của nhân loại..
2.           Hầu hết các quốc gia trên thế giới đang tiến bước theo hàng loạt tư tưởng khác trong đường lối của Quốc tế xã hội chủ nghĩa, kể cả các quốc gia hiện đang vẫn duy trì đường lối của Quốc tế III trước đây.
3.           Tại Việt Nam tư tưởng phát triển bền vững, bình đẳng giới, công bằng xã hội, và hàng loạt nội dung trong đường lối của Quốc tế xã hội chủ nghĩa đã được đề cập trong các văn kiện của Đảng CSVN và được vận dụng trong việc hoạch định chính sách của quốc gia, của nhiều ngành và địa phương.
4.           Nhìn nhận một cách khách quan, đường lối của Quốc tế xã hội chủ nghĩa đang có ảnh hưởng sâu rộng trên quy mô toàn cầu. Điều này đáng là một gợi ý trong tư duy của các nhà hoạch định chính sách, cả trên tầm vi mô và cả trên tầm vi mô ở Việt Nam.
V.C.Đ.
__________
Chú thích
[1] Tiêu đề bài viết này lấy theo nhận định trong bài viết “Quốc tế xã hội chủ nghĩa” đăng trên Báo Điện tử của Đảng CSVN, số ra ngày 17/4/2018. Bài viết dựa vào cuốn Lịch sử thế giới hiện đại, Nxb Giáo dục. Xem trang web: http://tulieuvankien.dangcongsan.vn/ho-so-su-kien-nhan-chung/phong-trao-cong-san-cong-nhan-quoc-te/quoc-te-cong-san/quoc-te-xa-hoi-chu-nghia-107
[6] Theo nghiên cứu của Trần Việt Phương, tại Đại hội này có 659 người tham dự, đại biểu của 72 đảng thành viên chính thức, 21 đảng thành viên tư vấn, 16 đảng thành viên quan sát và các khách mời.
[7] Trần Việt Phương, Văn kiện Đại hội XX của Quốc tế xã hội chủ nghĩa, tr.17.
[8] Trần Việt Phương, Văn kiện Đại hội XXII của Quốc tế xã hội chủ nghĩa, tr.5.
[9] Degenhard Philip là Giám đốc của Quỹ Rosa Luxemburg Đông Nam Á (Rosa-Luxemburg Stiftung Southeast Asia) bên cạnh Đảng Cánh Tả Đức, hiện đóng trụ sở tại Hà Nội.
[11] Aliane Danso-Dahmen and Degenhard Philip (Eds.), Socio-ecological transformation - Perspective from Asia and Europe, Rosa-Luxemburg-Stiftung, Berlin, June 2018.
[12] “Homo Socialis” là khái niệm xã hội học rất mới. Nếu Homo Sapiens trong nhân học được hiểu là giống người hiện đại đầu tiên của loài người, thì “Homo Socialis” có thể tạm hiểu là xã hội hiện đại đầu tiên trên trái đất (Socialis, không phải Socialism).


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét