Thứ Hai, 4 tháng 7, 2022

Trung Quốc, không phải Nga, vẫn đặt ra thách thức lớn nhất đối với an ninh của Hoa Kỳ

 

Việc ngăn chặn Trung Quốc thiết lập quyền bá chủ này ở châu Á phải là ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ — ngay cả khi đối mặt với những gì đang xảy ra ở châu Âu.

THE NATIONAL INTEREST by Elbridge Colby – July 1, 2022 

(Elbridge Colby là Đồng sáng lập và Giám đốc của Marathon Initiative, một tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận. Ông lãnh đạo việc xây dựng Chiến lược Quốc phòng Quốc gia năm 2018 với cương vị Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng về Chiến lược và Phát triển Lực lượng từ năm 2017–2018. Ông là tác giả cuốn The Strategy of Denial: American Defense in an Age of Great Power Conflict).

Ba Sàm lược dịch

Chính sách đối ngoại của Mỹ trong và sau cuộc chiến tranh Nga-Ukraina nên nhanh chóng hướng đến khu vực đóng vai trò quyết định nhất của thế giới: Châu Á.

Điều này đòi hỏi chính sách đối ngoại và quốc phòng của Mỹ phải thực sự đặt châu Á lên hàng đầu — trong các khoản đầu tư quân sự của chúng ta, trong việc phân bổ vốn và nguồn lực chính trị của chúng ta, cũng như sự chú tâm của các nhà lãnh đạo của chúng ta.

Kể từ cuộc xâm lược ghê tởm của Nga vào Ukraine, không có gì xảy ra mà lại làm thay đổi một loạt sự thật rằng: Châu Á là khu vực thị trường lớn nhất thế giới và nó đang tăng thị phần trên toàn cầu.

Nằm ở giữa châu Á là Trung Quốc, nó cùng với Hoa Kỳ, là một trong hai siêu cường của thế giới. Hành vi của Trung Quốc ngày càng trở nên hung hăng và độc đoán và dường như có xu hướng thiết lập quyền bá chủ của Bắc Kinh đối với châu Á. Nếu Bắc Kinh đạt được mục tiêu này, hậu quả gây ra cho cuộc sống của người Mỹ sẽ rất thảm khốc.

Do đó, ngăn chặn Trung Quốc thiết lập quyền bá chủ này đối với châu Á phải là ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ — ngay cả trong khi chúng ta phải đối mặt với những gì đang xảy ra ở châu Âu.

Sự thật đơn giản là châu Á quan trọng hơn châu Âu, và Trung Quốc là mối đe dọa lớn hơn nhiều so với Nga. Để so sánh, nền kinh tế của Châu Á lớn gấp đôi Châu Âu ngày nay — nhưng trong vòng hai mươi năm tới, nó có thể sẽ lớn hơn gấp nhiều lần. Trong khi đó, Trung Quốc có GDP lớn hơn Nga một bậc.

Nếu các xu hướng hiện tại vẫn tiếp tục, thì Trung Quốc sẽ bước vào một chu trình đạt được tham vọng bá chủ của mình.

Bắc Kinh đã và đang xây dựng một quân đội rõ ràng không chỉ giới hạn trong việc phòng thủ lãnh thổ. Thay vào đó, nó sẽ có khả năng cho phép Bắc Kinh theo đuổi các mục tiêu lớn hơn và đầy tham vọng — trước tiên bằng cách chiếm lấy Đài Loan, nhưng không kết thúc ở đó.

Thật vậy, trong bối cảnh có những mối quan ngại về cuộc chiến ở Ukraine, Bắc Kinh lại tuyên bố sẽ tăng chi tiêu quốc phòng lên 7% trong năm nay.

Trong khi đó, mặc dù nhiều lời, song Hoa Kỳ đã sao lãng vị thế quân sự của mình ở châu Á, giữa lúc nhiều đồng minh – đặc biệt là Nhật Bản và Đài Loan – lại tỏ ra chậm trễ trong việc duy trì khả năng phòng thủ của họ. Kết quả là cán cân quân sự ở châu Á tiếp tục thay đổi rõ rệt bất lợi cho Hoa Kỳ và các đồng minh của chúng ta.

Nói một cách thẳng thắn, chúng ta hiện đang nhanh chóng tiệm cận, nếu chưa phải là đã đến rồi, trước cái cánh cửa của vận hội giúp cho Trung Quốc có thể quyết định tấn công Đài Loan — và chúng ta có thể sẽ thua cuộc.

Tránh khỏi kết quả này phải là ưu tiên hàng đầu, quan trọng nhất đối với chính sách của Hoa Kỳ. Điều này không có nghĩa là châu Âu không quan trọng hoặc chúng ta nên bỏ qua hoặc từ bỏ nó. Chúng ta nên tích cực hỗ trợ Ukraine bằng vũ khí và các hình thức hỗ trợ khác trong khi vẫn cam kết kiên định với NATO, song các đóng góp của chúng ta cần tập trung hơn và quy mô hẹp hơn. Nhưng điều đó có nghĩa là châu Á phải là ưu tiên của chúng ta, và thực sự là như vậy, không chỉ mang tính khoa trương như trường hợp thường thấy trong quá khứ.

Vì những yếu tố này, việc chuyển trọng tâm của chúng ta sang châu Á sẽ có ý nghĩa bất kể việc Nga xâm lược Ukraine như thế nào. Nhưng, có thể, cuộc chiến ở Ukraine và phản ứng đối với nó thậm chí đã khiến Mỹ trở nên dễ chịu hơn khi quay sang châu Á.

Moscow, trong khi vẫn còn đe dọa và tỏ ra nguy hiểm, đã chứng minh một cách sinh động rằng sức mạnh của nó không đáng gờm như nhiều người trong chúng ta từng lo sợ. Nga rất có thể sẽ cố gắng phục hồi sức mạnh của mình, nhưng những tổn thất do chiến tranh và tác động của các lệnh trừng phạt có khả năng khiến quá trình đó trở nên chậm chạp và khó khăn.

Đồng thời, châu Âu đã đứng lên, đã loan báo về sự gia tăng lớn trong chi tiêu quốc phòng, hỗ trợ khả năng tự vệ của chính Ukraine và thể hiện mức độ gắn kết chưa từng có trong việc áp dụng các biện pháp trừng phạt và các hình thức gây sức ép khác đối với Nga.

Kết quả là Moscow dường như ít tỏ ra là mối đe dọa như nhiều người trong chúng ta đã nghĩ, trong khi người châu Âu đang làm nhiều việc hơn để tự bảo vệ mình. Nếu có, điều này sẽ khiến Hoa Kỳ sẵn sàng tập trung vào châu Á nhiều hơn, chứ không phải ít hơn.

Thật vậy, trong những trường hợp này, thật khó hiểu logic của việc Mỹ tăng cường tập trung vào châu Âu. Tại sao chúng ta lại tăng cường chi tiêu hơn ở châu Âu so với châu Á, trong khi mối đe dọa từ Nga lại thấp hơn [so với Trung Quốc] và khả năng tự lực của châu Âu thì nhiều hơn?

Tuy nhiên, nhiều người trong giới hoạch định chính sách đối ngoại và giới chính trị dường như coi Chiến tranh Nga-Ukraine là một cơ hội chính xác để tập trung tăng cường cho châu Âu. Thậm chí, đối với một số người, đó là một cơ hội để quay lại chính sách đối ngoại của thời kỳ chủ nghĩa đế quốc tự do trên toàn cầu từ hai thập kỷ trước.

Washington phải chống lại sự cám dỗ như bệnh dịch này. Các chính sách đối ngoại có tính ngạo mạn của những năm 2000 là không khôn ngoan, ngay cả trong thời kỳ đơn cực, như chúng ta đã thấy.

Khi các nhà lãnh đạo Mỹ tuyên truyền về việc chấm dứt cái ác, thì Trung Quốc đã lớn mạnh với cái giá mà chúng ta phải trả; các cuộc viễn chinh quân sự của chúng ta ở Trung Đông đã kết thúc trong thất vọng; và chúng ta đã đánh mất lợi thế quân sự và nhiều lợi thế kinh tế của mình.

Nhưng những chính sách như vậy sẽ càng trở nên thiếu sáng suốt hơn khi chúng ta hiện đang bị nhốt trong cuộc cạnh tranh chiến lược với một siêu cường Trung Quốc mạnh hơn nhiều so với Liên Xô, Đức hay Nhật Bản trước đây. Đơn giản là chúng ta không còn ưu thế về quyền lực để lãng phí tài nguyên của mình nữa.

Vì vậy, thời gian để tập trung vào khu vực này và cuộc cạnh tranh thực sự quan trọng: cần nỗ lực phủ nhận sự thống trị của Trung Quốc ở châu Á. Chúng ta đã đi sau rất nhiều trong cuộc đấu tranh đó, và mỗi ngày chúng ta lơ là trong việc tăng cường sự tập trung của mình sẽ làm tăng thêm khả năng xảy ra khủng hoảng, chiến tranh và thất bại – với những hậu quả đau buồn cho tất cả người Mỹ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét