Thứ Sáu, 31 tháng 7, 2020

NHỮNG NGỘ NHẬN VỀ NƯỚC NGA

( Đọc bài này cho mở rộng tầm nhìn về XHCN !)


Nguyễn Trần Sâm


Dân tộc Nga là một trong những dân tộc vĩ đại. Nó đã sản sinh ra cho nhân loại những tên tuổi lớn như Pushkin, Tolstoy, Dostoyevsky,… trong văn học; Chaikovsky, Shostakovich,… trong âm nhạc,…; Kolmogorov, Pontryagin,… trong toán học; Mendeleyev, Cherenkov, Kapitsa,… trong khoa học tự nhiên – những tên tuổi đã tạo ra không ít những giá trị lớn lao. Đó cũng là một dân tộc đã góp phần quyết định vào việc loại bỏ họa phát-xít, giúp cho loài người được sống tương đối bình yên trong mấy chục năm qua.

Vào những năm từ cuối thập niên 50 đến đầu thập niên 70 của thế kỷ trước, những thanh thiếu niên từ đất nước Việt Nam đang chìm trong khói lửa và những khổ ải do chiến tranh gây ra, được đến với một nước Nga mà mọi thứ đối với họ giống như ở thiên đường. Không chỉ mức sống cao hơn ở Việt Nam hàng chục lần, mà sự đối xử giữa những con người với nhau cũng thật sự mẫu mực. Những thầy cô người Nga và nhiều người lớn khác thì coi những thanh thiếu niên Việt Nam như thể con mình. Từng được sống trong bầu không khí đầy tình người đó, những người Việt Nam mãi mang trong tim tình yêu và sự biết ơn, không chỉ với những người Nga cụ thể, mà với cả dân tộc Nga nữa.
Trong những tháng năm khói lửa của cuộc chiến tranh khốc liệt, nhiều người Nga đã sát cánh với người Việt Nam. Nhà nước Liên Xô mà lực lượng nòng cốt là người Nga đã dành cho VN một sự chi viện to lớn.

Đó là sự thật không thể phủ nhận.

Tuy nhiên, không thể vì tình cảm mà có những ngộ nhận theo kiểu tô hồng mọi mặt, đặc biệt khi thời thế đã thay đổi. Trong số những người ngộ nhận kiểu đó có cả những quan chức và học giả trên bậc thang rất cao (bộ trưởng, giáo sư, hoặc hơn thế nữa). Xin nêu một vài điều ngộ nhận phổ biến và nhận định tương ứng của chúng tôi.

Ngộ nhận thứ nhất:

Người Nga tốt nhất thế giới và đại đa số dân Nga hiện nay vẫn yêu VN như thời VN chống Mỹ.

Đúng là đã từng có nhiều người Nga rất tốt. Nhưng ngày nay nếu sang Nga, người Việt không còn được thấy con người trong xã hội Nga hiện nay tốt như thế nữa. Một số tầng lớp còn có thái độ bài Việt điên cuồng. Để lý giải về điều này, cần phải viết nhiều trang. Ở đây chúng tôi chỉ xin nói sơ qua về ba lý do:

1) tư cách của nhiều người Việt ở Nga không tốt;
2) xã hội Nga đã thay đổi, mối quan tâm của con người ngày nay khác trước;
3) sự tốt bụng thể hiện trước đây chủ yếu là thật, nhưng cũng có vài chục phần trăm là do được khích lệ bởi các yếu tố chính trị.

Cũng nên nhớ rằng không phải chỉ người Nga mới tốt. Quý vị hãy đi những nước khác nữa. Ở những nơi khác cũng rất nhiều người tốt, thậm chí cực tốt, mà đó là lòng tốt tự nó có, không được nhân lên bởi các yếu tố chính trị.
Người Nga sang phương Tây còn bị kỳ thị, có phần giống như người Việt, người Trung Quốc. Những hiện tượng như trong các giải bóng đá quốc tế, người Nga hay bị chơi xỏ (người Việt ở Đông Nam Á cũng vậy) có lý do của nó. Với chính sách đối ngoại, và cả đối nội, của mình, chính giới Nga đang làm cho hình ảnh nước Nga ngày một xấu đi trong con mắt bạn bè quốc tế.

Ngộ nhận thứ hai:

Nga là cường quốc hạng 1 thế giới, ngang hàng với Mỹ.

Nhiều người cho rằng Liên Xô trước đây và nước Nga ngày nay có sức mạnh ngang hàng với Mỹ. Điều này không đúng.

*Về kho vũ khí, quả là Nga có những thứ mà người Mỹ cũng phải gờm; nhưng Mỹ còn có nhiều thứ ghê gớm hơn. Tuy nhiên, chúng tôi không muốn tranh luận về điều này.

*Còn về mặt kinh tế và tầm ảnh hưởng thì Nga thua Mỹ rất nhiều. - Tổng thu nhập quốc nội của Mỹ năm 2013 là 16.800 tỉ USD (với 318 triệu dân), của Nga chỉ vào khoảng 2 000 tỉ USD (rất khó tìm con số chính thức) với 143 triệu dân. Với tiềm lực kinh tế chưa bằng 1/8 của Mỹ, nếu Nga dốc sức chạy đua vũ trang thì kinh tế nước này sẽ nhanh chóng kiệt quệ.

*Về đời sống, kể cả thu nhập lẫn những quyền tự do, dân chủ và mối quan hệ giữa người với người, nước Nga còn thua phương Tây nhiều lắm. Nếu có điều kiện, quý vị hãy đi mà so sánh.

*Về quan hệ đồng minh, Nga chỉ còn nắm được vài quốc gia lạc hậu nhất ở Trung Á, vốn thuộc Liên Xô trước đây. Tất cả những nhà nước cựu Soviet “có máu mặt” đều lần lượt bỏ Nga để quay sang Tây. Đầu tiên là 3 nước Baltic, sau đó đến Moldova, Gruzia, rồi Ukraina, sắp tới là Bạch Nga (Belarus).

Đó là lý do khiến người Nga, đặc biệt là Putin, rất điên tiết. Và khi điên thì họ càng không hiểu được rằng cần tự hỏi tại sao người ta lại bỏ mình mà đi.
Hiện Nga đang phải ve vãn Trung Quốc, vài nước trong nhóm BRICS và vài nước Mỹ Latin, thậm chí cả Triều Tiên, để bớt trơ trọi. Trong khi đó, số các nước đồng minh và thân Mỹ ít nhất đã có vài ba chục.

Ngộ nhận thứ ba:

Putin là chính khách số 1 của thế giới. Putin cũng yêu VN như người VN yêu nước Nga. VN là đối tác quan trọng nhất của Nga.

Những người ngưỡng mộ Putin ở Việt Nam, kể cả những giáo sư hay viện trưởng viện nghiên cứu này nọ, khi nói về ông ta đều thể hiện cái vẻ làm cho người nghe có cảm giác họ rất gần gũi với ông ta. Họ đặt mình vào vị trí người phát ngôn của Putin và có vẻ rất hãnh diện về vài trò tự nhận ấy.
Có những điều mà chính Putin không dám nói, nhưng mấy phát ngôn viên(VN) này nói thẳng ra với vẻ rất hăng. Thí dụ gần nhất là về vụ MH17. Trong khi Putin không hề phủ nhận trách nhiệm của lực lượng thân Kreml trong việc bắn hạ (nên nhớ chỉ có truyền thông Nga phủ nhận), thậm chí còn bóng gió biện hộ cho hành động man rợ này, thì các phát ngôn viên(VN) này cực lực lên án thái độ của phương Tây. Và họ cũng thường xuyên dẫn lời, tổng thống Vladimir Putin nói thế này, tổng thống Vladimir Putin nói thế nọ, giống hệt như Lenin nói thế này, Lenin nói thế nọ trước đây:
“Cảnh cáo Mỹ đến Crưm, tổng thống Putin không đùa!” một vị tướng VN nói. “Với toàn bộ tầm nhìn chiến lược toàn cầu của Putin cũng như của nước Nga,… chắc chắn Nga sẽ không thể chấp nhận việc” Trung Quốc thao túng ở Biển Đông rồi đe dọa Việt Nam, trước hết là một đồng minh chiến lược của nước Nga ở Đông Nam Á" ( một vị TSKH viết như vậy )
Dân thường như tôi, nghe họ nói mà phục sát đất, kính nể vô cùng!
Nhưng thật mỉa mai! Ngay vào lúc có biết bao nhiêu người Việt hy vọng ông anh Nga đe TQ không được ăn hiếp VN thì Putin đến Thượng Hải ôm hôn Tập Cận Bình, ký một loạt những hợp đồng lớn, và không hề quan tâm chút nào đến nguyện vọng của mấy vị tướng với giáo sư người Việt.

Ngộ nhận thứ tư:

Các nhà lãnh đạo VN có thể khéo léo “khuyên nhủ” để lãnh đạo Nga đưa nước này trở về chế độ Soviet như trước đây hoặc một chế độ tương tự như vậy.

Đúng là Putin hiện nay đang cai quản nước Nga theo kiểu khá giống với thời kỳ độc đảng. Đa đảng, nhưng các đảng khác quá yếu. Và với những mưu ma chước quỉ kiểu KGB, Putin đã triệt hạ mọi đối thủ chính trị tiềm năng.

Tuy nhiên, ông ta làm điều này KHÔNG PHẢI vì CÁC "ĐỒNG CHÍ" LÃNH ĐẠO VIỆT NAM . Ông ta làm vì chính ông ta. Khi thấy chế độ Soviet tan rã, Putin đã tỏ ra sẵn sàng phục vụ ông chủ mới, lúc đó là Yeltsin. Với tham vọng một mình cai quản thiên hạ, ngay cả chế độ Soviet cũng không thể làm ông ta vừa lòng. Tham vọng quyền lực thể hiện ra trong mười mấy năm qua cho thấy rõ điều đó. Mô hình nhà nước mà ông ta thích là kiểu nhà nước của al-Assad, Gaddafi, Saddam Hussein.

Cũng vì tham vọng quyền lực vô hạn mà ông ta đã không chịu nổi khi Gruzia và Ukraina có ý định ngả theo EU. Năm 2008, ông ta đã dội bom xuống Tbilisi chính vì lý do đó. Các "đồng chí" VN cũng ít nhiều cần cho ông ta, nhưng không thật sự quan trọng. Và với tính tự cao không giới hạn, khi nói những lời mỹ miều về lãnh đạo VN, chắc chắn ông ta cười thầm trong bụng.

Có một người trên đường đi chỉ dừng lại ở nước Nga vài ngày, nhưng đã có những cảm nhận rất đúng về nước Nga. Đó là nhà văn Đào Hiếu.
Trong phần cuối của tiểu thuyết Lạc Đường, mặc dù thừa nhận “Nước Nga có một quá khứ huy hoàng, một nền nghệ thuật vĩ đại, một cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại”, ông vẫn nhận ra ngay nước Nga hiện tại thật lạc lõng trong thế giới này và có những mặt tầm thường.

Một người khác, nhà văn, nhà thơ, dịch giả Thái Bá Tân, người đã từng ở Nga khá lâu, đã viết những dòng sau đây về nước Nga ngày nay:

“Giá cả cao ngất ngưởng,
Người Nga mặt đăm chiêu,
Công khai ghét người Việt.
Người da đen cũng nhiều.

Quảng trường Đỏ vẫn thế.
Vẫn thế lăng Lênin,
Không ai xếp hàng viếng,
Thậm chí chẳng ai nhìn.”

Nói những điều trên, chúng tôi không muốn khẳng định rằng nước Nga xưa kia cái gì cũng tốt, còn bây giờ thì cái gì cũng dở. Không. Cái dở hiện nay chính là hậu quả của một cái gì đó ẩn sâu bên trong cấu trúc xã hội mà chưa được nhận ra khi mọi thứ đang còn êm ả ngoài bề mặt. Giống như việc hai ông cán bộ già ở ta, trong vở kịch "Ông Không Phải Là Bố Tôi "của Lưu Quang Vũ, khi ôn lại quá khứ những năm đầu thập niên 1950, đã nhận ra:
“Hóa ra những cái lộn xộn bây giờ bắt đầu từ thời đó.”

Sống trong thế giới ngày nay, không thể dùng lối nghĩ của 40-50 năm về trước được nữa. Trong một vấn đề như xung đột Nga-Ukraina, không thể chỉ nhìn bằng con mắt của những người “tựa mạn thuyền rồng” (“thuyền rồng” ở đây là nước Nga và Putin). Vậy còn cách nhìn của những người từng du học ở Ukraina và chịu ơn những con người ở đó, và cách nhìn của nhiều người khác nữa, thì sao?

 


Thứ Ba, 21 tháng 7, 2020

LÊNIN


Thái Bá Tân

Năm kia, đi hội nghị,
Tôi trở lại nước Nga,
Muốn tìm con phố cũ
Mà tìm mãi không ra.
Tôi gặp cậu cảnh sát.
“Ông hỏi phố Lênin?
Không có tên phố ấy.
Chỉ có phố Elsin.”
Biết tôi là anh tẩm,
Phố đổi tên từ lâu,
Mà còn tìm đến hỏi,
Hắn diễu tôi, lắc đầu:
“Lênin là ai nhỉ?
Chưa nghe tên bao giờ.”
Thực ra là hắn biết,
Ghét ông, nên giả vờ.
*
Liên quan đến thần tượng,
Phải khẳng định một điều:
Lênin là vô địch,
Được thờ như giáo điều.

Thứ Bảy, 18 tháng 7, 2020

THÔNG ĐIỆP HÔM NAY


(Thơ Thái Bá Tân)

Cũng phải có ai đó
Làm những việc cần làm
Vì tiến bộ xã hội
Và tương lai Việt Nam.

Nhiều con người dũng cảm,
Tinh hoa của nước nhà
Đang hy sinh, tù tội.
Tù tội thay cho ta.

Tự do và dân chủ
Là ước vọng toàn dân.
Nhưng phần đông im lặng.
Một ít chịu dấn thân.

Ai cũng muốn yên ổn.
Ai cũng có gia đình.
Phần đông chọn cam chịu.
Một ít chọn hy sinh.

Phải chăng họ ngu ngốc,
Muốn trở thành anh hùng?
Không, cái tâm họ sáng,
Lại càng không điên khùng.

Nghĩa là có gì đó
Mà số đông hiểu nhầm,
Hoặc cố tình không hiểu,
Vì chưa đạt tới tầm.

Ta nghĩ ta khôn lắm,
Biết sống, nên được yên.
Nhưng sau chữ “khôn” ấy
Có bóng dáng chữ “hèn”.


Thứ Tư, 15 tháng 7, 2020

George Soros – Barack Obama: Đế chế ma quỷ

i

NTD Việt Nam
Xuân Trường • 12:00, 14/07/20
Các cuộc bạo loạn trên đường phố Mỹ do Antifa và Black Lives Matter “khởi xướng” nhằm chiếm giữ quyền lực hiện đang dần tạm lắng trước sự cứng rắn của chính quyền Tổng thống Donald Trump. Khi phe cánh tả tiếp tục thua trong cuộc chiến giành linh hồn của nước Mỹ, nhóm thế lực Nhà nước Ngầm đang tận lực hòng xoay chuyển tình thế trong những tháng cận kề bầu cử.
Một trong những thế lực quyền lực nhất trong Nhà nước Ngầm chính là tỷ phú George Soros, và cùng với cánh tay đắc lực Barack Obama – cặp bài trùng này hiện đang tìm mọi cách phá hủy đất nước đã mang lại cho họ sự giàu có và quyền lực tột đỉnh.

Đối với kẻ địch phải duy trì áp lực thật lớn…

Thực tế, những cuộc bạo loạn của nhóm Antifa, Black Lives Matter… chính là một phần trong kế hoạch kháng Mỹ, chống Trump, và là nỗ lực trong chuỗi mục tiêu cuối cùng của những kẻ theo chủ nghĩa Marxist mới sùng bái Satan: Phá hủy Đức tin Kitô giáo ở Mỹ.
Xuyên suốt các cuộc bạo loạn này, đều có “dấu vết” của mạng lưới Quỹ Xã hội Mở (Open Society Fund – OSF) do tỷ phú George Soros tài trợ dưới hình thức các tổ chức cộng đồng, và tất nhiên có sự hiệp trợ “nhiệt tình” của các chính trị gia hàng đầu Đảng Dân chủ và Truyền thông cánh tả.
Saul Alinsky – “cha đẻ” của những kẻ cấp tiến bạo loạn ngày hôm nay từng viết trong cuốn Quy tắc của những người cấp tiến (1971) rằng, “đối với kẻ địch thì duy trì áp lực thật lớn”, phải “phân hóa kẻ địch, cô lập mục tiêu, tiến hành công kích”...  
Đó chính xác là những gì mà tỷ phú George Soros và phe cực tả lên kế hoạch và thực thi đối với Tổng thống Donald Trump ngay cả trước khi ông tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20/1/2017.

Cuộc họp trong căn phòng bí mật

Ngày 8/11/2016 là ngày đen tối nhất đối với bà Hillary Clinton, với đương kim Tổng thống Barack Obama, với nhóm tả khuynh và đặc biệt là Thế lực Bóng tối khi phải cay đắng chứng kiến một người chưa từng có bất kỳ kinh nghiệm bầu cử lại trở thành ứng viên Tổng thống của một chính đảng lớn, và giành được kỳ tích lịch sử: Trở thành Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ. 
Ngày 14/11/2016, tức chỉ 6 ngày sau khi ông Trump giành chiến thắng, nhóm Liên minh Dân chủ được tài trợ bởi OSF của tỷ phú George Soros đã “hội tụ” tại khách sạn Mandarin Oriental sang trọng bậc nhất ở Washington D.C, để “đánh giá” lại sự thất bại của Hillary Clinton trước Donald Trump, cũng như bàn thảo nghị trình “chống Trump”.  
Tờ Politico cho biết cuộc họp diễn ra trong 3 ngày, với sự tham gia của các tỷ phú cánh tả, các lãnh đạo Đảng Dân chủ như Nancy Pelosi, Elizabeth Warren, Keith Ellison… cùng nhiều vị “tai to mặt lớn” theo phái tự do cấp tiến. 
Cuộc họp nhằm chuẩn bị cho cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ 2018 với mục tiêu giành lại Lưỡng viện từ Đảng Cộng hòa, và đặc biệt là ngăn chặn các nghị trình 100 ngày đầu của Tổng thống Trump. Trong đó phải bảo vệ các “di sản” của Barack Obama trước tuyên bố của ông Donald Trump sẽ dỡ bỏ nhiều chính sách của chính quyền tiền nhiệm như: Rút nước Mỹ khỏi Hiệp định TPP, Hiệp định Biến đổi khí hậu Paris, xóa bỏ Obamacare, và đưa các công xưởng trở lại nước Mỹ….
Sau 3 ngày họp kín, nhiều tổ chức cánh tả “phản chiến” đã được thành lập cùng với các cuộc biểu tình phản đối chính quyền Tổng thống Trump như biểu tình Chiếm phố Wall, Biến đổi khí hậu, ủng hộ LGBT, ủng hộ phá thai…

Âm mưu đảo chính tinh vi trước cả khi Tổng thống Trump nhậm chức

Trận đấu Trump – Tập sang hiệp mới


Tổng thống Donald Trump mới nói rằng ông sẽ không bàn về “Thỏa hiệp Đợt 2” với Trung Quốc nữa, vì mối bất hòa do bệnh dịch “Kung Flu” gây ra! Nhưng ngoài mấy con vi rút Corona, ông Trump còn nhiều lý do khác để tạm ngưng nói chuyện với ông Tập Cận Bình.
Thứ nhất, thỏa hiệp Đợt 1 đang chạy chậm như rùa thì nói chuyện Đợt 2 làm gì?
Trung Cộng hứa sẽ mua thêm $200 tỷ hàng hóa trong 2 năm. Cho đến giữa năm nay, Trung Cộng mới mua $26.9 tỷ đô la hàng của Mỹ, bằng 45% số hàng phải mua như đã thỏa thuận. Về nông phẩm, mối quan tâm lớn nhất của ông Trump, Trung Cộng chỉ đặt hàng 39% con số đã hứa hẹn sẽ mua. Không thấy dấu hiệu nào là con rùa sẽ chạy nước rút, từ giờ cho đến ngày bầu cử.
Hơn nữa, tới sang năm ông Trump cũng không cần bàn về mậu dịch với Trung Cộng nữa nếu ông vẫn làm tổng thống. Vì ông nắm trong tay nhiều thứ vũ khí sẵn sàng đánh các đòn kinh tế khác. Và ông đã thử phát ra một chưởng mới.
Chính phủ Mỹ đang tung đòn nhắm vào năm công ty lớn của Trung Quốc. Ông Trump sẽ ra lệnh các cơ quan nhà nước không được mua hàng hóa và dịch vụ của bất cứ công ty nào nếu họ sử dụng các sản phẩm của Huawei (Hoa Vi), Dahua (Đại Hoa), ZTE Corp (Trung Hưng), Hikvision (Hải Khang Uy Thị), và Hytera Communications (Hải Năng Đạt Thông tín). Toàn là những xe thiết giáp của Trung Cộng trong trận chiến giành thị trường kỹ thuật viễn thông cao cấp.
Mỗi năm chính phủ Mỹ mua khoảng $500 tỷ hàng hóa. Công ty Amazon đang giành nhau với Microsoft một hợp đồng $10 tỷ mỹ kim với bộ Quốc Phòng về Cloud Computing. Amazon sẽ phải xét lại bao nhiêu thứ vẫn mua bên Tàu đem về dùng, như họ đã mua 1,500 cameras của Dahua về đo nhiệt độ cho nhân viên.
Dahua và Hikvision đứng đầu thị trường quốc tế bán camera và các dụng cụ kiểm soát, theo dõi khác, nhờ họ đã cung cấp cho một khách hàng lớn nhất ở Bắc Kinh, trong công tác kiểm soát dân chúng lục địa, nhất là người Hồi Giáo ở Tân Cương! Điện thoại di động của Huawei, Hytera và ZTE tràn ngập thế giới.

Bốn vấn đề của bản Tuyên cáo lập trường của Hoa Kỳ về biển Đông bạn cần biết


Ngày 13 tháng Bảy năm 2020, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Michael R. Pompeo chính thức đưa ra bản Tuyên cáo lập trường của chính phủ liên bang Hoa Kỳ về các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở biển Đông (tên tiếng Anh là South China Sea). Đây là một tài liệu quan trọng để tiếp tục đánh giá, tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế dành cho các quốc gia nhỏ tại biển Đông. Do có nhiều tranh luận và ý kiến trái chiều liên quan đến văn bản này, dưới đây là bốn câu hỏi giúp bạn hiểu cơ bản về bản Tuyên cáo. 
Lập trường của Hoa Kỳ là gì?
Lập trường được tuyên bố khá ngắn, người viết tạm chia ra làm ba vấn đề chính.
Trước hết, họ lên án thái độ đe dọa và khả năng sử dụng vũ lực phi pháp của Trung Quốc tại biển Đông. Bản Tuyên cáo có nhắc lại lời bình luận của Ngoại trưởng Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là ông Yang Jiechi (Dương Khiết Trì): “Trung Quốc là đại quốc, các quốc gia còn lại trong Đông Nam Á là tiểu quốc. Đó là sự thật.”
Bản Tuyên cáo dẫn chứng những hành vi vũ lực đơn phương của Trung Quốc như dọa nạt các nước láng giềng khiến họ không thể khai thác thủy hải sản và các tài nguyên xa bờ, xem thường chủ quyền và quyền chủ quyền của các quốc gia ven biển khác trong khu vực. Từ đó, Hoa Kỳ khẳng định thói hung hăng của Trung Quốc là không phù hợp với pháp luật quốc tế thế kỷ 21.
Điểm thứ hai, Hoa Kỳ khẳng định lập trường của mình về “Đường chín đoạn”, cho rằng nó không có bất kỳ căn cứ nào từ pháp luật quốc tế. 

Thứ Hai, 13 tháng 7, 2020

TƯỜNG TRÌNH 15 NĂM ĐI TÌM NGUỒN CỘI


Hà Văn Thùy
Một đêm tháng Tám năm 2004, trong khi tìm tư liệu cho cuốn tiểu thuyết đang viết thì tôi gặp dòng tin từ tờ báo tiếng Việt xuất bản ở Mỹ: “Các nhà đi truyền học khám phá loài người hiện đại xuất hiện ở châu Phi 180.000 năm trước. 60.000 năm trước, người từ châu Phi theo ven bờ Ấn Độ Dương tới Việt Nam. Nghỉ lại ở đây 10.000 năm, sau khi tăng nhân số, người từ Việt Nam tỏa ra các đảo Đông Nam Á, chiếm lĩnh Ấn Độ và 40.000 năm trước đi lên chinh phục Hoa lục…” Đọc xong bản tin, tôi ngồi lặng một lúc lâu, người như bị say sóng, trong đầu chợt lóe lên ánh sáng như làn chớp. Một ý nghĩ chợt đến: Nếu tin này đúng, sẽ làm thay đổi cả lịch sử và vận mệnh dân tộc! Khi xác minh được thông tin, tôi dừng mọi việc văn chương để tập trung đi tìm nguồn cội.
Đó là quá trình tìm lời giải cho những câu hỏi.
1.Câu hỏi thứ nhất: người di cư đến Việt Nam theo con đường nào?
Học giả thế giới đưa ra hai quan điểm đối nghịch nhau về con đường di cư của người châu Phi. J.Y. Chu và nhóm Đại học Texas cho rằng: “60.000 năm trước, người hiện đại theo ven Ấn Độ Dương tới Việt Nam.” Trong khi đó Spencer Wells của Hội Địa lý Quốc gia Hoa Kỳ khẳng định: “Có con đường di cư phương nam diễn ra 60.000 năm trước. Nhưng đợt di cư thứ hai xảy ra 45.000 năm trước, từ châu Phi, con người lên Trung Đông, vào Trung Á sau đó lan tỏa ra toàn thế giới mới là cuộc di cư quan trọng, làm ra đại bộ phận nhân loại ngoài châu Phi.” Hai con đường di cư tất dẫn đến kết quả trái ngược. Theo con đường nào?
Rất may là lúc này có thêm công bố của Stephen Oppenheimer Đại học Oxford, cho rằng “Chỉ duy nhất cuộc di cư thành công diễn ra 85.000 năm trước. Con người qua cửa Hồng Hải sang bán đảo A Rập. Bị băng hà chặn ở phía bắc, đoàn di cư chia đôi. Một bộ phận dừng lại trên đất Yemen, bộ phận còn lại theo ven biển Ấn Độ, tới Việt Nam 70.000 năm trước.” Một lá phiếu bỏ cho con đường phía nam. Tiếp đó bạn bè gửi cho tài liệu của Ballinger thuộc Hiệp Hội Di truyền học Hoa Kỳ: “Dân cư châu Á cùng một chủng Mongoloid. Trong đó người Việt Nam có chỉ số đa dạng sinh học cao nhất.” Phát hiện này xác nhận Việt Nam là nơi phát tích của dân cư châu Á. Con đường di cư phía nam có thêm sự ủng hộ. Tôi yên tâm đi con đường này. Kết quả là tôi đã đúng trong khi các học giả phương Tây và Trung Quốc theo quan điểm hai con đường dẫn tới sai lầm tai hại.
2.Câu hỏi thứ hai: Người đến Việt Nam là ai?
Để tìm hiểu sự hình thành dân cư phương Đông thì đáp án của câu hỏi này sẽ là biển chỉ đường. Vì lẽ, chỉ khi biết người đến Việt Nam là ai thì mới hiểu con người sinh ra tại Việt Nam là ai rồi từ đó mới theo bước chân của họ để biết sự hình thành dân cư các nước phương Đông. Có lẽ do không chú ý đến việc người tiền sử đặt chân tới Việt Nam đầu tiên nên không nhà di truyền nào đặt ra câu hỏi này. Rất may là trong cuốn Nhân chủng học Đông Nam Á, Giáo sư Nguyễn Đình Khoa khám phá: “Thời đồ đá, trên đất Việt Nam có mặt hai đại chủng Australoid và Mongoloid. Họ hòa huyết với nhau và con cháu họ hòa huyết tiếp sinh ra bốn chủng người Việt cổ Indonesian, Melanesian, Vedoid và Negritoid, cùng thuộc nhóm loại hình Australoid. Sang thời kim khí, người Mongoloid phương Nam xuất hiện và trở thành chủ thể dân cư. Người Australoid biến mất khỏi đất này, không hiểu do di cư hay đồng hóa?” Tư liệu này vô cùng giá trị, nó không những cho thấy, người di cư tới Việt Nam gồm hai đại chủng Australoid và Mongoloid mà còn xác định, bốn chủng người Việt cổ được sinh ra ở Việt Nam cùng một thời điểm, cùng một tổ tiên và là gốc của dân cư phương Đông. Nhờ nắm được tư liệu này, tôi giải thích sự hình thành dân cư châu Á rõ ràng và nhất quán. Không hiểu sao, tài liệu quý như thế mà các học giả thế giới không biết đến khiến cho họ bất cập trong việc giải thích nguồn gốc dân cư châu Á?
3. Câu hỏi thứ 3: Người Mông Cổ từ đâu ra?
Nguồn gốc chủng Mông Cổ là chìa khóa của vấn đề dân cư phương Đông. Nhà nhân học hàng đầu Việt Nam khẳng định: đại chủng Mongoloid có mặt ban đầu rồi biến mất trong suốt thời đồ đá nhưng sang thời kim khí thì xuất hiện trở lại để thay thế toàn bộ người Australoid. Người Mongoloid vì sao biến mất? Rồi từ đâu xuất hiện? Cho đến nay khoa học thế giới chưa có câu trả lời thỏa đáng cho hiện tượng bí hiểm này.
Từ khảo cứu của mình, tôi lý giải như sau:
i.Vì sao người Mongoloid biến mất khỏi Việt Nam?

Thứ Tư, 1 tháng 7, 2020

Bàn về giải pháp cứu nguy


Nguyễn Đình Cống
Gần đây trên nhiều trang báo mạng đăng bài “Nguy cơ và giải pháp cứu nguy cho Đảng”, dẫn từ nguồn DÂN LÀM BÁO. Nội dung gồm 2 phần: I- Nguy cơ và những vấn nạn nổi cộm. II- Giải pháp cứu nguy
Phần I nêu ra 3 loại nguy cơ: 1- Nguy cơ nội tại của Đảng. 2- Nguy cơ đến từ quốc tế. 3- Nguy cơ đến từ Trung quốc. Phần này được viết khá dài, tương đối đầy đủ, xin không nhắc lại, không phân tích.
Phần II trình bày 6 giải pháp, tóm lược như sau:
1-. Chủ tịch nước tuyên bố tạm ngưng thi hành một phần bản Hiến pháp hiện hành, giải tán Quốc hội và tách biệt các cơ quan Đảng (đảng uỷ) ra khỏi các cơ quan công quyền.
2. Chính phủ đang lãnh đạo được trao cho việc đảm nhiệm quyền hành pháp lâm thời trong 2 năm để:
Soạn thảo một bản Hiến pháp mới theo tiêu chí toàn dân, đa thành phần, tiến bộ & văn minh, trong vòng 9 tháng;
Tổ chức trưng cầu dân ý bản Hiến pháp mới ;
Chủ tịch nước ký 1 Sắc lệnh Ban Hành bản Hiến pháp mới.
3. Ngay sau khi ban hành Hiến pháp, Thủ tướng ký 1 Sắc lệnh “Hoà hợp hòa giải dân tộc” để đổi mới toàn thể xã hội VN.
4. Trong Tháng thứ 10 của nhiệm kỳ, Chính phủ Lâm thời ban hành một Sắc lệnh ấn định ngày Tổng tuyển cử tự do vào tháng thứ 22 trong nhiệm kỳ.
5. Chính phủ Lâm thời triệu tập phiên họp đầu tiên của Quốc hội Lập pháp vào ngày cuối cùng của nhiệm kỳ để làm lễ bàn giao.
6. Ngay sau khi Đảng ta rút về trụ sở Đảng, đồng chí Tổng bí thư triệu tập một Hội nghị TW mở rộng để tập trung thành phần trí tuệ trong Đảng soạn thảo một Đề cương mới tiến bộ & văn minh cho Kỷ nguyên thứ III của Đảng.
Bình luận: Giải pháp cứu nguy đề ra khá hay (chỉ xin xem lại, phải chăng ra sắc lệnh là thuộc Chủ tịch nước) Hay, nhưng chỉ là một giấc mơ giữa ban ngày với hai mắt mở to nhìn vào mọi loại nguy cơ.
Tất cả các giải pháp xuất phát từ việc Đảng trả lại quyền chính trị cho dân, thông qua Quốc hội thực sự của dân. Phải bầu được một Quốc hội có năng lực và trách nhiệm, thoát ra khỏi vai trò bù nhìn của Đảng.
Điều Đảng lo ngại là nhiều đảng viên thoái hóa, tham nhũng, Đảng không chọn được người tài giỏi làm lãnh đạo, mất lòng tin của dân. Nguyên do cơ bản là Đảng tranh nhiều quyền quá, nó giống như thỏi nam châm quyền lực, nó hút rất mạnh bọn người cơ hội, kém trí tuệ, thiếu trung thực mà có lắm mưu mô và đẩy ra xa những người có tài năng và trung thực, liêm khiết. Phải làm yếu đi sức hút của thỏi nam châm quyền lực và lợi ích thì Đảng mới có thể làm trong sạch, mới cứu nguy được. Cứ khăng khăng ôm lấy thật nhiều quyền lực thì đến lúc sẽ chết chìm cùng với nó.
Giống như một người không biết bơi, bị đuối nước, trong người giữ nhiều vàng bạc mà không chịu vứt bớt thì chẳng mấy chốc uống đầy bụng nước và chìm nghỉm.
ĐCSVN muốn tự cứu, muốn làm trong sạch thì điều kiện tiên quyết là trả quyền chính trị về cho dân, giảm bớt các quyền về kinh tế. Điều này không có gì khó. Không làm được chỉ vì quá tham và kém trí tuệ. Hãy tập trung mọi suy nghĩ, làm sao để dân bầu ra được một Quốc hội thực sự đại diện cho họ.
Để chuẩn bị cho Đại hội 13, ngoài các việc bình thường, tiêu tốn rất nhiều tiền và hiệu quả rất thấp, liệu TƯ Đảng có dám làm một vài việc thiết thực, có hiệu quả cao nhằm cứu nguy hay không. Trong đó có việc tổ chức nghe các người phản biện và một trong các ý kiến cần nghe là về bầu cử Quốc hội. Tác giả bài báo “Nguy cơ và giải pháp cứu nguy cho Đảng” là một trong những người phản biện mà lãnh đạo Đảng cần nghe trực tiếp. Ngoài ra cũng còn một số trí thức chân chính khác đang hoạt động cho công cuộc dân chủ hóa.
Bấy lâu nay Đảng trông chờ vào Hội đồng lý luận. Theo dõi hoạt động của Hội đồng thấy rằng các trí thức của Đảng chủ yếu là loại hữu danh vô thực, không đáng tin cậy, nghe theo họ chỉ ngu muội đi mà thôi. Gần đây TƯ Đảng họp bàn về bầu Quốc hội khóa mới. Tuy có một số tuyên bố huyênh hoang, nhưng chủ yếu vẫn theo con đường cũ với một số điều phản dân chủ, phản tiến bộ, phản khoa học.
Khi đã trả quyền lực chính trị cho dân, đã giảm bớt kìm kẹp và dối trá để cho dân lập được một Quốc hội thực sự đại diện cho họ thì Đảng sẽ dễ dàng làm trong sạch và lấy lại lòng tin, sẽ tránh được những nguy cơ làm tan rã. Để làm được thì trong Đảng phải xuất hiện lực lượng tiến bộ, dũng cảm đấu tranh với thế lực bảo thủ, giáo điều. Hy vọng ĐH 13 và nhiệm kỳ mới sẽ hình thành được lực lượng như thế.
N.Đ.C.


BÁO NHÀ NƯỚC ĐĂNG THẾ NÀY LÀ KHEN HAY CHÊ ĐÂY ?